Dụ ngôn này chứa đựng những điều thường xảy ra trong cuộc sống, người ta không biết đâu thật, đâu giả. Cả hai cùng lớn lên, giống nhau cho đến ngày trổ bông, kết hạt mới khác nhau. Lúc gặt về thì đã quá muộn, lúa được thu về, cỏ lùng bị đem đốt đi.
Thật và giả. Lẫn lộn một cách tinh vi, giả còn hơn thật, chuyên môn lắm vẫn có thể bị lùa nếu sơ ý, vội vàng một chút. Có những hàng Fake, biết nhưng vẫn dùng để khoe mẽ là giàu. Hàng fake chấp nhận nó, bởi vì có những đặc điểm giống thật, tuỳ theo người mua, kẻ bán thoả thuận, fake có nhiều cấp và super fake.
Chấp nhận giả mạo thật nguy hiểm khiến cho hàng giả luôn có cơ hội phát triển. Hàng thật đôi khi trộn hàng giả vào trong đó, nhất là thực phẩm nướng, dễ gì phát hiện ra được, mùi nướng nào cũng thơm phức, ngon miệng. Trong đời sống đạo cũng vậy, bề ngoài có vẻ đạo đức, lương thiện, Chúa nhiều lần trách những kẻ đạo đức giả như “mồ mả tô vôi” (Mt 23, 27). Kẻ phá hoại đời sống đạo nhất là những kẻ đạo đức giả, chúng phá từ bên trong. Bề ngoài đạo mạo, cung kính, bên trong đầy chết chóc, phá hoại.
Có người hỏi: Sao không tẩy trừ kẻ đạo đức giả ấy đi! Chúa để làm gì? Chúa vẫn nhân từ: “Cứ để cả hai cùng lớn lên” (Mt 13, 30). Chúa nhân từ với người lành cũng như kẻ dữ, “cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 45). Chúa chờ đợi con người trở về.
Dù chúng ta không là kẻ đạo đức giả đi chăng nữa, trong chúng ta vẫn có cỏ lùng cùng lớn lên với lúa. Lúa nhiều hơn cỏ lùng là ơn huệ Chúa ban cho chúng ta, giúp chúng ta lấy điều tốt mà tẩy trừ điều xấu, cho chúng ta hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Cỏ lùng phải nhổ nhưng không thể nhổ hết, vì con người yếu đuối, tội lỗi của chúng ta như cỏ lùng. Chúa để cỏ lùng cùng lớn lên, để chúng ta cậy vào lòng thương xót của Chúa mà cầu nguyện luôn. “Nếu Chúa không đưa tay phù trì nâng đỡ, phàm nhân cát bụi làm được chi” (Ca tiếp liên lễ Chúa thánh Thần).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan