CÁC GIÁM MỤC PHÁP LÊN ÁN ‘NHỮNG CẢNH CHẾ NHẠO KITÔ GIÁO’ TẠI LỄ KHAI MẠC OLYMPIC
 

va300724a

 

Trong một thông cáo được đưa ra ngay sau lễ khai mạc Thế vận hội, Hội đồng Giám mục Pháp ca ngợi “những khoảnh khắc tuyệt vời của vẻ đẹp, niềm vui và giàu cảm xúc,” nhưng cũng bày tỏ sự cảm thông “với các Kitô hữu trên toàn thế giới bị tổn thương bởi những cảnh tượng quá đáng và khiêu khích."

Đó là một buổi lễ của những điều tuyệt vời. Lễ khai mạc Thế vận hội đầu tiên trên sông Seine có một cuộc diễu hành của các đoàn thể thao từ các nước trên 85 con thuyền, nhiều màn trình diễn nghệ thuật và các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ toàn cầu như Céline Dion người Canada và Lady Gaga người Mỹ.

“Hội đồng Giám mục Pháp ghi nhận rằng lễ khai mạc đã mang đến cho thế giới những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của vẻ đẹp, niềm vui, giàu cảm xúc và nhận được nhiều tán thưởng từ khắp thế giới,” nhưng “chúng tôi rất lấy làm tiếc khi buổi lễ còn bao gồm cả những cảnh chế nhạo Kitô giáo.”

Đứng đầu trong sự chỉ trích này là màn tái hiện được cho là từ bức tranh “Bữa Tiệc Ly” của Leonardo da Vinci bởi mười người đàn ông trong trang phục drag queen (những nghệ sĩ biểu diễn có phong cách ăn mặc nữ tính, đi kèm theo đó là lối trang điểm dày, đậm).

Sự đồng tình từ các tôn giáo khác

Theo thông cáo, ngay sau khi buổi lễ được phát sóng toàn cầu, nhiều lãnh đạo của các tôn giáo khác đã bày tỏ sự đồng tình với Giáo hội Công giáo Pháp.

"Chúng tôi nghĩ đến tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới bị tổn thương bởi sự quá đáng và khiêu khích của một số cảnh tượng,” Hội đồng Giám mục Pháp khẳng định. “Chúng tôi hy vọng họ hiểu rằng lễ khai mạc Thế vận hội Olympic vượt xa sở thích ý thức hệ của một vài nghệ sĩ,” tuyên bố của Hội đồng Giám mục Pháp tiếp tục.

Loại trừ một số tín hữu

Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), Linh mục Hugues de Woillemont, đã nhấn mạnh trên mạng xã hội X sự mâu thuẫn giữa “việc thể hiện sự bao dung nhưng thực tế lại loại trừ một số tín hữu. Không cần thiết phải làm tổn thương lương tâm để thúc đẩy tình huynh đệ và tình chị em.”

Đức Giám mục François Touvet, Chủ tịch Hội đồng Truyền thông của CEF và là Giám mục phụ tá của Giáo phận Fréjus-Toulon, “mạnh mẽ đồng ý” với thông cáo của Giáo hội Pháp. Trên mạng xã hội, Đức cha tuyên bố, “Tôi phản đối, giống như nhiều người, chống lại sự xúc phạm nghiêm trọng và tai tiếng này đối với các Kitô hữu trên toàn thế giới, kể cả các cảnh dư thừa khác của buổi biểu diễn.”

Trước những yêu cầu giải thích, Michaël Aloïsio, phát ngôn viên của Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Paris 2024, đã trả lời vào thứ Bảy, ngày 27 tháng 7, trên đài radio Franceinfo: “Chúng tôi kiên định với quyết định vượt qua các ranh giới của mình.”

Kết thúc buổi lễ khai mạc, đài lửa Olympic bay lên trời. 

Sự thống nhất và tình huynh đệ của con người

Hội đồng Giám mục Pháp kết luận tuyên bố bằng cách nhắc lại rằng thể thao “là một hoạt động tuyệt vời mang lại niềm vui sâu sắc cho các vận động viên và khán giả,” và rằng Thế vận hội Olympic là một “phong trào phục vụ cho thực tế của sự thống nhất và tình huynh đệ giữa con người.”

Lễ khai mạc Thế vận hội kết thúc trong một điểm xuyết hy vọng, được khán giả đồng lòng đánh giá cao, với một trong những điểm nhấn của buổi tối: nữ danh ca Céline Dion kết thúc bài hát “Hymne à l’amour” của nhạc sĩ Edith Piaf từ tầng đầu tiên của Tháp Eiffel, để những lời cuối cùng của bài hát vang vọng trong đêm Paris: “Thiên Chúa tái hợp những người yêu nhau.”

Chuyển ngữ: Hạo Nhiên
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: tgpsaigon.net

 

Phản ứng của HĐGM Pháp và một số Giám mục về “những cảnh nhạo báng Kitô giáo” tại lễ khai mạc Olympic

Hội đồng Giám mục Pháp và một số Giám mục trên thế giới lấy làm tiếc về “những cảnh nhạo báng Kitô giáo” trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris tối ngày 26/7, và cho rằng các Kitô hữu trên khắp các châu lục cảm thấy bị tổn thương vì những cảnh này.

Tâm điểm của những phê bình trên mạng xã hội là việc tái hiện bức tranh Bữa Tiệc Ly nổi tiếng của Leonardo da Vinci bởi khoảng 10 người nam chuyển giới, với trang phục sặc sỡ.

Trong một tuyên bố đưa ra ngay sáng hôm sau lễ khai mạc, ngày 27/7, Hội đồng Giám mục Pháp cho biết, nhiều vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô đã bày tỏ tình liên đới với Giáo hội Công giáo Pháp về những cảnh nhạo báng Kitô giáo này.

Các Giám mục viết: “Chúng tôi nghĩ đến tất cả các Kitô hữu trên tất cả các châu lục đã bị tổn thương bởi sự quá đáng và khiêu khích của một số cảnh tượng. Chúng tôi hy vọng họ hiểu rằng lễ khai mạc Olympic vượt xa các khuynh hướng ý thức hệ của một số nghệ sĩ”.

Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta đã gửi tin nhắn tới Đại sứ Pháp tại Malta, bày tỏ “sự đau buồn và thất vọng sâu sắc trước sự xúc phạm đối với chúng tôi là các Kitô hữu trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 khi một nhóm nghệ sĩ đồng tính chế giễu Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu”.

Đức cha Andrew Cozzens, Chủ tịch Ủy ban Truyền giáo và Giáo lý của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã đưa ra tuyên bố kêu gọi người Công Giáo phản ứng trước sự việc ở Paris bằng việc cầu nguyện và ăn chay. Đề cập đến Đại hội Thánh Thể Quốc gia gần đây, Đức cha Cozzens viết: “Chúa Giêsu đã trải qua Cuộc Khổ nạn một lần nữa vào đêm thứ Sáu ở Paris khi Bữa Tiệc Ly của Người bị phỉ báng một cách công khai. Nước Pháp và toàn thế giới được cứu nhờ tình yêu tuôn đổ nhờ Thánh lễ đến với chúng ta qua Bữa Tiệc Ly. Được truyền cảm hứng từ nhiều vị tử đạo đã đổ máu để làm chứng cho sự thật của Thánh lễ, chúng ta sẽ không đứng sang một bên và lặng lẽ chịu đựng khi thế giới chế nhạo hồng ân lớn nhất của chúng ta từ Chúa Giêsu”.

Ngài nói tiếp: “Qua cầu nguyện và ăn chay, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho chúng ta với nhân đức và sức mạnh để chúng ta có thể rao giảng Chúa Kitô - Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể - vì vinh quang của Thiên Chúa và ơn cứu độ các linh hồn”.

Một Giám mục khác của Hoa Kỳ, Đức cha Robert Barron của Winona-Rochester, kêu gọi người Công Giáo “lên tiếng” để đáp lại điều mà ngài gọi là “sự nhạo báng trắng trợn về Bữa Tiệc Ly”.

Đức Tổng Giám Mục Fernando Chomali của Santiago de Chile bày tỏ sự thất vọng với “sự chế giễu kỳ cục về điều thiêng liêng nhất của người Công Giáo chúng ta là Bí tích Thánh Thể. Sự bất khoan dung của ‘người khoan dung’ không có giới hạn. Đây không phải là cách để xây dựng một xã hội huynh đệ. Chúng ta đã chứng kiến chủ nghĩa hư vô ở mức độ cao nhất,” ngài nói thêm.

Trong một bài đăng của Hội đồng Giám mục Đức, Đức cha Stefan Oster gọi cảnh “Bữa Tiệc Ly kỳ lạ” là “một điểm thấp và hoàn toàn không cần thiết trong việc dàn dựng”.

Vatican News