TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Có những thập giá đời

Chủ nhật - 18/04/2021 04:26 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   754
Có những thập giá đời

Có những thập giá đời

Trên cây khổ giá đời, có biết bao thân phận đang chịu treo, những thân phận của con người nhỏ bé, gầy guộc, đau thương. Trên cây khổ giá đời, có những giọt nước mắt tuôn chảy, có những tiếng thì thào và im bặt. Chẳng biết bao lâu nữa, ai sẽ gỡ những thập giá đời cho những thân phận nhỏ nhoi, chẳng biết bao lâu nữa giọt nước mắt biến thành nụ cười.

Có những đèn đêm, người lao công quét đường, người bán hàng rong, chiếc gõ đều đặn. Cuộc sống gian khổ bên những chiếc xe rú chạy, có những giọt mồ hôi bên những giọng cười say khướt, có những nhọc nhằn bên những xa hoa. Thập giá đời sao quá nặng để nuôi đàn con ăn học, những đêm khuya vắng, than cùng tiếng chổi quét, khàn đi cùng tiếng rao.

Có ánh đèn dầu đêm ngoài vườn khuya, người lao động cắt vội mớ rau, hái vội những trái, trẩy vội những củ. Áo vai gầy ướt sẫm, mắt mờ đi vì thiếu ngủ. Những luống rau rồi đây cũng chẳng còn, miếng đất sẽ là nhà ở mà chẳng bao giờ là của mình. Luống rau, mồ hôi, sẽ chẳng còn những đêm vất vả. Ngày mai, bó gối ngồi chợ người, chờ ai đó thuê mướn làm mọi thứ có thể làm. Ngày mai miếng đất không còn, cuộc đời buồn hơn.

Có những ngày nắng đổ lửa, chiếc xe đẩy kẽo kẹt, những trái cây bán ven đường, chở vài cây cảnh, bán vài con cá, một vài mớ rau, thịt. Làm bất cứ công việc nhỏ nhen vừa với đồng vốn. Vật vã trụ lại trong cuộc sống. Hớt ha, hớt hải đẩy xe bỏ trốn công an dẹp lòng lề đường, cuốn vội tấm bạt bày bán quần áo, giày dép, những thứ linh tinh. Những con người khốn khổ, lã chã mồ hôi bên cóng cơm nguội lạnh, nhìn theo những người đi qua. Bên dòng đời ngược xuôi vất vả, nhìn ai cũng thấy thương.

Có những cụ già trong ngoài bảy mươi, mắt kèm nhèm lần từng bước bên bờ biển, nhặt về từng con ốc, cái sò. Những cụ già nhặt bao nylon, những chiếc chai nhựa. Nhặt nhẹm nuôi thân già cô độc, một ngày chưa được một tô phở giá bèo lại còn thêm vài ba đứa cháu. Có những phận người đau khổ suốt một đời, cặm cụi bước chân với những tờ vé số, những chén trà xanh bên góc đường nhỏ, nhặt nhạnh những rau thừa, cá cặn bên hông những chợ, hàng quán. Thân già còm cõi giữa những hàng phố sang trọng, bước chậm từng bước trên con lộ thênh thang, đông người qua lại.

Có những chàng trai, thiếu nữ giả dạng câm điếc, đui mù, què quặt, thương tích, vạ vật bên đường. Những cuộc đời dường như không lối thoát, không chữ, không nghề, không ai thuê mướn; vẫn phải sống, vẫn phải giả dạng. Một trong số họ, ngày nào đó trở thành cướp, bởi đàng nào cũng mất. Có những đứa trẻ đen nhẻm trong bộ quần áo học sinh, nhìn vào hàng đồ chơi thèm ước, trên tay chỉ có chiếc ca hay ít tờ vé số hoặc vài nhánh hoa, cùng bà mẹ mưu sinh.

Có những Osin chịu ngược đãi, bị lợi dụng tình dục, chỉ vì cuộc sống khó khăn quê nhà mà phải cắn răng chịu đựng. Có Osin bị dội nước sôi bởi bà chủ độc ác, có Osin chịu xâm trên mặt con rồng quỷ quái, bởi bà chủ ghen tuông. Thân phận tôi đòi, nhân phẩm bị chà đạp, con người chịu xúc phạm. Thập giá của ô nhục con người dành cho con người, tàn nhẫn và độc ác.

Có những công việc không đủ sống, giá cả đắt đỏ, các thứ phí chồng chất, gánh nặng lại nặng hơn. Miệt mài nhập liệu, kiểm toán, dịch tài liệu, làm thêm ngoài giờ và cả ngoài ngành, giao hàng, bỏ báo, may, thêu. Cuộc sống tất bật, căng tai, căng mắt, thiếu ăn, mất ngủ, làm hụt hơi mà vẫn thiếu. Cuộc sống kéo lê thập tự, những lúc chẳng vác nổi. Những con người tử tế với đồng lương ít ỏi, kéo cày thêm công việc để bươn trải cuộc sống cho gia đình, những đứa con được ăn học.

Có những đồng vốn bỏ ra và rồi thấp thỏm, chẳng biết cái nhà đang cầm có ngày nào chuộc được, khi đổ vào hết ao cá, ruộng vườn. Chủ nợ trốn mất, lao đao vô vọng, bạc trắng mái đầu, công nợ chồng chất chẳng lấy đâu ra trả. Những con người khổ trí khổ tâm giữa dòng đời lừa lọc, biết đâu thật, đâu giả. Muốn sống đời lương thiện giữa dòng đời giả dối, đôi khi mất hết, về với con số nợ, lầm than.

Quá nhiều thập giá khiến nhiều người không vác nổi, dẫn đến quyết định biết là đau khổ, trái lương tâm, khi đành hy sinh đứa con trong bụng vì sinh ra biết rằng sẽ khó khăn chồng chất. Quá nhiều tủi nhục, đau thương, nhiều người không đứng vững, quỵ ngã trong nghiện ngập, buông xuôi trong tự vẫn. Những thập giá đời của lương tâm cắn rứt, của những tâm hồn tê dại.

Có những cuộc đời, sống gần như đang chết, bị lừa lọc, bị bán cho thú vui người đời. Những con người sống mà chỉ muốn chết. Những thân phận bị giam nhốt cho công nghệ tình dục. Những lúc khốn cùng, tiếng cô gái nhỏ van xin đừng làm hại đời mình. Tiếng khóc không thành tiếng, một tiếng khóc vừa tủi nhục của kiếp nghèo vừa khóc hận vì người bỏ tiền mua. Một thập giá đời của con người, bầm dập với những cuồng si. Bao cô gái chưa kịp vui ngày cưới đã khóc thương một phận đời bị bán buôn, trao đổi. Bao nhiêu giọt nước mắt nữa, khóc cho đời người con gái, rồi đây sẽ chai đi vì nhục nhằn, vô cảm vì không biết ý nghĩa tình yêu, mang vào trong mình những oán hận, trầm uất.

Những cô gái quê mơ ước xứ Hàn, xứ Đài, xứ Trung, qua phim ảnh, ca nhạc, tươi cười bên chồng ngoại để đổi đời, đổi số. May mắn thì ít, tai hoạ lại nhiều, vì đâu lường hết bao nhiêu vấn đề thương mại trong cuộc tình duyên. Bên kia người ta quảng cáo môi giới những cô gái Việt làm vợ, không hài lòng còn có thể trả lại, thua món hàng “mua rồi miễn trả lại”. Thương cho những thập giá đời đến từ những lam lũ đồng quê và mong ước được đổi đời, từ đau khổ này sang đau khổ khác tệ hại hơn.

Bao nhiêu thập giá nữa trên thân phận thống khổ này? Tai họa đến từ thiên nhiên, đến từ con người ác tâm giả nghĩa, vơ vét cho đầy túi tham. Biến rừng thành hồ làm thủy điện, có cơ hội bòn rút, để khi mưa về xả lũ, gây bao tai ương cho dân lành dưới xuôi, hết năm này đến năm khác ngập lụt, mất nhà, mất thu hoạch ruộng nương và mất cả người. Biến thửa ruộng bao đời vun xới, đất tổ, nghĩa trang, thành sân gold, thành khu công nghiệp bỏ hoang, thành những khu biệt thự không người và đẩy những con người nông dân chất phác trở thành dân oan từ chục năm này qua năm khác, không ai giải quyết. Những vùng đất trồng trà, cà phê trở thành nơi khai thác khoáng sản, nhiễm độc. Đau thương cho những người dân đang góp phần nhiều nhất cho nền kinh tế phải chịu bán rẻ bởi những lòng tham vô độ.

“Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc 23, 31). Những thập giá đời, không mong ước gì hơn, xin đừng vô cảm, xin đừng nhục mạ, cướp bóc, lọc lừa, trên những mồ hôi nước mắt của những con người dân đen, chất phác. Xin đừng biến những con người lương thiện, ngây thơ, thành những món hàng trao đổi. Gỡ những chiếc đinh đóng vào thập giá cho nhau. “Hãy quan tâm tới nhau, khích lệ nhau làm việc lành, phúc đức” (Dt 10, 24).

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây