TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng nhẫn nại

Thứ tư - 12/05/2021 04:13 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   815
Lòng nhẫn nại

Hãy có lòng nhẫn nại

Trên internet có lưu truyền một câu chuyện, nội dung như sau: Trong một phật đường, vào một buổi giảng kinh với sự hiện diện của rất đông phật tử. Hôm đó, chẳng hiểu vì sao, giọng giảng kinh của sư cụ quá đơn điệu và tẻ nhạt, thêm vào đó, khung cảnh nên thơ của mùa xuân với những làn gió hiu hiu đã làm cho gần như cả phật đường ngủ gà ngủ gật.

Có một người vẫn ngồi ngay ngắn, chú tâm nghe sư cụ giảng những triết lý cao siêu về đạo Phật. Thấy ông ta chăm chú nghe, một người ngồi bên cạnh hỏi: “Mọi người đều ngủ gật hết rồi. Tại sao ông lại cố tập trung tinh thần để nghe những triết lý khô cứng với giọng điệu buồn tẻ như thế!”.

Đáp lại bằng nụ cười, ông ta nói: “Ông nói đúng. Tôi cũng rất buồn ngủ. Nhưng khi đúng vào lúc sắp nhắm mắt, tôi chợt nghĩ rằng, tại sao không nhân cơ hội này để thử thách sức chịu đựng, sự nhẫn nại và lòng kiên trì của mình đến đâu? Khi nghe mới nửa bài giảng, tôi cảm thấy mình chưa cố gắng lắm, nên bèn nhắc nhở bản thân phải cố gắng nhẫn nại kiên trì hơn nữa. Nếu lấy sự nhẫn nại, kiên trì để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống thường nhật, thì có chuyện gì mà không giải quyết được chứ? Tôi đã quyết định phải nhẫn nại và kiên trì đến cùng.”

Nói xong, ông ta lại chú tâm nghe sư cụ giảng. Vài năm sau, sự nhẫn nại và lòng kiên trì đã được ông ta đem ra áp dụng trong việc khai quốc triều Minh và đã thành công. Ông ta chính là Chu Nguyên Chương.

Sự nhẫn nại và lòng kiên trì của Chu Nguyên Chương gợi cho chúng ta nhớ đến một dụ ngôn, một dụ ngôn đã được Đức Giêsu đem ra để dạy cho các môn đệ của Ngài một bài học về sự cầu nguyện. Dụ ngôn đó được chép trong Tin Mừng thánh Luca với tựa đề là “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy” (Lc 18, 1-8).

**
Vâng, dụ ngôn đã được kể rằng: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 18, 2).

Mở đầu câu chuyện, có thể nói rằng, thật bất hạnh cho những ai phải sống dưới sự cai trị của những ông quan như thế. Tại sao? Thưa, bởi, kinh nghiệm lịch sử con người, hàng trăm năm qua, chưa thấy một ông quan “vô thần” nào được coi là “dân chi công bộc” cả.

Ông quan tòa trong dụ ngôn, theo sự mô tả như trên, nếu không “nhất thân nhì thế”, nếu không sử dụng chiêu thức “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” thì thật khó để mà đến “cầu cạnh” ông ta điều gì.

Thế nhưng, có một người, một người đàn bà góa, dám đến. Không chỉ đến một lần, chuyện kể rằng, “Bà này đã nhiều lần đến”. Đến để làm gì? Thưa, là để “xin ông ta minh xét”, minh xét việc có một người muốn “hại bà”...

Tưởng chúng ta cũng cần biết, xã hội thời đó, thời mà người ta trọng nam khinh nữ, thường người đàn bà phải chịu sự câm nín, không được có tiếng nói nơi cộng đồng. Tuy nhiên, bất chấp những rào cản hủ tục, bà góa trong dụ ngôn vẫn cứ “một liều ba bảy cũng liều” mà đến.

Chuyện gì sẽ xảy ra cho bà góa, khi mà quan tòa thời đó được mô tả là “Tất cả bọn chúng đều thích ăn hối lộ, và chạy theo quà cáp. Chúng không phân xử công minh cho cô nhi, cũng chẳng quan tâm đến quyền lợi quả phụ”? (Is 1, 23).

Chuyện gì sẽ xảy ra cho bà góa, khi họ còn “đặt ra những luật lệ bất công… viết nên các chỉ thị áp bức… để biến bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi”? (Is 10,2)

Vâng, đúng là có chuyện xảy ra, nhưng, thật không thể tin được, chuyện xảy ra lại có chiều hướng thuận lợi cho bà góa. Cái thuận lợi đó, có thể nói, phát xuất từ việc bà góa này “quấy rầy mãi” ông quan tòa.

Thật vậy, trước sự nhẫn nại và lòng kiên trì “quấy rầy mãi” của bà góa, ông quan tòa đã bày tỏ thái độ, dù rằng, thái độ của ông ta chẳng khác nào thái độ của một đứa trẻ con, một đứa trẻ con chỉ biết lý-sự-cùn. Hôm đó, ông quan tòa lý sự rằng: “Ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”. (Lc 18, …5)

***
Để thành công trong công việc, Edison cho rằng, do 10% thiên tài, phần còn lại là do 90% sự nhẫn nại và lòng kiên trì.

Bà góa trong dụ ngôn, không phải là một thiên tài hùng biện, thế nhưng bà đã thành công trong sự thuyết phục ông quan tòa, sự thành công đó chính là do sự nhẫn nại và lòng kiên trì “cứ đến hoài” của bà ta.

Là môn đệ của Đức Giêsu ư! Phải có hành động và tâm tình như bà góa. Điều đó đã được Đức Giêsu khẳng định qua lời nói, rằng: “Anh em đã nghe quan tòa bất chính nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không mình xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18, 6-7).

Lịch sử đã trả lời cho chúng ta rằng; Thiên Chúa “đã minh xét” cho những kẻ có sự nhẫn nại và lòng kiên trì “ngày đêm hằng kêu cứu với Người”.

Câu chuyện người Do Thái giao chiến với người Amalech là một ví dụ điển hình.

Chuyện kể rằng: hồi đó, khi dân Do Thái đang trên đường đến miền đất hứa. Bất ngờ họ bị người Amalech chận đánh tại Rophidim. Amalech là một đạo quân tinh nhuệ. Trong khi đó, người Do Thái chẳng khác nào một đám quân ô hợp. Nói cách khác, giữa Do Thái và Amaléch chẳng khác nào “trứng chọi đá”.

Thế nhưng, như người đời thường nói: “thấy vậy mà không phải vậy”. Đúng, hôm đó, cứ tưởng rằng trứng sẽ bị nghiền nát bởi đá, ngược lại, (trứng) Do Thái đã “đánh bại (hòn đá) Amalech… xóa hẳn tên tuổi Amalech, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa”. (x.Xh 17,13…14).

Nhờ đâu, người Do Thái có được chiến tích như thế? Thưa, đó là nhờ ông Môsê, ông ta đã nhẫn nại, kiên trì “đứng trên đỉnh đồi” kêu cứu Thiên Chúa “cho đến khi mặt trời lặn”. (x. Xh 17, 12)

Vâng, nói như thánh Phaolô đã nói: ông Môsê đã cầu xin Thiên Chúa “với tất cả lòng nhẫn nại” (2Tm 4, …2).

****
“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. (Lc 18, 1).

Chúng ta thường hay nản chí khi cầu nguyện, phải chăng là vì lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm?

Lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm, phải chăng là vì chúng ta chưa đủ sự nhẫn nại và lòng kiên trì?

Chưa đủ sự nhẫn nại và lòng kiên trì, phải chăng là vì chúng ta chưa đủ lòng tin?

Người đàn bà góa trong dụ ngôn, có phần chắc, bà ta có lòng tin, tin rằng, ông quan tòa có thể giúp bà ta “minh xét” chuyện của mình, cho nên bà ta đã nhẫn nại và kiên trì không mệt mỏi “cứ đến hoài” để cầu xin ông ta.

Vẫn biết rằng, như lời Jean Jacques Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát, nhưng quả của nó lại ngọt - Patience is bitter, but its fruit is sweet”.

Thế nhưng, sự “đắng chát” đó lại rất cần thiết, nó chính là sự thử thách lòng tin. Mà một khi lòng tin được thử thách, chúng ta sẽ được thừa hưởng “vị ngọt” của nó, vị ngọt của nó, thánh Giacôbê nói: chính là “lòng kiên nhẫn”. (Gc 1, 3)

Khép lại dụ ngôn “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy”, Chúa Giêsu cảnh báo: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Nếu đây là câu hỏi Chúa dành cho chúng ta hôm nay, chúng ta sẽ trả lời sao đây?

Nói cách khác, làm sao để lời cảnh báo này, không phải là lời cảnh báo dành cho chúng ta?

Thưa, chỉ có một cách duy nhất, đó là, ngay hôm nay, hãy sống đức tin, cầu nguyện, và rao giảng lời Chúa “với tất cả lòng nhẫn nại”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây