TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 21/11/2023 13:54 |   768
Chúa Giê-su bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,18-22)

30/11/2023
THỨ NĂM TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Thánh An-rê, tông đồ

 

thánh Anrê

Mt 4,18-22


MỘT LÒNG THEO CHÚA
Chúa Giê-su bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4,18-22)

Suy niệm: Lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho Phê-rô và An-rê, quả là một lời hứa hẹn đầy uy tín. Các ông là những ngư phủ chuyên nghiệp, đêm ngày lam lũ trên biển khơi, vật lộn với sóng gió để nuôi sống gia đình, và An-rê còn đang là môn đệ của Gio-an. Thế mà, thật khó tin, chỉ bằng một lời hứa của Ngài, các ông không hề tính toán thiệt hơn cho riêng mình, nhưng đã từ bỏ tất cả: gia đình, nghề nghiệp… để theo Ngài; và một khi theo Ngài, An-rê đã hoàn thành xuất sắc vai trò “kẻ lưới người” trong việc dẫn đưa người khác đến với Chúa Giê-su: vừa gặp được Đấng Mê-si-a, An-rê đã lập tức dẫn Phê-rô em mình đến với Thầy (x. Ga 1,41-42); cũng chính An-rê đã giới thiệu em bé có năm chiếc bánh và hai con cá đến với Đức Giê-su để từ đó phép lạ hoá bánh ra nhiều đã được thực hiện (Ga 6,8-9).

Mời Bạn: Con người thời nay có xu hướng coi việc làm giàu, tạo lập công danh sự nghiệp và thụ hưởng nhiều tiện ích hiện đại như mục tiêu của cuộc sống. Phải chăng vì thế mà “chí tông đồ” của bạn như bị nhụt đi? Và đặc biệt, phải chăng vì thế mà những người trẻ bỏ mọi sự để theo Đức Ki-tô trên con đường tận hiến như An-rê ngày càng thưa thớt? Phần bạn, bạn có cảm thấy được thôi thúc bởi tiếng gọi của Chúa Ki-tô và dám từ bỏ mọi sự để theo Người?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện riêng với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn.

Cầu nguyện: Xin cho con biết mở rộng tâm hồn để nghe tiếng Chúa gọi mời, biết mở rộng con tim để quảng đại đáp lại tiếng Chúa mỗi ngày.

Ngày 30 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: Đức Maria đã cộng tác vào công trình cứu độ, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Trong nhiệm cục ân sủng, Mẹ vẫn tiếp tục thiên chức làm Mẹ Hội Thánh, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết kêu cầu Mẹ, để nhờ sự trợ giúp của Mẹ, chúng con luôn tiến bước vững vàng, nhờ luôn biết hướng nhìn về Mẹ, như dấu chỉ và hình ảnh cánh chung của Hội Thánh. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Ki-tô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 6, 11-27

“Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến bịt miệng sư tử lại”.

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Trong những ngày ấy, có những người tọc mạch dò xét, họ bắt gặp Ða-ni-en đang cầu nguyện kêu xin cùng Chúa mình. Họ liền đến tâu vua về điều lệ rằng: “Tâu đức vua, chớ thì đức vua đã chẳng quy định rằng: trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin cùng thần minh nào hay người nào ngoài đức vua, thì, lạy đức vua, nó sẽ bị ném vào hang sư tử đó sao?” Vua trả lời rằng: “Ðúng, cứ như sắc chỉ Mê-đi và Ba-tư, thì không được sai lỗi”. Bấy giờ họ lại tâu vua rằng: “Ða-ni-en thuộc con cái Giu-đa phải lưu đày, đã chẳng xem sao lề luật và chiếu chỉ vua đã quy định: mỗi ngày nó đọc kinh cầu nguyện ba lần”. Khi nghe biết điều đó, nhà vua rất đỗi buồn rầu. Vua quyết tâm cứu chữa Ða-ni-en, và cố gắng cứu người cho đến khi mặt trời lặn. Những người ấy hiểu ý vua, liền tâu vua rằng: “Tâu đức vua, xin đức vua biết cho rằng dân Mê-đi và Ba-tư có lề luật này là bất cứ sắc chỉ nào đức vua ra, thì không được thay đổi”. Bấy giờ vua truyền dẫn Ða-ni-en ra, và họ ném người xuống hang sư tử. Vua bảo Ða-ni-en rằng: “Xin Thiên Chúa ngươi hằng thờ lạy sẽ cứu thoát ngươi”. Người ta liền lấy hòn đá chận cửa hang, vua lấy nhẫn mình và nhẫn các quan triều thần mà đóng ấn niêm phong, để bảo đảm vụ Ða-ni-en.

Vua trở về hoàng cung liền đi ngủ, không chịu ăn uống lương thực dâng trước mặt vua, nhưng vua không sao ngủ được. Trời vừa rạng đông, vua liền chỗi dậy, vội vã chạy ra hang sư tử. Khi đến gần cửa hang, vua liền lớn tiếng khóc thương Ða-ni-en rằng: “Hỡi Ða-ni-en tôi tớ Thiên Chúa hằng sống, không biết Thiên Chúa ngươi hằng thờ lạy có cứu chữa được ngươi thoát khỏi sư tử chăng?” Ða-ni-en trả lời rằng: “Tâu đức vua muôn tuổi, Thiên Chúa của thần đã sai thiên sứ đến bịt miệng sư tử lại, nên chúng không làm hại được thần; vì trước mặt Thiên Chúa, thần là người công chính; vả lại tâu đức vua, trước mặt đức vua, thần cũng chẳng làm điều gì sai lỗi. Bấy giờ vua mừng rỡ, truyền kéo Ða-ni-en ra khỏi hang. Khi Ða-ni-en ra khỏi hang, người ta thấy người không bị hề hấn gì, vì người đã tin cậy vào Thiên Chúa của người. Vua liền truyền đem các người tố cáo Ða-ni-en, cùng vợ con của chúng, ném vào hang sư tử, chúng chưa kịp rơi xuống tới đáy hang, thì đã bị sư tử cắn xé nát thịt tan xương.

Bấy giờ vua Ða-ri-ô ra chiếu chỉ cho toàn dân, các chi họ, các thổ ngữ, những người đang cư ngụ trong toàn quốc rằng: “Nguyện cho các ngươi được thêm sự bình an. Ta đã ra chiếu chỉ cho các địa phương trong nước ta, ai nấy đều phải kính sợ Thiên Chúa của Ða-ni-en. Vì chính Người mới là Thiên Chúa hằng sống, và hằng có đời đời; nước Người không hề tan rã, và quyền bính Người tồn tại đến muôn đời. Chính Người là Ðấng Giải thoát và Cứu độ, Người làm những dấu lạ và những việc kỳ diệu trên trời dưới đất: Người đã cứu chữa Ða-ni-en khỏi hang sư tử”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 68. 69. 70. 71. 72. 73. 74

Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, mưa đổ với sương rơi. 

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, nước đông và băng giá. 

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, nước đọng với tuyết sa. 

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, ngày quang và đêm tối. 

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, sáng sủa với thâm u. 

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, mây trôi và chớp giật. 

Xướng: Hãy chúc tụng Chúa đi, hỡi địa cầu, hãy ngợi khen tán tạ Chúa tới muôn thuở. –

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 18, 1-2, 21-23; 19, 1-3. 9a

“Thành Ba-by-lon vĩ đại đã sụp đổ rồi”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.

Tôi là Gio-an đã nhìn thấy một thiên thần từ trời xuống, có quyền năng cao cả, và đất rực sáng lên bởi vinh quang của Người. Người dõng dạc kêu lên rằng: “Thành Ba-by-lon vĩ đại đã sụp đổ rồi, đã sụp đổ rồi: nó đã trở thành nơi ma quỷ ở, hang mọi thần ô uế ẩn trú, và nơi mọi thứ chim dơ bẩn gớm ghiếc làm tổ”.

Rồi có một thiên thần dũng lực nhắc bổng hòn đá như cối xay lớn, và quăng xuống biển mà rằng: “Thành Ba-by-lon sẽ bị quăng xuống dữ tợn như vậy, và không còn tìm thấy nó nữa”. Tiếng người gảy đàn và kẻ hát ca, tiếng kẻ thổi sáo thổi kèn sẽ không còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Những người thợ bá nghệ không còn tìm thấy nơi ngươi nữa; và tiếng cối xay cũng chẳng còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Ðèn sáng không còn chiếu sáng nơi ngươi nữa. Tiếng tân lang tân nương không còn nghe thấy nơi ngươi nữa, vì những tay buôn của ngươi là bọn kỳ hào trên hoàn vũ, và bởi phù phép ngươi, mọi dân tộc phải lầm lạc”.

Sau đó, tôi nghe như có tiếng nhiều đoàn người trên trời tung hô rằng: “Alleluia! Ơn Cứu độ, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Thiên Chúa chúng ta: vì sự xét xử của Người thật chính trực và công minh, Người luận phạt gái điếm khét tiếng đã từng làm cho địa cầu ra hư nát bởi trò dâm dật của nó; Người đã báo oán máu các tôi tớ Người do tay nó đã đổ ra. Họ lại cất tiếng rằng: “Alleluia! Khói nó bốc lên cho tới muôn đời”.

Và thiên thần bảo tôi: “Hãy viết rằng: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19, 9a).

Xướng: Hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. – Ðáp.

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. 

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. – Ðáp.

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ. – Ðáp

Alleluia: Lc 21, 28

Alleluia, alleluia! – Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 20-28

“Giê-ru-sa-lem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giu-đa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.

“Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Ki-tô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Ki-tô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

GIÊ-RU-SA-LEM BỊ TÀN PHÁ (Lc 21, 20-28)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Thánh Lu-ca trình bày biến cố Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, tượng trưng cho sự phán xét cuối cùng của Thiên Chúa, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. Trong ngày đó, tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi đó là vững chắc (mặt trời, tinh tú, biển…) đều bị lay chuyển để nhường chỗ cho cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay, nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.

2. Có lần Đức Giê-su khóc thương thành Giê-ru-sa-lem, vì Ngài thương dân thành này cách đặc biệt, nhưng họ không chịu nghe Ngài, họ lại còn phản nghịch chống lại Ngài. Hôm nay, qua bài Tin Mừng, Đức Giê-su cho biết: dân ngoại sẽ chiếm lĩnh và tàn phá thành, sẽ tàn sát dân chúng cách tàn nhẫn ghê gớm và bắt đi đầy khắp các nước. Đây cũng là hình ảnh báo trước ngày tận thế.

3. Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc Rô-ma đem quân lính vây hãm và phá bình địa Giê-ru-sa-lem. Đền thờ Giê-ru-sa-lem biểu trưng của niềm tin tôn giáo như lời tiên báo của Đức Giê-su đã “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”.

Tuy nhiên, nếu người Do thái thương khóc cho quê hương đổ nát thì các Ki-tô hữu lại hân hoan ra đi loan báo Tin Mừng  cho các dân tộc khác: sự sụp đổ thành Giê-ru-sa-lem đã giúp cho họ nhận ra tính công giáo của K-itô giáo. Nước Thiên Chúa đến bằng chính những gì mà con người cho là đổ nát, mất mát. Đó là cái nhìn Đức Giê-su muốn mời gọi các tín hữu tiên khởi phải có (Mỗi ngày một tin vui).

4. Ngay thời tiên tri Da-ni-en, dân Do thái đã bàn tán về Ngày Nước Thiên Chúa đến và sự chờ dợi cuồng nhiệt lan tràn khắp nước Ít-ra-en. Người ta khảo sát các điềm trời và các tai họa xảy ra. Họ tính toán khá thông thái để tiên báo ngày giờ tận thế. Đức Giê-su loan báo Nước Thiên Chúa đã đến ngoài sức tính toán tự nhiên của con người, nên người Biệt phái muốn hỏi Đức Giê-su xem bao giờ triều đại Thiên Chúa đến.

Câu trả lời của Đức Giê-su làm sửng sốt: Nước Thiên Chúa đến không ai có thể quan sát được. Tất cả mọi dấu chỉ loan báo và tính toán đều vô giá trị. Nước ấy đã đến và người Biệt phái không nhận ra vì con tim và lỗ tai của họ bị đóng kín. Chính hành động của Đức Giê-su cho thấy và cho hiểu về Nước Thiên Chúa đã đến vì Ngài nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ… Thời cứu độ đã bắt đầu, nhưng ai không đón tiếp Đức Giê-su, không thể nhận ra được Nước Thiên Chúa.

5. Đức Giê-su cũng loan báo trước Ngài sẽ trở lại trong ngày quang lâm. Nhưng trước khi việc ấy xảy ra, người ta còn phải chịu nhiều tai họa, đau khổ. Sau cùng, Ngài sẽ hiện đến trong vinh quang sáng chói hơn cả tia sáng bom nguyên tử và chiếu sáng khắp nơi không gì che lấp được. Con Người đến thình lình đột ngột như các tai họa đổ xuống trên loài người và luôn sẵn sàng đến bất cứ lúc nào.

Hình ảnh ngày tận thế rất đáng sợ. Ngày Chúa phán xét mọi người và riêng từng người chúng ta. Tuy nhiên, chỉ những ai không chịu nghe Lời Chúa mà ăn năn sám hối, cải thiện đời sống mới khiếp sợ, vì họ phại bị phạt khốn khổ đời đời. Còn ai biết lo làm lành lánh dữ, sốt sắng thờ phượng Chúa, giúp việc Chúa sẽ vui mừng phấn khởi, vì mình sẽ được cứu rỗi.

6. Đi xa hơn một chút, ta cũng có thể hiểu Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng suy nghĩ về ngày cuối cùng của mỗi người chúng ta. Trước khi từ giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm bởi những lo âu run sợ trước khi chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của cơn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ.

Ước gì mọi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong ngày Chúa đến.

Khi Quincy Adams 80 tuổi, một người bạn hỏi ông:

– Quincy Adams thế nào rồi?

– Quincy Adams vẫn khỏe, nhưng ngôi nhà mà linh hồn Adams cư ngụ đã bệ rạc, nó sắp sập đến nơi rồi. Đã đến lúc phải rời khỏi ngôi nhà đó rồi (The Gospel Herald).

7. Truyện: Khôn ngoan biết lo xa.

Một hôm, đang ngồi trong bàn giấy, vua Chalrles-Quint thấy một vị quan vốn trung thành, đệ đơn xin từ chức. Tưởng rằng vị quan này không được hài lòng vì lương bổng hay bất mãn với công danh. Nhà vua tha thiết nhìn ông và bảo cứ ở lại, nhà vua sẽ cho như ý. Hiểu ý vua, vị đó trả lời:

– Tôi xin rút lui để có thời giờ lo việc linh hồn.

Nghe câu trả lời bất ngờ đó, vua cảm động và khen ngợi là người khôn ngoan biết lo xa.

Chính vua Chrles Quint sau cũng từ chức và vào nhà dòng dọn mình chết lành.

Như vậy, cuộc đời trần thế của chúng ta chỉ là thời gian lao tác: làm việc cho Chúa để làm vinh danh Ngài và làm việc cho tha nhân để đem hạnh phúc đến cho mọi người như lời Chúa dạy: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy “lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai  thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào thôi” (Mt 7,21).

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh An-rê, tông đồ

Ca nhập lễ               

Trên bờ biển Galilêa, Chúa thấy hai anh em Phêrô và Anrê và Người kêu gọi các ông: các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính thánh An-rê, người ngư phủ đã tin Ðức Giê-su là Ðấng Mê-si-a và mau mắn giới thiệu cho em mình. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố miềm tin của chúng con để chúng con cũng chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng con gặp gỡ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Rm 10, 9-18

“Lòng tin có là nhờ nghe, còn nghe thì dựa vào lời Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Nếu miệng ngươi tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi.

Nhưng người ta kêu cầu thế nào được với Ðấng mà họ không tin? Hoặc làm sao họ tin được Ðấng họ không nghe nói tới? Nhưng nghe thế nào được, nếu không có người rao giảng? Mà rao giảng thế nào được, nếu không được ai sai đi? Như có lời chép rằng: “Cao quý thay chân những người rao giảng sự bình an, rao giảng tin lành!” Nhưng không phải mọi người đều suy phục Tin Mừng cả đâu. Vì Isaia nói rằng: “Lạy Chúa, nào có ai tin lời chúng con rao giảng?”

Vậy lòng tin có là nhờ nghe, còn nghe thì dựa vào lời Ðức Kitô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe đến? Quả thật, tiếng của những vị đó đã vang dội ra khắp địa cầu, và lời của những đấng ấy được truyền đến tận cùng thế giới.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. 

Alleluia: Ga 9, 19

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các ngươi hãy theo Ta; Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 4, 18-22

“Các ông bỏ lưới mà đi theo Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toan năng hằng hữu, xin thương chấp nhận của lễ chúng con dâng trong ngày lễ kính thánh An-rê tông đồ, và ban cho chúng con luôn làm đẹp lòng Chúa. Ước chi của lễ này cũng đem lại cho chúng con chính sự sống thần linh của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các tông đồ

Ca hiệp lễ

Anrê nói với em ông là Simon rằng: Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia, tức là Đức Kitô. Và ông đưa Phêrô đến cùng Chúa Giêsu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa hiệp thông với bí tích Thánh Thể. Xin cho bí tích này tăng thêm sức mạnh cho chúng con, nhờ đó chúng con có thể noi gương thánh An-rê: vác thập giá mình đi theo Ðức Kitô và được vào thiên quốc hưởng vinh quang muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ghi nhận lịch sử

Lễ kính thánh Anđrê tông đồ đã được cử hành ngay từ đầu thế kỷ V vào ngày 30 tháng 11, theo lịch của Giêrusalem, như Sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô và các sách bí tích xa xưa làm chứng. Lễ này từng được thánh Grégoire thành Nazianze và các Giáo phụ khác biết đến, và luôn được cử hành một cách đặc biệt long trọng từ thời Đức giáo hoàng Simplice (468-483). Vị giáo hoàng này đã cung hiến một thánh đường kính thánh Tông đồ Anđrê vào năm 475 ở Rôma, gần nhà thờ Đức Bà Cả ở Esquilin.

Thánh Anđrê (tiếng hi lạp là andreas, “can đảm”), là một trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Là con ông Giona và là anh thánh Phê-rô, ngài xuất thân từ Bétsaiđa, một làng nằm ở phía bắc hồ Tibêriade, và làm nghề đánh cá ở Caphácnaum. Là môn đệ thánh Gioan Tẩy Giả, ngài là người đầu tiên trong số các Tông đồ tương lai được gặp Chúa Giêsu bên giòng sông Giorđan, ngay buổi sáng sau ngày Chúa chịu phép rửa. Nghe Gioan Tẩy Giả nói về Chúa Giêsu: Đây là Con Chiên Thiên Chúa, ngài đã đi theo Chúa cùng với một môn đệ khác (chắc là Gioan tác giả sách Tin Mừng) và hỏi Chúa Giêsu: Rabbi, thầy ở đâu? Và Người trả lời: Hãy đến mà xem. Tin Mừng Gioan viết thêm: Họ đi và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1, 35tt.). Sáng hôm sau, Anđrê dẫn anh là Phêrô đến gặp Chúa Giêsu sau khi đã nói với anh: Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia!

Ơn gọi chính thức của Anđrê và Phêrô được Tin Mừng Mátthêu (4, 18 ss) kể lại: Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anđrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”

Các sách Tin Mừng còn nhắc đến thánh Anđrê ba lần khác:

Lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 8): Ở đây có cậu bé có năm cái bánh và hai con cá

Khi ngài gặp những người tân tòng gốc Hy Lạp ở Đền Thờ (Ga 12, 22);

Trước khi Chúa nói lời tiên báo về việc Con Người ngự đến (Mc 13, 3).

Theo một số truyền thuyết, về sau thánh Anđrê đi giảng Tin Mừng cho nước Nga, dân tộc Scythes, và nước Hy Lạp, tại đây ngài chịu tử đạo ở Patras, bị treo trên thập giá hình chữ X (thập giá thánh Anđrê).

Giáo Hội Constantinople có lòng sùng kính nhiệt thành đối với thánh Anđrê bổn mạng của Giáo Hội này, và gọi ngài là “vị được kêu gọi đầu tiên”. Ngài cũng được tôn kính như Đấng Sáng Lập Giáo Hội Kiev (Ucraina) và như bổn mạng chính của Tô Cách Lan.

Trong số các họa sĩ, Murillo đã vẽ Cuộc Tử Đạo của thánh Anđrê (viện bảo tàng Prado, Madrid).

Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ lấy ý chủ yếu từ ơn gọi và cuộc tử đạo của thánh Anđrê.

Lời Nguyện của ngày nhắc đến vai trò rao giảng Tin Mừng và mục tử của thánh Anđrê. Khi kêu xin sự chuyển cầu của ngài, phụng vụ nhìn nhận ngài đã “rao giảng Tin Mừng và hướng dẫn Hội Thánh”.

Nhưng trước khi nhận sứ mạng, đã có ơn gọi dựa trên một chọn lựa được thực hiện vì tình yêu. “Chúa yêu thương thánh Anđrê, môn đệ mà Người đã chọn.” (Điệp ca 2 Kinh Sáng). Cũng thế, trong Bài Đọc I thánh lễ, chúng ta đọc thấy: … Làm sao nghe được Lời nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng nếu không được sai đi?

Trong tiểu sử ơn gọi của thánh Anđrê, có một chi tiết đáng chú ý. Sau khi tìm thấy Chúa Giêsu, ngài cảm thấy cần phải cho những người khác biết. Trước hết ông gặp em mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia! Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1, 40t.). Trong một bài giảng về Tin Mừng Gioan (Bài đọc 2 Kinh Sách), thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh về ơn gọi của thánh Anđrê như sau: “Ngài không giữ kho tàng này cho riêng mình: ngài vội chạy đi tìm em mình, để chia sẻ với em điều tốt lành ngài đã nhận được.” Như thế thánh Anđrê bộc lộ “một tình bạn và tình anh em đích thực, một tình cảm sâu xa và một sự chân thành rất tự nhiên… nghĩ mình không có khả năng cắt nghĩa mọi sự, ngài đã dẫn em mình đến chính nguồn ánh sáng.”

Chủ đề ơn gọi và sứ mạng không thể không kèm theo thập giá, được gợi ý trong Lời Nguyện sau hiệp lễ: “Xin cho việc kết hiệp với bí tích của Chúa làm cho chúng con mạnh sức, lạy Chúa, để noi gương thánh Anđrê, chúng con mang trên mình thập giá Chúa Giêsu, và được sống với Người trong vinh quang.”

Bài đọc I thánh lễ (1 Cr 1, 18 – 2, 5) gợi ý về thập giá: Tôi đã quyết không biết gì nơi anh em, ngoại trừ Đức Giêsu Kitô, và Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cũng vậy, câu Xướng đáp của Bài đọc 2: “Tất cả những ai muốn đẹp lòng Thiên Chúa đều phải biết đến đau khổ.”  Đoạn kết bài Thánh thi giờ Kinh Sáng như sau: “Trước ngưỡng cửa nhà Người, thập giá Người, ôi Giêsu, cho chúng con dấu hiệu… Xin kính chào, Thập giá ban sự sống !” Điệp ca của kinh Magnificat ca mừng thập giá thế này: “Kính chào, thập giá vô cùng cao quí! Ngươi đã mang thân thể của Thầy ta: hãy tiếp nhận môn đệ của Người.” Một truyền thống kể lại cuộc tử đạo truyền thuyết của thánh Anđrê rằng, khi nhìn thấy cây thập giá mà ngài sắp phải treo lên, ngài chào thập giá như sau: “Ôi thập giá tốt lành, thập giá từ lâu mong đợi, thập giá được yêu mến chừng nào, hãy trả ta về với Thầy chí thánh của ta, Đấng đã cứu độ ta nhờ ngươi!”

Một bức tranh thánh cổ mô tả thánh Phêrô và thánh Anđrê đang trao cho nhau nụ hôn bình an. Chính bức tranh này được giáo chủ Constantinople, Athenagoras I, trao tặng Đức giáo hoàng Phaolô VI năm 1964, khi hai vị gặp nhau trên núi Ô-liu trong khi trao đổi nụ hôn hoà giải. Lễ thánh Anđrê vì thế mời gọi chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa Giáo Hội Constantinople, được đại diện bởi thánh Anđrê, với Giáo Hội Rôma, được đại diện bởi thánh Phêrô.

Enzo Lodi

TẠI SAO THÁNH ANRÊ LẠI DỄ DÀNG DẪN THÁNH PHÊRÔ ĐẾN GẶP ĐỨC GIÊSU NHƯ THẾ?
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Anrê, người ngư phủ đã tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia và mau mắn giới thiệu cho em mình. Nhờ lời thánh nhân chuyển cầu, xin Chúa củng cố niềm tin của chúng ta, để chúng ta cũng biết chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng ta gặp gỡ.

Thánh Anrê quê ở Bétsaiđa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó, người theo Đức Giêsu. Người cũng đã dẫn em mình là thánh Phêrô đến gặp Chúa. Khi những người nghe Chúa giảng không có gì ăn, thì chính người đã cho biết có một em bé mang theo bánh và cá. Tin mừng cũng ghi lại việc: thánh nhân cùng với thánh Philípphê, đã giới thiệu những người ngoại giáo với Đức Giêsu. Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, người đã đi loan báo Tin Mừng ở nhiều nơi và đã bị đóng đinh ở Akhaia.

Động lực đầu tiên thúc đẩy thánh Anrê, chắc hẳn, là tình yêu của Ðức Giêsu, Đấng mà thánh nhân tin tưởng là Đấng Mêsia. Chính tình yêu này đã thúc bách thánh nhân bước theo Đức Kitô và đã kết thúc cuộc đời bằng nhành thiên tuế tử đạo.

Thử hỏi có tình yêu nào: mà người được yêu, lại không cảm thấy: có nhu cầu, cần phải nói cho người khác biết về người mình yêu? Theo trình thuật của Tin Mừng Gioan, sau khi “đến mà xem”, thánh Anrê đã về dẫn em mình là thánh Phêrô đến gặp Đức Giêsu. Chúng ta cũng có thể hiểu tại sao thánh Phêrô lại dễ dàng để anh mình dẫn đi như thế, chắc hẳn, là do bởi lời giới thiệu đầy xác quyết của anh mình: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”, và cũng chắc hẳn, thánh Anrê đã kể lại tỉ mỉ mọi điều thú vị khi được “ở lại” với Đức Giêsu, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Qua việc thánh Phêrô mau mắn theo anh mình đến gặp Đức Giêsu, chúng ta có thể cảm nhận được những lời nói mà thánh Anrê nói với thánh Phêrô, chắc hẳn, là những lời xuất phát từ một tâm hồn rất mực khao khát Đấng Mêsia: khắc khoải trông mong Đấng từ trời ngự đến, vui mừng hoan hỷ khi Đấng ấy xuất hiện, và vội vã ra đi loan báo cho người khác biết tin mừng trọng đại này, và người đầu tiên được loan báo, đó chính là em mình.

Mừng lễ thánh Anrê, với tư cách là một thành viên của Hội Thánh, nếu chúng ta không cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt, để chia sẻ về tình yêu của Đức Kitô đã dành cho chúng ta cho người khác, thì chúng ta cần phải tha thiết cầu xin thánh nhân chuyển cầu: xin Chúa đến chạm vào tâm hồn chúng ta một lần nữa: mở rộng con tim băng giá của chúng ta, và lay động cuộc sống thờ ơ, lãnh đạm của chúng ta.

Ước gì chúng ta biết chạy đến với Chúa, như thánh nhân đã “đến mà xem”, đến “ở lại” với Chúa trong cầu nguyện, để cho Chúa ngắm nhìn chúng ta, và để chúng ta bắt gặp ánh nhìn chan chứa tình yêu của Người. Thật tốt lành biết bao khi chúng ta được Chúa chạm đến cõi lòng chúng ta, và thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự sống mới của Người cho người khác, để rồi, như người môn đệ đầu tiên đã cùng với thánh Anrê đi theo Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ nói cho mọi người rằng: Ðiều chúng tôi đã thấy, đã nghe, và đã chạm đến, chúng tôi loan báo lại cho anh em (x. 1Ga 1,3).

Vươn tận trùng khơi
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy đi theo tôi!”.

“Những người tự mãn thường đạt điểm thấp trong các bài kiểm tra đo lường hạnh phúc. Hãy tìm một điều gì đó cao cả hơn; ‘một Ai đó’ vĩ đại hơn! Đừng chỉ hài lòng với những con cá quèn của ao đầm! Hãy vươn tận trùng khơi cho những gì vô biên hơn!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy ‘vươn tận trùng khơi’ cho những gì vô biên hơn!”. Thật thú vị, ý tưởng của nhà tu đức trên được gặp lại qua Lời Chúa ngày lễ kính thánh Anrê tông đồ.

Trong cái nhìn của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta luôn được nhắm tới cho một điều gì đó cao cả hơn, vĩ đại hơn, và cũng vĩnh cửu hơn. Không chỉ biển hồ Galilê, Chúa Giêsu muốn Anrê, các bạn chài của ông, và mỗi chúng ta ‘vươn tận trùng khơi’ bao la để “lưới người như lưới cá”. Ngoài biển hồ Galilê, còn có một đại dương bao la hơn, mênh mông hơn, có tên là “Thế Giới” đã vẫy gọi Anrê, đang vẫy gọi bạn và tôi. Bởi lẽ, thế giới chúng ta đang sống vẫn là một thế giới mà Thiên Chúa còn khá xa lạ, nếu không nói, một thế giới đang cố loại trừ Ngài.

Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô viết, “Làm sao kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao tin Đấng họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?”. Như Anrê, chúng ta được sai đi từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội; để rồi, cùng Anrê và bao chứng nhân mọi thời, chúng ta ‘vươn tận trùng khơi’ để “lưới người như lưới cá”. Thánh Vịnh đáp ca xác nhận sứ vụ lớn lao này, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”. 

Và dẫu sứ vụ cao cả đến thế, ơn gọi đến với Anrê và các bạn chài xem ra vẫn không mấy ấn tượng. Chúa Giêsu không tỏ mình cho họ cách đặc biệt; thay vào đó, ngay trong nghề nghiệp của họ, Ngài gọi họ. Cũng thế, với mỗi người chúng ta, chính giữa cuộc sống thường nhật của mình, bạn và tôi khám phá Ngài. Ở đó, Ngài tỏ mình và làm cho tình yêu Ngài được cảm nhận trong mỗi trái tim; cũng ở đó, Ngài biến đổi từng trái tim.

Chúa Giêsu không nhìn các môn đệ về mặt thể chất nhưng về mặt tâm linh, không nhìn về ngoại hình nhưng ‘thấy sâu hơn’ tấm lòng. Ngài chọn họ trước tiên không phải vì họ là tông đồ nhưng vì họ có thể trở thành tông đồ; không vì con người thật của họ mà vì con người họ có thể trở thành. Ngài không từ chối những điều tốt đẹp chưa định hình, không chọn những gì họ có, những gì họ là; Ngài chọn những trái tim!

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy theo tôi!”. Đức Phanxicô nói, “Trên bờ hồ Galilê, một vùng đất không thể tin được, cộng đồng môn đệ Kitô đầu tiên ra đời. Ước gì sự hiểu biết về những khởi đầu này khơi dậy trong chúng ta ước muốn mang Lời, tình yêu và sự dịu dàng của Chúa Kitô đến mọi vùng ngoại vi, trong mọi bối cảnh, ngay cả những bối cảnh khó khăn và kháng cự nhất. Mọi không gian sinh hoạt của con người đều là những mảnh đất để gieo hạt Lời, chúng sẽ trổ sinh hoa trái cứu độ!”. Biết bao linh hồn đang ở tận trùng khơi. Đừng hài lòng với những con cá quèn, bạn được kêu gọi cho một điều gì đó cao cả hơn, ‘một Ai đó’ vĩ đại hơn, một biển lớn mất hút chân trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường tự mãn với những gì trong ao đầm. Cho con dám ‘vươn tận trùng khơi’, hầu có thể đánh bắt cho Chúa từ mẻ này đến mẻ khác, mẻ các linh hồn!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây