08/06/2024
THỨ BẢY TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2, 41-51
maria, mẫu gương cầu nguyện và lắng nghe
Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Lc 2,41-51)
Suy niệm: Câu chuyện Ma-ri-a và Giu-se lạc mất Chúa ở Giê-ru-sa-lem cho phép chúng ta cảm nhận hai nhân vật vĩ đại này rất gần gũi với chúng ta, cách riêng trong sự kiện “ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Hành trình đức tin của Ma-ri-a và Giu-se không phải luôn luôn hoàn toàn dễ dàng, hoàn toàn sáng sủa. Lạc mất Chúa đã là một thử thách, nhưng gặp Chúa mà lại không hiểu được Ngài, càng là một thử thách nặng nề hơn. Trong hành trình đức tin, chúng ta dù có lặn lội vất vả để tìm Chúa nhưng nếu như chúng ta chưa hiểu được ý Chúa trong biến cố này, trong sự kiện kia… thì chúng ta cũng chưa thực sự gặp Ngài. Chính những lúc đó, ta cần phải đặc biệt nhìn ngắm Đức Ma-ri-a và học lấy thái độ của người tiếp tục tìm kiếm ý Chúa bằng cách “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” và suy niệm.
Mời Bạn: Nhìn lại cuộc sống mình với biết bao biến cố, sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà ngay lúc đó bạn không hiểu. Phải chăng với thời gian, bạn dần dần được soi sáng? Và bạn nhận ra mình đã từng có những cách giải thích và những thái độ không đúng đắn? Phải chăng bạn càng xác tín hơn rằng mình cần học nơi Đức Ma-ri-a tinh thần cởi mở lắng nghe và chiêm niệm sâu sắc để đời sống đức tin của mình được phong phú hơn? Mời bạn xem xét bạn cần có những điều kiện nào để có thể lắng nghe và hiểu ý Chúa hơn.
Sống Lời Chúa: Tập thói quen cuối mỗi ngày có những phút hồi tâm cầu nguyện.
Cầu nguyện: Đọc hoặc hát: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”
Ngày 8: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Qua cầu nguyện, chúng con có thể nhận ra đâu là ý Chúa Cha, và có được lòng kiên nhẫn để thi hành ý Người. Không phải nói: Lạy Cha! Lạy Cha! là được vào Nước Trời, nhưng phải thi hành ý muốn của Chúa Cha. Xin cho chúng con luôn biết chú tâm thực hiện ý Chúa Cha, để Ý Chúa Cha được thể hiện trong Hội Thánh, và qua Hội Thánh. Xin cho chúng con luôn biết chọn: điều Chúa luôn chọn: là luôn làm điều đẹp lòng Chúa Cha. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Mc 12, 38-44
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương tôi, vì tôi cô đơn và thân tôi đau khổ. Xin Chúa nhìn xem cảnh lầm than khốn khổ của tôi, và tha thứ hết mọi tội lỗi cho tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Tob 12, 1-5.20
“Tôi phải trở về cùng Ðấng đã sai tôi; còn các ngươi hãy chúc tụng Thiên Chúa”.
Bài trích sách Tobia.
Trong những ngày ấy, Tobia kêu con trai lại và hỏi rằng: “Chúng ta phải tặng cái gì cho người thánh thiện đi với con?”
Rồi cả hai cha con gọi thiên thần đến và đưa người ra chỗ riêng và xin người vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về.
Bấy giờ người bảo nhỏ hai cha con rằng: “Các người hãy chúc tụng Chúa trời, và tuyên xưng Người trước mặt mọi sinh vật, vì người tỏ lòng từ bi đối với các người.
Bởi chưng, giữ kín sự bí mật của nhà vua là một việc tốt, nhưng công bố và tuyên xưng các kỳ công của Thiên Chúa là một vinh dự, cầu nguyện, ăn chay, bố thí, thì tốt hơn là cất giấu kho vàng, vì việc bố thí cứu khỏi chết, tẩy sạch tội lỗi, mang lại lòng từ bi và sự sống đời đời.
Còn những ai phạm tội và làm điều gian ác, thì là thù địch của linh hồn mình.
Vậy tôi tiết lộ cho các người biết sự thật, và không giữ kín câu chuyện bí mật với các người nữa: Khi ông than khóc cầu nguyện, chôn xác kẻ chết, bỏ cơm trưa, và ban ngày giấu xác chết trong nhà, rồi ban đêm mang đi chôn, chính tôi đã dâng lời nguyện của ông lên cùng Chúa.
Và vì ông đã được đẹp lòng Chúa, nên cần phải có thử thách để thanh luyện ông.
Nay Chúa sai tôi đến để chữa ông và cứu Sara con dâu của ông khỏi ma quỷ.
Vì tôi là thiên thần Raphael, một trong bảy thiên thần chầu chực trước mặt Chúa.
Vậy đã đến lúc tôi phải trở về cùng Ðấng đã sai tôi; còn các người hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Người”.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tob 13, 2, 6, 7, 8
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa cao cả muôn đời.
Xướng: Chúa trừng phạt, rồi Chúa lại tha thứ; Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa. – Ðáp.
Xướng: Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi. – Ðáp.
Xướng: Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội. – Ðáp.
Xướng: Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi. – Ðáp.
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tm 4, 1-8
“Con hãy thi hành việc rao giảng Phúc Âm. Phần cha, cha đã già yếu và Chúa sẽ trao cho cha triều thiên công chính”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Ðức Kitô, Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi, hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn. Bởi vì sẽ có một thời, bấy giờ người ta không chịu nghe theo giáo lý lành mạnh nữa, nhưng theo tình tư dục, họ đã thu thập cho mình thực nhiều thầy, tai họ ngứa ngáy và họ ngoảnh tai đi cho khỏi nghe chân lý để quay về với những chuyện hoang đường. Phần con, hãy thận trọng trong hết mọi vấn đề, hãy can trường chịu đau khổ, hãy làm phận sự người rao giảng Phúc Âm, hãy lo chu toàn bổn phận phục vụ của con, hãy sống tiết độ.
Phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 70, 8-9. 14-15ab. 16-17. 22
Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (x. c. 15).
Xướng: Miệng con đầy lời ca ngợi Chúa, và suốt ngày con ca hát vinh quang Ngài. Xin Chúa đừng bỏ con trong lúc tuổi già, khi con đã kiệt sức, xin chớ bỏ rơi con..
Xướng: Phần con sẽ luôn luôn trông cậy, ngày ngày con sẽ thêm lời ngợi khen Chúa. Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày con kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng.
Xướng: Con sẽ kể ra uy quyền Thiên Chúa, lạy Chúa, con sẽ ca ngợi đức công minh của Ngài. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài.
Xướng: Phần con, với cây cầm thụ, con ca lòng trung thành Ngài; lạy Chúa, với cây huyền cầm, con sẽ hát mừng Chúa, lạy Ðấng thánh của Israel.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.
(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Alleluia.)
Phúc Âm: Mc 12, 38 – 44
“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, tôi kêu van Chúa, bời Chúa nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, và xin nghe rõ tiếng tôi.
Hoặc đọc:
Chúa Phán: “Thầy bảo thật các con: tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ĐÂU LÀ GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA? (Mc 12, 38-44)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Sống giả hình trong sự hào nhoáng bề ngoài là thứ mà con người luôn sử dụng và không ngừng trang điểm cho nó. Bởi xuất phát từ lối suy nghĩ rằng: nhờ những chuyện hình thức bên ngoài, nó sẽ che lấp sự xấu xa bên trong. Tuy nhiên, đây chỉ là điều vô lý và hão huyền khi đối diện với những chân lý Tin Mừng.
Hôm nay thánh Máccô trình thuật việc được Đức Giêsu vạch trần sự giả tạo của những Kinh Sư khi kể cho họ nghe câu chuyện lên đền thờ cầu nguyện.
Những người Kinh Sư luôn coi họ là người đạo đức, thánh thiện hơn mọi người khác. Sự tốt lành của họ được biểu hiện qua việc: nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Không những thế, họ còn mong muốn người ta thưởng cho mình những tiếng tốt và kính trọng khi đi ra đường bằng việc chào hỏi nơi công cộng…
Như thế, đối tượng bị họ khinh bỉ chính là người nghèo và tội lỗi… Thế nhưng, Đức Giêsu đã chỉnh sửa quan niệm sai lầm đó bằng việc khen ngợi một bà góa nghèo bỏ có hai xu vào đền thờ. Trong khi đó chê bác việc người giàu bỏ nhiều tiền nhưng lại là tiền dư thừa của họ chứ không phải như bà góa bỏ trọn vẹn những gì bà có.
Trong xã hội hôm nay, người giàu thường được tôn trọng. Chân lý thuộc về kẻ có quyền, có tiền. Người nghèo luôn nắm phần thua thiệt! Tuy nhiên, trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Người giàu trước mặt Thiên Chúa là sự khiêm nhường thẳm sâu. Kẻ nghèo chính là người kiêu ngạo.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết sống đạo thực tâm. Luôn có một cái tâm sáng, để những việc làm của mình được trong sạch. Cần có một kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời sống trong tình yêu đó nơi những mối tương quan thì tốt hơn là những hình thức phô trương bên ngoài.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết yêu mến Chúa bằng tình yêu chân thành. Xin cho chúng con biết sống đạo với tâm hồn đơn sơ, tin tưởng, phó thác và yêu mến thay cho những sự giả tạo, man trá bề ngoài. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Ca nhập lễ
Lạy Đức Trinh Mữ Maria, phúc thay đã cưu mang Đấng tạo thành muôn vật, đã sinh ra Đấng tác tạo Mẹ, và Mẹ sẽ còn đồng trinh đến muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa chí thánh, Chúa đã làm cho Trái Tim Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần, vì lời Ðức Trinh Nữ chuyển cầu xin thương giúp chúng con cũng trở nên đền thờ Chúa ngự. Chúng con cầu xin…
Bài đọc I: Is 61, 9-11
“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.
Trích sách tiên tri Isaia.
Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các dân tộc; miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc. Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.
Đáp ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16
Đáp: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai
Xướng: Hoàng hậu đứng bên hữu đức vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy.
Xướng: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ.
Xướng: Để Đức Vua Người sủng ái dung nhan: chính Người là Chúa của cô nương, hãy phục vụ Người.
Xướng: Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Đức Vua.
Alleluia: x. Lc 2, 19
Alleluia, alleluia! – Đức Trinh Nữ Maria hiển vinh đã ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong lòng. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 41-51
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
“ Mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng”
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây, đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.
Đó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, Thánh mẫu của Ðức Kitô, Con Chúa, chúng con dâng tiến Chúa lời cầu nguyện và lễ vật này. Xin Chúa thương chấp nhận, và đưa chúng con đến gần Chúa hơn nữa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là Thánh.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa vừa cho chúng con tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể, nhân ngày kính nhớ Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn cầu cho chúng con được đầy tràn ân sủng và được thấm nhuần ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria
Phêrô Dương Hải Văn SDB
Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria…
Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6, 5). Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).
Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.
Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này. Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.
Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ”để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ”. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.
Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.
Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.
ĐỀN THỜ CHÚA NGỰ
(LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã làm cho trái tim Đức Trinh Nữ Maria trở nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần. Nhờ lời Đức Trinh Nữ chuyển cầu, xin Chúa thương giúp chúng ta cũng trở nên đền thờ Chúa ngự.
Xin Chúa thương giúp chúng ta trở nên đền thờ Chúa ngự, để chúng ta cũng giống như ông Gióp luôn giữ vững niềm cậy trông vào Chúa, cho dẫu, dường như bị Chúa bỏ mặc, im hơi lặng tiếng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Gióp đã cho thấy: Sau bao nhiêu gian nan đau khổ, người công chính tìm lại được của cải và danh tiếng. Nhiều thế kỷ sau sách Gióp, Đức Kitô sẽ dạy chúng ta rằng: Phúc thay ai khóc lóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Đức Chúa phán với ông Êliphát: Ngươi và người bạn của ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta, Gióp sẽ chuyển cầu cho các ngươi. Ta sẽ đoái nhìn nó, và sẽ không xử với các ngươi xứng với sự ngu xuẩn của các ngươi.
Xin Chúa thương giúp chúng ta trở nên đền thờ Chúa ngự, để chúng ta cũng như Đức Maria: luôn quy hướng về Chúa và luôn tưởng nhớ đến Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lôrenxô Giúttianô đã kêu gọi: Hỡi linh hồn trung tín, hãy noi gương Đức Maria! Quả thật, để được thanh tẩy về đường thiêng liêng và có thể rửa sạch các vết nhơ tội lỗi, bạn hãy bước vào đền thờ tâm hồn của mình. Ở đó, Thiên Chúa nhìn đến thiện ý trong mọi việc chúng ta làm, hơn là chính việc làm. Vì thế, nhờ miệt mài chiêm niệm, lòng trí chúng ta có thể quy hướng về Thiên Chúa và chỉ tưởng nhớ đến Người.
Xin Chúa thương giúp chúng ta trở nên đền thờ Chúa ngự, để tâm hồn chúng ta được hớn hở vui mừng tung hô Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia cho thấy: Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Bài Đáp Ca, trích sách Samuen quyển I cũng cho thấy: Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con. Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Trinh Nữ Maria thật diễm phúc, vì Mẹ hằng ghi nhớ Lời Thiên Chúa, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại: Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Đức Maria đã hiến dâng cung lòng trinh trong để cho Ngôi Lời nhập thể. Mẹ hằng ghi nhớ Lời Chúa trong đầu và suy đi nghĩ lại trong lòng. Lòng đầy miệng mới nói ra, tâm hồn Mẹ đầy ắp Chúa, cho nên, môi miệng Mẹ luôn trào dâng những tâm tình tri ân cảm tạ Chúa. Có tình yêu nào: mà người được yêu, lại không muốn chia sẻ, và tỏ cho người khác biết mình được yêu, được hạnh phúc. Tâm trí chúng ta như một cối xay, chúng ta cho gì vào xay, chúng ta sẽ thu được thứ ấy. Cõi lòng chúng ta chất chứa điều gì, thì môi miệng chúng ta sẽ dâng trào điều ấy. Ước gì chúng ta cũng biết bắt chước Mẹ: luôn biết quy hướng về Chúa, nghĩ tưởng đến Chúa, để những tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta luôn xuất phát từ Chúa và luôn quay về với Chúa, là trung tâm điểm của đời sống chúng ta. Ước gì được như thế!
KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỀU RÕ RÀNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”.
J. Wolfgang von Goethe, 1749-1832, một trong những nhân vật hàng đầu của thơ ca hiện đại Đức, từng nói, “Trước một bộ óc vĩ đại, tôi cúi đầu; trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trọng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Hội Thánh ‘quỳ gối’; kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Hội Thánh ‘cúi đầu!’. Trái Tim Chúa Con bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người; Trái Tim Mẹ Chúa tỏ bày tình yêu con người dành cho Thiên Chúa. Đó là một tình yêu vô điều kiện, dẫu phải dò dẫm trong đức tin; bởi lẽ, trước kế hoạch ‘diệu dụng’ của Thiên Chúa, Mẹ đón nhận tất cả, dẫu ‘không phải tất cả đều rõ ràng!’.
Trong gia đình Nazareth, sự ngạc nhiên không bao giờ nguôi ngoai, ngay cả trong những khoảnh khắc hốt hoảng như lạc mất Con trong đền thờ: đó là khả năng kinh ngạc trước sự biểu hiện dần dần của Con Thiên Chúa. Đó chính là sự kinh ngạc mà ngay cả các thầy dạy trong đền thánh cũng phải sững sờ. Nhưng kinh ngạc là gì; có gì đáng ngạc nhiên? Ngạc nhiên và kinh ngạc là trái ngược với việc coi mọi thứ là đương nhiên; nó trái ngược với việc giải thích hiện thực chung quanh và các sự kiện lịch sử chỉ theo tiêu chí của chúng ta. Ngạc nhiên là cởi mở với người khác, hiểu lý do của người khác. Thái độ này rất quan trọng để hàn gắn những mối quan hệ giữa các cá nhân đã bị tổn hại, và cũng không thể thiếu để chữa lành những vết thương mới chớm nở trong môi trường gia đình, cộng đoàn.
Yếu tố thứ hai chúng ta có thể nắm bắt từ trình thuật là nỗi lo lắng của Mẹ Maria và thánh Giuse khi không tìm được Con. Nỗi lo lắng mà họ trải qua trong ba ngày Chúa Con mất tích cũng sẽ là nỗi lo lắng của chúng ta khi chúng ta xa Chúa Giêsu. Chúng ta có cảm thấy lo lắng khi quên Chúa Giêsu hơn ba ngày khi không cầu nguyện, không đọc Tin Mừng, không cảm thấy cần sự hiện diện và tình bạn an ủi của Ngài?
Thật khó cho Maria để hiểu hết ý nghĩa từng biến cố xảy ra trong đời của Con mà chóp đỉnh là mầu nhiệm thập giá. Trên đồi Canvê, Mẹ cảm nhận đó là kế hoạch của Thiên Chúa và Mẹ sẵn sàng cho điều đó; bởi lẽ, nó đã được chuẩn bị qua từng biến cố trước đó mà Mẹ đã suy đi nghĩ lại trong lòng. Không cần hiểu nhiều, nên Mẹ chẳng thắc mắc nhiều; trái lại, đón nhận, thuỷ chung và tìm mọi cách để hoàn thành nó. Mẹ biết, Mẹ có một vai trò trong đó, và chuẩn bị nó qua một đời sống nhiệm hiệp với Con dưới sự chỉ dạy của Thánh Thần.
Kính thưa Anh Chị em,
“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”. Đó là cách ứng xử tuyệt vời, cao thượng của Mẹ trước các mầu nhiệm. Làm sao một phàm nhân có thể hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa? Vẫn có thể! Vì trong đức tin, Mẹ lần dò, tìm hiểu và tín thác tuyệt đối vào Chúa; hơn nữa, trong trái tim Mẹ không có chỗ cho cái tôi! Cũng thế, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu hết giá trị, mục đích và ý nghĩa đời mình trong chương trình của Chúa, trừ khi bạn và tôi có một đời sống cầu nguyện và chờ đợi như Mẹ; nghĩa là trung thành bước đi trên con đường Chúa vạch sẵn, dẫu nó là con đường không mấy rõ ràng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết kinh ngạc trước các biến cố Chúa cho xảy đến trong đời, nhất là những khi con mù tịt, dạy con không chỉ ‘cúi đầu’, nhưng còn biết ‘quỳ gối!’”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn