TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cám dỗ - Sám hối – Tin vào Tin Mừng

Thứ hai - 10/05/2021 21:08 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   806
Cám dỗ - Sám hối – Tin vào Tin Mừng

Cám dỗ - Sám hối – Tin vào Tin Mừng

Mùa chay lại đến. Và thứ tư lễ tro chính là bước khởi đầu cho bốn mươi ngày chay thánh. Thứ tư lễ tro, ngoài những nghi thức thông thường, còn kèm thêm một nghi thức đặc biệt, đó là nghi thức xức tro.

Sau phần Phụng vụ Lời Chúa, hình ảnh từng đoàn người lặng lẽ tiến lên cung thánh, có thể nói, là hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc. Họ tiến lên cung thánh một cách trang nghiêm, cúi đầu nhận tro qua bàn tay vị chủ tế trong tiếng nhạc thâm trầm du dương với những ca từ u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro… ”.

Những lời ca từ đó gợi cho mỗi chúng ta nhớ đến lời tuyên phạt của Thiên Chúa, sau khi nguyên tổ Adam và Eva “sa vào chước cám dỗ” của Xa-tan. “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St 3, …19).

“Sa vào chước cám dỗ”. Vâng, đó là một trong những khó khăn của cuộc đời, nhất là cuộc đời của một người tin Chúa. Đó là điều không thể tránh được trong cuộc sống. Và cũng là chuyện không của riêng ai. Nó đã trở thành một căn bệnh di truyền, ảnh hưởng đến suốt chiều dài lịch sử con người.

Ông Gióp, một nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước, cũng đã nghẹn ngào thốt lên rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Không chỉ riêng con người mà ngay cả Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, Ngài cũng đã phải đương đầu trước nhiều cơn cám dỗ của Xa-tan.

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, qua trích đoạn Tin mừng Máccô (1, 12-15) đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Tuy là Con Một Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu không được bao phủ bởi một hào quang bất khả tiếp cận. Vì thế, khi “Thần Khí đẩy Người vào hoang địa”, Xa-tan đã lẻn đến gần Ngài. Và như bao phàm nhân khác, Đức Giêsu cũng đã phải “chịu Xa-tan cám dỗ” (Mc 1, 13)

Với Tin Mừng Máccô, tuy thánh sử không mô tả chi tiết về những cơn cám dỗ, nhưng chúng ta vẫn có thể tin rằng, Đức Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi mưu ma chước quỷ mà Xa-tan đã xuất chiêu để cám dỗ Ngài.

Niềm tin đó được chứng thực khi Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, nguồn tin “ông Gioan”, người đã làm phép rửa cho Ngài, “bị nộp” xét về một khía cạnh nào đó, cũng có thể được coi là một cơm cám dỗ nho nhỏ khiến cho Đức Giêsu nhụt chí không dám lớn tiếng rao giảng tại Galilê.

Nhưng không, Đức Giêsu đã không sa vào chước cám dỗ của Xa-tan. Ngài vẫn lớn tiếng gửi đến mọi người thông điệp đầu tiên và rất quan trọng rằng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Một chút tâm tình

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Vâng, nếu được phép sửa câu nói này cho phù hợp với Mùa Chay, nên chăng chúng ta sẽ sửa rằng “Anh em hãy sám hối và tin vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa”!?

Thật vậy, chính tình thương tha thứ của Thiên Chúa đã lôi kéo nhiều tội nhân ra khỏi “sự cám dỗ” của Xa-tan. Và lịch sử cứu độ đã chứng minh điều này.

Câu chuyện vua David là một bằng chứng điển hình. Vua David dù đã “sa chước cám dỗ” nhưng đã biết sám hối, nhận mình đã “đắc tội với Đức Chúa”, nhà vua đã được tình thương tha thứ của Thiên Chúa “bỏ qua tội của ngài, ngài không phải chết” (2Sm 12, 13).

Cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa sẽ dứt dấy tâm hồn chúng ta sám hối. Và một khi chúng ta thật sự sám hối, một sự thôi thúc mãnh liệt sẽ thúc đẩy chúng ta ra khỏi “cơn cám dỗ” để đứng lên trở về. Người con thứ trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” đã cảm nhận được điều đó và anh ta đã đứng lên trở về nhà cha.

Ai mà không hơn một lần sa chước cám dỗ? Vì thế, bốn mươi ngày chay thánh không quá dài để mà chúng ta chần chờ. Hãy trở về trong tâm tình sám hối và tin vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Vâng, khi đã đươc Chúa thứ tha, đừng quên “cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng” không chỉ trong mùa chay thánh này mà là suốt cuộc đời Kitô hữu của chúng ta.

Một phút suy tư

Điều quan trọng là làm sao để không bị “sa chước cám dỗ”?

Dĩ nhiên Chúa Giêsu chính là tấm gương mẫu mực để chúng ta noi theo. Vâng, cách Đức Giêsu chống trả những điều Xa-tan cám dỗ chính là dựa vào “Lời Chúa” hay còn được gọi là “Kinh Thánh”.

Vua David kinh nghiệm điều này nên đã khẳng định rằng “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).

Đừng chần chờ gì nữa mà không mở Kinh Thánh ra mà đọc. Có rất nhiều tấm gương để chúng ta noi theo. Chàng trai trẻ Giuse trong Cựu Ước có lẽ rất thích hợp cho các bạn trẻ hôm nay.

Bị các anh ruột của mình bán làm tôi tớ trong một gia đình quan tướng Ai Cập. Vợ quan thấy Giuse đẹp trai, khôi ngô tuấn tú, bà ta nói lời quyến rũ Giuse. Chàng cương quyết tránh xa, bởi đã nhìn thấy kế “mỹ nhân” của bà, dẫu cho có bị tù oan.

Vâng, đây chính là kế “tẩu vi thượng sách”.

Có một câu chuyện được kể lại rằng: Một quân nhân luôn phải sống xa gia đình. Mỗi khi bị cám dỗ phạm điều răn thứ sáu, ông ta lấy phone gọi ngay cho người vợ thân yêu của mình. Sau một hồi hàn huyên tâm sự. Dục vọng trong lòng ông ta tan biến.

Thưa bạn, hiện tại bạn có rơi vào một cơn cám dỗ nào không? Nếu có, hãy lấy “phone” ra. Phone mười số mang nhãn hiệu “Mân Côi”. Hãy gọi ngay người mang tên “Maria”. Dù chúng ta đang rơi vào tình trạng “Chốn ba đào nhiều phen nguy biến. Quanh chúng ta quỷ ma chực liên”. Hãy tin rằng, khi Mẹ Maria “nhìn ta giao chiến”. Mẹ sẽ “ban sức thiêng giúp ta vững bền”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây