Một Giáo Hội Được Sai Đi
Đọc lại sứ điệp truyền giáo với chứng nhân lòng thương xót, Đức giáo Hoàng Phanxicô đề cập tới vai trò “Chứng nhân”. Một vài ý tưởng xin được chia sẻ.
Chứng nhân khởi đi từ kinh nghiệm.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 trong thông điệp “Đức Tin và Lý trí”, ngài viết: “Thật là huyễn hoặc khi nghĩ rằng đức tin, đối đầu với lý trí ốm yếu, có thể có nghị lực lớn lao hơn; trái lại, nó sẽ gặp nguy cơ lớn để trở thành thần thoại và mê tín. Cũng một cách, lý trí không có một đức tin trưởng thành trước mặt thì không được khích lệ để theo đuổi điều mới lạ và tính triệt để của hữu thể.” (48). Đức tin không được thu hẹp vào trong tình cảm và cảm nghiệm.
Với “Giáo Hội "được sai đi để loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim sống động của Tin Mừng" (Misericordiae Vultus, 12) và rao giảng về lòng thương xót trong mọi ngõ ngách của thế giới, đến với mọi người, già cũng như trẻ.”
Sứ vụ chứng nhân bắt nguồn từ Lời Chúa: “Khi lòng thương xót gặp gỡ một ai đó, nó đem một niềm vui sâu thẳm tới trái tim của Chúa Cha; vì từ ban đầu, Chúa Cha đã đứng về phía những người dễ bị tổn thương nhất, bởi vì sự vĩ đại và sức mạnh của Ngài được mặc khải cách rõ ràng trong năng lực của Ngài để đồng hóa với những người trẻ, những người bị bỏ rơi và bị áp bức (x. Đl 4, 31; Tv 86, 15; 103, 8; 111, 4). Ngài là một Vị Thiên Chúa ân cần, chăm sóc và trung thành, là Đấng gần gũi với những ai cần đến Ngài, đặc biệt là những người nghèo khổ; Ngài hòa mình cách nhẹ nhàng vào với thực tại của con người, giống như một người cha và người mẹ hòa quyện vào trong đời sống của con cái mình (x. Gr 31, 20).”
Kinh nghiệm của chứng nhân là để “Lời Chúa trở nên người” (Ga 1, 14) trong đời sống thường ngày.
Một Con Người cụ thể của Lòng Thương Xót.
Không thể đi xa hơn trong kinh nghiệm cá nhân nếu không bắt nguồn từ Chúa Giêsu là nền tảng cho mọi chứng nhân về lòng thương xót. Chính vì vậy thông điệp mời gọi: “Lòng thương xót được diễn tả cách trọn vẹn và cao quý nhất nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Chúa Giêsu mặc khải dung mạo của Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót; Ngài "nói và giải thích về lòng thương xót bằng cách sử dụng những sự so sánh và các dụ ngôn, nhưng trên tất cả, Ngài làm cho nó cụ thể và nhân cách hóa nó" (John Paul II, Dives in Misericordia, 2).
Thánh Phaolô khi nhận mình là người sinh sau đẻ muộn trong ơn gọi tông đồ, ngài đã đi từ chính kinh nghiệm nền tảng này: “Tôi là Phao-lô, Tông Đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy” (Gl 1, 1).
Chứng nhân từ giữa cộng đoàn.
Chứng nhân không chỉ là kinh nghiệm cá nhân mà còn được kín múc từ cộng đoàn đức tin trải qua nhiều thế kỷ, xuyên suốt nhiều thời đại qua các chứng nhân. “Giáo Hội hướng về ánh mắt của Chúa Kitô và cảm nhận được rằng Ngài đã chọn Giáo Hội bằng tình yêu thương xót của Ngài. Chính qua tình yêu này mà Giáo Hội khám phá ra lệnh truyền của nó (tình yêu), sống và làm cho mọi người nhận biết tình yêu đó bằng một cuộc đối thoại, trong sự tôn trọng, với mọi nền văn hóa và niềm tin tôn giáo.” Trong kinh nghiệm Giáo Hội mà kinh nghiệm cá nhân sống niềm xác tín của mình.
Quá khứ đã qua không phải như Hégel nói theo dân gian: “Xa xưa dường như không còn có thật”. Giáo hội sống với gia tài bảo chứng của đức tin đã và đang hoạt động, như Tông Thư nhắc đến: “Tình yêu thương xót này, như trong những ngày đầu của Giáo Hội, được minh chứng bởi những người nam và những người nữ của mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh. Sự góp phần đáng kể và lớn mạnh của những người nữ trong thế giới truyền giáo, đang cộng tác với các tổ chức thuộc nam giới, là một dấu chỉ mang đầy ý nghĩa về tình yêu mẫu tử của Thiên Chúa. Những người nữ, giáo dân và các nữ tu, và ngày nay thậm chí nhiều gia đình, thực hiện ơn gọi truyền giáo của họ trong nhiều hình thức khác nhau: từ việc loan báo Tin Mừng đến những việc phục vụ bác ái.”
Trong Giáo Lý Toàn Cầu (1992) nói đến niềm tin: “tôi tin và chúng tôi tin”. Niềm tin từ trong cộng đoàn cũng gợi nhắc niềm tin của cá nhân đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Cuộc gặp gỡ cá nhân này giúp nhận biết về chính mình, như Thánh Augustine cầu nguyện: “Cho con biết Chúa để con biết con”. Cái biết của việc tra vấn chính mình về nhiều mặt tích cực cũng như tiêu cực: thành công và thất bại, chu toàn và lỗi phạm, mạnh sức và yếu đuối, yêu thương và bất hạnh… Khám phá về chính mình để kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa rồi từ ấy ra đi thực thi: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18, 32 – 33).
Tiếp tục trở nên chứng nhân.
Điều tông huấn mời gọi trở nên chứng nhân với chiều dầy kinh nghiệm của Giáo Hội tiếp tục ra đi “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng 'ngoại vi' đang cần ánh sáng Tin Mừng" (số 20).”
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, mẫu gương truyền giáo, dạy cho chúng con biết suy đi gẫm lại Lời Chúa, làm cho Lời Chúa trở nên xương thịt trong đời sống. Chỉ cho chúng con biết, kín múc từ gia tài Giáo Hội về kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa và thực thi trong đời sống chính mình, đi ra với mọi người với đức tin mạnh mẽ và tình yêu phong phú.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan