TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Di ngôn thứ ba : Này là con Bà, này là Mẹ của anh

Thứ ba - 04/04/2023 21:12 |   1137
Di ngôn thứ ba của Chúa trên Thánh Giá: Này là con Bà, này là Mẹ của anh
Di ngôn thứ ba : Này là con Bà, này là Mẹ của anh
 

 

 
  •  
    •  


DI NGÔN THỨ BA CỦA CHÚA TRÊN THÁNH GIÁ
THƯA BÀ, NÀY LÀ CON BÀ. NÀY LÀ MẸ CỦA ANH.(GA 19,26-27)

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.


 

Bài Tin Mừng.

Bối cảnh của di ngôn thứ ba.
Các phụ nữ trung thành đứng dưới chân Thánh Giá.
Sự hiện diện của Mẹ bên Thánh Giá, cùng niềm hy vọng và lời xin vâng.
Cana và Thánh Giá – Tiệc cưới giữa Thiên với Trần.
Thưa Bà, đó là con Bà.
Này là Mẹ của con.
Mở rộng cánh cửa đón mời Mẹ.
Đón nhận tình yêu để biết sống yêu thương.
Đứng bên cây Thánh Giá.
Là một gia đình quây quần bên Thánh Giá.
Bài tập sống di ngôn thứ hai Chúa Giê-su trên Thánh Giá.
 

Bài Tin Mừng.

23 Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.24 Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.

25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Bối cảnh của di ngôn thứ ba.

Di ngôn thứ ba của Chúa Giê-su nói từ trên Thánh Giá, theo nhiều nhà chú giải Thánh Kinh, có ý nghĩa biểu tượng. Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa thật phong phú của lời này, xin được đi vào bối cảnh. Lời thứ ba của Chúa Giê-su nói trên Thánh Giá nằm trong bài thương khó theo Phúc Âm của thánh Gio-an (chương 18-19). Cụ thể hơn, sau khi Chúa Giê-su đã bị đóng đinh trên Thánh Giá (Ga 19,23), thì quân lính chia nhau những tấm áo của Ngài, để “ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm” (Ga 19,24). Trong bối cảnh đó, Gio-an kể lại rằng, một số phụ nữ có mặt ở gần bên Thánh Giá, đặc biệt có Mẹ Maria hiện diện. Gioan còn kể ra danh tánh của các phụ nữ: “thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la” (Ga 19,25).

Ngoài các phụ nữ này ra, có một nam nhi duy nhất là Gio-an Tông Đồ, môn đệ yêu dấu của Chúa, và cũng là tác giả của Phúc Âm thứ IV. Khi Mẹ Maria, các phụ nữ và Gio-an hiện diện dưới chân Thánh Giá, Chúa Giê-su đã nhìn xuống thân mẫu của Ngài cùng người môn đệ yêu dấu, và Ngài đã nói lời thứ ba này. Trước khi suy niệm về lời thứ ba này, thiết nghĩ cũng nên chú ý đến các phụ nữ theo chân Chúa Giê-su trên đường thương khó mà các thánh sử nhắc tới.

Các phụ nữ trung thành đứng dưới chân Thánh Giá.

Tất cả các tác giả của bốn Phúc Âm đều kể lại theo cách riêng của mỗi người, việc các phụ nữ hiện diện dưới chân Thánh Giá của Chúa Giê-su. Ở Mác-cô chúng ta đọc thấy rằng: “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết, cùng bà Sa-lô-mê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó” (Mc 15,40-41). Thánh Mát-thêu cũng nhắc đến các phụ nữ tương tự như cách thức của Mác-cô. Còn Lu-ca thì nêu vắn tắt: “Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy” (Lc 23,49).

Các bà thật can đảm, còn các môn đệ thì khiếp sợ và chốn mất. Chrysostom chia sẻ: “Các phụ nữ đứng dưới chân Thánh Giá, trong khi các môn đệ chạy trốn. Như thế, những người yếu đuối đã tỏ ra là người mạnh mẽ. Từ biến cố này, mọi sự đã hoàn toàn thay đổi”.[1] Nhưng có mấy phụ nữ đứng dưới chân Thánh Giá? Dù có nhiều giả thiết khác nhau, nhưng nếu chúng ta theo sát bản văn của Gioan thì có bốn phụ nữ: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la” (Ga 19,25).

Như thế có tất cả 04 phụ nữ: (1) thân mẫu Người, (2) chị của thân mẫu, (3) bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, (4) bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Theo Schnackenburg có thể chủ đích là Gioan để bốn phụ nữ đối diện với bốn người lính. Họ đứng bên Thánh Giá, nghĩa là rất gần Chúa Giê-su. Điều này có thật sự đúng hay không, nghĩa là nhóm lính canh có cho những người xung quanh đến gần nơi các thập giá treo tử tội hay không, thánh sử Gioan không quan tâm tới. Điều ngài quan tâm tới mang một chiều sâu khác.[2]

Theo Đức BenedictoXVI[3], ngay khi các thánh sử không kể lại gì cách trực tiếp về tâm trạng của các phụ nữ đang hiện diện dưới chân Thánh Giá, nhưng người ta có thể nhận ra được sự buồn rầu và đau đớn của họ về những việc đang xảy ra đối với Chúa Giê-su.

Hơn nữa, thánh sử Gio-an đã trích dẫn lời của tiên tri Gia-ca-ri-a ở phần cuối bài thương khó: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Cũng chính thánh Gio-an, ở trong sách Khải Huyền, đã nhắc lại cảnh Chúa Giê-su bị đâm thâu trên Thánh Giá, nhưng ở trong viễn cảnh Chúa Giê-su đến trong ngày quang lâm: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người” (Kh 1,7).
Những người đâm thâu Chúa, và cả những phụ nữ theo Chúa từ bấy lâu nay, cũng đều nhìn lên Đấng bị đâm thâu. Nhưng mỗi nhóm người có cái nhìn khác nhau. Cái nhìn của khinh khi và ác nhân của những người kết án và hành hạ Chúa, cái nhìn cảm thông và đau xót của các phụ nữ trung thành theo chân Chúa.

Sertillanges diễn tả về các phụ nữ đứng dưới chân Thánh Giá Chúa như sau: “Những phụ nữ vẫn đứng đó, lúc tiến lại gần, khi lui ra xa tùy theo đám đông và binh lính cho phép. Họ theo Đức Giêsu suốt hành trình của Ngài từ Ga-li-lê. Lúc này Ngài cần ai đó để giúp đỡ vào giây phút cuối cùng. Sự có mặt của họ mang tính biểu tượng. Nó báo trước tương lai và vai trò nữ giới trong cuộc sống Giáo hội, như trong cuộc đời Đức Kitô… Các người đàn bà đạo đức này ngay từ đầu đã tận tụy với Đức Giêsu và kiên trì cho đến giây phút cuối cùng. Họ sẽ xức dầu thơm cho mộ Ngài, sẽ làm nhân chứng cho việc Ngài sống lại, sẽ có vai trò trong ngày Thánh Thần hiện xuống. Họ dâng hiến cuộc đời cho công việc cứu rỗi nhân loại, sau khi đã thờ lạy và làm vui lòng Ngôi vị Ngài. Trên ngọn đồi Calvario họ nhận lãnh chức vụ mà sau này sẽ truyền lại cho nữ giới suốt lịch sử Kitô giáo. Họ đang hiện diện dưới chân Thánh Giá. Như vậy họ đứng làm hình ảnh chính thức cho nửa phần nhân loại được thánh hiến…

Những trái tim dịu dàng này (chúng ta khoan nói đến Đức Maria) thấu hiểu tốt hơn đàn ông về tính dịu ngọt thần linh và sức mạnh siêu phàm của Đức Giêsu, Đấng Thiên sai và tử đạo. Sự vĩ đại của Ngài đã chiến thắng họ. Lòng thương xót và nhân lành của Ngài lôi kéo họ đến bên cạnh Chúa. Nó làm cho họ ngất ngây. Về căn bản phụ nữ là người thích an ủi vỗ về. Quan điểm của họ về sự sống khiến họ dễ trở nên người trợ giúp. Bởi vì là người ban sự sống, cho nên phụ nữ ý thức rõ hơn đàn ông về tính mỏng dòn và yếu đuối của loài người. Và quyết bảo vệ những gì họ sinh ra ở trên thế gian này. Những linh hồn đa cảm ấy vừa là bạn hiền vừa là học trò, và trong nghĩa nào đó là các con gái, các bà mẹ hiền dịu dưới chân khổ giá, khóc cay đắng cho số phận của Thầy mình. Họ nhìn lên Thầy với chút an ủi và khích lệ. Họ mời mọc Thầy chia sẻ với họ sự yếu đuối của thân phận làm người. Quỳ lạy tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ mình, kêu cầu Ngài ban ơn xuống cho mình và con cháu. Phần thưởng của họ là được ủy thác chôn cất xác Chúa. Nhưng chính giờ này xác Thầy đã là của họ. Một chị em đã xức thuốc thơm cho thân xác Thầy trước rồi và ít lâu nữa họ sẽ vội vã đi mua dầu thơm trước khi bình minh thứ bảy ló rạng (thứ 7 cấm đi xa), để có thể ướp xác bằng hương liệu ngọt ngào và đặt Chúa vào chiếc giường đá lạnh lẽo”.[4]

Thật vậy, các phụ nữ qua tâm tình của họ với Chúa, đã thoa dịu phần nào cảnh thương khó của Chúa mà những người ác nhân đã gây ra. Ở đây, chúng ta có thể đọc lại lời của tiên tri Da-ca-ria: “Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng” (Dcr 12,10). Trong bầu khí của bạo tàn, của sỉ nhục và ác nhân, vẫn có sự trung thành của tình yêu, sự xót thương của các phụ nữ giành cho Đấng Cứu Độ. Trong tâm tình này, chúng ta có thể thấy được điều mà tiên tri Da-ca-ria nói: “Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế” (Dcr 13,1). Tâm tình hướng nhìn lên Đấng bị thâu – Đấng Cứu Độ, lòng thương cảm và tâm tình hiệp thông chia sẻ với Ngài sẽ đưa lại một dòng suối thanh tẩy tội lỗi. Sức mạnh biến đổi của cuộc thương khó đã bắt đầu.

Như đã nói ở trên, thánh Gio-an không chỉ kể lại sự hiện diện của các phụ nữ, mà còn nhắc đến sự có mặt của môn đệ mà Chúa Giê-su thương yêu, và đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của thân mẫu Chúa Giê-su, Mẹ Maria – người Mẹ cao quý.

Sự hiện diện của Mẹ bên Thánh Giá, cùng niềm hy vọng và lời xin vâng.

Nếu chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá của Chúa Giê-su, người phụ nữ đang nhìn người con duy nhất của mình, bị những người ác nhân kết án tử và đóng đinh trên Thánh Giá, chúng ta sẽ cảm nhận được tâm trạng của Mẹ: run rẩy, đau xót về những gì Mẹ đã chứng kiến trên con đường khổ nạn của con. Truyền thống Ki-tô giáo, qua việc chiêm ngắm Mẹ trong khung cảnh đó, đã nhận thấy kinh nghiệm đau khổ tột cùng của Mẹ. Nhưng Mẹ hiện diện dưới Thánh Giá không rũ rượi, khi thấy con mình đang chết đau đớn, nhưng mẹ “đứng”, trong một tư thế rất kiên vững. Thế “đứng” của Đức Mẹ đã là đề tài cho bao người chiêm ngưỡng và suy gẫm: Stabat Mater dolorosa – Mẹ sầu bi đứng dưới chân Thánh Giá! Đó là bài thơ bằng tiếng La-tinh, được viết trong thời Trung Cổ. Dưới đây là một phỏng dịch từ tiếng La-tinh:

“Mẹ đứng dưới chân thánh giá con yêu,
Tâm can nát tan Mẹ chết trăm chiều,
Gần bên Chúa trong giờ tử nạn.
Mẹ diễm phúc của Con một Cha,
Đấng tạo dựng đất trời,
Buồn thương và thảm thiết biết bao!
Đức Kitô chịu hành hạ trên cao,
Bên dưới Mẹ đứng nhìn xót xa,
Thấy Con chết anh hùng, tử đạo.
Hỡi những kẻ đi đường lơ đễnh,
Hãy trông xem Hiền Mẫu chúng ta
Đau xót nào sánh bằng của Mẹ?
Trái tim ai chịu nổi được không?
Mà chẳng hề chia sớt với Mẹ
Nỗi đau tày biển rộng trời cao?


Chỉ một mình phụng vụ thánh đủ khả năng khai thác tốt đề tài này và có thẩm quyền phổ biến cho mọi thời đại suy ngẫm vì lợi ích các linh hồn thánh thiện. Giáo hội yêu mến hình ảnh Mẹ Sầu Bi. Người ta có thể giải thích bài ca Stabat Mater (Mẹ đứng kề thánh giá) là phản ánh chính Giáo hội. Nó là bài ca về lòng mẹ hiền tan nát và khổ đau vinh quang. Giáo hội lục lọi các lời tiên tri và hô lớn với ngôn sứ Giê-rê-mia lên tổ phụ mình rằng: ‘Tai họa ngươi mắc phải lớn quá rồi, lớn tựa trùng dương ai chứa nổi?’ (Ac 2,13). Hội Thánh áp dụng lời này cho Mẹ Sầu Bi, như khi nói về Đức Giêsu, Hội Thánh áp dụng thân phận cô gái héo hắt Si-on: ‘Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem, có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên tôi?’ (Ac 1,12)”.[5]

Trong Phụng Vụ có lễ kính Đức Mẹ Sầu bi vào ngày 15.9, sau lễ Suy Tôn Thánh Giá. Như thế, Giáo Hội như muốn nói rằng: “Khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Chúa đứng kề bên mà thông phần đau khổ”. (Lời nguyện Các giờ Kinh Phụng Vụ, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi). Cuộc đời của Mẹ Maria luôn kết hợp với những nỗi khổ đau của Chúa Giê-su, con Mẹ. Có lẽ không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Đức Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của Thánh Gioan, “đã đứng kề bên thập tự giá Đức Chúa Giêsu” (Ga 19,25) trên đồi Can-vê. Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình.

Cũng nên nhắc đến bài thánh ca của linh mục Kim Long Mẹ đứng đó, lời bài hát tương hợp với bài thơ Stabat Mater dolorosa – Mẹ sầu bi đứng dưới chân Thánh Giá, diễn tả tâm trạng đau khổ của Mẹ Maria: “Mẹ đứng đó khi hoàng hôn tím mầu. Nhạc thương trầm buông hắt hiu. Đồi cao u hoài loang máu đào. Con Chúa đau thương treo trên Thánh Giá. Hiến thân vì nhân loại tội tình. Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu. Đồng công cùng con dấu yêu. Vì thương nhân loại bao khốn cùng. Xin dẫn đưa bao tâm hồn lạc hướng về bên Mẹ, Mẹ ơi!”.

Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá của Con Mẹ với tình yêu sâu thẳm, một tình yêu trộn lẫn đau khổ khi thấy con chết trong đau đớn với niềm vui tràn đầy từ trái tim đau khổ của Mẹ, đó là niềm vui khi thấy nhân loại được cứu vớt qua chính cái chết của con Mẹ. Sandro Vitalini suy niệm như sau: “Tư thế của Mẹ khi đứng cạnh Thánh Giá phải diễn tả một tâm hồn đặc biệt là ngần nào. Mẹ ý thức rằng thời điểm để hạ sinh một tân nhân loại đã điểm, và từ lòng Mẹ một niềm vui đã tuôn trào từ trái tim tan nát, đau đớn của Mẹ. Mẹ biết rằng qua cái chết rùng rợn của đầy tớ thống khổ của Gia-vê mà nhiều người được công chính hoá (x.Is 53,11), và cái chết nhân loại đã bị cái chết của Đức Giê-su tiêu huỷ đi cách vĩnh viễn (x.1Cr 15,53)”.[6]

Cantalamessa diễn tả thật tuyệt vời về sự đau khổ của Mẹ trên đường thương khó và ở dưới Thánh Giá: “Ðức Maria cũng đã uống cạn chén khổ nạn. Có thể nói về Người như đã nói về Nữ Tử Si-on, Người “đã uống chén lôi đình từ tay Giavê, Người đã uống, đã nốc cạn ly (x.Is 51,17). Nếu bên khổ giá Ðức Giêsu, trên Núi Sọ, có Maria Mẹ Ngài, thì điều đó có nghĩa là trong những ngày đó Người có mặt tại Giê-ru-sa-lem, đã chứng kiến tất cả, đã tham dự vào tất cả cuộc khổ nạn. Người đã nghe thấy tiếng la hét: ‘Không phải hắn mà là Baraba!’; Người đã thấy Ecce homo; Người đã nhìn thấy thịt bởi thịt mình bị đòn roi, đẫm máu, bị đội vòng gai, nửa thân trần trụi trước đám đông dân chúng, Người đã chứng kiến tấm hình hài đó run rẩy, co giật bởi những cơn rùng mình của cái chết. Người đã nghe tiếng búa nện và những lời lăng nhục: ‘Nếu mày là Con Thiên Chúa’. Người đã nhìn thấy những tên lính chia nhau áo xống của Ngài, cả tấm áo trong mà chính tay Người đã dệt. Tâm tình đạo đức Kitô giáo quả đã không lầm khi áp dụng cho Ðức Maria những lời mà Nữ Tử Si-on thốt lên trong nỗi buồn sầu đau đớn: ‘Hỡi những khách qua đường, hãy trông xem: có đớn đau nào như nỗi đớn đau hành hạ thân tôi’ (Ac 1,12). Nếu Thánh Phaolô đã có thể nói: ‘Tôi mang nơi thân mình tôi những vết hằn của Ðức Giêsu’ (Ga 6, 17), thì Ðức Maria có thể nói đến thế nào nữa? Ðức Maria là người đầu tiên trong Kitô giáo được in thương tích vô hình, hằn sâu trong trái tim, như sau này sẽ xảy ra nơi các thánh nam nữ”.[7]

Tuy nhiên, thật là thiếu xót, nếu chỉ dừng lại ở sự khổ đau của Mẹ tại Thánh Giá, bởi vì từ Thánh Giá Chúa, từ chính trong khổ đau và cái chết của Chúa luôn có tia sáng hy vọng đang âm ỉ cháy. Thật vậy, ba lần Chúa Giê-su loan báo về cuộc thương khó Ngài phải chịu, thì trong cả ba lần sứ điệp Phục Sinh luôn được Ngài nhắc tới. Cantalamessa nhắc nhớ: “Hình ảnh về Ðức Maria dưới chân Thập Giá, như hình ảnh gợi hứng từ bài Stabat Mater (Mẹ đứng đó), trong đó Ðức Maria chỉ có ‘buồn và sầu khổ’ mà thôi, chỉ còn là Người Mẹ sầu khổ (Mère des douleurs), hình ảnh đó sẽ rất thiếu sót, không đầy đủ vì như thế là không lý gì đến sự kiện chính Gioan trình bày hình ảnh đó, và theo Gioan, Thánh Giá còn hàm chứa giá trị vinh quang và của chiến thắng. Trên Núi Sọ, Ðức Maria không chỉ là ‘Mẹ sầu bi’ mà còn là Người Mẹ cậy trông, Mater spei, như một thánh thi của Giáo Hội đã cầu khẩn Người…

Thánh Phaolô khẳng định về Abraham trong thử thách: đó là ‘tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, ông đã tin’ (Rm 4,18). Lời tuyên bố này áp dụng cho Ðức Maria dưới chân Thánh Giá lại càng đúng hơn: tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, Mẹ đã tin. Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông là gì nếu không phải là ‘chẳng còn là lý do gì để hy vọng, ở trong một tình cảnh hoàn toàn bị tước hết mọi hy vọng, xét trên bình diện nhân loại, và hoàn toàn đối nghịch với lời hứa, nhưng không vì thế mà vơi niềm cậy trông, chỉ duy còn dựa vào lời hy vọng mà Thiên Chúa đã phán vào thời của Người…Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn về Người đã biết đứng bên Thánh Giá, tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, hãy biết năng kêu cầu Người dưới danh hiệu ‘Mẹ cậy trông’, và nếu lúc này ta đang gặp thử thách, muốn thất vọng buông xuôi, thì hãy lấy lại bình tĩnh bằng cách lập lại cho chính mình những lời này: Quả ơn nghĩa Giavê không hết, lòng thương xót của Người không cạn, nên tôi trông cậy vào Người”.[8]

Sự hiện diện và đau khổ tột cùng của Mẹ, và niềm hy vọng vững vàng của Mẹ tại Thánh Giá, một cách nào đó diễn tả sống động quyết tâm sống lời xin vâng của Mẹ. Khi Mẹ nói lời xin vâng với Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, thì Mẹ đã sẵn sàng đi vào con đường mà Thiên Chúa chuẩn bị cho Mẹ. Con đường hẹp của người phụ nữ mang thai không được ngôi nhà nào đón tiếp, để có thể sinh con trong mái ấm của cuộc đời, mà cuối cùng phải sinh con trong hang bò lừa hôi hám và lạnh lẽo. Con đường của người Mẹ cùng với chồng là thánh Giu-se phải đưa con mình là hài nhi Giê-su chạy trốn qua Ai-cập, thoát khỏi sự lùng sục bắt bớ với âm mưu triệt hạ hài nhi của vị vua trần thế. Con đường xin vâng của Mẹ là con đường tuân theo thánh ý Chúa, con đường hẹp nhiều chông gai. Con đường đó kéo dài cho đến cuộc tử nạn của Chúa Giê-su.

Ở đoạn cuối này, lời xin vâng của Mẹ ngày xưa vẫn không thay đổi, hay có thể nói mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi bước chân Con của Mẹ lê bước vác Thánh Giá, đều có bước chân của Mẹ dõi theo, đồng hành và sẻ chia. Ở tại cây Thánh Giá, nơi con Mẹ đang bị treo đau đớn, lời xin vâng của Mẹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thật vậy, sự hiện diện của Mẹ bên Thánh Giá cho thấy, Mẹ quyết tâm chia sẻ trọn vẹn sứ mạng và hy lễ cứu độ của Con Mẹ là Chúa Giê-su. Mẹ muốn tham dự vào tận đáy sâu thẳm những thống khổ mà Chúa Giê-su chịu. Mẹ không khước từ lưỡi gươm cụ già Si-mê-on ngày xưa tiên báo cho Mẹ: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35b). Mẹ luôn nói lời xin vâng với Thiên Chúa, cụ thể trong chương trình huyền nhiệm của Chúa Cha giành cho Chúa Ki-tô. Cantalamessa đã cảm được tâm tình xin vâng của Mẹ Maria, cụ thể qua sự thinh lặng của Mẹ dưới chân Thánh Giá: “Ngôn ngữ của Thánh Giá là thinh lặng. Thinh lặng giữ hương thơm của hy tế cho riêng Thiên Chúa mà thôi. Nó giữ cho đau khổ không bị tiêu tán, không tìm kiếm và tìm thấy phần thưởng đền bù nơi trần thế này.

Nếu Ðức Maria có chịu cám dỗ như Ðức Giêsu đã từng chịu trong sa mạc, thì phải là và nhất là dưới chân Thánh Giá: một cơn cám dỗ vào loại thâm hiểm nhất mà cũng là đau đớn nhất, bởi lẽ chính Ðức Giêsu lại là căn cớ. Người đã tin vào các lời hứa, Người tin rằng nếu Ðức Giêsu cầu xin thì hẳn Chúa Cha sẽ gởi đến cho Ngài ‘hơn mười hai cơ binh thiên thần’ (x.Mt 26,53). Thế mà Ðức Giêsu đã không làm gì cả. Nếu Ngài tự cứu mình khỏi Thánh Giá thì cũng là cứu Người khỏi nỗi đau đớn khủng khiếp. Thế nhưng Ðức Maria đã không kêu: ‘Hãy xuống khỏi Thánh Giá đi, Con hãy tự cứu mình mà cũng là cứu cả Mẹ nữa !’. Người cũng không nói: ‘Con cứu bao nhiêu người khác, thế sao bây giờ không thể tự cứu mình nữa, hở Con?’. Dù rằng một ý nghĩ, một niềm ao ước như thế tự nhiên phải nẩy lên trong tâm hồn người mẹ, đó là điều dễ hiểu, thế nhưng Người thậm chí cũng không hỏi Ðức Giêsu: ‘Này Con, tại sao Con làm thế với cha mẹ?’, như khi xưa, lúc Người tìm được Ðức Giêsu trong Ðền Thờ (x.Lc 2,48). Maria lặng thinh dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một Người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra, lời của Công Ðồng Vatican II. Người đã cùng với Ðức Giêsu cử hành lễ Vượt Qua của Ngài”.[9]

Ðức Maria hiệp nhất với hy tế của Con mình, cách nhìn đó đã được diễn tả cách đúng mức, giản dị và trang trọng trong một bản văn Công Ðồng Vatican II: “Như thế, Ðức Trinh Nữ cũng tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thập Giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Người đã đứng ở đó. Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra” (Lumen gentium 58). Thật vậy, lời xin vâng của Mẹ đã gặp lời xin vâng của Chúa Giê-su trong hành trình sứ vụ của Ngài, ngay trong biến cố Chúa làm phép lạ đầu tiên ở Ca-na, và kết thúc với con đường Thánh Giá.

Cana và Thánh Giá – Tiệc cưới giữa Thiên với Trần.

Trong Phúc Âm của Gio-an, Mẹ Maria chỉ xuất hiện hai lần trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su: lúc khởi đầu và kết thúc sứ vụ công khai đều có sự hiện diện của Ðức Maria. Trong hai lúc này Ðức Maria mới chỉ được gọi là “Bà”. Thiết tưởng cũng nên nhấn mạnh, cũng là từ ngữ “Bà” này, Chúa Giê-su dùng ở tiệc cưới Cana và khi đứng dưới chân Thánh Giá, để tâm tình với Mẹ của mình. Trước hết, khi chiêm ngắm lại biến cố Ca-na, chúng ta có thể nhận ra Mẹ Maria là Mẹ của sự biến đổi. Thật vậy, qua Mẹ mà Chúa Giê-su con Mẹ đã biến những lu nước thành rượu ngon, cứu vãn đôi tân lang và tân nương thoát khỏi một hoàn cảnh tế nhị của việc hết rượu trong buổi tiệc cưới.

Một ý nghĩa sâu xa hơn ở tại Ca-na, là Thiên Chúa qua việc nhập thể của Chúa Giê-su đang cùng nhân loại chúng ta mừng tiệc cưới, Thiên Chúa muốn nối kết với nhân loại chúng ta, Ngài muốn ban cho chúng ta một hương vị mới, hương vị của rượu ngon, hương vị của tình yêu. Trong sách Khải Huyền có viết:

“Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ
dâng Chúa lời tôn vinh,
vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên,
và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng,
nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền”
 (19,7-8) và

“Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (21,2).

Trong ý nghĩa này, chúng ta cảm nhận được rằng, với câu chuyện ở Cana, Chúa Giê-su đến dự tiệc cưới để chúc mừng đôi tân hôn, để chia sẻ và nâng đỡ đôi tân hôn. Nhưng không chỉ như vậy, Chúa Giê-su tham dự một hôn lễ, mà mục đích của toàn bộ công trình của Chúa là gì, nếu không phải là chuẩn bị một hôn lễ khác – hôn lễ kết hợp Thiên Chúa với nhân loại? Hơn nữa, khi dự hôn lễ ở Cana, Chúa Giê-su đã làm một phép lạ thật “tràn đầy” và phong phú với vị ngon hảo hạng của rượu từ trong chum nước. Đó là dấu lạ tuyệt vời của lòng thương xót. Lòng thương xót đã biến những giọt nước thành rượu ngon hảo hạng. Thật phong phú và dồi dào biết bao nhiêu ân sủng của Thiên Chúa.

Ratzinger đã suy tư như sau: “Dấu chỉ của Thiên Chúa là sự phong phú. Chúng ta đã nhìn thấy điều này nơi phép lạ hoá bánh ra nhiều, và chúng ta sẽ luôn luôn thấy được như thế – nhất là ngay giữa trung tâm lịch sử cứu độ: nhất là Người tự ban chính mình một cách tràn đầy cho thụ tạo tội nghiệp là con người. Sự phong phú này là ‘vinh quang’ của Người. Sự phong phú ở Cana là dấu chỉ, đại lễ của Thiên Chúa với nhân loại, việc Người tự tặng ban chính mình cho con người, đã khởi đầu. Khung cảnh của sự kiện là tiệc cưới, trở thành hình ảnh vượt qua chính mình để hướng đến giờ của thời Mêsia: giờ tiệc cưới của Thiên Chúa với dân Người đã bắt đầu trong việc Đức Giê-su đến. Lời hứa cánh chung đã bước vào trong giây phút hiện tại”.[10]

Thật vậy, ở Ca-na tình yêu của Chúa được biểu lộ thật tuyệt vời: Nước thành rượu. Đó chính là sự biến đổi của tình yêu ở Ca-na. Sự biến đổi này đã tìm thấy sự hoàn tất ở tại Thánh Giá của Chúa Giê-su. Tình yêu của Chúa giành cho nhân loại ở tiệc cưới Ca-na, đã tìm được sự dồi dào phong phú và hoàn tất nới Thánh Giá của Chúa Giê-su. Như thế, cái chết của Chúa trên Thánh Giá là sự hoàn tất của tiệc cưới giữa Thiên Chúa và nhân trần.[11]

Hơn nữa, tại Thánh Giá, sự vinh hiển của Thiên Chúa tỏ hiện ở tại Ca-na đã tìm được sự hoàn tất của nó. Và tại Thánh Giá của Chúa, mọi sự, ngay cả sự chết, ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng được đón nhận vào trong tình yêu của Thiên Chúa. Vâng, không có gì nơi nhân loại có thể vượt ra khỏi sự đụng chạm của tình yêu Thiên Chúa nơi Thánh Giá Đức Ki-tô. Cũng thế, tất cả mọi sự tương phản của thế giới này tìm thấy được sự hiệp nhất tại Thánh Giá của Ngài. Ở Ca-na, Mẹ Maria là cánh cửa, Chúa Giê-su qua cánh cửa đó để bước vào thế giới. Dưới Thánh Giá, Mẹ cũng là cánh cửa, qua đó Chúa Giê-su đi vào trong vinh quang của Cha mình.[12]

Hơn nữa, dưới Thánh Giá, người phụ nữ thành Na-gia-rét, cũng trở thành người Mẹ của những người tin, qua tâm tình nhắn gởi của Chúa Giê-su, Con Mẹ.

Thưa Bà, đó là con Bà.

Trở về lại với biến cố truyền tin, chúng ta lắng nghe sứ thần Gáp-ri-en chào Mẹ tại Na-gia-rét: “Kính chào Bà đầy ân phúc” (Lc 1,28). Lời chào này một cách nào đó cũng soi sáng cho khung cảnh của Chúa chịu đóng đinh trên đồi Sọ. Biến cố Truyền tin báo hiệu một khởi đầu, Thánh Giá diễn tả một kết thúc. Trong cảnh Truyền tin, Mẹ Maria trao ban bản tính loài người cho Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ; dưới chân Thánh giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn Mẹ qua lời trao gởi của Chúa Giê-su: Thưa Bà, đó là con bà. Chúa Giê-su muốn Mẹ đón nhận thánh Gio-an là người môn đệ Chúa yêu thương, trở thành đứa con của Mẹ. Chúa muốn đem lại cho Gio-an một mái ấm mới, một quê hương mới với người Mẹ luôn yêu thương chăm sóc con mình.[13] Nói cách khác, vào lúc đầu tiên của biến cố nhập thể, thiếu nữ thành Na-gia-rét đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giê-su – Con Mẹ, Mẹ trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của nhân loại.

Như thế, dưới chân Thánh giá, Mẹ đón nhận trực tiếp từ Chúa Giê-su như một lời truyền tin thứ hai: “Thưa Bà, đó là con bà” (Ga 19,26). Lời truyền tin thứ nhất do Sứ thần đem đến, lần truyền tin thứ hai lại do chính Chúa phán ra. Lời truyền tin thứ hai long trọng. Đức Giê-su, Ngôi Lời làm người trong cung lòng Mẹ, truyền tin cho Mẹ mình, công bố vai trò Đức Maria là Mẹ Nhân Loại, Mẹ Giáo Hội. Về điều này, Giáo Lý Hội Thánh viết rằng, Ðức Ma-ri-a kết hợp với Chúa Ki-tô, đó là nền tảng vai trò của Mẹ đối với Hội Thánh. Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu độ được tỏ rõ từ khi Ðức Ma-ri-a thụ thai Chúa Ki-tô cách trinh khiết, cho đến lúc Chúa Ki-tô chết; đặc biệt trong cuộc khổ nạn (x.GLHTCG số 964).[14]

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (LG – Lumen Gentium) của Công Đồng Vaticannô II, cũng nói rằng: “Ðức Trinh Nữ tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên Thánh Giá, là nơi theo ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng ở đó (x.Ga 19,25). Ðức Ma-ri-a chịu đau khổ kinh khủng với người Con duy nhất của mình, dự phần vào hy lễ của Con, với tâm tình của người mẹ ưng thuận hiến dâng lễ vật do lòng mình sinh ra, để cuối cùng khi hấp hối trên Thánh Giá, Chúa Giê-su Ki-tô đã trối Mẹ làm Mẹ của môn đệ: Thưa Bà, này là con Bà (Ga 19,26-27)” (số 58).[15]

Chúa Giê-su đã thiết lập vai trò làm Mẹ nhân loại cho trinh nữ Maria, nữ tử Si-on – Mẹ Ngài. Vitalini suy niệm như sau: “Mẹ Maria, người đón nhận ơn gọi làm mẹ, hiểu rằng chính ở nơi Thánh Giá mà Mẹ nên Mẹ của mọi người, kể cả những kẻ giết Con của Mẹ. Tình mẫu tữ của Mẹ xuất hiện nơi cao điểm tình thương, nó kêu mời Mẹ đến một sự phó thác và dấn thân anh hùng. Người ta khó có thể tưởng tượng nổi một người mẹ không muốn thấy cuộc hành hình con trai duy nhất của mình và để rồi sau đó lại đón nhận những kẻ sát hại con mình nên chính con mình!

Đức Giê-su đòi hỏi Mẹ hơn thế nữa: Mẹ phải tham dự vào việc hạ sinh toàn nhân loại. Ngày cả những kẻ sát nhân ở núi Can-vê, Mẹ không những coi họ như những người con, mà như người con duy nhất của Mẹ để rồi họ thấm nhập ánh sáng của Mẹ đến muôn đời. Nơi núi Can-vê, chúng ta hiểu được cách đầy đủ ý nghĩa mẫu tử của Mẹ. Khi sinh Con Thiên Chúa, Mẹ cũng được kêu mời để sinh ra toàn nhân loại: Mẹ của Đấng là Đầu (x.Ep 4,15) của toàn thân gồm những kẻ được cứu chuộc lại không thể trở nên mẹ của các chi thể được sao (x.Rm 12,5). Ở đây không nói đến tâm lý nhưng hoàn toàn xét về mặt hữu thể. Mẹ ở trong Giáo Hội Mẹ tiếp tục đón nhận và thông hiệp với những tân-chi thể của Con Đầu Lòng Mẹ”.[16]
Còn đối với Cantalamessa thì: “Như thế, dưới chân Thánh Giá, Ðức Maria xuất hiện như là Nữ Tử Si-on, sau khi chịu tang các con mình, đã được Thiên Chúa ban cho một dòng dõi mới, không theo xác thịt nhưng theo Thần Khí, một dòng dõi đông hơn dòng dõi ban đầu. Ðây là điều mà một thánh vịnh được phụng vụ áp dụng cho Ðức Maria nói lên: ‘Kìa xứ Philitinh, thành Tyr cùng miền Ethiopi, tại đó kẻ này người nọ đã sinh ra’. Nhưng về Si-on, người ta có thể nói: ‘Người người sinh tại đó’. Chúa ghi vào sổ bộ các dân: ‘Kẻ này người nọ đều sinh ra tại đó’ (Tv 87,2tt). Ðúng vậy: tất cả chúng ta đều sinh ra tại đó, mọi người đã sinh ra. Cả tôi, cả bạn”.[17]

Ngoài ra, Công Đồng còn nêu bật vai trò của Mẹ Maria, là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa, và qua đó là Mẹ thật của các tín hữu trong bình diện ân sủng: “Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thánh Giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).[18]

Mẹ Maria, Mẹ chúng ta thật là tôi tớ khiêm hạ và sẵn sàng vâng theo thánh ý của Chúa, như Mẹ đã nói với thiên thần Gáp-ri-en: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Đó là một nét trên hành trình thiêng liêng của Mẹ. Đi sâu hơn, chúng ta đọc lại lời của Chúa Giê-su nói với Mẹ Maria: “Hỡi Bà, này là con Bà”, và với Gioan: “Này là Mẹ con”.

Theo Cantalamessa, “ở đây chúng ta khám phá thấy một khía cạnh quan trọng trong hành trình thiêng liêng của Mẹ Thiên Chúa. Một lần nữa, ta thấy Người như khách kiều cư lữ thứ trong thế giới này, không mái ấm, không nơi ở thực sự là của mình trên trần gian. Người để cho Thiên Chúa ‘đặt định’ thời gian sinh Con, khi Lời Chúa đặt Người vào trong hoàn cảnh hoàn toàn cô đơn trước mọi người, Thiên Chúa yêu cầu Giuse đón nhận Ðức Maria: ‘Giuse, con của Ðavít, ngươi chớ sợ cưới Maria vợ ngươi về nhà’ (Mt 1,20). Tỉnh giấc, Giuse đã đem Người về nhà mình. Giờ đây, lúc Con chết, một lần nữa Người lại đơn độc trong cuộc đời. Thiên Chúa yêu cầu Gioan đem Người về nhà mình và ‘Gioan từ giờ ấy đã lãnh lấy Bà về nhà mình’. Maria quả là người phụ nữ lênh đênh, không bám vào đâu cả, từ đầu đến cuối, Người để cho Thiên Chúa quyết định cuộc đời mình. Ðối với chúng ta, Người như hiện thân của nghèo khó, Ðức Bà Nghèo Khó”.[19] Đức Bà nghèo khó là Mẹ của Chúa Giê-su và của chúng ta. Thật đẹp biết bao mẫu gương của người Mẹ có tâm hồn nghèo khó đứng dưới chân Thánh Giá.

Ở gốc cây biết lành biết dữ, Evà đã mất chức làm mẹ loài người.
Ở dưới chân Thánh giá, Đức Mẹ đón nhận chức vị làm Mẹ loài người.

Là Mẹ loài người và là Mẹ Chúa Giê-su, đó là nét đẹp tuyệt vời nơi Mẹ. Chúa Giê-su đã vẽ lên một tuyệt phẩm về chính người Mẹ của mình, và Ngài cũng trao gởi tuyệt phẩm này cho chính môn đệ yêu dấu của Ngài, và cũng trao gởi cho mỗi người chúng ta. Như thế, qua hành động của Chúa Giê-su, Giáo Hội đã khám phá đôi chút về mầu nhiệm đời sống Ki-tô hữu. Người tín hữu là thành viên của một gia đình thiêng liêng. Cũng như một đứa trẻ cần có cha có mẹ để phát triển bình thường, thì người tín hữu cũng cần có Đức Maria và Cha trên trời.[20]

Ngoài ra, Cantalamessa cũng giúp suy niệm thêm về sự hiệp thông giữa Mẹ Maria và Chúa Giê-su qua lời Chúa nói với Mẹ: “Hỡi Bà, này là con Bà!, chắc chắn Ðức Giêsu đã quay về nhìn Mẹ, đến nỗi không cần phải gọi tên của Người. Ai có thể thấu được ánh mắt đó giữa Mẹ và Con, trong giây phút như vậy. Mọi nỗi đau khổ của con người đều hàm chứa một chiều kích ‘riêng tư’ thân thiết, và người ta chia sẻ đau khổ theo ‘gia đình’, giữa những người gắn bó với nhau bằng mối dây máu mủ ruột thịt. Niềm đau khổ của Ðức Kitô và của Ðức Maria cũng đã được chia sẻ như thế! Một niềm vui trong đau đớn tột cùng chuyển thông giữa hai người như nước trong hai bình thông nhau. Niềm vui đến từ việc, từ đây, các Ngài chẳng những không còn chống chọi lại nỗi đau đớn, mà ngay cả để cho nỗi đau đó tự do xâm nhập vào tận những gì thâm sâu nhất. Sau cuộc chiến đấu là niềm bình an. Các Ngài nên một với đau khổ và tội lỗi của toàn nhân thế. Ðức Giêsu nên một cách trực tiếp trong tư cách là ‘hy lễ đền tạ tội lỗi của thế gian’ (x.1Ga 2,2). Còn Ðức Maria thì một cách gián tiếp, qua sự kết hiệp với Con bằng cả thân xác và tâm hồn”.[21]

Này là Mẹ của con.

Đó là lời Chúa nhắn nhủ với Gio-an, môn đệ Chúa yêu thương. Khi đọc lời trên, chúng ta thấy rằng, trong cái nhìn đầu tiên mang tính con người, Chúa Giê-su đã diễn tả tình yêu của mình giành cho Mẹ Maria. Chúa là người con duy nhất của Mẹ, và sau khi Chúa chết, Mẹ sẽ sống lẻ loi một mình trên thế giới này. Có lẽ vì lo cho người Mẹ đang chịu nhiều đau khổ và mất mát, Chúa đã trao gởi Mẹ cho người môn đệ mà Chúa tin tưởng và thương yêu. Gio-an, tên người môn đệ đó, giờ đây trở nên người con trai của Mẹ, và Gio-an cần phải có trách nhiệm với Mẹ Maria.[22]

Chrysostom nói rằng: “Quân lính làm những điều đó với Chúa Giê-su, nhưng trong khi bị treo trên Thánh Giá, Chúa đã giao phó Mẹ của Ngài cho người môn đệ. Điều đó dạy dỗ chúng ta cũng cần chú ý chăm sóc cha mẹ của chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng…Ở đây, Chúa đã diễn tả Chúa thương yêu Mẹ của Ngài hết mực và trao phó Mẹ cho người môn đệ mà Chúa yêu mến”.[23]

Điều Chúa Giê-su làm thật là một cử chỉ cao quý. Có lẽ thánh Giu-se đã qua đời trước đó, nên Chúa không muốn Mẹ mình phải sống trong cảnh goá phụ bị lệ thuộc và cô đơn, cũng như bị người đời nguyền rủa, bởi vì trong xã hội Do-thái thời đó người phụ nữ đơn chiếc là coi như bị nguyền rủa.

Chúa không muốn người phụ nữ quá đau đớn vì mất con, và đã phải trải qua biết bao thống khổ khi đồng hành với con trên đường Thánh Giá, lại phải một mình chìm trong nỗi đau khổ tột cùng, trong những tháng ngày còn lại của bà.

Cũng thật cao quý biết bao, khi Chúa Giê-su trong hoàn cảnh đau khổ của mình trên Thánh Giá, Ngài đã không nghĩ làm sao để Ngài có thể đỡ đau đớn, mà Ngài lại quên mình đi, và nghĩ tới Mẹ mình, nghĩ tới người khác đang đứng kia với một tâm hồn sầu não thảm thê. Đó là tình yêu của Chúa giành cho Mẹ. Một tình yêu không chỉ mang sắc thái của tình cảm con người, mà còn mang tinh thần quên mình đi, và luôn chú ý và chăm sóc người khác, người gần nhất cũng như người xa nhất.

Karl Rahner đã suy niệm như sau: “Đôi mắt của Chúa nhìn Mẹ lần nữa. Chúa ơi, Chúa đã không hờ hững với Mẹ. Chúa không chỉ là niềm vui của cuộc sống của Mẹ. Chúa cũng là sự đắng cay và đau khổ của cuộc sống của Mẹ. Nhưng cả hai điều này đều là hồng phúc, vì cả hai đều là tình yêu. Và vì Mẹ đều ở bên Chúa và Mẹ phục vụ Chúa trong niềm vui và trong khổ đau, nên Chúa đã yêu thương Mẹ. Trong tinh thần đó, Mẹ thật là Mẹ của Chúa…Trong sự thống khổ quằn quại, tình yêu của Chúa một lần nữa lại tỉnh táo cho sự trìu mến đang được trao gởi trong tình Mẹ Con. Vì trong chính sự chết của Chúa, những điều âu yếm trìu mến và cao quý trên trái đất này vẫn được thánh hiến. Những sự trìu mến và cao quý đó làm cho mọi trái tim mềm đi và đẹp hơn”.[24]

Thật vậy, trong chính bầu khí của khổ đau, không cần nhiều lời, chỉ một vài lời ngắn ngủi, Chúa đã đưa lại biết bao ủi an cho Mẹ mình, đã tháo cởi chiếc dây trói buộc khổ đau vào cuộc đời của Mẹ: Này là Mẹ của con. Ngay trong bầu khí khổ đau này, Chúa đã tạo nên một tương quan mới cho Mẹ mình. Trong chính bầu khí của khổ đau, một bầu khí của tình yêu đã được khơi mào, dù rất nhỏ nhưng thật quý giá. Và với thời gian, bầu khí của tình yêu này đã lớn dần và mạnh mẽ, lan toả đến khắp mọi nơi. Bầu khí tình yêu của Mẹ giành cho nhân loại, giờ đây không bao giờ đóng lại với bất cứ ai.

Dừng bước ở nơi đây, chúng ta cũng nên hỏi xem: khi chúng ta suy tư lời Chúa Giê-su nói Này là Mẹ của con, và hướng về tương quan giữa Mẹ Maria và chúng ta, thì chúng ta phải hiểu thế nào là làm con cái của Mẹ Maria? Chắc chắn chúng ta không phải là con cái Mẹ theo “chiếc cầu sinh vật học”, mà chúng ta có một “tình mẫu tử thiêng liêng” với Mẹ. Đối với Vitalini tình mẫu tử cao quý này được hiểu trong nhãn quan của Thánh Thần: “Từ ngữ ‘mẫu tử thiêng liêng’ phải được hiểu trong một ý nghĩa sâu xa hơn. Chúng ta là con cái của Mẹ, vì chúng ta là em của Đức Giê-su, được thông hiệp với Ngài do mối tình huynh đệ mạnh mẽ hơn là cái gì thuộc về xác thịt và máu huyết, vì nó tuôn trào từ Chúa Thánh Linh Đấng ban phát sự thật (Ga 3,5-8). Dĩ nhiên là chúng ta không được Đức Mẹ sinh ra bằng xác thịt, nhưng chúng ta được hưởng sự thông hiệp của Mẹ trong một cuộc sinh khác đến từ Chúa Thánh Linh”.[25]

Được là con của Mẹ Maria, thật là cao quý biết bao. Và cao quý hơn nữa, khi chúng ta được mời gọi sống ơn gọi của mình cách xứng hợp. Vitalini chia sẻ tiếp: “Tình mẫu tử của Mẹ Maria rất sâu xa và phổ quát cũng biểu lộ sự cao trọng của chúng ta: Chính trong ơn gọi của Mẹ mà người ta khám phá ra ơn gọi của con cái của người. Mối dây liên đới tận tuỵ mà chúng ta có với Mẹ chính là mối dây theo gót chân Mẹ vào lúc mà Thánh Linh được ban cho chúng ta (Ep 5,1; 1Tx 2,14; 2Tx 3,7). Các cử chỉ bên ngoài của sự tận tuỵ chỉ có ý nghĩa khi nó đâm rễ sâu trong một thái độ yêu mến giúp chúng ta bước theo mẫu gương đã được ban cho chúng ta. Một người mẹ được con cái ca tụng nếu con cái là một món quà, nhưng điều này chỉ trở nên mật thiết nếu món quà ấy diễn tả sự chú tâm bên trong của người con đối với ý muốn của người mẹ, khi bà muốn giáo dục con cái mình bằng lối tiệm tiến để con cái mỗi ngày nên tốt hơn. Một người mẹ được coi là hạnh phúc, nếu bà thấy con cái của mình không những giúp đỡ về phần xác, nhưng nhất là phần thiêng liêng, vì chính trong tác động ấy mà con cái kín múc được những phần tốt nhất nơi bà”.[26]

Vì thế, nếu chúng ta muốn làm con cái đích thực của Mẹ Maria, nếu chúng ta muốn làm cho Mẹ vui mừng và hài lòng, chúng ta cần cố gắng để trở nên giống Mẹ trong đời sống Đức Tin, đặc biệt với đời sống luôn “xin vâng” theo thánh ý Chúa, đời sống luôn âm thầm hướng theo Chúa Giê-su, Con của Mẹ.

Ngoài ra, ở đây chúng ta đọc một vài hang suy niệm thật sâu sắc của Karl Rahner: “Nhưng Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá không chỉ với đau khổ và đơn côi của một người mẹ có con bị người ta giết. Mẹ đứng đó để đại diện cho chúng con. Mẹ đứng đó như là người Mẹ của mọi người sống. Mẹ hiến dâng Người Con của Mẹ cho chúng con. Đại diện cho chúng con, Mẹ nói lời ‘xin thực hiện những điều đó với tôi’ – đó là cái chết của Con Mẹ. Mẹ là Giáo Hội đứng dưới chân Thánh Giá. Mẹ là tổ tiên của con cái E-và, Mẹ đã chiến đấu trong cuộc chiến của thế giới giữa người con của người phụ nữ và con rắn. Và vì Mẹ đã được ban cho người môn đệ được yêu mến, nên Chúa cũng ban Mẹ của Chúa cho chúng con”.[27]

Tóm lại, “hình ảnh của Đức Mẹ phải trở nên cho chúng ta một lời nhắc nhở hằng ngày để thực hiện ơn gọi của mình, đó là trở nên người con của Mẹ. Nói cách khác, chúng ta phải trở nên trong cuộc sống mỗi ngày điều đã được thực hiện trước đó nơi đấng là Mẹ chúng ta suốt đời”.[28] Một trong những điều đầu tiên để chúng ta trở nên con cái của Mẹ, là chúng ta mở rộng cánh cửa để đón mời Mẹ.

Mở rộng cánh cửa đón mời Mẹ.

Khi Chúa Giê-su trao phó cho Gio-an Mẹ của Người, Gio-an đã phản ứng như thế nào? Đọc phần kế tiếp, ngay sau lời Chúa nói với Gio-an, chúng ta thấy rằng: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27b). Trong bản văn của tiếng Hy-lạp là eis ta idia. Theo cha A. Gruen, thì có nghĩa là vào trong nội tâm của anh, vào trong trái tim của anh.[29] Còn theo Đức BenedictoXVI, thì có nghĩa theo mạch chữ là anh ta đón nhận Mẹ vào trong nơi sâu kín của anh, vào cuộc sống nội tâm của anh.[30] Theo nhà Thánh Kinh học Schnackenburg cũng vậy. Từ ngữ eis ta idia diễn tả không gian của tâm hồn.[31]

Còn Cantalamessa thì giải thích rằng: “Câu ‘và môn đồ đã lĩnh lấy Bà về nhà mình’ (els tu ídin) trong nguyên bản có thể có hai nghĩa, và tất nhiên phải bảo tồn cả hai nghĩa đó. Môn đồ đã lĩnh lấy Bà về nhà mình và môn đồ đã nhận Bà vào số những gì mình quí giá nhất. Người ta rất ít nghĩ đến tất cả sự phong phú của câu văn thật ngắn ngủi đó. Nó chứa đựng bên trong một tin có tầm quan trọng lớn lao và được bảo đảm về mặt lịch sử, bởi nó được chính người có liên quan viết ra. Ðức Maria đã sống những năm cuối đời với Gioan. Những điều chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng thứ Tư, về Ðức Maria ở Cana xứ Ga-li-lê và dưới chân Thánh Giá, thì đã được người sống dưới cùng một mái nhà với Ðức Maria viết ra.”.[32] Gio-an đã mở rộng cánh cửa đón mời Mẹ Maria vào. Cánh cửa đó không chỉ là cánh cửa nhà của ông, mà là cánh cửa tâm hồn sâu kín của ông. Như thế, Gio-an đã sống đúng điều mà Chúa Giê-su nhắn nhủ ông.

Hơn nữa, khi Chúa nói “Đây là Mẹ của con”, Chúa cũng muốn Gio-an hãy yêu thương Mẹ như Chúa đã yêu thương Mẹ. Qua di ngôn này Chúa Giê-su cũng đã đặt nền tảng cho việc yêu mến Mẹ Maria trong lòng Giáo Hội, trong lòng mỗi tín hữu. Thật vậy, người tín hữu nào đón nhận Mẹ Maria vào nhà mình, vào tâm hồn sâu kín như ông Gio-an, sẽ không trở thành kẻ cuồng tín hay khờ khạo, nhưng họ trở là những tín hữu với tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ, tràn đây hân hoan và niềm vui tôn kính và yêu thương Mẹ Maria như hiền mẫu của mình. Công Đồng đã dạy rằng: “Phần các tín hữu hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).[33]

Một trong những nhân đức cao quý của Mẹ là luôn thờ lạy Thiên Chúa và luôn xin vâng theo thánh ý của Ngài. Vì thế, đi đôi với sự tôn sùng Mẹ Maria, người tín hữu luôn ý thức thờ lạy Thiên Chúa trên hết mọi sự, và thờ lạy Ngài là Thiên Chúa Duy Nhất. Đó chính là nét đặc trưng của người Công Giáo: biết đón nhận Mẹ Maria, nhưng không vì thế mà lãng quên Thiên Chúa của mình.

Khi đón nhận Mẹ Maria, người tín hữu ý thức đó là món quà vô giá mà chính Chúa Giê-su ban tặng. Thật tuyệt vời, khi người tín hữu nhận ra rằng: Vì yêu thương nhân loại qua đỗi, nên Cha trên trời đã tặng ban Người Con Duy Nhất của Ngài cho nhân loại. Giờ đây, Người Con Duy Nhất yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh chính bản thân mình cho nhân loại, và ban tặng thêm một món quà cao quý là chính Mẹ của Ngài.

Cantalamessa cũng chia sẻ: “Chúng ta đặt thêm câu hỏi: việc lãnh lấy Ðức Maria về nhà mình có ý nghĩa đối với chúng ta cụ thể như thế nào? Tôi thiết tưởng đây là lúc để nói về cốt lõi lành mạnh, giản dị của linh đạo Monfort về niềm tín thác vào Ðức Maria: ‘Thực hiện mọi hành động nhờ Ðức Maria, với Ðức Maria, trong Ðức Maria, ngõ hầu thực hiện chúng cách hoàn hảo hơn nhờ Ðức Giêsu, với Ðức Giêsu, trong Ðức Giêsu và vì Ðức Giêsu’. ‘Cần phải phó thác theo tinh thần của Ðức Maria để được thúc đẩy và dẫn dắt theo cách thức Người muốn. Phải tự đặt mình trong đôi tay trinh khiết của Người, như một dụng cụ trong tay người thợ, như chiếc đàn luýt (luth) trong tay người nhạc công tài tình. Phải buông mình phó thác cho Người như viên đá ném vào biển cả: điều này thực hiện cách đơn giản, trong một khoảnh khắc bằng chỉ một liếc mắt của tâm trí, một chuyển động nhỏ của ý chí hay bằng môi miệng’…

Ðức Maria là một trong những phương thế ưu việt mà Chúa Thánh Thần dùng để dẫn dắt các tâm hồn và dẫn đưa họ đến chỗ nên giống Ðức Kitô, bởi lẽ Ðức Maria là thành phần của Lời Chúa, chính bản thân Người là một lời bằng hành động (parole en action) của Thiên Chúa. Câu“ad Jesum per Mariam”, nhờ Ðức Maria tới Ðức Giêsu, phải được hiểu theo nghĩa Chúa Thánh Thần dùng Ðức Maria để dẫn đưa chúng ta tới Ðức Giêsu thì mới có thể chấp nhận được. Trung gian thụ tạo (médiation crée) của Ðức Maria, giữa Ðức Giêsu và chúng ta, sẽ tìm lại được tất cả hiệu lực của nó nếu được hiểu như là phương tiện của trung gian bất thụ tạo (médiation incrée) là Chúa Thánh Thần”.[34]

Chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết luôn mở rộng cánh cửa nhà mình, cánh cửa tâm hồn mình ra, để như Gio-an đón Mẹ Maria vào, dọn cho Mẹ một chỗ xứng hợp. Có Chúa có Mẹ, thì đời sống người tín hữu sẽ không bao giờ lẻ loi. Có Chúa, có Mẹ người tín hữu sẽ tìm thấy được an bình và hạnh phúc đích thật. Có Chúa có Mẹ ở bên, tất cả mọi khổ đau của cuộc đời này sẽ không thể làm cho người tín hữu đánh mất chính bản thân. Chữ cuối cùng của cuộc sống này sẽ không phải do thần chết viết lên, mà do chính Chúa và Mẹ viết lên. Chữ đó là chữ tình yêu trao ban sức sống và đem lại sự sống vĩnh cửu.

Đón nhận tình yêu để biết sống yêu thương.

Thánh Tê-rê-sa thành A-vi-la trong tác phẩm Đường hoàn thiện đã suy niệm: “Xin Chúa uy linh ban cho chúng ta tình yêu Chúa trước khi gọi chúng ta ra khỏi đời này! Thật là một ân huệ cao cả, khi giờ chết đến chúng ta được phán xét bởi chính Đấng mà chúng ta đã yêu mến trên hết mọi sự. Chắc chắn nợ chúng ta sẽ được trả sòng phẳng; chúng ta không đi vào miền nước xa lạ, nhưng về quê hương của chúng ta, chúng ta đi về xứ sở của Đấng mà chúng ta yêu mến dường ấy và được Ngài yêu mến”.[35]

Thật vậy, tình yêu Thiên Chúa là món quà cao quý nhất của cuộc sống làm người. Mong sao mỗi người chúng ta đón nhận được tình yêu đó, trước khi chúng được Chúa gọi về. Đi vào di ngôn, chúng ta cha A. Gruen giải thích[36], khi Chúa Giê-su trao phó Mẹ Maria cho Gio-an, người môn đệ yêu dấu của Ngài, thì Chúa muốn ban tặng tình yêu của Chúa trong Mẹ Maria cho mọi người. Người môn đệ yêu dấu của Chúa là hình ảnh biểu trưng cho mọi người. Như thế, trách nhiệm của chúng ta là đón nhận tình yêu Chúa vào trong nhà của chúng ta, vào trong tâm hồn chúng ta, vào trong nơi sâu kín nhất của cuộc đời chúng ta. Khi có tình yêu trong chúng ta, chúng ta sẽ trở thành những người có khả năng yêu thương. Chúng ta không còn phải sợ hãi nữa. Có tình yêu, có Chúa và có Mẹ trong căn nhà cuộc đời và trong sâu thẳm của tâm hồn chúng ta, thì nguồn sống và nguồn tình yêu đang ở trong chúng ta. Không có gì có thể lấy mất kho tàng vô giá đó. Qua việc suy niệm di ngôn Chúa nói với Mẹ và môn đệ yêu dấu của Ngài, chúng ta đụng tới nguồn của tình yêu đang ở trong chiều sâu tâm hồn chúng ta.

Chúng ta cũng ý thức rằng, nguồn tình yêu đó luôn bị đe doạ và nhấn chìm bởi những thế lực đến từ sự dữ, bởi những lo âu và đau khổ hằng ngày, cũng như bởi những áp lực của cuộc sống. Khi suy niệm di ngôn này, chúng ta để cho nguồn tình yêu trong sâu thẳm tâm hồn của chúng ta nổi lên, lộ rõ lên và sống động lên. Nhờ đó, chính nguồn tình yêu này bước vào trong sự ý thức của chúng ta, chảy sâu vào trong suy nghĩ của chúng ta, và hướng dẫn lời nói cùng hành động của chúng ta. Hơn nữa, nếu nguồn tình yêu này thấm nhuần những cảm giác của chúng ta, thì nó sẽ giúp chúng ta tìm được những tương quan tốt đẹp với người khác, với bạn bè, với người than, đặc biệt giúp chúng ta đi vào được tương quan với Chúa Giê-su, cụ thể giúp chúng ta ý thức luôn đứng bên Thánh Giá, như ngày xưa môn đệ yêu dấu của Chúa đã làm.

Đứng bên cây Thánh Giá.

“Cả lần này nữa, chính Lời Chúa, một cách mặc nhiên, chỉ cho Giáo Hội con đường của Ðức Maria, và cho chúng ta biết những gì mà mỗi tín hữu phải thực hiện để noi gương Người. ‘Ðứng bên khổ giá Ðức Giêsu có Mẹ Ngài, và bên cạnh Mẹ Ngài là môn đệ Ngài yêu mến’. Trình thuật này hàm chứa lời khuyến thiện (parénèse). Ðiều xảy ra hôm đó chỉ cho thấy những gì phải diễn ra mỗi ngày: đứng cạnh Ðức Maria, bên Thánh Giá Ðức Giêsu như người môn đệ Chúa yêu đã làm. Câu nói này gợi ra hai bài học: trước hết, phải ‘đứng bên khổ giá’ và thứ đến phải ‘đứng bên khổ giá của Ðức Giêsu’.

Ðứng bên khổ giá của Ðức Giêsu. Những từ đó nói cho chúng ta biết điều phải làm trước tiên và cũng là điều quan trọng nhất, không phải là đứng bên khổ giá theo nghĩa chung chung, mà là đứng bên khổ giá của Ðức Giêsu. Không phải chỉ cần đứng bên khổ giá, chịu đau khổ là đủ, ngay cả chịu đựng trong câm lặng đi nữa. Không! Nếu chỉ có như thế thì có vẻ anh hùng đấy nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất, thậm chí có khi chẳng là gì cả. Ðứng bên khổ giá của Ðức Giêsu, đó mới là điều quyết định. Ðiều quan trọng không phải là thập giá của chúng ta mà là Thánh Giá của Ðức Kitô. Không phải sự kiện chịu đau khổ nhưng là lòng tin, và qua đó nhận đau khổ của Ðức Kitô làm của mình. Ðức tin mới là điều quan trọng hàng đầu. Ðiều cao cả nhất của Ðức Maria dưới chân Thánh Giá là lòng tin hơn là nỗi đau khổ của Người. Thánh Phaolô nói: lời của Thánh Giá ‘là quyền năng của Thiên Chúa và là khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những ai được kêu gọi’. (x.1Cr 1,18.24). Ngài còn nói Tin Mừng là quyền năng của Thiên Chúa ‘đối với mọi kẻ tin’ (x.Rm 1,16). Ðối với những ai được kêu gọi và đối với những kẻ tin chứ không phải đối với bất cứ ai chịu đau khổ, mặc dầu, như chúng ta sẽ thấy, những điều đó thường đi liền với nhau.

Ðứng bên khổ giá. Ðâu là dấu hiệu, là bằng chứng chúng ta thật sự tin vào Thánh Giá của Ðức Kitô. Ðâu là dấu hiệu, là bằng chứng cho thấy ‘Lời của Thánh Giá’ không phải chỉ là một từ ngữ, một nguyên lý trừu tượng, một thần học hay một ý thức hệ, nhưng thực sự là Thánh Giá? Dấu hiệu và bằng chứng, là vác lấy Thánh Giá của mình và theo Ðức Giêsu (x.Mc 8,34). Dấu hiệu là thông phần vào các thống khổ của Ngài (x.Ph 3,10; Rm 8,17) là cùng chịu đóng đinh với Ngài (Ga 2,20), là lấy chính những đau khổ của mình, bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu (Cl 1,24). Ðời sống người Kitô hữu phải trở nên một hy tế sống động như hy tế của Ðức Kitô (x.Rm 12,1). Nhưng vấn đề không phải chỉ là nỗi đau khổ mình phải chấp nhận, phải chịu đựng, mà còn là đau khổ chủ động, tự ý tìm kiếm: “Tôi đối xử khắc nghiệt với thân xác tôi và bắt nó quỵ lụy phục tùng” (1Cr 9, 17).

Ðứng trước Thánh Giá và cuộc Khổ Nạn của Ðức Kitô, quả thật chúng ta thấy có hai thái độ khác biệt trong Giáo Hội: một thái độ đặc trưng của thần học Tin Lành, đặt nền trên đức tin và đón nhận đức tin trong tâm hồn, thái độ này dựa vào Thánh Giá Ðức Kitô và không muốn biết thứ vinh quang nào khác ngoài Thánh Giá Ðức Kitô. Thái độ thứ hai đặc biệt được khai triển, ít là trong quá khứ, trong thần học Công Giáo. Thái độ này nhấn mạnh đến việc cùng chịu đau khổ với Ðức Kitô, thông phần cuộc khổ nạn của Ngài và, như trường hợp một số vị thánh, sống lại cuộc khổ nạn của Ðức Kitô nơi bản thân mình.
Lời Chúa gợi cho thấy điều quan trọng không phải là lựa chọn giữa thái độ này hay thái độ kia, nhưng là giữ cho hai thái độ đó kết hợp với nhau và phát triển cả hai thái độ đó: thái độ tin và thái độ noi theo. Hiển nhiên vấn đề không phải là đặt công trình của Ðức Kitô và việc làm của chúng ta lên cùng một bình diện, nhưng là đón nhận lời Kinh Thánh, vì lời Kinh Thánh dạy rằng đức tin và việc làm gắn liền với nhau, nếu không thì dù là đức tin, dù là việc làm cũng ra vô ích (x.Gcb 2,14tt).
Có thể nói, vấn đề rõ ràng liên hệ đến đức tin. Niềm tin vào Thánh Giá Ðức Kitô phải trải qua đau khổ để trở thành đức tin chính thực. Thư thứ nhất Phêrô nhắc lại rằng đau khổ là ‘lò luyện’ đức tin, và đức tin cần đến đau khổ để được tinh luyện, như vàng trong lửa (x.1P 1,6-7). Nói cách khác, thập giá của chúng ta tự nó không phải là ơn cứu độ, không phải là quyền năng cũng chẳng phải là khôn ngoan, tự nó, thập giá chỉ thuần túy là việc làm của con người ngay cả là sự trừng phạt. Thập giá trở nên quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa trong mức độ nó kết hợp chúng ta lại với Thánh Giá của Ðức Kitô, và điều này phải là do quyết ý của Thiên Chúa và gắn liền với đức tin. ‘Chịu đau khổ có nghĩa là khai mở lòng cách đặc biệt để cho sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa, được ban cho nhân loại trong Ðức Kitô, tác động’. Ðau khổ đưa đến sự kết hợp với Thánh Giá Ðức Kitô không phải chỉ trên bình diện trí tuệ nhưng là kết hợp cách hiện sinh, cụ thể. Ðó là một thứ kênh đào, một con đường dẫn tới Thánh Giá Ðức Kitô, không phải là con đường song song nhưng làm một với đức tin”.[37]
Trong bài thánh thi về Thánh Giá vũ trụ chúng ta đọc thấy: ‘Ðối với tôi, cây gỗ này là ơn cứu độ muôn đời. Tôi được dưỡng nuôi, được no thoả bằng cây đó. Bởi rễ của nó mà tôi đâm rễ sâu, bởi cành của nó mà tôi vươn rộng; sương của nó làm tôi ngất say, và bởi Thần Khí của nó như làn gió tuyệt vời mà tôi thành phong nhiêu. Dưới bóng của nó tôi dựng lều và tìm được nơi ẩn náu khỏi nóng bức mùa hè. Nhờ hoa của nó mà tôi nở hoa, nhờ trái của nó mà tôi thỏa thuê vui sướng, tôi mặc sức hái ăn, bởi đó là trái dành cho tôi ngay từ thuở ban đầu. Cây gỗ đó là thức ăn cho cơn đói, nguồn suối cho cơn khát và là trang phục cho sự trần trụi của tôi. Cây gỗ đó bảo vệ tôi khi tôi e sợ Thiên Chúa, là chỗ dựa khi tôi lao đao, là phần thưởng khi tôi chiến đấu, là chiến lợi phẩm khi tôi chiến thắng khải hoàn. Với tôi, cây gỗ đó là lối nhỏ, là con đường hẹp, là chiếc thang Giacóp, là đường đi của thiên thần, trên đỉnh của nó Chúa thực sự đã tựa vào”.[38]

Bài thánh thi về Thánh Giá vũ trụ thật đẹp biết bao nhiêu. Nét đẹp của Thánh Giá đem lại ơn cứu rỗi, nét đẹp của Thánh Giá và “lùm cây” cao với “bóng cả” che chở những tín hữu, những người thân của chính Đấng đang bị treo trên đó. Tất cả đang quay quần bên Thánh Giá như một gia đình.

Là một gia đình quây quần bên Thánh Giá.

Thật vậy, ở bên Thánh Giá có Mẹ, người môn đệ Chúa yêu và một số phụ nữ. Đó là một tập thể, một cộng đoàn. Cộng đoàn đó chính là cộng đoàn của chúng ta hôm nay. Như cộng đoàn của Mẹ Maria ngày xưa, chúng ta cũng ở bên Thánh Giá, nơi sinh ra Giáo Hội của chúng ta.

Elizabeth Johnson, một nữ thần học gia Hoa Kỳ chia sẻ trong tập sách Truly our sister: A theology of Mary in the communion of saints: “Đứng dưới chân Thánh Giá, qua lời của Chúa Giê-su họ đã quay qua nhau và đã cho nhau sự chú ý và chăm nom…Cách nói ‘nhận đây’ hay “nhìn đây” diễn tả rằng, một điều chuẩn bị được tỏ bày, như Gioan Tẩy Giả đã kêu lên ‘Đây là chiên Thiên Chúa’ (Ga 1,36) và như Phi-la-tô lên tiếng ‘đây là vua các ngươi’ (Ga 19,14). Đón nhận lấy nhau trong một tương quan mới – Mẹ của Chúa Giê-su và người môn đệ được Chúa yêu mến, đã đánh dấu một ‘cuộc sinh ra’ của một gia đình mới của niềm tin, gia đình được hình thành trên hành trình theo Chúa Giê-su và Thiên Chúa giàu lòng thương xót…Chúa Giê-su đã tái giải thích hình ảnh của gia đình trong tập thể của các môn đệ…Trong một lời, Mẹ và người môn đệ được yêu mến trở thành đại diện của một tập thể lớn, của Giáo Hội”.[39]

Thật vậy, trong cuộc sống hôm nay, tất cả những người tin hiệp nhất với nhau làm thành một gia đình trong Thần Khí. Họ là cha mẹ, là con cái và là anh chị em của nhau. Ở dưới chân Thánh Giá và nhờ vào Thánh Giá mà một gia đình mới của Chúa Giê-su đã được hình thành. Ở dưới chân Thánh Giá, Mẹ Maria đã trở thành Mẹ của gia đình chúng ta, khi chúng ta thực sự đón nhận lời của Chúa Giê-su cách vô điều kiện. Lời nối kết với một trách nhiệm không nhỏ.

Ngoài ra, Radcliffe cũng đã nhìn thấy ý nghĩa thiêng liêng về gia đình trong bối cảnh ở dưới chân Thánh Giá. Radcliffe chia sẻ: “Chúa không gọi Maria là ‘Mẹ’, mà là ‘Bà’, vì bà chính là E-và mới. E-và cũ là Mẹ của mọi sinh linh. Ở đây chúng ta nhìn thấy E-và mới của tất cả những ai sống từ nguồn mạch của niềm tin. Ở đây, hướng về gia đình của chúng ta, chúng ta nhìn thấy người Mẹ của chúng ta và người Anh của chúng ta…Chúa Giê-su đã đón nhận tất cả mọi thù hận và mọi lăng nhục đến với Ngài, những thù hận và lăng nhục đó chúng ta đã gây ra cho nhau. Chúa Giê-su là chính đá tảng góc tưởng, đã bị người thợ xây loại bỏ (x.Tv 118). Như James Alison viết: ‘Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta như người cùng khổ bị xã hội loại bỏ’. Người cùng khổ này đang ở giữa để chúng ta thờ lạy….Chúng ta, những Ki-tô hữu, cần phải nhận ra rằng, gia đình của chúng ta được sinh ra ở dưới chân Thánh Giá và không có ai bị loại bỏ cả. Chúng ta là anh chị em của nhau…Trong Đức Ki-tô chúng ta thực sự là những người có họ máu mủ với nhau. Chúng ta chia sẻ cùng một dòng máu, dòng máu của Thánh Giá. Chúng ta chỉ có thể xưng hô với nhau là ‘anh em’ và là ‘chị em’.

Nếu anh chị em bắt đầu xưng hô với nhau như vậy, thì người ta sẽ nhìn anh chị em là con người khác thường. Nhưng chúng ta là đặc biệt và khác thường mà! Nếu chúng ta gọi người khác là anh chị em, thì chúng ta đang xây dựng một tương quan chắc chắn và chúng ta đang sẵn sàng hoà giải với nhau. Khi Giu-se tự tiết lộ thân phận để anh em của ông nhận ra ông, ông nói với họ: ‘Tôi là Giu-se, đứa em mà các anh đã bán sang Ai-cập’ (St 45,4). Đó là một sự xác nhận cho chân lý thực sự được chữa lành”.[40]

Hôm nay, khi chiêm ngắm và suy niệm về tâm tình này, chúng ta càng nhận ra được hình ảnh của gia đình chúng ta cách sâu sắc hơn. Một gia đình có Mẹ Maria và người anh là Chúa Giê-su, nguồn mạch của lòng thương xót. Khi Ngài sinh ra ở hang lừa Bê-lem, Ngài sinh ra cho mọi người. Cũng thế, khi Ngài vì tình yêu chịu chết trên Thánh Giá Ngài chịu chết cho mọi người. Không ai bị loại ra khỏi tình yêu của Chúa Giê-su. Bạn nghèo ư? Chúa sinh ra và chết cho bạn. Bạn giàu sao? Chúa cũng sinh ra và chết cho bạn. Khi bạn có công ăn việc làm tốt và cả lúc bạn rơi vào tình trạng thất nghiệp, Chúa Giê-su sinh ra và chết cho bạn. Lúc bạn sống trong một gia đình hạnh phúc bên vợ và con ngoan, hay nếu trớ trêu thay bạn đứng trước bờ vực đổ vỡ của gia đình bạn, Chúa Giê-su sinh ra và chết cho bạn. Bạn vui mừng và sống bình an trong tinh thần đạo đức giữ luật Chúa và Giáo Hội, hay khi bạn vì cám dỗ rơi vào trong hố sâu của sự dữ với biết bao lầm lỡ và tội lỗi, Chúa Giê-su sinh ra và chết cho bạn. Ngài sinh ra và chết cho bạn, cho tôi và cho mỗi người chúng ta, dù chúng ta là ai, dù chúng ta thế nào. Đơn giản bởi vì Ngài yêu thương chúng ta, bởi vì Ngài là Emmanuen – luôn ở bên chúng ta, bởi vì Ngài là Giê-su – ban ơn cứu độ cho chúng ta, và bởi vì Ngài cho phép chúng ta được là anh chị em với Ngài, để rồi chúng ta có một Cha trên trời mà mỗi ngày chúng ta có thể kêu cầu ‘Lạy Cha chúng con’, và Ngài còn ban tặng cho chúng ta một người Mẹ yêu dấu là chính Mẹ của Ngài.

Dành thời gian để chiêm ngắm gia đình chúng ta được sinh ra ở dưới cây Thánh Giá, mới thấy tuyệt vời biết bao lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Trong lòng thương xót này, mọi người đều là anh em của nhau, dù giàu hay nghèo nàn, danh giá hay vô danh tiểu tốt. Đức tổng Giám Mục Hélder Câmara của Recife ở bên Brasil đã có một cảm nhận rất sống động: những người nghèo nhất là anh chị em của Ngài. Một lần nọ đức tổng nghe có một người bị cảnh sát bắt, ngài đã gọi cho cảnh sát và nói: Tôi vừa nghe các anh đã bắt người anh em của tôi”. Cảnh sát liền xin lỗi đức tổng và nói: “Kính thưa đức tổng, chúng con xin lỗi, chúng con không biết đó là anh em của đức tổng. Xin Ngài hãy đến và nhận người đó về”. Khi đức tổng đến trạm cảnh sát để đón người kia về, thì một anh cảnh sát đã lên tiếng: “Kính thưa đức tổng, anh này không có cùng tên họ với đức tổng”. Đức tổng Câmara đã trả lời rằng, mỗi người nghèo khổ đều là anh em và là chị em của tôi.[41]

Bài tập sống di ngôn thứ hai Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

- Đứng dưới cây Thánh Giá, trong thầm lặng xin Chúa củng cố lòng tin của chúng ta vào Chúa, và với niềm tin xin Chúa giúp chúng ta đón nhận đau khổ của Ðức Kitô làm của mình.

- Đứng dưới cây Thánh Giá như Thánh Gio-an, chúng ta nhớ đến những đau khổ trong cuộc đời của chúng ta, xin Chúa cho chúng ta biết ý thức tích cực đón nhận các khổ đau đó như là thập giá cuộc đời chúng ta. Chúng ta đón nhận sự khổ đau này trong tinh thần hiệp thông với Chúa Giê-su chịu đau khổ và chịu chết trên Thánh Giá.

- Đứng dưới cây Thánh Giá và kế bên Đức Mẹ, chúng ta lắng nghe lại lời Chúa nói với thánh Gio-an: “Này là Mẹ con”. Chúng ta nhẩm đi nhắc lời này trong lòng. Thật nhẹ nhàng và trong sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta mở vòng tay để đón nhận Mẹ là Mẹ chúng ta, và ý thức dọn một chỗ thật đẹp cho Mẹ trong căn nhà cuộc sống của chúng ta. Và khi có Mẹ là Mẹ, chúng ta cầu xin Mẹ cho chúng ta mỗi ngày sống giống như Mẹ, là người luôn xin vâng với thánh ý Chúa, là người luôn hướng về Chúa Giê-su, Đấng là trung tâm điểm của cuộc sống.

- Ở dưới Thánh Giá, qua lời Chúa Giê-su, một gia đình của những người tin được hình thành. Mỗi người chúng ta tự hỏi mình xem, là người tín hữu tôi có muốn ở trong gia đình này. Một gia đình có Mẹ Maria Mẹ, và mọi người là anh chị em của nhau, không loại trừ ai cả. Chúng ta mường tượng mình đang sống ở trong gia đình đó. Mỗi người chúng ta nên sống thế nào để xây dựng mái nhà gia đình này tràn ngập tinh thần của Tin Mừng, tinh thần của Đấng chịu đóng đinh và sống lại để cứu độ muôn người?

Mẹ Maria và thánh Gio-an đã đứng dưới cây Thánh Giá. Đứng gần bên Chúa, lúc Chúa chịu khổ đau. Thật đẹp biết bao hình ảnh đó. Đẹp hơn nữa khi chúng ta chiêm ngắm và nhận ra Chúa đã hy sinh tự chọn lấy Thánh Giá, để chịu trên đó và cứu độ chúng ta. Chúa đã tựa vào cây gỗ Thánh Giá để tuôn tràn ơn cứu độ, tuôn tràn tình yêu cho nhân loại. Hơn nữa, Ngài luôn sống trong nguồn tình yêu này, nghĩa là trong tương quan gần gũi với Cha trên trời. Ngài có thể tâm tình với Cha bất cứ lúc nào, trong lúc chìm sâu trong thinh lặng cầu nguyện, khi đang tất bật lo toan sứ vụ được trao, và ngay lúc Ngài bị đóng đinh trên Thánh Giá. Lời tâm tình với Cha trên Thánh Giá là di ngôn thứ tư của Chúa.
Nguồn: dongten.net (04.04.2023)
 




[1] JOEL C. ELOWSKY, Ancient Christian commentary on schripture, John 11-21, Inter Varsity Press 2007, s.317.
[2] X. SCHNACKENBURG R., Das Johannesevangelium. III.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1975, s.323.
[3] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.243-244.
[4] SERTILLANGES A.D. OP., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý chuyển ngữ, phần 7 – Người thân yêu.
[5] SERTILLANGES A.D. OP., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, phần 7 – Người thân yêu.
[6] VITALINI s., Đức Maria trong Tân Ước, Lm. Stanislas Lê Trung Thành chuyển ngữ, Orsonnens 1992, s.147
[7] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, bản tiếng Việt do một nhóm linh mục Đà-lạt chuyên ngữ, Chương II, phần số 5. Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Maria Mẹ Ngài. Nguồn: simonhoadalat.com.
[8] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 5. Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Maria Mẹ Ngài.
[9] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 5. Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Maria Mẹ Ngài.
[10] RATZINGER J., Jesus von Nazareth I, Từ phép rửa nơi sống Giođan đến lúc hiển linh, tham khảo bản tiếng Việt của cha Aug.Nguyễn Văn Trinh, s.338.
[11] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 3: Das dritte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Liebe; và RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.245.
[12] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 3: Das dritte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Liebe.
[13] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.
[14] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2011, số 964, t.303.
[15] Thánh Công Đồng chung Vaticanô II, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà-lạt 1972, t.246.
[16] VITALINI s., Đức Maria trong Tân Ước, t.153-154.
[17] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 6. Hỡi bà, này là con bà.
[18] Thánh Công Đồng chung Vaticanô II, t.249.
[19] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 6. Hỡi bà, này là con bà.
[20] Chú thích Ga 19,25 của HURAULT B., trong Lời Chúa cho mọi người, Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, bản dịch của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2009, t.1862.
[21] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 5. Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Maria Mẹ Ngài.
[22] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.
[23] JOEL C. ELOWSKY, Ancient Christian commentary on schripture, John 11-21, s.316.
[24] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.58-59.
[25] VITALINI s., Đức Maria trong Tân Ước, t.158.
[26] VITALINI s., Đức Maria trong Tân Ước, t.160-161.
[27] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.59-60.
[28] VITALINI s., Đức Maria trong Tân Ước, t.162.
[29] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 3: Das dritte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Liebe.
[30] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.244.
[31] SCHNACKENBURG R., Das Johannesevangelium, III.Teil, Herder Verlag, Freiburg 1975, t.325.
[32] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 6. Hỡi bà, này là con bà.
[33] Thánh Công Đồng chung Vaticanô II, t.249.
[34] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 6. Hỡi bà, này là con bà.
[35] THÁNH TÊ-RÊ-SA VILA, Đường Hoàn Thiện, Chương 40, số 08.
[36] X. GRUEN A., Sieben Schritte ins Leben, E-book, phần 3: Das dritte Wort Jesu am Kreuz – die Quelle der Liebe.
[37] CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 5. Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Maria Mẹ Ngài.
[38] Trích bởi CANTALAMESSA R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội, Chương II, phần số 5. Đứng bên khổ giá Đức Giê-su, có Maria Mẹ Ngài.
[39] ELIYABETH JOHNSON, Truly our Sister: A Theology of Mary in the communion of Saints, New York 2003, pp.294.295.
[40] RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, s.45-46.

[41] x. RADCLIFFE T., Jenseits des Schweigens, s.47.

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/di-ngon-thu-ba-cua-chua-tren-thanh-gia-nay-la-con-ba-nay-la-me-cua-anh-50580

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây