Ngôi Lời đã làm người.
Lời từ muôn thưở được tỏ lộ ra cho con người, Lời làm nên mọi sự sống và toàn thể vũ trụ, Lời siêu việt đã hiện thân trong một Con Người là Đức Giêsu. Lời trở nên người (Ga 1, 14).
Khác với tất cả các truyền thống văn hóa hiểu về Lời, Lời là Một Thiên Chúa có Ngôi Vị, hiện hữu và đã làm người. Thánh Gioan bộc lộ cho chúng ta bí ẩn cuối cùng của mầu nhiệm Lời Chúa, khi đối chiếu hết sức chặt chẽ mầu nhiệm đó với chính mầu nhiệm Đức Giêsu, Con Thiên Chúa: là “Con, Đức Gêsu là Lời tự hữu, Ngôi Lời. Lời được nói qua các trung gian nay được tỏ lộ nơi con người lịch sử, điều mà trong thư gởi Do thái: “Sau khi đã nói với cha ông chúng ta qua Các sứ ngôn, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua con Ngài” (Dt 1, l).
Lời hằng hữu đã có từ đời đời, Lời mang một Ngôi vị là Thiên Chúa, và chính Ngài đã là Thiên Chúa (Gio 1,lt), Ngài là Ngôi Lời đã nhập thể, hiện thân. Ngài đã là Lời sáng tạo, trong Lời ấy mọi sự đã được tạo thành (1, 3 ; x. Dt 1, 2; Tv 33, 6tt), Ngài là Lời sáng soi đã chiếu sáng trong chỗ tối tăm của thế gian để đem đến cho con người mạc khải về Thiên Chúa (Ga 1, 4t. 9).
Lời nguyên thủy đã phán và mọi sự được có nhờ Lời. Lời mang tính sáng tạo, và sáng tạo toàn thể mọi loài, mọi sự cũng là cách ngỏ Lời với nhân loại. Lời đã chuẩn bị cho con người trước khi hiện hữu, có một chiếc nôi sự sống của thiên nhiên, của vạn vật. Thiên Chúa sáng tạo mọi loài bằng Lời phán ra, nhưng khi sáng tạo con người Thiên Chúa đã không chỉ phán, Người đã làm nên bằng hành động đầy yêu thương của Người. Lời không chỉ nói nhưng Lời đã chuyển vào cho con người hơi thở thần linh, khi Thiên Chúa hà hơi thở vào con người bụi đất làm nên sự sống. Con người mang hơi thở thần linh đã bước vào cõi thế với tự do và phẩm giá là hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa. Với tự do, con người đã làm cho hơi thở thần linh ấy bị suy giảm đi vì lỗi phạm của mình, nên con người phải chết, phải đau khổ. Lời đã sáng tạo, Lời ấy cũng là Lời chữa lành, Lời đã hành động và vẫn hoạt động nên Lời sau cùng, vào thời sau hết, Ngôi Lời đã công khai đi vào lịch sử bằng cách trở thành nhục thể (l, 14). Bây giờ, Ngài trở nên đối tượng kinh nghiệm cụ thể cho con người (l Gio 1, 1tt) đến nỗi chúng tôi đã thấy vinh quang của Ngài (Ga 1: 14).
Ngôi Lời đã làm Người, với tư cách Con duy nhất của Thiên Chúa, Ngài làm cho con người nhận biết Cha (l, 18); và để cứu rỗi con người, Ngài đã đưa vào thế gian ân sủng và chân lý (l, 14. 16t).
Người ở giữa thế gian, thế gian nhờ Người mà có, Người là trọng tâm của Lịch sử, một lịch sử quy hướng về Người và một lịch sử chờ đợi Người lại đến trong ngày quang lâm để tiêu diệt sự dữ, chiến thắng hoàn toàn trong ngày Khải Hoàn Thiên Quốc.
Là trung tâm của lịch sử cũng là một hiện tại đang tiếp diễn trong lịch sử, con người lúc nào và ở nơi nào cũng được đặt trước một sự lựa chọn. “Thực thế, việc Ngài đến trong thế gian đã gây nên một sự phân chia giữa họ. Một đàng, tối tăm đã không tiếp nhận Ngài (Gio 1, 5), thế gian xấu xa đã không nhận biết Ngài (l, l0), những kẻ thuộc về Ngài - dân riêng Ngài - đã không tiếp rước Ngài (l, 11): Đó là lịch sử Tin Mừng dẫn đến cuộc Khổ Nạn. Nhưng đàng khác, có những kẻ đã tin vào Danh Ngài (l, 12) những kẻ này đã nhận lấy bởi chính sự viên mãn của Ngài hết ân sủng này đến ân sủng khác (1, 16) và Ngài đã cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa (l, 12), vì bản tính Ngài đã là Con (l, 14. 18)”[1].
Lời đã mang tính lựa chọn từ ngày sáng tạo, con người trong mọi biến cố trong đời đều đứng trước một câu hỏi về ý nghĩa của nó. Xưa kia, trong trạng thái đau khổ bởi sự dữ, con người cũng đã bắt đầu tra vấn sự dữ từ đâu đến, những dằn vặt trong tâm linh đã chi phối con người và tại sao? Trong những tôn giáo tự nhiên, người ta tìm gặp những câu trả lời trong các thọ tạo khi họ bỏ thời gian thinh lặng để chiêm ngắm suy tưởng, những thử nghiệm bước vào cõi linh thiêng bằng tĩnh lặng ấy kết thành những phương pháp Yoga, thiền… Lời ngỏ ra trong thọ tạo, như “ngày này thuật cho đêm khác, không trung thuật lại việc tay Chúa làm” (Tv 18).
Thiên Chúa ngỏ Lời, Lời được ngỏ cho một dân tộc được tuyển lựa để làm phát sinh ra nhiều dân tộc khác. Thiên Chúa sau cùng nói Lời Mạc Khải nơi con người lịch sử Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Đây là một dấu ấn Lời bằng xương bằng thịt, một dấu ấn cụ thể là câu trả lời cho nhân loại về những vấn đề liên quan vận mệnh con người. Câu trả lời này, Đức Giêsu mời gọi nhiều người hơn nữa, không chỉ trong một dân tộc cũng chẳng bó hẹp trong biên giới một quốc gia mà mở ra trong thế giới toàn cầu.
Lời đã ở giữa nhân loại và Lời ấy cần nhiều môi miệng, nhiều con người dấn thân làm cho Lời trở nên hữu hiệu cho con người. Để Chúa sinh ra trong tâm hồn mỗi người là để Lời Chúa trở nên nguồn sống cho con người. Xin Người ngự đến!
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn