TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa muôn thủa là Vua

Thứ tư - 12/05/2021 22:16 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   685
Chúa muôn thủa là Vua

Chúa Nhật XXXIV – TN – A
“Ôi Giêsu! Chúa muôn thủa là Vua”

Ngày 16/11/2014 vừa qua, truyền thông mạng có đăng tải một bài viết mang tựa đề là: “Trung Đông sẽ loạn hơn nữa nếu người đàn ông này qua đời”.

Người đàn ông này là ai? Thưa, đó là Qaboos Bin Sa’id, vua của vương quốc Hồi giáo Oman. Vào năm 1970, Qaboos Bin Sa’id đã lật đổ cha mình và giành lấy vương quyền tại vương quốc này.

Ông ta là một vị vua có kiến thức, có công chấm dứt tình trạng bài ngoại và cô lập với thế giới bên ngoài của quốc gia này. Kể từ đó, Oman trở thành một hình tượng của sự trung lập và khoan dung, thường trở thành cầu nối giữa các đối thủ trong khu vực. Việc đàm phán giữa Mỹ và Iran có được, chính là do chiếc cầu nối của vương quốc này.

Trong tầm nhìn chiến lược, Oman được xem là một quốc gia quan trọng. Đối với tất cả các hoạch định chính sách của phương Tây trước những hoạt động của Iran tại eo biển Hormuz, Oman đóng vai trò là một đường thủy quan trọng trong khu vực. Nhưng nếu Iran có thể dành được chỗ đứng ở cả hai bên của eo biển thì những tính toán về an ninh tại Vịnh Ba Tư sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.

Đó là chưa nói tới, Oman đã thực hiện những gì cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Những máy bay của Mỹ đóng quân tại Oman đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên chống lại Taliban trong chiến dịch tự do bền vững.

Than ôi, tình trạng cân bằng hiện nay không thể nào tồn tại mãi mãi được. Sultan Qaboos đang trở nên lớn tuổi. Một nguồn tin khẳng định rằng, Quốc vương Qaboos không hề có con cái để kế thừa ngai vàng. Theo trang ForeignPolicy.com đưa tin thì vị quốc vương 74 tuổi này có lẽ đang ở vào thời khắc lâm chung của cuộc đời.

Sau nhiều thập niên là trụ cột của sự ổn định trong khu vực Trung Đông, Oman hiện đang phải đối mặt với tình trạng đảo chính, sự trỗi dậy của những căng thẳng trong khu vực. Nếu điều này xảy ra, tình hình Trung Đông sẽ trở nên kinh khủng.

Chúng ta hy vọng rằng Qaboos sẽ vượt qua được những khủng hoảng sức khoẻ hiện tại của mình. Nhưng trên thực tế nhà lãnh đạo trên 70 tuổi này không thể nào trường sinh bất tử. (nguồn: internet)

Đúng. Quốc Vương Qaboos Bin Sa’id không thể trường sinh bất tử. Ông ta không thể kéo dài cuộc sống để ổn định tình hình Trung Đông, để làm cầu nối giữa các đối thủ. Thế nhưng, có một vị Quốc Vương, Người có thể làm được tất cả, không chỉ ổn định Trung Đông mà là ổn định toàn thế giới, không chỉ là cầu nối với một vài đối thủ, nhưng là cầu nối với tất cả mọi người, vị Quốc Vương đó chính là Đức Giê-su Ki-tô.

**
Vâng, ngược dòng thời gian, trở về quá khứ của hơn hai ngàn năm có lẻ. Vào thời hoàng đế Augusto trị vì, tại thành vua David tức là Belem, có một con trẻ đã được sinh ra và được đặt tên là Giêsu. Người con trẻ này được tiên báo rằng: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1,32-33).

Có một điều, một điều hết sức lạ lùng, “triều đại” Quốc Vương Giêsu thiết lập, không giống như triều đại của những ông vua, những lãnh tụ trần thế. Quốc Vương Giêsu không thiết lập vương quốc của mình bằng việc lật đổ cha mình để dành lấy vương quyền như Qaboos Bin Sa’id đã làm.

Quốc Vương Giêsu không xây dựng vương quyền mình bằng bạo lực, bằng thủ đoạn, bằng sức mạnh của họng súng, nhưng bằng chính “tình yêu thương”, một thứ tình yêu, như là “cầu nối” giữa con người với con người, dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Và quả thật, sau ba mươi năm sống ẩn dật cùng với ba năm ra đi rao giảng về một “Vương Quốc Thiên Chúa”, Quốc Vương Giê-su đã hy sinh mạng sống mình trên đồi Golgotha, Người đã “bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, đúng như lời Ngài đã từng nói rằng: “Như ông Mose đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như thế… Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Đối với những vị vua thế gian, chết, đồng nghĩa với việc họ mất hết mọi sự, thế nhưng đối với Quốc Vương Giêsu, Người không chỉ “sống lại” thống trị cái chết mà còn sẽ “trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Trong những ngày còn tại thế, chính Quốc Vương Giêsu đã công bố rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.”, đúng như lời Kinh Thánh có chép rằng “Chúa là vua hiển trị. Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng” (Tv 95, 10).

***
Hôm nay, Chúa Nhật XXXIV, theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo kết thức năm phụng vụ bằng thánh lễ kính trọng thể Chúa Giêsu Kitô Vua. Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua được thiết lập vào ngày 11 tháng 12 năm 1925.

Trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, con người hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập một ngày lễ tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.

Tôn vinh Đức Giê-su là vua, Giáo Hội không chủ trương khôi phục lại thời phong kiến, một thời chỉ sản sinh những vị vua “thống trị (dân) một cách tàn bạo và hà khắc”, một thời nhan nhản những hôn quân vô đạo “chỉ biết lo cho mình” (Ed 34,…8)

Tôn vinh Đức Giê-su là Vua, Giáo Hội muốn mời gọi người tín hữu hãy chỉ nhìn về một Giê-su, Ngài chính là một vị Vua mẫu mực, một vị Vua của tình yêu, một vị Vua “ưa sự nhân từ”, một vị Vua “hiền lành và khiêm nhường”, một vị Vua luôn “chạnh lòng thương xót”, một vị Vua không “dùng uy mà thống trị dân”, không “lấy quyền mà cai trị dân”. Nói tắt một lời, một vị Vua “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (x.Mt 20, 28)

****
Trở lại câu chuyện Qaboos Bin Sa’id. Vâng, Hoa Kỳ nhìn thấy tầm quan trọng của vương quốc Oman đã đạt đến mức tuyệt đối, cho nên, họ không thể mất Oman, nếu không muốn tình hình Trung Đông trở nên kinh khủng hơn nữa.

Còn chúng ta, là một Ki-tô hữu, chúng ta có thấy tầm quan trọng của việc đặt Quốc Vương Giê-su chính là “Vua của đời tôi”?

Nếu có, hãy lấy việc “Phục vụ”, dù chỉ là “phục vụ cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất” thì đó như là tiêu chuẩn để trở thành “thần dân” của Quốc Vương Giê-su, bởi đó chính là dấu hiệu để xem ai sẽ là chiên, một thành phần được “đứng bên phải Người”, những người được “chúc phúc”, được “thừa hưởng Vương Quốc” và ai là dê, là những kẻ “ở bên trái”, những người sẽ phải “ra đi để chịu cực hình muôn kiếp”.

Vâng, nếu chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đặt Quốc Vương Giê-su chính là “Vua của đời tôi” thì hãy tránh xa những vị thần khác, đại loại như: thần-tiền-bạc, thần-danh-vọng, thần-dâm-bôn, thần-phóng-đãng, thần-hận-thù, thần-chia-rẽ-bè-phái, thần-say-sưa-chè-chén v.v… mà hãy ngước nhìn lên Thánh Giá Chúa Ki-tô, chính nơi ấy Người đã được “phong Vương” mà cất tiếng ca rằng: “Ôi Giêsu! Chúa Giêsu là Vua… Chúa muôn thủa là Vua... muôn vua”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây