TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đâu là lời nguyện chân thành!

Thứ tư - 12/05/2021 04:15 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   832
Đâu là lời nguyện chân thành!

Đâu là lời nguyện chân thành!

Tính từ năm 2000 cho đến hôm nay, chúng ta đã trải qua hơn một thập niên của thế kỷ hai mươi mốt, một thế kỷ với một nền văn minh vượt trội.

Có một số người cho rằng, với một nền văn minh vượt trội như hôm nay mà còn nói tới sự cầu nguyện thì quả là quá lạc hậu, ấu trĩ. Lạc hậu, bởi, họ cho rằng, cầu nguyện chỉ chứng tỏ mình là những người hèn yếu, nhút nhát và ỷ lại vào thần quyền. Họ cho rằng, với một nền khoa học tân tiến như hôm nay, thì cần gì phải ngửa mặt lên trời cầu xin “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…” mà chỉ cần vận dụng những hiểu biết về khoa học thì cũng đủ sức “thay trời làm mưa”…

Một số người khác lại nghĩ rằng, nếu Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, là Đấng toàn năng như lời Kinh Thánh đã chép rằng, “Cha anh em thừa biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” thì cầu nguyện làm gì cho mất thời gian! Cầu nguyện làm gì nữa vì Chúa biết hết mọi sự rồi kia mà!

Vâng, với quan điểm thứ nhất, đó là một quan điểm ngạo mạn. Còn quan điểm thứ hai, quả là một quan điểm ấu trĩ.

Từ ngàn xưa, con người đã biết tới cầu nguyện. Bất cứ tôn giáo nào, cũng đều khuyên người tín hữu phải cầu nguyện luôn. Nhân sinh càng tội lỗi, điêu linh thì con người càng phải cất tiếng cầu nguyện.

Mahatma Gandhi đã nói rằng: “Tôi chẳng làm một điều chi viên mãn mà không cầu nguyện”. Pythagore thì khuyên rằng: “Khi ngươi khởi công tu luyện thì nên cầu nguyện Thần minh luôn luôn để nhờ ơn giúp sức”. Còn Chúa Giêsu - Ngài đã phán rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt7, 7).

Chỉ có điều, phải cầu nguyện như thế nào, để lời cầu nguyện của chúng ta, “sẽ vọng tới các tầng mây… (và) sẽ được Người chấp nhận”? (Hc 35, 16). Vâng, dụ ngôn “người Pharisêu và người thu thuế” được Đức Giêsu đã kể trong những ngày còn tại thế, chính là câu trả lời mà chúng ta cần suy gẫm.

**
Dụ ngôn đã được kể rằng: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Phariseu còn người kia làm nghề thu thuế ” (Lc 18, 10)

Người Pharisêu là ai và người thu thuế là ai? Thưa, Pharisêu là những người có địa vị cao và được tôn trọng trong cộng đồng tôn giáo do danh tiếng của họ về lòng nhiệt thành tuân giữ lề luật cách nghiêm ngặt.

Còn người thu thuế ư! Ôi! họ chỉ là những người cộng tác với Đế Quốc Roma, những kẻ lợi dụng chức quyền để nhũng nhiễu dân chúng, họ thường bị xem là “phường tội lỗi”.

Vâng, những gì người ta đã nói về những người Pharisêu và người thu thuế quả là đúng vào trường hợp ông Pharisêu và người thu thuế được nêu trong dụ ngôn.

Hôm đó, nơi đền thờ, ông Phariêu chứng tỏ danh tiếng của ông ta, ông ta đã “đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không bao như kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình… Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11-12).

Người thu thuế thì cũng thật trầm lặng, anh ta “chẳng dám ngước mắt lên trời… vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13).

Hai bài cầu nguyện nêu trên, đủ để cho người họa sĩ vẽ lên hai con người, một công chính và một tội lỗi.

Và với cái nhìn của một phàm nhân, có ai lại không ngưỡng mộ anh chàng Pharisêu và ném về người thu thuế một ánh mắt khinh miệt.

Thế nhưng, dưới cái nhìn của Đức Giêsu, một cái nhìn của Đấng “chẳng thiên vị ai”, Ngài đã lên tiếng rằng: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không”.

“Người này”… là ai? Thưa, chính là “tên thu thuế đứng đàng xa”. Còn “người kia”? Thưa, còn ai nữa ngoài “ông Pharisêu” ưỡn ngực đứng thẳng ngạo nghễ nơi đền thờ.

***
Tại sao là có chuyện nghịch lý như vậy? Thưa, bởi, Đức Giêsu đã nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. (Lc 5,31).

Thì đấy, bước khởi đầu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã chẳng từng kêu gọi mọi ngươi “hãy sám hối” và trong những lần giảng dạy Ngài cũng đã chẳng từng nói “Vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (thì) cả triều thần Thiên Quốc đều vui mừng hớn hở”, đó sao? (Lc 15,7).

Người thu thuế đúng là kẻ tội lỗi như lời anh ta thú nhận. Chẳng những đã thú nhận tội lỗi mình, anh ta còn có lòng sám hối ăn năn khi thưa rằng: “xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Kinh Thánh có chép rằng: “Từ bỏ gian tà thì đẹp lòng Thiên Chúa” (Hc 35, 3). Anh chàng thu thuế nhận ra mình “là kẻ tội lỗi” có khác nào anh ta nói rằng “tôi từ bỏ gian tà”?

Vậy, có gì nghịch lý khi người thu thuế “trở xuống mà về nhà” và được đón nhận như một “người công chính”. Nói theo lời thánh Phaolô, anh ta đã được “công chính hóa”.

Thật ra ông Phariseu cũng sẽ được “vòng hoa dành cho người công chính”, bởi, như lời tông đồ Phaolô nói, “Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho… tất cả những ai hết tình mong đợi” (2Tm 4,8).

Thế nhưng thật là tệ! Tâm tình cầu nguyện của ông Phariseu có vẻ như không có một chút gì “mong đợi”. Thật vậy, lời cầu nguyện của ông ta đã tố cáo ông ta. Hãy nhìn xem, ông ta đã đem đến trước mặt Thiên Chúa những lời cầu nguyện như thế nào?

Những “công đức”, những “tiền bạc” ư? Đúng vậy, thế nhưng, những điều ông ta cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa đã không “xông mùi thơm ngạt ngào”, trái lại, nó giống như một món quà “hối lộ” để mong Đức Chúa ban cho ông tấm bằng khen “Người tốt việc tốt” như một số người đời nay thường làm.

Không… Với Thiên Chúa – “Đừng hối lộ, Người chẳng nhận đâu”. (Hc 35, 11).

Chưa hết, trong lời “cầu nguyện” của ông ta lại có hơi hám của sự “nguyền rủa”, rằng “con không như… tên thu thuế kia”. Ông Pharisêu quên rằng, Kinh thánh có nói: “Kẻ cầu xin, người nguyền rủa: Vị Chúa Tể sẽ nghe tiếng ai” (Hc 34, 24)

Ông Pharisêu quên rằng, nếu… nếu “Vị Chúa Tể” có nghe, thì Người chỉ nghe những “Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người…”. Phục vụ theo ý Người, Đức Giêsu nói, đó là biết “hạ mình xuống”.

“Hạ mình xuống”, chỉ cần như thế, vâng, “lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây” (Hc 35, 16).

****
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, thế nào là “hạ mình xuống”? Phải chăng là “đừng xét đoán”? Phải chăng là đừng bao giờ soi mói “cái rác trong con mắt của người anh em”… mà phớt lờ “cái xà trong con mắt của mình”?

Vâng, là một Kitô hữu, hôm nay, chúng ta “đến nhà thờ cầu nguyện” không phải chỉ “có hai người” nhưng là có rất nhiều người cùng đến với chúng ta. Nhiều người cùng đến nhà thờ với ta tránh sao cho khỏi nhiều cớ để ta “soi mói”, tránh sao cho khỏi việc ta “nhìn thấy nhiều cái rác, trong nhiều con mắt của nhiều người anh em”.

Cho nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng, có bao giờ chúng ta soi mói, khó chịu, bực bội “cái con mụ ngồi bên cạnh chúng ta” chỉ vì mụ ta “cứ để thằng con lên bốn ngọ nguậy suốt buổi lễ” khiến cho lòng ta chia trí không thể tập trung để cầu nguyện?

Hay chúng ta cảm thông, thấu hiểu được hoàn cảnh của người phụ nữ ấy, một người phụ nữ nghèo, đơn thân nuôi con, không đủ tiền gửi đứa con đó, cho ai đó giữ, để rảnh rang “đến nhà thờ cầu nguyện” cùng chúng ta?

Thưa bạn, bạn có Kinh Thánh không? Nếu có, chúng ta hãy mở Tin Mừng Luca (18, 15-16) vâng, chuyện kể rằng “Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay lên chúng. Thấy vậy, các môn đệ la rầy chúng. Nhưng, Đức Giêsu gọi chúng lại mà nói: ‘Cứ để trẻ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”.

Nơi nhà thờ, còn rất nhiều, rất nhiều cớ để ta, như ông Pharisêu trong dụ ngôn, lên án điều này, điều nọ với người này, người nọ, với vị linh mục này, với thầy giúp xứ kia… mà không tiện nêu ra đây.

Trở lại câu chuyện: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện”. Vâng, hôm nay, có rất nhiều người lên nhà thờ cầu nguyện, có rất nhiều cớ để chúng ta “phàn nàn” trong lúc cầu nguyện, thế nhưng, sẽ là tốt nhất nếu chúng ta “phàn nàn” chính chúng ta, rằng “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu xót. Lỗi tại tôi… lỗi tại tôi… lỗi tại tôi mọi đàng”

Hãy “phàn nàn với Chúa” trong lúc cầu nguyện, rằng: “Lỗi tại tôi… lỗi tại tôi… lỗi tại tôi mọi đàng”, bởi đó chính là “lời nguyện chân thành” nhất, một lời cầu nguyện giúp cho chúng ta “được nên công chính”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây