TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 22/06/2024 14:57 |   462
“Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?” (Mt 8, 28-34)

03/7/2024
THỨ TƯ TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN
Thánh Tôma, Tông đồ

thánh Tôma

Mt 8, 28-34

ĐỂ CHÚA HIỆN DIỆN
“Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?” (Mt 8, 28-34)

Suy niệm: Kinh Thánh, cách riêng bài Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta biết ma quỷ là có thật, không phải chuyện hoang đường. Hơn nữa, chúng lại rất hung tợn, làm mọi cách để đày đoạ và giam hãm con người nơi ‘nấm mộ’ của sự chết. Mặt khác, chúng lại có lòng thù hận ‘không đội trời chung’ với Thiên Chúa, chỉ muốn lẩn trốn khỏi Nhan Thánh Ngài, vì đối diện với Chúa là nỗi đau đớn tột cùng cho chúng. Thế nhưng, “đi mãi đâu cho thoát Thần Trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan” (Tv 138, 7)? Vì thế ma quỷ kêu thét lên kinh hoàng: “Ông đến đây để làm khổ chúng tôi sao?” khi Chúa truy đuổi chúng đến tận cùng để cứu thoát con người bị chúng ám khỏi chốn mồ mả của sự chết.

Mời Bạn: Bất cứ nơi nào Chúa hiện diện, ma quỷ phải tháo lui. Mà Chúa thì ở khắp mọi nơi, và Ngài ở đâu thì ở đó là Nước Trời, và nơi đó tràn ngập bình an, niềm vui và hạnh phúc. Và Thiên Chúa luôn muốn hiện diện trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời chúng ta. Ngài vẫn đứng trước cửa tâm hồn chúng ta và gõ, để Ngài vào và dùng bữa với chúng ta  (x. Kh 3,20). Vấn đề là bạn có mở cửa lòng mình để Chúa vào và ở lại để dẫn bạn tới nguồn mạch sự sống hay không.

Sống Lời Chúa: Bạn mở cửa tâm hồn mình cho Chúa bằng cách lắng nghe và suy niệm Lời Chúa hằng ngày và bạn đón Ngài vào dùng bữa với bạn bằng việc siêng năng rước lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chỉ có Chúa mới giúp chúng con tránh xa được nấm mồ của ma quỷ. Xin Chúa cho chúng con biết trông cậy vào Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời để chúng con có thể được “cứu khỏi mọi sự dữ”. Amen.

Ngày 3: Lạy Chúa! Những gì Chúa cho phép xảy đến: chúng không tốt, cũng chẳng xấu; không tích cực, cũng chẳng tiêu cực. Những biến cố xảy đến, những hoàn cảnh sống, chỉ là những gì phải được thể hiện ra mà thôi. Xin cho chúng  con sống trong trạng thái hoàn toàn chấp nhận những gì đang hiện hữu, đang diễn ra theo ý Chúa, để mọi việc xảy đến sẽ không còn là “thích” hay “không thích”, “chấp nhận” hay “chống đối”. Chỉ có một điều duy nhất là thuận theo ý Chúa, bởi vì, đối với Chúa, ánh sáng và bóng tối cũng như nhau. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

t4 t13 TN


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 21, 5.8-20

“Con của người nữ tỳ không được thừa hưởng gia tài cùng với con tôi”.

Trích sách Sáng Thế.

Khi Abraham được một trăm tuổi, thì Isaac sinh ra.

Ðứa trẻ lớn lên và thôi bú.

Ngày Isaac thôi bú, Abraham thết tiệc linh đình.

Bà Sara thấy con của Agar, người đàn bà Ai Cập, chơi với Isaac, con của bà, liền nói với Abraham rằng: “Hãy đuổi mẹ con người tì nữ này đi, vì con của người đầy tớ không được thừa hưởng gia tài cùng với con tôi là Isaac”.

Abraham lấy sự ấy làm đau lòng cho con mình.

Chúa phán cùng Abraham rằng: “Người đừng buồn vì con trẻ, và con của nữ tì ngươi. Bất cứ Sara nói gì, ngươi hãy nghe theo vì nhờ Isaac, sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Nhưng Ta cũng sẽ cho con trai của nữ tì trở thành một dân tộc lớn, vì nó thuộc dòng dõi của ngươi”.

Sáng sớm, Abraham chỗi dậy, lấy bánh mì và bầu nước, đặt lên vai người nữ tì, trao con trẻ cho nàng rồi bảo nàng đi.

Sau khi ra đi, nàng đến rừng Bersabê.

Và khi đã uống hết bầu nước, nàng bỏ con trẻ dưới gốc cây trong rừng.

Nàng ra ngồi cách xa đó khoảng tầm một tên bắn.

Vì nàng nói: “Tôi chẵng nỡ thấy con tôi chết”, và nàng ngồi đó, thì bên trong đứa bé cất tiếng khóc.

Chúa đã nghe tiếng khóc của đứa trẻ, và thiên thần Chúa từ trời gọi Agar mà rằng: “Agar, ngươi làm gì thế? Ngươi đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nghe tiếng đứa trẻ khóc từ chỗ nó đang nằm kia.

Ngươi hãy chỗi dậy, ẵm con đi, và giữ chặt tay nó, vì Ta sẽ cho nó trở thành một dân tộc vĩ đại”.

Và Thiên Chúa mở mắt cho Agar, nàng thấy một giếng nước và đến múc đầy bầu nước cho đứa trẻ uống.

Chúa phù trợ đứa trẻ; nó lớn lên, cư ngụ trong rừng vắng, và trở thành người có tài bắn cung tên.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 7-8.10-11,12-13

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe.

Xướng: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. Thiên thần Chúa hạ trại đồn binh, chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ.

Xướng: Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa, vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi. Bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Xướng: Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta, ta sẽ dạy các con biết tôn sợ Chúa. Ai là người yêu quý cuộc đời, mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc.

Bài Ðọc I: (Năm II) Am 5, 14-15. 21-24

“Ngươi hãy mang đi xa Ta giọng hát, lời ca của ngươi, và hãy biểu lộ sự chính trực như suối chảy mạnh”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Các ngươi hãy tìm sự lành, và đừng tìm sự dữ, để các ngươi được sống. Và như vậy, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh sẽ ở cùng các ngươi, như các ngươi đã nói. Các ngươi hãy ghét sự dữ, và yêu sự lành, hãy lập công nơi cửa thành, như vậy có lẽ Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, sẽ thương xót những kẻ còn sót lại bởi chi tộc Giuse.

Ta khinh ghét và chê bỏ những ngày lễ trọng của các ngươi. Ta không thèm ngửi mùi hương trong các kỳ hội của các ngươi. Nếu các ngươi dâng cho Ta của lễ toàn thiêu và phẩm vật, Ta sẽ không chấp nhận. Ta cũng không nhìn đến các lễ khấn tốt đẹp của các ngươi; ngươi hãy mang đi cho xa Ta giọng hát, lời ca của ngươi. Ta sẽ không nghe tiếng đàn ca của ngươi. Sự công minh sẽ biểu lộ như nước chảy, và sự chính trực như suối chảy mạnh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 7. 8-9. 10-11. 12-13. 16bc-17

Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho biết ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).

Xướng: Hỡi dân tộc của Ta, hãy nghe Ta nói; hỡi Israel, Ta sẽ chứng tỏ lời phản đối ngươi: Ta là Thiên Chúa, Ðức Thiên Chúa của ngươi.

Xướng: Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đàn chiên ngươi những con dê đực.

Xướng: Vì ta sở hữu mọi muông thú sơn lâm, và muôn ngàn súc vật ở những miền non núi. Ta biết hết thảy mọi giống chim trời, và động vật sống nơi đồng ruộng, Ta cũng rõ.

Xướng: Nếu Ta đói, Ta không phải nói với ngươi, vì Ta là chủ địa cầu và mọi cái chứa đầy trong đó. Phải chăng Ta thèm ăn thịt bò, hay là Ta thèm uống tiết dê ư?

Xướng: Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng?

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia. – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 8, 28-34

“Ông đến lúc này để hành hạ các quỷ”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy.

Và chúng kêu lên rằng: “Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?”

Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn.

Các quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo”.

Người bảo chúng rằng: “Cứ đi”.

Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo.

Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước.

Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY SỐNG GIÁ TRỊ TIN MỪNG TRONG CUỘC ĐỜI (Mt 8,28-34)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong sứ điệp ngày giới trẻ thế giới lần thứ 26 tại Madrid, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã viết:  “Có một xu hướng duy đời (laïciste) mạnh mẽ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người và xã hội, toan tính kiến tạo một ‘thiên đường’ không có Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm dạy rằng một thế giới không có Thiên Chúa là ‘một hỏa ngục’ trong đó, trổi vượt những ích kỷ, chia rẽ trong các gia đình, oán thù giữa cá nhân và các dân tộc, thiếu tình thương, niềm vui và hy vọng”. Và trong thông điệp “Spe Salvi” Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Một nền nhân bản vắng bóng Thiên Chúa sẽ là một nên nhân bản phi nhân” (Thông điệp Spe Salvi, số 78).

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu xua đuổi ma quỷ ra khỏi hai chàng thanh niên ở Giêrasa. Sau đó, ma quỷ đã xin Đức Giêsu cho nhập vào đàn heo và lao xuống biển. Thấy thế, những người chăn heo chạy chốn và báo tin cho những người trong thành về sự kiện vừa mới diễn ra trước mắt họ, vì thế, dân trong thành đã ra đón Ðức Giêsu, nhưng khi gặp Ngài, họ đã xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ.

Những gì xảy ra thời Đức Giêsu khi xưa, thì trong xã hội hôm nay cũng đã, đang và sẽ xảy đến với chúng ta. Thật vậy, vẫn còn đó những cám dỗ về tiền tài, danh vọng và xác thịt do ma quỷ gây nên. Vẫn còn đó những thửa đất và môi trường thuận lợi cho ma quỷ hoành hành. Những thửa đất đó là: ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, bất nhân nơi nhân tâm của con người.

Bên cạnh đó, hình ảnh chốn chạy của những người chăn heo vẫn còn tái diễn nơi những người thiếu trách nhiệm, sống vô kỷ luật và tán tận lương tâm. Và, vẫn còn đó hình ảnh những người sẵn sàng tin Chúa, nhưng không chấp nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời như dân thành khi xưa đã mời Chúa ra khỏi nơi ở của họ.

Những thứ mà con người hôm nay hay lựa chọn thay cho những giá trị Tin Mừng là: tiền bạc bất chính, danh vọng hư ảo, hận thù ghét ghen, ma men tối ngày, ma đề triền miên, ma xác thịt, quỷ dâm loạn… Mỗi lần chúng ta lựa chọn các điều xấu xa như thế, ấy là lúc hình ảnh những người trong thành ra đón Chúa nhưng lại không thích Chúa ở lại trong thành của họ vì biết bao điều khuất tất họ đang làm lại tái diễn cách sống động nơi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa, đi theo Chúa và sống những giá Tin Mừng trong cuộc đời. Xin Chúa cũng giúp chúng con vượt qua được những cơn cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Amen.
 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Tôma, Tông đồ


Ca nhập lễ

Chúa là Thiên Chúa của tôi và tôi chúc tụng Chúa: Chúa là Thiên Chúa của tôi và tôi tung hô Chúa; tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa đã trở nên phần rỗi cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con hoan hỷ mừng lễ thánh Tô-ma Tông đồ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố lòng tin của chúng con để chúng con được sống muôn đời khi cùng với thánh nhân tuyên xưng Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ep 2, 19-22

“Anh em được xây dựng trên nền tảng các tông đồ”.

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Ðức Giê-su Ki-tô làm Ðá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian

Xướng: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa! Hỡi ngàn dân, hãy ca tụng Người. – Ðáp.

Xướng: Vì lòng từ bi Người vững bền trên chúng ta, và lòng trung kiên Người tồn tại đến muôn đời. – Ðáp.

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! – Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 24-29

“Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tô-ma gọi là Ði-đy-mô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giê-su hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và có Tô-ma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giê-su hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giê-su nói với ông: “Tô-ma, vì con đã thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lễ vật này để tỏ lòng kính tôn thần phục và để kính nhớ thánh Tô-ma Tông đồ đã tuyên xưng đức tin, xin Chúa thương chấp nhận và gìn giữ ơn thánh Chúa trong chúng con luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các Tông Ðồ

Ca hiệp lễ

Hãy xỏ ngón tay vào đây, hãy nhận ra chỗ đóng đinh, và đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong bí tích này, chúng con đã thực sự rước Mình và Máu Ðức Ki-tô, Con Một Chúa. Cùng với thánh Tô-ma tông đồ chúng con tuyên xưng Ðức Ki-tô là Chúa và là Thiên Chúa của chúng con, xin cho chúng con biết lấy cả cuộc đời mà diễn tả niềm tin ấy. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TÔ-MA, VỊ TÔNG ĐỒ CỦNG CỐ NIỀM TIN
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ, nhưng thánh Tô-ma lại vắng mặt. Khi ông về, các tông đồ kể lại cho ông nghe biết việc Chúa Ki-tô đã Phục sinh, nhưng ông không tin và còn thách thức: “Nếu tôi không nhìn dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Chiều ý thánh Tô-ma, một tuần lễ sau vào chiều Chúa nhật, Chúa Giê-su hiện ra một lần nữa với các tông đồ và có Tô-ma ở đó. Tô-ma đã thấy Chúa và ông đã tin Chúa Ki-tô Phục sinh.

Dựa vào câu chuyện trong Phúc Âm, người ta chỉ thấy sự cứng lòng tin của thánh Tô-ma. Như thế, hai chữ Tô-ma từ đó đã trở thành đồng nghĩa với sự cứng lòng tin và dường như đã trở thành một danh từ chung để chỉ những người không chịu tin một cách dễ dàng vào những chân lý hiển nhiên nào đó. Trường hợp đó người ta hay gọi ông là Tô-ma, và công khai hơn trong một kinh nổi tiếng mà Giáo hội hay đọc hoặc hay hát khi chầu Thánh Thể trong đó có câu: “Nay dầu không thấy Chúa tôi như thánh Tô-ma thuở trước, nhưng tôi cũng xưng ra thật, Chúa thật là Chúa Trời tôi”.

Khi đọc hoặc hát lên câu kinh đó, dù muốn dù không. Giáo hội đã nhắc công khai sự cứng tin của thánh Tô-ma. Tội nghiệp cho thánh Tô-ma, ngài đã đi vào lịch sử với sự cứng lòng tin nối tiếp của ngài. Hôm nay, để công bằng, chúng ta hãy có một cái nhìn về phía những người khác, về phía các tông đồ khác để biện hộ cho Tô-ma một chút kẻo tội nghiệp, Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế đã bị đóng đinh vào thập giá, đã bị giết chết thực sự nhưng biến cố quan trọng nhất là Ngài đã sống lại và hiện ra với các tông đồ.

Các tông đồ kia đã làm chứng về Chúa Ki-tô Phục sinh như thế nào? Có lẽ vì sợ sệt, trốn tránh mà các ông đã làm cho Tô-ma vẫn còn nghi ngờ. Các ông có phần trách nhiệm của mình đối với sự cứng lòng tin của Tô-ma.

Lạy thánh Tô-ma Tông đồ, xin cầu cho chúng con. Amen.

 

SUY NIỆM LỄ THÁNH TÔ-MA

Trong một căn phòng hậu phẫu, có nhiều bệnh nhân với những bệnh lý khác nhau. Các bệnh nhân thường hay kêu la đau đớn và tỏ vẻ khó chịu với thân nhân của mình. Tuy nhiên, những người hiện diện ở đó thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy và chứng kiến một bệnh nhân trạc tuổi 60, ông không kêu ca, không trách móc, nhưng có lúc lại nở nụ cười tươi. Hỏi thăm, mới biết ông là người Công Giáo và phải mổ để cắt thận vì sỏi quá nhiều.

Trong lúc trò chuyện, có một người hỏi thăm ông: “Tại sao các bệnh nhân khác thì đau đớn và kêu la, còn ông thì không?” Trong tiếng nói nhỏ nhẹ, ông nói: “Mỗi lần cơn đau đến với tôi, tôi nhớ đến Chúa chịu đóng đinh. Ngài còn đau đớn hơn tôi nhiều, vì thế, tôi luôn cầu xin Chúa giúp sức để vượt qua cơn đau và tôi cũng xin Chúa cho mình được thông phần đau khổ với Ngài”. Thật tuyệt vời, Đức Giê-su là điểm tựa của ông, và cuộc thương khó, cái chết của Ngài đã làm cho ông can đảm, vui vẻ đón nhận đau đớn vì lòng yêu mến Chúa.

Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối thoại giữa thánh Tô-ma và các Tông đồ khác, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tô-ma chính là: tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.

Tuy nhiên, Đức Giê-su muốn Tô-ma, các Tông đồ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Mong thay lời tuyên tín của thánh Tô-ma khi xưa: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” cũng là lời cầu nguyện và xác tín của mỗi chúng ta, và, lời chúc phúc của Đức Giê-su cho Tô-ma: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” cũng là lời chúc phúc cho chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giê-su, đức tin của chúng con còn non yếu, xin Chúa giúp cho đức tin của chúng con được lớn mạnh và trưởng thành. Xin cho chúng con tin tưởng vào Lời Chúa và những lời dạy của Giáo Hội. Xin cho chúng con biết luôn tìm đến Chúa như là điểm tựa của cuộc đời chúng con. Amen.
 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Tại Tây Phương, từ các thế kỷ VII – VIII, Lễ Thánh Tôma Tông Đồ được kính vào ngày 21 tháng Mười Hai. Nhưng rồi đã được đổi sang ngày 3 tháng Bảy, và từ nay trùng với ngày chuyển hài cốt của thanh nhân về Edesse. Đây cũng là ngày lễ kính trọng thể của các giáo dân, theo nghi lễ Syro-madabar ở Ấn Độ (họ vẫn tự coi là con cái thiêng liêng của Thánh Tôma), và của nghi lễ Syro Phương Tây.

Vị Tông Đồ mà các sách Phúc Âm gọi một cách đơn sơ là Tôma (Mt 10, 9; Mc 3, 18; Lc 6, 15; Cv 1, 13) thì Thánh Gioan gọi tên là Điđymô Song Sinh (11, 16; 20, 24) và ta thấy Người đóng vai trò quan trọng (14, 5; 20, 24-29; 21, 2). Truyền thống Antiochia, về cuộc đời truyền giáo của Người ở Ba Tư, nhất là ở Ấn Độ, xuất phát từ các văn bản ngụy kinh trong đó có lẽ chứa đựng vài yếu tố lịch sử.

Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện cũng như các điệp ca và ca vãn của phụng vụ giờ kinh nhìn Thánh Tôma dưới ánh sáng Phúc Âm.

Lời nguyện của ngày và điệp ca hiệp lễ nhắc lại mẩu chuyện Phúc Âm, trong đó, Thánh Tôma công nhận Đức Giêsu là Chúa (Ga 20, 24-27). Vị tông đồ cứng lòng tin đã phải công nhận bằng một lời tuyên xưng niềm tin nối kết hai tước vị Chúa và Thiên Chúa.

Lời nguyện sau hiệp lễ, cũng như ca vãn giờ kinh, cầu xin Chúa Cha, cho chúng ta “cùng với Thánh Tông đồ Tôma, biết tuyên xưng Người là Chúa và là Thiên Chúa” chúng ta. Niềm tin chúng ta vào sự phục sinh là vững chắc, và được dựa trên kinh nghiệm của các tông đồ, những kẻ đã tận mắt thấy và tận tay chạm vào Ngôi Lời của sự sống (xem 1 Ga 1, 1) và đã thấy Người sống lại.

Thánh Grêgoriô Cả mà Bài đọc trích dẫn có tuyên bố: “Câu nói, Phúc cho ai không thấy mà tin, thực sự đem lại cho chúng ta vui mừng. Vì câu nói đó chính để nói về chúng ta, những người bám víu bằng tinh thần vào Đấng mà chúng ta không thấy bằng xác thể” (xem điệp ca bài Ca vinh Giacaria).

Điệp ca thứ nhất giờ kinh mai, nhắc tới một khía cạnh khác trong nhân cách của Thánh Tôma: tính cách duy lý, bởi vì, trong bữa tiệc ly, Tôma đã thưa với Thầy: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao có thể biết được đường Thầy đi là đường nào?”

Enzo Lodi

TUYÊN XƯNG ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA
(LỄ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ 03/07)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Tôma Tông Đồ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hôm nay chúng ta hoan hỷ mừng Lễ Thánh Tôma Tông Đồ. Xin Chúa nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà củng cố lòng tin của chúng ta, để chúng ta được sống muôn đời, khi cùng với thánh nhân tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Vào lúc Đức Giêsu chịu thương khó và phục sinh, khuôn mặt của thánh Tôma nổi bật. Trong bữa ăn tối, đáp lại thắc mắc của người, Đức Giêsu nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Khi nghe nói Đức Giêsu đã phục sinh, vị Tông Đồ này không tin ngay. Mãi tới lúc Đức Giêsu cho người thấy tay và cạnh sườn bị đâm thủng, người mới tuyên xưng: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con (Ga 20,28). Theo truyền khẩu, thì thánh nhân đã đi loan báo Tin Mừng cho dân Ấnđộ. Từ thế kỷ IV, người ta mừng ngày rước hài cốt của người về Êđétxa, tức là ngày 3 tháng 7.

Tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, bằng chính đời sống trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người… Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng, Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy. Anh em được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời; mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.

Tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, sứ mạng không thể cưỡng lại được, của những ai có được kinh nghiệm về Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả nói: Người môn đệ hoài nghi đó chữa lành vết thương cứng tin nơi chúng ta khi ông chạm tay vào thương tích trên thân thể của Thầy mình. Người môn đệ nghi ngờ và được chạm tay vào Chúa, đã trở thành người làm chứng Chúa đã sống lại thật… Sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời. Sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô cho thấy đức tin của chúng ta được xây dựng trên nền tảng vững chắc: Anh em được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 116, vịnh gia cũng đã kêu gọi: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng. Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người! Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Này anh Tôma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại: Ông Tôma thưa Người: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! Đức Giêsu bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Vì thế, những gì đã thấy, thì không cần phải tin. Thế mà, Chúa lại bảo ông: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Do đó, điều ông thấy là một chuyện, điều ông tin lại là chuyện khác. Ông thấy Thầy là Chúa (Lord), nhưng, ông tin Thầy là Thiên Chúa (God): Lạy Chúa! (Lord), Lạy Thiên Chúa (God) của con! Ước gì ta luôn biết tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, nhất là, những khi, ta không nhìn thấy Chúa đâu cả! Ước gì được như thế!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây