TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO XỨ CHÂU SƠN

Thứ hai - 29/03/2021 00:53 |   3344
GIÁO XỨ CHÂU SƠN

GIÁO XỨ CHÂU SƠN

Thành lập ngày: 25.6.1956
Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm
Địa chỉ: Xã Cư Êbur, Tp. BMT, tỉnh Đăk Lăk
Số Giáo dân: 7136
Số Gia đình: 1911

Giờ lễ:
Ngày thường: 4g45 - (thứ 5,6) 18g00
Chiều thứ Bảy: 18g00 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 5g30, 7g30, 9g00

Giáo họ PHANXICÔ
Thành lập ngày:
Bổn mạng:
Địa chỉ:
Số Giáo dân: 745

Số Gia đình: 194

Giờ lễ:
Ngày thường: (thứ 2,4,6) 5g00 - (thứ 3,5) 18g00
Chiều thứ Bảy: 18g00 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 7g00

(cập nhật ngày 31.12.2019)


THÔNG TIN THUYÊN CHUYỂN VÀ BỔ NHIỆM

* Thuyên chuyển Linh mục:

- Cha Phao-lô Phạm Đức Chương (Phó xứ Giáo xứ Giang Sơn - hạt Giang Sơn) làm Phó xứ Buôn Hô, Giáo hạt Buôn Hô.

- Cha Phao-lô Nguyễn Đình Cương (Phó xứ Chi Lăng - hạt Mẫu Tâm) làm Phó xứ Thiên Ân, Giáo hạt Gia Nghĩa.

- Cha Phê-rô Nguyễn Tiến Hải (Phó xứ Nhân Cơ - hạt Gia Nghĩa) làm Phó xứ Quảng Đà, Giáo hạt Đăk Mil.

- Cha Phê-rô Vương Tiên Hoàng (Phó xứ Bù Nho - hạt Phước Long) làm Phó xứ Buôn Hằng, Giáo hạt Chính Tòa.

- Cha Giuse Nguyễn Quý Hồng (Phó xứ Gia Nghĩa - hạt Gia Nghĩa) làm Phó xứ Phúc Lộc, Giáo hạt Đăk Mil.

- Cha Đaminh Nguyễn Vũ Hoàng Long (Phó xứ Buôn Hô - hạt Buôn Hô) làm Phó xứ Giang Sơn, Giáo hạt Giang Sơn.

- Cha Giuse Hoàng Đức Nhung (Phó xứ Tân Lợi - hạt Mẫu Tâm) làm Phó xứ Gia Nghĩa, Giáo hạt Gia Nghĩa.

- Cha Giuse Trần Văn Tam (Phó xứ Quảng Đà - hạt Đăk Mil) làm Phó xứ Tân Lợi, Giáo hạt Mẫu Tâm.

- Cha Giuse Nguyễn Thanh Tâm (Phó xứ Châu Sơn - hạt Mẫu Tâm) làm Phó xứ Trung Nghĩa, Giáo hạt Gia Nghĩa.

- Cha Giuse Vũ Văn Thảo (Phó xứ Trung Nghĩa - hạt Gia Nghĩa) làm Phó xứ Châu Sơn, Giáo hạt Mẫu Tâm.

- Cha Phao-lô Võ Hữu Thọ (Phó xứ Thiên Ân - hạt Gia Nghĩa) làm Phó xứ Nhân Cơ, Giáo hạt Gia Nghĩa.

- Cha Toma Aquinô Nguyễn Văn Tình (Phó xứ Phúc Lộc - hạt Đăk Mil) làm Phó xứ Chi Lăng, Giáo hạt Mẫu Tâm.

- Cha Đaminh Nguyễn Quang Huy (Phó xứ Buôn Hằng - hạt Chính Tòa) làm Phó xứ Bù Nho, Giáo hạt Phước Long.
 

* Bổ nhiệm: Đức Cha Giáo Phận đã bổ nhiệm:

- Cha GB. Hồ Quang Lâm (Dòng Chúa Cứu Thế) làm Quản xứ Giáo xứ Kim Hòa – Giáo hạt Giang Sơn.

* Cha Phụ Tá tại các Giáo xứ: Đức Cha Giáo Phận đã bổ nhiệm:

- Cha Giuse Nguyễn Quang Vinh (Dòng Cát Minh) làm phụ tá Giáo xứ Tân Lập – Giáo hạt Đồng Xoài.

- Cha Giuse Lưu Quốc Toàn (Dòng Thừa Sai Đức Tin) làm phụ tá Giáo xứ Quảng Phúc – Giáo hạt Gia Nghĩa.

- Cha An-tôn Bùi Văn Thiều, SMV (phụ tá Nam Thiên - hạt Buôn Hô) làm Phụ tá Kim Mai, Giáo hạt Mẫu Tâm.

- Cha Đaminh Maria Nguyễn Đức Hùng, O’Carm (phụ tá Kim Phát - hạt Giang Sơn) làm Phụ tá Nam Thiên, Giáo hạt Buôn Hô.

(Theo Thông tin Tháng 11.2020 của VP.TGM)




 

GIÁO XỨ CHÂU SƠN

Năm thành lập: 1956
Bổn mạng Giáo xứ: Đức Mẹ Vô Nhiễm

LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07.5.1954 đã chấm dứt 100 năm đô hộ của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Một ngày sau đó, chín nước gồm Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Campuchia, Lào, đại diện chính quyền miền Nam và đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, đã tiến hành tham dự Hội nghị Genève về Việt Nam – Đông dương nhóm họp tại Thuỵ Sĩ từ ngày 08.5 đến ngày 20.7.1954. Sau hơn hai tháng thảo luận, rạng sáng ngày 21.7.1954, Hiệp định được ký kết, với các điều khoản quy định đình chỉ chiến sự ở Đông dương. Sông Bến Hải thuộc vĩ tuyến 17 được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên rút lui tập kết và mốc phân chia ranh giới giữa hai miền. Miền Bắc thuộc chế độ Dân chủ Cộng Hòa và miền Nam, theo chính thể Quân chủ Lập hiến. Điều khoản của Hiệp định Genève cũng quy định dành thời gian 300 ngày cho phép nhân dân hai miền tự do đi lại, thay đổi nơi cư trú. Cho nên, phong trào di cư đã mau chóng hình thành.
 

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lam lũ cực nhọc trên đất đai quê nhà khô cằn chật hẹp, phong trào di cư mở ra cơ hội cho nhiều người tìm đến những vùng đất rộng người thưa, màu mỡ sung túc hơn để lập nghiệp. Vì thế, khoảng trên dưới 800 tín hữu của 180 gia đình gốc Giáo phận Vinh, một cộng đồng mà đại đa số dân cư thuộc hai Giáo xứ lớn là Thọ Ninh và Đông Tràng, còn lại là thiểu số quy tụ từ các Giáo xứ và Giáo họ khác như Kẻ Tùng, Yên Phú, Kẻ Mui, Nam Ngạn, Làng Vực, Nghi Lộc, Cầu Khóng, Tiếp Võ, Nghĩa Yên, Yên Bài, Vạn Lộc, Yên Lịnh, Tràng Nứa… thuộc địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An lên đường lìa nơi chôn nhau cắt rốn di cư vào Nam với nguyện vọng xây dựng kinh tế và ổn định đời sống tinh thần. Họ đành đoạn bỏ lại tất cả nhà cửa, đất đai, ruộng vườn và nơi thờ tự tổ tiên để ra đi. Tất cả ra đi bằng nhiều cách, di chuyển bằng nhiều phương tiện. Lớp nầy đi xe lửa ra Hải Phòng, Sầm Sơn. Lớp kia đi đường sông ra cửa Hội: chờ tàu thủy của quân đội quốc tế như Mỹ, Pháp và Ba Lan vào Nam. Lớp nọ lại chấp nhận đi đường bộ gian nan cơ cực. Nhưng rồi sau tất cả mọi gian truân, họ đã đến miền Nam bình an. Họ được phân bố đi khắp các Trại tiếp cư: từ Tân Sơn Nhất, Xuân Trường, Bình Đông đến Thanh Bình, Thanh Bồ, Đức Lợi – Đà Nẵng.
Vốn dĩ truyền thống của bà con giáo dân Giáo phận Vinh sống rất đoàn kết, chia sẻ gắn bó và cùng nâng đỡ nương tựa nhau. Nên cho dù ở những Trại tiếp cư khác nhau, họ vẫn nhận được tín hiệu tìm về điểm Hội tụ chung: Đó chính là Mương Mán thuộc tỉnh Phan Thiết. Tuy nhiên, sau khoảng 8 tháng dừng chân tại Trại Định cư Mương Mán, vì điều kiện không mấy thuận lợi cho cuộc sống của họ là những người nông dân, bởi đất hẹp mà người dồn về đông, đất đai cằn cỗi nên họ lại một lần nữa theo sự khuyến khích của chính quyền, tìm đường lên vùng Cao nguyên Đăk Lăk lập nghiệp.
Sau nhiều lần bàn định và xúc tiến cử người thăm dò khảo sát tại vùng đất phía tây bắc thị xã Ban Mê Thuột. Họ lại lên đường ra đi. Ngày 24.8.1956, đoàn xe đợt một xuất phát. Khoảng trung tuần tháng 9, đợt hai và cá nhân lẻ tẻ từ các nơi khác cũng lục tục kéo đến xin gia nhập. Người về càng lúc càng đông. Có đến 200 gia đình với hơn 1000 nhân danh. Từ Mương Mán vào Saigon bằng xe lửa, từ Saigon lên Ban Mê Thuột đã có một đoàn xe tải chờ sẵn để lên đường. Cuối cùng, họ mãn nguyện khi đặt bước chân bôn ba lưu lạc lên vùng Đất hứa – như lời mô tả của Thánh kinh: “Đất chảy sữa và mật ong”. Rồi đây, cho dẫu cuộc đời có nắng sớm mưa chiều, họ chấp nhận gửi gắm phận mình và thế hệ con cháu tại nơi đây. Thế là Giáo xứ Châu Sơn hiện nay đã hình thành ngay trên khu đất do nhà dòng Châu Sơn nhượng lại.
Điều may mắn nhất là khi đến đây giáo dân không phải cất Nhà thờ tạm, vì được thừa hưởng một Nguyện đường mái tôn ba gian của nhà Dòng, đủ để sớm hôm bà con giáo dân tham dự Thánh lễ và tụ họp Kinh nguyện. Sau những khó khăn vất vả của buổi khai sơn phá thạch ban đầu, Giáo xứ đã từng bước đi vào ổn định.
Điểm lại từ thủa khởi đầu lập xứ, Giáo xứ đã gặp nhiều cơ may. Cơ may đầu tiên là thừa hưởng tinh thần cũng như vật chất của Dòng Châu Sơn: một địa danh đẹp, một miền đất màu mỡ và hiền hòa cũng như một bầu khí đạo hạnh và thánh thiện. Cơ may thứ hai rất thực tế là nhờ sự khôn khéo của các bậc cao niên trong Giáo xứ và Ban định cư mà các nhu cầu của đời sống và lương thực dành cho dân được cấp phát dồi dào, khiến mọi người rất phấn khởi và vui mừng tin tưởng dấn bước vào tương lai. Chính những điều đó làm cho con thuyền Giáo xứ dễ dàng hòa nhập để có một Châu Sơn bề thế và đẹp đẽ như hôm nay.
Chỉ vài tháng sau, đầu tháng 10.1956, được sự quan tâm của cha đại diện Giáo phận Vinh, Cha chính GB. Trương Cao Khẩn và cha Phêrô Maria Nguyễn Viết Khai, nên cha GB. Nguyễn Đăng Khoa được Đức Giám mục Giáo phận Kon Tum, bổ nhiệm làm Chánh xứ tiên khởi cùng với cha Phêrô Nguyễn Văn Bân là Phụ tá. Kể từ đây Giáo xứ từng bước đi vào ổn định và nề nếp. Từ khi hình thành đến nay, theo thời gian và tài liệu lưu trữ, Giáo xứ có lần lượt ba tên gọi là Vinh Thọ, Thọ Trường và Châu Sơn. Nhận Đức Maria vô nhiễm nguyên tội là Đấng bổn mạng. Địa chỉ tại thôn 2 xã Cư Êbur thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăklăk. Theo địa dư Giáo phận, Giáo xứ thuộc giáo hạt Mẫu Tâm, Giáo phận Ban Mê Thuột.
Qua 52 năm hình thành và phát triển: từ năm 1956 – 2008, Giáo xứ đã trải qua 10 đời Linh mục Quản xứ và 4 cha phó xứ, cùng với sự thông dự quyền quản trị điều hành của 14 Nhiệm kỳ Hội đồng Giáo xứ.
Khi mới thành lập năm 1956, Giáo xứ có 227 gia đình và 928 nhân danh Hiện nay, Giáo xứ có tổng số Giáo dân là 8.960 người. Gồm Chính xứ Châu Sơn có 5.923 giáo dân, trong đó kinh: 5025 giáo dân với 1056 gia đình, dân tộc anh em: 900 giáo dân. Và bốn Giáo họ Biệt lập trực thuộc gồm:
Giáo họ Phanxicô thuộc thôn 8 xã Cư Êbur có 650 Giáo dân với 150 gia đình.
Giáo họ Mân Côi thuộc xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn có 590 Giáo dân với 116 gia đình.
Giáo họ Tân Hòa thuộc xã Tân Hòa huyện Buôn Đôn. Có 943 Giáo dân với 211 gia đình.
Giáo họ Tân Lợi thuộc xã Cour Knia huyện Buôn Đôn có 854 Giáo dân với 176 gia đình.
– Giáo xứ Mẹ: 1.056 gia đình với 4.982 người, thuộc 4 Họ hiếu chính, được phân bổ như sau: Họ hiếu Giuse gồm 582 gia đình, 2.637 người; Họ hiếu Antôn: 253 gia đình, 1.419 người; Họ hiếu Gioan Baotixita: 118 gia đình, 532 người và Họ hiếu Phêrô: 103 gia đình, 394 người.
– Và phát triển thêm 4 Giáo họ: Tân Lợi: 180 gia đình, 875 người; Tân hòa: 211 gia đình, 956 người; Mân Côi: 116 gia đình, 503 người và Phanxicô Xaviê: 140 gia đình, 650 người. Và con số 500 anh chị em dân tộc mà Giáo xứ phụ trách gồm: 423 người thuộc thôn IV - buôn K’ Dun và thôn VI – buôn Dhă Êa Bông; số còn lại thuộc thôn I – buôn Dũng và thôn 5 – buôn Cour Knia.
– Ơn gọi tận hiến phục vụ Giáo Hội: 17 Linh mục; 14 Đại Chủng sinh; 56 Nữ tu và khoảng 45 Dự tu nam nữ.
– Văn hoá: 01 Tiến sĩ, 02 Cao học, 05 Thạc sĩ, 02 Bác sĩ, 80 Cử nhân, 200 Sinh viên Đại học; 50 Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, cộng với hơn 2.000 em học sinh đang theo học các cấp.

A. CÁC LINH MỤC Quản xứ:
1. Linh mục Chính xứ tiên khởi: Cha GB. Nguyễn Đăng Khoa 1956 – 1959:
Cha cùng với Ban hành giáo và Ban định cư lo nơi ăn chốn ở, quy hoạch thổ cư và ổn định tất cả mọi công việc. Ngài đặt nền móng cho Giáo xứ về vật chất cũng như tinh thần. Về vật chất, ngài khuyến khích tăng gia sản xuất, tạo công ăn việc làm để tự lực kinh tế. Về tinh thần ngài giúp giáo dân phần rỗi cũng như đặt các quy định cơ bản trong sinh hoạt tôn giáo.
Sau hơn hai năm khó nhọc vất vả cho một Linh mục Quản xứ tiên khởi, ngài đã ổn định hết mọi công việc: Định cư, Nhà thờ, Nhà trường và Nghĩa trang cũng như mọi nền tảng sinh hoạt của Giáo xứ.
2. Cha Gioan Nguyễn Trí Thức 1959 – 1960:
Cha Gioan là một nhà giáo dục có chuyên môn cao. Ngài đặt ra một hệ thống giáo dục rõ ràng, bài bản. Đặc biệt chuyên sâu phần đạo đức nội tâm. Quả là sự hỗ tương cần thiết cho một Giáo xứ non trẻ lúc bấy giờ. Về Trí dục: ngài chủ trương giáo dục văn hoá song song với giáo dục công dân và dàn trải đều trên cả ba tuyến Trí dục, Đức dục và Thể dục.
Về Đức tin: ngài cải tổ lại Đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể thành hai Đoàn: Chim Non và Trúc Non. Ngài luôn luôn nhắc nhở mọi người “mến Chúa, mến Chúa và mến Chúa”. Chính vì thế, trong thời gian ngài ở xứ, đã dấy lên phong trào thi đua mến Chúa trong Giới trẻ, nhất là Ơn Thiên triệu được cổ vũ mạnh mẽ trong thời gian này.
Về Đời sống xã hội: ngài khuyến khích trồng cây công nghiệp, cây ăn trái để đảm bảo cuộc sống kinh tế.
3. Cha Giuse Trịnh Chính Trực 1960 – 1966:
Vốn có tầm nhìn xa, Cha đã khuyến khích trồng cây công nghiệp như cà phê để nâng cao ổn định kinh tế lâu dài. Cha lặn lội tham quan vùng tây bắc Cư Êbur còn gọi là vùng “700 mẫu” để tìm đất giãn dân. Trong dự định, ngài muốn mỗi gia đình là một trang trại kiểu mẫu, nhưng tiếc rằng thời vận lại không cho phép. Đối với việc Truyền giáo, ngài coi những đồng bào dân tộc như con cái mình. Ngài luôn tâm niệm người Châu Sơn phải có một ngôi trường cho con em dân tộc và ngài đã xây dựng được hai phòng học dành riêng cho con em họ.
Cha Giuse đã khởi cất nhiều công trình. Đặc biệt, vào năm 1963, được sự đồng ý của Đức Giám mục Giáo phận lúc đó là Đức cha Paul Seitz Kim, ngài đã xin và được sự chấp thuận của Chính quyền tỉnh Darlac thời bấy giờ, đặt tượng Chúa Giêsu Kitô Vua trên đỉnh núi Cư Êbur và tượng Đức Mẹ đầu làng. Ngài xây Nhà xứ khang trang, chỉnh đốn lại các phòng học, xây dựng Vườn trẻ và Đồi Canvê. Trong thời gian ở xứ, Cha đã làm cho Giáo xứ phát triển mạnh mẽ về mặt đạo đức cũng như về mặt kinh tế.
4. Cha Grêgôriô Đỗ Trúc Đường 1966 – 1969:
Để bổ túc cho hoạt động của các Đoàn thể, Cha đã nhờ hai người cháu ruột là Cha Giuse Đỗ Văn Tháp và Cha Giuse Đỗ Văn Tài tổ chức nhiều khoá Giáo lý cho Thiếu nhi và Giáo lý Hôn nhân cho Thanh niên nam nữ. Cha Giuse Đỗ Văn Tháp đã hệ thống hoá và huấn luyện để thành lập Hội Con Đức Mẹ từ nhóm Thanh nữ. Cha Grêgôriô là lập Đoàn Hùng tâm Dũng chí Châu Sơn hoạt động sôi nổi, gây tiếng vang và có ảnh hưởng đến nhiều Giáo xứ khác. Sau lễ Phục sinh năm 1968, ngài đã tổ chức bầu bán được một Ban Hành Giáo xứ đúng theo tôn chỉ của Công giáo Tiến hành lúc bấy giờ.
5. Cha Phêrô Lê Hùng Tâm 1969 – 1975:
Khoảng 3 tháng sau khi về nhận xứ, Cha Phêrô dồn nỗ lực xây dựng kiến thiết ngôi Thánh đường Giáo xứ. Ngày 26.10.1969, Cha tổ chức lễ Đặt viên đá đầu tiên. Ngày 01.12.1969, khởi công xây dựng Thánh đường. Từ đó mọi sinh hoạt Giáo xứ sống động hẳn lên. Được sự hưởng ứng và nhiệt tình giúp đỡ của các cấp thẩm quyền, toàn thể cộng đoàn Giáo xứ tập trung nhân tài vật lực xây dựng Nhà Chúa. Trong suốt 510 ngày thi công và huy động hơn 25.000 công, ngày 25.4.1971, Thánh đường mới được khánh thành trong không khí lễ Hội của toàn Giáo xứ.
Thời gian sau, Cha Phêrô cho xây dựng 5 phòng học của Trường Tiến Đức trước Nhà thờ. Năm 1969–1970, với sự trợ giúp của Thầy giảng Giuse Nguyễn Vĩnh Bảo, Cha mở thêm lớp Sáu thuộc chi nhánh Trường Hưng Đức và sau đó nâng cấp thành Trường Trung học. Năm 1974–1975, Trường Trung học Tiến Đức được chính thức cấp giấy phép, Thầy giảng Phêrô Hà Ngọc Đoài, được Bề trên phái về giúp Cha trong vai trò Giám học trường.
Ngoài ra Cha còn thành lập Trung tâm Huấn nghệ, xây dựng hoàn thiện đồi Can Vê, dựng cổng và lập hàng rào kẽm gai cho khu vực nghĩa trang Giáo xứ. Ngày Chầu lượt Giáo xứ – còn gọi là Tuần đại phúc, được tổ chức rất long trọng, Cha mời nhiều Linh mục trong và ngoài Giáo phận về giảng phòng cho các giới. Ngày lễ quy tụ rất đông bà con Giáo dân đồng hương ở các Giáo xứ khác về tham dự. Về sinh hoạt Đoàn thể, Cha Phêrô quan tâm đến các Hội đoàn như Con Đức Mẹ, Thanh Sinh Công. Theo Quy chế Giáo xứ của Giáo phận năm 1974, Cha tổ chức bầu ra Ban Thường vụ HĐGX mới với đầy đủ các chức vụ uỷ viên.
6. Cha GB. Nguyễn Quang Diệu 1975 – 1976:
Cha thường khuyên bảo giáo dân: “hãy thờ kính Chúa và làm tròn nghĩa vụ một công dân: đó là sống tốt Đạo đẹp Đời”. Ngài noi gương Đức Kitô sống ẩn dật, ăn chay hãm mình. Trái tim ngài muốn mở rộng với nhiều mong muốn nhưng lý trí lại mách bảo ngài hãy âm thầm.
Tuy ở Giáo xứ một thời gian ngắn nhưng ngài dã kịp thời cho sửa sang lại những hư hỏng của Nhà thờ, Nhà xứ sau chiến tranh. Hơn một năm sau, vì sức khỏe yếu, ngài lâm trọng bệnh và qua đời ngày 14 tháng 9 năm 1976, được an táng tại nghĩa trang Giáo xứ.
7. Cha GB. Nguyễn Thanh Tâm 1976 – 1985:
Về Giáo xứ, Cha Gioan Baotixita bắt tay củng cố mọi sinh hoạt cho phù hợp với tình hình xã hội lúc đó. Bởi Giáo xứ đang chùng xuống vì thiếu thốn nhân sự gánh vác việc chung. Thành lập các Ca đoàn: Cêcilia, Thiện chí, Xuất hành. Cha đã xây dựng nhà tập hát cũng như mua sắm đàn Phong cầm Hammond – một trong bốn cây đàn hiện đại nhất miền Nam lúc bấy giờ. Cha cũng đã áp dụng những Nghi thức Phụng vụ phù hợp với Giáo Hội toàn cầu cũng như tổ chức những đêm hát Thánh ca hay Canh thức trong những dịp lễ lớn. Cha xây dựng một Tháp chuông bằng gỗ có chiều cao hơn 15m.
Về mặt bằng tâm linh, Cha cải tổ và chuyên tâm chăm sóc giáo dục lớp trẻ với những chương trình Giáo lý sâu sắc, có hệ thống bài bản. khuyến khích giới Thanh Tráng niên học hỏi thảo luận Giáo lý theo dạng “ấm nước mới”. Cũng trong giai đoạn này, Cha thành lập Cộng đoàn Trưởng để giúp Giáo xứ giảng dạy cho Đoàn Thiếu nhi.
8. Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ 1985 – 1989:
Cha Phaolô đã xây dựng một Giáo xứ đoàn kết, yêu thương và gắn bó với nhau. Chính vì điều đó, Giáo xứ đã thực hiện được nhiều điều tốt đẹp nhất là về Phụng vụ, hướng con người đến nền nếp đạo đức hơn. Cha đã tổ chức các nghi thức Đêm Canh thức trong các lễ Giáng sinh và Phục sinh nhất là cho dựng lại Tuồng Thương khó để Giáo dân suy niệm lại cuộc Khổ nạn của Đức Kitô. Ngài cũng đã dẹp bỏ bớt được những tập tục rườm rà về ma chay, cưới hỏi đã từng gây phiền hà và gánh nặng cho Giáo dân. Khi ngài mới về nhận nhiệm sở, dù Giáo xứ đang trong tình trạng kinh tế chưa phục hồi, ngài đã bằng nội lực bản thân sửa đổi lại Cung thánh Nhà thờ cho cao hơn và trang trọng hơn. Nổi bật nhất trong thời kỳ này, khi 117 Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam được Giáo Hội tôn vinh, ngài đã nhiệt thành cổ vũ lòng sùng kính và niềm hãnh diện nơi mỗi Giáo dân.
9. Cha Đaminh Vũ Đức Hậu 1989 – 1997:
Cha Đaminh đã đóng góp công sức và đôn đốc giáo dân xây dựng nhà sinh hoạt Giáo xứ cũng như khu vực các Nữ tu để có nơi huấn giáo và nuôi dạy trẻ. Nhằm tôn tạo cho Thánh đường thêm tôn nghiêm, ngài đã cho lán xi măng mặt bằng xung quanh. Cha cũng góp phần hoàn thiện Cung thánh. Và ngày 31.12.1996, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo xứ và 25 năm khánh thành Nhà thờ, cha tổ chức Thánh lễ Cung hiến Bàn thờ bằng đá cẩm thạch do ân nhân cúng tặng, dưới Bàn thờ đá nầy, hiện chôn Hài cốt của ba Thánh Tử đạo Việt Nam: Thánh Phêrô Khanh, Linh mục – Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, Linh mục và Thánh Tôma Toán, Thầy giảng Dòng Ba Đa Minh. Ngài cũng đã cho xây dựng một Tháp chuông nguy nga có chiều cao hơn 30m.
Cha đã củng cố và cải tổ các Đoàn thể trong Giáo xứ để mọi thành phần có cơ hội đoàn kết và gắn bó với nhau hơn. Ngài chia đoàn Thanh Tráng niên thành hai Đoàn thể lớn là Tráng niên và Thanh niên. Với cơ cấu mới, các Đoàn thể đã mau chóng trưởng thành giúp Giáo xứ ngày càng toả nhiều hương sắc nhất là Đoàn Tráng niên đã trở thành Đoàn thể trụ cột của Giáo xứ.
10. Cha Antôn Vũ Thanh Lịch từ 28.4.1997 đến nay:
Việc đầu tiên Cha thực hiện là xây dựng Hoa viên Đức Mẹ đẹp đẽ và bề thế. Một thời gian ngắn sau, Cha đã xây dựng ngôi Nhà xứ mới liền kề Nhà thờ và nhà sinh hoạt tạo thành một khu liên hợp khang trang xứng tầm với một Giáo xứ lớn đang độ phát triển. Với sự quán xuyến và tài ngoại giao khéo léo, Cha đã đôn đốc hướng dẫn Giáo xứ kiến thiết và tôn tạo thành một chuỗi công trình. Cha làm việc không biết mệt mỏi. Công trình tiếp nối công trình, theo thứ tự Hoa Viên Đức Mẹ, Nhà xứ, Cổng, Bàn thờ và đường nhựa đến tận Nghĩa trang. Đường Truyền giáo xuyên xứ, tượng đài Gioan Baotixita, thay lại mái tôn; trần và sơn lại Nhà thờ, tôn tạo lại khu vực nhà trường sau khi đã chuyển dời trường học. Bấy nhiêu công việc và tinh thần đổi mới đó còn lan toả đến các Giáo họ, Đoàn thể. Giáo họ thi công Cổng khu vực Thánh đường với kiểu dáng hiện đại. Đoàn thể có phần viêc của mình, Phụ nữ có Hoa viên, Tráng niên hướng về Chúa Kitô Vua, Thanh Tráng niên chăm sóc Nghĩa trang, Thiếu nhi có Hoa viên xinh xắn.
Ngoài ra, Cha còn xây dựng các Nhà nguyện khang trang ở các Giáo họ Giáo điểm xa như Tân Lợi, Phanxicô Xaviê, Tân Hòa….
Ngoài những điều đó, Cha Antôn còn chuyên tâm và ưu tiên hàng đầu cho đời sống tâm linh và đạo đức của giáo dân. Cha thường thăm viếng mục vụ các Toán của các đoàn thể, đối với lớp trẻ, ngài cải tổ hệ thống Huấn giáo có bài bản, có chương trình cho từng năm và phát chứng chỉ tốt nghiệp cho mỗi khoá học. Ngài đã dày công đào tạo một lực lượng Giáo lý viên hùng hậu để giúp Giáo xứ giảng dạy cho Thiếu nhi và Thanh niên do chính ngài đứng lớp. Về Phụng vụ, ngài đổi mới và đơn giản hoá các nghi thức rườm rà về ma chay và cưới hỏi. Tổ chức những đêm Thánh ca hay những đêm Ca nhạc, đặc biệt ngài cho Giáo dân dựng lại Tuồng Thương Khó Đức Kitô với quy mô lớn và được quay thành phim để Giáo dân có tài liệu suy niệm về cuộc Tử nạn của Đức Kitô.
Cha Antôn đã lập Đội Kèn đồng Giáo xứ, thành lập thêm các ban ngành như Hoa Viên, Cựu Lễ Sinh, Thánh Thể… việc Truyền giáo cũng rất được coi trọng, đã xây dựng nhiều nhà tình thương cho đồng bào dân tộc.

B. CÁC LINH MỤC PHÓ XỨ:
1. Cha Phêrô Nguyễn Văn Bân 1956 – 1958
Đến Giáo xứ Châu Sơn ngoài việc cộng tác với Cha Chánh xứ trong mục vụ, Ngài là vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Tiểu học Tiến Đức, ngôi trường của Giáo xứ.
2. Cha Giuse Nguyễn Văn Nghĩa 1995 – 1999:
Là Cha Phó dưới hai đời Cha chính xứ, Cha giúp các Cha Quản xứ nhiệm vụ dâng Thánh lễ và các Nghi thức Phụng vụ hằng tuần ở các giáo điểm xa xôi. Cha còn phụ trách hướng dẫn Giáo lý cho hai Đoàn thể Thanh niên và Thiếu nhi.
3. Cha Đaminh Đinh Công Tiến từ 28.3.2000 đến nay:
Với nhiệt tình và khao khát phục vụ yêu thương nên khi về đến Giáo xứ, Cha Đaminh đã hăng hái chu toàn mọi nhiệm vụ. Cha đặc trách tại các Giáo họ giáo điểm xa xôi.
4. Cha GB. Hồ Quang Lâm từ 31.7.2004 đến nay:
Cha Phó xứ thứ hai, Cha đã phục vụ một cách hăng say và nhiệt tình. Như con thoi qua lại giữa các buôn làng, Cha đem Tin Mừng đến cho anh em dân tộc. Nhờ Cha, họ càng ngày càng tìm đến Chúa nhiều hơn. Cha thành lập Ca đoàn Têrêsa của anh em dân tộc. Đặc trách các đoàn thể trẻ trong Giáo xứ
CÁC CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA GIÁO XỨ:
A. Nhà thờ Giáo xứ: THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM
Năm 1956, Giáo xứ có Nhà Nguyện thô sơ của nhà Dòng Châu Sơn nhượng lại.
Năm 1957, xây dựng ngôi Nhà thờ đầu tiên bằng gỗ - mái tôn, vách ván, nền xi măng dài 30m, rộng 12m ở khu vực trung tâm hiện nay.
Ngày 26.10.1969 Cha Phêrô Lê Hùng Tâm tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên. Ngày 01.12.1969, khởi công xây dựng với chiều dài 40 mét, rộng 22 mét, cao 15m. Ngày 25.4.1971, khánh thành Thánh đường mang tên Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Ngày 20.12.1994 cha Đaminh Vũ Đức Hậu cho xây Tháp chuông cao 33m, treo ba quả chuông.
Năm 1997, Cha Antôn Vũ Thanh Lịch về nhận xứ, tiếp tục hoàn chỉnh tổng thể về Cung thánh, xây hai Bàn thờ cạnh và thay mới hai tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse, Năm 2005: thay lại mái tôn Nhà thờ, Năm 2006: đóng trần và tu bổ Nhà thờ, lầu chuông, tu sửa bàn quỳ, thiết trí lại 14 chặng đường thánh giá. Năm 2008: thay lại nền gạch Nhà thờ bằng đá hoa cương
Ngoài ra, Giáo xứ còn có 2 Nhà nguyện của các Giáo họ Tân Lợi và PX. đã được xây dựng hoàn chỉnh, Giáo họ Tân Hòa có nhà nguyện tạm đã được nâng cấp để có khả năng sử dụng lâu dài, riêng Giáo họ Mân Côi chưa có Nhà nguyện.
B. Các công trình khác của Giáo xứ
Trước 1975, Giáo xứ có Trường Trung Tiểu học Tiến Đức gồm 10 phòng. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước tiếp quản và sử dụng làm Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh. Sau 30 năm, do nhu cầu của Giáo xứ đề xuất, Ngày 02.9.2005, Chính quyền giao trả để làm nhà dạy Giáo lý, ngoài ra, Giáo xứ còn có dãy nhà Sinh hoạt gồm 25 phòng, dùng làm phòng ở cho các Cha Quản xứ và các sinh hoạt khác của cộng đoàn Giáo xứ như: Phòng Khách Giáo xứ, Văn phòng HĐGX, Phòng học Giáo lý, Phòng tập hát, tập kèn…
Bên cạnh đó, Giáo xứ còn có một số tượng đài nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của từng thành phần, từng giới trong cộng đoàn Giáo dân, đó là các tượng đài được xây dựng theo mô hình Hoa viên:
Năm 1957: xây dựng Nghĩa trang Giáo xứ có tượng đài Chúa Kitô Phục sinh.
Năm 1962: xây dựng tượng đài Đức Maria Vô Nhiễm đầu làng.
Năm 1963: xây dựng tượng đài Đức Kitô Vua Vũ trụ trên đỉnh núi Cư Êbur.
Năm 1971: xây dựng Thánh giá đồi Canvê, đến năm 1975 đặt tượng Thánh Gioan Baotixita tại đây và được tôn tạo hoàn chỉnh vào năm 2005.
Năm 1997: xây dựng Hoa viên Đức Mẹ với các tượng thánh: tượng Mẹ ôm xác Chúa, tượng thánh Mônica, tượng thánh Antôn, tượng Chúa Hài đồng, tượng Tổng lãnh thiên Thần Micae, tượng Gia đình Công giáo, tượng các Thiên thần bổn mạng.
Năm 1998: xây dựng Hoa viên Chúa Hài đồng có tượng thánh Gioan Don Bosco và xây dựng Hoa viên Thánh Giuse.
Năm 1998: xây dựng tượng đài thánh Antôn Pađua.
Năm 2004: xây dựng cổng nghĩa trang, bàn thờ và đặt tượng Chúa phục sinh
Năm 2005: Tôn tạo dãy nhà giáo lý, quy hoạch khuôn viên và xây dựng cổng chính, bờ rào bao quanh phía trước.
Năm 2006: đặt tượng thánh Mactinô Pores.
Năm 2007: xây nhà sách Giáo xứ và văn phòng ban huấn giáo, đồng thời xây dựng khu gia mộ tại nghĩa trang để quy tập các phần mộ trẻ em đã chôn cất trên 10 năm
Năm 2008: xây bờ móng hàng rào nghĩa trang.

HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA GIÁO XỨ
Hiện nay, để cùng điều hành và cộng tác với các Cha Quản xứ, Giáo xứ có ban thường vụ HĐGX với 7 thành viên. Có 4 ban trị sự họ hiếu Giuse, Antôn, Gioan và Phêrô. Có 6 ban chấp hành đoàn thể công giáo là đoàn Phụ huynh, Phụ nữ, Thanh tráng niên, Thanh niên và Thiếu nhi. Có 9 ban Điều hành các ban ngành chuyên môn là Huấn giáo, Tin mừng, Hoa viên, Khuyến học, Lễ sinh, Kỹ thuật, Thánh thể, Trật tự và Phụng vụ. Riêng ban Phụng vụ đặc trách các tiểu ban như Phụng tự, Phụng mỹ và Phụng ca gồm có các ca đoàn Cêcilia, Anna, Thánh Tâm, Maria Goretti, Têrêxa, đội Kèn giáo xứ và ban Nhạc công. Ngoài ra, Giáo xứ đặc trách thêm 4 Giáo họ biệt lập là Tân Lợi, Tân Hòa, Mân Côi và Phanxicô. Đồng thời có cộng đoàn anh em dân tộc thiểu số Êđê với 4 giáo buôn. Mỗi Giáo họ có Ban Thường vụ, mỗi giáo buôn có ban đại diện. Thành phần chức việc điều hành các đơn vị trong Giáo xứ có trên 150 vị.
Hệ thống tổ chức chặt chẽ đó được quãng diễn theo mô hình như sau:

CÁC HỘI DÒNG HIỆN DIỆN TẠI GIÁO XỨ
1. Hội dòng Mến Thánh Giá Tân bình Nha Trang 1969 - 1975.
Cha QX Phêrô Lê Hùng Tâm và HĐGX vì nhu cầu công việc nên đề nghị Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Bình Nha Trang cho các nữ tu lên Giáo xứ phục vụ tông đồ. Vào trung tuần tháng sáu năm 1969, các nữ tu có mặt tại Giáo xứ Châu Sơn. Sau biến cố tháng 3 năm 1975, mặc dầu HĐGX có liên hệ xin các nữ tu phục vụ nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện không mấy thuận lợi nên Hội dòng không thể tiếp tục phục vụ tại Giáo xứ được.
2. Hội dòng Đức Maria NVHB: 1975 – 2008 - …
Tháng 7 – 1975, Cha Quản xứ GB Nguyễn Quang Diệu và HĐGX mời các nữ tu Hội dòng Hội dòng Đức Maria NVHB Ban Mê Thuột đến phục vụ tại Giáo xứ. Ngày 11.8.1975, bề trên Hội dòng đã cử 3 nữ tu và 3 thanh tuyển đầu tiên đến làm việc tại Giáo xứ và tiếp nối cho đến hôm nay đã có trên 50 nữ tu phục vụ cho Giáo xứ.
3. Dòng Cát Minh Châu sơn: 1994 – 2008 - …
Với phương châm “tôi nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa” Và mục đích hoạt động sống đời chiêm niệm thuần túy, phục vụ giáo Hội bằng yêu mến, cầu nguyện và hãm mình trong cô tịch, thinh lặng. Đặc biệt cầu cho hàng giáo phẩm và công cuộc truyền giáo cho Giáo Hội. Năm 1994 do nhu cầu của Giáo phận Ban Mê Thuột, xuất phát từ Đan viện Cát Minh Nha Trang, một chi nhánh đã có mặt tại Giáo phận nhà và chọn Giáo xứ Châu Sơn làm quê hương. Địa chỉ tại Thôn 2, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột.
4. Dòng Nữ tỳ Thánh Thể…
Địa chỉ hiện tại ở Giáo họ Mân Côi, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk.

ĐỜI SỐNG KINH TẾ CỦA GIÁO XỨ:
Từ năm 1956, bên cái thiếu thốn chưa ổn định của thời kỳ lập xứ, nên đời sống kinh tế lúc bấy giờ chỉ là tạm bợ, nhất thời theo từng thời vụ, đại bộ phận giáo dân sống chủ yếu bằng nghề nông, làm ra lúa, ngô, sắn… nên đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn. Vả lại, diện tích đất đai có hạn, phương tiện sản xuất thô sơ. Đặc biệt trong công cuộc cải tổ công nông thương nghiệp phía Nam năm 1978, đã bị trưng dụng toàn bộ tư liệu sản xuất của bà con vừa mới mua sắm, dẫn đến thu nhập thấp, kham khổ lại càng cực khổ hơn. Đến nay, sau quá trình 30 năm cần cù lao động, bộ mặt giáo xứ đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, đại đa số bà con giáo dân trồng và chăm sóc cây cà phê là chủ yếu, và trồng xen các loại cây ăn trái như na, sầu riêng chuối…, để tăng thêm thu nhập, nhiều gia đình gia đình chăn nuôi thêm nai, heo, gà công nghiệp… đặc biệt, hầu hết các gia đình đều có nuôi nai lấy nhung, là địa phương có số lượng nai cao nhất tỉnh.

CÁC HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI - TỪ THIỆN:
Nhờ sự năng nổ của các Linh mục Quản xứ đã vận động quyên góp được nhiều chủng loại như giày dép, quần áo, gạo và các nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ cho những gia đình nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương, Giáo xứ cũng đã xây dựng được nhiều căn nhà tình thương tại các thôn buôn và trong Giáo xứ, đồng thời thường đến thăm hỏi, hướng dẫn và giúp đỡ một số bà con dân tộc biết cách làm ăn, như cho nuôi bò lấy bê, tu sửa, thay mái tôn, tráng nền xi măng một số nhà ở cho bà con.
Hằng năm, thương cảm và chia sẻ với nỗi đau của đồng bào bị thiên tai bão lũ và những thành phần kém may mắn, theo kêu gọi của Tòa Giám mục Giáo phận, của Chính quyền, bà con giáo dân đã tích cực hưởng ứng đóng góp chia sẻ.

THÔNG TIN BỔ SUNG: (năm 2015)
- Giáo họ biệt lập: Phanxicô Xavie
- Số giáo dân: 7.321 nhân danh
- Linh mục Quản xứ đương nhiệm: Gioan Bùi Quang Đạo (từ ngày 12.12.2011)
- Linh mục phó xứ: Đa Minh Vũ Đức Văn (từ tháng 9/2015)
Địa chỉ: Xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk


 

THÔNG TIN BỔ SUNG: (năm 2018)
Từ ngày 10.6.2018: Cha phó Giuse Nguyễn Thanh Tâm


Bổ nhiệm Linh mục Quản xứ - Tháng 7.2018:

- Cha Đaminh Vũ Đức Văn (Phó xứ Châu Sơn): Quản xứ Đoàn Kết – hạt Mẫu Tâm

 
 Tags: Châu Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây