CHAY TỊNH
Thứ Tư Lễ Tro: Mt 6, 1-6.16-18
Suy niệm
Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta nghe văng vẳng bên tai lời Chúa mời gọi: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Joel 2, 12). Để thể hiện sự trở về một cách cụ thể, Chúa Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái, đó là cầu nguyện, bố thí, ăn chay. Đây cũng là ba việc quan trọng thường xuyên của người Kitô hữu, chứ không phải đợi đến Mùa Chay mới làm. Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta quan tâm cách đặc biệt với tinh thần sám hối. Cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa; Bố thí là làm mới lại tương quan với tha nhân; Ăn chay là làm mới lại tương quan với chính mình. Đây là ba chiều kích làm nên một đời sống thánh thiện của đời Kitô hữu.
- Điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện là những giây phút kết hiệp mật thiết với Chúa. Đỉnh cao của việc cầu nguyện là thánh lễ, sau đó là những giờ cầu nguyện riêng của ta trong ngày như sáng, tối, trưa, chiều, và được nối dài trong mọi giây phút của đời sống. Như thánh Phaolô nói: dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, chúng ta cũng làm trong sự kết hợp với Chúa. “Cầu nguyện để học biết cách khước từ sự sùng bái thần tượng cũng như tự mãn về cái tôi của mình, đồng thời thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài”. (Sứ điệp Mùa Chay 2019).
- Bố thí là chia sẻ tiền bạc, thời giờ, sức khỏe, tâm trí cho mọi người cần đến, nhất là những người nghèo khổ, một sự chia sẻ đầy yêu thương kính trọng, vì biết rằng đó là bổn phận của chúng ta là những anh chị em con cùng một Cha trên trời. “Chia sẻ bác ái để tự giải thoát khỏi tính ngông cuồng, khiến chúng ta chỉ sống cho mình, với ảo tưởng rằng mình sẽ có được một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta” (Sứ điệp Mùa Chay 2019). Chia sẻ bác ái đem lại cho chúng ta niềm an vui hy vọng, vì ngày phán xét, Chúa cũng dựa vào đó để quyết định về số phận mỗi người.
- Ăn chay là hãm dẹp và tiết chế những thỏa mãn đang bào mòn đời sống tâm hồn chúng ta. Theo thời gian, ta khó lòng mà tránh được tình trạng suy thoái, xuống cấp, và nhiều thứ hư hao khác trong đời sống tinh thần, ngoài ra còn chất thêm những bất đồng, mâu thuẫn với chính mình, dường như không còn là mình vì những lôi kéo chạy theo thế tục.“Ăn chay có nghĩa là học để thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ có khả năng hy sinh vì tình yêu, và khả năng lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta” (Sứ điệp Mùa Chay 2019). Nhờ vậy ta biết dâng hiến chính mình cho Chúa và tha nhân sâu xa hơn.
Cả ba việc cầu nguyện, bố thí, ăn chay đều có tương quan chặt chẽ với nhau, là ba trong một và cũng là một trong ba. Nghĩa là khi ta tha thiết yêu chuộng sự cầu nguyện thì tự nhiên trái tim ta cũng mở rộng ra với tha nhân, và càng quyết tâm thực hiện việc chay tịnh để đổi mới đời sống mình. Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn. Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là nội tâm, là trở về với lòng mình. Đây là điều quan trọng nhất trong triết lý Á Đông, vì “Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân chi thành, lạc mạc đại yên”: nghĩa là vạn vật đều có đủ trong ta, trở về với chính mình, ta mới mới khám phá ra sự nhiệm mầu của đời sống mình, mới đạt tới sự chân thành, mới có sự an lạc tràn đầy. Nếu ta không tự xem xét bản thân mình, thì thiên lý giảm đi, nghĩa là sự sống của Chúa trong ta sẽ mất dần.
Vì thế, canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của Mùa Chay, mọi việc chúng ta làm xuất phát từ lòng sám hối chân thành, muốn đền bù những tội lỗi mình, với tâm tình yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay, không chỉ ăn chay hay giữ chay, mà là sống chay, nói lên một tinh thần chay tịnh, nghĩa là luôn biết hãm mình, nhẫn nhục, hy sinh, từ bỏ, không chỉ để gột rửa bản thân khỏi những hư hèn mà còn để biểu hiện một tình yêu cao độ trong sự dâng hiến cho Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã dâng hiến. Chính vì tình yêu mà Ngài đã dấn thân hoàn toàn cho công việc cứu chuộc loài người chúng ta theo kế hoạch của Chúa Cha, thì cũng chính tình yêu đó phải khiến chúng ta dám sống thánh ý Chúa trong cuộc đời, và dấn thân cho sứ mạng là người Kitô hữu, để niềm vui ơn cứu độ lan tỏa đến mọi người xung quanh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tôn giáo nào cũng nhắm đến ăn chay,
là điều cần để tu luyện bản thân,
vì môi trường và ích lợi tha nhân,
để nâng cao một đời sống tinh thần.
Chúa cũng đã ăn chay trong sa mạc,
để tâm hồn được thanh khiết an nhiên,
để vững vàng đi vào một cuộc chiến,
theo ý Cha với tình mến trung kiên.
Đã có lần môn đệ gặp quỉ dữ,
nhưng các ông không đủ sức để trừ,
và rồi đã gặp Thầy để hỏi thử,
Chúa cho thấy phải ăn chay cầu nguyện.
Chúng con cũng ăn chay để nói lên,
một tấm lòng ăn năn và sám hối,
để tiết chế và diệt trừ tội lỗi,
nhưng ăn chay không chỉ có thế thôi,
vì Chúa đã mở ra một đường lối,
cho con thấy được ý nghĩa thâm sâu.
Cũng chính là mục đích rất nhiệm mầu,
là chính Chúa trung tâm cuộc sống mới,
là cuộc sống tin yêu rất cao vời,
nên con ăn chay là vì lòng mến Chúa,
để mong chờ ngày tái lâm giáng thế,
Chúa đến đưa về thoát khỏi bến mê.
Có biết bao lôi cuốn và cám dỗ,
cuộc đời con bị gió đẩy sóng xô,
thuyền đời cứ loay hoay không bến đỗ,
nếu con không chay tịnh dễ sa chìm.
Xin cho con một đời tìm kiếm Chúa,
đợi trông Ngài trong hy vọng bình an,
dù gian nan hay giăng mắc lầm than,
trong tin yêu con vẫn sống vững vàng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn