TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tìm hiểu gia phả Đức Giêsu theo thánh Matthêu

Thứ tư - 07/12/2022 06:46 |   992
Đức Giêsu cứu rỗi mọi người, người tội lỗi cũng được cứu; cả người tội lỗi cũng được cộng tác vào công cuộc của Chúa.
Tìm hiểu gia phả Đức Giêsu theo thánh Matthêu

 

 
  •  
    •  


TÌM HIỂU GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU THEO THÁNH MATTHÊU
Lm. Robert P. Maloney, CM
Cựu Tổng quyền Tu Hội Truyền Giáo.


Hằng năm, vào ngày 17 tháng 12, trong thánh lễ, chúng ta nghe công bố trình thuật về gia phả của Đức Giêsu theo Tin Mừng Matthêu:

“Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Abraham: Ông Abraham sinh I-xa-ác; I-xa-ắc sinh Gia-cop; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-rôn; Khét-rôn sinh Aram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Giê-sê; Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đavít lấy vợ ông U-ri-a sinh Sa-lô-môn…” (Mt 1, 1-17).
Đọc trình thuật về gia phả của Chúa Giêsu, chúng ta thấy chán với những tên tuổi xa lạ chẳng biết phát âm ra sao, đọc tiếp trình thuật kể 14 đời từ A-bra-ham đến Đa-vít, 14 đời từ Đa-vít đến thời lưu đày ở Babylon, rồi 14 đời từ cuộc lưu đày đến Đức Giêsu cũng thấy vậy.
Nhưng chú ý đọc, chúng ta sẽ thấy rằng, bằng nhiều cách, trình thuật mang tính cách đối xứng về gia phả của Đức Giêsu theo Matthêu tinh tế hơn nhiều. Chẳng hạn, trái ngược với não trạng của các tổ phụ thời đó, thánh Mathêu đã xen bốn người phụ nữ vào danh sách dài của những người đàn ông – một điều mới mẻ kỳ lạ nhưng đầy hấp dẫn.
Những người phụ nữ này là ai?
Tại sao họ có mặt ở đây?
Họ nói gì về Mùa Vọng cho chúng ta?
Chắc hẳn, các độc giả của thánh Matthêu choáng váng khi đọc thấy trong danh sách tên bốn người phụ nữ: Ta-ma, Ra-kháp, Rút, và Bat-sê-ba. Các độc giả còn đỏ mặt khi thấy tên Ta-ma nữa. Sách sáng thế (38,15tt) kể lại rằng, Ta-ma đã cải trang làm kỹ nữ và quyến rũ bố chồng là ông Giu-đa. Hai người con sinh đôi bất hợp pháp của họ, Pe-rét và De-rác rõ ràng là những tổ phụ của Đức Giêsu.
Các Kitô hữu thế kỷ đầu có lẽ đã có những phản ứng thuận lợi nhiều cho việc viết tên của Ra-kháp vào danh sách. Bà là một kỹ nữ, như sách Josuê viết (Jos 2,1 tt), nhưng Tân Ước lại khen bà có Đức tin và những việc làm tốt đẹp (Dt 11,31; Gc 2,25). Bà ta đã dấu các thám tử Dothái đã xâm nhập Giê-ri-cô, như thế là làm cho việc đánh chiếm thành thêm dễ dàng. Khi những bức tường thành đổ xuống (Jos 6, 20), chỉ có Ra-kháp và gia đình được cứu sống. Chúng ta không biết gì về Xan-môn, người được ghi tên vào danh sách là bố của con bà, nhưng người ta tự hỏi biết đâu Xan-môn là một trong những khách hàng của bà.
Về bốn người phụ nữ, bà Rút nổi bật nhất trong Kinh thánh. Tất cả chúng ta đều nhớ lòng trung thành tuyệt vời của người phụ nữ ngoại kiều này với bà mẹ chồng Do thái. Chẳng những không bỏ Na-ô-mi, bà Rút còn tuyên bố: “Bất cứ mẹ đi đâu con cũng đi theo, mẹ ở đâu con cũng ở đó. Dân tộc mẹ sẽ là dân tộc con và Thiên Chúa của mẹ sẽ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con cũng chết ở đó và xin được chôn ở đó” (Rut 1,16-17). Thế là Rút đã đồng hành với Na-ô-mi từ Cánh đồng Mô-áp tới Bê-lem, nơi mà mẹ chồng bà giới thiệu bà với người bà con tên là Bô-át, người bà sẽ cưới. Đứa con của cuộc hôn nhân hợp chủng này, Ô-vết, trở thành tổ phụ của vua Đa-vít.
Điều gây sốc nhất, cả cho những người đương thời của thánh Matthêu và cả cho chúng ta ngày nay, đó là người phụ nữ thứ tư trong gia phả. Thánh Matthêu kín đáo không nêu tên bà ta, chỉ đơn thuần nói bà là vợ ông U-ri-a. Bà Bát-sê-ba xấu xa, như chúng ta biết, đã phạm tội ngoại tình với Đa-vít; rồi vua Đa-vít, trong cố gắng dấu việc thụ thai của Bát-sê-ba, đã gọi chồng bà ta từ mặt trận về và cố ép ông ta về ngủ với vợ. Khi ông U-ri-a không về nhà, Đa-vít đã ra lệnh giết U-ri-a (2Sm 11,11tt). Sau thời gian than khóc, mãn tang chồng (2Sm 11,26), Bát-sê-ba vội vã vào cung sống với vua Đavít và sanh con, đứa bé sinh được mấy ngày thì phải chết. Người con thứ hai của họ là Xô-lô-môn nổi tiếng là khôn ngoan. Nhưng Xô-lô-môn không nghe lời cảnh cáo của Chúa (1V 11,1 tt) đã cưới nhiều phụ nữ ngoại kiều (ông có 700 bà vợ và 300 nàng hầu, sách các vua cho ta biết), và các bà vợ này làm cho trái tim ông xa Chúa của Is-ra-en. Chính tên ông, trong số tên của con vua Đa-vít, đã xuất hiện trong danh sách các tổ tiên của Đức Giêsu.
Không một tên nào của những người phụ nữ này được tìm thấy trong gia phả của Đức Giêsu theo thánh Luca. Tại sao thánh Mathêu lại đưa họ vào? Sự hiện diện của họ trong danh sách nói gì cho chúng ta trong Mùa Vọng này?
Cách chính yếu, thánh Matthêu muốn nói cho chúng ta rằng, Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử nhân loại. Thiên Chúa muốn dùng những cái bất ngờ để đem các kế đồ của Ngài đến thành công. Lịch sử nhân loại không phải là một chuỗi dài các biến cố dẫn tới một kết cục định trước. Lịch sử nhân loại bao gồm tội lỗi và hoán cải, thành công và thất bại, anh hùng và những kẻ hèn hạ. Song, sự Quan Phòng của Thiên Chúa cai quản lịch sử này. Sự Quan Phòng của Chúa biến đường cong thành thẳng, đường gồ ghề thành phẳng mịn. Và cuối cùng, Tình yêu của Thiên Chúa sẽ thắng, như nó được mạc khải nơi Đức Giêsu.
Cũng thật rõ ràng là thánh Matthêu còn có một lý do thứ hai cho việc đưa bốn phụ nữ này vào trong gia phả toàn đàn ông. Tất cả các bà là dân ngoại. Ta-ma và Ra-kháp là người Ca-na-an, Rút là một người Mô-áp, và Bát-sê-ba có lẽ là người Hít-tít. Sự có mặt của các bà trong danh sách là điềm báo Vai Trò của Đấng Mê-si-a, Đấng mở rộng chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho dân ngoại. Thánh Mathêu đang công bố rằng, Dân Ngoại là thành phần dòng dõi của Đức Giêsu và thành phần tương lai của Ngài.
Từ trình thuật Tin Mừng về gia phả của Chúa Giêsu theo thánh Matthêu, một trình thuật khác thường, gây chướng tai gai mắt, nhưng chắc hẳn có dụng ý, chúng ta có được những gợi ý suy gẫm thế nào?
Một vài gợi ý:
1/ Sự Quan Phòng của Thiên Chúa trên lịch sử nhân loại: Thiên Chúa luôn điều khiển, can thiệp vào lịch sử nhân loại cũng như lịch sử cá nhân mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy hồi tâm, nhớ lại từ tấm bé tới giờ, Chúa Quan Phòng đã dẫn dắt chúng ta ra sao, đã gìn giữ chở che cho ta vẫn trung thành với Chúa cho đến nay, cứu ta thoát những lỗi lầm tày trời và những biến loạn khủng khiếp …
Nữ thánh tiến sĩ Têrêxa Hài Đồng đã cảm nghiệm: “Cho đến bây giờ, tôi hiểu rằng, mọi biến cố trong đời, dù nhỏ bé vô nghĩa, đều ở trong tay Chúa quan Phòng; phải nhìn thấy Chúa nơi mọi sự”. Những yếu hèn, bất toàn của con người đều được Chúa sử dụng, chữa trị biến thành ân phúc cho con người:
“Mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28).
Đối với nhiều vị thánh, trong đó có thánh Vinh Sơn Phaolô, tin vào Chúa Quan Phòng là yếu tố chỉ đạo của nền tu đức của các ngài, công việc hằng ngày chúng ta đang làm là nằm trong tay Chúa Quan Phòng. Thánh Vinh Sơn Phaolô viết:
“Sống và chết với việc phục vụ người nghèo, trong bàn tay của Chúa Quan Phòng và với sự từ bỏ chính mình để theo Đức Giêsu Kitô, là bảo đảm chắc chắn nhất cho hạnh phúc đời đời của chúng ta”.
Thiên Chúa điều khiển lịch sử, và không gì thoát khỏi quyền năng của Ngài. Ngài có một chương trình hướng dẫn lịch sử vượt tầm hiểu biết của ta, chương trình này đem lại ý nghĩa cho mọi biến cố của cuộc sống. Những ai tin nơi Chúa Quan Phòng sẽ tìm thấy ý nghĩa cho mọi chiều kích của cuộc sống con người: ánh sáng và bóng tối, ân phúc và tội lỗi, hoà bình và khủng bố, kế hoạch và sự rối loạn, sức khoẻ và bệnh tật, sự sống và sự chết… (thánh Ba-si-li-ô). Thánh Vinh Sơn Phaolô viết cho thánh Lu-i-xa Ma-ri-ắc: “Nhân danh Chúa, chúng ta chớ ngạc nhiên về bất cứ chuyện gì. Thiên Chúa sẽ làm mọi sự nên tốt đẹp nhất cho ta”.
Như thánh Matthêu, chúng ta hãy đứng trước sự Huyền Nhiệm của Thiên Chúa với lòng tin tôn kính, huyền nhiệm đã được mạc khải nơi Đức Kitô; nơi Ngài, sự sống, sự chết và sự phục sinh hoà nhập toàn vẹn. Thánh Matthêu đã có thể nhìn thấy Thiên Chúa hành động nơi việc Ta-ma quyến rũ bố chồng, nơi sự thông đồng của cô gái điếm Ra-kháp với các thám tử Is-ra-en, qua việc kết hợp không ai ngờ của bà Rút, người Mô-áp, với Bô-át người Do thái, qua việc ngoại tình của Đa-vít và Bát-sê-ba.
Vậy trong mùa vọng này, chúng ta hãy suy gẫm về Sự Quan Phòng của Chúa trong đời sống cá nhân chúng ta và trong lịch sử thế giới, trong cuộc sống cộng đoàn. Chúng ta có tin Chúa đang dẫn dắt mỗi người chúng ta, cũng như các biến cố của lịch sử đương thời, ngay cả những biến cố tang thương? Đấy thực là một thách đố lớn khi chúng ta còn thấy chiến tranh, những đe dọa chiến tranh, những tấn công khủng bố vẫn còn, mọi hình thức nghèo đói và mọi thứ bệnh tật,— trong cộng đồng tu trì, vẫn còn những bất công, những bất toàn, những oán hờn loại trừ nhau… sao Chúa Quan Phòng để vậy? —Tất cả những chuyện đó, mà với tài nguyên của con người ngày nay, thực sự đã có thể thắng được, thế nhưng ý muốn của thế giới và lòng người lại không có khả năng giải quyết, không muốn giải quyết.
2/ Suy gẫm về ngày thế mạt: Mùa vọng, mùa trông mong Chúa đến. Chúa đã đến khai móng xây Nước Trời, ban ơn cứu độ. Chúng ta trông chờ ngày Chúa đến khai mở Nước Chúa. Giữa hai lần ấy, Chúa đã đến với chúng ta nhiều lần… qua các bí tích, các cử hành phụng vụ, qua lời Chúa, qua các anh chị em, qua các hoạt động của cá nhân, của cộng đoàn, của tu hội… Các bản văn phụng vụ trong Thánh Lễ nhiều lần nhắc chúng ta về ngày thế mạt. 
Thánh Matthêu có tầm nhìn phổ quát khi đưa bốn người phụ nữ vào trong gia phả của Đức Giêsu: hai người đàn bà xứ Ca- na-an, một bà Mô-áp, một bà người Hít-tít là những bậc tiền bối của Đức Giêsu. Thánh Matthêu tiếp tục chủ đề này với câu chuyện các Nhà bác học (các đạo sĩ), những người dân ngoại, họ đến từ Phương Đông để thờ lạy Chúa Hài Nhi mới sinh. Và thánh Mathêu cũng kết thúc Tin Mừng của ngài với lệnh truyền truyền giáo phổ quát đầy khích lệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20). Thật đáng lưu ý: lệnh truyền từ biệt này kết hợp cả Tính phổ quát (“muôn dân”) lẫn Sự quan phòng (“Thầy ở cùng anh em”).
Gia phả có vẻ gây ngỡ ngàng của thánh Matthêu dâng hiến cho chúng ta một sự thách đố xác đáng ngày nay: Chúng ta vẫn còn giữ ngăn cách, còn quá cảnh giác, còn quá dè dặt, như trường hợp nhiều độc giả của Matthêu? Chúng ta quá say mê chú ý vào công việc riêng được giao phó cho chúng ta, hay của tỉnh dòng đến nỗi chúng ta hiếm khi ngước mắt nhìn thế giới người nghèo rộng lớn hơn trên các châu lục, nhìn các anh chị em đang phục vụ họ; đến nỗi hiếm khi quan tâm đến anh chị em trong cộng đoàn? Hãy chia sẻ tình thương; tình thương thì đem phúc lành cho người khác. Hãy chúc phúc cho anh chị em; hãy đóng vai Chúa đến thăm họ. Hãy chuẩn bị luôn sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào Chúa đến.
Đức Giêsu cứu rỗi mọi người, người tội lỗi cũng được cứu; cả người tội lỗi cũng được cộng tác vào công cuộc của Chúa. Ơn cứu rỗi là ơn nhưng-không Chúa ban, không do công trạng con người. Chúa kêu gọi và chọn, yêu thương cả những người tội lỗi theo Chúa; dĩ nhiên, một khi theo Chúa thì đương sự phải bỏ mọi sự xưa cũ mà vác thập giá mình mà theo Ngài.
Gia phả của Chúa Giêsu đi từ Abraham, Isaac, Giacóp; một gia phả đi xuống: Mathêu có ý nói lịch sử dân thánh, lịch sử loài người qui chiếu về Đức Giêsu, Ngài là chóp đỉnh, là hoàn tất lịch sử. Đang khi, gia phả của Chúa theo Luca thì đi ngược lên: từ Đức Giêsu ngược lên tới Ađam, chứ không dừng lại nơi Abraham, Luca muốn nêu lên Đức Giêsu liên đới, liên quan tới toàn thể nhân loại (Cv 17, 26.31).

Chuyển ngữ: Lm. GB Nguyễn Quốc Thư, CM
Nguồn: 
vinhson.net (03.12.2022)

https://gpbanmethuot.net/song-dao/thanh-kinh-nhung-dieu-thu-vi-10880.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây