Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! ” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! “Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! “Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,39-43).
Lời thứ hai này của Chúa Giê-su nằm trong mạch văn nói về hai người gian phi, một người thách thức Chúa, một người sám hối ăn năn và được vào Nước Trời (Lc 23,39-43).
Thi sĩ Prudentius (+405) đã diễn tả như sau:
“Nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của Đấng Cứu Độ, Máu diễn tả sự chiến thắng và nước là dấu của phép rửa. Hai tên trộm trên thập giá tranh luận với nhau. Một bên thì chối từ Đức Ki-tô là Chúa, còn bên kia đã chiến thắng được vinh quang Nước Trời”.[1]
Đi vào khung cảnh của câu chuyện, chúng ta thấy trước đó Lu-ca diễn tả về hai nhóm người chế giễu và nhục mạ Chúa Giê-su (x.Lc 23,35-38). Nhóm thứ nhất là những người thủ lãnh. Họ đã chế nhạo người: “Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23,35). Cũng thuộc về nhóm những người thủ lãnh, Mát-thêu nêu rõ ràng hơn, đó là các thượng tế, kinh sư và các kỳ mục. Họ chế nhạo Chúa như sau: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi Thánh Giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: ‘Ta là Con Thiên Chúa!’.” (Mt 27,42-43).
Hùa theo các thủ lãnh, các lính tráng cũng nhục mạ Chúa, nhưng với cách thức khác. “Chúng lại gần đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”. Phía dưới đầu Người, có bản án viết: ‘Đây là vua người Do-thái’” (Lc 23,36-38). Ngoài sự sỉ nhục của hai nhóm người này, Chúa Giê-su còn đón nhận một lời sỉ nhục, một lời thách thức của một người tử tội đang cùng bị đóng đinh, mà truyền thống thường nói là người trộm bên trái: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với” (Lc 23,39).
Lời thách thức của tên trộm bên trái tương hợp với các lời thách thức và chễ diễu của đám đông dân chúng. Về điều này, giáo phụ Justin Martyr đã suy niệm như sau: Theo lời Thánh Kinh nói thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi (Tv 22,7), Chúa đã báo trước điều gì sẽ xảy ra với Chúa. Ở mọi nơi Chúa bị coi là điều đáng xấu hổ đối với chúng ta, những tín hữu. Chúa thực là người bị xã hội ruồng bỏ, vì Chúa đã bị chính những người của Chúa đưa Chúa vào trong tình trạng ô nhục. Và Chúa đã kiên nhẫn đón nhận tất cả mọi hành vi bất nhân chống lại Chúa cách trực tiếp…Những người nhìn thấy Chúa bị treo trên thập giá đã lắc đầu, cong môi cách khinh bỉ, mũi họ hếch lên với sự mỉa mai châm biếm và thốt ra những lời mà thánh sử Mát-thêu đã ghi lại: ‘Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! ” Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa! Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế’ (Mt 27,39-44)”.[2]
ĐHY Fulton cũng đã có một cái nhìn rất sống động và mạnh mẽ về anh trộm bên trái này. Trước hết, ngài đã so sánh hai anh trộm bị đóng đinh chung với Chúa đều có tội, nhưng hai người lại nhìn sự đau khổ khác nhau: “Một thi sĩ đã viết: ‘Hai người ngồi tù cùng nhìn qua cửa sổ, một người nhìn thấy trăng sao, kẻ khác nhìn thấy bùn nhơ’. Cũng thế, trên thế gian, có những linh hồn nhìn bông hoa hồng và nói: ‘thật là khổ, trên cành hoa đầy gai’. Nhưng linh hồn khác: ‘thật là phấn khởi trên cành gai có những bông hoa’. Hai thái độ ấy biểu lộ sự khác nhau giữa kẻ trộm lành và dữ chịu đóng đanh cùng Chúa Giê-su trên ngọn đồi Can-va-rio. Người trộm bên phải đại diện cho những ai nhìn đau đớn có ý nghĩa. Người bên trái không nhận ra có ý nghĩa gì, tức đau khổ không được thánh hóa.
Trước hết, chúng ta suy gẫm người bên trái: Hắn ta chịu đớn đau không nhiều hơn người bên phải, nhưng khởi sự và kết thúc cực hình của mình bằng lời nguyền rủa. Chẳng có giây phút nào hắn liên kết đau khổ của mình với Chúa Giê-su. Lời cầu xin tha thứ của Chúa không hiệu quả hơn một bóng chim bay…Bởi lẽ hắn không tiêu hóa được đớn đau và làm cho nó trở nên lương thực của linh hồn. Đó là nguyên nhân khiến hắn nguyền rủa Chúa, Đấng đáng lẽ là mục tử chăn dắt hắn vào thiên đàng bình an. Thế giới ngày nay đầy rẫy những con người như vậy. Đau khổ, cực hình chẳng có ý nghĩa nào cho họ. Không biết chi hết về ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su, nên họ không quan tâm làm cho đớn đau trở thành ích lợi…
Như vậy, bài học của người trộm bên tả Chúa Giê-su đã rõ ràng. Đau đớn tự nó không làm cho người ta khá hơn. Ngược lại có cơ hội làm người ta xấu hơn. Chẳng linh hồn nào trở nên tốt hơn nguyên chỉ vì hắn bị đau tai! Đau khổ không được thánh hóa chẳng làm cho con người tiến bộ, trái lại, làm cho hắn thoái hóa. Kẻ trộm bên tả Chúa không tốt hơn khi chịu đóng đinh. Nó làm cho hắn khô héo, cháy rụi và linh hồn mờ tối. Từ chối liên hệ đau khổ với bất cứ mục tiêu nào, đương sự cuối cùng chỉ nghĩ đến mình và đến những ai sẽ mang xác mình khỏi thập giá. Đó là điều những người mất đức tin vào Thiên Chúa thường làm. Đối với họ Chúa Giê-su trên thập giá chỉ là một biến cố trong lịch sử đế quốc Rôma. Chúa không phải là sứ giả của hy vọng, bằng chứng của tình yêu. Họ có được một dụng cụ quý giá trong tay mình, nhưng đã 5 phút trôi qua mà không thấy sự hữu ích của nó. Họ sống nhưng không hề tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Họ chẳng có mục tiêu để sống. Những đau khổ chỉ làm họ cay đắng, đầu độc họ, và cuối cùng cơ may to lớn của cuộc sống trượt mất khỏi bàn tay. Cánh cửa cứu rỗi khép lại sau lưng và giống như người trộm bên trái, họ tiến vào đêm tối không được chúc phúc”.[3]
Như thế, với ĐHY Fulton, người trộm bên trái đã không ý thức được trách nhiệm cho phần rỗi linh hồn của bản thân, anh ta chỉ nhìn mình và cái lợi trần thế cho mình, nghĩa là anh sợ hãi đau đớn, sợ hãi cái chết trước mắt, cuộc đời anh ta vẫn bám chặt vào trần thế này, đến nỗi đôi mắt thân xác và đôi mắt tâm hồn của anh mờ tối với đời sống mai hậu, mờ tối với Đấng Cứu Độ. Đối diện với thái độ của anh trộm bên trái này, chúng ta cần học điều gì?
Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, không ít lần chúng ta cũng mang tâm trạng của người trộm bên trái. Cụ thể, khi chúng ta rơi vào trong những hoàn cảnh đau thương và tế nhị, chúng ta cũng chờ đợi ở nơi Chúa phải làm một điều gì đó. Khi ở trong đau khổ, như chúng ta bị người ta hiểu lầm, chế diễu và xa cách, hay chúng ta ở trong tình trạng đau yếu đến độ không thể làm gì cả, hoặc chúng ta sống trong tình trạng hôn nhân đứng trước bờ vực đổ vỡ, và cả khi chúng ta ở trong tình trạng thất nghiệp dài lâu, có thể chúng ta đã từng ngước mắt và kêu lên với Chúa: “Chúa ơi, Chúa phải làm một cái gì đó chứ! Nếu Chúa thật sự là Chúa, Chúa phải chữa bệnh cho con, Chúa phải kiếm cho con một công việc, Chúa phải cứu giúp con”.
Chắc chắn rằng, chúng ta được phép kêu xin Chúa để Ngài nâng đỡ, nhưng một điều tế nhị chúng ta cần phải tránh. Đó là chúng ta không được phép thách thức Chúa, không được phép “ép Chúa”, ngược lại cần phải tôn trọng sự tự do và lòng nhân từ của Chúa. Mà chúng ta có muốn ép Chúa cũng chẳng được, bởi vì chúng ta là con người nhiều yếu đuối và giới hạn. Chúng ta nhớ lại lời cầu nguyện đầy khôn ngoan của anh phong hủi: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40). Một lời cầu nguyện với hai chữ Ngài và một chữ tôi, nghĩa là anh bình tâm dâng Chúa lời kêu cầu, nhưng anh không ép Chúa, anh đặt ý muốn và ao ước của anh ở dưới ý muốn của Chúa (hai chữ Ngài và một chữ tôi). Cái tôi của anh ở đây nhỏ đi, để chính Chúa lớn hơn và Ngài có quyền năng làm những gì Ngài muốn. Hơn nữa, làm sao chúng ta có thể hơn Thiên Chúa để nói rằng, chúng ta biết chắc điều gì tốt đẹp cho chúng ta. Vì thế, tinh thần bình tâm của thánh I-nhã sẽ giúp ích cho cuộc sống tâm linh, đặc biệt trong những giây phút chúng ta có quá nhiều âu lo. Nhưng bình tâm là gì?[4]
Bình tâm là một thái độ rất căn bản và nền tảng cho đời sống tâm linh, và thái độ này giúp ích rất nhiều cho những ai gặp khổ đau và thử thách. Thái độ bình tâm này cũng là cung cách hành xử đúng đắn của người có niềm tin đối với Thiên Chúa, và đối với tha nhân.[5] Bình thường con người luôn có khuynh hướng cột chặt vào mình tất cả những gì quý báu. Thật vậy, “chúng ta luôn luôn yêu thích nhiều thứ, và tin tưởng vào chúng trong liên hệ đến cuộc sống thân xác, và chúng ta cũng đã nếm thử chúng với cả thích thú lẫn đắng cay. Những thứ đó đã được chôn kỹ trong tình yêu và trong sự sợ hãi của chúng ta đối với chúng. Chúng ta cần có can đảm cho một cuộc xuất hành nội tâm mới, để hoá giải sức mạnh lôi cuốn của nhiều thứ, và giải thoải chúng ta khỏi những nguy hiểm đến từ sự lệ thuộc hay tình trạng nô lệ”.[6]
Thái độ bình tâm này cũng được một số nhà thần bí người Đức đề cập tới, như Meister Eckhart, Johannes Tauler và Heinrich Seuse. Thánh Gio-an Thánh Giá và Thánh I-nhã Thành Loyola cũng đề cập tới. Thánh I-nhã viết trong sách Linh Thao số 23: “Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thọ tạo trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả”.
Bình tâm với mọi tạo vật và sống trong ý thức không ước muốn bất cứ điều gì cho bản thân mình. Đó là thái độ thoát ra khỏi con người mình, khỏi cái tôi ích kỷ của mình, để sống với một sự tự do nội tâm đích thật. “Ai thật sự tự do trong ý nghĩa này, thì sẽ không đặt những dấu chân đi tìm mình, và không bị giam hãm vào trong ngục tù của cái tôi. Chỉ có ai tự do thật, mới có thể hỏi xem, điều gì trong những khả năng của tôi sẽ thực hiện điều tốt hơn. Chỉ có người tự do mới có nhiều khoảng cách với chính bản thân, đến nỗi người đó không quyết định theo cảm giác nhất thời hay những tư tưởng nhất thời, mà quyết định theo những giá trị và chuẩn mực quan trọng”.[7]
Ngoài ra, với thái độ bình tâm người ta không chỉ được tự do hoàn toàn, mà họ còn tin tưởng cậy trông vào Chúa, và một lòng một dạ tuân theo thánh ý của Ngài mà thôi. Chính Ngài là nền tảng và nguyên lý của đời sống chúng ta. Tin tưởng như vậy, thì sự sầu khổ sẽ được thánh hóa và có thể trở thành lời chúc phúc cho chúng ta, chứ không trở thành sức mạnh tiêu diệt chúng ta. Ở đây, chúng ta đọc một chút tâm tình chia sẻ của Karl Rahner: “Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta gặp phải đều có thể trở nên phúc lành hay là tai họa. Như vậy, điều lúc đầu tưởng như rất khó khăn, tối tăm và cay đắng, đều có thể trở thành phúc lành lớn cho chúng ta, nếu chúng ta vượt qua nó một cách tốt đẹp. Nghĩa là trong niềm tin tưởng hoàn toàn vào Chúa và trong sự bình tâm cùng kiên nhẫn, chúng ta đón nhận điều đó. Cuối cùng, bóng đêm và mọi sự khó hiểu đều có thể trở nên phúc lành. Nếu như vậy, thì chúng ta có thể nói rằng, tất cả mọi điều chúng ta gặp phải đều là phúc lành, dù cho đó là sức khỏe hay bệnh tật, giàu sang hay nghèo khổ, danh vọng hay nhục nhã, sống lâu hay chết yểu. Tất cả đều có thể trở thành phúc lành. Tuy nhiên, trong lời cầu xin của mình, chúng ta vẫn được phép cầu nguyện theo ý của mình: ‘Xin hãy làm cho con được mạnh khỏe và chúc lành cho con được như vậy…’ Dù thế, lời cầu nguyện sẽ chân thật, nếu chúng ta dù ở trong sự khác biệt của đời sống thực tế này, nhưng vẫn ý thức, vẫn tin tưởng và vẫn sẵn sàng đón nhận một tâm tình sống, là tất cả mọi sự, điều này hay điều nọ đều có thể trao ban cho chúng ta lời chúc phúc. Sự thanh thản cũng như nặng nề, tất cả đều có thể là lời chúc phúc hay đều có thể trở nên phúc lành. Và ở bất cứ nơi đâu mà chúng ta cầu xin ơn chúc phúc của Thiên Chúa, ngay cả trong lời cầu xin về một điều nhất định nào đó, thì chúng ta đang kêu cầu Chúa ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh, để đón nhận tất cả mọi sự đến với chúng ta như là sự chúc phúc của Thiên Chúa, và để chúng ta có thể thánh hóa chúng trở thành phúc lành, dù điều đó có bất ngờ xảy đến, hay điều đó có nặng nề đến mấy”.[8]
Như thế, thái độ bình tâm căn bản và nền tảng này rất hữu ích cho đời sống tâm linh. Nếu chúng ta sống bình tâm được, chúng ta sẽ tránh được “vết mòn” của người trộm bên trái, và chúng ta sẽ trở nên khiêm tốn để sống tinh thần của người trộm lành bên phải. Giờ đây, trở về lại với di ngôn của chúng ta và chiêm ngắm một chút tâm tình của Chúa Giê-su và thấy rằng, Ngài vẫn giữ vững tinh thần yêu thương và nhân hậu của Ngài, ngay trong hoàn cảnh Ngài bị sỉ nhục và chế diễu. Paglia chia sẻ như sau: “Chúa tha thứ và đón nhận người trộm lành bên phải, nhưng Chúa không bỏ rơi anh trộm ở bên trái và Ngài cũng không kết án anh ta. Từ ngữ ‘nghi ngờ’ một ai đó, ‘nghi ngờ’ nhóm người nào đó, hay ngay cả ‘nghi ngờ’ đối với một người tội lỗi nhất, không có chỗ trong ngôn từ của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đến để gieo rắc mầm hy vọng vào trong trái tim của những người khổ đau, những người bị bỏ rơi, những người là nạn nhân của các cuộc chiến tranh, và những người đau khổ đến tận cùng bởi những thảm kịch không thể hiểu được. Đối với Chúa, không có bất cứ ai là không xứng đáng với Tin Mừng, với ơn cứu rỗi và với Nước Thiên Đàng. Ngược lại, tất cả chúng ta được tạo dựng nên để hưởng nước Thiên Đàng. Vì thế, Thiên Chúa không bao giờ là người kết án. Trong mọi sự chỉ có chúng ta tự mình bộc lộ ra, và tự mình tránh xa Thiên Chúa, tự mình từ chối lời mời của tình yêu, lời mời trở nên bạn hữu của Thiên Chúa, và như thế chúng ta tự kết án mình. Từ các nguyên nhân rất rõ rệt này, chúng ta tự lãnh trách nhiệm thật lớn lao…Chúng ta phải có ý thức bộc lộ ra trách nhiệm lớn, nếu chúng ta muốn xếp đặt đời mình đúng thực sự theo tinh thần nhân bản, như chính Chúa mong ước. Thầy Do-thái giáo sống cùng thời với Chúa Giê-su là Hillel đã nói rằng: ‘Nếu thế giới này bất nhân, thì phần bạn – bạn hãy cố gắng là một con người đúng nghĩa’.”[9]
Thật vậy, là một con người đúng nghĩa như anh trộm bên phải sám hối ăn năn, chứ không phải như anh trộm bên trái, người đã vô trách nhiệm và đui mù nói ra những lời chế nhạo và sỉ nhục Chúa. Những lời sỉ nhục này của anh ta cũng như của các nhóm người khác còn mang sự thách thức Chúa, và hơn nữa trong chiều sâu thì sự chế nhạo, sỉ nhục và thách thức này còn tiềm ẩn một câu hỏi dày vò chính họ. Đó là hai từ “tại sao”. Tại sao Chúa không chịu xuống khỏi thập giá? Tại sao Chúa lại không muốn chứng tỏ quyền lực của Chúa, nếu Chúa thực là Chúa?
Những người sỉ nhục không hiểu được tại sao Chúa Giê-su, Đấng đã từng làm nhiều phép lạ để cứu biết bao kẻ bất hạnh, giờ đây lại không cứu nổi mình. Nếu Ngài thực là Con Thiên Chúa, tại sao Ngài lại sẵn sàng chịu sỉ nhục như thế? Và tại sao Thiên Chúa không cứu Ngài? Ngoài nhóm người sỉ nhục Chúa, cũng có đám đông dân chúng đứng đó thương tiếc Chúa, đau cho Chúa. Có lẽ họ cũng hỏi tại sao Chúa lại đón nhận cái chết nhục nhã như thế. Trước những lời chế nhạo và sỉ nhục của nhiều nhóm người khác nhau, trước hai từ “tại sao” của nhiều hạng người gián tiếp hay trực tiếp đã đặt ra, Chúa Giê-su phản ứng như thế nào? Chúa có xuống khỏi Thánh Giá theo lời chế nhạo và sỉ nhục của họ không? Chúa có trả lời họ điều gì không?
Theo Đức Cố Hồng Y Martini, thì Chúa Giê-su có thể sẽ trả lời hai chữ tại sao như sau: “Con hãy suy nghĩ xem coi người ta coi Thầy là ai? Khuôn mặt Thiên Chúa mà họ vẽ lên mang dáng vẻ nào? Một vì Thiên Chúa như là một anh hùng thời đại, với chiến thắng, với vinh quang, với quyền lực chính trị, và chẳng sợ chi tới bạo lực, miễn là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ mà thôi? Còn với Thầy, thì khuôn mặt Thiên Chúa chỉ còn là một Thiên Chúa đón nhận sự yếu đuối của mình, đón nhận những đau đớn người ta chất lên vai mình. Một Thiên Chúa can đảm tự ‘đặt mình’ vào sự tự do của con người, để họ muốn làm gì Ngài thì làm. Như vậy, làm sao Thầy có thể xuống khỏi Thánh Giá được. Xuống khỏi Thánh Giá không phải là chiến thắng đâu! Thầy đã được Cha trao phó cho sứ mạng đem lại Tin Mừng và ơn cứu độ cho muôn người. Hôm nay, Thầy cần thi hành sứ mạng này cách trọn vẹn. Vì thế, dù con người có nghĩ gì, dù con người có thất vọng về Thầy, về Thiên Chúa, thì Thầy cũng không rời khỏi Thánh Giá. Hơn nữa, lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa vô biên. Vì vậy, Thầy cũng không thể tự nói với mình rằng: ‘Ta đã đến để cứu độ, đã thử biết bao nhiêu phương cách để hoán cải và chuộc lại con người. Nhưng chúng rất cứng đầu. Bây giờ đã đủ rồi. Cố gắng của Ta đã chấm dứt. Ta sẽ làm cho chúng coi quyền lực của Ta lớn hơn tội lỗi của chúng, và sự chết không thể rờ đến Ta’.”[10]
Chúa Giê-su vẫn nằm đó trên Thánh Giá! “Chúa không xuống khỏi Thánh Giá, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian cho điều đó, là bị đóng đinh vào Thánh Giá cho chúng ta. Giáo phụ Ephrem the Syrian đã suy niệm: “Một tên trộm nói: Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! Dù thế nào Chúa vẫn không rời khỏi thập giá như tên trộm thách thức, để rồi Chúa đã đưa người trộm khác ở bên phải của Thánh Giá lên cao, người đã tin tưởng vào Đấng chịu đóng đinh là Đấng Cứu Độ. Thật là một điều quá dễ đối với Chúa để dùng phép lạ và thâu góm bất cứ ai trở thành môn đệ. Ngài còn tỏ bày một phép lạ lớn lớn, nếu Ngài đã dùng vũ lực để bắt những kẻ chế nhạo Ngài phải thờ lạy Ngài. Tuy nhiên, mà thánh tông đồ đã nói: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25). Ngài đã chỉ cho mọi người thấy sự bất lực của Thánh Giá. Hãy dang đôi tay của bạn và hướng về Thánh Giá, như thế Đấng chịu đóng đinh có thể dang đôi tay của Ngài để hướng về bạn. Nếu ai đó không dang tay của mình hướng về Thánh Giá, thì họ cũng không thể đụng tới được bàn tiệc của Ngài. Ngài sẽ rút lại đôi bàn tay của Ngài đối với những vị khách đến với Ngài nhưng lại quá ‘no nê’, chứ không đến với sự ‘đói khát’. Đừng làm cho bạn ‘no nê trước khi đến với bàn tiệc của Người Con. Ngài sẽ để cho bạn tiếp tục ở lại bàn tiệc, khi Ngài còn ‘đói khát’.”[11]
Hắn cứ xuống khỏi Thánh Giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Ôi một lời yếu tin biết bao.[12] Trước lời thách thức yếu lòng tin đó, Chúa không bị lay chuyển, Ngài chẳng nói năng chi, chẳng sợ hãi trước những lời chế diễu và sỉ vả. Ngài không xuống khỏi Thánh Giá như nhiều người thách thức, và Ngài cũng không đáp lời họ. Đó là một thái độ thật tuyệt vời của Chúa Giê-su. Không cần hao công tốn sức với những lời sỉ nhục mang tính bất nhân và hiểm ác, nghĩa là không để cho những lời đó có ảnh hưởng gì trên Ngài, ảnh hưởng trên sứ mạng mà Ngài nhận được từ Cha trên trời. Sứ mạng của lòng nhân hậu giành cho những tâm hồn biết ăn năn như người trộm lành.
Trở về lại với hình ảnh của hai người trộm cùnh bị đóng đinh với Chúa. Khi người bên trái lên tiếng chế nhạo Chúa như thế, thì người bên phải mà truyền thống gọi là latro poenitens – kẻ trộm ăn năn, hay còn gọi là người trộm lành, anh ta không hùa theo, mà ngược lại lên tiếng mắng người trộm ở bên trái kia: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23,40-41). Lời mắng của người trộm lành chứa đựng hai yếu tố.
Thứ nhất là sự nhắc nhớ và đòi hỏi người gian phi kia phải biết kính sợ Thiên Chúa, như trong sách Châm Ngôn có nói: “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri thức. Kẻ ngu si khinh thường khôn ngoan và lời nghiêm huấn” (Cn 1,7). Trong Cựu Ước, việc kính sợ Thiên Chúa luôn được coi là sự khôn ngoan những người tin. Kính sợ Chúa là khôn ngoan trọn vẹn, và sự trọn vẹn bắt nguồn từ hoa trái của sự kính sợ Chúa. Như thế, kính sợ Chúa là vương miện của sự khôn ngoan, qua đó người ta sẽ nhận được đầy tràn ơn bình an và ơn cứu độ. Đó là điều mà anh trộm lành đã trải nghiệm. Trong sách Giảng Viên ở lời cuối, tác giả đã nói rất rõ ràng: “Lời kết luận cho tất cả mọi điều bạn đã nghe ở trên đây là: hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu” (Gv 12,13-14).
Thánh Vịnh gia cũng nhắc nhớ tinh thần kính sợ Thiên Chúa:
“Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi, vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi” (Tv 34, 9).
“Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy. Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người” (Tv 111,10).
“Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban” (Tv 112, 1).
Valles với kinh nghiệm của bản thân, đã chia sẻ rất thú vị về tinh thần của người kính sợ Thiên Chúa, người công chính qua Thánh Vịnh 112 như sau: “Nỗ lực vươn đến trọn lành không cần phải phức tạp. Sự thánh thiện là từ nội tâm, và sự công chính có thể tìm được ngay tại nhà mình. Niềm vui tuân giữ luật Chúa và lòng thương cảm trợ giúp người nghèo cũng không phải là chuyện xa xôi. Sự khôn ngoan có vai trò riêng của nó trong đời sống thiêng liêng, và đức đơn sơ của một tâm hồn chân thực sẽ tìm thấy những con đường vắn tắt dẫn đến sự thánh thiện. Cái tâm biết đường lối để trở nên người tốt lành, công bình, liêm chính, và việc sống theo đường lối ấy chính là lẽ khôn ngoan cơ bản của mọi tiến bộ thiêng liêng. Đôi khi tôi có cảm tưởng chúng ta đã làm cho cuộc sống thiêng liêng trở nên quá phức tạp. Khi nghĩ đến vô số sách vở đã từng đọc, nhiều khoá học đã từng tham dự, nhiều hệ thống tôi đã từng thử nghiệm, nhiều cách sống đã từng áp dụng, tôi không thể không cười ngu ngơ một mình, rồi tự hỏi mình có cần phải trải qua nhiều thi cử như vậy để học biết cầu nguyện hay không. Và tôi đã tự trả lời: tất cả những khoá học tôn giáo tự chúng rất bổ ích, nhưng chúng cũng dễ dàng biến thành một rào cản khi tôi quỳ gối và muốn cầu nguyện. Để trở nên công chính không khó khăn như vậy. Để gặp được Thiên Chúa trong cuộc sống, tôi chẳng cần phải có quyển sách thiêng liêng mới nhất đang được bày bán trên thị trường. Cho đến nay, tôi miệt mài tìm kiếm trong sách vở. Tôi muốn trở lại với việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em, trở lại với việc mở miệng và đọc lên những câu kinh tôi đã nằm lòng từ khi còn thơ ấu, trở lại với việc kính sợ Thiên Chúa và hân hoan tuân giữ các giới luật của Ngài, trở lại với việc sống nhân ái, đơn sơ giữa một thế giới phức tạp, trở lại với việc trở nên con người được Thiên Chúa mời gọi – một người công chính…Người công chính biết bàn tay Thiên Chúa chở che họ ở đời này, và với lòng đơn sơ khiêm nhường, họ sống phó thác hạnh phúc trong cõi muôn đời. Đó là hoa quả chính trên thiên đàng trổ sinh từ cuộc sống tốt lành của họ trên trần gian. Phúc thay người kính sợ Thiên Chúa”.[13]
Thật vậy, sự kính sợ Chúa là khởi đầu của mọi sự khôn ngoan, người không học nhiều nhưng kính sợ Chúa thì người đó còn khôn ngoan hơn người có cả ba hay bốn bằng tiến sĩ nhưng không kính sợ và tin vào Thiên Chúa. Nếu kính sợ Chúa thì phải đi theo con đường của Chúa, là sống đúng tinh thần của Ngài, sống theo thánh ý của Ngài, như Chúa Giê-su đã sống: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Thomas Merton đã chia sẻ: “Trong thâm sâu hiện hữu của chúng ta, Thiên Chúa đang hiện diện, Đấng muốn chúng ta sống và hiện hữu. Nhưng chúng ta không tìm thấy Ngài chỉ bằng cách tìm kiếm sự hiện hữu của mình. Khi đòi hỏi chúng ta sống, Ngài cũng đòi hỏi chúng ta sống theo một cách nào đó. Mệnh lệnh của Ngài không chỉ bảo chúng ta nên sống theo một cách nào đó nhưng còn phải sống tốt, và nhất là sống hoàn hảo bằng cách sống trong Ngài.
Vì vậy, trong những chiều kích thâm sâu hiện hữu của chúng ta, Thiên Chúa đã đặt ở đó những ngọn đèn lương tâm hầu nói cho chúng ta luật sống. Sống không phải là sống trừ phi nó tuân theo quy luật này vốn là ý muốn của Thiên Chúa. Sống cận kề ánh sáng này là tất cả đạo làm người, vì như thế, con người đến sống trong Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa. Dập tắt ánh sáng bởi những hành động trái với quy luật này là làm hỏng bản chất thánh thiêng nơi bản tính của chúng ta. Nó khiến chúng ta không còn trung thực với chính mình, biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối: mọi tội lỗi đều tác động như nhau, dẫn đến việc thờ ngẫu tượng, thay thế chân lý của Thiên Chúa bằng sự sai lạc…
Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan. Khôn ngoan là nhận biết Chân Lý trong tính chân thực nhất của nó; khôn ngoan trải nghiệm Chân Lý, đi đến Chân Lý ngang qua thái độ chính trực của chính linh hồn. Sự khôn ngoan nhận biết Thiên Chúa ở trong ta và ta ở trong Ngài”.[14]
Phúc cho người nào kính sợ Chúa, Đi trong đường lối Ngài! Xin Chúa cho chúng ta biết bắt chước người trộm lành học biết con đường đến với Chúa, con đường của Chúa. Chúng ta đến với Chúa, gần gũi Ngài hơn, Ngài sẽ dạy chúng ta biết kính sợ Ngài, như người trộm lành khôn ngoan kính sợ Chúa. Hơn nữa, người trộm lành còn nhận ra Chúa Giê-su là người Công Chính. Đó là sự khôn ngoan của Đức Tin, sự khôn ngoan này đưa lại một sự nhận định đúng đắn. Nghĩa là Đức Tin đã giúp nhìn thấy Đấng Công Chính thật sự, Người tôi trung của Thiên Chúa, đang chịu đau khổ và sẵn sàng để cho con người ác tâm kết án cách bất công, và đón nhận cái chết thê lương nhất. Tất cả để cứu rỗi loài người.
Tâm tình thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa của người trộm lành còn đưa chúng ta trở về với Mười Điều Răn, mà chúng ta thuộc lòng từ khi còn là một em thiếu nhi: Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn. Thứ nhất thờ kính một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Ngay điều răn đầu tiên này, chúng ta đã được đưa vào trong tinh thần nền tảng của Ki-tô hữu. Thờ lạy Thiên Chúa và coi Người cao trọng trên hết mọi sự, coi Người là Trung Tâm Điểm duy nhất của cuộc sống, sẽ giúp cho đời sống của chúng ta luôn đượm tinh thần của Chúa. Cụ thể, khi chúng ta thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa trên hết mọi sự, thì chúng ta sẽ suy nghĩ, nói năng và hành động trong lăng kính của Chúa.
Thực tế cuộc sống vẫn thế, khổ đau vẫn có mặt, và biết bao vấn đề vẫn ở đó, nhưng giờ đây chúng ta có được lăng kính của Chúa qua tinh thần thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa, thì mọi điều thực tế của cuộc đời này sẽ không còn làm chủ chúng ta, và đưa chúng ta vào trong ngõ cụt của cuộc sống, nơi đó thất vọng và buồn chán đang chờ đợi, nơi đó thần dữ đang giang tay thả lưới đánh bắt chúng ta. Tinh thần kính sợ và thờ lạy Thiên Chúa trên hết mọi sự của Mười Điều Răn, sẽ giúp chúng ta giải quyết mọi vấn để của đời người không bằng chữ đời nữa, chữ đời của giả dối, của lật lọng, của mưu mô xảo quyệt, chữ đời của ích kỷ và chiếm đoạt, của kiêu ngạo và ác độc. Chúng ta từ chối chữ đời, nói không với nó, là chúng ta đi vào lăng kính của Chúa, vũ trụ của Chúa, và tất cả mọi chuyện sẽ được đặt trên tiêu chuẩn của bác ái và yêu thương, của khiêm tốn và hiền hậu, của tin tưởng và cậy trông, của tha thứ và cảm thông. Có như thế, thì cuộc sống của chúng ta sẽ nở hoa và sinh trái an bình hạnh phúc.
Chúng ta cũng không quên Bảy ơn Chúa Thánh Thần. Một trong Bảy ơn đó là ơn Kính Sợ Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô đã nhắn nhủ trong bài Giáo Lý về ơn kính sợ Thiên Chúa như sau: “Ơn kính sợ Thiên Chúa, là hồng ân của Chúa Thánh Thần, nhắc nhở chúng ta rằng mình nhỏ bé ra sao trước mặt Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và rằng sự tốt lành của chúng ta là do việc phó thác cho Ngài với lòng khiêm nhường, kính trọng và tin tưởng trong bàn tay của Ngài. Đó là kính sợ Thiên Chúa: phó thác vào sự tốt lành của Cha chúng ta, là Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều…Ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta ý thức được rằng tất cả mọi sự đến từ ân sủng, và rằng sức mạnh thực sự của chúng ta là chỉ đi theo Chúa Giê-su và để cho Chúa Cha có thể đổ trên chúng ta sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài. Hãy mở tâm hồn ra, bởi vì lòng nhân lành và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với chúng ta. Đó là điều Chúa Thánh Thần làm với ơn kính sợ Thiên Chúa: mở các tâm hồn. Mở lòng ra để ơn tha thứ, lòng thương xót, lòng nhân lành, sự vuốt ve của Chúa Cha đến với chúng ta, bởi vì chúng ta là những đứa con đang được Ngài yêu thương vô cùng.
Khi chúng ta được thấm nhuần bởi ơn kính sợ Thiên Chúa, thì chúng ta có khuynh hướng đi theo Chúa với lòng khiêm nhường, ngoan ngoãn và vâng lời. Tuy nhiên, đó không phải là với thái độ cam lòng, thụ động và ta thán, nhưng với sự kinh ngạc và niềm vui của một em bé nhận ra rằng mình được Cha phục vụ và yêu thương… Nhưng chúng ta hãy cẩn thận, bởi vì hồng ân Thiên Chúa, ơn kính sợ Thiên Chúa cũng là một ‘lời cảnh báo’ trước sự ngoan cố trong tội lỗi. Khi một người sống trong sự dữ, khi phạm thượng chống lại Thiên Chúa, khi khai thác những người khác, khi áp chế họ, khi chỉ sống vì tiền tài, vì hư danh, hay quyền lực, hoặc kiêu căng, thì khi đó sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa cảnh báo chúng ta: hãy cẩn thận! Với tất cả quyền lực này, với tất cả tiền bạc này, với tất cả kiêu hãnh này của mi, với tất cả hư danh này của mi, mi sẽ không có hạnh phúc đâu. Không ai có thể mang với họ sang (đời sống) bên kia dù là tiền bạc, dù là quyền lực, dù là hư danh, dù là kiêu hãnh. Không mang được gì cả! Chúng ta chỉ có thể mang theo tình yêu mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta, những vuốt ve của Thiên Chúa, được chúng ta chấp nhận và đón nhận với tình yêu. Và chúng ta có thể mang theo những gì mà chúng ta đã làm cho tha nhân. Hãy cẩn thận đừng đặt hy vọng vào tiền tài, kiêu hãnh, sức mạnh và hư danh, bởi vì tất cả mọi thứ ấy không thể hứa bất cứ điều gì tốt đẹp với chúng ta!”[15] Như vậy, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn kính sợ Chúa cho chúng ta trong mỗi ngày sống. Khi có tinh thần kính sợ Chúa, thì cuộc sống sẽ được ánh sáng Đức Tin và ánh sáng Lời Chúa soi chiếu. Người trộm lành của chúng ta, một cách nào đó đã sống trong ánh sáng của Đức Tin vào Thiên Chúa nhân hậu, nên anh ta với lòng khiêm tốn, đã sám hối ăn năn và xin Chúa Giê-su thương đến.
Thomas Merton đã cảm nhận được tinh thần này, nghĩa là lòng kính sợ Chúa được khởi đầu với tinh thần sám hối ăn năn: “Kính sợ, bước đầu tiên dẫn đến khôn ngoan, là sợ rằng, mình không chân thật với Thiên Chúa và với chính mình. Đó là sợ rằng, chúng ta đã tự dối mình, đã ném đời mình dưới chân một vị thần sai lạc. Nhưng mọi người đều là kẻ nói dối, vì mọi người đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều sai lạc với Thiên Chúa. ‘Nhưng Thiên Chúa thì chân thực; và mọi người đều giả dối, như được viết’ (Rm 3,4).
Lòng kính sợ Thiên Chúa, khởi đầu của khôn ngoan, vì thế, là sự nhìn nhận ‘lời nói dối ở trong tay hữu mình’ (Is 44, 20). ‘Nếu chúng ta nói mình không có tội, chúng ta lừa dối chính mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói rằng, chúng ta không phạm tội, chúng ta biến Ngài thành kẻ nói dối, và Lời của Ngài không ở trong chúng ta’ (1Ga 1,8.10). Vì thế, khởi đầu của khôn ngoan là sự xưng thú lỗi lầm. Sự xưng thú này giúp chúng ta tìm lại được lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó làm cho ánh sáng chân lý của Ngài toả chiếu trong lương tâm chúng ta, không có nó, chúng ta không thể tránh tội. Nó mang sức mạnh của ân sủng Ngài vào trong linh hồn chúng ta, gắn kết hành động của ý muốn chúng ta với chân lý trong khả năng hiểu biết của mình”.[16]
Về tinh thần sám hối, thiết nghĩ cũng nên nhìn đến hình ảnh của Phê-rô, một người đã sống tinh thần sám hối thật sâu sắc.[17] Những giọt nước mắt hổ thẹn và hối hận lăn dài trên khuôn mặt của Phê-rô, khi ông vội vã thoát khỏi sân dinh vị thượng tế, là nơi Chúa Giê-su đang bị giam giữ. Một tiếng nói bên trong nội tâm tra khảo ông: “Làm sao ông lại chối bỏ thầy Giê-su cách công khai như vậy?” Cách đây ít lâu, ông không bao giờ có thể tưởng tượng là mình có thể quay lưng với Chúa Giê-su một cách nhẫn tâm như vậy. Những lời khẳng định đầy hiên ngang mà ông vừa nói với Chúa Giê-su, nay lại quay về ám ảnh ông: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33). Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su tiên báo, thì đêm hôm ấy, ông đã chối Chúa đến ba lần. Phê-rô thầm nghĩ, mọi sự xảy ra quá nhanh. Trước hết, ông cẩn thận tìm mọi cách để đi theo Chúa vào trong sân. Rồi khi ông thấy mình đã bị nhận diện là môn đệ của Chúa Giê-su, ông chợt nhận ra là mình đang gặp nguy hiểm. Đó là khi người ta bắt đầu lớn tiếng cáo buộc ông: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì?” (Mc 14,67). Ông cảm thấy hồi hộp. Người ta càng thúc ép ông trả lời cho câu hỏi đó, thì ông càng cương quyết phủ nhận. Trong chốc lát, thái độ nhún vai phủ nhận đã biến thành một lời thề công khai, khi ông bắt đầu thốt lên những lời độc địa mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26,74).
Ngay khi ông nhớ lại một chuỗi những sự kiện xảy ra quá nhanh, thì lòng ông quặn đau như thắt vì thất bại và ông cảm thấy hết sức chán nản. Sau này, Phê-rô nhận thức rằng khi Chúa Giê-su quay lại nhìn ông, thì chính cái nhìn ấy – một cái nhìn đầy lòng thương xót – đã lay động tâm hồn ông, để ông nhận ra điều khủng khiếp mình vừa làm, đồng thời ông cũng nhận biết là Chúa đã thông cảm và tha thứ cho ông. Khi ông nhận ra điều đó, ông đã khóc lóc thảm thiết. Sertillanges đã chia sẻ như sau: “Đức Giê-su hướng về Phê-rô, mặc dầu ông ở rất xa, nhưng vẫn cảm được cái nhìn của Thầy, cái nhìn làm tan biến sự yếu đuối của trái tim con người, thâm nhập sâu vào tình yêu của nó và ban sức mạnh cho sự yếu đuối ấy. Tảng đá đã chao đảo. Nhưng chính trên tảng đá này mà nền móng của công trình đời đời được thiết lập. Nơi đâu mà xác thịt loài người tỏ ra yếu đuối, nơi đó quyền năng của Thượng Đế được biểu lộ rõ ràng. Phê-rô vấp ngã, nhưng ông là người thứ nhất tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, rằng Ngài là Đấng Thiên Sai Thượng Đế hứa”.[18]
Câu chuyện Phê-rô chối Thầy được trình thuật cả trong bốn Tin Mừng, chỉ cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã công bố khuyết điểm của vị thủ lãnh đầu tiên của mình, chứ không che đậy. Dù vậy, họ được thêm vững mạnh, chứ không bị vấp phạm. Kinh nghiệm của thánh Phê-rô xác nhận với họ rằng, thất bại là điều có thể chấp nhận được, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ. Rất có thể là chính thánh Phê-rô đã phổ biến câu chuyện thất bại của mình, khi người không ngừng cố gắng khích lệ anh chị em mình phấn đấu – như Chúa Giê-su đã yêu cầu Phê-rô: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).
Như Giáo Hội tiên khởi đã xem sự sa ngã của Adam là một “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà xuất hiện Đấng Cứu Thế, Giáo Hội cũng xem sự trượt ngã của Phê-rô là “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà Giáo Hội có được một vị thủ lãnh vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Phê-rô bị bó buộc phải đối diện với bóng tối của mình, và điều đó đã làm cho ông trở nên con người khiêm nhường đầy lòng thương xót.[19]
Trở về với di ngôn của chúng ta, ăn năn sám hối là tinh thần thứ hai, mà người trộm lành nhắc nhớ người trộm xấu xa. Anh ta cần ý thức về tội lỗi của cả hai đã phạm, lỗi đó đáng bị phạt, một hình phạt đích đáng. Điều đó diễn tả sự công bằng cần có. Qua tinh thần sám hối ăn năn với lòng khiêm tốn thẳm sâu, cuộc đời anh được đổi mới, anh được đón nhận ân sủng của ơn cứu rỗi mà anh không thể ngờ được.
Hình ảnh của anh trộm lành ngày xưa, chúng ta vẫn còn có thể tìm thấy trong nhiều thời đại. Có một câu chuyện thật cho thấy những ảnh hưởng của những lời mà Chúa Giê-su đã nói với anh trộm lành sám hối ăn năn ngay trong thời đại ngày nay. Một cặp vợ chồng Mê-xi-cô bị cướp mất thẻ tín dụng, giấy tờ và tiền mặt. Một vài người bạn đã cùng cầu nguyện để giúp họ bình tâm lại và những món đồ bị cướp có thể tìm lại được. Một tuần sau, cặp vợ chồng nhận được một bao thư dày được gửi bằng đường bưu điện. Tất cả những vật giá trị của họ đều nằm bên trong bao thư. Kèm theo là một bức thư ngắn được ký với tên Người trộm hoán cải. Và trong bức thư có vẽ ba cây Thánh Giá. Cây bên phải được đánh dấu tròn. Thật vậy, lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa Giê-su đối với những ai lầm lỡ mà biết khiêm tốn và hối cải, vẫn đang biến đổi nhân loại. Tóm lại, tinh thần sám hối và lòng kính sợ Thiên Chúa luôn đi đôi với nhau. Hơn nữa, sự thống hối ăn năn không bao giờ trễ, tinh thần thờ lạy Chúa chúng ta luôn tìm lại được, và luôn được Chúa Thánh Thần Chúa ban tặng, khi ý thức kêu cầu cùng Ngài. Như thế, chúng ta thấy rằng, ngay giây phút cuối cùng, người tội lỗi vẫn luôn còn cơ hội để trở về, để ăn năn thống hối và nhận được ơn tha thứ, và nhờ đó thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa.[20] Điều đó nêu bật tinh thần hy vọng.
Với người trộm lành, đi đôi với tâm tình kính sợ Thiên Chúa, cùng lòng thống hối ăn năn, là một lời cầu xin rất chân thành: “Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Về lời của anh trộm lành, Đức Benedicto XVI đã chia sẻ như sau: “Lời thứ hai của Chúa Giê-su trên Thánh Giá được thánh Luca tường thuật là một lời hy vọng; nó là câu trả lời cho lời cầu xin của một trong hai kẻ bị đóng đinh với Người. Người Trộm Lành, trước sự hiện diện của Chúa Giê-su, anh nghĩ đến mình và hối hận, anh cảm thấy mình ở trước Con Thiên Chúa, Đấng tỏ lộ dung nhan Thiên Chúa, và cầu xin: Lạy Ông Giê-su, xin nhớ đến tôi khi vào vương quốc của Ngài”.[21]
Như thế, lời cầu xin của người trộm lành nêu bật được niềm hy vọng. Trong chính hoàn cảnh vô vọng, anh ta vẫn khiêm tốn hướng đến Chúa Giê-su, để xin Ngài đoái nhìn, để niềm hy vọng của anh ta được tròn đầy. Vâng, hy vọng và không bao giờ bỏ cuộc. Hy vọng mặc dù không còn hy vọng, như Áp-ra-ham ngày xưa và như người trộm lành trong câu Tin Mừng của chúng ta.
“Kinh Thánh trình bày cho thấy có những niềm cậy trông như bùng phát, trào dâng hết sức sống động. Một ví dụ trong sách Aica, với khúc hát của một tâm hồn trong cơn thử thách đau đớn nhất: ‘Tôi, một người từng nếm cảnh lầm than, dưới roi phẫn nộ của Người. Người đã xua đi và dẫn tôi vào trong tăm tối chứ không phải vào ánh sáng. Người đã xây tường vít tôi, không để cho ra. Tôi kêu, tôi la, Người đã bịt lối trước lời tôi cầu nguyện. Và tôi nói: Thế là mất rồi chỗ dựa, và hy vọng tôi nơi Ðức Giavê’. Và rồi, niềm cậy trông lại bùng lên làm đảo lộn tất cả. Người đó lại thốt lên với chính mình: ‘Quả ơn nghĩa Giavê không hết, lòng xót thương của Người không cạn! Thế nên tôi trông cậy vào Người ! Ðức Chúa sẽ không rẫy bỏ phàm nhân đời đời, cho dù Người có hành hạ, Người sẽ chạnh thương, chiếu theo lòng nhân hải hà. Có lẽ còn hy vọng’ (x.Ac 3,1-29).
Tôi muốn bắt đầu cậy trông trở lại ! Vinh quang thay cho Thiên Chúa, an ủi thay cho con người nếu những lời đó luôn luôn được lập lại ! ‘Vạn sự tôi đã trông cả ở Giavê, và Người đã đoái nhìn lại’, đó là lời một vịnh gia cảm nghiệm sự phục sinh nhờ có lòng trông cậy (Tv 40,1), và một vịnh gia khác: ‘Tôi trông cậy, lạy Giavê hồn tôi trông cậy, tôi những trông cậy ở Lời Người’ (Tv 130,5). ‘Israel, hãy trông cậy vào Ðức Giavê, từ bây giờ cho đến muôn đời’ (Tv 131,3)…
Con người cần hy vọng để sống như cần oxy để thở. Nhu cầu này là khẩn thiết đến nỗi chỉ nguyên nghe nói đến hy vọng là người ta đứng thẳng dậy, và có thể nói, họ nhìn vào tay bạn, xem bạn may ra có điều gì đó đáp ứng lại nỗi khát khao của họ. Người ta nói, bao lâu còn hy vọng thì bấy lâu còn sự sống…
Người ta có thể phạm đến đức cậy theo hai cách: hoặc hết hy vọng vào ơn cứu độ, hoặc cho rằng mình được cứu độ mà không cần có công phúc; thất vọng và tự phụ. Cả ở điểm này nữa, cần phải giữ cho Thập Giá và Phục Sinh gắn liền với nhau. Chịu đau khổ mà không hy vọng Phục Sinh, đó là sự tuyệt vọng, hy vọng Phục Sinh mà không chịu đau khổ, đó là sự tự phụ. Ðôi lúc tôi tự hỏi tại sao Thiên Chúa rất thích lòng cậy trông, Ngài không ngừng đòi chúng ta cậy trông vào Ngài. Vẫn một lòng cậy trông cho dù tất cả mỗi lúc một trở nên khó khăn, nghiệt ngã hơn, hơn là thực tế hiển nhiên mỗi lần xảy đến đều đập tan niềm hy vọng, chính đó là tin vào Thiên Chúa hơn là vào các sự kiện hiển nhiên; là luôn luôn chấp nhận cho Thiên Chúa có thêm một quyền, một khả năng nữa; là đặt trọn niềm tin tưởng vào Ngài…
Như lời thi sĩ Péguy, chúng ta cần phải trở nên ‘những người gắn bó với niềm hy vọng nhỏ nhoi’. Bạn đã tha thiết, hy vọng một điều gì đó, hy vọng một sự can thiệp của Thiên Chúa và rồi chẳng thấy gì phải không? Có phải bạn lại hy vọng thêm một lần nữa mà rồi vẫn không được gì? Tất cả cứ vẫn như trước mắt cho thấy mình sắp được đoái nhận? Xin bạn cứ tiếp tục hy vọng, cậy trông thêm một lần nữa, cậy trông mãi mãi, cho đến tận cùng. Hãy trở nên gắn bó với niềm hy vọng. Trở nên người gắn bó với hy vọng là chấp nhận để cho Thiên Chúa làm bạn thất vọng, để cho Thiên Chúa lừa dối bạn trên cuộc đời này bao nhiêu tùy ý Ngài. Còn hơn thế nữa: là thuận lòng, tận thẳm sâu tâm hồn, với việc Thiên Chúa không đoái nghe lời bạn lần thứ nhất cũng như lần thứ hai, với việc Ngài tiếp tục không đoái nghe lời bạn, vì như thế là Người cho phép bạn được dâng cho Người thêm một bằng chứng, được thực hiện thêm lòng cậy trông, mỗi lúc một khó khăn hơn. Người đã ban cho bạn một ân huệ lớn lao hơn nhiều so với điều bạn kêu xin: ơn trông cậy vào Người”. [22]
Hy vọng thuộc về tinh thần sống của người Ki-tô hữu, bởi vì niềm hy vọng chúng ta có là từ nơi Thiên Chúa, và chúng ta không hy vọng vào ai khác, mà là hy vọng vào chính Thiên Chúa, Đấng là chủ cuộc sống, Đấng yêu thương chúng ta. Ở nơi Ngài, chúng ta giữ vững niềm hy vọng, dù chúng ta ở trong hoàn cảnh của anh trộm lành, bị đóng đinh vào Thánh Giá, ở trong hoàn cảnh khổ đau và vô vọng. Thật vậy, niềm hy vọng của chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa và giá trị tròn đầy của nó, khi chúng ta hướng lòng lên Chúa và hướng mắt nhìn Ngài, Đấng là nguồn mạch của niềm hy vọng. Đức Benedicto XVI đã diễn tả điều này thật hay: “Vì vậy, qua câu trả lời này, Người cho chúng ta một hy vọng chắc chắn rằng sự tốt lành của Thiên Chúa có thể chạm đến chúng ta, ngay cả trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, và ngay cả sau một cuộc sống sai lầm, ai chân thành cầu nguyện sẽ tìm thấy vòng tay rộng mở của Người Cha nhân lành đang chờ đợi đứa con trở lại”.[23] Thật vậy, Chúa rất nhân từ, và người trộm lành gọi Chúa là Ngài và cầu xin nhớ đến anh trên Nước của Ngài. Đó cũng là lời tuyên xưng của anh vào Đấng chịu đóng đinh là Đấng Cứu Độ.
“Lạy Ông Giê-su, xin nhớ đến tôi khi vào vương quốc của Ngài”. Trong lời cầu xin này anh trộm lành trên thập giá cuộc đời anh đang bị treo đã tuyên xưng niềm tin của anh vào Chúa Giê-su, Đấng đang cùng chịu đóng đinh với anh, Đấng có thể ban tặng cho anh ơn cứu độ. Các giáo phụ đã nhìn thấy ý nghĩa sâu sắc của lời việc tuyên xưng này. Maximus of Turin chia sẻ: “Sự đau khổ của Thánh Giá là sự vấp ngã của nhiều người, như thánh tông đồ nói: ‘chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ’ (1Cr 1,23). Lòng ăn năn của người trộm lành hướng về Thánh Giá của Đức Ki-tô không phải là vấp ngã cho anh, mà là sức mạnh để anh đạt được nước Thiên Đàng. Thánh tông đồ cũng nói: ‘Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa’ (1Cr 1,24). Thật xứng hợp, khi Chúa ban cho anh trộm lành nước Thiên Đàng, vì khi bị treo trên thập giá, người trộm lành đã tuyên xưng vào Đấng mà Giu-đa đã phản bội và bán đứng Ngài trong ngôi vườn. Đó là một điều cần chú ý tới. Tên trộm tuyên xưng vào Chúa, trong khí chính đồ đệ lại chối từ Chúa. Như tôi nói, đó là một điều cần chú ý tới. Tên trộm đã vinh danh Đấng chịu khổ đau, trong khi Giu-đa đã bội phản Ngài bằng cách hôn chào Ngài! Một kẻ thì rao bán những lời xu nịnh và bợ đỡ, còn một người thì rao giảng các thương tích của Thánh Giá. ‘Lạy Ông Giê-su, xin nhớ đến tôi khi vào vương quốc của Ngài’.
Lời tuyên xưng niềm tin của anh trộm lành qua lời cầu nguyện của anh làm cho chúng ta nhận ra rõ ràng hơn nữa ý nghĩa và giá trị của niềm tin. Chúng ta có thể nhớ lại một số hình ảnh cũng đã tuyên xưng niềm tin vào Chúa, và Chúa đã cứu rỗi họ. Cũng ở trong phúc âm của Luca, chúng ta nhớ tới Da-kêu. Tất cả những hành động của ông diễn tả ông đi tìm gặp Chúa diễn tả một niềm tin rất đơn sơ nhưng rất mạnh mẽ. Câu chuyện đã để lại một hình thật đẹp. Đó là Chúa đã bước tới ngay trước cây sung, Chúa nhìn lên và gọi ông xuống: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5b). Khi cùng ngồi tại bàn tiệc ở nhà ông, và thấy Da-kêu thống hối ăn năn, một lần nữa Chúa lại nói với ông bằng cách lập lại hai từ “hôm nay”: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,9b-10).
Chúa Giê-su đến, và Ngài chú ý đặc biệt đến những ai đau yếu, những ai lầm lỡ và tội lội mà sẵn lòng ăn năn và tin tưởng vào Ngài. Thật vậy, dù bạn là ai, nhưng nếu bạn tin tưởng vào Chúa, thì bạn sẽ nhận được hồng phúc cứu độ. Leo the great suy niệm: “Anh ta là một kẻ trộm ở trên đường và anh ta luôn luôn làm cho mọi người lo sợ cho sự an toàn của mình. Đáng bị đóng đinh trên thập giá, và ở trên đó anh ta bất ngờ trở thành một người tin tưởng vào Đức Ki-tô…Anh ta kêu cầu: ‘Lạy Ông Giê-su, xin nhớ đến tôi khi vào vương quốc của Ngài’. Sau lời kêu cầu này, món quà của niềm tin đã đến với anh như là một câu trả lời. Chúa Giê-su nói với anh: ‘Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng’. Lời hứa này vượt trên những gì thuộc về con người…Từ trên cao, Ngài đã ban phần thưởng của niềm tin. Ở trên cao, Ngài đã xóa bỏ nợ nần của nhân loại tội lỗi: ‘Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá’ (Cl 2,14)…Ngày ở giữa những ngược đãi, cả thiên tính không thể xâm phạm và cả cái khổ đau tự nhiên của con người đã duy trì được bản chất của mình và tính chất độc nhất của mình”.[24]
Còn Origen thì chia sẻ rằng: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Qua lời này, Chúa đã ban tặng cho tất cả những ai tin tưởng và tuyên xưng vào Chúa một lối vào mà A-đam ngày xưa đã đóng lại bởi tội lỗi đã phạm. Ai có thể làm tắt đi ‘ngọn lửa đang cháy sáng trên thanh kiếm đang canh chừng cây của sự sống’ và cánh cửa bước vào Thiên Đàng? Ai có thể làm cho các thiên thần cherubim nghỉ không cần phải canh gác không ngừng, nếu đó không phải là Đấng đã làm nên mọi quyền năng trên trời và dưới đất? Không có ai ngoài Ngài có thể làm được điều này”.[25]
Đấng ấy chính là vị Vua trên hết các Vua, Đấng có thể đưa bất cứ ai vào Nước của Ngài.
Tại sao người trộm lành lại nhắc đến chữ Nước hay Vương Quốc của Ngài? Phải chăng lời của anh ta thốt lên bởi vì anh ta tin vào cái bảng mà người ta treo trên Thánh Giá của Chúa Giê-su: “Đây là Vua người Do-thái” (Lc 23,38).[26] Những hàng chữ đó với các người bắt bớ Chúa là bản án giành cho Chúa mang đầy tính diễu cợt và sỉ nhục, nhưng với người trộm lành có đôi mắt sáng, thì tấm bảng đó diễn tả một sự thật mà con người có nhận ra hay không, thì sự thật vẫn thế. Sự thật nêu bật quyền Vương Đế của Chúa Giê-su, vị Vua trên hết các Vua. “Rõ ràng người trộm lành tại cây Thánh Giá đã nhận ra rằng, người bất lực kia là Vua thật, vị Vua mà dân Ít-ra-en đang trông đợi, và ở kế bên anh Ngài không chỉ đứng trên Thánh Giá, mà Ngài còn đứng trong vinh quang nữa”.[27]
Thật vậy, con người có muốn diễu cợt hay con người muốn công nhận sự thật về Vương Đế của Chúa Giê-su, thì lời của con người không bao giờ vượt trên sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Cuộc chơi con người đưa ra luôn nằm ở trong vũ trụ và sự kiểm soát của Thiên Chúa. Chúa Giê-su là Vua người Do-thái, những hàng chữ này đã được chính con người, dù với dụng ý xấu xa, công bố cách công khai trên Thánh Giá, để tất cả mọi người đều thấy. Thật tuyệt vời! “Chúa Giê-su đã được nâng cao. Thánh Giá là ngôi Vua của Chúa, và từ ngôi Vua là Thánh Giá đó, Chúa kéo thế giới lại với Ngài. Từ nơi này, nơi mà Ngài tự hiến dâng chính mình, từ nơi này, nơi tình yêu thực sự của Thiên Chúa hiện diện, Chúa đang trị vì như vị Vua đích thật. Ngài trị vì theo cách thức của Ngài, cách thức đó Phi-la-tô và những nhân vật thế giá trong Thượng Hội Đồng không thể hiểu được”.[28]
Cách thức của vị Vua tình yêu đầy lòng nhân hậu sẵn sàng mở lời với những người trông cậy vào Ngài: “Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng”. Câu trả lời của Chúa vượt xa điều anh trộm lành cầu xin, Người nói, “Thật, Tôi bảo anh, hôm nay, anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Ðàng”. Trong câu trả lời của Chúa Giê-su ít nhất có ba điều chúng ta cần chú ý: (1) Hôm nay, (2) ở cùng tôi và (3) trên thiên đàng. Đầu tiên, xin suy niệm về hai từ hôm nay.
Theo Gruen,[29] có hai ý nghĩa của từ ngữ hôm nay trong phúc âm của Luca. Thứ nhất là ý nghĩa ở trong mạch văn này: ngay hôm nay, ngay sau cái chết của Chúa Giê-su, người trộm lành sẽ được đến với Chúa Giê-su trong nước của Ngài, ngôi vườn đầu tiên và tuyệt vời trên trời mà Thiên Chúa đã làm cho loài người, và được mọi người gọi là Thiên Đàng (paradise). Như thế không cần phải đợi chờ lâu la gì. Trong cái chết của anh trộm lành, một sự biến đổi đến hoàn thiện xảy ra. Đây là một bức tranh thật đẹp và đầy an ủi đối với chúng ta. Paglia cũng chia sẻ: “Không có thời gian chờ đợi. Chúa Giê-su không dò xét gì, Ngài không tra hỏi gì, Ngài không đưa ra toà án, cuối cùng Ngài cũng không truy cứu gì cả. Ngài cứu rỗi ngay hôm nay. Bây giờ và ngay lập tức”.[30]
Ý nghĩa thứ hai của từ hôm nay được hiểu trong toàn mạch văn của phúc âm theo Lu-ca. Từ ngữ hôm nay được dùng 12 lần trong Luca (x.2,11; 3,22; 4,21; 5,26; 12.28; 13,32.33; 19,5.9; 22,34.61; 23,43). Dưới đây là một số đoạn mà Lu-ca nhắc đến từ ngữ hôm nay.
Trong biến cố Chúa Giáng Sinh: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11).
Trong biến cố Chúa chịu phép rửa ở sông Gio-đan, có tiếng từ trời phán: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).
Thời gian đầu tiên khi Chúa bắt đầu rao giảng trong hội đường ở Na-gia-rét: “Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).
Khi Chúa chữa người bại liệt xong: “Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!” (Lc 5,26).
Chúa nói với ông Gia-kêu, khi ông ở trên cây sung: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
Trong nhà Gia-kêu, Chúa Giê-su nhắc từ này một lần nữa: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,9-10).
Lần cuối cùng là lần Chúa nói với người trộm lành: “Thật, Tôi bảo anh, hôm nay, anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Ðàng” (Lc 23,43).
Từ ngữ hôm nay Lu-ca dùng diễn tả một điều: với Lu-ca những hoạt động của Chúa Giê-su là thời gian của chữa lành và thời gian để thực hiện mọi điều tốt đẹp. Như thế, hôm nay là thời điểm mà Chúa Giê-su bước vào thế giới chúng ta trong thân phận của một hài nhi, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Mà hài nhi đó chính là Đấng Ki-tô Đức Chúa, thuộc về dòng dõi của Vua Đa-vít. Cũng hôm nay, tại giòng sông Gio-đan, một tiếng lạ từ trời cao đã gởi cho chúng ta một sứ điệp cao quý về Đấng Ki-tô, Đấng đã bước xuống dòng sông của nhân loại, để biến đổi cho nước của dòng sông này thành nước thanh tẩy tất cả mọi người có lòng ao ước đón nhận ân sủng của Chúa. Đức Ki-tô chính là Con yêu dấu của Cha trên trời, vì Ngài vâng phục Cha hoàn toàn, để thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng và đem ơn cứu rỗi cho mọi người Chúa thương yêu. Vì thế, mỗi ngày là ngày hôm nay của Chúa, để Chúa làm cho những ai bại liệt có thể đứng lên được, những ai tội lỗi và sống trong bóng đêm có thể bước ra ánh sáng. Tại bàn tiệc ánh sáng đó, Chúa lại nói lời cứu rỗi của hôm nay. Và không chỉ dừng bước ở đó. Từ ngữ hôm nay của Chúa đã theo bước Chúa tới cây Thánh Giá, để rồi Ngài lại nói với người trộm lành sứ điệp của ngày hôm nay, ngày anh ta được hội ngộ với Chúa trên Nước Thiên Đàng. Trong cuộc sống của chúng ta, Chúa vẫn nói lời hôm nay, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Mỗi lần chúng ta đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa, là chúng ta đang ở với Chúa trên Nước Thiên Đàng ngay trong ngày hôm nay. Nhưng ngày hôm nay đó sẽ tìm được ý nghĩa trọn hảo trong cái chết, khi chúng ta được về với Chúa trên Nước của Ngài.
Cũng như người trộm lành, trong giờ đối diện với cái chết, nếu chúng ta hướng về Chúa và cầu xin với Ngài, thì ngày hôm nay của Chúa sẽ xảy ra với chúng ta, thời điểm hôm nay của ân sủng, của lòng thương xót Chúa dành cho chúng ta. Như thế, hôm nay tất cả mọi sợ hãi trước cái chết được biến đổi vào trong niềm tin tưởng vào Chúa. Và ở trong cái chết chúng ta sẽ được gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi đang chiếu sáng ánh hào quang của lòng nhân hậu xót thương ngay ngày hôm nay, để Ngài đưa chúng ta về nước Thiên Đàng, nơi đó bóng tối không còn nữa, khổ đau cũng lùi bước, và sự dữ không có chỗ đứng; nơi đó Thiên Chúa hiện diện và cho chúng ta được ở bên Ngài, để nếm cảm hạnh phúc tình yêu, hạnh phúc vĩnh cửu. Và ở bên Chúa, mỗi ngày đều là hôm nay, ngày vĩnh cửu của Đất với Trời thắm thiết hôn nhau, ngày vĩnh cửu của Thiên ôm ấp Trần vào vòng tay yêu dấu, để Trần luôn được ở cùng Thiên mãi mãi, từ hôm nay cho đến mãi muôn muôn đời. Tâm tình này đưa chúng ta vào yếu tố thứ hai của lời Chúa Giê-su nói.
Lời của Chúa nói với người trộm lành mở cho anh một cuộc sống mới, cuộc sống ở cùng Chúa. Đó là một hồng ân rất tuyệt vời. Từ thân phận bất xứng của kẻ tội lỗi, anh được Chúa tha thứ và dọn cho anh một chỗ bên Ngài.
Trước hết, tâm tình này liên hệ đến hình ảnh của người Mục Tử nhân lành trong Thánh Kinh, và đặc biệt nơi Chúa Giê-su. Hình ảnh Mục Tử hiền lành và nhân hậu quen thuộc đối với người Do-thái, diễn tả sống động hình ảnh Thiên Chúa là Mục Tử đầy lòng nhân hậu và yêu thương dân của Ngài, đặc biệt giành cho những người lầm đường lạc lối. Thật vậy, Chúa yêu thương chúng ta, đến nỗi Chúa là người Mục Tử chạy theo từng bước chân sai lạc của chúng ta, để đưa chúng ta trở về. Đức Benedicto XVI đã diễn tả tâm tình này thật sâu sắc trong thông điệp đầu tiên của ngài Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas Est: “Hành động này của Thiên Chúa mang lấy hình thức bi thảm trong sự kiện, chính Thiên Chúa trong Đức Giê-su Kitô chạy theo ’con chiên bị thất lạc’, chạy theo nhân loại đau khổ và bị tiêu vong. Khi Đức Giê-su trong các dụ ngôn nói về người mục tử chạy theo con chiên bị lạc mất, về người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh rơi, về người cha chạy đến người con đi hoang và ôm nó vào lòng, thì đấy không những chỉ là những lời nói, nhưng là những cách giải thích bản chất và hành động của chính Người. Trong cái chết thập tự của Người, việc ‘Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình’ đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ – đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su, mà thánh Gio-an nói đến (x.Ga 19,37) giúp chúng ta hiểu khởi điểm của thông điệp này: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Kitô hữu tìm được con đường để sống và để yêu” (Số 12).[31]
Con đường sống trong tình yêu của người Ki-tô hữu là con đường được Chúa yêu thương ấp ủ, chính Ngài khi đã tìm lại chiên lạc lối, thì sẽ đưa chiên của Ngài đến một nơi thật tuyệt vời, với đồng cỏ xanh tươi, với dòng nước trong lành, để bồi bổ và để tận hưởng niềm vui của tình yêu, niềm vui của niềm tin vào Chúa, Mục Tử nhân hậu, như Thánh Vịnh gia diễn tả:
“Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23,2-3a).
Được Chúa cho nằm nghỉ êm ấm trên đồng cỏ xanh, và được Chúa cho uống những dòng nước trong lành, thì còn gì tuyệt vời hơn. Nơi đó chính là mảnh đất hứa, nơi đó con cái Chúa được lòng nhân hậu và tình thương của Ngài ấp ủ, nơi đó con cái Chúa tận hưởng tình yêu được ở trong nhà Ngài, ở trong đền Ngài mãi mãi. Đó chính là hạnh phúc mà Thánh Vịnh gia nhận ra, và kể lại cho mọi người kinh nghiệm về hạnh phúc được ở cùng Chúa:
“Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23,6).
Cả một cuộc đời được tình thương Chúa ấp ủ. Ngài tháng năm dài được sống trong đền Chúa. Đó lành hạnh phúc thiên đàng mà có lẽ ai ai cũng ao ước. Dù cuộc đời hôm nay có rao bán nhiều thứ hạnh phúc khác nhau, hạnh phúc hưởng thụ vật chất với một đời sống tiện nghi sung túc, hưởng thụ thoả mãn những lạc thú của cuộc đời, hạnh phúc đạt được những danh vọng và quyền lực đưa con người lên đỉnh cao, trở thành trung tâm điểm của cuộc sống, thì những thứ hạnh phúc đó không bao giờ tồn tại vĩnh viễn được. Những hạnh phúc đó mỏng manh như phận người mỏng dòn, những hạnh phúc đó mau chóng tàn phai như đời người có thể sáng nở tươi nhưng tối tàn phai mà chẳng ngờ được. Những hạnh phúc con người tự tạo nên đều giới hạn như đời người nhiều lắm là 100 cái xuân xanh. Cuối cùng, chỉ có hạnh phúc được ở cùng Chúa, được sống trong vòng tay ấp ủ của Người Mục Tử nhân hậu, được ở kề bên lòng Chúa, mới tồn tại vĩnh viễn. Và không có sức mạnh nào, kể cả cái chết có thể lấy mất đi hạnh phúc đó. Vì thế, người trộm lành được diễm phúc đón nhận hạnh phúc cao quý này, đó là hồng ân tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện mà Chúa Giê-su đã dành cho anh. Hiệp với người trộm lành hạnh phúc, chúng ta có thể mượn lời của Thánh Vịnh gia thốt lên rằng:
“Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời” (Tv 73,28).
Đức Benedicto XVI đã cảm nhiệm về lời Thánh Vịnh này như sau: “Trong kinh nghiệm của thánh vịnh 73, Thánh Vịnh gia nhìn thấy Thiên Chúa và xác tín rằng, ông ta không cần gì ngoài một tâm tình, là ông gặp gỡ được Thiên Chúa trong mọi sự”.[32]
Tìm gặp được Chúa và được ở cùng Ngài. Đó là đích đến của đời người. Đó chình là Thiên Đàng mà ai cũng ao ước. Paglia nói rằng: “Sống kết hiệp với Chúa Giê-su, chúng ta ở trên thiên đàng”.[33]
Người trộm lành đã đạt tới đích đến này, nghĩa là được vào nước Thiên Đàng, là do ân sủng nhưng không của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Như thế, “hai người bị đóng đinh hai bên hướng nhìn về Con Người đã đến chia sẻ số phận của họ, và cùng chết với họ. Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Trước kia, Chúa Giê-su đã không ngừng nhắc rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ như một món quà tuyệt đối cho không; Người đã đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi. Trong giờ phút quyết luyệt này, khi lìa thế để về bên Cha, Chúa Giê-su chứng thực lời Người một cách rõ ràng không thể tưởng tượng được. Với người tử tội ấy, kẻ đã biết nhận rằng chúng ta như chịu như thế này là đích đáng, và chẳng biết cậy vào đâu ngoại trừ lòng phó thác khiêm tốn và đầy nhân ái của mình, với con người ấy, thì từ trên Thánh Giá, Chúa Giê-su tuyên bố: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Chúng ta hãy nghe nhà hùng biện Công Giáo Bossuet: Hôm nay: thật là nhanh chóng! Ở với tôi: cùng hội cùng thuyền quá tuyệt diệu! Trên thiên đàng: nơi ở bao tuyệt vời! Vậy thì ai còn hoài nghi được nữa về lòng thương xót của Thiên Chúa, ai còn có thể đem công đức của mình ra khoe nữa?”[34]
Lời của Chúa Giê-su nói với anh trộm lành xa lạ thật là đẹp biết bao. Đó là sứ điệp nhân hậu và tràn đầy ơn cứu rỗi của Ngài muốn gởi tới tất cả những ai, dù quá khứ của họ thế nào, nếu họ biết khiêm tốn, ăn năn và hướng về Chúa để cầu xin, thì đều được Chúa đón nhận. Karl Rahner đã suy niệm về lời này của Chúa thật sâu sắc: “Chúa đang đối diện với sự chết, và Chúa vẫn có chỗ trong sự đau khổ quằn quại đang tràn ngập trái tim Chúa, một chỗ cho một người lạ lẫm. Chúa đang chuẩn bị chết đi – nhưng Chúa vẫn lo lắng cho một phạm nhân, kẻ đã thú thật rằng anh ta xứng đáng chịu hình phạt đau đớn và án chết thê lương này, vì những gì xấu xa anh ta đã gây ra. Chúa nhìn thấy Mẹ mình, nhưng lời đầu tiên Chúa lại nói với đứa con hoang đàng. Chúa cảm nhận sự bỏ rơi của Thiên Chúa, nhưng Chúa lại nói về Thiên Đàng. Đôi mắt của Chúa trở nên mờ tối trong đêm đen của cái chết, nhưng đôi mắt ấy lại thấy Ánh Sáng vĩnh cửu. Trong cái chết, người ta cô đơn và làm việc với chính bản thân mình, vì người ta đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Chúa đã lo lắng cho các linh hồn, để họ cùng được về Nước Chúa chung với Chúa. Ôi trái tim Chúa nhân hậu biết bao! Ôi trái tim Chúa rộng lượng và can đảm dường nào!
Một phạm nhân ăn năn cầu xin Chúa nhớ tới anh ta. Và Chúa đã hứa nước thiên đàng cho anh. Mọi sự sẽ trở nên mới, khi Chúa chết đi? Một cuộc sống đầy dẫy tội lỗi và đồi bại sẽ nhanh chóng được biến đổi, khi Chúa hiện diện gần bên? Nếu Chúa nói lời thánh hoá biến đổi một cuộc sống, thì ngay cả tội lỗi và những gì thô tục nhất của một cuộc sống trác táng đi hoang sẽ được đón nhận ân sủng và được biến đổi, đến nỗi không còn có gì là cản trở trên ngưỡng cửa vào gặp Chúa…
Chúa đã nói lời toàn năng tràn đầy ân sủng. Lời đó đã đi vào trái tim của tên trộm, và lời đó đã biến đổi lửa hoả ngục đến sau cái chết thành một ngọn lửa tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa, ngọn lửa trong chốc lát đã làm sáng tỏ mọi sự…Và kẻ trộm được cùng vào nước Thiên Đàng với Chúa.
Chúa cũng ban ân sủng cho con chứ, để con không bao giờ đánh mất sự can đảm, để không ngại ngùng cầu xin và chờ đợi tất cả ân sủng từ lòng lân tuất nhân hậu của Chúa? Với sự can đảm con nói rằng: Nếu con là kẻ phạm tội đáng chịu hình phạt nặng, thì xin Chúa nhớ đến con, nếu Chúa vào Nước Chúa, Chúa ơi!
Ôi lạy Chúa, xin hãy để Thánh Giá Chúa treo thật đàng hoàng trước giường chết của con. Và xin cho môi miệng của Chúa cũng nói với con: Thật vậy, Ta nói cho con biết, hôm nay con sẽ ở với ta trên nước thiên đàng. Lời này thôi đã làm cho con trở nên xứng đáng, để con được thánh hoá hoàn toàn, được thoát khỏi mọi tội lỗi, và cùng với Chúa và trong Chúa đi xuyên suốt qua sức mạnh của cái chết, và bước vào Vương Quốc của Cha trên trời”.[35]
- Đứng trước Thánh Giá và hướng mắt lên Thánh Giá Chúa. Ngắm nhìn Chúa Giê-su đang gục đầu xuống như hướng nhìn về bạn. Hãy mở lòng bạn, mở đôi mắt của bạn và mở đôi tay của bạn để đón nhận Chúa. Bạn có thể dang đôi tay mình ra như cử chỉ đón mời Chúa.
- Vẫn ngắm nhìn Chúa trên Thánh Giá. Giờ đây chú ý lắng nghe lời của anh trộm lành cầu xin Chúa: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Nhẩm đi nhắc lại lời ăn năn khiêm tốn này, và sau đó nhớ lại những lầm lỡ và tội lỗi của mình, đặc biệt tội nào mình cảm thấy nặng nề, và trong thinh lặng, xin Chúa giúp bạn biết thống hối ăn năn và cầu xin Chúa tha thứ, như anh trộm lành đã làm.
- Ngắm nhìn Chúa trên Thánh Giá, và mở đôi ai và mờ tâm hồn lắng nghe Lời Chúa nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Nhẩm đi nhắc lại lời này, để lời này thấm vào trong tâm hồn. Bạn cảm thấy Chúa nhân hậu và giàu lòng thương xót biết bao. Hãy ở lại trong thinh lặng vài phút để cảm nếm hương vị dịu ngọt của lòng Chúa xót thương. Cuối cùng cảm tạ tri ân Chúa với một lời cầu nguyện ngắn.
- “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Lắng nghe lời của anh trộm bên trái cứng đầu. Nhắc đi nhắc lại đôi lần lời này. Suy xét xem bạn đã có trách nhiệm gì với phần rỗi linh hồn của bạn? Bạn có ý thức về những gì tội lỗi mà bạn đã gây ra và khiêm tốn sám hối ăn năn xin Chúa giải thoát hay bạn vẫn cứng đầu? Điều gì làm cho bạn cứng đầu hay nói khác đi điều gì đang cản trở bạn khiêm nhường, cản trở bạn sám hối ăn năn? Xin Chúa giúp bạn tháo cởi những trở ngại đó, để có thể trở nên một con người khiêm tốn và hiền lành, luôn sám hối và tin tưởng vào lòng Chúa xót thương. Ngoài ra, bạn xin Chúa đừng để bạn rơi vào trong “vết xe cũ” của anh trộm bên trái, là dám thách thức Chúa, dám khinh thường Chúa. Ngược với thái độ tiêu cực đó, bạn xin Chúa cho bạn có được thái độ bình tâm luôn xin vâng theo thánh ý của Thiên Chúa.
Mong sao niềm tin vào Chúa Giê-su giàu lòng thương xót giúp chúng ta sống đời khiêm tốn, cầu nguyện, sám hối và trông cậy vào Chúa luôn, để qua đó chúng ta đón nhận được ơn cứu rỗi.
Cũng xin Chúa giúp chúng ta có trái tim chú ý đến người khác, dù họ xa lạ như anh trộm kia, hay gần gũi với Chúa như Mẹ Ngài và người môn đệ mà Ngài yêu thương nhất, là Thánh Gio-an tông đồ.
[1] ARTHUR A. JUST JR (edited)., Luke Ancient christian commentary on scripture, Inter Varsity Press 2003, p.363. [2] ARTHUR A. JUST JR (edited)., Luke Ancient christian commentary on scripture, p.363. [3] SHEEN Fulton, Go to heaven – Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an. [4] X. NGUYỄN ngọc Thế SJ., Phúc Thay, suy niệm Tám Mối Phúc Thật, NXB. Hồng Đức, Gò-vấp 2015, t.263-269. [5] Tham khảo trong Lexikon fuer Theologie und Kirche, KASPER Walter und andere (Hrg.), 4.Band, Herder Verlag, Freiburg 1995, c.403-404. [6] RAHNER K., Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, Koesel Verlag, Muenchen 1965, s.28. [7] KIECHLE S., Sich entscheiden, Ignatianische Impulse, Echter Verlag, Wuerzburg 2004, t.22. [8] RAHNER K., Praxis des Glaubens, geistliches Lesebuch, Hrg. Von Karl Lehmann und Albert Rafelt, Benziger und Herder Verlag, Zürich und Freiburg 1982, t.405-406. [9] PAGLIA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.30-31. [10] MARTINI, C.M., Seht, welch ein Mensch, Herder Verlag, Freiburg 1999, t. 152. [11] ARTHUR A. JUST JR (edited)., Luke Ancient christian commentary on scripture, p.363. [12]Marc commenté par Jérome et Jean Chrysostome, traduites par Marie-Hélène Stébé et Marie-Odile Goudet, Editions Desclée de Brouwer, Paris 1986, t.153. [13] VALLES C.G. SJ., Psalms for contemplation, Loyola Press, Chicago 1998. Bản tiếng Việt với tựa đề Thánh Vịnh để chiêm niệm, t.385-387. [14] MERTON T., Thoughts in Solitude – Hoa Trái thinh lặng, Bản tiếng Việt do Lm. Minh Anh, Phần Một, số XIX. Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan. [15] ĐTC.PHANXICO, bài Giáo Lý về Ơn Kính Sợ Thiên Chúa, vào ngày 11 tháng 6 năm 2014 . [16] MERTON T., Thoughts in Solitude – Hoa Trái thinh lặng, Phần Một, số XIX. Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan. [17] NGUYỄN ngọc Thế SJ., Phúc Thay, suy niệm Tám Mối Phúc Thật, t. 527-530. [18] SERTILLANGES A.D., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý OP. Chuyển ngữ, chương 7. Người thân yêu. Nguồn: www.nguoitinhuu.org. [19] WIKIE AU và NORREN CANNON, Những thôi thúc trong tim, Nguyễn ngọc Kính OFM. chuyển ngữ, NXB. Phương Đông 2012, t. 246-247. [20] X.BOVON F., Das Evangelium nach Lukas, Band III/4, EKK, Neukirchener/Patmos Verlagen 2009, 1.Aufl., t.467. [21] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện. [22] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, bản tiếng Việt do một nhóm linh mục Đà-lạt chuyên ngữ, Chương II, phần số 5. Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Maria Mẹ Ngài. Nguồn: simonhoadalat.com. [23] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện. [24] ARTHUR A. JUST JR (edited)., Luke Ancient christian commentary on scripture, p.364. [25] ARTHUR A. JUST JR (edited)., Luke Ancient christian commentary on scripture, p.365. [26] Trong phúc âm của Gio-an, tấm bảng trên Thánh Giá Chúa được viết bằng ba thứ tiếng. Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp (X. Ga 19, 20). Tiếng La-tinh như sau: “IESVS NAZARENVS REX IVDÆORVM – Giê-su Na-gia-rét, Vua dân D-thái” (X. Ga 19,19). Chữ này được viết tắt bởi bốn từ đầu của bốn chữ trong tiếng La-tinh trên: I.N.R.I. Trong tiếng Hy-lạp là: Ἰησοῦς ὁ Ναζωραῖος ὁ βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων – Iesous ho Nazoraios o basileus ton Ioudaios. Còn tiếng Híp-ri là: Jeschua HaNotzri Melech Hajehudim. [27] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.236. [28] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.235. [29] X.GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 2: Das zweite Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Hoffnung. [30] PAGLIA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, s.28. [31] BENEDIKT XVI, Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas Est, bản tiếng Việt của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGM VN. Nguồn: www.simonhoadalat.com. [32] BENEDIKT XVI, Wer hilft uns leben?, Herder Verlag, Freiburg 2005, S. 79. [33] PAGLIA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, t.33. [34] Chú thích Lc 23,43 của HURAULT B., trong Lời Chúa cho mọi người, Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2009, t.1804. [35] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.55-57.