TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhìn Lên Trời

Thứ sáu - 07/05/2021 19:13 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   875
Nhìn Lên Trời

Nhìn Lên Trời

 

Người Việt có câu ca dao: “Nghiêng vai ngửa vái Ông Trời, đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian”. Đó là lúc gặp gian nan cầu khẩn Trời Cao, còn khi bình an cũng ngước mắt lên Trời để tạ ơn và phó thác: “Xưa kia chỉ biết kêu trời, mà nay đã biết gọi Trời là Cha, trần gian chẳng phải là nhà, đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.” Chúa về Trời là một lối mở cho con người về Trời cùng Chúa.

Sự hướng về được biểu lộ trong ánh mắt nhìn lên, từ nay đã hoàn toàn mở ra cho con người một lối thoát, không có gì có thể kìm giữ được nổi một con người khi họ còn biết nhìn lên. Nhìn lên là tư thế của một con người xứng đáng là một con người. Con người nhìn lên để vạn vật được chỗi dậy, nếu con người tin vào khả năng phi thường đó, con người sẽ tiếp tục trở thành trục của thế giới, là đỉnh cao của thọ tạo.

Hướng về, nhìn lên là mở ra một con đường hy vọng, sự hy vọng của một bậc thang bước lên từ hữu hình sang vô hình, mà nhiều nền văn hóa biểu trưng. Cây được dựng lên, họ nhảy múa, ca hát, thực hành lễ hội chung quanh gốc cây nêu ngày lễ. Hình ảnh đó cũng được diễn tả những bằng cây trụ đứng được dựng trong Thánh Đường, trong nhà rông của người dân tộc, trong các Chùa chiền biểu trưng bằng cây bửu tháp, trong cây sồi của người Celtes, cây Gia của người Đức, cây Oliu của người Hồi. Sự hy vọng ở đâu và lúc nào cũng được biểu lộ trong hầu hết các tôn giáo, niềm hy vọng đã thắp sáng sự thành tín.

Hy vọng, niềm trông đợi trong niềm tin của Kitô Giáo không dừng tại đó, không chỉ là hướng về mà còn là bay về, không chỉ là bám đất mà là lên trời. Không ràng buộc nào nữa có thể giữ chân con người, đó là niềm hy vọng cuối cùng của vạn vật và con người.

Lên trời hay thăng thiên là một hành vi dứt bỏ hoàn toàn mọi quyến luyến trong hoàn vũ này để tới nơi hoàn toàn mới, hoàn toàn không còn tỳ ố. Trong nhân loại đã có một người thăng thiên, dứt bỏ hoàn toàn và đến nơi hoàn toàn của Tuyệt Đối, con người số một của hoàn vũ đó là chính Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Giêsu Kitô, một nhân loại mới được thâu họp. Hạnh phúc và sung sướng tràn ngập trong hoàn vũ này chảy lan tràn như sữa và mật trong ngày Chúa Thăng Thiên. Sự dữ đã hoàn toàn sụp đổ, không còn có một cơ may nào để giữ chân một con người. Con người đã siêu thăng, sự nguyên tuyền đã được tái tạo vượt xa sự nguyên tuyền trong ngày đầu sáng tạo. Sự trội hẳn đã khơi mầm trong hoàn vũ, một nhân loại mới được sinh lại hoàn toàn mới trong Đức Giêsu Kitô, nhờ Đức Giêsu Kitô. Đó là niềm tin, sự hy vọng lớn nhất của nhân loại, trong Ngài (Đức Giêsu Kitô) và nhờ Ngài con người và vạn vật thấy mình được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa.

Thăng thiên là lối mở về phía vô biên mà Thiên Chúa đã khai mở cho nhân loại, từ đó niềm xác tín trên trái đất này, ngày càng gia tăng khi tuyên xưng mầu nhiệm: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi…”. Thật sự là một mầu nhiệm khi mọi dòng suy nghĩ được bắt đầu sinh ra ở dưới thế, viên mãn ở trên trời, ở nơi Thiên Chúa ngự được hoàn tất. Con người từ đó biết rằng sinh ra để sống chứ không để chết, mọi cuộc đời đều mang một ý nghĩa và giá trị để đòi buộc con người phải tôn trọng sự sống.

Từ việc khai mở của Thiên Chúa về chốn thăng thiên, con người được mời gọi làm cho hoàn vũ này trở nên một nơi đáng sống, cưu mang và thừa hưởng sự sống. Hướng về Trời là một hành trình dưới thế, để con người biết sống yêu thương, đón nhận nhau, vì biết rằng con người có chung một quê hương trên trời.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây