TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người tôi trung đau khổ

Thứ bảy - 08/05/2021 10:15 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1147
Người tôi trung đau khổ

Người tôi trung đau khổ

 

Hình ảnh của con người chịu nhiều đau khổ Isaia nói đến là Người mang lấy tất cả đau khổ của nhân loại, vì thương xót con người lầm than, nghèo đói, nạn nhân chiến tranh, áp bức, bóc lột, di dân… đang gánh chịu. Người tôi trung đau khổ dù gánh hết mọi đau thương của nhân loại, nhưng Người vẫn mang một niềm tin yêu, hy vọng cho nhân loại mới được khai sinh. Vậy đâu là ý nghĩa đau khổ của Người tôi trung?

Đau khổ do tội lỗi con người gây nên.

Vườn địa đàng là một dấu ấn hạnh phúc khi con người được dưng nên. Đau khổ đi vào làm mất đi hạnh phúc đó, vì chính trong sự tự do của con người không chọn theo Thánh Ý Thiên Chúa mà lựa chọn theo tính kiêu ngạo của mình (St 3).

Tính kiêu ngạo gây ra biết bao tội lỗi khác nơi con người. Họ không cần theo Chúa hướng dẫn, họ tìm theo sở thích của mình: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” (Ga 8, 23 – 24).

Đau khổ tự mình gây nên, thường do tự chất thêm vào nỗi đau của mình bằng việc quá nhạy cảm, phản ứng thái quá với điều nhỏ nhặt và đôi lúc lẫn lộn sự việc với sứ vụ làm đổ vỡ những ân sủng dài lâu. Hoặc đôi khi lý giải sai theo ý kiến của mình, xét theo quan điểm “cái tôi” không để ý đến sự thật khách quan. Chúa Giêsu dạy điều tiên quyết trên hết mọi sự: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33). Trong mọi chuyện xảy đến cho con người, con người cần tham khảo, hiểu theo Lời Chúa dạy bảo qua biến cố đó, tìm ra Thánh ý Người, điều nào quan trọng “công việc của Chúa hay là chính Chúa” (Người tôi tớ, Giám Mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận). Tránh những đau khổ không đáng có do chính mình gây nên!

Đau khổ không do tự nơi mình.

Chúa Giêsu là mẫu mực cho con người đau khổ ấy, “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pet 2, 24). Khi mời gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ theo bước chân Người gánh lấy đau khổ không do mình như một mối phúc nói đến trong bài giảng trên núi (Mt 5, 1 – 12). Đó là phương cách thay đổi góc nhìn, thay vì nhìn vào chính sự bất công mình phải chịu, những đau khổ tự dưng xảy đến, thì nhìn với một thực tại khác có tính chất sống Lời Chúa hơn.

Chuyển hoá đau khổ.

“Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.” (Ga 16, 21). Khả năng con người được Chúa ban cho lớn lao là chuyển hoá đau khổ thành phương tiện cứu rỗi, “ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35). Đau khổ chuyển hoá thành lời cầu nguyện, thành điều bớt đi “cái tôi, ích kỷ”, để cùng gánh lấy đau khổ thông phần vào trong Thánh Giá Chúa. Hy sinh, hiến tế vì anh chị em của mình là một lời mời gọi thiết thật chuyển hoá đau khổ thành Niềm Vui Tin Mừng.

Đau khổ để cảm thông, làm phong phú thêm lòng thương xót.

Điều tuyệt diệu nhất trong đau khổ mà Chúa Giêsu dạy là biến nó trở thành sức mạnh của Tình Yêu. Khi đề nghị “vác lấy thập giá mình”, Chúa Giêsu đã khóc ba lần. Đó là: khóc thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá (Lc 19, 44), khóc thương đứa con trai góa phụ thành Naim khi người ta mang chàng đi chôn (Lc 7, 11- 17), và khóc thương bên mồ Ladarô đã chết bốn ngày (Ga 11,1 -14).

Thánh Phalô chia sẻ điều mình đã trải nghiệm và phải cưu mang những đau khổ, “tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cor 12, 10). Khi từ biệt cộng đoàn tín hữu tại Corinthô, ngài đã khóc để mời gọi: “Chớ gì giữa anh em đừng có chia rẽ, ghen tương, oán ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn. Tôi sợ rằng lần sau đến thăm anh em, Thiên Chúa của tôi lại để tôi phải nhục vì anh em, và tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải về những việc ô uế, gian dâm và phóng đãng họ đã làm.” (2Cor 12, 20 - 21).

Đau khổ nơi bản thân để trở nên con người dễ thương cảm với anh chị em mình, để hiểu được chính những đau khổ người anh chị em mình đang mang. Chúa Giêsu đến hoàn tất lời tiên tri Isaia: “Sự thật là chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Is 53,4-5).

Lạy Chúa, Chúa dạy cho chúng con nên như người tôi trung là nên giống Chúa. Biết tránh những đau khổ do mình gây nên, đón nhận quả cảm đau khổ không do tự nơi mình, biết chuyển hoá đau khổ thành phương tiện cứu rỗi, chuyển hoá thành tình thương, lòng thương xót, cảm thông. Xin cho chúng con vác thập giá mình và theo Chúa.

Lm Giuse

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây