TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Con Dê Chịu Tội

Thứ sáu - 07/05/2021 18:48 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   789
devachien[1]
devachien[1]

Con Dê Chịu Tội

Dê là con vật liên tưởng tới nhiều việc yêu đương, món ăn khoái khẩu. Trong tôn giáo, con dê là vật hiến sinh, biểu trưng cho kẻ tội lỗi. Con dê nói chung cũng có nhiều điểm tích cực và cũng có cả những điểm tiêu cực mà nó biểu trưng.

Trong ý nghĩa của Thánh Kinh, tìm hiểu về con dê cũng có nhiều điều đặc biệt để suy nghĩ.

Con vật hiến sinh:

Để chứng thực giao ước giữa Thiên Chúa và Abraham, bằng tặng phẩm Chúa ban Đất làm gia nghiệp, Chúa đã bảo Abraham: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non." (St 15, 9) và đêm đến ngọn lửa thiêu đốt con vật xẻ đôi.

Con dê được Chúa nói với Môisê bảo cho Aharon giết đi làm lễ chuộc tội cho dân: “Nó sẽ nhận hai con dê đực để làm lễ tạ tội và một con cừu đực để làm lễ toàn thiêu, do cộng đồng con cái Ít-ra-en đem tới.” (Lv 16, 5). Con dê tạ tội là con dê được bốc thăm dành cho Thiên Chúa, con dê này đem giết đi, rảy máu như việc tẩy uế. Còn con dê dành cho quỷ Azazel là con dê phải mang lấy tội của dân, bị đưa vào hoang mạc nơi quỷ Azazel cư ngụ, nó đi và không bao giờ trở lại.

Theo một cách giải thích về truyền thuyết con dê đực chịu tội. Người ta thấy cái khuynh hướng  chối tội của con người phạm tội, thường hay đổ tội cho người khác, như trường hợp Adam đổ tội cho Eva khi ăn trái cấm. Bằng cách đổ lỗi cho người khác, con người muốn trút bỏ trách nhiệm của mình trong khi chỉ muốn quyền lợi, thỏa mãn chính mình.

Chiếc áo lông dê.

Theo Lời Chúa phán bảo cùng Moise lấy những tấm thảm lông dê để làm tấm vải lều che Hòm Bia (Xem Xh 26, 7). Thời bấy giờ theo quan niệm chung cổ xưa, người ta liên kết  giữa những cuộc thần hiện với khói bốc lên từ lòng đất. Khi đó những con dê cái thường hay nhảy dựng lên làm người ta chú ý đến hiện tượng đang xảy ra. Cũng từ quan niệm đó, để tưởng nhớ Đức Chúa hiện ra cùng Moise trên núi Sinai với hiện tượng núi Sinai nghi ngút khói (Xem Xh 19, 18), người ta dùng tấm thảm dệt bằng lông dê cái làm tấm vải bạt phủ lều Hòm Bia.

Bộ y phục cilicium được dệt bằng lông dê cái là chiếc áo lông gai, áo nhặm, được mặc bên trong áo ngoài. Chiếc áo mặc trong thời kỳ hãm mình, nhiệm nhặt, để cầu nguyện, bày tỏ ước nguyện muốn dâng chính mình như của lễ đền tội cho mình và cho người khác.

Của Lễ chiên, bò, dê Chúa không ưng.

Thay cho con vật hiến sinh, vì con vật vẫn là giống không ý thức, không mang đủ ý nghĩa đền tội, nó chỉ dùng làm con vật bị thay thế cho tội vạ của con người. Chính con người phải chịu trách nhiệm về lỗi phạm của mình, đó mới là hành vi nhân linh. Thế thì ai là người gánh tội? Người có tội gánh tội của mình, cùng lắm là chịu tử hình vì tội mình đã phạm, nhưng liệu có xóa hết những hậu quả của tội đã gây nên, vẫn là một bế tắc của con người mang tội tiêu vong?

Ai sẽ cứu tôi khỏi tội? “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130, 3). Thánh Phaolô cũng thưa lên “mọi người đều bị tội lỗi thống trị (Xem Rm 3, 9 – 18). Trong bế tắc đó, Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Chúa Giêsu: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1, 29). Tin Mừng theo Thánh Gioan loan báo: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16 – 17).

Này con xin đến (Tv 40, 8).

Của Lễ toàn vẹn đã được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô, nhưng mỗi người cũng được mời gọi tháp nhập của lễ hy sinh đời mình trong Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người được Chúa mời gọi: “Con tự hiến thánh con” (Ga 17, 19) trong ơn gọi của Bí Tích Rửa Tội. Nhờ Chúa Thánh Thần biến đổi cuộc đời mỗi người, ngày mỗi ngày, năm mỗi năm, trở thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Chính trong sự biến đổi của Chúa Thánh Thần mà mỗi người, cố gắng hãm mình, hy sinh. Đón nhận và sửa lỗi cho nhau, với lòng khoan dung, độ lượng để xây dựng đời sống nhân lành nơi chính mình và xây dựng đời sống cộng đoàn Giáo Xứ.

Năm Ất Mùi, năm đề cao đời sống thánh hóa cộng đoàn và đời sống thánh hiến. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết đón nhận lỗi lầm của nhau với sự rộng lượng tha thứ. Sửa lỗi cho nhau trong hy sinh và yêu thương. Cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ cùng nhau và cho nhau để được thánh hóa trong cộng đoàn để xứng là dân được hiến thánh cho Thiên Chúa.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây