TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phôi từ ba cha mẹ hay hiến tặng ty lạp thể

Thứ ba - 23/08/2022 20:01 | Tác giả bài viết: BS Trần Như Ý Lan, CND |   491
Mối tương quan đan xen giữa đạo đức, thần học và khoa học kỹ thuật thời hiện đại thường nảy sinh nhiều vấn nạn cần phân định, cách riêng để huấn luyện lương tâm chân thực của Kitô hữu.
Phôi từ ba cha mẹ hay hiến tặng ty lạp thể

PHÔI TỪ BA CHA MẸ HAY HIẾN TẶNG TY LẠP THỂ
(THREE-PARENT EMBRYO OR MITOCHONDRIAL DONATION):
MỘT NHẬN ĐỊNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN Y KHOA
VÀ LUÂN LÝ CÔNG GIÁO

 

vn240822a

WHĐ (23.8.2022) - Mối tương quan đan xen giữa đạo đức, thần học và khoa học kỹ thuật thời hiện đại thường nảy sinh nhiều vấn nạn cần phân định, cách riêng để huấn luyện lương tâm chân thực của Kitô hữu. Một mặt, chúng ta thừa nhận rằng khoa học kỹ thuật dường như “lên ngôi” thống lĩnh thế giới. Kỹ thuật đã làm thay đổi đời sống con người tận gốc rễ. Một số ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nhân loại. Mặt khác, sự sử dụng không kiểm soát kỹ thuật nhiều lần đã xâm phạm phẩm giá bất khả nhượng của con người. Kỹ thuật cũng làm nẩy sinh các vấn đề về tương quan giữa các nhân vị, nhiều phát triển kỹ thuật thậm chí thay thế tính quan trọng thiết yếu của tương quan liên vị.

Một số bài báo gần đây nói đến kỹ thuật tạo “Phôi từ ba cha mẹ” hay “hiến tặng ty lạp thể”, như một thành tựu đáng kể của khoa học đầu thế kỷ 21 giúp một số phụ nữ mang bệnh di truyền ty lạp thể có thể sinh những đứa con khỏe mạnh.[1] Ngay từ tên gọi của kỹ thuật đã đặt ra vấn nạn: “ba cha mẹ”? Bài viết bàn luận cách ngắn gọn về kỹ thuật này trên phương diện y khoa và luân lý Công Giáo.

1. Nhắc sơ về cấu trúc tế bào trứng ở người (human ovum)

Hình 1: cấu trúc tế bào trứng ở người[2]

Tế bào trứng cấu trúc lớp ngoài cùng là lớp vòng tia gồm nhiều tế bào sinh dưỡng đặc hiệu gọi là các tế bào nang (follicle cells of corona radiata), kế đến là màng trong suốt (vitelline membrane) rồi đến vùng thấu quang (zona Pellucida), bên trong là bào tương (cytoplasm) và nhân (nucleus).
- Bào tương chứa nhiều mRNA, nhiều ribosome tự do không liên kết với lưới nội sinh chất có hạt hoặc tạo thành polysome, nhiều ty lạp thể và đoạn DNA tự do.

- Nhân tế bào chứa bộ nhiễm sắc thể, trữ lượng DNA rất lớn.

2. Bệnh Ty lạp thể di truyền

Một số phụ nữ mắc chứng bệnh ty lạp thể di truyền (mitochondrial inherited disease), có thể truyền sang cho các con. Các cấu tử di truyền DNA của ty lạp thể (mitochondrial DNA) nằm trong bào tương của tế bào trứng. Các ty lạp thể (mitochondria) là những túi năng lượng rất nhỏ cung cấp năng lượng cho các tế bào. Chức năng của nó là biến thức ăn thành năng lượng và có nhiệm vụ quản lý các hệ thống năng lượng trong cơ thể. Các sai lạc về di truyền học có thể xảy ra là vì các ty lạp thể đã không đốt hết các oxygen và hấp thụ toàn bộ các dưỡng chất, từ đó dẫn đến việc tích tụ các chất độc trong cơ thể, và có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh khác nhau.[3] Chẳng hạn nguy cơ trì hoãn quá trình phát triển, mù, động kinh, hoặc tình trạng yếu ớt và thậm chí tử vong.[4] Tất cả con cái của phụ nữ bị bệnh sẽ bị ảnh hưởng, nhưng với mức độ khác nhau, có thể không cùng biểu hiện như người mẹ. Khó tiên lượng đứa bé sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.[5]

Hình 2: Sơ đồ ty lạp thể[6]

Các chuyên gia cho rằng các chứng bệnh này có thể tránh được, bằng phương pháp chuyển ghép ty lạp thể. Các phương pháp này được thực hiện trong kỹ thuật thụ thai nhân tạo.

3. Kỹ Thuật 

Phương pháp thứ 1: sửa chữa phôi (embryo repair)[7]

Bước 1: cho phối hợp tinh trùng (father’s sperm) và trứng của người vợ(mother’s egg, mang bệnh di truyền ty lạp thể) bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Bước 2: nhân của trứng đã thụ tinh (parents’ genes) sẽ được tách ra khỏi tế bào này và đem cấy vào một tế bào trứng của người phụ nữ hiến tặng (donor’s egg, không mắc bệnh ty lạp thể di truyền), mà nhân của trứng hiến tặng đã được tách ra trước đó (donor- egg’s nucleus removed). Phôi được tạo thành có duy nhất nhân của người cha và người mẹ, chỉ có bào tương (cytoplasm) của tế bào trứng hiến tặng. Phôi được sửa chữa này được cấy vào tử cung người mẹ.[8]

Phương pháp 2: sửa chữa trứng (egg repair)[9]

Bước 1: Trích lấy nhân của tế bào trứng của người mẹ bị bệnh, cấy vào trứng của người hiến tặng khỏe mạnh đã được lấy bỏ nhân trước đó, nay chỉ còn chứa bào tương mang ty lạp thể khỏe mạnh.

Bước 2: Phối hợp trứng ghép đó với tinh trùng của người chồng trên đĩa thí nghiệm. Sau đó phôi được cấy vào tử cung người mẹ.

Mặc dù trứng hiến tặng chỉ đóng góp khoảng 1% di truyền cho đứa bé, khi xác định chất liệu di truyền của những đứa bé này, các nhà khoa học vẫn phân định được di truyền của ba người.[10]

Trường hợp của Alana Saarinen

Theo một báo cáo, Alana Saarinen, sinh năm 2000 tại Hoa Kỳ, là bé gái con của chị Sharon (mắc bệnh ty lạp thể) và anh Paul Saarinen từ kỹ thuật thụ thai nhân tạo. Trứng ghép của Sharon (cung cấp nhân) và người hiến tặng (cung cấp bào tương bình thường không mắc chứng ty lạp thể) được thụ tinh với tinh trùng của Paul Saarinen. 99% chất liệu di truyền của Saarinen từ cha mẹ, và 1% từ bào tương người hiến tặng trứng. [11] Theo người mẹ, Saarinen mạnh khỏe và có cuộc sống khá bình thường.

Theo một thông tin, tại Hoa Kỳ đã có 17 trẻ được chuyển ty lạp thể được sinh ra, sau khi một cuộc thí nghiệm lâm sàng đi tiên phong thực hiện quy trình can thiệp DNA ty thể từ 1997 đến 2002, trước khi lệnh cấm của Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) có hiệu lực.[12]

4. Nhận định Luân Lý

Dù các kết quả hứa hẹn của hai kỹ thuật trên, việc chuyển nhân tế bào và thay thế ty lạp thể vẫn gây ra tranh cãi về đạo đức và xã hội.

Việc hiến tặng ty lạp thể liên quan đến sự biến đổi gen nơi tế bào mầm (tế bào sinh sản, germline), và vì vậy sự biến đổi như thế sẽ được lưu truyền đến các thế hệ tương lai.[13] Điều này cũng có thể dẫn đến chiều hướng theo đuổi biến đổi di truyền và tạo những đứa con “được thiết kế” theo đặc điểm nào đó. Các nhà khoa học lo sợ tạo dựng các đứa bé qua kỹ thuật biến đổi di truyền có thể gây tai họa cho trữ lượng di truyền loài người.[14] Tương lai của việc biến đổi gen cũng khó dự đoán. Việc sử dụng phôi người trong thí nghiệm cũng gây tranh cãi tại nhiều nước, và vấn đề đền bù tài chính tương xứng cho người hiến tặng trứng.

Một quan tâm đạo đức khác là cảm nhận căn tính của đứa bé. Sự kiện mang một phần di truyền, tuy phần nhỏ, từ người thứ ba không phải là cha mẹ sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý và tình cảm của đứa con.Cho đến nay tiến trình này chưa được chuẩn nhận là an toàn và hiệu quả tại Hoa Kỳ. Trung quốc ra lệnh cấm. Anh quốc là nước đầu tiên hợp pháp hóa chính thức phương pháp này vào ngày 29/10/2015.[15]

Quan điểm Công Giáo

Joseph Parkinson, Linh mục Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh Học tại Tổng Giáo Phận Perth, Úc đã nhận định: “Khoa học luôn luôn đi trước khả năng suy tính của cộng đồng xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến luân lý, bao gồm việc áp dụng các kỹ thuật mới và cách thức điều trị trong y khoa. Điều này có thể gây nên sự rối rắm về nhận thức vai trò làm cha mẹ, bởi vì một người phụ nữ thứ hai đã được đưa vào trong qũy đạo của sự việc.”[16]
Có 3 lý do khiến phương pháp hiến tặng ty lạp thể này không thể được chấp nhận về mặt luân lý Công Giáo:

a/ Như đã giải thích ở trên, việc hiến tặng ty lạp thể liên quan đến sự biến đổi gen nơi tế bào mầm, và vì vậy sự biến đổi như thế sẽ được lưu truyền đến các thế hệ tương lai.

b/ Mặc dù trứng hiến tặng chỉ đóng góp khoảng 1% di truyền cho đứa bé, khi xác định chất liệu di truyền của những đứa bé này, các nhà khoa học vẫn phân định được di truyền của ba người. Điều này một cách nào đó tỏ ra xâm phạm tính đơn nhất của giao ước hôn nhân, trong đó đứa con phải là hoa trái của đôi vợ chồng trong hôn nhân mà thôi.

c/ Phương pháp này thực hiện trong quá trình thụ thai nhân tạo,là điều mà Huấn Quyền đã tỏ rõ lập trường phản đối trong nhiều tài liệu.[17]

Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích tại sao Giáo hội cấm đoán liệu pháp gen trên tế bào mầm:

“Đánh giá luân lý về liệu pháp gien trên tế bào mầm… Mọi biến đổi gen thực hiện nơi các tế bào mầm của một người chắc chắn sẽ được truyền lại cho con cháu tương lai của người ấy. Vì những nguy cơ gắn liền với mọi cải biến di truyền là đáng kể và còn ít được kiểm soát, nên về mặt luân lý, trong tình trạng hiện nay của việc nghiên cứu, không thể chấp nhận những hành động liều lĩnh có thể gây những tổn hại khả dĩ truyền lại cho con cái. Trong những giả định áp dụng liệu pháp gen cho phôi, cũng cần phải nói thêm rằng người ta chỉ có thể thực hiện điều đó trong khuôn khổ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đó lại là điều bị phản đối về mặt đạo đức. Vì những lý do đó, cần phải khẳng định rằng trong tình trạng hiện nay liệu pháp gen trên tế bào mầm dưới mọi hình thức đều bất hợp pháp về mặt luân lý.” (Huấn Thị Dignitas Personae, s. 26)

Kết

Không ít lần một số Kitô hữu ngày nay cảm thấy buồn bã, thất vọng, thậm chí bực tức vì Huấn quyền không cho phép thực hiện một số ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp đời sống gia đình họ dường như “nhẹ nhàng” hơn như ngừa thai nhân tạo, khám tiền sản chọn lọc để hủy phôi thai khuyết tật nặng, thụ thai nhân tạo... và ở đây là cấy ghép bào tương để trị bệnh di truyền. Thực tế, con người đau khổ khi họ chỉ tập trung vào cái tôi, cái chính mình (self-centered) mà bỏ quên hướng nhìn lên Chúa mới là mục tiêu tối hậu đời người. Khi nhìn lên Thiên Chúa, con người tìm được giải đáp cho mình, cho nỗi buồn của mình: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). “Cơm bánh” ở đây có thể hiểu là các lợi ích trần thế. Huấn Quyền- một đại diện quan trọng của Chúa Kitô- không chấp nhận các kỹ thuật khiến con người tự mình xâm phạm chính phẩm giá mình, làm cho mình thấp kém hơn là mình đáng được như Lòng Chúa thương xót muốn con người chia sẻ hình ảnh của chính Ngài. Vậy, Kitô hữu hãy vui lên vì khi chúng ta chu toàn luật Giáo hội dạy là thực thi ý định Thiên Chúa quan phòng trên cuộc đời ta. Mà ý Chúa có gì khác hơn là mong hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê Trời cho ta.

BS Trần Như Ý Lan, CND
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 93 (Tháng 3 & 4 năm 2016)

 

 

[1] X. Tuấn Anh, “Tạo phôi thai từ gen của 3 người”, <http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/94091/tao-phoi-thai-tu-gen-cua-3-nguoi.html>, 25/10/2012; Phi Yến, “Nghiên cứu phôi bé trai từ ba cha mẹ ở Mỹ”, <http://tinnong.thanhnien.com.vn/chuyen-la/nghien-cuu-phoi-be-trai-tu-ba-cha-me-o-my-55904.html>,5/2/2016.

[3] Megan Scudellari, “Mitochondria at Work”, June 3, 2011.

[4] Phi Yến, “Nghiên cứu phôi bé trai từ ba cha mẹ ở Mỹ”, 5/2/2016,

<http://tinnong.thanhnien.com.vn/chuyen-la/nghien-cuu-phoi-be-trai-tu-ba-cha-me-o-my-55904.html >

[8] Deborah Smith (Science Editor), “Three parents produce one embryo,” The Sydney Morning Herald – Wednesday, February 6, 2008.

[10] Françoise Baylis (2013) The ethics of creating children with three genetic parents, Reproductive BioMedicine Online, 26(6): 531-534.

[11] CNN.com - How far will couples go to conceive? - Mar 12, 2004, http://edition.cnn.com/2004/HEALTH/03/12/infertility.treatment/index.html?iref=allsearch

[12] Phi Yến, “Nghiên cứu phôi bé trai từ ba cha mẹ ở Mỹ”, 5/2/2016,

<http://tinnong.thanhnien.com.vn/chuyen-la/nghien-cuu-phoi-be-trai-tu-ba-cha-me-o-my-55904.html>

[13] X. Darnovsky, M. (2013). A slippery slope to human germline modification. Nature, 499(7457), 127. Trích trong <https://en.wikipedia.org/wiki/Mitochondrial_donation>

[14] X. Baird, Stephen L. (April 2007). "Designer Babies: Eugenics Repackaged or Consumer Options?" (PDF). Technology Teacher 66 (7): 12–16. Trích trong <https://en.wikipedia.org/wiki/Mitochondrial_donation>

[15] Xuân Mai, “Anh ủng hộ 1 con có 3 cha mẹ” , 03/02/2015 , <http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/anh-ung-ho-1-con-co-3-cha-me-20150203230158003.htm>

X.  The Human Fertilisation and Embryology (Mitochondrial Donation) Regulations 2015 No. 572 ; Knapton, Sarah (25 /2/2015) “Three-Parent babies by next year after Lords change the law”, The Daily Telegraph, tr. 2; Gallagher, James (3 /2/ 2015) MPs say yes to three-person babies BBC News health;  Howe, Katie (2 /11/ 2015). "UK mitochondrial donation regulations introduced". Bio News. Trích trong <https://en.wikipedia.org/wiki/Mitochondrial_donation>

[16] Trích trong Trần Mạnh Hùng, “Thách đố về đạo đức sinh học: Một phôi được tạo thành bởi ba cha mẹ”, VietCatholic News (07/02/2008)

[17] Có thể tham khảo đầy đủ hơn lập luận không đồng ý về phương pháp thụ thai nhân tạo trong BS Trần như Ý Lan, “Thụ thai nhân tạo: một nhận định trên quan điểm Y khoa và Thần học luân lý Công Giáo”, trong Hiệp Thông số 81 (tháng 3-4/2014), tr. 35-59.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây