TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình Thương Của Mẹ

Thứ sáu - 07/05/2021 19:11 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   816
Tình Thương Của Mẹ

Tình Thương Của Mẹ

 

Toan Ánh nhận định: “Mối tình thiêng liên nhất của con người là tình mẹ con. Tình mẹ như biển cả, cao ngất như trời xanh và thắm thiết không gì có thể so sánh được. Lòng mẹ thật không cùng, trời cao bể rộng hồ dễ đã bằng”[1].

Người xưa thường nhắc: “chín chữ cù lao”: cù: siêng năng, nhọc nhằn; lao: khó nhọc. Cha mẹ siêng năng khó nhọc để nuôi dưỡng con cái. Người ta thường nói “đức cù lao”, “chín chữ cù lao” là do câu “cửu tự cù lao”, tức cha mẹ nuôi ta có chín điều khổ cực là: 1) sinh: đẻ, 2) cúc: nâng đỡ, 3) phủ: vuốt ve, 4) xúc: cho bú, 5) trưởng: nuôi cho lớn, 6) dục: dạy dỗ, cố: trông nom, 8) phục: săn sóc dạy bảo, 9) bảo vệ. Trong Kinh Thi có câu: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao”, nghĩa là: thương xót thay cha mẹ sinh ra ta khó nhọc. Trong Kiều có câu: “duyên hội ngộ, đức cù lao; bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn”[2].

Ai trên đời không có mẹ, nếu thiếu mẹ là thiếu một bầu trời. Đứa trẻ không còn mẹ là đứa trẻ bất hạnh, thiếu hơi ấm, tay bồng, sự chăm sóc của mẹ. Ngày xưa, các bà mẹ có kiêng khem, tin dị đoan nhiều điều, cũng là lý do để tránh những điều xấu cho con mà thôi. Không chỉ những lúc đứa con ra đời và lớn lên mà ngay cả lúc đứa con hình thành trong bụng bà. Tình mẫu tử lớn lao là thế.

L. Cadière nhận xét: “Hầu như, những nơi thu hút quần chúng, những nơi thu hút khách hành hương, như  Kiếp Bạc, Hương Tích, Phủ Giày ở miền Bắc, Phố Cát ở Thanh Hoá, Hòn Chén ở Huế, rồi vô số những điện miếu ở những địa phương ít nổi tiếng hơn, đều là những nơi khách hành hương đến cầu tự. Thánh Mẫu, Bà Chúa Cửu Trùng, Bà Chúa Liễu Hạnh, Bắc Thần và nhiều vị khác đều có phép khiến cho các cụ bà sanh được con. Tại các nơi ấy, người ta bán rất nhiều y phục hay yếm có những bí tự, các bà mua và mang vào mình một cách thành kính; người ta còn xin bùa để mang vào cổ, khâu vào áo, những bùa yêu để nuốt vào miệng; họ dâng cúng của lễ, đốt hương, đoán hậu vận bằng nhiều cách, lên đồng, xuất thần trong trạng thái kỳ lạ. Tóm lại, người ta tin tưởng lời cầu nguyện được nhận lời và nếu họ phải chờ đợi đạt được kết quả, họ sẽ quay trở về thần linh. Không chỉ thần Lão giáo ban cho họ con cái, nhưng cả đức Phật, đấng đại Từ Bi dưới hình thức Phật Bà Quán Thế Âm, cũng giúp các bà có con. Những người Công Giáo và cả lương dân cũng chạy đến với Đức Trinh Nữ hay làm phép lạ với cùng ý hướng, bởi lẽ người phụ nữ Việt và trong mọi gia đình, ước muốn có con cái thật vô cùng lớn lao”[3].

Ngày nay, việc mê tín ấy không còn nhiều nữa, tình thương mẫu tử không vì thế mà kém hẳn đi, những khi con đau bệnh, bà mẹ cũng mất ăn mất ngủ đưa con đi hết thầy thuốc này đến thầy thuốc kia, những khi con đi học thì đưa đón, có khi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ trước cổng trường hay Nhà Thờ để đón con về.

Có những bà mẹ, gánh hàng nuôi con, dù con đã khôn lớn bước vào đại học. Hằng ngày gánh hàng khắp phố chợ, đêm về ngủ qua loa với những bà mẹ ở thuê chung một số phận. Có những bà mẹ quê chắt chiu từ những đồng tiền bé nhỏ từ con heo nuôi đến những đồng rau lẻ, để nuôi con ăn học bằng người. Vậy mà có những đứa con có biết, công lao khó nhọc của ba mẹ là thế, đua đòi ăn chơi trên đất thành thị, rồi nói dối thiếu tiền đóng học phí này kia để vòi thêm tiền từ tay mẹ. Khi các bà mẹ biết chuyện vẫn rộng lòng tha thứ cho nó và luôn tự nhủ, con còn non dại, dường như tình thương dành cho con lại càng lớn hơn thêm để tiếp tục hy sinh vì con.

Tình thương của mẹ, có khi ở góc độ mỗi đứa con cảm nhận, có thể mẹ thương đứa này hơn đứa khác. Điều này chỉ có thể giải thích được từ tấm lòng của người mẹ, từ khi mang thai, đứa con này đến đứa con khác, rồi giai đoạn sơ sinh đến trưởng thành, bao nhiêu điều chăm sóc bảo vệ của mẹ cho con không thể kể hết cho từng đứa. Từ những điều đó, mẹ mới biết dành tình thương cho mỗi đứa con của bà, mỗi đứa mỗi khác. Dù có khác nhưng vẫn một tình thương hết lòng, hết sức của mẹ.

Có ai cắt nghĩa được đâu cái tình người mẹ dành cho con? Nếu chẳng phải lòng người mẹ là thế, trời sinh ra thế. Tình thương của mẹ diễn tả  một tình thương cho đi tất cả, đón nhận tất cả, hy sinh tất cả, chỉ mong con hạnh phúc, nên người. Những người làm con, đừng phụ bạc tình mẹ cha, mới mong trở thành người xứng đáng.

Ngày của Mẹ 2015.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

________________________________________
[1] Trong họ ngoài làng, trang 74, Toan Ánh, NXB Mũi Cà Mau, 1993.

[2] Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, Trịnh Văn Thanh, 1965.

[3] Croyances et pratiques relegieuses de vietnamiens, 1958, vol 1, page 72;  Léopold Cadière.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây