TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 16/10/2023 14:27 |   754
“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,13-21)

23/10/2023
THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Thánh Gioan Capestranô, linh mục

t2 t29 TN

Lc 12,13-21

Ngày 23 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Nhìn ngắm Mẹ dưới chân Thập Giá, chúng con nhận ra một gương mẫu đức tin tuyệt hảo: Mẹ được gọi là Đấng Đầy Ơn Phúc, nhưng chẳng thấy phúc, chỉ thấy họa. Là người có Thiên Chúa ở cùng, nhưng chỉ thấy khốn khó và đau thương. Được bà Isave tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa, nhưng thực tế trước mắt người Dothái, Mẹ chỉ là mẹ của một tên gian phi. Mẹ được ơn vô nhiễm và trọn đời đồng trinh, nhưng những hậu quả mẹ gánh chịu như là một người tội lỗi, vì đối với người đời, không có nhân thì sao lại có quả. Xin cho chúng con biết noi theo lòng tin của Mẹ, bởi vì, nếu chúng con muốn hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, thì chúng con phải có một đức tin ngày càng lớn mạnh. Amen.

LÀM GIÀU TRƯỚC THIÊN CHÚA
“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
(Lc 12,13-21)

Suy niệm: Một người muốn lôi Chúa Giê-su vào vai trò “người xử kiện” cho vụ việc chia gia tài nhà ông ta. Ông này đã hành động dưới sự thúc đẩy của lòng tham chứ không phải để đòi lại sự công bằng. Đó là lý do Chúa kể câu chuyện người phú hộ. Ông không phải tranh dành của cải với ai. Nhưng lòng tham khiến ông chỉ nghĩ tới một mình ông. Ông độc thoại: “tự nhủ... nghĩ bụng... tự bảo...” Ông tìm sự an toàn nơi của cải, ông tính toán hưởng thụ: nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đã. Cả hai người, ai có lý? Đức Giê-su cho chúng ta câu trả lời: “Đồ ngốc,... những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Và Ngài kết luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.

Mời bạn: Không ai có thể trưởng thành hay tìm thấy sự viên mãn bằng cách rút lui khỏi những người khác” (Fratelli Tutti 50). Thiên Chúa giao cho con người quản lý của cải để họ phục vụ thiện ích chung. Nhưng trở thành người quản lý trung tín là điều chẳng dễ dàng chút nào, vì ta luôn bị cám dỗ bởi lòng tham. Đâu là những “của cải” Thiên Chúa giao cho bạn và tôi? Phải chăng đó là của cải vật chất, môi trường sống, tha nhân sống quanh tôi, thời gian tôi đang có, và cả ơn đức tin? Tôi đã làm gì với những thứ ‘của cải’ đó? Có làm giàu chúng trước mặt Thiên Chúa không?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian, tình yêu và sự quan tâm để chia sẻ với người thân cận, người đang “túng thiếu.”

Cầu nguyện: Xin cho con biết chia sẻ cho nhau những ‘của cải’ Chúa ban cho con, để con có được ‘của cải’ quan trọng nhất là sự sống trong Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 20-25

“Có lời đã chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, — vì ông đã gần trăm tuổi, — và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, “việc đó đã được kể cho ông là sự công chính”.

Và khi chép rằng “Ðã được kể cho ông”, thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75

Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người

Xướng: Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa.

Xướng: Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người.

Xướng: Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 2, 1-10

“Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, và đồng ngự trị trên nước trời”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, khi anh em đã chết vì những lỗi lầm và tội lỗi anh em, thì trong những tội lỗi đó, xưa kia anh em đã từng sống theo dòng thời gian của thế giới này, theo thủ lãnh chủ quyền của không khí này, tức là tà thần hiện giờ còn hoạt động trong những con người không vâng phục. Trong những tội lỗi đó, cả chúng tôi nữa, xưa kia tất cả chúng tôi cũng sống theo dục vọng xác thịt của chúng tôi, làm theo những thèm muốn xác thịt và những tư tưởng gian tà, và tự nhiên bấy giờ chúng tôi cũng là những con người đáng giận ghét như các người khác.

Nhưng Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến đỗi khi tội lỗi làm chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô. Nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.

Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải là do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Ðáp: Chính Chúa đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người (c. 3b).

Xướng: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan phấn khởi. 

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. 

Xướng: Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. 

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 13-21

“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: “Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?” Ðoạn người ấy nói: “Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!” Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?” Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY COI CHỪNG KHI SỬ DỤNG TIỀN CỦA! (Lc 12, 13-21)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Của cải là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Không có tiền, chúng ta khó có thể đáp ứng nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, của cải là con dao hai lưỡi, nó có thể trở thành đầy tớ tốt cho những ai biết sử dụng và trở thành ông chủ tồi nơi những kẻ thượng tôn nó.

Trong thực tế, rất nhiều người cảm thấy an tâm vì cho rằng: “Có tiền mua Tiên cũng được”! Đây là một quan niệm sai lầm căn bản.

Chính vì thế, nên Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh báo những kẻ bám vào của cải vật chất như là cứu cánh của mình rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Thật vậy, kho tàng của chúng ta có đồ sộ đến thế nào thì cũng chẳng hề đảm bảo được mạng sống. Nó cũng chẳng đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật và không bao giờ có chuyện hứa hẹn cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Thấy được mối nguy hại của vật chất, và thấy được sự ràng buộc cho những ai muốn theo Chúa để làm môn đệ mà lại vướng bận vào của cải, nên Đức Giêsu nói tiếp: “Ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Khi dạy như thế, Đức Giêsu không muốn nói là không được chiếm hữu của cải, bởi vì bản chất của nó không phải là xấu hay tội. Vì thế, Đức Giêsu không hề có thái độ kết án người giàu, mà chỉ kết án những kẻ giàu nhưng không biết sử dụng đồng tiền cách khôn ngoan. Ngược lại, họ lại trở thành kẻ ích kỷ như nhà phú hộ giàu có đối xử với Lazarô nghèo khổ không bằng con chó trước cửa nhà ông.

Như vậy, khi nói từ bỏ của cải là Ngài muốn nói đến việc biết xử dụng của cải như thế nào cho có ích nơi mình và người khác. Sử dụng tiền theo tinh thần của Đức Giêsu chính là biết chia sẻ cho những người túng thiếu, biết giúp đỡ cho Giáo Hội để lo cho người nghèo và phát triển Giáo Hội… Nói chung là biết dùng đồng tiền hữu hạn để mua lấy sự vô hạn là Nước Trời qua công việc bác ái, từ thiện của mình.

Thật vậy, ngang qua cách sử dụng tiền của, chúng ta dễ dàng nhận ra người đó đang thuộc về ai! Người môn đệ của Chúa thì sẽ sử dụng nó như là tôi tớ và phục vụ cho lợi ích của Giáo Hội cũng như người nghèo. Còn những người làm đồ đệ cho tiền của thì sẽ lo giữ của cho riêng mình và chỉ lo phục vụ điều bất chính nơi mình mà thôi. Họ coi đồng tiền như là chúa tể của họ và ảo tưởng cho rằng nó sẽ đem lại cho mình hạnh phúc thật.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sử dụng đồng tiền cho đúng ý Chúa, hầu qua đó, chúng con sẽ được hạnh phúc mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.

MỘT KHO LẪM LỚN HƠN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Đến thăm “Nhà thờ Xương” ở Rôma, bạn bước vào một một bảo tàng viện phảng phất ‘mùi thơm’ người chết vốn được thiết kế tuyệt đẹp với 4,000 bộ xương của các thầy dòng Capuchin. Ai không quen nghệ thuật, nó có thể hơi bệnh hoạn, nhưng ‘cung điện’ này vẫn nói lên nhiều điều. Du khách không biết ai phổng phao, ai còi cọc; ai thông tuệ, ai lú lấp; ai duyên dáng, ai thô kệch. Thần chết san bằng tất cả; mọi lợi thế trần gian tan biến! Một tấm biển ghi: “Một ngày nào đó, bạn giống tôi; một ngày nào đó, tôi giống bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hình ảnh ‘kho lẫm xương người’ đưa chúng ta về với những kho lẫm lớn hơn của ông phú hộ trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng, “Con sẽ không mang theo gì cả, dù con có ‘một kho lẫm lớn hơn’ đầy của cải!”.

Vậy điều gì sẽ thực sự khiến chúng ta hạnh phúc? ‘Một kho lẫm lớn hơn’ hay ‘một trái tim lớn hơn?’. Với một số người, hạnh phúc dâng trào khi hình ảnh họ in ở trang nhất các tạp chí; số khác, ở những chỗ khác. Thế nhưng, về căn bản, những ‘kho lẫm lớn hơn’ ấy đều giống nhau; một căn nhà ‘biệt phủ’ hơn, một chiếc xe ‘đời mới’ hơn, loại son môi ‘Evà’ hơn, những kỳ nghỉ ‘thiên đàng’ hơn.

Người giàu tin rằng, khả năng hưởng thụ càng cao, hạnh phúc càng nhiều. Ảo tưởng! Họ khác nào con chuột trên một bánh xe quay. Nó nhảy nhót, chuyển động rất nhiều nhưng không đi đến đâu. Con người đầu tư tài năng sức lực để có được nhiều thứ, nhưng đâu biết rằng, ‘một kho lẫm lớn hơn’ chỉ mang lại niềm vui nhỏ hơn. Bởi lẽ, chính trái tim, chứ không phải nhà kho, mới là cái thực sự cần được mở rộng; ở đó, niềm vui dẫu nhỏ bé, vẫn là niềm vui vĩnh cửu, thiên đàng. Chính khi trái tim khao khát tình yêu, thì sự bồn chồn ‘kiểu Augustinô’ sẽ không bao giờ cho ai ngơi nghỉ, mãi đến khi họ gặp được Thiên Chúa; đồng thời, khám phá ra lòng thương xót của Ngài.

Hãy nhìn vào Chúa Giêsu! Cuộc sống của Ngài dành cho Chúa Cha và những kẻ Cha trao phó. Đó là dấu hiệu lớn nhất của tình yêu! Cuộc sống của Ngài là một cuộc sống được nhận và trao từ Chúa Cha; và qua tình yêu dành cho Cha, Ngài trao nó cho mọi người. Vì không ai có thể tự nhận là chủ cuộc đời mình! Vậy làm sao cuộc sống của bạn và tôi có thể có ý nghĩa nếu nó ‘quay lưng lại với chính nó’ và hài lòng khi nói, “Mình bây giờ ê hề của cải. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Nếu cuộc sống của Chúa Giêsu là một món quà được nhận và trao, thì cuộc sống của bạn và tôi cũng phải là quà tặng dành cho Thiên Chúa và tha nhân, bởi “Ai yêu mạng sống mình, sẽ mất nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Vì lẽ, “Thần chết san bằng tất cả; mọi lợi thế trần gian tan biến!”. Chúa Giêsu dạy chúng ta xây cho mình ‘một kho lẫm lớn hơn’ đích thực là chính Ngài, Đấng mà Phaolô, trong thư Rôma hôm nay nói, “đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính”. Vì thế, điều quan trọng không phải là có ‘một kho lẫm lớn hơn’ nhưng là ‘một con tim lớn hơn đầy Thiên Chúa’. Và chính Ngài sẽ dạy chúng ta làm giàu nó khi biết cho đi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con có thể giàu có, nhưng cuộc đời con không chỉ có của cải! Cho con khôn ngoan nhận ra rằng, cuộc sống ngắn ngủi, con phải sống cho một mình Chúa!”, Amen.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây