TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – B

Thứ năm - 05/09/2024 14:07 |   368
Đức Giê-su lại hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. (Mc 8,29-30)

15/09/2024
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – B

cn t24 TNb

Mc 8,27-35


MẦU NHIỆM THẬP GIÁ
Đức Giê-su lại hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. (Mc 8,29-30)

Suy niệm: Kể cũng lạ, Phê-rô đã rất chính xác khi đại diện nhóm môn đệ để tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô”, thế mà Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Ngài. Sự thật là Phê-rô chỉ mới nói đúng về ‘lý thuyết’ nhưng ông và các bạn môn đệ còn mù mờ chưa hiểu rằng Đấng Ki-tô mà mọi người phải nhờ tin mới được cứu độ (x. Ga 20,31) trước đó “phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết, và sau ba ngày sống lại” rồi mới đem lại sự sống vinh quang (x. Lc 24,26). Sự nông cạn của Phê-rô càng tỏ rõ qua việc ông cố tình can ngăn Đức Giê-su đi nộp mình chịu chết… Thế nên, làm sao có thể nói về Ngài khi chưa hiểu Ngài!

Mời Bạn: Để biết Đức Giê-su, trước hết, chúng ta được mời gọi đến và ở lại với Ngài; để là môn đệ đích thực của Chúa, phải tin nhận Ngài là Đấng Ki-tô mà là Đấng Ki-tô chịu đóng đinh thập giá. Chúng ta chỉ mất vài giây để nói lên lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su, nhưng chúng ta phải dùng mọi giây phút suốt cả cuộc đời để “vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Ngài” (Lc 9,23).

Sống Lời Chúa: Tự nguyện làm những hy sinh, hãm mình và đón nhận những đau khổ thử thách cách vui lòng để vác thập giá mình hằng ngày đi theo Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, thì Chúa cũng đồng thời công khai ý định đón nhận thập giá. Xin giúp con hiểu rằng, đức tin không chỉ là lời tuyên xưng nơi môi miệng, mà còn phải vác thập giá để theo Chúa mỗi ngày. Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Amen.

Ngày 15:  Lạy Chúa! Đời sống chúng con thật quá ngắn ngủi. Biết bao kẻ hứa hẹn sống trăm năm, vừa quay lưng đã thành người quá cố. Cũng có kẻ vừa kết bạn tâm giao, khi tỉnh giấc đã âm dương cách biệt. Nên khi còn cơ hội, xin cho chúng con đừng gây chuyện đáng tiếc, đừng suy nghĩ quá nhiều, đừng để ý thái quá, đừng mong cầu quá đáng. Xin cho chúng con biết đối xử tốt với những người xung quanh mình, và biết sống đơn giản: Tiền nhiều tiền ít, đủ ăn là được. Nhà lớn nhà nhỏ, ở đủ là được. Nhiều sự nhiều việc, nhìn thấu là được. Ai đúng ai sai, Chúa biết là được. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN – B

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: Thánh Phêrô đã thay cho anh em tông đồ đoàn tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng lời tuyên xưng này chưa có nền tảng là Đức ái, nên cũng dễ bị lung lay và mất gốc. Vì vậy, chính Chúa Giêsu đã nhiều lần khiển trách ông và gọi ông là Satan.

Bài đọc Cựu ước và Tân ước đã đề ra những việc của đức ái, mà Chúa thực hiện một cách cụ thể trong bài Tin Mừng. Nên Thánh Giacôbê tông đồ đã nói: “nếu không có việc làm bằng đức ái là đức tin chết tận gốc rễ”.

Giờ dây, chúng ta khiêm tốn, nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta và thành khẩn biểu lộ tấm lòng thống hối trước sự công minh, chính trực của Chúa và với anh em.

Để đức tin được sáng chói nhờ đức ái bồi dưỡng qua sự kết hiệp vổi Thánh Thể Chúa trong Thánh Lễ này.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng: Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.

Xướng: Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!” 

Xướng: Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. 

Xướng: Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. 

Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lý tưởng đời Kitô hữu là bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh, nên chúng ta đừng để mình bị choáng ngợp trước những quyến rũ của cuộc đời và nản chí trước những thử thách. Muốn được như thế chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Vì Chúa nâng đỡ tôi nên tôi không hổ thẹn”,– Xin cho các Mục tử trong Hội Thánh, được Chúa Giêsu là Đấng Kitô nâng đỡ, luôn xác tín mầu nhiệm Thập Giá, để dù gặp muôn thử thách, chống đối khi thi hành sứ vụ, vẫn luôn là mẫu gương của lòng trung tín đối với Chúa.

2. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.– Xin cho các tín hữu, biết thể hiện niềm tin của họ bằng đời sống bác ái, tương trợ tha nhân, để chứng từ của họ là lời mời gọi nhiều người tin theo Chúa.

3. “Satan hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” – Xin cho giới trẻ hôm nay nhận thức rõ ràng và xác thực rằng, Đức Kitô đã chịu khổ nhục cho họ, để biết dành cho Người tình yêu nồng nhiệt, sẵn sàng lướt thắng những đam mê dục vọng, hăng say hiến trọn khả năng và sức lực để tôn vinh Người.

4. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta?”.- Xin cho từng người trong giáo xứ chúng ta, biết khước từ an nhàn hưỏng thụ và sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa phục vụ mọi người.

Chủ tếLạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chấp nhận sống đau thương và chết nhục nhã, để đem lại sự sống đời đời cho chúng con. Xin Chúa nhận những lời chúng con vừa kêu xin và cho chúng con biết kiên trì bước theo Chúa trên đường khổ giá vì mến Chúa và yêu người, Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Đức Kitô

Người ta bảo Thầy là ai? Qua câu hỏi này, phải chăng Chúa Giêsu đã khởi sự quan tâm tới dư luận của quần chúng về Ngài? Hay Ngài muốn làm một cuộc thăm dò ý kiến về kết quả công việc Ngài đã làm? Không phải là như vậy. Ở đây, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị các môn đệ của Ngài đón nhận những điều Ngài sắp nói với các ông về điểm then chốt của sứ mạng Ngài và cũng là điểm khó nuốt đối với mọi người.

Dư luận, như các môn đệ ghi nhận được, tuy chưa rõ đích xác Ngài là ai nhưng cũng tỏ ra đã thấy được những điểm khác người trong giáo huấn và trong hành động của Ngài. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu muốn nhắm tới ở đây chính là việc các môn đệ bày tỏ ý kiến của mình về Ngài. Do dó mà Ngài mới đạt thêm câu hỏi thứ hai: Còn các con, các con bảo Thầy là ai?

Tin không phải là lặp lại ý kiến, lập trường của kẻ khác mà là biểu lộ chính ý kiến, chính lập trường của mình. Phêrô đã trả lời đúng câu hỏi Chúa Giêsu đã đặt ra: Thầy là Đức Kitô. Qua câu trả lời, Phêrô đã tuyên xưng lòng tin của ông nơi Thầy mình. Ông đã nhận ra được Thầy mình là ai.

Nhưng sự việc diễn ra sau đó lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng lòng tin của Phêrô chưa trọn vẹn. Ông mới chỉ có những hiểu biết đúng về Thầy. Thực ra, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định, chẳng phải tự ông đã biết được Ngài là Đức Kitô, mà là do Chúa Cha mà ông biết được điều đó. Lòng tin ấy, sự hiểu biết ấy chỉ trọn vẹn khi ông chấp nhận đi con đường Chúa Giêsu đang chuẩn bị đi tức là con đường cứu độ, con đường thập giá.

Và ở điểm này, Phêrô đã vấp ngã thật nặng nề, bởi vì ông đã đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không phải bằng cái nhìn của Thiên Chúa, hay đúng hơn, theo như Ngài hoạch định, mà là bằng chính cái nhìn của ông, theo cách tính toán của ông. Lời can ngăn của Phêrô đã trở thành việc cản trở chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Phêrô không muốn Thầy mình bị bắt, bị giết đi trong khi chính Chúa Giêsu lại thấy rằng đó là con đường Ngài phải đi. Đó là con đường của Ngài và đó cũng là con đường của những ai muốn theo Ngài, muốn trở nên môn đệ của Ngài.

Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Câu hỏi này vẫn tiếp tục được đặt ra cho mỗi người chúng ta hôm nay. Và chúng ta có thể như Phêrô, đã trả lời đúng câu hỏi của Ngài với tất cả vốn liếng về Thánh Kinh và thần học, về giáo lý của chúng ta. Thế nhưng trong hành động thì sao? Phải chăng trong hành động chúng ta đã là những người ngăn cản việc thực hiện chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa bằng thái độ khước từ đau khổ, khước từ thập giá mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống thường ngày.

Đau khổ

Kinh nghiệm cho thấy: Đau khổ là một cái gì gắn liền với thân phận con người. Giáo lý nhà Phật thì cho rằng: Đời là bể khổ mà mỗi người chúng ta là một cánh bèo trôi dạt trên đó.

Tuy nhiên, đau khổ không phải chỉ là một cái gì đáng nguyền rủa và lẩn tránh, trái lại nó còn có một giá trị tích cực, đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta như tục ngữ đã bảo: Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Hay như Khổng Tử cũng đã bảo: Ngọc không dũa không sáng, người không bị gian nan thử thách, thì cũng khó mà trở nên hoàn thiện.

Cũng trong chiều hướng ấy mà Chúa Giêsu đã phán qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay: Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.

Sau đây tôi xin đưa ra một vài trường hợp cụ thể để nói lên sự thật ấy.

Trường hợp thứ nhất là của O’Neill. Mãi đến năm 23 tuổi, ông vẫn còn là một kẻ thất bại, sống không mục đích, không định hướng, không kỷ luật. Thế rồi ông bị đau và chính nhờ thời gian nằm điều trị tại bệnh viện, ông mới có được dịp may để suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời mình. Ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của ông, để rồi ông đã trở thành một người nổi tiếng.

Trường hợp thứ hai là của bà Golda Meir. Lúc ban đầu bà rất thất vọng vì mình chỉ là một cô gái trời bắt xấu. Thế nhưng về sau, bà mới nhận ra rằng: không được đẹp đối với bà lại là một may mắn, bởi vì điều đó đòi buộc bà phải phát triển những tài năng sâu kín hơn. Cuối cùng bà hiểu ra rằng phụ nữ không được ỷ lại vào sắc đẹp của mình, nhưng trái lại phải làm việc chăm chỉ, nhờ đó mang lại lợi ích cho bản thân. Nói cách khác, bà đã biết chấp nhận thập giá của mình, can đảm vác nó lên vai để rồi cuối cùng bà đã trở thành vị nữ thủ tướng đầu tiên của người Do Thái.

Một tác giả nổi tiếng, Oscar Wilde đã viết: Đau khổ chính là mảnh đất thánh. Đức Kitô không thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường nào khác ngoài trái tim đã tan nát.

Từ những kinh nghiệm trên, chúng ta đi tới kết luận: Cuộc đời không phải lúc nào cũng chỉ là một mầu hồng, trái lại rất nhiều khi nó bị nhuộm bởi một màu đen với những đau khổ và cay đắng.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng Phúc âm, thì đau khổ không nhất thiết sẽ đem lại chết chóc và hủy diệt, bởi vì nó có thể trở nên một nguồn sống. Thiên Chúa thường dùng khổ đau để biến đổi chúng ta thành người tốt lành hơn, thánh thiện hơn, khiêm nhường hơn, cảm thông hơn. Đau khổ có thể mở mắt cho chúng ta thấy được cuộc đời tốt đẹp hơn là chúng ta đã từng mơ ước.

Ngoài ra, đau khổ sẽ giúp chúng ta nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa bởi vì giữa ánh nắng chói chang của mặt trời, chúng ta không thể nào nhìn thấy những vì sao. Trái lại, vào những đêm khuya tăm tối chúng ta sẽ dễ dàng thấy được những ánh sao trên bầu trời. Cũng vậy, nhiều người trong chúng ta đã tìm thấy Chúa giữa những đêm đen của khổ đau, mà trong những lúc hạnh phúc chói chang họ đã quên lãng Ngài. Hãy biết đón nhận thập giá cuộc đời, bởi vì mọi sự đều là hồng ân.

Suy niệm của Maurice Brouard

KHÓ NHỌC THAY KHI LÀM CHO

NHỮNG KẺ CHÂN THÀNH VỠ MỘNG!

Khởi hành.

Một cô bé mười hai tuổi bơi lội rất giỏi, thầy giáo của cô nhận thấy cô có triển vọng rất lớn cho thế vận hội Montréal. Khi trở về nhà cô đã vội nói với mẹ dự tính của mình. Bà vạch ra cho cô một bức tranh rất thực tế, thậm chí rất u ám về những đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt của việc chuẩn bị cho một cuộc thi đấu như thế. Ngoài việc học mà cô không thể lơ là được, cô phải tập dượt gắt gao sáu ngày mỗi tuần trong bốn năm, những giao tiếp xã hội hầu như không còn nữa, lại không chắc chắn thành công, thêm với những mệt nhọc… Mẹ cô để cô tự do quyết định, sau khi cố gắng vạch cho cô thấy những ảo tưởng của cô.

Dẹp đi những ảo tưởng của những người chân thành: đó là điều mà thánh Marcô muốn làm trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, và trước hết ngài muốn nhắn nhủ các Kitô hữu thành Roma. Thánh Marcô cảm hứng từ lối ứng xử của Chúa Giêsu với các môn đệ.

1. Chúa Giêsu tìm cách dẹp ảo tưởng của những kẻ muốn theo Ngài.

Nhân dịp Phêrô tuyên xưng đức tin, một lời tuyên xưng hẳn là tuyệt vời, nhưng rõ ràng còn rất bất toàn, Chúa Giêsu đã nói thẳng với các môn đệ “Thầy là Đấng Mêsia”, nghĩa là: “Con đã theo Thầy từ một năm rưỡi nay, con đã nghe Thầy giảng dạy, con đã chứng kiến những phép lạ Thầy làm, con đã nhìn thấy cách Thầy sống, đối với con Thầy là chứng nhân của Thiên Chúa và của Nước Trời. Vì vậy con đã theo Thầy để Thầy dẫn con đến Thiên Chúa”. Phêrô thành thật bày tỏ kinh nghiệm của mình, và Chúa Giêsu không hề phản đối lời tuyên xưng đức tin của ông. Tuy nhiên Chúa tiếp lời ông ngày bằng việc loan báo cuộc tử nạn của Ngài và lần đầu tiên, Ngài dạy cho các ông hay rằng Con Người phải đau khổ nhiều… Lúc đó, Phêrô bị sốc đến nỗi ông tự cho phép mình trách móc Thầy. Nhưng Chúa Giêsu liền đưa ông lại đúng vị trí của ông: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy… con không hiểu gì về kế hoạch của Thiên Chúa”. Rồi Ngài thêm: “Ai muốn đi theo Thầy, thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo Thầy. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”

Vậy là Chúa Giêsu tìm cách dẹp đi ảo tưởng của những kẻ chân thành, nhưng Ngài không thành công. Chỉ đến ngày lễ Thánh Thần hiện xuống các tông đồ của Ngài mới sáng mắt ra.

2. Thánh Marcô muốn dẹp đi ảo tưởng của các Kitô hữu thành Roma.

Biết rằng các Kitô hữu thành Roma xao xuyến trước những cuộc bách hại nổi lên chống họ và “một số sẵn sàng chối rằng họ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô để khỏi chết”, thánh Marcô phản ứng cách mạnh mẽ. Ai muốn trở nên môn đệ Chúa Kitô thì phải giống như Ngài. Marcô muốn dẹp đi ảo tưởng của các Kitô hữu ngỡ ngàng vì thấy mình phải đương đầu với những cuộc bách hại.

3. Một Kitô hữu không ảo tưởng: Đức Cha Romero.

Tháng ba năm 1980, chúng ta có một chứng tá lẫy lừng từ Châu Mỹ La Tinh. Bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng, Đức tổng Giám mục San Salvador, Đức Cha Romero, đã dám nhân danh Tin Mừng tố cáo những bất công trong xứ sở của ngài. Sau đó ngài đã bị ám sát trong nhà thờ lúc đang cử hành Thánh lễ. Đó là một Kitô hữu không ảo tưởng.

Câu hỏi.

Chúng ta nghĩ gì về Chúa Giêsu? Chúng ta chẳng sống trong ảo tưởng khi cho rằng có được sự sống đời đời là điều dễ dàng ư?

Lời Chúa và Thánh Thể.

Khi cử hành Bí tích Thánh Thể vào chiều thứ năm tuần thánh. Thầy chí ái của chúng ta đã hiến dâng mạng sống cho Cha Ngài vì yêu mến Cha và vì ơn cứu độ của tất cả mọi người. Ta hãy cử hành Thánh lễ trong tinh thần phục vụ đó, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh theo gương Ngài.

HÃNH DIỆN VỀ THẬP GIÁ CHÚA
(CHÚA NHẬT TUẦN 24 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 24 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin Chúa nhìn đến chúng ta, và cho chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương.

Tận tình thờ phượng Chúa, bởi vì, Chúa là Chúa của mọi nước mọi dân, là Cha của tất cả mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Bị lưu đày ở Baben, ngôn sứ chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa trong một thị kiến. Đây là lần đầu tiên Thiên Chúa tỏ mình không phải tại Đền Thờ hay núi Xinai. Ítraen nhận ra rằng: Thiên Chúa ở khắp nơi, và Người ở nơi đâu, thì nơi đó cũng là nhà của Người. Chẳng bao lâu nữa, tất cả các dân tộc sẽ được mời gọi nhận biết Người. Tôi thấy trên cái gì tựa như cái ngai có cái gì trông như hình dáng một con người; và tôi nghe có tiếng hò la vang dội từ trên cao: Chúc tụng Đức Chúa vinh hiển trong nơi thánh của Người. Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn đời muôn thuở.

Tận tình thờ phượng Chúa, bởi vì, Chúa chính là mục tử chăn dắt chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Tất cả niềm hy vọng của chúng ta là ở nơi Chúa Kitô, chính Người là tất cả vinh quang đích thực và lành thánh của chúng ta… Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì, trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người,

Tận tình thờ phượng Chúa, bằng những việc làm cụ thể để cho thấy chúng ta thật sự tin tưởng, cậy trông Đấng luôn che chở, phù trì cho chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội? Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 114, vịnh gia đã cho thấy: Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời trong cõi đất dành cho kẻ sống. Lòng tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi khẩn nài, Người lại lắng tai ngày tôi kêu cứu. Chúa cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, giữ mắt này chẳng còn đẫm lệ, ngăn ngừa tôi khỏi phải hụt chân. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá của Đức Kitô. Sự khôn ngoan của thập giá mà thế gian cho là ô nhục, ngu dại và điên rồ lại chính là phương dược chữa lành, và là cách thế giải thoát chúng ta khỏi mọi đau khổ và sự chết muôn đời. Đức Kitô đã đi trọn con đường thập giá để cứu độ chúng ta. Các thánh ngôn sứ, các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo, cũng đã tiếp bước Đức Kitô, và đến lượt chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta: Can đảm lên, vì Thầy đã thắng thế gian. Ước gì chúng ta biết sống tâm tình biết ơn Chúa bằng cách: can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi, đi cho đến cùng con đường thập giá. Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, ước gì chúng ta biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu, chúng ta luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Ước gì được như thế!

 

“Thầy là Ðấng Kitô… Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”. (Mc 8, 27-35)

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIV Thường niên -Năm B
 

CN24TNb 2

Mc 8, 27-35
“Thầy là Ðấng Kitô… Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
        
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
        
Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
        
Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
        
Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 


ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG
(Chúa Nhật XXIV TN B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Vì chúng ta, Chúa Kitô đã chịu khổ hình thập giá. Chúa đón nhận thập giá là để nhân loại chúng ta được thứ tha tội lỗi, được giải hòa với Chúa Cha. Nếu Chúa Kitô vác thập giá là để nhân loại chúng ta được hạnh phúc, vậy thì cớ sao Người lại khẳng định rằng ai muốn theo Người thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo? (x.Mc 8,34). Vác thập giá là chấp nhận hy sinh, bỏ mình, chấp nhận cả những bất công, nhục hình. Nhiều người Macxit cũng như một vài triết gia thế kỷ ánh sáng đã vin vào điều này để kết án Kitô giáo là một loại thuốc phiện ru ngủ đám đông dân cùng khổ cam chịu cảnh bất công đàn áp với niềm hy vọng sẽ được hưởng phần phúc sau này và thế là đã tạo cớ cho bất công ngự trị, tạo dịp cho kẻ thống trị bóc lột, đàn áp dân nghèo. Dù kết án Kitô giáo, nhưng khi đã nắm được quyền thì người ta lại giương khẩu hiệu rằng nhân dân hãy hy sinh chịu khó, chịu khổ vì một tương lai tươi sáng sau này to đẹp hơn gấp mười lần hôm nay, một tương lai mà nhiều người nhận định rằng chỉ là một viễn ảnh khó thành hiện thực, dĩ nhiên là đối với đám đông dân chúng bị trị. Phải chăng cái khẩu hiệu ấy cũng là một thứ thuốc an thần? Cái vòng lẩn quẩn và cũng là một nghịch lý xem ra khó có câu trả lời.
        
Không gì hơn là tập chú vào cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô để tìm lời giải đáp cho vấn nạn nêu trên, cho dù biết rằng trong kiếp lữ hành này chúng ta không thể nào đến với sự thật toàn vẹn, vì được mấy ai dám chắc chắn là mình đã mở hết lòng để đón nhận Thần Chân Lý. Trước hết cần khẳng định rằng khi mời gọi chúng ta, mời gọi dân chúng hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo, thì Chúa Giêsu không hề và không bao giờ muốn chúng ta cúi mình cam chịu cảnh khổ, chịu cảnh bất công cách tiêu cực, làm cớ cho những người bóc lột những kẻ gian ác lợi dụng để vinh thân phì da và ngụp lặn trong tội ác của họ. Việc tìm sự sung sướng hay hạnh phúc trong chính sự đau khổ là điều lệch lạc mà ngày nay người ta gọi đó là một dạng tâm bệnh, bệnh khổ tâm. Một điều chắc chắn không kém: nếu là người cha thực sự thì không bao giờ muốn con cái phải khổ đau. Chúa Giêsu đã từng nói rằng dù chỉ là người cha trần thế với nhiều khiếm khuyết, thế mà sự thường khi con cái xin bánh thì chẳng ai lại ném cho chúng hòn đá. Thiên Chúa là người Cha trên mọi người cha, là Đấng trọn hảo nên Người chỉ muốn và làm điều tốt lành cho con cái (x.Lc 11,9-13; 12,32). Vậy lý giải thế nào về sự hiện hữu của thập giá mà Chúa Giêsu đã gánh trên vai và Người đã minh nhiên mời gọi chúng ta vác lấy để đi theo Người?
        
Đường yêu thương, con đường làm người chính là chìa khóa giải đáp cho vấn nạn này. “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Đây không phải là một tình yêu quy ngã nhưng là tình yêu hướng tha từ trong bản thể của cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đã thông chia tình yêu này cho các loài thụ tạo, đặc biệt cho loài người. Rất nhiều triết gia đã đồng thuận về một ý nghĩa của sự hiện hữu là “hiện hữu cho” nơi các loài. Chẳng hạn đất đai khoáng sản có ra là cho thảo mộc cỏ cây; cỏ cây thảo mộc có ra là cho động vật… Yêu thương đích thực thì không sống cho chính mình mà sống cho ai đó và vì ai đó. Chính khi hướng đến tha thể là lúc ta mới thực sự là mình. Chúa Cha thực sự là mình trong tương quan với Chúa Con, trao ban tất cả cho Chúa Con. Ngược lại Chúa Con thực sự là mình khi luôn hướng về Chúa Cha, tìm kiếm và thực hiện ý Chúa Cha, trao ban lại tất cả cho Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần chỉ thực sự là Tình Yêu Ngôi Vị giữa Chúa Cha và Chúa Con khi luôn tìm vinh danh hai Ngôi cực trọng ấy.
        
Sống trong tương quan liên vị và ra khỏi chính mình là động thái từ bỏ mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh khi khẳng định: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Như thế thập giá hay những hy sinh, từ bỏ không phải là sự khổ đau mà chúng ta đành phải trả giá theo nghĩa tiêu cực nhưng chính là dữ kiện và có thể nói là điều kiện mà chúng ta phải vượt qua trong tiến trình sống yêu thương, tiến trình thể hiện bản thân mình, vốn là hình ảnh và là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu.
        
Hình ảnh con nhộng lột xác để hóa thành bướm, hình ảnh con rắn lột vỏ để lớn lên vẫn thường được nhiều người gợi lên để minh họa cho ý tưởng này. Mọi so sánh dù cố nhắm làm rõ một khái niệm nào đó, nhưng ít nhiều còn khập khiễng. Lột xác để thành bướm hay lột vỏ để lớn lên thì vẫn có cái gì đó vì chính mình. Trong khi đó chuyện vác thập giá là vì tha nhân. Chúa Giêsu vác thập giá là vì chúng ta. Người chịu khổ hình là để chúng ta được cứu độ, được tự do trong tình con với Cha trên trời. Người tự nguyện nên nghèo khó là để chúng ta nên sang giàu. Và khi sống vì chúng ta, thì Người thể hiện chính Người là Giêsu, Đấng Cứu Độ, là Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu, loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, giải thoát kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng (x.Lc 4,18-19).
        
“Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Một trong những hành động để làm sống đức tin theo thánh Giacôbê tông đồ chỉ dạy đó là yêu thương tha nhân cách cụ thể và toàn diện, cả linh hồn lẫn thể xác. Để sống yêu thương thì chuyện vác thập giá là chuyện đương nhiên phải có. Tuy nhiên cần ý thức rằng chúng ta vác thập giá là vì tha nhân, nghĩa là để cho tha nhân được hạnh phúc, cho người nghèo khỏi cảnh khổ, cho người bị áp bức được tự do, cho người tội lỗi biết sám hối ăn năn, cho người gian ác biết quay gót trở về… Hiểu được điều này thì hy vọng chúng ta sẽ biết cách thế vác thập giá như thế nào để thực sự là theo Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là làm cớ cho sự dữ thống trị, làm cớ cho kẻ gian ác thích chí, cười khì.
        
Nhiều chí sĩ Do Thái thời Chúa Giêsu đã sẵn sàng chấp nhận án hình thập giá vì một nền độc lập tự do cho dân tộc. Vì sự tự do đích thực để con người có thể đến với Đấng Toàn Năng, Người Cha nhân ái như là những người con thì Chúa Giêsu chấp nhận trả giá bằng khổ hình thập tự. Sự tự do không bao giờ là miễn phí cả (freedom never free). Cái giá của sự tự do không hề nhỏ. Trái lại nếu ta cứ mãi cam chịu cảnh đời nô lệ hoặc nô lệ hóa tha nhân cách này thể khác, kể những cách thế sống đức tin kiểu vụ luật, thảy đều là trọng tội đáng trách, có khi là đáng lên án vậy.

 

Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều (Mc 8, 27-35)

Tin mừng Chúa nhật 24 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN24TNb a3


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 8, 27-35)

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIV Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Thầy ơi, hành trình theo Thầy quả là đầy gian nan, nhìn lại hành trình của thánh Phê-rô, người môn đệ luôn theo sau những bước chân của Thầy, chắc ai cũng thấy ngại, bởi phận người luôn có những đổi thay theo kiểu thế gian, người môn đệ của Thầy cần có một trái tim, một tâm hồn và một niềm tin chân thành và trung tín. Câu chuyện của thánh Phê-rô trong bài Tin mừng Chúa nhật 24 thường niên cho mỗi người nhiều suy nghĩ trong hành trình đức tin của mình. Khi được đưa ra khỏi sự an toàn của cuộc sống hiện tại và truyền thống, các Tông đồ phần nào nhận ra con người và niềm tin rất thật của mình, người tín hữu Kitô hôm nay cũng có những phút giây Thiên Chúa mời đi ra khỏi sự an toàn cuộc sống, ra khỏi địa vị hiện tại của mỗi người, ra khỏi truyền thống sống đạo của chính mình, để trả lời câu hỏi Thiên Chúa gởi đến: Này con, con nghĩ Thầy là ai?

Khi đối mặt với những khó khăn trong ơn gọi của mình, tiên tri I-sa-i-a thay vì chùn bước đã tự tin và đứng vững trước mọi thách đố của thế gian, ông luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng ông đã chọn và đi theo Ngài: “Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được?”. Chọn theo con đường của Thiên Chúa, các tiên tri cũng gặp không ít khó khăn, thử thách, nhưng các ngài vẫn kiên định với ơn gọi của mình, luôn đứng thẳng trước sứ mạng và sứ điệp của mỗi người. Hình ảnh đó được phóng chiếu vào thời Tân ước, nổi bật lên sứ mạng của Người Tôi Tớ của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.

Được đưa ra khỏi vùng đất giàu truyền thống tôn giáo và lề luật, các môn đệ ngỡ ngàng và phần nào nhận ra sự mong manh của chính mình, giữa thế giới mênh mông không có điểm tựa, các ông được Thầy chất vấn về niềm tin và hành trình của người môn đệ cần phải làm gì, các ông sẽ đối diện với một câu hỏi rất cần thiết cho đức tin của mình, và người tín hữu hôm nay cũng đang được mời tự vấn: “Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Để trả lời cho câu hỏi này, người tín hữu cần phải ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ bọc của an phận và địa vị hiện tại, ra khỏi quỹ đạo của vật chất và danh vọng, từ đó, sự trần trụi của con người, sự mong manh dễ vỡ của một tạo vật mới lộ rõ và sự cần thiết một điểm tựa tinh thần luôn là sự sống còn của con người. Thiên Chúa có ở gần bạn không?

Tuyên xưng niềm tin rất thật của mình xong, thánh Phê-rô cảm thấy nhẹ nhõm và vui sướng, thế nhưng, tiếp theo sau là lời trần tình của Thầy về tương lai, Thầy sẽ bị bắt, bị kết án tử và phải chết, thánh Phê-rô lên tiếng can ngăn, lời can ngăn tuy rất thật, nhưng Thầy không chấp nhận, trái lại, còn bị Thầy la rầy: “Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Sa-tan, là tên của kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, thế mà Thầy là gọi Phê-rô chính tên đó, nặng nề và tủi nhục, khổ đau và thất vọng, nhưng thánh nhân không thối lui, trái lại, ông vẫn âm thầm theo Thầy, vẫn lặng lẽ suy nghĩ về lời nhắc nghiêm khắc đó. Có thể thánh Phê-rô và chúng ta hôm nay có một điểm chung đó là tin vào Thầy, đi theo Thầy, nhưng niềm tin và lòng mến của mỗi người chưa có chiều sâu nội tâm và chưa khởi phát từ trái tim.

Niềm tin và lòng mến nếu chưa phát xuất từ tận đáy lòng, rất dễ bị dao động, dễ bị mai một và khủng hoảng khi gặp thách đố trong hành trình của người môn đệ. Đó là lời nhắc của thánh Gia-cô-bê trong lá thư mục vụ của ngài gởi các cộng đoàn Giáo hội sơ khai: “Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi”. Lời chứng mạnh mẽ và tích cực nhất vẫn là thái độ sống, là gương chứng nhân, thánh nhân mong muốn mỗi người hãy sống, hãy hành động, hãy tha thứ, hãy cho đi, hãy cảm thông và hãy cầu nguyện cho mọi người, đó mới là một niềm tin sống động, đó mới là một người môn đệ luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn.

Tính dựa dẫm của con người có thể làm cho giá trị của bản thân bị sụt giảm trong sự an phận hoặc tự mãn. Sống trong một cộng đoàn, một xứ đạo, một gia đình thiêng liêng, người tín hữu cảm thấy được che chở, được bảo vệ, được an toàn, vì thế, họ cảm thấy tự mãn và thiếu đi sự tỉnh thức, phút giây nhẹ nhàng đó sẽ là cánh cửa cho ma quỷ len lỏi vào tâm hồn, xóa hết mọi hình ảnh về Thiên Chúa, xóa luôn mọi giá trị thiêng liêng của niềm tin, phá vỡ mọi hạt giống tình yêu đang âm thầm mọc lên từ mảnh đất tâm hồn. Ra khỏi vỏ bọc đó, con người mới thấy khuôn mặt và vị thế của mình, mới dùng tới khả năng biện phân để nhìn rõ đâu là hình ảnh Thiên Chúa trong tôi, đâu là khuôn mặt của ma quỷ hiện hình. Thiên Chúa cần một chút cố gắng của con người để thẩm định giá trị bản thân và người mình yêu thương là ai, phần còn lại, Thiên Chúa sẽ nâng đỡ và thực hiện. Ngài cần con người trao sự yếu đuối của mình cho Ngài, để Ngài hành động trong yêu thương và tha thứ.

Lạy Chúa, dù được gọi làm môn đệ Chúa, dù được chọn làm Tông đồ của Chúa, không thiếu những lần các Tông đồ đã sa ngã, đã có ý định rời bỏ cộng đoàn bởi tính ích kỷ và nhỏ nhen của con người, xin Chúa sửa lại những thói xấu đó trong mỗi người chúng con, xin đừng để chúng con vì cái tôi mà rời xa Chúa. Chúa mời chúng con đi theo Chúa bằng việc từ bỏ chính mình, vác thập giá cuộc đời đi theo Chúa, xin giúp chúng con cố gắng trung thành với ơn gọi của mình, phó thác tất cả cho Chúa trong mọi hoàn cảnh, để vâng theo thánh ý Chúa, đón nhận mọi khó khăn và thử trách trong hành trình đức tin và ơn gọi của mình. Amen.

TỪ MỘT GÓC ĐỘ THẦN THÁNH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Satan, lui lại đàng sau Thầy!”.

“Khi nói, ‘Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo tôi’; khác nào Chúa Giêsu nói, ‘Hãy đến, mang theo chiếc ghế điện của con! Lên phòng hơi ngạt nhé!’. Ngài không nghĩ đến một thánh giá bằng vàng trên cổ duyên dáng của một bé gái hay một thánh giá ngạo nghễ trên đỉnh nhà thờ, nhưng Ngài nghĩ đến một nơi hành hình! Tuy nhiên, Ngài nhìn nó từ một góc độ thần thánh!” - Billy Graham.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại cuộc vật lộn của Phêrô trước cuộc tử nạn của Thầy, điều ông vừa được tiết lộ. Ông “can trách” Ngài, Ngài “quở trách” ông, “Satan, lui lại đàng sau Thầy!”. Vì không như Thầy, Phêrô không nhìn thập giá ‘từ một góc độ thần thánh!’.

Yêu mến Chúa Giêsu, Phêrô vừa sợ hãi, vừa lo lắng cho Thầy; ông hoang mang và cố nói lên một điều gì đó ‘cho có ý nghĩa’. Nỗ lực của Phêrô có chủ đích tốt nhưng hoàn toàn trệch hướng! Hậu quả là ông nhận lấy một lời khiển trách khá tệ; Chúa Giêsu đi xa đến mức gọi ông là “Satan!”. Đúng, kế hoạch của Phêrô là kế hoạch của Satan, kẻ đã đề nghị Ngài đi con đường riêng của nó; con đường không khổ đau, không sỉ nhục. Để hiểu được điều này, chúng ta phải tin chắc, ‘lời mắng’ của Chúa Giêsu là những lời xót thương; nơi Ngài, không có một khả năng nào khác ngoài khả năng yêu thương! Nhưng đâu là ‘yêu thương’, đâu là ‘thánh khiết’ trong những lời ‘sửa dạy’ mạnh mẽ này?

Chìa khoá nằm ở vế thứ hai, “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!”. Nói lên điều ấy, Chúa Giêsu tiết lộ cho các môn đệ một bí ẩn sâu xa về sứ mạng của Ngài - chu toàn ý Chúa Cha - một sứ mạng chấp nhận bắt bớ, tủi nhục và chết đi. Ngài có ý mặc khải ‘một điều lành lớn hơn’ đến sau và sẽ không để những khổ đau ‘đông giá’ này xảy ra nếu sau đó không tiềm ẩn một ‘xuân rỡ ràng’ đang rình chờ. Ngài thách đố họ để họ có thể nhìn những tình huống bi thương này ‘từ một góc độ thần thánh’. Nói khác đi, họ phải nhìn những khổ đau này từ quan điểm của Chúa Cha, đừng nhìn nó dưới cái nhìn của nhân loại. Rõ ràng, Phêrô chưa vượt được cái nhìn thế tục của mình. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phải trực tiếp thách thức ông!

Kính thưa Anh Chị em,

“Lui lại đàng sau Thầy!”. Chúa Giêsu quở Phêrô vì ông không hiểu rằng, sứ mệnh của Ngài không được hoàn thành trên những quan lộ thênh thang dẫn đến thành công, mà trên con đường khổ nạn của Người Tôi Tớ Đau Khổ - bài đọc một. Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta khiến chúng ta phản đối và nổi loạn. Có thể chúng ta không theo phe Thiên Chúa, mà theo phe Satan, phe loài người. Tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô không thể dừng lại ở lời nói, nhưng đòi hỏi phải được xác thực bằng những lựa chọn và cử chỉ thực tế, bằng một cuộc sống được đặc trưng bởi tình yêu của Chúa Cha; nó đòi hỏi một cuộc sống vĩ đại, tràn đầy tình yêu đối với tha nhân - bài đọc hai. Để theo Chúa Kitô, trở nên môn đệ của Ngài, chúng ta phải từ bỏ chính mình, từ bỏ những đòi hỏi của lòng kiêu hãnh, ích kỷ; vác lấy thập giá mình và nhìn nó từ một góc độ cứu rỗi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con thấy Chúa hoạt động trong mọi sự, cả giữa những đau khổ của con. Xin biến nỗi đau của con thành nỗi đau của Chúa, để nó cũng có thể cứu độ!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây