TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa truyền lệnh, ta hãy làm theo…

Thứ sáu - 22/12/2023 18:32 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   244
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (x.Lc 1, 38).

Chúa Nhật IV – MV – B
Chúa truyền lệnh, ta hãy làm theo…

tbd 231223a


Như chúng ta được biết: “Mùa Vọng là khoảng thời gian bốn tuần lễ trước Lễ Giáng Sinh. Theo quan điểm của Kitô giáo, Mùa Vọng theo tiếng Việt có nghĩa là “sự trông chờ”, “sự hy vọng” và Mùa Vọng cũng là mùa đầu tiên của năm phụng vụ.

Chủ đề chính của Mùa Vọng là sự chuẩn bị mừng ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu năm xưa. Tuy nhiên, học thuyết thánh kinh hiện đại cho rằng, đây là sự chuẩn bị tâm linh nhằm hướng đến cuộc trở lại để phán xét thế gian của Chúa Giêsu trong tương lai.

Bầu không khí của Mùa Vọng không buồn bã như trong Mùa Chay, nhưng được liệu sao để không đi trước niềm vui tột độ của Lễ Giáng Sinh sau đó. Bằng nhiều hình thức, có thể là bốn vòng hoa hay bốn ngọn nến, nhiều nơi sử dụng nó để đánh dấu thời gian cho bốn tuần của Mùa Vọng với ý nghĩa tượng trưng: ‘Hy vọng, Tin tưởng, Niềm vui và Tình yêu’.

Màu lễ phục truyền thống trong Mùa Vọng là màu tím, nhưng vào Chúa Nhật thứ ba của Mùa Vọng (Chúa nhật Mừng Vui) thì màu lễ phục được dùng là màu hồng thay vì màu tím và Chúa Nhật đó được gọi là ‘Chúa Nhật Hồng’. Theo lễ nghi phụng vụ, ca nhập lễ ngày Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng bắt đầu bằng câu: Gaudete – Anh em hãy vui mừng lên!” (nguồn: internet).

**
“Anh em hãy vui mừng lên!” Vâng, “Chúa Nhật Hồng – Chúa Nhật mừng vui” đã qua rồi. Tuy nhiên, nhiều điều “vui mừng” như vẫn còn lắng đọng đến hôm nay. Này nhé, niềm vui mừng đầu tiên, đó là suốt tuần qua, khắp mọi giáo xứ, giáo xứ nào cũng tổ chức những buổi “Ca nguyện mừng Chúa Giáng Sinh”. Những buổi ca nguyện này, không chỉ có sự góp mặt của nhiều ca đoàn trong giáo xứ, mà còn có cả một vài ca sĩ đương thời đến tham dự, cùng chung lời ca tiếng hát.

Theo “thông tấn xã lề đường” cho biết, trong tuần vừa qua, nhà thờ Nam Hòa có buổi ca nguyện được bắt đầu khoảng bảy giờ tối và kết thúc lúc mười một giờ đêm. Khán thính giả, có đạo hay không có đạo, lũ lượt kéo đến tham dự rất đông. Trông ai cũng “phấn khởi hồ hởi”.

Một niềm vui nữa, cũng trong tuần qua, đó là nhiều vị linh mục đã đến từng giáo xứ giúp mọi người “tẩy rửa tâm hồn” qua Bí Tích Giải Tội. Có một số bạn trẻ tâm sự rằng, xưng tội vào dịp này, Cha giải tội ít la mắng lắm! Cha chỉ nói vài lời khuyên, như Chúa Giê-su ngày xưa đã khuyên người phụ nữ ngoại tình, rằng: “Về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Chưa hết… Còn một niềm vui nữa, và nếu không có niềm vui này, thì những niềm vui nêu trên, sẽ chẳng bao giờ có. Niềm vui này đã được thánh sử Luca ghi chép lại. Và, được công bố vào phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (Chúa Nhật IV – MV – B). Vâng, đó là sự kiện “Thiên thần truyền tin cho Đức Maria”. (x.Lc 1, 26-38).

**
Sự kiện “Truyền tin cho Đức Maria” đã được thánh sử Luca ghi lại như sau: “Bà E-li-sa-beth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria.”

Rồi, khi vào nhà trinh nữ, chuyện kể tiếp rằng: “Sứ thần nói: Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Cô trinh nữ Maria này là ai! Sao lại được sứ thần của Thiên Chúa chào trân trọng như thế! “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được.” Ông Na-tha-na-en (một trong mười hai môn đệ của Chúa) chẳng phải là đã nói như thế, sao!

Vâng, ông ta có nói như thế. Nhưng đó là tư tưởng của ông ta không phải là “tư tưởng của Thiên Chúa”. Tư-tưởng-của-Thiên-Chúa khác với tư tưởng của con người.

Xưa, khi Thiên Chúa chọn Mô-sê làm người lãnh đạo dẫn dắt dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, ông ta “không phải là kẻ có tài ăn nói” Rồi, khi chọn Giê-rê-mi-a “làm ngôn sứ cho chư dân”, ông ta chỉ là một người “quá trẻ… (cũng) không biết ăn nói”, thế mà việc chọn lựa của Người, có trở ngại gì đâu!

Đúng vậy. Không có gì trở ngại. Với ông Mô-sê, chính Thiên Chúa “ngự nơi miệng” ông ta và “chỉ cho (ông ta) phải nói những gì”. Còn với Giê-rê-mi-a ư! Vâng, Thiên Chúa nói với ông ta rằng: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi.” (x.Gr1, 9).

Trở lại với sự kiện ‘Thiên thần truyền tin cho Đức Maria”. Maria là ai đi nữa, thì Thiên Chúa cũng đã chọn lựa rồi. Và, cũng như Mô-sê và Giê-rê-mi-a, hôm ấy, khi nghe lời chào của sứ thần, cô trinh nữ Maria “bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.”

Mặc cho sự bối rối của cô Maria, sứ thần Gap-ri-en tiếp tục nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.” (x.Lc 1, 30-33).

Cô trinh nữ Maria đã phản ứng như thế nào trước lời nói của sứ thần! Thưa, chuyện kể tiếp, rằng: “Bà Maria thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Không-biết-đến-việc-vợ-chồng ư! Không sao cả! Hôm ấy, sứ thần cho biết: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”

Và để… để cô trinh nữ Maria mở lòng đón nhận “sứ điệp từ trời cao”, sứ thần Gáp-ri-en dẫn chứng một sự kiện vừa mới xảy ra tại nhà ông Da-ca-ri-a. Sứ thần nói: “Kìa bà Ê-li-sa-bét người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.”

Hôm ấy, sứ thần Gáp-ri-en (nói theo ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay) “chốt lại” sứ điệp bằng một lời nói đậm thần-linh-tính: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37).

Cô trinh nữ Maria, khi nghe lời tuyên bố đậm thần-linh-tính, nhận ra ngay “uy lực và quyền năng của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần - chính Thiên Chúa đã thai dựng con trẻ này mà không cần sự tham gia của một người cha bằng xương bằng thịt.” Lm.Charles E.Miller, trong một bài giảng, đã có lời chia sẻ như thế.

Ngài Lm. còn có lời tiếp rằng: “Đây là một trẻ độc nhất vô nhị: trước đó và sau này không ai giống như em. Trẻ nhỏ này là Con Thiên Chúa từ trước muôn đời, và trong thời gian nhân tính của mình, em trở thành Con Đức Maria.”

Lời chia sẻ của ngài Charles rất chí lý. Và, chúng ta có thể nghĩ rằng, tâm hồn cô Maria cũng đã nhận ra uy lực và quyền năng của Đấng Tối Cao.

Vâng, nếu không nhận ra, làm sao cô trinh nữ Maria lại đáp lời, rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (x.Lc 1, 38).

***
Chúa Nhật hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được gặp một nhân vật rất quen thuộc, đó là Đức Maria - người Mẹ đáng kính của chúng ta.

Chúng ta sẽ nói gì, làm gì… khi gặp Đức Maria - người Mẹ đáng kính của chúng ta!

Phải chăng, chúng ta sẽ nói: “Mẹ ơi! đời con dõi bước theo Mẹ. Lòng con quyết noi gương Mẹ!?”

Phải chăng, Mẹ ở La-vang, chúng ta sẽ “dõi bước theo Mẹ” tới La-vang? Phải chăng, Mẹ ở Tà-pao, chúng ta sẽ “dõi bước theo Mẹ” tới Tà-pao! Bây giờ, Mẹ được đưa về Núi Cúi, chúng ta cũng sẽ “dõi bước theo Mẹ” tới Núi Cúi!

Dõi-bước-theo-Mẹ, nói theo ngôn ngữ dân gian, đó là “hành hương”. Hành hương đến những địa danh nêu trên… là một truyền thống lâu đời của người Công Giáo. Có không ít người đi hành hương đã nhận được “ít nhiều” ơn ích mà họ cầu xin Đức Maria.

Tuy nhiên, thật đáng buồn, có một vài nơi hành hương (hành hương Đức Mẹ cũng như hành hương các thánh, không tiện nêu tên ở đây) đã và đang xảy ra tệ nạn, tệ nạn “buôn thần bán thánh”.

Vâng, thật buồn, vì tệ nạn này đã làm cho một số người dõi-bước-theo-Mẹ phải nghẹn ngào ghi vào “nhật ký hành hương” của mình rằng: “Nhắc đến thấy buồn, (tệ) kia ngăn đôi đường. Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần thương.”

Có một nơi để chúng ta hành hương, để chúng ta có thể “dõi bước theo Mẹ” và luôn luôn nhận được ơn ích, đó là những địa danh đã được ghi trong Kinh Thánh (các sách Phúc Âm).

Vâng, Phúc Âm thánh Gio-an có ghi: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su”.

Có… có thân mẫu Đức Giê-su! Vậy, chúng ta hãy dõi-bước-theo-Mẹ đến “Ca-na”. Hãy thực hiện những gì Mẹ đã truyền dạy ở đó. Lời truyền dạy rằng: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Cũng là Phúc Âm thánh Gio-an. Ngài thánh sử có ghi: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người.” Có thân mẫu Người! Vậy, chúng ta hãy dõi-bước-theo-Mẹ đến Golgotha. Và, hãy làm điều Chúa Giê-su đã “bảo” tông đồ Gio-an làm, đó là: “Rước Mẹ về nhà mình.”

Cuối cùng, khi gặp Đức Maria - người Mẹ đáng kính của chúng ta, điều thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: chúng ta hãy xin… “Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng”.

Hãy “xin vâng”, trước khi “xin ơn”. Tại sao? Thưa, bởi lời xin vâng, “sẵn lòng xin vâng” nói lên tình yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Đừng quên, một lần nọ, Đức Giê-su có lời tuyên phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ (vâng) giữ lời Thầy… Ai không không yêu mến Thầy, thì không (vâng) giữ lời Thầy.” Khi chúng ta sẵn lòng vâng giữ lời Chúa, Đức Giê-su nói: “Cha Thầy và Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (x.Ga 14, 23).

Một phút nữa, chúng ta nán lại thêm một phút nữa để nghe một câu chuyện nói đến tầm quan trọng của việc “sẵn lòng xin vâng”, dù chỉ phải vâng lời một điều “nhỏ nhặt”.

Vâng, Kinh Thánh kể về một người tên là Na-a-man. Ông ta mắc phải một căn bệnh khủng khiếp, đó là bệnh phong hủi.

Được sự mách bảo, ông ta từ Sy-ri đi đến Israel để cầu xin tiên tri Ê-li-sa chữa bệnh cho mình. Là một người quyền thế ở xứ của mình, nên ông ta cảm thấy bị xúc phạm khi Ê-li-sa không thân hành ra đón ông. Trái lại, nhà tiên tri lại sai một tôi tớ ra gặp ông ta.

Ông Na-a-man càng cảm thấy bị xúc phạm hơn khi ông nhận được lời nhắn của Ê-li-sa, qua người tôi tớ, rằng: “Hãy đi tắm bảy lần dưới sông Gio-dan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch.”

Nghe thế, ông ta nổi giận bỏ đi và nói: “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng và cầu khẩn danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phung hủi mà chữa khỏi. Nước sông A-va-na và Pác-na ở Đa-mát chẳng tốt hơn tất cả sông ở Israel sao?”

Ông Na-a-man giận dữ bỏ đi. Nhưng các tôi tớ của ông đã hỏi ông: “Nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: Hãy tắm, thì sẽ được sạch?” Ông Na-a-man đã đủ khôn ngoan để hiểu rằng “việc vâng lời tiên tri của Thượng Đế là điều quan trọng, mặc dù dường như đó là một vấn đề nhỏ nhặt”. Vậy nên, ông đã “dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch và được chữa lành bệnh.” (x.2V 5, 1–14).

Ngoài ông Na-a-man, Kinh thánh cho chúng ta biết còn có nhiếu tấm gương mẫu mực về sự “sẵn lòng xin vâng” khác nữa. Ông Áp-ra-ham như một điển hình.

Áp-ra-ham đã chờ đợi rất nhiều năm sự ra đời của I-sa-ác, đứa con trai mà Gia-vê Thiên Chúa đã hứa ban cho ông. Ấy thế mà Thiên Chúa lại truyền lệnh cho ông, rằng: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-sa-ác… mà dâng nó làm của lễ toàn thiêu” (x.St 21, 2).

Làm sao ông ta lại có thể mất đứa con trai bằng cách thức như vậy? Lệnh truyền này chắc hẳn là rất, rất khó khăn để Áp-ra-ham thực hiện. Thế mà, ông ta đã “sẵn lòng vâng lời” Gia-vê Thiên Chúa.

Áp-ra-ham và Na-a-man đã “sẵn lòng xin vâng”. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sẵn lòng làm bất cứ điều gì mà Thiên Chúa đòi hỏi!

Xưa, nếu tại tiệc cưới Ca-na, Đức Maria đã có lời truyền dạy: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo.” Thì hôm nay, nếu chúng ta mở lời “xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng”, có phần chắc, Đức Maria cũng sẽ truyền dạy chúng ta, như thế.

Nói cách khác: “Khi Chúa truyền lệnh, ta hãy làm theo”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây