05/7/2024
THỨ SÁU TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Thánh Antôn Maria Zaccaria, linh mục
Mt 9, 9-13
LỜI MỜI GỌI ĐƯỢC ĐÁP LẠI
Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!’ Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9, 9-13)
Suy niệm: Câu chuyện ơn gọi của Mát-thêu diễn ra thật đột ngột và đơn giản: Chúa Giê-su có vẻ tình cờ đi ngang qua, Người gọi ông, và “ông đứng dậy đi theo Người”. Không giống như trường hợp Giê-rê-mi-a được Chúa gọi làm ngôn sứ từ trong lòng mẹ (Gr 1,5). Cũng không giống trường hợp Phao-lô được Chúa chọn gọi khi còn trong lòng mẹ (Gl 1, 15) nhưng diễn ra đầy kịch tính trong vụ ngã ngựa tại cổng thành Đa-mát. Với Mát-thêu, những tình tiết ly kỳ ấy có thể có, có thể không, ơn gọi của ông vẫn hình thành mà không thể thiếu điểm cốt lõi này là Chúa gọi ông, ông đáp lại và đi theo Người.
Mời Bạn: Lời mời gọi được đáp lại là một ơn gọi được hoàn thành viên mãn. Một đàng Chúa gọi ai vào ơn gọi nào là tuỳ theo ý Chúa, nhưng đàng khác Người vẫn để mỗi người tự do đáp lại tiếng gọi của Người. Từ đó họ được sai đi thi hành sứ mạng và ơn gọi của họ bắt đầu đơm hoa kết trái như Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái anh em tồn tại” (Ga 15, 16). Dù bạn được kêu gọi sống đời tu trì hay giáo dân, bạn đừng để lời mời gọi của Chúa rơi vào hư vô, nhưng hãy đáp lại lời Người để cuộc sống của bạn sinh hoa trái tồn tại cho Nước Chúa.
Sống Lời Chúa: Ý thức ơn gọi là món quà cao quý Chúa ban tặng cho bạn, bạn quyết đáp lại cách dứt khoát và triệt để ngay khi nghe được lời mời gọi của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn gọi con để cho con được tham gia sứ vụ của Chúa. Xin cho chúng con biết đáp lại ơn gọi Chúa ban bằng cách sống thật trọn vẹn ơn gọi của mình.
Ngày 5: Lạy Chúa! Khi nói không cần phân biệt tốt xấu, chúng con cảm thấy điều này có vẻ như: chúng con đang tự lừa dối chính mình, bởi vì, khi có chuyện gì khủng khiếp xảy đến với chúng con, hay với những người thân của chúng con, chẳng hạn như: tai nạn, bệnh tật, khổ đau hay chết chóc, chúng con có thể giả vờ cho là nó không xấu, nhưng thật sự là nó xấu, không nên xảy ra; tại sao chúng con phải phủ nhận điều đó? Thật ra, Chúa không bảo chúng con phải giả vờ chi cả. Chúa muốn chúng con đón nhận sự việc đó như là ý Chúa, thế thôi. Xin cho chúng con luôn biết thuận theo ý Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) St 23, 1-4. 19; 24, 1-8. 62-67
“Isaac yêu thương Rêbecca, cho nên ông tìm được niềm an ủi, vì thương nhớ mẹ đã qua đời”.
Trích sách Sáng Thế.
Bà Sara được một trăm hai mươi bảy tuổi thì qua đời tại thành Cariatharbê, tức là Hêbron, trong đất Canaan. Ông Abra-ham đến khóc lóc thương tiếc bạn mình. Khi lo việc chôn cất, Abraham chỗi dậy nói với các con ông Hét rằng: “Tôi là ngoại bang, là khách lạ giữa quý ông, xin quý ông nhượng cho tôi một phần mộ để chôn xác người nhà tôi qua đời”. Rồi Abraham chôn cất bà Sara vợ ông trong Hang Ðôi ngoài đồng ruộng, đối diện với Mambrê, tức Hêbron, trong đất Canaan.
Khi ấy, Abraham đã già nua, và Chúa đã chúc lành cho ông trong mọi sự. Abraham nói với người đầy tớ lớn tuổi nhất trong nhà, cũng là người quản lý mọi của cải của ông rằng: “Ngươi hãy đặt tay vào dưới bắp vế ta mà thề trước mặt Chúa là Thiên Chúa trời đất, sẽ không cưới cho con ta một người vợ thuộc dân Canaan mà ta đang ở chung với họ đây. Ngươi hãy đi về quê họ hàng ta, mà cưới vợ cho con ta là Isaac”. Người đầy tớ thưa lại: “Nếu người phụ nữ không muốn theo tôi về xứ này, thì tôi có phải đem con trai ông về quê quán của ông chăng?” Abraham trả lời rằng: “Ngươi hãy cẩn thận chớ bao giờ dẫn con ta về đó: Chúa là Thiên Chúa, đã đưa ta ra khỏi nhà cha ta và quê quán ta, đã phán và thề hứa cùng ta rằng: “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi”. Thiên Chúa sẽ sai thiên thần đi trước mặt ngươi, và ngươi cưới cho con trai ta một người vợ trong xứ đó. Nếu người phụ nữ không chịu theo ngươi về, thì ngươi không còn mắc lời đoan thề mà ta bảo người đây. Chỉ có một điều là đừng dẫn con trai ta về nơi đó”.
Khi ấy, Isaac đi bách bộ trên đường dẫn đến cái giếng gọi là “Ðấng Hằng Sống và Trông Thấy”, vì ông cư ngụ tại mạn nam. Lúc gần tối, Isaac đi ra ngoài cánh đồng để suy ngắm. Khi ngước mắt lên nhìn, thấy những con lạc đà đang trở về từ đàng xa. Rêbecca cũng ngước mắt nhìn thấy Isaac, nàng liền nhảy xuống khỏi lạc đà, và hỏi người đầy tớ rằng: “Người đang đi trong cánh đồng để ra đón chúng ta là ai vậy?” Người đầy tớ đáp: “Người đó là chủ tôi đấy”. Nàng vội vàng lấy khăn che mặt. Người đầy tớ lại kể lại cho Isaac hay mọi việc mình đã làm. Isaac đưa Rêbecca vào nhà xếp của Sara mẹ ông, ông lấy nàng làm vợ và yêu thương nàng lắm, cho nên ông tìm được niềm an ủi bớt thương nhớ mẹ đã qua đời.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 105, 1-2. 3-4a. 4b-5
Ðáp: Hãy ca tụng Chúa, bởi Người nhân hậu
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy ca tụng Chúa, bởi Người nhân hậu, vì đức từ bi Người tồn tại muôn đời. Ai nói cho hết được những hành động quyền năng của Chúa, ai kể cho xiết mọi lời ngợi khen Người?
Xướng: Phúc cho ai tuân giữ những điều huấn lệnh, và luôn luôn thực thi điều công chính. Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài.
Xướng: Xin mang ơn cứu độ đến thăm viếng chúng con, để chúng con hân hoan vì hạnh phúc những người Chúa chọn, được chung vui bởi niềm vui của dân Ngài, và được hãnh diện cùng phần gia nghiệp của Ngài.
Bài Ðọc I: (Năm II) Am 8, 4-6. 9-12
“Ta sẽ cho nạn đói trên đất này: nhưng không phải là đói cơm bánh, mà là đói lời Chúa”.
Trích sách Tiên tri Amos.
Ðây Thiên Chúa phán: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng! Khi nào hết ngày Sabbath để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”.
Chúa là Thiên Chúa phán: “Ngày ấy Ta sẽ khiến mặt trời lặn ngay giữa chính ngọ, và sẽ khiến mặt đất ra tối tăm giữa ban ngày. Ta sẽ làm cho các ngày đại lễ của các ngươi trở nên ngày tang tóc, cho các bài ca trở thành lời khóc than. Ta sẽ lấy bao bố đặt trên lưng các ngươi và khiến mọi người trọc đầu. Ta sẽ làm cho ngày ấy trở thành như ngày tang mất con một, và sau cùng nó trở nên ngày cay đắng”.
Thiên Chúa lại phán: “Rồi đây sẽ đến ngày Ta cho nạn đói đến trên đất này, nhưng không phải là đói cơm bánh hay khát nước đâu, nhưng là đói nghe lời Chúa. Người ta sẽ di chuyển từ biển này qua biển nọ, từ bắc đến đông: họ đi vòng quanh tìm kiếm lời Chúa, nhưng chẳng thấy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 2. 10. 20. 30. 40. 131
Ðáp: Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4, 4).
Xướng: Phúc đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm tìm kiếm Ngài.
Xướng: Với tất cả tâm can con tìm Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài.
Xướng: Sở dĩ linh hồn con mòn mỏi, là vì luôn luôn khao khát thánh dụ của Ngài.
Xướng: Con đã chọn con đường chân lý, con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài.
Xướng: Này đây, con khao khát huấn lệnh của Ngài; theo lượng công minh Ngài, xin cho con được sống.
Xướng: Con há miệng để hút nguồn sinh khí, và con ham muốn những chỉ thị của Ngài.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9, 9-13
“Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ”. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ca hiệp lễ
Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.
Hoặc đọc:
Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CẢM NGHIỆM ĐỂ LÀM CHỨNG (Mt 9, 9-13)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Trong dịp lễ tạ ơn của một tân linh mục, mọi người hiện diện được nghe thấy cha mới chia sẻ lúc đầu lễ rằng: “Cộng đoàn cùng với con tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con Thiên Chức linh mục, mặc dù con bất xứng, yếu hèn và vô dụng. Nhưng vì yêu thương, nên Chúa đã gọi và chọn con tiến lên bàn thánh để con trở thành linh mục của Chúa”. Câu nói đó của tân linh mục diễn tả một sự cảm nghiệm sâu xa tình thương mà Chúa dành cho cha.
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Mátthêu, người thu thuế, hẳn ông cũng cảm thấy mình bất xứng vì công việc bất chính của ông đang làm. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã gọi ông để ông trở thành môn đệ.
Khi nghe thấy tiếng Chúa mời gọi, ông đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giêsu, nên ông đã dứt khoát đứng dậy, rời khỏi bàn thu thuế, nơi ông đang làm việc, nơi ông đã gắn bó, nơi là sự nghiệp đã nuôi sống ông và gia đình ông, để đáp lời mời gọi đầy trìu mến và đi theo Đức Giêsu.
Thật vậy, một tình yêu, một lòng mến, Đức Giêsu đã gọi ông. Cũng một tình yêu, một lòng mến, ông đã đáp lại tiếng Đức Giêsu mời gọi, để tiếp bước trên hành trình loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa trong cuộc đời môn đệ nơi ông.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhận ra mình bất xứng để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Mặt khác, từ những gì đã cảm nghiệm, Chúa cũng muốn mời gọi chúng ta sẵn sàng cảm thông cho những yếu đuối của anh chị em mình, sống khiêm tốn và đón nhận Thánh giá trong hành trình môn đệ của mình như một hồng ân.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã được Chúa yêu thương quá nhiều, dù chúng con bất xứng. Xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho chúng con, để rồi chúng con ra đi loan báo về tình yêu đó cho anh chị em mình. Amen.
THEO Ý CHÚA HAY THEO Ý TA?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,9-13). (Tin Mừng ngày thứ Sáu sau Chúa Nhật XIII Thường Niên).
“Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Làm nhân viên thu thuế thời nào cũng thế bị cám dỗ áp bức dân chúng để thu lợi bất chính. Ngoài ra thời Chúa Giêsu thì họ còn là công cụ tay sai cho ngoại bang là đế quốc Rôma đang đô hộ đất nước. Khi Tin mừng nói đến quân tội lỗi là ám chỉ đến nhóm người buôn phấn bán hương. Đã là một vị tôn sư lỗi lạc, có quyền năng trong lời nói và hành động, được dân chúng mến mộ như là một đại ngôn sứ thì không thể gần gũi với đám người tội lỗi công khai được! Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài và thực tiễn cho thấy con người lại muốn có một vị Thiên Chúa theo cách suy nghĩ của mình.
“Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Lòng nhân trong mạch văn ở đây là lòng thương xót (Misericordia – Mercy). Lòng thương xót là một hạn từ diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua chính Con Một Người, Đấng làm người, Giêsu Kitô. Chúa Kitô đã bày tỏ tình yêu ấy bằng việc liên đới với nhân loại đến cùng khi tự nguyện chung thân với con người (mầu nhiệm nhập thể), gánh phận của con người (mầu nhiệm cứu chuộc) và qua đó chia phần phúc là sự sống đời đời, hạnh phúc viên mãn cho con người.
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Chúa Kitô thiết lập Hội Thánh để tiếp tục thông ban lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân trần. Người thiết lập Hội Thánh của Người đó là tập thể những người tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa và rồi tích cực chia sẻ lòng thương xót ấy cho tha nhân hơn là cử hành các lễ tế. Thế mà rất có thể chúng ta đang nỗ lực xây dựng và ra công bảo vệ một Hội Thánh của chúng ta (theo quan niệm của chúng ta) vì quá chú trọng đến các nghi lễ, cơ cấu tổ chức mà xao lãng việc sống lòng thương xót.
Đức Phanxicô đã từng nói rằng chúng ta phải ra đi để sống lòng thương xót dù có khi vì nhiều lý do chủ quan hay khách quan mà vương lấy nhiều thương tích đáng tiếc còn hơn là ngồi trong các pháo đài cơ cấu, tòa giám mục, nhà xứ, phòng thánh để bảo vệ cái “vẻ đẹp thánh thiêng” của mình.
LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA
(THỨ SÁU TUẦN 13 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 13 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã rủ lòng thương nhận chúng ta làm nghĩa tử để chúng ta trở thành con cái ánh sáng, xin Chúa đừng để chúng ta sa vào cảnh tối tăm lầm lạc, nhưng gìn giữ chúng ta luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa.
Con cái ánh sáng, thì vững tin vào lời hứa của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển II cho thấy: Vua Đavít muốn xây một ngôi nhà kính Chúa, nhưng thật ra, chính Chúa mới gầy dựng cho vua một nhà. Điều này không chỉ phản ánh lý tưởng người du mục: không thể giam hãm Thiên Chúa bất cứ nơi đâu. Chính tình yêu của Người mới chuẩn bị cho con cái Người một nơi cư ngụ. Lời sấm của Nathan hứa cho dòng dõi Đavít được trường tồn, lời sấm đó sẽ xuyên qua toàn bộ lịch sử Dothái, và sẽ được sứ thần nhắc lại trong ngày Truyền Tin. Sứ thần Gáprien nói cùng trinh nữ Maria rằng: Này bà sẽ thụ thai, và sinh hạ một con trai. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người; Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời. Đức Chúa đã thề cùng vua Đavít và sẽ không thất tín bao giờ; thề rằng: Chính con ruột của ngươi, Ta sẽ đặt lên thừa kế ngai vàng.
Con cái ánh sáng, thì không chỉ được sinh ra trong thân xác, mà còn, được sinh bởi Thánh Thần, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Đấng sẽ là Con vua Đavít theo xác thể thì lại là Con Thiên Chúa đầy quyền năng, theo Thần Khí thánh hóa, vì Người được sinh bởi Thánh Thần và bởi Đức Trinh Nữ Maria. Chính vì Thiên Chúa, Ngôi Lời đón nhận một con người cách đặc biệt và khôn tả, nên đúng ra và thật sự phải nói rằng Đức Giêsu vừa là Con Thiên Chúa, vừa là con loài người... Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề Luật; để chuộc những ai sống dưới Lề Luật. Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên đã sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta.
Con cái ánh sáng, thì phải nghe lời Thiên Chúa, nếu không, sẽ đến lúc, chúng ta muốn tìm kiếm lời Chúa mà không được gặp, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Amốt đã tuyên sấm: Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Đức Chúa. Chúng sẽ thất thểu từ biển này qua biển nọ, từ phương bắc đến phương đông, chúng sẽ lang thang để kiếm tìm lời Đức Chúa mà không gặp được. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 118, vịnh gia cũng đã cho thấy: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn phải nhờ lời Chúa dưỡng nuôi. Con khát khao huấn lệnh của Ngài, vì Ngài công chính, xin cho con được sống. Con há miệng và con hớp lấy, vì khát khao mệnh lệnh của Ngài.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu tường thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Lêvi:
Đức Giêsu nói: Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Chúa đến để kêu gọi người tội lỗi, mà có ai lại không có tội, vì thế, Chúa đến kêu gọi tất cả mọi người quay về với Chúa. Những ai vất vả nặng nề, hãy quay về bên Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng; những ai nghĩ mình công chính, hãy quay về bên Chúa, nhận mình là bất chính, để được Chúa thứ tha. Con cái ánh sáng, thì khao khát nghe tiếng Chúa gọi, khao khát đường lối, những huấn lệnh của Chúa, để quay về nẻo chính đường ngay. Ước gì ta biết ý thức về thân phận tội lỗi của mình, để ta luôn biết khao khát ơn cứu độ của Chúa. Ước gì được như thế!
MỘT KIỂU MẪU CHỮA LÀNH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Thấy họ có lòng tin!”.
Ngày 21/12/2007, nghi lễ gia nhập công giáo của thủ tướng Tony Blair được diễn ra. Báo chí ví von so sánh phu nhân thủ tướng cùng ba người con công giáo của bà như bốn người bạn đã khiêng ông đến với Chúa Giêsu. Hồng Y Cormac Murphy tuyên bố, “Tôi rất hân hoan chào mừng thủ tướng Tony Blair gia nhập Hội Thánh Công Giáo!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Như phu nhân thủ tướng cùng ba người con công giáo của bà đã khiêng Blair đến với Chúa Giêsu, Tin Mừng hôm nay cho thấy những gì tương tự qua việc Chúa Giêsu chữa lành một người bại liệt. Ở đó, chúng ta mục kích ‘một kiểu mẫu chữa lành’ tuyệt vời.
“Người bại liệt không thể gặp được Chúa Giêsu nếu không có những người khác khiêng anh ta. Thật là tuyệt vời khi có thể trông cậy vào những người đưa chúng ta đến gần Chúa hơn qua gương sáng về các việc lành của họ. Sự thánh thiện cá nhân giúp người khác nên thánh!” - Bênêđictô 16. Không cần những chi tiết như Marcô và Luca, Matthêu chỉ viết, “Người ta đem đến cho Chúa Giêsu một kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Ngài nói với người bất toại, ‘Hỡi con, hãy vững tin, tội con được tha rồi!’”.
Người bại liệt sẽ từ chối đến với Chúa Giêsu nếu anh không tin, chẳng ai có thể rịt anh ta vào giường khi anh nhất mực từ chối đến với ai đó mà anh không hy vọng. Ngược lại, những kẻ khiêng anh cũng không dại gì cất công với một người cuồng tín khi anh xin họ khiêng mình đến với ‘một Giêsu nào đó’ để cầu may ‘một sự lạ mơ hồ nào đó’ nếu họ không tin Ngài. Chúa Giêsu nói, “Thấy họ có lòng tin!”, “Họ” ở đây là số nhiều; nghĩa là cả những người khiêng lẫn kẻ được khiêng, tất cả họ đều tin.
Và như vậy, khi chữa lành, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành người bại liệt, nhưng Ngài chữa lành mọi người. Ngài tha tội, Ngài đổi mới cuộc sống của người bại liệt và cả những người bạn của anh. Ngài khiến anh được sinh ra một lần nữa, đó là sự chữa lành về thể chất và tinh thần, tất cả đều là kết quả của sự tiếp xúc cá nhân và xã hội. Đó là một ‘một kiểu mẫu chữa lành’ mà thế giới đang rất cần.
Chúng ta hãy tưởng tượng tình bạn này và đức tin của tất cả những người có mặt trong ngôi nhà đó sẽ phát triển như thế nào nhờ cuộc gặp gỡ và hành động chữa lành của Chúa Giêsu! Từ đó, chúng ta có thể tự hỏi, ngày nay, bạn và tôi có thể giúp chữa lành thế giới của mình bằng cách nào? Là môn đệ Chúa Giêsu, Thầy Thuốc của linh hồn và thể xác, ‘một kiểu mẫu chữa lành’, chúng ta được mời gọi tiếp tục công việc của Ngài, “công việc chữa lành và cứu rỗi” theo nghĩa thể chất, xã hội và tâm linh như thế nào!
Kính thưa Anh Chị em,
“Thấy họ có lòng tin!”. Chúa Giêsu có thể đã tìm thấy người bại liệt, hoặc có thể chữa lành anh ấy từ xa; nhưng Ngài lại chọn để một số người “có lòng tin” mang anh ta đến cho Ngài. Ngài muốn chữa lành anh, nhưng nếu không có lòng bác ái của bốn người kia, việc chữa lành có thể không bao giờ xảy ra. Vậy Chúa Giêsu muốn gặp ai qua bạn và tôi? Làm thế nào tôi có thể trở thành một công cụ tốt hơn cho tình yêu Ngài?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để có thể khiêng người khác đến với Chúa, trước hết, cho con can đảm khiêng mình đến với Chúa, đến với toà giải tội!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn