Mong chờ Chúa Giáng Sinh
Gần đến Lễ Giáng Sinh, người ta mong chờ gì? – Trẻ em mong chờ món quà bí mật, hấp dẫn từ ông già Noel huyền thoại. Thanh niên thiếu nữ mong chờ lễ hội rực rỡ sắc màu. Người trung niên mong chờ bữa tiệc đêm đầm ấm, thú vị. Người già mong chờ sum họp con cháu đủ đầy.
Vậy, người tín hữu Công giáo mong chờ gì?
Không như dân Do-thái xưa mong đợi Đấng Messia, Đấng cứu dân Người ra khỏi ách nô lệ. “Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn”. (Gr 33, 15). “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thủy, từ muôn đời”. (Mk 5, 2).
Người tín hữu Công giáo ngày nay mong chờ Chúa đến với đèn cháy sáng trong tay. Tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa trong cuộc đời và trong ngày quang lâm. “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”. (Lc 21, 25-27).
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khủng bố,… xảy ra trên toàn cầu khiến nhân loại bất ổn. Nhiều người sống trong đau khổ, lầm than, đói nghèo, âu lo, túng quẫn,… Nhiều người phải rời bỏ quê hương, tha phương cầu thực. Nhiều người bơ vơ lạc lõng nơi gầm cầu, nơi góc phố. Nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ. Nhiều cụ già cô đơn không nơi nương tựa. Nhiều người cơ cực tìm miếng cơm manh áo.
Thánh sử Luca thuật lại câu chuyện: Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ XV, ông Gioan xuất hiện tại sông Giodan. Tại đây, ông lớn tiếng kêu gọi mọi người: “Hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. (x.Lc 3, 1-6). Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. (Lc 3, 10).
“Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Lời khuyên của ông Gioan rất rõ ràng. “Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. (Lc 3, 11-14).
Mong chờ Chúa đến, mong chờ Ơn Cứu Độ, cần thực tâm sám hối, cần thái độ thành khẩn, đơn sơ, khiêm hạ, và cần thực thi công bình, bác ái, sẻ chia. Bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, chia cả những gì mình đang cần thiết, trong tinh thần huynh đệ, yêu thương. Công bình cũng không phải là những điều cao siêu phức tạp. Như lời ông Gioan khuyên những người thu thuế: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Đối với các quân nhân: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Mong chờ Chúa Giáng Sinh là mong chờ Ơn Cứu Độ. Mong chờ Chúa Giáng Sinh là mong chờ Niềm Vui, Hy Vọng và Ánh Sáng Chân Lý. Người tín hữu Công giáo ngày nay cũng cần mau mắn mang Chúa đến cho tha nhân như Mẹ Maria xưa. Khi ấy, Mẹ Maria vội vã đi thăm bà Elizabeth để chia sẻ niềm vui cả hai được mang thai cách nhiệm màu và để giúp đỡ bà chị họ trong tuổi già. Những bước chân của Mẹ Maria trong dịp này đã được tiên tri Isaia diễn tả: “Đẹp thay trên các núi non, chân người sứ giả, kẻ loan báo bình an, kẻ loan tin mừng, kẻ loan báo ơn cứu độ và nói với Sion: Thiên Chúa của ngươi là Vua” (Is 52, 7).
Vậy, “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn!” (Xp 3, 14). Vì: “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”. (Ga 1, 14).
Vũ Đình Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn