TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hạt sạn trong sân lúa

Thứ tư - 12/05/2021 03:56 |   922
Hạt sạn trong sân lúa

Hạt sạn trong sân lúa

Mỗi năm, khi vụ mùa thu hoạch trở về, người nông dân “một nắng, hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thở phào nhẹ nhõm bởi hoa trái sau một năm vất vả ngược xuôi, nay đã về tới sân nhà. Nhìn sân lúa màu vàng ươm, người nông dân vui mừng vì những công lao khó nhọc của mình đã được Thượng đế đáp đền.

Khi lúa đã được phơi khô, trước lúc cất vào kho, nhà nông thường sàng sảy, làm sạch sản phẩm của mình bằng cách lượm lặt và loại bỏ đi những rác rưởi, những hạt cát, hạt sạn. Dù mất nhiều công phu nhưng không thể loại bỏ hết những gì gọi là tạp chất đó được. Đó là điều không ai phủ nhận dù đã cố công làm bằng nhiều cách. Có những hạt sạn lẫn với những hạt lúa mẩy, có những hạt sạn lăn lóc luôn lỉ, lên xuống trên sàn dưới thúng, có những hạt sạn vô tình bị kẹt lại đâu đó trong công đoạn cuối của nhà nông cũng được chủ nhân đưa vào kho, và tồn tại ở đó.

Mỗi khi bưng chén cơm thơm hương lúa mới trên tay, người ta cảm nhận được mùi thơm ngọt ngào, nhẹ nhàng, phảng phất trong gió, quyện vào tâm hồn làm cho niềm vui, niềm hạnh phúc dâng trào, quên đi mọi lo toan nhọc nhằn thường nhật.

Bên cạnh đó, lắm lúc không phải hữu ý nhưng người ta vẫn gặp phải những hạt sạn giữa chén cơm thơm ngon đó, làm mất cả hứng thú, hương thơm lúa mới như tan biến đâu mất, để lại sự khó chịu và thầm trách người nông dân vô tình, vô tâm.

Chỉ một hạt sạn rất ư là nhỏ, nhưng nó làm cho người thưởng thức chén cơm rất ư là buồn. Buồn vì niềm vui chia sẻ với người nông dân sau vụ mùa không còn nữa, buồn vì hạt sạn đã làm mất giá trị đích thực của chén cơm thơm ngon giàu chất dinh dưỡng.

Cuộc sống con người vốn vẫn như thế. Có những hạt sạn thỉnh thoảng len lỏi vào làm cho nỗi bực dọc trào lên vì sự xuất hiện của nó không đúng lúc, đúng chỗ và đúng hoàn cảnh. Chỉ vì muốn mình được mọi người xem như hạt lúa mà đánh mất chính mình thì thật đáng buồn.

Tin Mừng cũng để lại cho chúng ta những dụ ngôn rất ư là gần gũi. Người được giao 5 nén đã cố gắng làm lợi 5 nén khác, người được giao 3 nén đã cố gắng không kém, còn người được giao cho 1 nén, thay vì cố gắng để làm lợi cho chủ nhân, người làm công đã chôn vùi nó trong tủi nhục và buồn chán.

Không thiếu những câu chuyện dở khóc dở cười chúng ta bắt gặp đâu đó trong cuộc sống. Không là trách nhiệm của mình, thế mà vẫn chen vào. Không là thích hợp với vị thế của mình, thế mà cũng len lỏi để xuất hiện. Không là bổn phận được giao phó nhưng có mặt trong những tình huống rất ư là nhạy cảm, thậm chí phản cảm, để lại cho những người chung quanh những nghĩ suy mông lung.

Những hạt sạn đó có thể tránh được, có thể lượm ra để một bên, không tạo nên những hiệu ứng dây chuyền cho sự hài hòa của cuộc sống. Nếu như ai đó thấy hạt sạn ẩn hiện trong chén cơm của mình, tất nhiên họ sẽ nhặt ra để chén cơm ngon hơn, thơm hơn và chủ nhân của nó bớt đi những ưu phiền.

Cuộc đời có nhiều thăng trầm, biến động và nhiều hạt sạn. Có khi chúng xuất hiện khách quan vì hoàn cảnh, thời thế, vì thế chẳng đặng đừng, và đôi lúc nó cũng xuất hiện cách chủ quan do con người kiến tạo. Hãy là người biết chân nhận giá trị của mình trước, vị thế và công việc hiện tại của bản thân, kế đó là tính xã hội của mình trong cuộc sống, để mạnh dạn nhặt ra những hạt sạn chủ quan, bỏ nó vào chỗ của nó, để cuộc đời đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Từ đó, chúng ta có thể kiến tạo một tương quan từ cuộc sống, đến công việc, dù đó là phục vụ hay làm công ăn lương đi nữa, để mỗi người được coi là một hạt muối nhỏ nhưng mặn tình thương, ấm tình người và là một ngọn nến nhỏ, sáng tinh thần khiêm tốn, nóng tình hiệp thông với mọi người.

Chút suy tư nhỏ lượm lặt bên lề cuộc sống, ước mong chia sẻ để vơi đi những thăng trầm của kiếp người hữu hạn, mong sự đón nhận và cảm thông.

Người giáo dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây