TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Có gì hoàn hảo đâu!!!

Thứ hai - 07/06/2021 23:33 | Tác giả bài viết: LM. Antôn Vũ Thanh Lịch |   858
Có gì hoàn hảo đâu!!!

Có gì hoàn hảo đâu!!!

Vâng, trên cõi đời này và trong cõi nhân sinh, chẳng có gì là hoàn hảo, là tuyệt vời và “trên cả tuyệt vời”,  như người ta thường cường điệu để bày tỏ cảm tình với một cá nhân nào đó. Nay vui, mai buồn. Nay cười, mai khóc. Nay được yêu, mai bị ghét …Dù thông minh đến mấy, người ta cũng không thể tiên liệu được hết mọi tình huống xảy ra. Mà tình huống thì thiên hình vạn trạng … và lòng người thì đổi trắng thay đen.

Nếu người ta có thể tránh được một tình huống xui xẻo nào đó, thì người ta cũng phải hiểu rằng đời sống con người nói chung, và cụ thể là đời sống hôn nhân, vẫn có muôn vàn tình trạng, muôn vàn trục trặc, muôn vàn khó khăn mà không có gia đình nào không mắc phải. Không cái này thì cái khác. “Tiệc cưới Can-na thiếu rượu” là một dấu chỉ cho thấy tình trạng tương đối của kiếp người. Dưới ánh sáng đức tin, mỗi gia đình Ki-tô giáo có thể nhìn lại toàn bộ đời sống gia đình của mình, để nhận ra có biết bao nhiêu thiếu hụt giống như thiếu rượu cả vật chất lẫn tinh thần. Và còn có bao nhiêu thứ thiếu khác, còn trầm trọng hơn là tiệc cưới thiếu rượu nữa : thiếu khả năng, thiếu hiểu nhau, thiếu tình nghĩa, thiếu nghị lực, thiếu kiên nhẫn, thiếu hy sinh …

Điều nguy hiểm hơn nữa khi người ta không xử lý cho đúng một tình huống nhỏ, thì trục trặc nhỏ sẽ có nguy cơ đưa đến đổ vỡ lớn hơn. Sai một ly đi một dặm là như vậy ! Sự “thiếu rượu”- nhiều thứ rượu tinh thần và vật chất - đã là một chuyện khó khăn. Nhưng thường thì cái khó khăn lại nằm trong cách thức đón nhận và xử lý. Bình thường, chính thực trạng không hoàn hảo của một sự việc bên ngoài, sẽ tạo nên duyên cớ cho nhiều thiếu sót sâu xa hơn trong tinh thần bộc lộ ra. Và những thứ ấy tương tác lẫn nhau, nhân lên gấp bội, để trở thành một tai họa lớn. Ta có thể thấy xung quanh mình biết bao nhiêu gia đình đổ vỡ, những đổ vỡ chỉ khởi đầu từ những chuyện vụn vặt, mà đôi khi lại là những tình tiết vô duyên nhất.

Có phải người Ki-tô hữu thường quá lo lắng nên đã quan trọng hóa những khó khăn nhỏ, nhằm biện minh cho cách sống đức tin ! Hay là chính ánh sáng đức tin giúp cho người Ki-tô hữu có một cái nhìn chính xác hơn, và biết chọn một thái độ đúng đắn hơn, trước những khó khăn trong đời sống gia đình ?
Đức Giêsu đã có lần nói: mỗi người hãy thử ngồi xuống để tính xem mình có thể hoàn thành việc đã toan tính và khởi sự hay không. Lựa chọn theo Đức Giêsu bao hàm thái độ từ bỏ. Và điều chính yếu nhất, chính là từ bỏ lòng tự mãn về khả năng tự cứu chính mình. (Lc 14, 29-33).

Tiệc cưới Ca-na khi xưa đã tìm lại được niềm vui. Bởi vì tiệc cưới ấy không còn chỉ là tiệc cưới của cô dâu chú rể. Nhưng được thông dự vào tiệc Cưới của Tân Lang là chính Đức Giêsu với Tân Nương là Hội Thánh của Ngài. Nhờ đó, tiệc cưới Ca-na đã được trọn vẹn là Tiệc Cưới. Niềm vui được trọn niềm vui. Tình yêu vợ chồng được trọn vẹn là tình yêu vợ chồng…

Nếu ai hiểu rằng đời sống gia đình không thể không cần tới sự hiện diện của Chúa, không thể thiếu vắng tình thương của Mẹ Maria, không thể không có những phép lạ Ca-na mỗi khi có thiếu hụt, trục trặc, hoặc đổ vỡ trong gia đình, thì gia đình ấy có thể mở rộng cõi lòng để sống sức sống của đức tin, tôn kính Mẹ như người con thảo, và tôn thờ Chúa như người chủ thật sự của gia đình mình.

Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây