GIÁO XỨ TÂN LỢI Năm thành lập: 2007 Bổn mạng Giáo xứ: Thánh Giuse I. ĐẶC ĐIỂM CỦA GIÁO XỨ. 1. Tên Giáo xứ : Tân Lợi - Giáo hạt Mẫu Tâm Bổn mạng : Thánh cả Giuse Ngày kính : 19/03 Địa chỉ : Thôn 5, Xã Cuôr Knia, Huyện Buôn Đôn, Tỉnh Đăk Lăk. 2. Ngày thành lập Giáo xứ: Giáo xứ được thành lập ngày 10. 04. 2007 Do Đức Giám mục Giám Quản Tông Tòa Phaolô Nguyễn Văn Hòa ấn ký Ngày xây dựng Nhà thờ đầu tiên: 25. 09. 2003 3. Linh mục sáng lập : Giuse Nguyễn Tiến Sự 4. Linh mục tiên khởi : Gioan Baotixita Hoàng Minh Tâm 5. Giáo xứ hiện nay: - Nhà thờ với diện tích là 480 m2 - 4 phòng Giáo lý 135 m2 - Đài Đức Mẹ - Nhà xứ gồm 4 phòng có diện tích: 120 m2 - Số Giáo dân người Kinh: 216 gia đình và 968 nhân danh - Linh mục Quản xứ đương nhiệm: Gioan Baotixita Hoàng Minh Tâm - Linh mục phó xứ: Phêrô Trần Thanh Truyền - Linh mục: 0 Đại chủng sinh: 0 tu sĩ nam: 0 tu sĩ nữ: 5 6. Tên và Giáo họ biệt lập: - Giáo xứ hiện có 2 Giáo họ biệt lập: Giáo họ Tân hòa: 233 gia đình và 934 nhân danh Giáo họ Ea Lê: 99 gia đình và 419 nhân danh - Và các Giáo điểm: Giáo điểm Tân Xá: 39 gia đình và 168 nhân danh Giáo điểm Krông Ana: 55 gia đình và 226 nhân danh Giáo điểm Ea Súp: 65 gia đình và 316 nhân danh Giáo điểm Ea Bung: 45 gia đình và 175 nhân danh Giáo buôn Luca: 79 gia đình và 365 nhân danh - Tổng toàn Giáo xứ: 831 gia đình và 3571 nhân danh II. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO XỨ. 1. Bối cảnh hình thành: giai đoạn 1989 - 1999 Sau biến cố 1975, trong bối cảnh đất nước mới thống nhất, nhiều người không việc làm, không có đất sản xuất, đã hưởng ứng chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới. Vào ngày 15.03.1977, một số gia đình dân tại các phường Tân Lập, phường Thắng Lợi, phường Thành Công và phường Tân Tiến đã đáp lời kêu gọi vào xây dựng vùng kinh tế mới cách thị xã Buôn Ma Thuột 15 km về hướng Tây Bắc (hiện nay thuộc các xã Cuôr Knia, Ea Bar và Tân Hòa). Trong số đó, có một số gia đình là người Công Giáo như: ở Cuôr Knia có 20 gia đình, ở Ea Bar có 15 gia đình và ở Tân Hòa có 40 gia đình. Ý Chúa nhiệm mầu và nhiều thử thách, các gia đình Công Giáo đến đây sống đạo theo truyền thống đạo đức gia đình, tức là đọc kinh gia đình sáng - tối. Về lễ Chúa Nhật và lễ trọng và việc lãnh nhận các bí tích, bà con giáo dân đến tại Châu Sơn, hoặc Chính Tòa, hoặc Tòa Giám mục hoặc nơi cũ lúc thuận tiện. Tuy cách 15km nhưng đường xá thô sơ, gồ ghề, lầy lội, dốc dác, rừng dọc hai bên đường rậm rạp, phương tiện đi lại là xe đạp hoặc xe đò chạy bằng nhiên liệu than đá, an ninh không an toàn. Với bối cảnh đó, một số người lãng quên việc sống đạo và lãnh nhận các bí tích. Năm 1983 lại có một đợt giãn dân mới. Một số dân của tỉnh Nghĩa Bình vào tại Ea Bar trong đó có trên 10 gia đình Công Giáo. Một số dân của thành phố Buôn Ma Thuột vào tại Cuôr Knia, (được gọi là Nhất Tân An tức là người từ phường Thống Nhất, Tân Lập và Tân An), trong đó có 10 gia đình Công Giáo. Đời sống đạo lúc này chưa có gì thay đổi vì chưa có sinh hoạt cộng đoàn. Đời sống đạo chủ yếu mang tính cá nhân và gia đình. Sau gần 10 năm xây dựng kinh tế mới theo mô hình hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, việc làm ăn của bà con vẫn còn khó khăn vất và đa số sống phải kiếm sống bằng nghề khai thác lâm sản. Năm 1985 có 10 gia đình Công Giáo xứ Ngô Xá - Giáo phận Vinh vào lập nghiệp tại thôn Tân An thuộc tập đoàn sản xuất Nhất Tân An (Giáo khu Phêrô hiện nay). Nếp sống đạo đức của bà con Ngô Xá sẵn có ở miền Bắc nay được rực sáng qua việc chuyên cần đọc kinh sáng tối tại gia đình và thường xuyên cùng nhau về dự thánh lễ tại Giáo xứ Châu Sơn. Hơn nữa, họ còn tổ chức được việc nguyện ngắm và làm hang đá Giáng sinh. Ánh sáng đức tin ấy đã khơi dậy bao tâm hồn nguội lạnh và loan truyền sự bạo dạn cho giáo dân ở các địa bàn Tân Lợi, Tân Hòa và Mân Côi. Việc Chúa làm cho tôi, ôi vĩ đại Ta thấy mình chan chứa một niềm vui (Tv 126, 3...) Và như thế một luồng sáng đức tin mới được âm thầm nhen nhúm từ người này sang người khác, từ nhà này đến nhà kia và lan tỏa khắp mọi gia đình trên các địa bàn kinh tế mới này. Tháng 2 năm 1989, một sự việc xảy ra là anh Phêrô Nguyễn Văn Kỷ, người gốc Ngô Xá, đã được Chúa gọi về sau 3 năm nằm bất toại trên giường bệnh do tai nạn lao động. Lúc này đây một số người như ông Phêrô Võ Tá Bửu, ông Gioan Văn Chỉnh và Ông Phêrô Đặng Hữu Chẩn làm đơn gửi về thị xã Buôn Ma Thuột để xin tổ chức lễ an táng, nhờ có sự tác động của một số người đồng hương đang làm việc tại thị xã nên thị xã đã chấp thuận. Sau đó họ đã xin Tòa Giám mục cho Linh mục vào dâng lễ an táng cho anh Phêrô Nguyễn Văn Kỷ. Tòa Giám mục đã cử Cha Giuse Nguyễn Tiến Sự, người phụ trách các vùng kinh tế mới trong Giáo phận, vào dâng thánh lễ. Thánh lễ đầu tiên tại vùng kinh tế mới được Cha Giuse Nguyễn Tiến Sự dâng tại nhà bà Nguyễn Thị Hoàng (mẹ anh Kỷ) vào lúc 08 giờ ngày 12.02.1989 với sự tham dự đông đảo của bà con Công giáo trên các địa bàn kinh tế mới. Có được lần đầu ắt sẽ có được lần hai và kế tiếp. Sau thánh lễ trên Thiên Chúa đã ban sức mạnh hiệp thông cho dân Chúa tại các địa bàn kinh tế mới vùng Tây Bắc tỉnh Đăk Lăk. Các vị cao tuổi đã hợp nhau làm đơn thỉnh nguyện lên quý cấp để xin được sinh hoạt tôn giáo, xin có Thánh lễ và đã được quý cấp chấp thuận. Ngày 26.03.1989, Thánh lễ đầu tiên của cộng đoàn đó là lễ Phục Sinh. Cha Giuse Nguyễn Tiến Sự dâng lễ cho cộng đoàn Tân Lợi và Tân Hòa tại nhà ông Trường và cho cộng đoàn Mân Côi tại nhà ông Bằng. Các thánh lễ được cử hành cách đơn sơ - kê một bàn làm lễ tại hiên nhà, cộng đoàn hiệp lễ dưới mái che bằng bạt phơi lúa, ngồi ghế băng dài hoặc đứng - nhưng mang lại cho bà con niềm vui thiêng liêng và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thánh lễ kế tiếp tại nhà ông Long (làm phép nhà mới cho ông Long), rồi kế tiếp nữa là thánh lễ Giáng Sinh năm 1989 tại nhà ông Phan Thuộc ở Mân Côi và nhà ông Trần Văn Soạn ở Tân Lợi. Sau các thánh lễ trên, chính quyền địa phương mới thấy được hiệu quả do các sinh hoạt tôn giáo mang lại, an ninh trật tự địa phương có chiều hướng tốt đẹp hơn và giáo dân bớt bỏ ngày công lao động dự Thánh lễ xa. Do vậy, Thánh lễ được cử hành thường xuyên hơn, lúc đầu một tháng một lần và các ngày lễ trọng, về sau mỗi tuần mỗi Thánh lễ tại nhà cụ Soạn. Năm 1991, Tân Lợi được công nhận là điểm sinh hoạt chính. Ban đại diện được cha Giuse Nguyễn Tiến Sự chỉ định gồm có ông: Giuse Trần Văn Soạn, Giuse Trịnh Quang Trường, Phêrô Trần Ngọc Cẩn, Đaminh Vũ Mạnh Hùng và Phaolô Nguyễn Quốc. Ban đại diện lo việc phụng vụ, đón cha từ Tòa Giám mục về dâng lễ và đưa cha trở về Tòa Giám Mục. Tại nhà cụ Soạn, một mái che 9m2 được dựng lên làm nơi dâng lễ còn giáo dân hiệp lễ dưới những tấm bạt che tạm, ghế được đóng thành ghế băng dài, gọn nhẹ để đưa ra và xếp vào tiện lợi. Về huấn giáo, Cha đã cử người về Ban Giáo lý Giáo phận tu nghiệp để về dạy Giáo lý cho các con em. Việc dạy Giáo lý chủ yếu là chuẩn bị cho các em Giáo lý về xưng tội rước lễ lần đầu và Giáo lý thêm sức. Sinh hoạt Giáo xứ lúc này được hình thành và đi vào nề nếp. Hằng tuần vào chiều thứ bảy ban điều hành đón cha từ Tòa Giám mục vào dâng lễ tại Mân Côi (nhà ông Thuộc) sau đó về Tân Lợi nghỉ đêm ở nhà ông Trường và sáng Chúa nhật dâng lễ nhất tại Tân Lợi, rồi dâng lễ hai tại Tân Hòa sau đó về lại Tòa Giám Mục. Ngoài ra Cha còn dâng thêm các lễ trọng, lễ cưới, lễ an táng. Cha Giuse còn sẵn sàng đến để ban các bí tích rửa tội, giải tội, xức dầu bệnh nhân theo nhu cầu của giáo dân. Tháng 8 năm 1999, do nhu cầu mục vụ của Tòa Giám Mục, Cha Giuse Nguyễn Tiến Sự được bổ nhiệm làm Quản xứ Giáo xứ Thánh Linh, các điểm sinh hoạt Tân Lợi, Mân Côi và Tân Hòa được Tòa Giám mục đặt dưới sự chăm sóc mục của quý cha Giáo xứ Châu Sơn. Cha Giuse Nguyễn Tiến Sự lo việc mục vụ tại Tân Lợi, Mân Côi, Tân Hòa từ tháng 3 năm 1989 đến tháng 08 năm 1999. Trải qua gần 10 năm chăm sóc mục vụ tại 3 điểm với chiều dài hơn 9km, đường đi toàn là đất nhiều ổ voi, ổ gà phương tiện là chiếc xe Honda cũ kỹ. Có lúc mưa lầy gió lội phải di chuyển điểm này đến điểm khác bằng xe bò rất vất vả, có đôi lần cha còn bổ nhào xuống ổ voi lấm hết cả quần áo. Thấy cảnh tượng ấy giáo dân rất thương cha và hỏi cha: sao cha không làm một nơi ở để ở lại cho đỡ khổ. Cha trả lời: “cha đi lại có một mình, mà bà con đi lại thì đông người, hơn nữa cha muốn sau này sẽ thành 3 nơi sinh hoạt tiện lợi cho bà con. Đúng như ý cha bây giờ đã hình thành 3 nơi sinh hoạt tôn giáo nề nếp là Giáo xứ Tân Lợi, Giáo họ Tân Hòa và Giáo họ Mân Côi. Cha còn nói từ ngày Tòa Giám mục cho cha đi lại các vùng kinh tế mới (có cả Quỳnh Ngọc và cây số 62) cha khỏe hẳn lên, tinh thần phấn chấn hơn. Bây giờ nhìn lại mới thấy hối tiếc, đó là cha luôn nghĩ đến cho tương lai nhưng giáo dân không hiểu. Cha thường nhắc nhở và giao tiền cho các ban đại diện tìm mua những mảnh đất lớn để sau này tiện lợi xây dựng Nhà thờ và có khuôn viên rộng rãi. Nhưng các vị được trao phó không nhìn xa trông rộng mà chỉ vui mừng và thỏa mãn với những gì đã có, ngại xa khu dân cư mà chỉ quẩn quanh khu dân cư, nên chỉ có diện tích hạn hẹp mà thôi. Tân Lợi hơn 2000m2 - Tân Hòa 1500m2. Cha luôn động viên khích lệ Giáo điểm Tân Lợi chúng con đọc kinh cầu thánh cả Giuse để thánh cả cầu bầu cùng Chúa cho Giáo điểm ngày càng phát triển như lòng Chúa mong ước. Nghe lời cha Giáo điểm đã đọc kinh cầu thánh cả Giuse được ghi sẵn trên tấm bảng đen lớn và đọc hàng tuần sau mỗi thánh lễ. Kết quả chúng con được như mong ước (xin nói lên ở phát triển và đi lên). Chúng con xin chân thành cảm tạ cha. Cha đã nhờ ơn Chúa giúp mà vượt thắng mọi gian nan thử thách “vạn sự khởi đầu nan” để khơi lại ánh sáng đức tin cho chúng con, để chúng con có được như hôm nay. Xin Chúa tiếp tục ban ơn cho cha để cha sống tron ơn gọi Linh mục như lòng Chúa mong ước. 2. Bước đầu phát triển: từ 1999 đến 2001 Từ tháng 8 năm 1999 các điểm sinh hoạt Tân Lợi, Tân Hòa và Mân Côi được Đức Giám mục Giáo phận giao về cho quý cha Giáo xứ Châu Sơn phụ trách: Cha Quản xứ Antôn Vũ Thanh Lịch, cha phó Giuse Nguyễn Văn Nghĩa coi sóc và mục vụ cùng với sự quản lý gián tiếp của ban thường vụ Hội đồng Giáo xứ Châu Sơn. Tiếp nhận coi sóc mục vụ các điểm trên chỉ với cơ sở chỉ có 12m2 là nhà để bàn thờ dâng lễ được dời nhà cụ Soạn lên nơi Giáo xứ bây giờ. Phần giáo dân phải ngồi ngoài trời giữa nắng mưa, ghế ngồi là băng ghế gỗ và một ít ghế nhựa, ở Mân Côi thì mượn nhà ông Thuộc để dâng lễ, diện tích chừng 28m2. Ngày 31.08.1999, hai cha Giáo xứ Châu Sơn vào thăm các điểm. Ngày 26.09.1999, cha Antôn dâng Thánh lễ đầu tiên tại 3 nơi là Mân Côi, Tân Lợi và Tân Hòa. Các sinh hoạt vẫn như thường lệ, các thánh lễ hằng tuần, lễ cưới, an táng được duy trì, quý cha thay phiên vào dâng lễ. Tháng 3 năm 2000, cha Nghĩa chuyển về Quản xứ Giáo xứ Thuận Hiếu, cha Đaminh Đinh Công Tiến về Châu Sơn làm cha phó xứ. Thánh lễ đầu tiên cha phó Đaminh tại các điểm 23.04.2000. Về sau có thêm cha phó Gioan Baotixita Hồ Quang Lâm làm phó xứ Châu Sơn cũng vào dâng lễ tại Giáo điểm. Năm 2002, tại Giáo họ Tân Hòa, trong một đêm mưa to gió lớn đã làm sập dù dàn che tạm nơi dâng lễ nên được chính quyền địa phương chứng thực cho Giáo họ Tân Hòa dựng nhà mái che vào tháng 10 năm 2002. Tại Tân Lợi thương cảnh nắng mưa của Giáo dân lúc hiệp dâng thánh lễ, với tính năng động và quan hệ tốt với các cấp chính quyền, cha Antôn thôi thúc Ban Hành Giáo làm đơn xin làm nhà nguyện. Chính quyền tỉnh quyết định cho phép xây dựng Nhà thờ trong mảnh đất 1045m2 (theo đơn xin) mặc dù lúc này Giáo họ đã có thêm 975m2 liền kề. Nhận được quyết định cho phép, Giáo họ Tân Lợi khởi công làm nhà nguyện. Cha Antôn cùng Ban Hành Giáo bắt tay vào việc ngay: lập ban vận động gồm: ông Nguyễn Văn Miễn, ông Lương Văn Tân, ông Nguyễn Tiến Bảy và Ban kiến thiết gồm có: Ông Nguyễn Văn Thay - Trưởng ban (trưởng Giáo họ) Ông Nguyễn Việt Ái - Phó ban và kỹ thuật Ông Trần Kim Dung - Thư ký Ông Vũ Mạnh Hùng - Điều công Ông Trần Ngọc Cẩn - Thủ quỹ Ông Nguyễn Quốc - Vật tư - phó kỹ thuật Ông Trịnh Quang Trường - Đối ngoại Các nhân sự phụ trách kỹ thuật đi tìm mô hình, lên bản vẽ, tính toán chi phí vật tư trình Cha Quản xứ Antôn duyệt chấp thuận. Ban vận động đã kêu gọi các gia đình gia đình đóng góp thành nhiều đợt cùng với sự dâng cúng của một số ân nhân trong Giáo họ. Tổng số tiền là 28 triệu. Ngày 13.10.2002, khởi công xây dựng móng. Xong phần móng và đất nền thì hết tiền nên phải “liệu cơm gắp mắm”: chỉ làm sườn nhà tiền chế, xây tường bao quanh không cửa sổ, chỉ dùng ô gió, huy động công trong Giáo dân và chỉ thuê công thợ lành nghề, vật tư tiết kiệm. Được phép Tòa Giám Mục, Giáo họ đi xin tại một số Giáo xứ như: Phú Long, Giáo họ Lộ Đức, Dũng Lạc, Vinh Hương, Bác Ái, Châu Sơn, Quảng Nhiêu, Kim Mai, Phúc Lộc. Cha Sự cùng với quý ân nhân ngoài Giáo phận như: vợ chồng anh Ánh -Việt kiều Mỹ, cô Cúc (chị anh Trường) -Việt kiều Mỹ. Ông Naronk Summat giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Thông cùng nhiều ân nhân khác (có ghi trong sổ vàng của Giáo họ) cùng với sự đóng góp ủng gia đình ở nơi 2 cha xứ. Sau gần 1 năm thi công liên tục với sự hy sinh và tinh thần phục vụ của Ban vận động, Ban kiến thiết, Ban kiểm soát, Ban điều công... Công trình đã hoàn thành, ngôi nhà nguyện diện tích 400m2 (cả hiên), 1 tháp chuông do ông bà ở Châu Sơn dâng cúng và 1 quả chuông do gia đình ông Lê Sinh Lộc dâng cúng. Trong Nhà thờ bàn thánh, tượng chịu nạn, tượng thánh Giuse và Mẹ Maria, gác ca đoàn và 70 bộ ghế ngồi. Chí phí cho toàn công trình gần 400 triệu. Thánh lễ tạ ơn khánh thành Nhà thờ được tổ chức vào ngày 15.09.2003 do Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức chủ sự và làm phép. Nhà thờ Giáo họ Tân Lợi được xây dựng và hoàn thành trong thời điểm Giáo dân Giáo họ đang còn khó khăn vì nắng hạn mất mùa, nhưng niềm mơ ước có được ngôi Nhà thờ đã đốc thúc nhiều người hăng say rộng lòng đóng góp công lẫn tiền của. Xin được tri ân quý ân nhân, quý bà con Giáo dân đã ra sức đóng góp công của cho nhà Chúa. Xin cảm tạ Quý Cha Quản xứ đã quan tâm đến và giúp đỡ cho chúng con. Tháng 4 năm 2004, nhà phòng Giáo họ được xây với diện tích 75m2 bao gồm một gian phòng khách 5 x 4; 1 gian phòng ngủ 5 x 4; 1 gian phòng bếp 3 x 6m, có nhà tắm. Tổng giá trị toàn công trình là 71.275.000 đồng từ nguồn đóng góp của Giáo dân, quý ân nhân ngoài Giáo xứ, Giáo dân Giáo họ Phêrô Giáo xứ Châu Sơn (đơn vị kết nghĩa), hai cha Quản xứ. Sau khi có nhà phòng, cha Đaminh thường ở lại Giáo họ vào các buổi chiều thứ sáu để giải quyết các việc về bí tích rửa tội, hôn phối và đến sau các lễ Chúa ngài mới trở về Giáo xứ Châu Sơn. Còn cha Antôn mỗi tháng vào dâng lễ 1 lần và kiểm tra tài chính sổ sách. Sau khi có Nhà thờ Cha xứ đặt Mình Thánh Chúa trong nhà tạm để bà con có thể kính viếng và chầu Thánh Thể riêng. Tòa Giám mục đã chia phiên cho Giáo họ Tân Lợi chầu lượt vào Chúa nhật tuần III sau lễ Phục Sinh. Củng cố Ban Hành Giáo qua việc Giáo dân bầu ban hành Giáo khóa I và được cha chính xứ Antôn bổ nhiệm trong nhiệm kỳ 2004 - 2008 gồm các ông: Phêrô Nguyễn Văn Miễn - Trưởng ban Đaminh Vũ Mạnh Hùng - Phó ban I Giuse Trịnh Quang Trường - Phó ban II Phaolô Nguyễn Quốc - Thư ký Phêrô Trần Ngọc Cẩn - Thủ Quỹ Antôn Nguyễn Viết Ái - Phụng vụ Antôn Trần Kim Dung - Tài chính. Giáo họ được chia thành 4 Giáo khu. Mỗi Giáo khu có ban đại diện gồm 2 vị: Giáo khu 1: Trương Văn Sỹ và Trịnh Đình Hiền Giáo khu 2: Trần Quốc Thắng và Vũ Mạnh Dũng Giáo khu 3: Nguyễn Công Tuấn và Lê Hoài Phương Giáo khu 4: Đặng Văn Tá và Đặng Hữu Chẩn Đồng thời thành lập Hội gia trưởng và ban chấp hành gồm 4 thành viên và Hội hiền mẫu gồm 4 thành viên. Củng cố lại các lớp Giáo lý xưng tội và thêm sức; mở thêm các lớp Giáo lý Kinh Thánh. Hằng năm mở thêm 2 lớp Giáo lý hôn nhân và 2 lớp Giáo lý dự tòng do anh Nguyễn Viết Ái phụ trách. Đưa các em các lớp Giáo lý vào sinh hoạt đoàn thiếu nhi do 2 Giáo lý viên Nguyễn Quốc và Vũ Mạnh Thắng phụ trách. Cùng với Giáo họ Tân Lợi, năm 2005 nhà nguyện Giáo họ Tân Hòa cũng được nâng cấp, nâng nền, nâng mái, xây tường mặt trước, gian cung thánh và chung quanh có cửa sổ, cửa ra vào 2 bên và cửa ra vào mặt tiền... Như hiện nay. Các tổ chức được hình thành như Giáo họ Tân Lợi và Giáo họ Mân Côi. Năm..... Nhà thờ Giáo họ Mân Côi được xây dựng và khánh thành vào ngày...... Nguồn kinh phí do cha Antôn đi xin từ quý ân nhân trong và ngoài Giáo phận cùng với một phần công sức của Giáo dân trong Giáo họ. Năm 2010 cha phó Đaminh Đinh Công Tiến đã vận động quý ân nhân Giáo xứ Châu Sơn đóng góp tiền cho Giáo họ Tân Lợi mua 15m x 50m đất liền kề và mảnh đất phía sau 10m x 50m trị giá gần 150 triệu đồng. Đến tháng 6 năm 2011, Giáo họ được quý cấp chính quyền tỉnh nâng lên Giáo xứ và Tòa Giám mục bổ nhiệm cha Gioan Baotixita Hoàng Minh Tâm là cha phó Giáo xứ Giang Sơn về làm Linh mục Quản xứ Giáo xứ Tân Lợi. Cùng lúc này cha Đaminh Đinh Công Tiến được bổ nhiệm về làm Linh mục Quản xứ Giáo xứ Thuận Hòa. Với hơn 10 năm trực thuộc Giáo xứ Châu Sơn, được quý cha chính và phó xứ phụ trách mục vụ, ba Giáo họ Tân Lợi, Tân Hòa, và Mân Côi luôn được quý yêu mến quan tâm vì nhiều lý do: hoàn cảnh khó khăn của thời khai sinh và hình thành, cơ sở vật chất chưa có gì, đời sống đức tin còn bị lay động lu mờ qua thời gian xa Nhà thờ vắng bóng chủ chăn. Giờ đây 3 Giáo họ đã có Nhà thờ khang trang. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã luôn yêu thương chúng con trong sự quan phòng của Ngài. Tạ ơn thánh cả Giuse đã cầu bầu cùng Chúa cho chúng con để có được như hôm nay. Cám ơn quý cha đã xây dựng các Giáo họ chúng con để có được nền móng vững chắc để tiếp tục phát triển. 2. Càng ngày càng phát triển: từ 2011 đến 2016 Niềm vui mừng này tiếp đến niềm vui mừng khác. Mong ước được có Nhà thờ thì đã có, mong có vị mục tử về trực tiếp coi sóc mục vụ nay đã có. Vậy là ban chấp hành các Giáo họ tổ chức đi đón cha từ Giáo xứ Giang Sơn về, cùng với thánh lễ tạ ơn và tiệc mừng được diễn ra. Tiếp theo những ngày sau đó là cuộc họp gặp mặt quý chức, để nắm bắt tài sản, cơ sở vật chất, vật dụng hiện có của 3 Giáo họ, số gia đình, số Giáo dân và mọi hoạt động... Từ nay Tân Lợi là Giáo xứ chính gồm có 2 Giáo họ: Tân Hòa và Mân Côi cùng với các Giáo điểm vùng sâu vùng xa mà lâu nay Tòa Giám mục phải chăm sóc mục vụ như: Tân Xá, Krông Ana, Ea Súp, Ea Bung, Giáo buôn Luca và Ea Lê với cự ly từ Giáo xứ đến Ea Lê là hơn 60km. Năm 2011: Cha Quản xứ tổ chức đào tạo thêm Giáo lý viên đủ đáp ứng cho việc tổ chức lại các lớp Giáo lý theo độ tuổi của chương trình Giáo lý phổ thông từ đồng cỏ non đến vào đời II. Quan tâm nhiều đến đời sống đạo của lớp trẻ và đời sống đức tin, mỗi tuần có 2 thành lễ riêng cho thiếu nhi, 1 thánh lễ chiều thứ bảy cho thanh niên, 1 tháng 2 lễ chuyên đề cho giới gia trưởng và hiền mẫu, mỗi Giáo họ có 2 thánh lễ ngày thường và 1 lễ Chúa Nhật. Mỗi tuần có 1 đến 2 thánh lễ cho các Giáo điểm. Về xây dừng, Giáo xứ làm hàng rào lưới B40 quanh khuôn viên Nhà thờ, xây dựng phòng thánh, làm hệ thống lọc nước cho cư dân quanh vùng lấy nước sạch để uống. Giáng Sinh năm 2011 lần đầu tiên có chương trình văn nghệ và diễn nguyện. Tết năm 2012, cũng lần đầu tiên có Hội chợ xuân trong Giáo xứ gồm: Vé số lộc xuân có thưởng, trò chơi có thưởng, kèm với chương trình văn nghệ 2 đêm quay số mở thưởng. Năm 2012 tổ chức bầu Ban Thường Vụ Hội đồng Giáo xứ khóa 2012 - 2016 cùng với các tổ chức Giáo khu, ban điều hành giới gia trưởng và hiền mẫu do Giáo dân đề cử và bỏ phiếu kín. Cha Quản xứ trình lên Đức Cha danh sách ứng viên và Đức Cha bổ nhiệm Ban Thường Vụ Hội đồng Giáo xứ. Ban Thường Vụ Hội đồng Giáo xứ nhiệm kỳ 2012 - 2016 (khóa đầu tiên của đơn vị Giáo xứ) gồm có: Phêrô Nguyễn Văn Miễn - Chủ tịch Đaminh Vũ Mạnh Hùng - Phó chủ tịch I Giuse Trình Quang Trường - Phó chủ tịch II Phaolô Nguyễn Quốc - Thư ký, Phêrô Trịnh Đình Hiền - Tài chính Giuse Nguyễn Công Tuấn - Phụng vụ Catarina Đỗ Thị Mỹ Hồng - Thủ quỹ Cùng với Giáo xứ, Giáo họ Tân Hòa và Mân Côi cũng có ban hành Giáo mới. Về tổ chức công việc: Tổ chức đội bác ái: đưa người quá cố Sửa lại nóc Nhà thờ tạo sự thoáng mát. Sơn sửa lại mặt tiền Nhà thờ Xây dựng tường rào phía trái 110m Đón thầy giúp xứ Giuse Vũ Ngọc Thảo (thầy giúp xứ 1 năm). Năm 2013 Nâng cấp gian cung thánh: ốp tường gỗ, thay mới bàn thánh và các tượng. Làm trần Nhà thờ bằng tôn lạnh. Nâng cấp làm mới hệ thống điện - âm thanh. Làm nhà kho 40m2, nhà máy điện – đúc bê tông 1300 m2 sân Nhà thờ Tiếp đón Đức Giám mục về thăm và mục vụ: ban bí tích thêm sức (lần đầu) Giáo họ Mân Côi xây dựng đài Đức Mẹ Giáo họ Tân Hòa quy hoạch nghĩa trang Giáo họ Ea Lê xây dựng nhà nguyện 400m2: nhà tiền chế tường bao quanh Thánh lễ tạ ơn Linh mục Louis Nguyễn Lê Bảo tại Giáo họ Mân Côi (người con của Giáo họ) Năm 2014 Đón cha quản nhiệm Giáo họ Mân Côi: cha Vinhsơn Mai Văn Hòa. Xây dựng 80m tường rào phía phải khuôn viên Nhà thờ. Xây dựng nhà giáo lý tạm thời. Đón thầy phó tế Phêrô Trần Thanh Truyền về Giáo xứ. Ngày 30.09 thánh lễ tạ ơn tân Linh mục Phêrô Trần Thanh Truyền, được bổ nhiệm làm cha phó xứ Tân Lợi. Năm 2015 Xây dựng nhà nguyện Giáo điểm Tân Xá 100 m2 . Xây dựng nhà phòng tại Ea Lê: khá tiện nghi Xây dựng 6 phòng vệ sinh tại Tân Lợi. Lót nền, đóng trần các phòng Giáo lý bằng giấy cách nhiệt. Làm hàng rào mặt trước bằng sắt hộp. Tái thiết đài Đức Mẹ. Bắt đầu thủ tục xin hợp thức hóa đất liền kề thành đất tôn giáo. Năm 2016 Bầu ban Ban Thường Vụ Hội đồng Giáo xứ nhiệm kỳ 2016 - 2020, cùng các Giáo khu và đoàn thể: Ông Nguyễn Công Tuấn - Chủ tịch Ông Nguyễn Văn Sáng - Phó chủ tịch I Ông Trần Nhung - Phó chủ tịch II Ông Nguyễn Quốc - Thư ký Ông Trịnh Đình Hiền - Tài chính Bà Nguyễn Thị Hà - Thủ quỹ. HĐGX mới tiếp tục xin hợp thức hóa các phần đất mà Giáo xứ có: 4100m2. Nâng cấp mái Nhà xứ Tôn tạo các phòng Giáo lý: tô tường, đóng trần, sơn và đóng gạch, làm lại hệ thống đèn quạt, hệ thống cửa. Làm nhà vòm tiếp sau phòng thánh 60m2. Làm lại nóc Nhà thờ: thay tôn. Nâng cấp hệ thống máy lọc nước uống. 1000 lít/ giờ Làm mới hệ thống lọc nước uống tại Giáo họ Ea Lê: 2000 lít / giờ. Đón thầy giúp xứ Phêrô Vũ Đức La San về giúp xứ trong vòng 1 năm. Cha Quản xứ và cha phó luôn quan tâm về đời sống đạo của bà con nhất là giới thiếu nhi, giới trẻ, khuyến khích tham dự thánh lễ thường ngày, đốc thúc các em siêng năng lãnh nhận bí tích hòa giải để gia tăng đời sống đức tin. Quý cha còn tổ chức các sinh hoạt có tính đạo đức và hiệp thông như: trại hè thiếu nhi hằng năm, tĩnh huấn hằng năm cho các giới. Quý cha còn quan tâm đến các điểm vùng xa ở Ea Súp hỗ trợ tối đa cho bà con dân tộc Jarai trong Giáo buôn Luca: về gạo, thực phẩm, quần áo nhiều lần trong năm, nhất là dịp tết nguyên đán. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có những vị mục tử nhân lành thánh thiện, chăm sóc tốt cho đàn chiên đúng với tinh thần người mục tử của Chúa và Giáo Hội. Cảm ơn quý cha đã thực hiện những gì cho chúng con nơi Giáo xứ này. LỜI TÂM TÌNH XIN KẾT LẠI Gần 30 năm sống lao đao vất vả với cơm áo gạo tiền trên vùng đất mới nhưng cộng đoàn Giáo xứ nguyện luôn cố gắng bắt chước nhân đức trổi vượt của thánh cả Giuse bổn mạng đó là không lắm lời ồn ào mà chỉ âm thầm sống chứng nhân cho Thiên Chúa ở đời thường. Con đường nên thánh của thánh cả không phải là làm nên những việc lớn lao phi thường, mà là làm nên gương sáng trong những công việc nhỏ bé không tên mỗi người. Có như thế, cộng đoàn Giáo xứ mới được canh TÂN mỗi ngày để thu hoạch thêm nhiều LỢI ích cho tâm hồn. Giáo xứ Tân Lợi ngày 19 tháng 08 năm 2016 |