TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những câu hỏi đầu tiên về Kinh Thánh: Tổng quát

Thứ ba - 02/08/2022 20:03 |   1158
Những câu hỏi đầu tiên về Kinh Thánh: Tổng quát

 

 
  •  
    •  


NHỮNG CÂU HỎI ĐẦU TIÊN VỀ KINH THÁNH: TỔNG QUÁT
Michel Quesnel

Tác giả

Sinh năm 1942 tại Paris, Michel Quesnel vào tập viện Dòng Oratoire de Jésus năm 1961. Sau khi tốt nghiệp khoa Thần học tại Đại học Strasbourg, ông được phong chức linh mục ngày 1 tháng 7 năm 1969. Lòng yêu thích Kinh Thánh đã đưa ông đến Giáo hoàng Học viện Kinh Thánh tại Rôma (Institutum Pontificium Biblicum) và Trường Kinh Thánh và khảo cổ Pháp ở Giêrusalem (L’École biblique et archéologique française). Năm 1984, ông trình luận án tiến sĩ thần học tại Học viện Công giáo Paris (l’Institut catholique de Paris) và là Phó viện trưởng học viện này từ năm 1988 đến 1994; năm 2003 ông được bầu là Viện trưởng Đại học Công giáo Lyon (l’université catholique de Lyon) trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (2003-2008 và 2008-2011). Từ năm 2011, Michel Quesnel rút lui khỏi công việc tại các đại học Công giáo, làm tuyên úy cho Đền thánh Saint-Bonaventure ở Lyon. (Lời giới thiệu của người dịch)

DẪN NHẬP

Kinh Thánh là cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới. Trong các quốc gia mà Kitô giáo hiện diện, Kinh Thánh cũng là cuốn sách bán chạy, ít nhất là gián tiếp.

Người ta dựng cây thánh giá trong các ngôi làng, trong nghĩa trang, bên vệ đường. Biểu tượng này có nghĩa gì vậy? Người ta nói về một người nào đó rằng ông ấy “nghèo như ông Gióp” hay về một biến cố rằng nó “xưa như Mathusalem”. Những cách nói này chỉ về ai thế?  Khi bước vào trong ngôi thánh đường, ta nhìn thấy những bức tranh và tượng điêu khắc trình bày những cảnh tượng trong Kinh Thánh. Cảnh tượng nào thế?

Một vài người cho rằng Kinh Thánh ủng hộ thuyết sáng tạo (créationnisme). Có đúng thế không?
Kinh Thánh có nói về sự tận cùng của thế giới? Phải nghĩ gì về ông Ađam và bà Evà?
Cuốn sách này thử trả lời tất cả những câu hỏi mà người ta đặt ra này.

Sách dùng những từ rất đơn giản để có thể đến tay người đặt ra những câu hỏi về Kinh Thánh ở bất kỳ độ tuổi nào: từ 10 cho đến 90 tuổi … và thậm chí còn cao hơn nữa!

TỔNG QUÁT

Tại sao Kinh Thánh là một cuốn sách vĩ đại?

Riêng mình cuốn Kinh Thánh thôi thì đã là một thư viện thật sự. Kinh Thánh gồm nhiều cuốn sách khác nhau. Chúng thường được đóng lại thành một tập nhưng cũng có những cuốn kinh thánh đóng thành nhiều tập. Kinh Thánh Công giáo gồm 73 cuốn, Kinh Thánh Tin lành gồm 66 cuốn, và 24 cuốn trong Kinh Thánh Do thái giáo. Kinh Thánh trong tiếng Anh và tiếng Pháp là “Bible”, từ này có gốc từ tiếng Hy Lạp là “Biblia” (βιβλία, số nhiều của βιβλίον hay βίβλος).

Kinh Thánh gồm nhiều thể loại sách khác nhau: những cuốn lịch sử, những bộ luật, những câu chuyện cổ, những tập thơ ca, những hồ sơ lưu trữ, những bài giảng thuyết, những bức thư, etc. Nhiều người trong chúng ta dành riêng một góc nào đó để xếp các tài liệu quan trọng: những cuốn phim hoạt hình và tiểu thuyết yêu thích, hai hay ba cuốn sách những bài hát, những sổ tay ghi chép, những tấm bưu thiếp sưu tầm trong các dịp đi nghỉ, etc. Cũng vậy, Kinh Thánh là bộ sưu tập những cuốn sách khác nhau, là kho tàng văn chương và tôn giáo của một dân tộc.

Kinh Thánh trọn bộ gồm khoảng 2.000 trang. Với kỹ thuật in ấn thời xưa, in một cuốn Kinh Thánh đòi hỏi phải mất nhiều tháng. Như trong một thư viện, các sách Kinh Thánh cũng được xếp theo thể loại.
Đối với các Kitô hữu. Các sách Kinh Thánh được xếp thành hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả các sách Cựu Ước được viết trước khi Đức Giêsu Kitô sinh ra. Đây là những cuốn sách duy nhất mà người Do thái xem như là Sách Thánh. Tất cả những sách Tân Ước, gồm 27 cuốn, được viết sau thời Đức Giêsu Kitô. Những sách này không nằm trong Sách Thánh của Do thái giáo.

Cùng với những sách Kinh Thánh nói riêng, ta cũng thường thấy có những phần giới thiệu, những tấm bản đồ, những chú thích, những bảng danh sách, tất cả đều có thể giúp ta hiểu rõ Kinh Thánh hơn.

Có phải Kinh Thánh là cuốn sách cổ xưa nhất thế giới?

Người ta đã nghĩ như thế trong suốt nhiều thế kỷ. Hiện nay, ta biết rằng điều ấy là sai. Trình thuật về trận lụt đại hồng thủy được kể trong Kinh Thánh đã được gợi hứng một phần nào đó qua những câu chuyện lụt đại hồng thủy khác được viết trên những tấm bảng bằng đất sét, được khám phá ở vùng Lưỡng hà (Mésopotamie), có niên đại lên đến hai ngàn năm trước Đức Giêsu Kitô. Không một trang Kinh Thánh nào cổ xưa đến như thế. Chữ viết đã được sáng tạo hầu như đồng thời ở Ai Cập và vùng Lưỡng hà hơn ba ngàn năm trước Đức Giêsu Kitô. Những bản văn cổ xưa nhất đều thuộc về hai miền đất này.

Những trình thuật Kinh Thánh cổ xưa nhất nói về ông Abraham. Vì chúng được truyền khẩu, nên thật khó xác định được niên đại của chúng. Việc ghi chép thành văn chắc chắn được thực hiện vào thế kỷ VII trước Công nguyên. Những bản văn mới nhất có niên đại vào khoảng năm 125 của kỷ nguyên  chúng ta. Như vậy, việc soạn thảo Kinh Thánh diễn tiến trên hai ngàn năm.

Vào năm 1947, người ta đã tìm thấy những bản thảo rất cổ của Kinh Thánh, được viết trên da thuộc (parchemin) và giấy thảo (papyrus), ở gần một cơ sở của Do thái giáo bên bờ Biển Chết là Qumrân. Chúng được giấu trong các hang động để tránh quân Rôma, và các bản văn khác cũng được giấu đi cùng với chúng, cách đây hai ngàn năm. Người ta gọi toàn bộ những bản băn này là “Những bản thảo Biển Chết” (manuscrits de la mer Morte). Chúng rất hữu ích để biết người ta đọc Kinh Thánh như thế nào vào thời Đức Giêsu.

Tại sao có những bộ Kinh Thánh không đồng nhất?

Có hai bộ Kinh Thánh lớn: Kinh Thánh của Do thái giáo và Kinh Thánh của Kitô hữu. Đối với các Kitô hữu, Đức Giêsu Nazarét là Con Thiên Chúa. Cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Ngài thật quan trọng đến nỗi những sách do các môn đệ của Ngài viết ra đã được gộp vào trong cuốn Kinh Thánh. Đó là Tân Ước.

Trong số các Kitô hữu, có sự khác nhau giữa người Công giáo và Tin lành. Đối với người Công giáo (catholiques) và Chính thống giáo (orthodoxes), Cựu Ước bao gồm những sách mà những người Do thái ở thành Alexandrie, Ai Cập, xem như Sách Thánh của mình vào thời Đức Giêsu. Phần lớn được viết bằng tiếng Hípri (hébreu), một vài đoạn bằng tiếng Aram (araméen), những đoạn khác được soạn thảo bằng tiếng Hy Lạp. Còn những người Tin lành, họ chỉ nhận vào Cựu Ước những sách thánh được người Do thái đương thời với Đức Giêsu sống ở đất nước Israël nhìn nhận. Tất cả những sách ấy được viết bằng tiếng Hípri (có vài chương viết bằng tiếng Aram). Và như vậy, Kinh Thánh của người Tin lành ít hơn Kinh Thánh của người Công giáo 7 cuốn.

Ngoài những khác biệt lớn này, còn có những khác biệt nữa ít quan trọng hơn. Cũng vậy, các sách không luôn được trình bày cùng một trật tự; các bản văn không được dịch cùng một cách; vài cuốn Kinh Thánh có hình ảnh, những cuốn khác thì không. Cuối cùng, có một vài cuốn không hoàn chỉnh, nhất là những cuốn Kinh Thánh dành cho trẻ em: người ta bỏ đi những đoạn gây bối rối hay khó hiểu. Phải biết những điều này trước khi mua một cuốn Kinh Thánh, để việc chọn lựa được kỹ càng hơn.

Kinh Thánh là cuốn sách thánh?

Đối với người Do thái và các Kitô hữu (Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo, Anh giáo), Kinh Thánh là Lời Chúa mà qua đó Thiên Chúa nói với con người những điều rất hệ trọng cho đời sống của họ. Người ta gọi đó là “sách thánh” hay “Kinh Thánh”, như một cuốn sách thánh thiêng: trong kinh Coran người ta cũng gặp thấy những nhân vật được Kinh Thánh biết đến, nhưng người Hồi giáo không xem Kinh Thánh là sách thánh.

Các tín hữu rất tôn kính sách thánh. Trong các hội đường – nơi người Do thái hội họp nhau để cầu nguyện – bản văn tiếng Hípri được viết trên những cuộn da thuộc, xếp vào trong chiếc hòm trang trí lộng lẫy gọi là “hòm thánh” (armoire sainte). Người ta cẩn thận đón rước chúng. Và để đọc, họ lần theo các hàng chữ với chiếc que bằng quý kim ở đầu có khắc một bàn tay nhỏ. Điều này cho phép không tiếp xúc với bản văn thánh. Trong các thánh đường của Tin lành và nhà thờ của Công giáo, cuốn Kinh Thánh được đặt nơi trang trọng, nhìn thấy rõ. Người ta cũng đón rước trọng thể khi đọc chúng.
Khi có một cuốn Kinh Thánh ở nhà, đừng chỉ để ngắm nó như trong thư viện. Khi đọc và làm việc trên các bản văn, hãy ghi chú bằng bút chì bên lề trang sách những gì mình muốn nhớ. Kinh Thánh là cuốn sách để sử dụng chứ không phải một đồ vật trong viện bảo tàng.

Ta có biết ai viết Kinh Thánh không?

Đối với nhiều sách trong Kinh Thánh thì biết được. Nhưng những cuốn khác thì không. Chẳng hạn, nhiều thư của Thánh Phaolô chắc chắn là do ngài viết. Ngài không tự tay mình viết vì vào thời ấy người ta đọc sách của mình cho một người viết chuyên nghiệp; nhưng chính ngài là tác giả thật sự. Tuy nhiên, nhiều thư được gán cho Thánh Phaolô mà tác giả là những môn đệ của ngài. Hơn nữa, ta không biết được tên tuổi của họ.

Vào thời cổ đại, người ta thường vinh danh một người nào đó bằng cách gán cho họ những cuốn sách mà họ không viết. Người ta ký bằng tên những vĩ nhân. Nhiều sách thánh được gán cho vua Salômon, con vua Đavít, dù ông thật sự không phải là tác giả. Đối với những sách của ngôn sứ Isaia, phần đầu do chính ông viết, nhưng phần cuối do các môn đệ sống sau ông một trăm năm. Về các Thánh Vịnh, chỉ có một vài thánh vịnh trong một trăm năm mươi thánh vịnh là thuộc về vua Đavít.

Trước hết, những phần quan trọng trong Kinh Thánh được lưu truyền bằng truyền khẩu trước khi thành văn. Đó là trường hợp của năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước (Ngũ Thư) mà ngày xưa người ta cho là tác phẩm của ông Môisê. Thật sự, công việc soạn thảo này kéo dài nhiều thế kỷ. Chắc chắn có những truyền thống rất cổ xưa ngược dòng lên đến thời ông Môisê (khoảng năm 1200 trước Công nguyên), nhưng chúng được nhiều thế hệ kế tiếp nhau lấy lại, và toàn thư bộ chỉ được hoàn tất khoảng bảy trăm năm sau đó. Thậm chí người ta còn thuật lại cái chết của ông Môisê, như thế chúng tỏ rằng ông không phải là tác giả.

Các tín hữu, Do thái giáo và Kitô giáo, nghĩ rằng Kinh Thánh là Lời Chúa; tác giả của chúng được gọi là “các tác giả được linh hứng” (auteurs inspirés). Nhưng họ không ý thức và cũng không biết rằng những tác phẩm của mình sau đó sẽ là một phần trong cuốn Kinh Thánh.

Ta có được những bản văn chính thức không?

Ta không có được những bản thảo nguyên bản của bất kỳ tác phẩm nào thời cổ đại, cả những sách của cuốn Kinh Thánh và những sách khác. Trước hết, như ta đã biết, nói chung tác giả không tự tay mình viết ra. Ông đọc tác phẩm và thư từ của mình cho một người viết chuyên nghiệp, người biết làm mực viết và chuẩn bị những giấy chỉ thảo hay da thuộc. Viết chữ là một cái nghề. Đàng khác, nhà in chưa được biết đến, người ta sản xuất ra các văn bản bằng cách sao chép chúng từ những bản thảo đã có. Và điều không thể tránh khỏi là có những sai lỗi trong khi làm việc.

Những bản thảo mà ta có được là những bản sao của các bản sao. Đối với Cựu Ước, bản cổ nhất được khám phá gần Biển Chết. Nó có niên đại khoảng một trăm năm trước Công nguyên. Đối với Tân Ước, người ta đã tìm thấy một mảnh Tin Mừng Thánh Gioan có niên đại lên đến năm 150 của Công nguyên, nghĩa là chỉ 60 năm sau khi tác phẩm được soạn thảo. Thật là kỳ diệu! Những bản thảo lớn gồm trọn bộ Kinh Thánh có từ thế kỷ thứ IV và V sau Công nguyên.

Việc nghiên cứu tìm ra những nguyên bản từ những bản thảo mà ta có được, đó là một khoa học: khoa phê bình văn bản (la critique textuelle). Người ta sử dụng khoa học này để nghiên cứu Kinh Thánh, cả những tác phẩm cổ điển nữa, chẳng hạn Những ngụ ngôn của Ésope (les Fables d’Ésope) hay Trường ca Roland (la Chanson de Roland). Hiện thời, khoa này đủ để đem lại những kết quả chắc chắn.

Kinh Thánh được viết bằng ngôn ngữ nào?

Phần lớn Cựu Ước được viết bằng tiếng Hípri (hébreu). Đây là ngôn ngữ thánh của dân Do thái, và ngày nay đây là ngôn ngữ chính thức của nước Israël.

Một vài đoạn Cựu Ước được viết bằng tiếng Aram (araméen). Như tiếng Hípri và tiếng Ả Rập, nó thuộc hệ ngôn ngữ Sêmít (langue sémitique). Người ta nói ngôn ngữ này ở vùng Lưỡng Hà khi dân Do Thái bị lưu đày ở đấy vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Họ học biết ngôn ngữ này ở đây và phần lớn họ vẫn tiếp tục nói ngôn ngữ này khi quay trở về đất nước Israël sau thời Lưu đày, chủ yếu là trong tỉnh miền Galilê. Tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu, sinh trưởng ở  Nazarét, là tiếng Aram. Hiện nay, người ta chỉ còn nói tiếng này ở các làng mạc vùng cao nguyên Euphrate, Thổ Nhĩ Kỳ và Syrie.

Tân Ước hoàn toàn được viết bằng tiếng Hy Lạp. Là ngôn ngữ gốc Âu châu, tiếng Hy Lạp lan tràn sang vùng Cận Đông theo bước chân chinh phục của Alexandre Đại Đế (356-323 trước Công nguyên). Người ta nói một thứ tiếng Hy Lạp đơn giản trong hầu hết vùng Địa Trung Hải vào thời Đức Giêsu, cũng giống như tiếng Anh ngày nay được dùng làm ngôn ngữ quốc tế. Một vài sách được người Công giáo xem là một phần của Cựu Ước cũng được viết bằng tiếng Hy Lạp.

Tiếng Latinh không phải là ngôn ngữ Kinh Thánh. Tuy nhiên, Kinh Thánh trọn bộ đã được Thánh Giêrônimô (347-420 Công nguyên) dịch sang tiếng Latinh. Bản dịch Kinh Thánh này được sử dụng trong suốt nhiều thế kỷ và đã trở thành bản văn chính thức của Giáo Hội Công giáo.  Hiện nay, người ta luôn dịch Kinh Thánh từ các ngôn ngữ gốc: Hípri, Aram và Hy Lạp.

Tất cả những gì được viết trong Kinh Thánh đều có thật?

Các tác giả Kinh Thánh sử dụng kiến thức khoa học của thời đại mình. Một vài điều hoàn toàn lỗi thời. Chẳng hạn, người ta tin rằng thế giới được sáng tạo trong bảy ngày. Ngày nay, người ta cho rằng nó phải trải qua khoảng mười ba tỷ rưỡi năm giữa “vụ nổ lớn (big bang) và sự xuất hiện của con người đầu tiên. Người ta tin rằng Mặt trời xoay quanh Trái đất, vì chúng ta có ấn tượng như vậy, thế mà chắc chắn rằng Trái đất xoay quanh Mặt trời.

Thời cổ, người ta thường cho quá khứ là thời vàng son, thời mà con người sống rất thọ. Kinh Thánh kể rằng ông Abraham sống đến 175 tuổi; và người sống thọ nhất là ông Mathusalem, chết năm 969 tuổi! (Stk 5, 25-27). Tất cả những điều này đều không đúng dù câu thành ngữ “Vieux comme Mathusalem” (Già như ông Mathusalem) đã nên phổ biến. Hơn nữa, đời sống con người ở thời đại chúng ta thọ hơn nhiều so với người thời xa xưa.

Trong Kinh Thánh cũng có những sai lầm về các vấn đề ít quan trọng hơn. Con thỏ được xếp vào loại nhai lại vì hàm của nó luôn cử động. Hiện nay ta biết rằng chúng cọ các hàm răng để răng không mọc quá dài và việc này không liên quan gì đến nhai lại.

Vài sách Kinh Thánh là những câu chuyện cổ tích (contes) như: Tobia, Juđít, Étte, Giôna. Những cuốn sách này không trình bày sự thật theo nghĩa lịch sử; tuy nhiên điều này không ngăn cản chúng nói lên những điều đúng về đời sống nói chung, chút nào đó cũng giống như Những dụ ngôn của La Fontaine (les Fables de La Fontaine).

Đối với các tín hữu, Kinh Thánh là Lời của Chúa, không chứa đựng những sai lầm về các chân lý chủ yếu.

Những điều được kể lại trong Kinh Thánh xảy ra ở đâu?

Trong Kinh Thánh có rất nhiều nơi chốn. Gần với chúng ta nhất là Rôma, nơi sách Tông đồ công vụ kể lại chuyện Thánh Phaolô đã đến đấy sau một hành trình dài. Xa nhất là xứ Ur (Stk 11, 27 - 12, 9), Irak hiện nay, quê hương gia đình ông Abraham.

Trung tâm địa lý của Kinh Thánh là miền đất Israël, cũng gọi là Đất Thánh, xứ Palestine, hay Canaan. Thiên Chúa đã nói với ông Abraham: “Ta ban xứ sở này cho dòng dõi ngươi” (Stk 24, 7-11). Ngày nay, xứ này là nước Israël và các lãnh thổ  Palestine.

Dãi đất này nằm ở phía Nam nước Liban, được biển Địa Trung Hải bao viền phía Tây, sa mạc ở phía Nam, Biển Chết ở phía Tây và con sông Jourdain đổ vào đấy. Biển Chết nằm dưới mực nước biển toàn cầu (dưới 395 m) và nước rất mặn. Trên thế giới không có nơi nào khác giống như vậy.

Hai trăm cây số từ Bắc xuống Nam, gần một trăm cây số giữa sông Jourdain và biển Địa Trung Hải: xứ sở Kinh Thánh rộng bằng nước Bỉ.

Giêrusalem, thành phố chính, rất quan trọng trong Kinh Thánh. Được vua Đavít chinh phục và trở thành kinh đô của ông (2 Sm 5, 6-12). Con trai ông là Salômon đã xây dựng ở đấy một đền thờ mà Cựu Ước xem như ngôi nhà của Thiên Chúa (1V, 5,15 – 8,66). Bị người Rôma phá hủy vào năm 70 Công nguyên, Đền thờ Giêrusalem không được xây dựng lại. Thế giới hạnh phúc mà những người công chính sống đời đời trong đó được sách Khải Huyền gọi là “Giêrusalem mới” (Kh 21).

Kinh Thánh có nói về thú vật không?

Thời cổ, con người gần gũi với thiên nhiên hơn bây giờ. Kinh Thánh nói rằng, từ khi được tạo dựng, Thiên Chúa cho muôn thú vây quanh người đàn ông (Stk 2, 18-25). Nhưng không có con vật nào thật sự có thể làm bạn với con người; thế nên Thiên Chúa đã ban cho người đàn ông một phụ nữ để làm bạn (Stk 3, 1-7).

Vài con vật được trình bày như kẻ thù của con người: con rắn chẳng hạn, nó luôn gây sợ hãi. Cá sấu và hà mã ở sông Nil, Ai Cập, rất ấn tượng; người ta đồng hóa chúng với những quái thú nguyên thủy mà Thiên Chúa đã chinh phục để tạo dựng thế giới trên cứ địa của chúng.

Gia súc rất quý. Người ta dâng chúng làm của lễ hy tế: bò, dê, chiên, etc. Trái lại, người ta xem như là không tinh sạch những con vật mà thịt của chúng mang ký sinh trùng và có thể gây bệnh, chủ yếu là giống heo (Lv 11). Kinh Thánh yêu thích những con chim. Chim bồ câu là sứ giả hòa bình (Stk 8, 8-12) và là biểu tượng của Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh (Mc 1, 9-11). Đức Giêsu lấy chim trời làm ví dụ cho sự tín thác vào Thiên Chúa.

Ngựa khiến ta nghĩ đến sức mạnh của các chiến binh; quá cậy tin vào chúng là quên đi rằng chỉ mình Thiên Chúa mới ban sự chiến thắng. Kinh Thánh thích con lừa hơn, ít cao sang nhưng bền bỉ hơn; chính trên lưng lừa mà Đức Giêsu đi vào thành Giêrusalem, để chứng tỏ rằng Ngài không muốn chinh phục bằng sức mạnh (Mc 11, 1-11). Trái lại, bò lừa trong hang đá không được Kinh Thánh đề cập đến. Chúng nằm trong truyền thuyết dân gian.

Kinh Thánh không nói đến mèo, và như mọi dân tộc phương Đông, người Do Thái cổ không thích chó. Tuy nhiên, một thanh niên tên là Tobia đã được một trong những loài vật này đồng hành trên đường đi. Từ đó, Tobia đã trở thành một tên gọi thông dụng dành cho chó (Tb 6,1).

Vấn đề tư tế trong Kinh Thánh?

Mọi dân tộc vùng Cận Đông đều có tư tế, nhiệm vụ chính của họ là dâng hy lễ. Đây là trường hợp của người Ai Cập, người Canaan, người Híttít, người Babylon. Và người Do Thái cũng thế.

Vào thời ông Abraham, chính người chủ gia đình thi hành nhiệm vụ này. Phải đợi đến thời ông Môisê, thời lưu đày, thì một nhóm tư tế mới được thành lập với vị đại tư tế là ông Aaron, anh ông Môisê.
Các tư tế ở Israël là những người nam thuộc chi tộc Lêvi (Lv 8-10). Vì thế, người ta làm tư tế là do sinh trưởng (và các tư tế được kết hôn). Ngày nay, những người Do Thái được gọi tên là Lêvi hay Cohen (có nghĩa là “tư tế” trong tiếng Hípri) thuộc nhóm người này. Tuy nhiên, từ khi Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, họ không còn có thể thi hành nhiệm vụ này nữa.

Đức Giêsu thuộc chi tộc Giuđa nên Ngài không phải là tư tế. Nhưng các Kitô hữu cho rằng khi dâng chính mình làm của lễ cho con người, Ngài vừa là tư tế vừa là của lễ. Trong Tân Ước, Ngài là tư tế đích thực duy nhất, và không còn ai khác như Ngài, như Thư gởi tín hữu Do Thái đã khẳng định (Dt 3-9).
Các linh mục Công Giáo không lấy lại nhiệm vụ của các tư tế Do Thái giáo, nhưng lấy lại nhiệm vụ của các thủ lĩnh của những cộng đồng Do Thái, các Trưởng lão. Linh mục trong tiếng Pháp là “prêtre”, từ này có gốc từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là “trưởng lão”. Để tránh nhầm lẫn, người Tin Lành dùng từ “pasteur”, có nghĩa là “mục sư”.

Đọc Kinh Thánh bắt đầu từ đâu?

Kinh Thánh không được viết để đọc tiếp nối nhau và một vài đoạn khá khó hiểu. Tốt hơn hết là đừng nên bắt đầu bằng những đoạn này. Tuy nhiên, ta có thể bắt đầu từ cuốn sách đầu tiên, sách Sáng thế ký (hay sách Khởi nguyên). Trước tiên, sách này nói về nguồn gốc thế giới như những người thời thượng cổ hiểu về nó, rồi sau đó thuật lại câu chuyện đời sống của ông Abraham, ông Isaác và Giacóp, những tổ tiên du mục của dân Do Thái, cũng gọi là dân Israël.

Ta cũng có thể trước hết đọc hai cuốn Samuel, khá đơn giản. Những sách này thuật lại dân Israël, khi đã được thành lập trên trái đất, đã có vị vua vĩ đại đầu tiên như thế nào: vua Đavít. Các Kitô hữu nói chung biết nhiều về bốn cuốn Tin Mừng hơn những phần còn lại của Kinh Thánh. Nhân vật mà những cuốn này thuật lại, Đức Giêsu, có một tầm quan trọng trong lịch sử tôn giáo trên thế giới; thậm chí người ta còn tính năm bắt đầu từ khi Ngài được sinh ra. Đối với một vài sách chẳng hạn như các Thánh Vịnh, đây là tuyển tập một trăm năm mươi lời cầu nguyện, ta có thể chọn ngẫu nhiên một bài thánh vịnh để tìm hiểu mà không cần biết các thánh vịnh ở trước hay sau.   

Trong các nhà thờ, các nguyện đường Tin Lành, các hội đường, người ta lớn tiếng đọc những đoạn Kinh Thánh. Chúng được lựa chọn theo ngày lễ.

(Phần hai: Cựu Ước)

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: Premières questions sur la Bible, 
De dix à quatre-vingt-dix ans
Desclée de Brouwer, 2010
Nguồn: gpquinhon.org (01.08.2022)



https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-cau-hoi-dau-tien-ve-kinh-thanh-tong-quat-46318

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây