Chúa Nhật – XVI – TN – C
Hãy đặt Chúa lên trên hết mọi sự
Hiếu khách là gì? Thưa, theo định nghĩa thông thường, hiếu khách có nghĩa là chào đón một cách thân thiện với một người bạn hoặc một người khách dù thân hay sơ, khi gặp nhau. Và, nói tới việc chào đón thân thiện, thì cứ sự thường, đó là chúng ta sẽ nghĩ đến một bữa ăn thịnh soạn, được chuẩn bị một cách chu đáo mỗi khi có khách đến nhà mình.
Mà, thật vậy. Đối với người Việt Nam, lòng hiếu khách được thể hiệu rất nhiệt tình, “khách đến nhà không gà cũng vịt”. Có khách đến nhà, quen hay lạ, thân hay sơ, chủ nhà dù nghèo khó cũng tiếp đón chu đáo và tiếp đãi một cách thịnh tình, với quan niệm, đói năm chứ không đói bữa.
Cô Sato Kumi, một chuyên gia giảng dạy về Service Mindset, nói: “Lòng hiếu khách là nhất kỳ nhất hội - đời người chỉ gặp một lần. Điều hạnh phúc là bản thân làm cho ai việc gì đó và mong muốn sẽ lan tỏa được cảm giác hạnh phúc ấy. Mọi khoảnh khắc, mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta với một ai đó đều chỉ có một lần, đều đáng quý, bởi nó không bao giờ lặp lại. Vì vậy, chúng ta nên trân trọng cuộc gặp gỡ ấy, đối xử với người đó bằng tấm lòng chân thành để về sau không phải tiếc nuối.” (nguồn: internet).
Kinh Thánh cũng có lời khuyên: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13, 2).
Thế nên, là một Ki-tô hữu, chúng ta cần phải tỏ lòng hiếu khách. Vâng, đừng ngần ngại. Đừng ngần ngại vì phải chuẩn bị những bữa ăn công phu, hoặc việc không quen nấu nướng, v.v… Đừng ngần ngại, bởi đôi khi, việc tiếp đón khách đến nhà không nhất thiết phải là một bữa ăn, một mâm cỗ thịnh soạn, mà chỉ cần… chỉ cần “ta với ta”.
Vâng, chỉ cần ta-với-ta như lời nhà thơ Nguyễn Khuyến đã tâm sự, tâm sự trong một dịp “Bạn đến chơi nhà”. Trong một dịp bạn đến nhà chơi, ông ta đã tâm sự, rằng: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà, Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu nước cả, khôn chài cá; Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ; Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có, Bác đến chơi đây, ta với ta”.
Chỉ là ta-với-ta, đâu cần “lòng gà xào mướp”, ấy thế mà lòng hiếu khách của cụ Tam nguyên Yên Đỗ lại được biết bao người đời sau, trân trọng.
Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã hơn một lần khen ngợi cung cách hiếu khách theo kiểu ta-với-ta của cụ Nguyễn Khuyến. Và, Ngài đã gọi đó là cách thể hiện lòng hiếu khách “tốt nhất”. Sự kiện này xảy ra trong một lần Đức Giê-su được cô Mác-ta mời Ngài đến nhà cô ấy, và câu chuyện đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.
**
Theo lời thánh Luca kể: Hôm ấy, trong khi Đức Giêsu cùng các môn đệ đang chuẩn bị “vào làng kia”, thì bỗng nhiên, có một người phụ nữ tên là Mác-ta tiến đến. Cô ta ngỏ ý mời “Người vào nhà”.
Cô Mác-ta… Vâng, cô ta là chị của cô Maria và ông Lagiarô, cư ngụ ở Bêtania. Và hôm nay, việc cô Mác-ta mời Đức Giêsu vào nhà mình cứ tưởng rằng sẽ đem lại cho cô ta niềm vui và hạnh phúc.
Thế nhưng, thực tế lại không phải là như thế. Niềm vui Đức Giê-su đến và hạnh phúc được phục vụ Ngài đã biến cô Mác-ta cứ như một con rối.
Cô Mác-ta đã “rối” lên vì việc chỉ một mình cô “tất bật lo việc phục vụ”. Nào có phải chỉ một Thầy Giêsu đâu! Còn đó là cả những người môn đệ của Ngài nữa, mười hai người… chứ ít gì đâu! Vâng, quả là một gánh quá nặng, thế mà cái con bé Maria lại cứ thản nhiên “ngồi bên chân Chúa…”
Mệt, chắc hẳn là thế, thế nên cô Mác-ta đến bên Đức Giêsu than thở: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?”. Đáng tiếc thay! Lời cầu cứu của Mác-ta không được đáp ứng. Trái lại, nó bộc lộ nơi cô nàng một sự mệt mỏi, nản lòng, nếu không muốn nói là hờn dỗi.
Vâng, chúng ta có thể tưởng tượng, cô Mác-ta khi đó đã hờn dỗi cất tiếng ca, ca rằng: “Ta còn biết làm gì khi thân ta mệt nhoài. Mong sao trời đừng sớm nắng chiều mưa…” (trích nhạc phẩm: hờn dỗi).
“Mác-ta! Mác-ta ơi!” Ừ, cô cứ hờn dỗi đi… Sự thăm viếng của Thầy Giê-su trở thành gánh nặng cho cô sao! Để tỏ lòng hiếu khách, hà tất phải mân cao cỗ đầy!
Nhìn kìa! hãy nhìn ông Dakêu, khi được Đức Giêsu thổ lộ rằng “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”, đâu thấy ông ta “tất bật” lo việc cơm nước cho Đức Giêsu! Trái lại, Dakêu vẫn có thể tỏ lòng hiếu khách của mình thật chân tình chỉ bằng những giây phút “ta với ta” bên Ngài.
Ấy vậy mà, qua những giây phút tâm tình đó, Đức Giêsu không chút phàn nàn về ông ta, trái lại, Ngài nói với Dakêu rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (x. Lc 19, 9).
“Mác-ta! Mác-ta ơi!” Không phải Thầy không thấy Mác-ta “đầu tắt mặt tối”. Không phải Thầy muốn “đì” Mác-ta nên không quan tâm đến lời yêu cầu của cô. Bảo em Maria giúp một tay ư! Ai lại làm thế! Em nó đang “ngồi bên chân Chúa”, em nó cũng đang tỏ lòng hiếu khách với Thầy bằng cách ngồi bên Thầy tâm tình “ta với ta”, kia mà!
Hôm ấy, Đức Giêsu nói với cô Mác-ta rằng, Maria – cô em gái của nàng, “đã chọn phần tốt nhất”. Phần-tốt-nhất “và sẽ không bị lấy đi” (x.Lc 10, 42).
***
Câu chuyện đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Thế nhưng, dường như ở đâu đó, trong gia đình, trong giáo xứ, v.v… vẫn còn xảy ra hiện tượng Mác-ta. Vẫn còn đó trong cộng đoàn một số cô Mác-ta “đầu tắt mặt tối” quét dọn nhà thờ, trong khi đó một số quý cô khác, tay cầm chổi nhưng miệng lại “tám chín” lung tung… Đây là chuyện “có thật”. Và, một số cô Mác-ta đã nản lòng, không tham gia vào việc quét dọn nhà thờ nữa.
Vâng, nếu chúng ta là một Mác-ta, đừng nghĩ rằng Đức Giê-su coi thường sự phục vụ. Chính Ngài đã nói “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43).
Nếu chúng ta là một Mác-ta ư! Hãy “tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca” (x.1Pr 4, 9), thì mới thực sự là “đầy tớ mọi người”, đúng như lời truyền dạy của Đức Giê-su, được nêu trên.
Nếu chúng ta là một Mác-ta ư! Tốt, bởi vì xã hội hôm nay vẫn cần rất nhiều Mác-ta. Nói rõ hơn, cần rất nhiều người phục vụ. Nếu người viết không lầm, cô Mác-ta đã được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.
Nếu chúng ta là một Mác-ta ư! Đừng để bị quá tải. Bởi nếu bị quá tải, thánh Bênêđictô, (không phải ĐTC Bênêđictô XVI nha!), có lời chia sẻ rằng: “bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim, tinh thần bị thương tổn, trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán.” (nguồn: internet).
Quý bà, quý chị em và những ai xung phong là người phục vụ nhớ kỹ lời khuyên này nhé! Ơn-Chúa-bị-phân-tán sẽ dẫn đến nổi cáu, bực tức, càm ràm, v.v… và như thế sẽ làm cho sự phục vụ của mình mất đi ý nghĩa, phải không, thưa quý vị!
Nói về cô Mác-ta rồi. Bây giờ chúng ta trở lại với cô Maria. Thánh sử Luca cho biết, “Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”.
Đức Giê-su đã dạy điều gì cho cô Maria? Thưa, thánh Luca không ghi lại. Tuy nhiên, qua cách diễn tả tư thế “ngồi bên chân Chúa” của cô Maria, thánh sử muốn nói với mọi người rằng, cô ta đang ngồi trong tư thế của một người môn đệ lắng nghe lời dạy dỗ và sẵn sàng đón nhận lệnh truyền của Thầy mình.
Khởi đầu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, trải qua bốn mươi ngày trong hoang địa, bị Satan cám dỗ về miếng ăn, Đức Giê-su nói “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
Chưa hết. Vào một lần nọ, Đức Giê-su có lời phán truyền: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người…”
Vâng, dựa vào hai lời phán truyền nêu trên, chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Giê-su, nhân cơ hội này, đã “dạy” cô Maria về những gì có liên quan đến Nước Trời.
Mà, nói đến Nước Trời thì sao nhỉ! Thưa, Đức Giê-su có nói, đó là nơi con người “được ngang hàng với các thiên thần”. (x.Lc 20, 36). Được ngang-hàng-với-các-thiên-thần thì còn cần gì phải nghĩ đến việc ăn, việc uống v.v… cần gì phải “băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá” như cô Mác-ta! Thế nên, nói cô Maria đã “chọn phần tốt nhất” đúng thôi.
****
Hai chị em cô Mác-ta và Maria đã có một sự lựa chọn. Một người phục vụ và một người ngồi bên chân Chúa. Với chúng ta hôm nay, chúng ta cũng có một lựa chọn! Có khó quá không?
Vâng, trước khi lựa chọn, tưởng chúng ta cũng nên biết “ngồi bên chân Chúa”, theo ý nghĩa của hôm nay nghĩa là gì.
Ngồi-bên-chân-Chúa nghĩa là gì? Thưa, Lm Charles E. Miller chia sẻ rằng: “Theo một ý nghĩa thẳm sâu, anh chị em phải hiểu rằng, trong thánh lễ, chúng ta cũng ngồi bên chân Chúa Giêsu ở phần phụng vụ Lời Chúa. Công Đồng Vatican II đã dạy rằng: Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong nhà thờ” (Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 7).
Đó là sự khác biệt về việc “ngồi bên chân Chúa” giữa cô Maria xưa và chúng ta hôm nay. Một sự khác biệt nữa, của hôm nay, đó là Chúa Giê-su là người phục vụ chúng ta, chứ không phải chúng ta là người phục vụ Chúa.
Thật vậy, tiếp tục lời chia sẻ, Lm Charles E. Miller cho biết “nơi bàn tiệc Thánh Thể, Chúa Giêsu phục vụ chúng ta ‘Mình và Máu Đức Kitô’, không phải do Macta dọn ra mà do chính Người dọn ra”.
Và đó là lý do, chúng ta chẳng có gì để lựa chọn. Chẳng có gì lựa chọn giữa việc làm của cô Mác-ta và việc làm của cô Maria. Nói như thế để chúng ta hiểu rằng, đó là chúng ta phải làm cả hai công việc: Phải quân bình giữa sự phục vụ cũng như việc ngồi bên chân Chúa.
Về điều này, một nhà truyền giáo có lời chia sẻ, rằng: “Đức Giê-su dạy chúng ta cần quân bình giữa thời gian phục vụ và thời gian thờ phượng (đi nhà thờ, lắng nghe tiếng Chúa - học Lời Chúa, và cầu nguyện). Nếu không thờ phượng, sự phục vụ của chúng ta sẽ trở nên khô cứng, vô quyền.”
Đúng, nhiều tổ chức xã hội (xin miễn nêu tên, nha!) phục vụ người dân trong dịch Covid 19 vừa qua, đã bị rất nhiều lời than vãn, thậm chí rủa xả trên cộng đồng mạng cũng chỉ vì “khô cứng… vô nhân”.
Trở lại với nhà truyền giáo. Ông ta chia sẻ tiếp: “Nếu chỉ thờ phượng mà không phục vụ Đức Chúa Trời và đi ra để phục vụ người khác, đức tin chúng ta trở thành đức tin chết (x.Gc 2, 17)”.
Cuối cùng nhà truyền giáo kết luận: “Tuy nhiên, cần nhớ rằng Lời Chúa phải luôn là nền tảng của chúng ta trong sự thờ phượng và phục vụ.”
Lời chia sẻ của nhà truyền giáo rất hợp với lời Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã khuyên, ngài khuyên rằng: “Hãy đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa.”
“Mác-ta ơi! Mác-ta ơi! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.” Đức Giê-su cũng sẽ nói với chúng ta như thế? Đúng, Ngài sẽ nói, nhưng sẽ nói khác hơn một chút, đó là: “Con ơi! Con ơi! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Hãy đặt Chúa lên trên hết mọi sự.”
Vâng, với chúng ta hôm nay, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, đó là: “Hãy đặt Chúa lên trên hết mọi sự.”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn