TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Được Sai Đi

Thứ sáu - 07/05/2021 19:18 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   862
Được Sai Đi

Được Sai Đi

Người môn đệ được sai đi được mang gậy và đi giày, gợi lên những ý nghĩa quan trọng.

Cây gậy và cây trượng:

Thánh Vịnh gợi lên hình ảnh có Chúa cùng đi, với sứ vụ của vua Đavit, ông được an lòng nhờ Chúa Đấng bảo trợ cho ông “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Cây gậy và cây trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an lòng.” (Tv 23, 4). Người môn đệ được sai đi, không chỉ đi một mình, luôn có Chúa đồng hành với họ.

Mang cây gậy của người mục tử. Gậy được làm bằng một cây uốn cong ở một đầu. Gậy được ví như cánh tay nối dài, có vai trò chỉ đường, dẫn dắt. Đầu móc uốn cong như chiếc vòng cổ mở có tác dụng kéo con chiên muốn xa bầy trở về và dễ cầm nắm để xua nhẹ đàn chiên. Cây trượng là một cây có một đầu nhọn, được bọc bằng kim loại. Cây trượng như một vũ khí để xua đuổi thú dữ, biểu tượng cho sức mạnh và quyền uy của người mục tử.  Được sai đi với cây gậy đi đường, người môn đệ luôn ý thức có Chúa cùng đồng hành, chính Chúa là Đấng quy tụ và dẫn dắt dân của Người. Người mục tử được sai đi như là khí cụ Thiên Chúa dùng, hoàn toàn tuỳ thuộc vào Chúa. Thế nên, người được sai đi cần có một đời sống cầu nguyện như vai trò người mục tử trung gian giữa trời và đất, sống gắn bó với Chúa, để chính Chúa thực hiện qua cuộc đời người được sai đi, đến với người khác.

Không bị, không lương thực, không tiền.

Người được sai đi sống hoàn toàn dựa vào người đón nhận Tin Mừng nuôi sống. Với điều này, Chúa dạy người môn đệ sống khiêm nhường, không phải chỉ là đem cho, phân phát, mà còn là người đón nhận nhờ vào  lòng bao dung của người khác. Người được sai đi luôn ý thức rằng mình thuộc về cộng đoàn được sai đến và sống nhờ Lời Chúa. 

Người môn đệ được đón nhận từ nơi anh chị em, nơi họ đến. Điều này cũng cho thấy rằng, người môn đệ hãy biết giữ mình trong sứ vụ được sai đi, để người khác yêu mến, tôn trọng, không phải vì chức quyền mà qua cách sống  thân thiện với cộng đoàn được sai đến. Người mục tử đón nhận nhưng không từ nơi Thiên Chúa và cũng đón nhận nhưng không từ lòng yêu thương của cộng đoàn, chính họ sống sao cho phù hợp với ý muốn của Đấng sai họ đi.

Chân đi dép.

Đó là một ơn gọi sống tự do trong Chúa. Thời Đế quốc Roma, những người nô lệ không được chân mang giày, dép. Cũng “Theo phong tục thời xưa tại Ít-ra-en, khi có chuyện liên quan đến quyền bảo tồn hay việc đổi chác, để xác nhận việc đó, thì người này cởi dép trao cho người kia. Ðó là cách chứng nhận tại Ít-ra-en.” (Rut, 4, 7 -8). Trong việc được mang dép, Chúa Giêsu trao cho các môn đệ gia tài Lời Chúa để đem đi phân phát và cũng là để tiếp tục công trình Cứu Độ Chúa đến tận cùng trái đất. Giày dép là biểu tượng của người đi đường. Chân đi dép, Chúa Giêsu muốn nói đến thái độ sẵn sàng của người môn đệ, và  gợi nhắc hình ảnh tươi vui tràn trề của người mang Tin Mừng đến cho muôn dân: “Đẹp thay trên đồi núi, bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ, và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.” (Is 52, 7).

Là người môn đệ được Chúa sai đi, mỗi người chúng ta trở thành nhân chứng Tin Mừng lòng thương yêu của Thiên Chúa. Sẵn sàng ra đi, sống với anh chị em, liên kết với nhau trong cùng một niềm vui cứu độ, có Chúa ở cùng trong các hoạt động, để chính Chúa là tác nhân biến đổi lòng người đón nhận Niềm Vui Tin Mừng.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây