TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO XỨ THÁNH LINH

Thứ tư - 31/03/2021 04:57 |   1350
GIÁO XỨ THÁNH LINH

GIÁO XỨ THÁNH LINH

Thành lập ngày: 1963
Bổn mạng: Chúa Thánh Thần
Địa chỉ: 103 Nơ Trang Gưh, phường Tân Tiến, Tp. BMT, tỉnh Đăk Lăk
Số Giáo dân: 2751
Số Gia đình: 797

Giờ lễ:
Ngày thường: 4g45, 17g45
Chiều thứ Bảy: 17g45 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 5g00, 8g00

Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức
Giờ lễ:

Ngày thường: (thứ 7 đầu tháng) 17g45
Ngày 13 hàng tháng: 12g00
Chiều thứ Bảy:
Chúa Nhật:

(cập nhật ngày 31.12.2019)

 

GIÁO XỨ THÁNH LINH

Năm thành lập: 1963
Bổn mạng Giáo xứ: Chúa Thánh Thần

Phần 1: Đặc điểm đặc trưng của Giáo xứ.
Tên Giáo xứ: Thánh Linh/ Giáo hạt: Mẫu Tâm
Bổn mạng: Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hàng năm
Địa chỉ: 103 Nơ Trang Gưh, Phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Ngày thành lập Giáo xứ: 1963
Ngày xây Nhà thờ đầu tiên/ chất liệu Gỗ lợp Tôn (hình)
Số giáo dân: Kinh = 130; Sắc tộc = không.
Linh mục sáng lập: JB. Trần Thanh Ngoạn
Linh mục tiên khởi Giáo xứ: Cha Phêrô Lê Hùng Tâm.
Giáo xứ hiện nay:
Xây mới năm: 1970; do Linh mục Đaminh Vũ Đức Hậu
Số giáo dân: Kinh = 3.897; Sắc tộc = 1.457 (Cộng cả họ Hòa Nam)
Linh mục Quản xứ đương nhiệm: Phêrô Nguyễn Văn Phương, OP
Số người đi tu: Linh mục: 04; Đại chủng sinh: 05; Tu sĩ nam: 02; nữ: 09.
Cơ sở đặc trưng: Đài Đức Mẹ Lộ Đức, Cộng đoàn Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm Thánh Linh. Cộng đoàn Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn hòa Nam. Dòng Thiên hòa hòa Nam
Tên Giáo họ biệt lập: Có 1 Giáo họ biệt lập; Tên: Hòa Nam.

Phần 2: Lược sử hình thành và phát triển Giáo xứ.
ĐÔI NÉT VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Đất lành chim đậu.
Vâng, chắc chắn cha ông chúng ta đã nghe biết về mảnh đất Bazan Đăk Lăk màu mỡ của vùng núi rừng Cao Nguyên.
Mảnh đất càng quý bao nhiêu thì cha ông chúng ta càng phải trả giá bấy nhiêu: nào là các bệnh do các loài muỗi, do khí hậu, nào là những hiểm nguy rình rập như rắn rít, khỉ, cọp,... và cuối cùng là mồ hôi, công sức để biến những cánh rừng thành những mảnh đất xinh đẹp và ẩn giấu tiền của.
Kho báu không xa tầm tay các Ngài, nhưng đòi hỏi các Ngài một sự đam mê công việc để quên đi những khó khăn vất vả, ốm đau, hiểm nguy để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con cháu.
Thật là kỳ diệu “Ơn Ta luôn đủ cho các con”. Chúa Giêsu đã nói như vậy. Thuở tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người giống hình ảnh Chúa (nghĩa là ý chí, trí khôn và tình cảm) và trao ban cho con người quyền làm chủ trái đất và muôn loài, quyền thống trị và hưởng dùng đúng theo ý Chúa đã muốn.
Cha ông ta đã cộng tác với ơn Chúa để có được hạnh phúc: Những vườn trầu, những luống rau, những trái ổi, những ao rau muống,... là hoa mầu của mảnh đất Bazan phì nhiêu mà Thiên Chúa đã ban tặng...
Đây là quê hương của các Ngài giống như dân Israel thời Cựu Ước vào miền đất “Đầy sữa và mật”
Đời sống Đức Tin.
Ai nói, ai thúc giục các Ngài tìm đến Nhà thờ? Chắc chắn một tiếng nói từ sâu thẳm trong lòng cha ông chúng ta, khi các Ngài nhận hạt giống Đức Tin.
Bận rộn, vất vả cho cuộc sống cơm áo gạo tiền, các ngài vẫn tìm đến một Nhà thờ nào đó
Chúa chẳng thua sự nhiệt tâm của cha ông chúng ta. Ngài chuẩn bị sẵn một ngôi Nhà thờ tạm: nhỏ bé, thiếu thốn đủ thứ và chờ cha ông chúng ta đến.         
Số giáo dân ngày một đông. Nhiều người được nghe nói về mảnh đất đã nuôi sống những gia đình đã mạo hiểm đến trước. Từ con số nhỏ bảy gia đình lên đến con số mười ba, chưa kể gia đình anh em lính.
Đức Giám mục Kon Tum Paul Seitz Kim đã thấy trước mảnh đất này sẽ phát triển vì ở cận kề Thành phố. Ngài đã liên tục sai các Linh mục về để giúp dân việc thờ phượng Chúa.
Vị trí của Giáo xứ:
Lấy Tòa Giám mục Ban Mê Thuột làm gốc, thì Giáo xứ Thánh Linh nằm về phía Tây Nam.         
- Phía Đông: Giáo xứ cách Nhà thờ Chính Tòa hơn 1km          
- Phía Đông Nam: Giáo xứ giáp ranh với Giáo xứ Chính Nghĩa
Thời kỳ sơ khai:
Vì Trung đoàn 3 Thiết giáp đóng tại đây, nên có Cha về dâng lễ và giúp anh em lính về phần thiêng liêng.           
Lúc này, có các Cha:           
* Cha Giuse Trịnh Chính Trực (Sau này là Đức Giám mục)  
* Cha Lê Như Hảo
* Cha Trần Anh Dụ
Để tạo điều kiện cho các Cha, anh em lính mượn được 1 căn phòng nhỏ của Thiết giáp để các Ngài có nơi dâng lễ và ban các Bí tích.        
Lúc này, khoảng năm 1957 - 1958 mới chỉ có 7 gia đình đầu tiên nằm vọn vẹn trong khoảng 1km2, chủ yếu là dọc theo 2 bên bờ suối Đốc Học (Không kể anh em lính) để tiện việc mưu sinh.    
Trong thời gian này, Ông Phan Văn Nhưng và ông Hoàng Văn Diễn đại diện cho các gia đình này ra gặp Cha Trần Thanh Ngoạn để xin ý kiến thì Cha Ngoạn cử Cha Trịnh Chính Trực về thăm…           
Sau đó đích thân Đức Cha Paul Seitz (Kim) về thăm. Bà con đón Đức Cha về bằng xe đạp, Ngài thăm các gia đình và nói tạm thời cứ đi Lễ chung với anh em lính.           
… Đến nay, Giáo xứ trải dài đến tận Buôn Niêng (Giáo họ hòa Nam) và vươn tay ôm trọn khu Rau Xanh.           
Sự tăng trưởng của số giáo dân:     
Đến nay, thời Cha Giuse Nguyễn Tiến Sự (2013) chỉ tính 3 Giáo họ (Thánh Gia, Giuse, Lộ Đức) nằm sát Nhà thờ và gắn bó với Nhà thờ ngay từ ban đầu:
              Tổng số gia đình                                      : Khoảng 650
              Tổng số giáo dân                                     : Khoảng 2400

Thời Cha Phêrô Lê Hùng Tâm
(Đặt nền móng cho Giáo xứ)
* Thời điểm này Đức Cha Paul Seitz chính thức sai Cha Lê Hùng Tâm về và ở luôn giữa cộng đoàn giáo dân      
* Với sức trẻ của một tân Linh mục và nhờ ơn Chúa giúp, Ngài đặt việc làm một ngôi Nhà thờ đàng hoàng lên hàng đầu để đáp ứng số lượng giáo dân, nhất là để việc thờ phượng Chúa được trang nghiêm và tạo sự sốt sáng cho dân Chúa.  
Ngài đã chọn một mảnh đất bằng phẳng, rộng rãi đến hơn hai mẫu tây, nằm giữa Thiết Giáp và Pháo Binh để dựng một ngôi Thánh đường hình thánh giá, thay thế ngôi nhà nguyện tạm thời, đơn sơ, thiếu thốn và nhỏ bé. Người ta thường gọi là Nhà thờ Cây Cầy. (Ngày nay nằm ở cụm dân cư tổ dân phố 9, Phường Tân Tiến, giữa đường Mạc Đĩnh Chi và Hoàng Hoa Thám)          
* Cha đặt tên cho xứ đạo là xứ Mẫu Tâm
Từ đây, mọi sinh hoạt của Giáo xứ đang hình thành dần dần vì có Cha về đây luôn: có trường học cho các em khỏi phải đi xa. Các Hội đoàn bắt đầu làm cho Giáo xứ sống động lên, Hội con Đức Mẹ, Hội hát, Thanh niên, Thiếu nhi, Hội Cầu nguyện. Lễ ngày thường, đặc biệt là các ngày lễ trọng. Giáo dân được tham dự dễ dàng, vừa không phải đi xa, vừa đầy đủ và long trọng. 
Cảm tạ Chúa, Chúa đã ban cho chúng con đầy đủ cả phần vật chất lẫn tinh thần. Chúa đã tạo điều kiện để chúng con sống tròn vẹn tình con thảo: Thờ phượng Chúa mỗi ngày.      
Tuy đất rộng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng vẫn thỏa sức cho các em Thiếu nhi, các anh chị Thanh niên vui chơi, cắm trại, học Giáo lý... Vui mừng hơn nữa là các em Thiếu nhi có trường lớp tại Nhà thờ, khỏi phải đi học xa.

* Cũng từ đây, trong Thánh lễ, trong các buổi đọc kinh xen vào những giọng hát được tập luyện chuyên nghiệp hơn: Ca đoàn Cécilia.
Có một số người đã đáp lại tiếng Chúa gọi để luôn luôn sống đời Cầu nguyện: Cầu nguyện cho Giáo Hội, cầu nguyện cho mọi người trong Giáo xứ: Đó là Hội Cầu nguyện
Cuộc sống ngày càng ổn định, trong gia đình không còn vất vả như ngày mới đến, trong xứ có Nhà thờ đàng hoàng thì một số người trong họ Hợp Thành xin Cha thành lập Hội Trống để góp phần long trọng vào các ngày lễ trọng, và để tiễn đưa mỗi khi có người trong xứ quá cố.

Thời Cha Vinh Sơn Nam Huân
(Tổ chức Giáo xứ cách hệ thống)
Tiếng súng, tiếng đạn làm mất đi sự an toàn của ngôi nhà Chúa. Cha bàn với mọi người chuyển Nhà thờ.    
Có ý kiến cho rằng đưa về địa điểm nay là trường Lý Tự Trọng, Cha và nhiều người cảm thấy không ổn vì chỗ đó cao, đường tên mũi đạn vẫn bay qua, mặc dầu đó là vị trí quá đẹp và thuận lợi: đất rộng, vị trí ở trung tâm, vừa cao và lại thêm có một mảnh đất rộng rãi, đẹp, đối diện bên kia đường.     
Ngôi Nhà thờ tạm lại một lần nữa được dựng lên, Cha cho xây móng để chuẩn bị cho ngôi Nhà thờ mới bằng gạch khang trang hơn, tại vị trí hiện thời của Ngôi Thánh Đường mà chúng ta đang sử dụng.
* Các em Thiếu nhi và Thanh niên vẫn được sinh hoạt, được đi học bình thường tại khu đất nay là Trường Lý Tự Trọng.
Riêng Ca đoàn Cécilia được mọi người biết đến không phải là trong Thánh lễ, mà là qua các giờ phát thanh Công Giáo hàng tuần.
Lúc này, một Hội trống được thành lập, mang danh nghĩa Giáo xứ với những cái trống kiểu Tây, đẹp đẽ và hợp thời hơn. (hiện nay còn lưu giữ được vài cái trong nhà kho)
* Để chuẩn bị cho ngôi Nhà thờ mới, và nhất là để cho mọi người nghe rõ chuông hiệu các giờ Phụng vụ. Cha và Ban trị sự xứ đã mua hai quả chuông (hiện đang lặng lẽ nằm trên cao của Tháp chuông mới và đặt câu đố cho lớp con cháu: Ta có từ năm nào? và vui vẻ ngân vang đánh thức mọi người tham dự các giờ Phụng vụ)
* Để tránh bất đồng quan điểm vì một lý do cỏn con: Nhà thờ Thiết Giáp, Nhà thờ Pháo binh hay Nhà thờ họ Hợp Thành. Chúa đã soi sáng, ban khôn ngoan. Cha đã khôn khéo đi từng bước. Đầu tiên thành lập ba Khu, rồi trong ba Khu đó lập thành bảy Lân. Lúc này Ngài thành lập Quy chế Họ và để dân bầu chọn Trùm chánh, Trùm phó, Thư ký và mỗi Lân được đứng đầu bởi một Trưởng Lân (nếu trong Lân có gia đình anh em lính thì sẽ có thêm Đồng Trưởng lân), một Phó Lân.
Tiếp đến Ngài lập Quy chế Giáo xứ và cho bầu Ban Trị sự Xứ với các chức danh Chánh trương, Phó trương, Thư ký, Thủ quỹ.
* Và lúc thuận tiện đã đến: Cha xin ý kiến Đức Giám mục là giữ danh hiệu Mẫu Tâm hay Thánh Linh?
Nếu lấy Mẫu Tâm thì đã có nhiều xứ lấy danh hiệu này, còn lấy Thánh Linh thì chắc chắn là chưa.
Đức Giám mục đồng ý lấy danh hiệu là Thánh Linh, và Ngài yêu cầu từ nay trong các văn bản và trong lịch Địa phận sẽ sử dụng danh hiệu là Thánh Linh.
* Lòng ao ước của một số Gia đình muốn tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn đối với Đức Mẹ qua bao gian truân, nguy hiểm, vất vả, khổ cực mà Mẹ vẫn luôn nhận lời và bầu cử trước Tòa Chúa cho đoàn con bơ vơ, trôi dạt giữa sóng gió của biển đời: đó là có một tượng đài của Mẹ. Cha đã nhận lời và ngày 05 tháng 01 năm 1969 Ngài và bà con giáo dân đặt viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng, và chưa đầy hai tháng sau:
Ngày 11 tháng 02 năm 1969, Ngài đã xin Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai về khánh thànhTượng Đài Đức Mẹ Lộ Đức, để đoàn con cái có chỗ đọc kinh tôn kính Mẹ cho xứng đáng.

Thời Cha Đaminh Vũ Đức Hậu
 (Giáo xứ Phát triển)
* Việc làm đầu tiên là Ngài tiếp tục công việc xây dựng Thánh Đường. Vâng vào thời đó, phải nói là bao công sức để hoàn thành ngôi Nhà thờ lớn như vậy, đúng là kỳ công (Vì phải dùng cần cẩu). Chúa chúc lành cho sự cố gắng của Cha và toàn thể dân Chúa.
Ngôi Nhà thờ đã được hoàn thành. Cha và toàn thể giáo dân rất hoan hỷ, mãn nguyện vì đã có được một ngôi Thánh Đường vững chắc, đẹp đẽ, cao ráo để mọi người tiếp tục việc thờ phượng Chúa.
* Các em Thiếu nhi ngày một tăng, Cha cho xây một ngôi trường mới, có các phòng học rộng rãi. Đó là Trường Thanh Bình (Nay là Trường Lý Tự Trọng)
Cha tuyển thêm các Thầy cô để giúp các em mở mang kiến thức và mỗi tuần có giờ Giáo Lý nữa.
Nghĩa Binh Thánh Thể được đổi thành Hùng Tâm Dũng chí, với mục đích giáo dục các em vừa Nhân bản, vừa cách sống Kitô giáo.
Ngài mời gọi thêm những ai muốn thánh hóa đời sống gia đình cách đặc biệt và cầu nguyện cho Giáo Hội, cho mọi người trong xứ qua Huynh Đoàn Đaminh
Các Bà mẹ cũng được mời gọi tham gia sinh hoạt trong Giáo xứ với tên gọi là “Hiền Mẫu”

Thời Cha Giuse Nguyễn Tiến Lễ
(Giáo xứ thầm lặng: Đức tin được tôi luyện)
Đây là thời kỳ khó khăn:
Cho dù chỉ là một con người mang tính yếu đuối của nhân loại, nhưng Cha đã biết luôn phó thác, cậy trông nơi Chúa. “Khi tôi yếu hèn chính là lúc Chúa Kitô được vinh quang”
Chúa không bỏ dân Ngài, nhưng chính Ngài đã vung cánh tay uy quyền để bảo vệ họ, qua sự dẫn dắt của Cha, và đây cũng là lúc Chúa thử thách họ như vàng phải được thử trong lửa:  
Chính Chúa nâng đỡ và củng cố Đức Tin của con cái Người, qua sự dẫn dắt của Cha. Lúc này, Cha dùng các tông đồ bé nhỏ để cộng tác với Cha, họ làm việc rất đơn giản: Chỉ là học Giáo Lý và dậy Giáo Lý. Nhưng Chúa làm một việc lạ lùng, đó là Chúa tác động thẳng vào tâm hồn của mọi người, và gắn kết từng người lại trong Chúa qua việc học Giáo Lý.
* Để cách sống đạo của mỗi người không bị hụt hẫng. Cha mời gọi mọi người ý thức về việc làm của mình: Đi lễ, đi quét Nhà thờ vì Chúa, làm mọi việc để Chúa thấy... “Tôi làm việc này nhưng không mong ai trả công, mời ăn”... Những điều này xem ra nhỏ nhặt trước mắt người đời, nhưng thật sự là sức mạnh để Chúa củng cố Đức Tin của con cái Ngài.
* Cũng chính lúc này, Cha chia ba họ ra thành mười một xóm để mọi người cùng ý thức bổn phận lo việc nhà Chúa.
Ai hiểu được ý Chúa? Ai làm quân sư cho Ngài?.
Chúa biết lúc nào Ngài cần dùng ai, để chính Ngài được vinh hiển và con cái Ngài được chúc phúc qua sự khôn ngoan của Ngài.

Thời Cha Giuse Đặng Sỹ Bình.
(Giáo xứ Phục sinh với nhân danh hiệu:
 “Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”)
* Thật vậy,Thiên Chúa là Cha nhân từ, thấu suốt mọi sự. Ngài luôn chứng tỏ Ngài là Chúa, là chủ, là Cha và là Đấng khôn ngoan đầy quyền năng.
Đất nước đổi mới theo đà tiến của xã hội, và nhất là sự phát triển kỳ diệu của Công Nghệ Thông Tin, Giáo xứ chúng ta cũng không ngoại lệ, phải nằm trong vòng xoáy đó.
Thời khắc đã đến, Ngài đã chọn Cha Giuse Đặng Sỹ Bình và ban ơn khôn ngoan cùng lòng mạnh dạn để đổi mới toàn diện Giáo xứ. Cha đã làm cho Giáo xứ sống lại: Mở rộng đường sá, làm trần Nhà thờ.
Trùng tu Cung Thánh và chỉnh trang khuôn viên Đài Đức Mẹ, xây Nhà xứ, phòng Hội, sân Nhà xứ... Mọi Hội đoàn, mọi Giới ở trong Xứ được sinh hoạt lại.   

Tóm lại, Chúa không bỏ rơi những ai đặt niềm tin và trông cậy vào Chúa. Giáo Hội là của Ngài, chứ không phải là của ai khác. Vì thế, Ngài luôn bảo vệ Giáo Hội.
Chúa chúc lành cho từng người, từng gia đình để tất cả con cái Ngài phải nghiêm túc trong việc thờ phượng Ngài.

Thời Cha Giuse Nguyễn Tiến Sự
(Giáo xứ sống trong Ân Sủng và Bình An)

* Tạ ơn Chúa, qua các đời Cha xứ tiền nhiệm, bàn tay Chúa an bài, dẫn dắt, gìn giữ và tôi luyện dân Ngài. Hôm nay, giống như dân Israel trong thời Cựu Ước, Chúa ban cho Giáo xứ sống trong bình an cùng với muôn phúc lành của Ngài.
Chúa gửi tới cho Giáo xứ một Cha tuổi đã cao. Chắc hẳn có người đã nghĩ Ngài làm được gì nữa? Nhưng các Mục tử là “Người” của Chúa và Chúa muốn được vinh hiển qua các Ngài:  
* Cha hướng dẫn dân Chúa sống đúng Đức Tin và luân lý của Chúa dậy và Giáo Hội truyền lại. Với sự hiền lành, từ tốn và khôn ngoan của tuổi già, không những Cha chỉ hoàn chỉnh những gì còn thiếu, mà vẫn tiếp tục phát triển những gì cần phải làm từ đời sống đạo đến cơ sở vật chất: Xây phòng giáo lý, Nhà Linh, Đền Thánh Gia, Tháp chuông… 
Tất cả mọi công việc từ việc đạo đức, việc thờ phượng Chúa đến phần vật chất, Cha thực hiện cách nhẹ nhàng và tiệm tiến để không ai cảm thấy là gánh nặng.

Thời Cha Phêrô Trương Văn Khoa
* Ngày 20 tháng 01 năm 2015 Đức Giám mục sai Cha Phêrô Trương Văn Khoa về với Giáo xứ.
Cha đã lập Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu với ước mong có nhiều gia đình đọc kinh tối hàng ngày và tham dự Thánh Lễ thứ sáu đầu tháng (sau dần đi vào nề nếp, sẽ thực hiện tất cả thứ sáu hàng tuần) với tâm tình kính thờ và đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu để cầu nguyện cho gia đình mình và cho mọi người.
Từ xưa, “Nghĩa địa làng” vẫn là hình ảnh thân quen, gần gũi và thuận tiện cho việc thăm viếng và chăm sóc phần mộ của những người thân đã khuất. Vì thế mà qua sự đồng tình của bà con giáo dân, Cha đề nghị chỉnh trang lại toàn bộ khu “Đất Thánh” bằng cách cải táng những phần mộ đã lâu năm; xây dựng những kim tĩnh mới theo quy hoạch để có nơi chôn cất mới và sử dụng được lâu dài.        
Như vậy, người sống cũng như người đã khuất, từ đời ông bà, đời cha mẹ, đời con đến đời cháu luôn được gần gũi, không phải xa cách nhau. Ôi! Đẹp biết bao!
Lời kết:
Nhân dịp kỷ niệm Kim Khánh Giáo xứ, chúng ta là lớp con cháu. Lược sơ lại thành quả của cha ông chúng ta cũng như của các vị Mục tử.
Để có được những thành quả hôm nay, chắc chắn các Ngài gặp không ít gian nan, vất vả cùng với những thử thách, những bất đồng. Vì chúng ta là Giáo Hội lữ hành đang tiến về đích điểm là Nước Trời, thì dĩ nhiên trên đường đi sẽ luôn có những chông gai, trắc trở khi chúng ta mang thân phận con người bất toàn. Nhưng chính Chúa đã lèo lái Giáo Hội của Ngài, để mọi người muốn tiến về đích: thì luôn được gìn giữ, dậy dỗ, thử thách và tôi luyện trên đường đi.
Chúng ta trân trọng các Ngài qua những thành quả hôm nay. Chúng ta hiệp ý xin Chúa trả công bội hậu cho những ai còn sống cũng như đã về với Chúa.
Là lớp con cháu, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta hiểu và thực hành lời Thánh Phaolô “Anh em là những viên đá sống động để xây dựng Giáo Hội, là nhiệm thể Chúa Kitô”         
Xin chúc tụng danh Chúa.      
Ngàn đời ghi nhớ công ơn của Ngài. Thánh Linh ngày 13 tháng 8 năm 2016

CÁC LINH MỤC ĐÃ PHỤC VỤ GIÁO XỨ
01.…. LM. TRẦN ANH DỤ
1961 về trước
02.…. LM. PHÊRÔ LÊ HÙNG TÂM
1961 - 1964
03.…. LM. VINH SƠN NAM HUÂN
1964 - 1969
04. LM. ĐAMINH VŨ ĐỨC HẬU
1969 - 1974
05. LM. GIUSE NGUYỄN TIẾN LỄ
1974 - 1988
06. LM. GIUSE ĐẶNG SỸ BÌNH
1988 - 1999
07. LM. GIUSE NGUYỄN TIẾN SỰ
1999 - 2015
08. LM Phó. GIUSE VŨ NGỌC TOÀN
1999 - 2007
09. LM Phó. PHÊRÔ HOÀNG KHẮC DŨNG
2007 - 2013
10. LM Phó. GIUSE NGUYỄN VĂN NHIỆM
2013 – 2015
11. LM PHÊRÔ TRƯƠNG VĂN KHOA
2015 – 2016
12. PHÊRÔ NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, OP

Từ năm: 2016
LM Chính xứ: Phêrô Nguyễn Văn Phương. OP

* Giúp mục vụ Giáo xứ Thánh Linh (hạt Mẫu Tâm): Cha Giuse Đỗ Văn Phi, OP.
(theo Thông tin tháng 11.2018 của VP.TGM)


 
Hình tư liệu (chụp bên hông nhà thờ)

Khánh thành và làm phép Tượng Đài Đức Mẹ


Thông tin bổ sung:

* Thuyên chuyển Linh mục:
- Cha Micae Trần Kim Chinh (Quản xứ Kim Hòa) Hưu dưỡng tại TGM.
- Cha Gioan Nguyễn Sơn (Linh hướng Chủng viện LBT) Nghỉ bệnh tại TGM.
- Cha GB. Hà Văn Ánh (Quản xứ Hòa Tiến) Quản xứ Kim Hòa - hạt Giang Sơn.
- Cha PX. Nguyễn Ngọc Hoàng (Quản xứ Châu Ninh) Quản xứ Nam Thiên – hạt Buôn Hô.
- Cha Phêrô-Khoa Phạm Văn Hùng, CMR (Phó xứ Châu Ninh) Quản xứ Châu Ninh - hạt Phước Long.
- Cha Giacôbê Phạm Xuân Lương (Quản xứ Nam Thiên) Quản xứ Thánh Linh – hạt Mẫu Tâm.
- Cha Phêrô Nguyễn Văn Phương, OP (Quản xứ Thánh Linh) Quản xứ Hòa Nam – hạt Mẫu Tâm.
- Cha GB. Nguyễn Văn Thiện (Phó xứ Tân Lợi) Phụ trách Giáo họ Êa Lê (Tân Lợi – hạt Mẫu Tâm).
- Cha Phêrô Nguyễn Đức Cường (Phó xứ Vinh Đức) Phó xứ Phước Bình – hạt Phước Long.
- Cha Giuse Đậu Đình Hà (Phó xứ Vinh Hòa) Phó xứ Vinh Đức - hạt Buôn Hô.
- Cha Phêrô Vũ Văn Hiếu, OP (Phó xứ Quảng Nhiêu) Phó xứ Quảng Phú – hạt Đăk Mil.
- Cha Giuse Nguyễn Huy Hoàng (Phó xứ Kitô-Vua) Phó xứ Đông Sơn - hạt Giang Sơn.
- Cha Phaolô Cao Đình Quang (Phó xứ Kim Hòa) Phó xứ Buôn Hằng – hạt Chính Tòa.
- Cha Tôma Nguyễn Quốc Thịnh (Phó xứ Quảng Phúc) Phó xứ Kitô Vua – hạt Đăk Mil.
- Cha Giuse Nguyễn Văn Thược, SMV (Phó xứ Đông Sơn) Phó xứ Quảng Phúc – hạt Gia Nghĩa.
- Cha Antôn Lê Công Văn (Phó xứ Buôn Hằng) Phó xứ Thuận Tâm – hạt Chính Tòa.
- Cha GB. Hoàng Nguyên Vũ (Phó xứ Thuận Tâm) Phó xứ Vinh Hòa - hạt Giang Sơn.
* Linh mục Quản hạt Buôn Hô:
Ngày 31/8, Đức Giám mục Giáo phận đã bổ nhiệm Cha Matthêu Nguyễn Quang Tuấn (Quản xứ Phú Lộc) làm Quản hạt Giáo hạt Buôn Hô.

(theo Thông tin tháng 9/2019 của VP.TGM)
 Tags: Thánh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây