TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật thứ 3 TN -B

Thứ năm - 18/01/2024 20:29 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh |   521
“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. (Mc 1, 14-20)

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật tuần lễ thứ 3 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN3TNb a2


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 14-20).

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Thường niên -Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

Suy niệm

Sinh ra trong đời, bất cứ ai cũng phải học làm người, học để từng ngày lớn lên cả thể xác lẫn tinh thần, học để bản thân trở thành một con người thực sự, tồn tại trong một xã hội, một tổ chức, đặc biệt trong một cộng đoàn tôn giáo. Từ ơn gọi làm người, con người được mời gọi trở thành môn đệ của mỗi tôn giáo, theo sự chọn lựa của bản thân. Ơn gọi Kitô hữu, vì thế, được coi là một ơn gọi cao quý, để giới thiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Từ đây, mỗi người được gởi tới mỗi hoàn cảnh, mỗi con đường, để thực sự hoàn thiện ơn gọi Kitô hữu, và đó là ơn gọi hôn nhân, ơn gọi Tu sĩ và ơn gọi Giáo sĩ. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 3 giới thiệu những ơn gọi đặc biệt trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, Ngài dùng họ để nói về một Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, luôn quan tâm và chăm sóc cho con người, ơn gọi đó đến từ sáng kiến của Thiên Chúa và luôn được Ngài ban ơn, hướng dẫn và đồng hành.

Đọc lại câu chuyện bên bờ biển vùng Ninive, ai cũng thấy có sự hiện diện vô hình của bàn tay Thiên Chúa, khi tiên tri Gio-na được sai đi, dù biết Thiên Chúa mời gọi nhưng ông từ chối, rồi bao nhiêu biến cố xảy ra, ông nhận ra rằng, khi Thiên Chúa đã tin dùng, con người không thể chối từ cộng tác: “Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Ơn gọi của tiên tri Gio-na xem ra thú vị khi có nhiều sự cố bởi sự từ chối của ông ta, nhưng Thiên Chúa đã vẽ lên trong cuộc đời ông một đường thẳng, bằng những nét cong. Kết thúc hành trình là một tấm lòng mở ra, ơn gọi trở nên vẹn toàn, cộng đoàn được cứu độ.

Sự hiện hữu của con người trong thế giới này là sự hiện hữu biến dịch, chứ không bất biến, vì thế, tâm tình của Thánh Kinh mời gọi con người hãy biết tận dụng thời gian này, sống ơn gọi làm người cách hoàn thiện hơn, như là chuẩn bị những gì cần thiết cho ngày mai, đó cũng là lời nhắc của thánh Phaolô gởi tới cộng đoàn Corintho trong bài đọc 2: “Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi”. Sống trong thế giới này, nhưng không thuộc về thế giới này, đó là một nghịch lý trong ơn gọi Kitô hữu, bởi họ đã được tái sinh trở nên con cái Thiên Chúa, thuộc về thế giới linh thánh của Thiên Chúa, chứ không thuộc về thế giới vật chất và thực dụng này.

Thánh Mac-cô tường thuật về ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên thật đơn sơ, nhưng đầy ý nghĩa. Các ông đã nghe thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu về Đấng Mesia, các ông đến ở lại, rồi trở về với công việc hàng ngày, dù vậy, các ông như đang đối diện với một quyết định quan trọng, nên chọn con đường nào. Tiếng gọi mời một lần nữa vang lên khi các ông đang ngập chìm trong công việc, quá bất ngờ, các ông bỏ tất cả, đi theo tiếng gọi đó: “Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người”. Gặp gỡ người được giới thiệu rồi đến và ở lại, nghe tiếng gọi khi đang phân định và quyết định đưa ra là lên đường hiến thân cho ơn gọi, đó là hành trình của một ơn gọi nơi mỗi tín hữu Kitô. Trong bất cứ ơn gọi nào cũng có những nấc thang, để con người đáp trả, để Thiên Chúa được tôn vinh và để ơn cứu độ được lan tỏa tới mọi tâm hồn.

Mỗi ơn gọi có những giá trị tinh thần riêng biệt và tất cả đều quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa. Đâu phải chỉ sống ơn gọi Giáo sĩ hay Tu sĩ mới được nên thánh và có công phúc trước mặt Chúa, nhưng ơn gọi nào cũng được Thiên Chúa thiết định, chúc phúc và ban đủ ơn cho ai được mời bước vào. Để có được những con người đáp trả lời mời sống ơn gọi Giáo sĩ và Tu sĩ, cần có những con người quảng đại, sống ơn gọi Hôn nhân Kitô giáo cách trọn vẹn, từ đây, hoa trái của tình yêu là những đứa con, sẽ được Thiên Chúa gọi mời, đi theo chương trình của Ngài. Vì thế, ơn gọi Hôn nhân có thể nói là một ơn gọi nền tảng cho các ơn gọi khác. Vừa đối diện với những trào lưu, những xu hướng của xã hội, vừa đối diện với những giá trị hôn nhân Công giáo mời gọi, con người phải chọn lựa, phải quyết định, nhiều lúc phải chấp nhận từ bỏ, chấp nhận thiệt thòi, hơn nữa còn phải hy sinh cả sự sống của bản thân. Có thấy được chiều sâu thánh thiêng của ơn gọi hôn nhân, người tín hữu mới thấy được cuộc gặp gỡ giữa bản thân với người đồng hành, tiếng gọi của tình yêu như trào tràn từ trái tim, chảy vội tới tâm hồn người phối ngẫu của mình, để rồi kết thúc là một chuyến đi của hai người tay trong tay, bước vào hành trình hôn nhân.

Dù mỗi ơn gọi có linh đạo khác nhau, có hành trình và điểm đến khác nhau, nhưng tất cả đều có chung từng bước để tiến tới. Khởi đầu là những cuộc gặp gỡ, anh chị gặp nhau tình cờ, con người gặp gỡ Thiên Chúa tình cờ qua trung gian, những cuộc gặp gỡ đó, đưa cả hai tiến lại gần nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn, chấp nhận nhau nhiều hơn và mong muốn được đồng hành, được chia sẻ. Thứ đến, tiếng gọi từ trái tim như chỗi dậy, mạnh mẽ như thủy triều lên, cuốn phăng mọi thứ, đưa hai tâm hồn như nên một trong phút giây hiện tại, Thiên Chúa đi vào tâm hồn, ý chí và mọi sinh hoạt con người, hai người như không thể vắng bóng nhau khi ngày mới xuất hiện. Tất cả như là sức mạnh của tiếng gọi, của tình yêu. Tìm được người bạn đồng hành, nghe được tiếng gọi từ con tim, cảm nhận được chiều sâu của ơn gọi, cả hai quyết định lên đường. Lên đường bắt đầu cho cuộc phiêu lưu, lên đường bắt đầu cho những hy sinh, những đón nhận và những tha thứ. Cả hai không còn ngồi nhìn nhau, nhưng cùng đứng lên, nhìn về một hướng là tương lai, để sống cho nhau, sống vì nhau và vì tình yêu.

Ơn gọi nào cũng cần sự hy sinh và thủy chung, thế nhưng, người tín hữu Kitô hôm nay, sống giữa một xã hội thực dụng, nghiêng chiều về vật chất, vì thế, những giá trị tinh thần của các ơn gọi nhiều khi bị vật chất hóa. Đồng tiền đã len lỏi và tác động tích cực vào hành trình của các ơn gọi. Sức mạnh vô hình của vật chất đang làm biến dạng những giá trị thánh thiêng của mỗi ơn gọi, tôi cần Chúa nên tôi dấn thân theo đuổi ơn gọi, hay Chúa cần tôi nên tôi lên đường, vì cần em nên tôi yêu em hay vì yêu em nên tôi cần có em. Những câu hỏi thực tế đó ẩn hiện trước những quyết định cho ơn gọi của người trẻ hôm nay, họ được gọi lên đường, nhưng sự nghiệp, tiền bạc và địa vị gởi đến những lời mời hấp dẫn, nhu cầu cuộc sống được quan tâm hơn là tiếng gọi của trái tim, của tình yêu, vì thế, không thiếu những con người khi đáp trả ơn gọi, đã bị vật chất chi phối, do đó, giá trị của ơn gọi không còn nguyên vẹn, chỉ còn là hình thức. Cái gì của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa, cái gì của Cesar, hãy trả lại cho Cesar, ơn gọi làm người, ơn gọi sống các bậc sống của người tín hữu Kitô đến từ Thiên Chúa, Ngài thiết lập và chúc lành, vì thế, cần ý thức và trả lại những giá trị thánh thiêng của các bí tích cho Thiên Chúa, con người chỉ là cộng tác viên, chỉ là người cử hành, để ơn Chúa đến với mọi người.

Lạy Chúa, ơn gọi làm môn đệ của Chúa mà chúng con được nhận lãnh, là để cộng tác với Chúa, đem ơn cứu độ đến cho anh chị em, xin giúp chúng con ý thức ơn gọi cao quý đó, để chúng con cố gắng sống đúng với mỗi ơn gọi Chúa trao mời cho mỗi người. Chúa mong muốn con người qua các ơn gọi, hãy cố gắng nên thánh mỗi ngày, xin giúp chúng con, luôn biết quảng đại cộng tác với ơn Chúa, để thánh hóa chính mình, đem lại ơn ích thiêng liêng cho mọi người và mọi thời. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây