TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khóa Tĩnh Tâm của các Linh mục -2012

Thứ ba - 04/05/2021 23:26 |   795
Khóa Tĩnh Tâm của các Linh mục -2012

Khai mạc Khóa Tĩnh Tâm của các Linh mục trong Giáo phận Banmêthuột

Tuần TĨNH TÂM thường niên của hàng Giáo sĩ Giáo phận Banmêthuột, khai mạc vào lúc 16 giờ 30 chiều thứ hai, ngày 26.11.2012 và kết thúc vào sáng thứ sáu, ngày 30.11.2012, tại Tòa Giám mục BMT.
Chiều ngày 26. 12. 2012. Có 114 linh mục thuộc Triều và Dòng, đang phục vụ trong Giáo phận Banmêthuột, qui tụ về dưới mái Nhà Chung để tham dự Tuần Tĩnh Tâm do Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ, được mời giảng phòng.
Với giọng nói dân dã đễ thương của người miền Tây Nam Bộ, cùng với những trải nghiệm thực tế cá nhân, ĐGM Stêphanô đã khai mạc Tuần Tĩnh Tâm Giáo phận BMT, với đề tài : “ Sự cần thiết của Tĩnh Tâm”.


Tĩnh Tâm rất cần thiết cho đời sống Linh mục. Vì chính Đức Giêsu đã “truyền” cho các Tông đồ, phải đi đến một nơi thanh vắng “Chính các con hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút" (Mc 6, 56) để hồi sức, cầu nguyện…. sau những ngày  miệt mài truyền giáo. Thanh vắng có hai ý nghĩa :
1. Thanh vắng theo thể lý : Một không gian không ồn ào náo động.
2. Thanh vắng tâm lý : Gạt bỏ mọi  bận tâm. Thoát ra khỏi những ưu tư, buồn phiền, lo lắng, những kế hoạch, chương trình hành động…chi phối sự tập trung tư tưởng và cầu nguyện.
Trong không gian yên tĩnh tâm lý đó, ta nghe Chúa nói :“ Chúa muốn tôi làm gì, đi đâu, sống thế nào. Cuộc sống linh mục của tôi hiện nay có vấn đề gì không ?

Ngày xưa, Đức Giêsu cũng đã luôn cầu nguyện, để “Ý Cha được thể hiện : Người  hoạt động và sống trong Lời Thiên Chúa, chứ không từ chương trình hoạch định hay ước muốn của Người -  “Này con xin đến để thực thi ý Chúa.”. 
Linh mục cần phải cầu nguyện, sống và làm việc theo ý Chúa và Bề trên, sẽ cảm thấy đời linh mục có ý nghĩa, thanh thản và hạnh phúc.

 

Ghi nhanh
Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

 

Lúc 8g00 sáng ngày 27. 11. 2012, Đức Giám mục Stêphanô chia sẻ với linh mục đoàn đề tài :

THIÊN CHÚA LÀ CHA YÊU THƯƠNG

Giáo dân Việt Nam rất trân trọng hồng ân Đức Tin, nên cố gắng nuôi dưỡng bằng :
- Cầu nguyện ở mọi nơi mọi lúc.
- Siêng năng lãnh nhận các bí tích. Đặc biệt là bí tích Thánh Thể
- Học hỏi, lắng nghe Lời Chúa. Tham dự đông đảo các khóa học Thánh Kinh.
- Thực hành 10 giới răn và sống những giá trị của Tám Mối Phúc Thật. Tuy vậy, hiện nay giới trẻ mất Đức Tin, xa lìa Giáo Hội khá nhiều. Vì ảnh hưởng tục hóa, tương đối chủ nghĩa, ham hưởng thụ, đi tìm những cảm giác mới.


Rất mừng là Đức Thánh cha Benêdictô 16, đã mở Năm Đức Tin như là “một cuộc hành trình đi trong sa mạc tiến về Đất Hứa”. Hàng Giáo phẩm và giáo dân Việt Nam, đáp lời mời gọi của vị Cha chung, đã tích cực hưởng ứng, để làm mới Đức Tin cho đồng bào của mình. Điều ta cần phải xác tín, tìm hiểu trước tiên là Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa là Tình yêu.


Có nhiều người trở nên thù địch chống lại Thiên Chúa, vì họ gặp phải những đau khổ, thử thách, gian nan nghịch lý. Hoặc trước sự tàn phá của thiên nhiên… nên đã có những quan niệm sai lạc về Thiên Chúa.
Thật ra Thiên Chúa là Thiên Chúa Yêu Thương, gần gũi, quan phòng muốn những điều tốt nhất cho chúng ta. Thiên Chúa không thể là nguyên nhân của những sự ác luân lý. Có sự ác thể lý là do bản tính của sự vật bất toàn, và xảy ra do những định luật tự nhiên trong vũ trụ.


Đức Giêsu là Tình Yêu nhập thể, mạc khải cụ thể về một Thiên Chúa là Tình Yêu, giàu lòng trắc ẩn, thương xót, luôn tha thứ, như được mô tả qua các dụ ngôn trong Tin Mừng Luca.
Trong Năm Đức Tin, các linh mục phải khám phá và sống tình thương của Thiên Chúa là Cha, để chia sẻ tình thương vô biên của Thiên Chúa cho giáo dân của mình.


Có nhiều linh mục sống phục vụ yêu thương, đi đâu, ở đâu cũng được giáo dân kính mến….Nhưng cũng có một số linh mục tính khí rất khó chịu, đi đâu, làm việc gì cũng không được giáo dân chấp nhận.


Ghi nhanh
Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

Buổi chiều ngày 27. 11. 2012, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên chia sẻ với linh mục đoàn về đề tài :
CHÚA THÁNH THẦN LÀ THIÊN CHÚA NGÔI BA


Chúng ta thường đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần đầu các giờ kinh đạo đức, lễ nghi phụng vụ, các buổi hội họp. Nhưng ta không mấy hiểu về Chúa Thánh Thần.
1. Đức Chúa Thánh Thần là một Ngôi vị thường bị lãng quên (Deus ignotus). Phụng vụ Giáo Hội Tây phương trước Công đồng Vatican II rất ít đề cao vai trò Chúa Thánh Thần, mặc dầu vẫn tuyên xưng. Nhưng Chúa Thánh Thần vẫn luôn là Thánh Thần của Chúa Giêsu (Spiritus Christi). Dù bị quên lãng, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo Hội và hướng dẫn Giáo Hội.

2. Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước
Thánh Thần được trình bày như hơi thở của Giavê, Thần Khí ban sự sống cho muôn loài “Thần Khí Chúa bay là là trên nước” (St 1, 2) “Sinh khí của Ngài , Ngài gởi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt địa cầu” (TV. 104, 29-30)
Thánh Thần ngự xuống và tác động trên dân Israel, trên những người có trách nhiệm lãnh đạo các vị cố vấn, ban cho họ những ân huệ để chu toàn sứ mạng. Tiên tri Isaia nói về Đấng Messia như sau :
‘Thần Khí Chúa ngự trên Vị này,
Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn
Thần Khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa (Is. 11,12)

3. Chúa Thánh Thần trong Tân Ước
Tân Ước nói nhiều về Chúa Thánh Thần. Thánh Thần đổi mới các Tông đồ, những con người yếu đuối, ngu dốt… thành những con người mạnh bạo, thông minh, lợi khẩu, giảng giải thuyết phục.
Đối với các Tông đồ, những Kitô hữu nào chưa nhận được Chúa Thánh Thần là một thiếu sót nghiêm trọng…
Chúa Thánh Thần chính là nguồn của sự sống mới, của tái sinh. Ngài là sức mạnh giúp các tín hữu kiên trì, bình an, kiên cường trong thử thách…

4. Chúa Thánh Thần là hơi thở sống động của Giáo Hội. Giáo Hội có hai chiều kích :
    a. Giáo Hội định chế, như một xã hội có phẩm trật, luật pháp chặt chẽ, đầy đủ quyền lực … lấy sự đồng dạng làm lý tưởng. Đó là một Giáo Hội dưới khía cạnh xã hội học, với những thực tế lịch sử, thăng trầm…
    b. Tuy nhiên, Giáo Hội với cái nhìn Đức tin là một thực thể thuộc một trật tự hoàn toàn khác… Giáo Hội là một mầu nhiệm, vừa hữu hình vừa vô hình. Là trung gian giữa Chúa Kitô và chúng ta. Giáo Hội hữu hình vì gồm những con người yếu đuối, Giáo Hội vô hình vì có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, điều động, ban quyền năng để đảm bảo sự trung tín.

5. Giáo Hội phải luôn lắng nghe Chúa Thánh Thần. Giáo Hội gồm tất cả những người được rửa tội, kể cả giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Mọi thành phần đều phải lắng nghe Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để chu toàn sứ mệnh và trách nhiệm của mình. Chúa Thánh Thần gìn giữ Giáo Hội để Giáo Hội luôn hướng về mục tiêu cuối cùng là Nước Trời  đang đến.

6. Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội đón nhận sự phê phán của Tin Mừng.
Chính Thánh Thần không ngừng giúp Giáo Hội tránh xa những quan niệm chật hẹp, lỗi thời, nhưng thỏa hiệp bất chính. Ngài giúp Giáo Hội thường xuyên biết tự phê và tự xét mình, để có thể trung thành với sứ mạng. Biết lắng nghe những góp ý xây dựng của mọi thành phần dân Chúa. Cẩn thận cảnh giác để khỏi rơi vào tình trạng câu nệ pháp lý... hay vị luật.

7. Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ các Kitô hữu và linh mục.
- Chúa Thánh Thần giúp linh mục dũng cảm kiên trì, chấp nhận cô đơn, bị lãng quên và những phê bình chỉ trích.
- Chúa Thánh Thần giúp các linh mục được tự do không bị ràng buộc bởi của cải vật chất, bởi ý riêng, bởi tình cảm riêng tư bất chính.
- Chúa Thánh Thần giúp các linh mục lắng nghe tiếng Chúa qua Giáo Hội. Yêu mến Giáo Hội, vâng phục Giáo Hội. Tránh phê bình chỉ trích Giáo Hội vô trách nhiệm.

 


Ghi nhanh
Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

Buổi chiều ngày 28. 11. 2012, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên chia sẻ với linh mục đoàn BMT về đề tài :
MẦU NHIỆM NGÔI LỜI NHẬP THỂ

Đối với loài người hữu hình, lời nói cùng với nhiều cách thức trao đổi khác, là một đặc tính riêng và độc đáo của con người. Lời nói là một hình thức giao dịch thượng đẳng giữa các hữu thể trí tuệ. Lời nói bộc lộ cái “ngã” thẳm sâu của con người thiết lập tương quan. Do đó, cách thức được dùng trong Thánh Kinh để tỏ rõ việc Thiên Chúa “ tự mạc khải ” cho con người, đó chính là LỜI. Giữa lời của con người và LỜI mạc khải của Thiên Chúa có một khoảng cách sâu xa.

1. LỜI nói của Thiên Chúa trong Cựu Ước
a. Là LỜI quyền năng, LỜI sáng tạo- dựng nên trời đất muôn vật.
b. Như gươm hai lưỡi, săc bén, phê phán, xuyên thấu chỗ phẩm cách với tâm linh, cốt với tủy. Phê phán tâm tình cũng như tư tưởng … ( Dt 4, 12 – 13)
c. Như lửa : “ Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, như búa đập tan tảng đá (Gr.23, 29)
d. Đáng cậy tin : Chúa tín trung trong mọi Lời Chúa phán… (TV. 145)
e. Là một sự hiện diện và một Ngôi Vị : Lời chính là một sự hiện diện và là một Ngôi Vị, một Thiên Chúa nói với con người. Vì không ai có thể trực tiếp tiếp xúc với Thiên Chúa mà sống được. Lời Thiên Chúa nói với con người qua thiên nhiên, qua các biến cố, qua lịch sử thánh…

2. LỜI của Thiên Chúa trong Tân Ước : Đức Giêsu – Lời nhập thể.
Qua mầu nhiệm nhập thể, Lời của Đấng vô hình trở thành “xác phàm”, “nhục thể”. Từ nay, qua Đức Giêsu, loài người phàm trần có thể nhìn thấy trực tiếp và tiếp cận với chính Thiên CHÚA.

3. LỜI  đã thành xác phàm :
-  Tiếng “xin vâng” đầu tiên là của chính Thiên Chúa Ngôi Hai. Ngôi Hai tự nguyện thực thi chương trình cứu độ loài người.
-  Lời “xin vâng” thứ hai là của Trinh nữ Maria, khi nhận lời Sứ thần Gabriel truyền tin để trở thành Mẹ Thiên Chúa làm người.
-  Lời “xin vâng thứ ba là của Thánh Giuse. Sau khi hiểu được thánh ý Thiên Chúa về mầu nhiệm nhập thể, Thánh Giuse đã mau mắn vâng phục và dũng cảm chu toàn Thánh ý Chúa.
Cả ba tiếng “xin vâng” đều kéo theo những hệ lụy là Thập giá, khổ đau, gian truân, cay đắng…

4. Linh mục là người được chính Thiên Chúa chọn để phục vụ LỜI.
a.  Vì được chon, gọi một cách đặc biệt
b.  Được chọn gọi cũng như các Ngôn sứ, để canh gác LỜI Chúa. (Dnl 18, 19)
c.  Thi hành sứ mệnh được trao phó ”Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi. Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ ( Gr. 1, 7 – 8)
d.  Miệng lưỡi linh mục được thanh luyện, vì Chúa đã đặt LỜI trong miệng linh mục, nên miệng linh mục phải được thanh luyện “ Đây, Ta đặt LỜI Ta  trong miệng ngươi" (Ex. 3, 17 ; 33, 1 – 9)
e.  Linh mục phải là người luôn yêu mến Lời Chúa, phục vụ Lời Chúa để Lời Chúa vang khắp cùng cõi đất… Như vậy, một trong những bổn phận quan trọng nhất của linh mục là rao giảng Lời Chúa. Linh mục thi hành nhiệm vụ đó không phải với tư cách cá nhân, nhưng với tư cách thừa tác viên chính thức của Giáo Hội được Giáo Hội tuyển chọn và trao ban.
f.  Để cho việc phục vụ LỜI mang lại  nhiều kết quả, linh mục phải siêng năng đọc, học hỏi và nghe LỜI. Linh mục cần phải được nuôi dưỡng bằng  Lời ở hai bàn tiệc Thánh Kinh và Thánh Thể.


KẾT : Linh mục bắt chước Ngôi Lời Nhập thể, Đức Mẹ và Thánh Giuse để luôn sẵn sàng thưa tiếng  “Xin Vâng” trong mọi hoàn cảnh, trong mọi trách nhiệm được trao phó.

Ghi nhanh
Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

Buổi sáng 29. 11. 2012, ĐGM Stêphanô Tri bửu Thiên tiếp tục loạt bài chia sẻ với các linh mục giáo phận Banmêthuột với đề tài :

MẦU NHIỆM PHỤC SINH VỚI CÁC LINH MỤC

Cả bốn Thánh sử đều nói về biến cố Phục sinh. Như vậy Phục Sinh của Đức Kitô là biến cố đã được ấn định và báo trước chứ không phải ngẫu nhiên.

I. Ý NGHĨA CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH
a. Nhân tính của Đức Kitô Phục Sinh được vinh quang  từ quyền năng Thiên Chúa “ Người đã tôn vinh  Đức Kitô trên mọi quyền năng thân thiêng, trên mọi tước vị…” (Eph. 1, 21)
b. Đức Kitô đồng hàng với Thiên Chúa.: “Thiên Chúa đã đặt Đức Kitô ngự bên hữu Ngài” (Eph. 1, 22)

II.      NHỮNG KHÍA CẠNH ĐẶC LOẠI CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH
c. Quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện nơi mầu nhiệm Phục Sinh.
d. Mầu nhiệm Phục Sinh chính là mầu nhiệm Tự hạ - Vinh thăng của Ngôi Lời Nhập Thể
e. Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm sự sống chiến thắng sự chết.
f. Chúa Giêsu Phục Sinh tuôn đổ ơn Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần: Các môn đệ đầy tràn ơn Thánh Thần.
g. Chúa Giêsu đã Phục sinh khai mở thời đại mới.

III. MẦU NHIỆM PHỤC SINH TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ GIÁO.
a. Đức Giêsu Kitô Phục sinh chính là nến tảng vững chắc cho đời sống các Kitô hữu.
b. Các Kitô hữu phải từ bỏ men cũ, con người cũ tội lỗi, để mặc lấy con người mới.
c. Chúa Kitô là Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết ( Rm 14, 7 – 9)
d. Qua mầu nhiệm Phục Sinh, các Kitô hữu luôn sống trong sự cậy trông vững vàng, và hướng đến một cuộc sống vĩnh cửu.

 

Buổi chiều cùng ngày,  ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên chia sẻ về  :

SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH

Đó chính là nỗi bức xúc của Thánh Phaolô kể từ sau biến cố gặp Đức Kitô Phục Sinh trên đường đi Damas. Từ đó trở đi, ông say mê Đức Kitô. Lòng say mê Đức Kitô trong Phaolô như một ngọn lửa bùng cháy, như một dòng suối mạnh không thể không vọt ra, như một động cơ đầy năng lực và nhiên liệu … khiến  ngài bất chấp trở ngại, gian nan, chết chóc.

BỔN PHẬN LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA LINH MỤC


1. Là  linh mục, tôi có phải là người thực sự hiểu Tin Mừng và hăng say loan báo Tin Mừng như Đức Giêsu, Thánh Phaolô và Giáo Hội mong muốn?
2. Bao nhiêu kiến thức Thần học có mang lại cho tôi một TIN MỪNG nào không ?
3. Tôi có thực sự vui mừng vì được biết và phụng sự Đức Kitô ?
4. Những điều tôi rao giảng có làm cho người ta vui mừng không ?
Thực trạng ngày nay, các linh mục quá chú trọng đến mục vụ Bí tích mà quên đi nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng Đức Kitô. Nhiều linh mục quá tập trung trong việc xây cất các cơ sở vật chất. Đàng khác, nhiều giáo dân  “vô tri” và ỷ lại. Phần lớn giáo dân quan niệm rằng, việc loan báo Tin Mừng là dành riêng cho các linh mục, tu sĩ.
Ngoài ra các đáng bản quyền còn thiếu thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện, phương tiện cụ thể cho việc truyền giáo. Các dự án truyền giáo của giáo phận thương được đem rat hi hành với tính cách “nhiệm ý” nhiều hơn là thúc đẩy.
Đã hơn 50 năm sau Công đồng Vatican II, những vấn đề Công đồng đề ra vẫn còn mới mẻ. Các giáo xứ lâu nay vẫn thường được hiểu như một cái gì đã hoàn thành, chỉ cần giữ gìn và bảo vệ. Nhưng theo định luật cuộc sống, bất cứ cái gì không tiến triển thì đồng nghĩa với thụt lùi.

Đức cha Vinh Sơn, Đức cha Stêphanô và linh mục đoàn

Ghi nhanh
Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

Lúc 5g00 sáng ngày 30. 11. 2012, ngày lễ kính thánh Tông đồ Anrê, Đức cha giáo phận Banmêthuột và Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên cùng đồng tế với linh mục đoàn, kết thúc tuần Tĩnh Tâm của các linh mục trong giáo phận BMT.

Sau Tin Mừng, Đức cha Vinh Sơn chia sẻ về việc Anrê và Phêrô đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu, qua lời giới thiệu của thánh Gioan Tiền Hô, hai vị đã đáp lại lời gọi của Chúa: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người”, và sau cùng, các ngài đã vui lòng chấp nhận cái chết anh dũng vì danh Chúa để nên giống như Chúa.


Nhân dịp này, Đức cha Vinh Sơn mời gọi cộng đoàn cùng hiệp thông cầu nguyện cho hai cha nguyên Quản hạt, cha Anrê Trần Xuân Cương và cha Anrê Lê Trần Bảo. Ngài cũng mời cầu nguyện cho ba cha: Giuse Trần Ngọc Cầu, Giuse Nguyễn Văn Nghĩa và Gioan Nguyễn Sơn, nhận chức linh mục ngày 30. 11. 1995 ... Trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử xã hội, ba thày đã vững vàng cậy trông nơi Thiên Chúa, dứt khoát theo Chúa. Dù phải trải qua những cam go, thử thách, những  khó khăn nội tại, nhưng các thày đã bám chặt đời mình vào Chúa, trung thành với ơn gọi đến cùng .... ĐGM cũng không quên cầu nguyện cho linh mục GB. Trần Ngọc Kha, nhân 100 ngày mất.

Được mời ngỏ lời với cộng đoàn, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên đã cảm ơn Đức cha Vinh Sơn, quí linh mục, tu sĩ đã dành cho ngài sự tiếp đón nồng hậu, được đến đây để chia sẻ và có dịp tìm hiểu về giáo phận BMT nhiều hơn. Ngàì chúc mừng giáo phận BMT đã có phần hơn so với giáo phận Cần Thơ về tinh thần cũng như vật chất :
- Tỉ lệ người công giáo Gp. BMT khoảng 15% (trong khi đó Gp. Cần Thơ chỉ có 3% )
- Hằng năm số tân tòng tăng nhiều hơn.
- Giáo dân tham dự thánh lễ ngày thường đông hơn.
- Ơn gọi linh mục, tu sĩ đông. (Tuy số linh mục Giáo phận Cần Thơ gấp đôi số linh mục Gp. BMT, nhưng với địa bàn quá rộng lớn thì còn thiếu rất nhiều.)
- Về đời sống vật chất, giáo dân BMT khá ổn định trong khi giáo dân giáo phận Cần Thơ thì nghèo khổ, thiếu thốn, nên nhiều người đã phải về các tỉnh thành lớn để kiếm kế sinh nhai.
ĐGM Stêphanô cầu chúc giáo phận BMT sống Đức tin vững vàng, hầu có thể giúp nhiều người ngoại giáo nhận biết Thiên Chúa hơn.
Cuối thánh lễ hai Đức cha ban phép lành cho toàn thể cộng đoàn. Thánh lễ diễn ra trang trọng và sốt sắng.

Các linh mục lặp lại lời tuyên hứa trong giờ chầu cuối tuần Tĩnh Tâm

(Hình chầu Thánh Thể và thánh lễ bế mạc )

ANH  THƯ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây