TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy gióng lên “tiếng chuông tiền hô”

Thứ năm - 09/12/2021 03:34 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   873
“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.
Hãy gióng lên “tiếng chuông tiền hô”

Chúa Nhật III – MV – C

Hãy gióng lên “tiếng chuông tiền hô”

Chỉ còn một tuần nữa, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ kỷ niệm Chúa Giê-su xuống thế làm người. Với ngày đại lễ này, không chỉ người Ki-tô hữu mừng vui, mà ngay cả những người không phải là Ki-tô hữu, họ cũng hòa nhập niềm vui, theo cách thế riêng, của họ.

Với ban nhạc The Boney M, họ đã làm rung động hàng triệu con tim qua nhạc phẩm Jingle Bells. “Jingle bells, Jingle bells, Jingle all the way. Oh what fun it is to ride in a one-horse open sleigh. Jingle bells, Jingle bells, Jingle all the way. Oh what fun it is to ride in a one-horse open sleigh.”
Nhạc sĩ Ngyễn Ngọc Thiện, nếu tôi không lầm, ông ta cũng đã làm nức lòng triệu triệu khán thính giả với bản “Tiếng chuông ngân”, phổ theo giai điệu Jingle Bells.

Vâng, rất trẻ trung, hồn nhiên và vui nhộn. “Bong bing bong, bong bing bong. Đêm chúc mừng hạnh phúc. Đêm yên vui ôi đêm yên vui. Nghe tiếng chuông vang tim mình. Mừng ngày Chúa sinh ra đời. Nào mình cùng nắm tay tươi cười. Hòa bình đến cho muôn người. Cùng cất tiếng ca mừng vui.”
 
Jingle Bells hay Tiếng chuông ngân, hồn nhiên và vui nhộn thật. Thế nhưng, sự hồn nhiên và vui nhộn đó, bất quá cũng chỉ làm cho con người vơi bớt đi một ít mệt mỏi, buồn phiền trong cuộc sống.
 
Có một “Tiếng Chuông” khác, một tiếng chuông khác khi ngân vang lên, đã khuấy động tâm hồn hàng tỷ con tim, trong suốt hơn hai mươi thế kỷ qua. Và tiếng chuông này, không chỉ đem đến cho con người niềm vui, mà còn làm cho con người thức tỉnh để được “ơn tha tội”.

Vâng, đó chính là “Tiếng Chuông Tiền Hô”, người gióng tiếng chuông này, là ông Gio-an.
 
**
Ông Gio-an là ai? Thưa, “Ông là một nhà giảng thuyết người Do Thái. Tin Mừng thánh Luca cho biết, ông là con của tư tế Da-ca-ri-a thuộc nhóm A-vi-a, dòng A-ha-ron và chào đời tại Giu-đê Do Thái trước Đức Giê-su khoảng sáu tháng. Ông Gio-an đã xuất hiện công khai tại Galilea và Giu-đê để rao giảng và mời gọi người ta thống hối.

Ngoài việc rao giảng sám hối, ngài còn cử hành nghi thức Thanh Tẩy cho tất cả những ai đến với ngài, bằng cách dìm họ xuống nước. Vì thế, ngài được gọi là Gio-an Tẩy Giả. Ngài hoạt động trong cả vùng Do-thái lẫn Palestina, và cũng đã có nhiều người nhận mình là môn sinh của ngài. Lịch sử tính của ngài đã được xác nhận bởi sử gia người Do-thái Flavius Josephus.” (nguồn: internet).

Cũng theo thánh sử Luca cho biết: vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio, thời Phongxio Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônit… Khanan và Caipha làm thượng tế…”, ông Gio-an đã xuất hiện tại sông Giodan. Và tại đây, ông Gioan đã gióng lên “tiếng chuông tiền hô”, ông hô lớn kêu gọi mọi người: “hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Có rất nhiều người đến với ông. Và ông đã tiếp tục gióng lên ‘tiếng chuông” khuyến cáo, khuyến cáo những người đến với ông, rằng: “Các ông hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”.

“Tiếng chuông tiền hô” khi ngân vang lên, nghe như những “phát búa”, như những “nhát rìu” chém thẳng vào tận tâm can, tận đáy lòng, tận thâm tâm từng người. Và như một phép lạ, “tiếng chuông” của ông Gio-an đã truyền cảm đến tâm hồn từng người, từng người một.

Đã hằng bao ngàn năm, dân tộc Do Thái trông ngóng “Đấng Mesia”, để rồi hôm nay, ông Gioan xuất hiện, xuất hiện với tiếng-chuông-tiền-hô, tiếng chuông này đã thức tỉnh họ, để rồi “trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!” (Lc 3, 15).

Dòng sông Giodan hôm đó dậy sóng, nhưng không phải sóng nước, mà là một làn sóng người “lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa”. Họ, quả là đã thật sự sám hối, một sự sám hối chân thành, với những lời tha thiết xin được biết việc “đền tội” của mình: “Chúng tôi phải làm gì đây?”

Xin-làm-phép-rửa! Ông Gio-an đã làm, nhưng trước khi làm, ông công bố rằng “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.

Còn việc phải-làm-gì-đây ư! Ông Gio-an gióng lên tiếng chuông bác ái: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.

Thật ngạc nhiên khi “cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa”. Vâng, có lẽ tâm hồn họ cũng đã rung động, rung động khi nghe tiếng-chuông-tiền-hô, chăng!

Đúng vậy, quý ngài thu thuế đã rung động, sự rung động đó thôi thúc họ đến hỏi ông Gio-an: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Rất thẳng thắn và quyết liệt, ông nói với những người thu thuế rằng: “Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh”. (Quý vị nào, tất nhiên là tín hữu Công Giáo, làm trong ngành thuế, nhớ lời ông Gio-an khuyên, nha!).

Binh lính, bây giờ chúng ta gọi là “bộ đội”, cũng đến hỏi ông Gio-an: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Hôm đó, ông Gio-an khuyên mấy-chú-bộ-đội, rằng: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. (Viết tới đây, tôi buồn. Buồn vì không thấy “chú công an” nào, đến hỏi ông Gio-an. Thời đó không có công an, chăng!).

Hôm đó, theo lời thánh sử Luca ghi lại: Ông Gio-an Tẩy Giả “còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”.

***
“Tiếng chuông tiền hô” mà ông Gio-an đã gióng lên hồi ấy, phải chăng là cũng tiếng chuông mỗi chúng ta rất cần “lắng nghe”, hôm nay? Thưa, đúng vậy.

Là một người đã đến nhà thờ lãnh nhận “Bí Tích Rửa Tội”, giống như những người Do Thái xưa “đến chịu phép rửa”, chúng ta cũng phải lắng nghe tiếng chuông mà ông Gio-an đã gióng lên.

Đây không phải là tiếng chuông bong-bing-bong, bất quá “(có) vui cũng được một vài trống canh”, nhưng là tiếng chuống “thức tỉnh”, thức tỉnh chúng ta “sám hối”. Quan trọng hơn nữa, nó còn là “tiếng chuông ân sủng”, ân sủng được “ơn tha tội”.

Thế nên, ngay hôm nay, chúng ta hãy để tâm hồn trong thinh lặng, và tự hỏi mình, những điều mà người Do Thái xưa, đã hỏi ông Gio-an: “Chúng tôi phải làm gì đây? Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì? Còn anh em chúng tôi phải làm gì?”

Đừng… đừng “chờ” ông Gio-an trả lời. Mỗi chúng ta hãy tự trả lời cho chính mình.

Mỗi chúng ta hãy tự trả lời, rằng: tôi có sống bác ái đủ để “xứng với lòng sám hối?”

Mỗi chúng ta hãy tự trả lời, rằng: tôi có sống nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm… đủ để có thể: “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp?”

Mỗi chúng ta hãy tự trả lời, rằng: tôi có sống hiền hòa, trung tín, tiết độ đủ để có thể đem đến cho gia đình một cuộc sống “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu?” (x.Hc 25,…1).

Vâng, chính chúng ta phải tự trả lời. Và, đừng quên, tiếng-chuông-tiền-hô của ngài Gio-an, cũng đã gióng lên cảnh báo rằng: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (x.Lc 3, 9).

Chưa… còn nữa. Tiếng chuông tiền hô của ông Gio-an còn cảnh báo rằng, Đấng, mạnh-thế-hơn-tôi: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân; thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (x.Lc 3,17).

Có phần chắc, không ai trong chúng ta muốn mình “bị chặt đi và quăng vào lửa”. Có phần chắc, không ai trong chúng ta muốn mình là “thóc lép”.
Đúng, chẳng ai muốn.Thế thì, đừng phớt lờ “Tiếng Chuông Tiền Hô”, trái lại, hãy là một ông Gio-an mới, tiếp tục gióng lên tiếng chuông tiền hô.

Vâng, mỗi chúng ta hãy tiếp tục gióng lên “tiếng chuông tiền hô”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây