TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XIII Thường Niên -Năm B

“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con, con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,21-43)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 28/05/2024 14:41 |   172
Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,34)

07/06/2024
THỨ SÁU TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN
Thánh
Tâm Chúa Giêsu

 

Thánh Tâm

Ga 19, 31-37

 
yêu đến mức cho đi tất cả
Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,34)


Suy niệm: “Bạn mới cho đi ít thôi khi bạn chỉ cho những gì bạn có. Khi bạn cho đi chính mình, bạn mới cho đi thực sự” (Kahlil Gibran). Món quà có giá trị nhất là trao ban cả sự sống của chính mình. Chúa Giê-su đã trao ban cho chúng ta món quà quý giá đó: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Ngài không chỉ chịu đóng đinh, chịu chết để cứu chuộc chúng ta, mà trên thập giá, Ngài còn chịu đâm thâu trái tim để, dù đã chết, Ngài vẫn trao ban cho chúng ta cả những giọt máu và nước cuối cùng. Bức ảnh “Thánh Tâm” với bàn tay Chúa cầm trái tim mình bên ngoài lồng ngực hẳn là bao hàm ý nghĩa đó.

Mời Bạn: Ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa cũng là ngày “Thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục”. Mọi Ki-tô hữu được mời gọi hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục, để các ngài, là hiện thân của Chúa Ki-tô Linh mục, cũng mang trong mình Trái Tim Chúa Giê-su để hiến thân phụng sự thân thể của Ngài là Giáo hội cho đến hơi thở cuối cùng. Và nhờ đó, mọi tín hữu là những chi thể của Chúa Ki-tô cũng trở thành chứng nhân tình yêu của Trái Tim Chúa biết hy sinh quên mình phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên nguyện tắt: Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giê-su, xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin cho chúng con cảm nhận thật sâu sắc tình yêu Thánh Tâm Ngài để chúng con có thể thông truyền tình yêu Chúa cho người khác. Amen.

Ngày 7: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Hội Thánh chỉ được hoàn tất trong vinh quang trên trời, trong ngày Chúa quang lâm. Do đó, Hội Thánh vẫn còn tiến bước trên đường hành hương, vẫn còn bị thế gian bách hại. Xin cho chúng con biết rằng: Hội Thánh sẽ phải trải qua nhiều thử thách lớn lao, trước khi đạt tới vinh quang viên mãn, xin cho chúng con biết giữ vững niềm tin, khi đang còn ở chốn lưu đày, còn xa cách Chúa, và khao khát ngày Vương Quốc đăng quang trọn vẹn, ngày mà Hội Thánh được kết hợp cùng Chúa trong vinh thắng. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

t6 t9 TN

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương tôi, vì tôi cô đơn và thân tôi đau khổ. Xin Chúa nhìn xem cảnh lầm than khốn khổ của tôi, và tha thứ hết mọi tội lỗi cho tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Tob 11, 5-17

“Chúa đã sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi, đây tôi nhìn thấy con trai tôi”

Bài trích sách Tobia.

Trong những ngày ấy, mỗi ngày bà Anna đến ngồi ở vệ đường bên sườn núi, nơi đó có thể nhìn xa được.

Cũng tại chỗ đó, đang lúc bà ngóng chờ con bà trở về, thì bà thấy và nhận ra con bà từ đàng xa đi đến, bà chạy báo tin cho chồng rằng: “Kìa, con mình đang về tới kia”.

Và Raphael nói với Tobia rằng: “Lúc bạn vào nhà rồi, lập tức bạn hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa bạn, và cảm tạ Người, rồi bạn đến gần mà hôn cha của bạn. Liền sau đó, bạn hãy lấy mật cá đem theo mình, xức lên mắt ông. Mắt của ông sẽ mở ra, cha của bạn sẽ thấy ánh sáng mặt trời, và hân hoan trước mặt bạn”.

Bấy giờ con chó đi theo Tobia, chạy về trước, nó vui mừng vẫy đuôi như báo tin. Người cha mù lòa của Tobia chỗi dậy, loạng choạng đi ra cửa đón con mình.

Ông đón lấy và hôn con ông và vợ nó.

Cả hai oà lên khóc vì vui mừng.

Sau khi thờ lạy và cảm tạ Thiên Chúa, họ cùng ngồi xuống.

Bấy giờ Tobia lấy mật cá, xức lên mắt cha mình.

Chờ đợi nửa giờ, thì một vẩy trắng tựa như màng trứng tách ra khỏi hai mắt.

Tobia cầm vẩy trắng ấy kéo ra khỏi mắt cha mình, ông liền thấy được.

Rồi ông, vợ ông và những người quen thuộc ca tụng Chúa.

Còn Tobia thì cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi; đây chính tôi đang nhìn thấy Tobia con trai của tôi”.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 2abc, 7,8-9abc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa, tôi sẽ ngợi khen Chúa suốt cả cuộc đời, bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi, quả phụ và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tm 3, 10-17

“Kẻ sống đạo đức trong Ðức Giêsu Kitô, đều chịu bắt bớ”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Timô-thêu.

Con thân mến, con đã noi theo cha về giáo lý, đức hạnh, dự định, lòng tin, khoan dung, yêu thương, kiên nhẫn, bắt bớ, đau khổ, như đã xảy đến cho cha ở Antiokia, Icôni và Lystra. Biết bao cuộc bắt bớ cha đã phải chịu, và Chúa đã cứu cha thoát khỏi tất cả. Vả lại, mọi kẻ muốn sống đạo đức trong Ðức Giêsu Kitô đều chịu bắt bớ. Còn những kẻ tội lỗi và gian trá, thì sẽ đi sâu vào tình trạng tệ hại hơn, vì họ lầm lạc và làm cho kẻ khác lầm lạc. Phần con, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 157. 160. 161. 165. 166. 168

Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).

Xướng: Nhiều người bắt bớ và nhiễu hại con, nhưng con chẳng sai trật lời nghiêm huấn của Chúa. – Ðáp.

Xướng: Căn bản lời Chúa là sự thật, mọi chỉ dụ công minh của Chúa tồn tại muôn đời. – Ðáp.

Xướng: Các vua chúa bách hại con vô lý, nhưng lòng con vẫn kính sợ lời Ngài. – Ðáp.

Xướng: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa, không có gì làm cớ cho họ sẩy chân. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, con mong ơn Ngài phù trợ, để thực thi những chỉ thị của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Con tuân giữ huấn lệnh và những lời truyền của Chúa, vì bao đường lối của con hiện ở trước nhan Ngài. – Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Alleluia.)

Phúc Âm: Mc 12, 35-37

“Sao họ có thể bảo Ðức Kitô là Con vua Ðavít?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: “Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con”. Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?” Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Chúa, bời Chúa nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, và xin nghe rõ tiếng tôi.

Hoặc đọc:

Chúa Phán: “Thầy bảo thật các con: tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HIỂU ĐÚNG VỀ ĐẤNG KITÔ (Mc 2, 35- 37)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong các bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Đức Giêsu luôn bị chất vấn bởi các người Pharisêu, Kinh Sư, phe Hêrôđê, nhóm Sa Đốc… Nhưng hôm nay, thánh sử Máccô lại cho thấy một tình thế ngược lại. Chính Đức Giêsu là người đứng lên chất vấn họ.

Khởi đi từ chỗ Ngài đặt vấn nạn về thân thế, nguồn gốc của mình: các Kinh Sư bảo Đấng Kitô là con vua Đavít, thế thì tại sao vua Đavít lại gọi Đấng ấy là Chúa Thượng tôi? (x. Tv 110,1). Không ai trả lời được, vì thế đám đông dân chúng lấy làm thích thú!

Qua câu hỏi đó của Đức Giêsu, Ngài không phủ nhận thân thế, vai trò của mình. Ngài cũng không từ trối tước hiệu con Vua Đavít. Nhưng dần dần, Ngài muốn cho mọi người hiểu về một Đấng Kitô chịu đau khổ, là tôi tớ của Giavê chứ không phải là một Đấng Kitô với mũ mão cân đai và đứng lên để làm chính trị như họ vẫn lầm tưởng!

Chính sự hiểu nhầm và mong ước phiến diện về Đấng Kitô, nên họ không thể chấp nhận Đấng ấy nằm ngoài khuôn mẫu của sự uy nghi, lộng lẫy, đánh đông dẹp bắc, quyền lực phi thường… Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài sống nghèo khó, không nhà không cửa, dạy con người ta hướng thiện, bác ái, bao dung, tha thứ thì họ đã không thể chấp nhận, và lẽ đương nhiên, họ tìm cách loại bỏ vì coi đó như là cái gai trong mắt và hòn đá cản lối đi.

Trong cuộc sống hôm nay nơi con cái của Giáo Hội, vẫn không thiếu những con người đủ mọi tầng lớp, luôn thích một Giáo Hội quyền lực, giàu có, oai phong; thích một Giáo Hội được củng cố bằng quyền lực… Không những thế, mà nhiều người đã áp dụng quan điểm đó ngay trong suy tư, nơi hành vi và lối sống của mình.

Những lúc như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa, mà là đường lối của những Pharisêu giả hình, của Luật Sĩ vụ luật, những Sa Đốc không niềm tin và phe Hêrôđê ham quyền…

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con hiểu được Lời Chúa dạy để biết sống điều Chúa muốn. Amen.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Tâm Chúa Giêsu

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là kính toàn bộ kế hoạch cứu độ yêu thương của Thiên Chúa. Cái chết trên Thập Giá của Chúa Giêsu diễn tả sâu xa nhất lời yêu thương của Người. Lời của Người trên Thập Giá “Ta khát” là lời tình yêu. Mừng lễ ThánhTâm Chúa Giêsu là tôn vinh tình yêu của Chúa một cách trọn vẹn và có thể cùng với Thánh Gioan thánh sử, nhân loại hãy hô to “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế đó”.

Hôm nay chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và cũng là ngày thánh hóa các Linh mục, chúng ta dâng các Linh mục trên thế giới cho Trái Tim Chúa, để Người bao bọc chở che, giữ gìn và thánh hóa. Nhưng để lời cầu của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận, chúng ta hãy thành tâm thống hối để xứng đáng dâng Thánh lễ.

Ca nhập lễ

Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi chúng con cử hành lễ Thánh Tâm Ðức Kitô, Con Một Chúa yêu dấu, Chúa ban cho chúng con được vui mừng tưởng niệm những kỳ công Người đã thực hiện vì thương yêu chúng con. Xin dạy chúng con biết tìm đến Thánh Tâm Người để hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Hoặc:

Lạy Chúa, vì tội lỗi chúng con, Chúa đã muốn cho Thánh Tâm Con Một Chúa bị đâm thâu, khiến kho tàng tình yêu vô biên được mở ra để chúng con hưởng nhờ. Xin cho chúng con hằng sốt sắng tôn sùng Thánh Tâm Người, và biết đền tội chúng con cho cân xứng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9

“Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi”.

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Thiên Chúa phán: “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

“Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.

Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ (c. 3).

Xướng: Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. 

Xướng: Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. 

Xướng: Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi. 

Bài Ðọc II: Ep 3, 8-12. 14-19

“Biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người”.

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân Ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.

Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 11, 29ab

Alleluia, alleluia! – Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. – Alleluia.

Hoặc: 1 Ga 4, 10b

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 19, 31-37

“Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do-thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Không một cái xương nào của Người bị đánh giập”. Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: “Chúng sẽ nhìn vào Ðấng chúng đã đâm thâu qua”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ sự : Anh chị em thân mến! Trên Thánh Giá Chúa đã kêu lên “Ta khát”, Người khát tình yêu của nhân loại đáp lại tình yêu của Người. Người mong mỏi chờ đợi mọi người đến với Người. Trong tâm tình thờ lạy, cảm tạ, chúng ta dâng lời nguyện xin :

1. “Ta đã yêu thương nó và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập” – Xin cho các vị Chủ chăn một tâm hồn nhân hậu như Chúa, để các ngài trở nên giây liên kết mọi phần tử của nhiệm thể Chúa Kitô, đồng thời thu phục nhiều người về cho Chúa.

2. “Nhờ Thánh Thần của Ngài thêm sức cho anh em”.- Xin cho các tín hữu nhận thức được tình yêu rộng mở của Chúa, để kiên trì trong việc giữ các giới răn, biết tìm kiếm những điều thiện hảo, hầu có thể thánh hóa môi trường sống của mình.

3. “Một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra”.- Xin cho các Linh mục kín múc được nguồn ơn thánh hóa từ máu và nước nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, để trao ban lại nguồn ân sủng và tình yêu cho đoàn chiên mình phục vụ.

4. “Chúng sẽ nhìn vào Đấng chúng đã đâm thâu qua”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta khi ngắm nhìn cảnh Chúa chịu tử nạn, thì ý thức được tình trạng tội lỗi của mình, để hoán cải và quyết tâm canh tân cuộc sống.

Chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết theo gương Chúa, tuân phục Thánh Ý Chúa Cha để yêu mến Ngài, và sẵn sàng khước từ bản thân để yêu thương tha nhân, như thế chúng con đã có thể đền đáp tình Chúa yêu thương chúng con một phần nào, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.

Vì tình thương lạ lùng khi chịu trên thập giá. Người đã tự hiến thân vì chúng con. Từ cạnh sườn bị đâm thủng, Người đã để máu và nước chảy ra, hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh. Nhờ đó, khi mọi người chúng con được lôi cuốn đến cùng trái tim rộng mở của Ðấng Cứu Thế, thì được luôn vui mừng múc tận nguồn ơn cứu độ muôn đời.

Vì thế, cùng với toàn thể các Thiên thần và các thánh, chúng con ca ngợi Chúa và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Chí Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Ai khát nước, hãy đến cùng Ta và hãy uống; ai tin nơi Ta, thì từ lòng họ, nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông.

Hoặc đọc:

Một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người và tức thì máu cùng nước chảy ra.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho bí tích tình yêu này hằng lôi kéo chúng con đến cùng Ðức Kitô Con Một Chúa, để chúng con được cháy lửa yêu mến nồng nàn và biết nhận ra Người hiện diện trong mỗi anh chị em chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm
 

SỐNG LỜI CHÚA – LÒNG CHÚA NHÂN TỪ

Qua Phúc âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã giảng dạy cho mọi người và nhất là Ngài đã niềm nở tiếp đón những kẻ thu thuế và tội lỗi, ghé thăm và dùng bữa tại nhà họ. Đó là điều khiến cho bọn biệt phái và luật sĩ, vốn tự hào là những người đạo đức và trung thành tuân giữ lề luật, không thể nào chịu đựng nổi. Họ đã thì thầm bàn tán cùng nhau : – Nếu ông ta là một vị tiên tri, hẳn phải biết những kẻ ấy là hạng người nào. Hay ông ta chỉ là một kẻ mị dân, một tên quyến rũ, một phường vô lại mà thôi.

Để dạy cho những kẻ đạo đức giả, như bọn biệt phái và luật sĩ, một bài học về lòng Chúa xót thương, Ngài đã kể cho họ nghe mẩu chuyện về người mục tử nhân lành, lang thang đi tìm con chiên lạc. Và khi đã thấy được, người ấy đã vác nó trên vài mà mang về nhà, rồi loan báo tin vui cho bè bạn.

Hay mẩu chuyện người đàn bà đốt đèn tìm kiến đồng bạc đánh rơi. Và khi tìm thấy, người ấy đã mời chị em lối xóm đến để chia vui với mình.

Và nhất là với hình ảnh người cha già mòn mỏi trông chờ đứa con hoang đàng trở về, để rồi sẽ tha thứ tức khắc và tha thứ tất cả cho cậu.

Từ những mẩu chuyện trên, Chúa Giêsu đã đi tới một kết luận. Và chính kết luận này đã làm cho chúng ta cảm thấy được an ủi, khích lệ và thấm thía:

– Ta nói thật với các ngươi: các thiên thần ở trên trời sẽ vui mừng hân hoan vì một kẻ tội lỗi sám hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần ăn năn.

Những hình ảnh và những so sánh này đã in đậm dấu ấn trong tâm hồn, giúp chúng ta hiểu được niềm vui khi một kẻ tội lỗi chổi dậy, từ bỏ con đường tăm tối mà trỡ về cùng Chúa, đồng thời thắp lên trong chúng ta ngọn lửa hy vọng, giúp chúng ta hiều được lòng Chúa xót thương đối với những kẻ lầm đường lạc lối.

Đức Kitô không phải chỉ giảng dạy, mà hơn thế nữa Ngài còn thực hiện những gì mình đã giảng và đã dạy. Nơi Ngài, ngôn hành hợp nhất, lời nói luôn đi đôi với việc làm.

Thực vậy, Ngài đã cải tạo trái tim của Madalêna, người thiếu phụ tội lỗi. Ngài đã tha thứ và để cho người đàn bà ngoại tình được ra về bình an. Ngài đã làm cho người thiếu phụ Samaria xúc động trước tấm lòng khoan dung. Ngài đã đổi đời cho ông Giakêu, một nhân viên thu thuế, vốn bị người Do Thái đồng hóa với phường tội lỗi. Ngài đã hứa thiên đàng cho tên trộm lành trên thập giá: ngày hôm nay, ngươi sẽ ở nơi vui vẻ cùng Ta. Ngài đã đặt Phêrô làm đầu Giáo hội, dù ông đã chối Ngài ba lần. Nỗi khổ đau của con người thì cùng cực, những tình thương của Chúa lại vô biên.

Trải qua dòng thời gian, biết bao nhiêu người đã đi theo dấu chân của Chúa, không ngừng tím kiếm những con chiên lạc, cũng như tha thứ cho những kẻ tội lỗi.

Chẳng hạn cha thánh Vianney đã chấp nhận mọi mệt mỏi, ngồi vào tòa giải tội nhiều giờ mỗi ngày để xoa dịu những tâm hồn tan nát vì tội lỗi. Thánh nhân thường nói :

– Thật là vui mừng nếu như có được những con cá lớn trong mẻ lưới của tôi. Những con cá lớn mà Ngài ám chí, đó chính là những kẻ tội lỗi... Chẳng hạn cha Chevrier đã nói: – Linh mục là người bị ăn.

Và rồi cha đã vui vẻ tiếp nhận những thanh thiếu niên lầm lỡ, đã bị xã hội ruồng bỏ, dẫn họ bước vào một cuộc sống tốt lành và đạo đức.

Gần chúng ta hơn, có những dòng tu, như Dòng Chúa chiên lành ở Vĩnh Long, đã mở rộng cánh cửa tiếp đón và nâng đỡ những chị em đĩ điếm, giúp họ làm lại cuộc đời. Hay như dòng Don Bosco, chuyên môn giáo dục thanh thiếu niên, nhất là những trẻ em bụi đời, để họ tìm thấy hướng đi cho cuộc sống của mình. Phải chăng đó là những phản ảnh, những tiếng vọng cho tình Chúa xót thương ? Tuy nhiên, chúng ta cần phải tránh đi hai thái độ. Thái độ thứ nhất đó là cậy trông mù quáng. Những người này chủ trương cứ việc hưởng thụ, cứ việc vui chơi và chỉ cần ăn năn vào một vài giây phút cuối cùng và rồi Chúa sẽ mở rộng cửa thiên đàng đón nhận. Lý luận như thế là một sự xúc phạm, một sự chế nhạo và coi thường lòng thương xót của Chúa. Đây không phải là con đường dẫn tới thiên đàng, mà là con đường dẫn tới hỏa ngục, bởi vì Chúa là Đấng tốt lành và nhân hậu, nhưng đồng thời còn là Đấng công bằng và ngay thẳng vô cùng.

Thái độ thứ hai đó là mất lòng cậy trông. Dù có sai lỗi và vấp phạm, thì cũng đừng bao giờ tuyệt vọng như Giuđa, bởi vì Chúa nhân từ luôn mở rộng vòng tay chờ đón. Ngài đã lên đường tìm kiếm chúng ta, những con chiên lạc. Ngài đứng ngoài cửa và gõ. Còn mở hay không, thì đó là việc của mỗi người chúng ta.

Hãy trỗi dậy và trở về để được hưởng nhờ lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.

MỤC TỬ

Mừng lễ Thánh Tâm hôm nay, Giáo Hội muốn con cái mình chiêm ngắm, suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và để theo chân Đức Kitô, ta cũng dám sống, và nếu cần, dám chết vì tình yêu đó.

Lòng Chúa yêu thương loài người Hình ảnh mà Êzêchiel và nhiều ngôn sứ khác đã phác họa là hình ảnh một mục tử lặn lội đi tìm chiên không quản ngại đường xa vạn dặm, khó khăn khôn lường. Chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần khẳng định lại chân lý ấy: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi có chúng ta, và đã cứu độ chúng ta trước khi chúng ta trở về, nghĩa là khi chúng ta còn ở trong sự tội và bất tín. Thái độ lên đường tìm kiếm con chiên lạc của dụ ngôn hôm nay là một minh họa sống động cho chân lý ấy. Quả thật, Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt, hay vì một công trạng nào. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải tốt Ngài mới yêu thương, mà Ngài yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài yêu thương chúng ta chỉ vì Ngài là tình yêu, chỉ vì Ngài tốt lành. Quả thật, tình yêu của Ngài là tình yêu vô điều kiện và hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhằm hạnh phúc của người được yêu. Chỉ một mình Thiên Chúa có được thứ tình yêu cao cả như vậy. Tác giả sách “Đường hy vọng” đã có lý khi viết: “Tình yêu nhân loại giới hạn một nhóm người – Tình yêu nhân loại đáp trả sau – Tình yêu Thiên Chúa tình nguyện bước trước ; Tình yêu nhân loại kéo riêng về mình – Tình yêu Thiên Chúa hợp nhất muôn người; Tình yêu nhân loại chỉ động đến con người – Tình yêu Thiên Chúa làm biến đổi và cải hóa con người”.

Trải qua 2000 năm của biến cố Nhập Thể, Chúa Giêsu đã cho con người thấy được mức độ của cuộc so sánh tình yêu thương đó chính là không cột mốc biên cương, không kỳ thị chủng tộc màu da, ngôn ngữ hay giai cấp. Tình yêu ấy là tình yêu của Thiên Chúa tự nguyện tặng ban cho nhân loại chính Con Một của mình, tình yêu của con Thiên Chúa hiến thân, Tình yêu là cho loài người trở thành con Thiên Chúa và làm anh em của Đấng cứu Thế. Tình yêu đó chính là nguồn gốc của sự sống và mục đích duy nhất mà con người phải nhắm đạt tới.

Quả thật, thái độ của Người là thái độ của một mục tử tốt. Người làm y như một mục tử chứ không ví mình như mục tử. Người muốn trong dân người chỉ có yêu thương: yêu thương của Người dành cho dân và cho từng người; và yêu thương của mọi người dành cho nhau. Đó là ý nguyện của Chúa, là chương trình cứu độ của Người. Chúa đã thực hiện lòng yêu thương đó thế nào, chúng ta hãy nhìn nơi Đức Kitô, Đấng Người đã sai đến.

Tình thương biểu lộ nơi lòng Đức Kitô Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ví Ngài như người Mục Tử Nhân Lành, đã bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm một con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì quên hết những nỗi vất vả cực nhọc do con chiên lạc gây ra cho mình, không trách mắng cũng không đánh đập, không cho là con chiên lạc lầm lỗi, trái lại đã vui vẻ vác chiên lên vai đưa về tận nhà. Về tới nhà, người ấy còn mời mọi người cùng chia sẻ niềm vui với ông nữa.

Hình ảnh người Mục tử Nhân Lành đã diễn tả tình yêu thương sống động và cụ thể của Chúa Giêsu. Tình yêu thương ấy có khi khó hiểu và khó chấp nhận đối với chúng ta cũng như với nhóm Biệt Phái ngày xưa. Bởi vì chúng ta thường ích kỷ, hẹp hòi, bủn xỉn… chính những người Biệt Phái xưa cũng đã từng phiền trách khi thấy Chúa Giêsu đón tiếp và cũng ăn uống với những người tội lỗi vì yêu thương họ? Quả thật, Ngài đã khẳng định một cách không thể hiểu khác hơn được : “Chỉ có bệnh nhân mới cần thầy thuốc” mà ở đây Chúa là thầy Thuốc, là Lương Y Từ Mẫu… mà các bệnh nhân đang mong đợi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã xác định mục tiêu Ngài theo đuổi trong cuộc sống: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Ngài không đến để xét xử luận phạt, nhưng là để cứu độ, để “cho họ được sống và sống dồi dào.

Trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, thái độ của người anh cả cũng hẹp hòi, bủn xỉn trước tình thương của người cha nhân lành. Anh ta không chấp nhận cho cha yêu thương đứa em đã có một quá khứ xấu xa, tội lỗi… không chấp nhận cho nó làm lại cuộc đời. Thái độ đó không phù hợp với Tin Mừng, với Trái Tim Chúa Giêsu, người Mục Tử Nhân Lành. Từ chỗ không hiểu tình thương của Chúa đối với người khác, chúng ta cũng có thể không hiểu tình thương của Chúa đối với chính mình. Đó quả là một điều tai hại ! không hiểu thì không biết cám ơn và không biết đáp trả tình yêu của Chúa.

Tình yêu đáp trả tình yêu Chỉ một mình Thiên Chúa của Kitô giáo có được thứ tình yêu cao cả như vậy. Chính vì thế mà đạo Công giáo được mệnh danh là Đạo Tình Yêu thương trong cuộc sống, thì người đó đánh mất chân tính của mình. Vì chưng, Chúa Giêsu đã không chỉ bộc lộ tình Thương nhân hậu của Cha, mà Ngài còn mời gọi chúng ta : ” Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót”, và còn đưa ra cho chúng ta một quy luật sống cụ thể : “Anh em phải yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét mình phải chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ nhục mạ mình”. Trong cuộc sống, theo tâm lý chung thường chúng ta hay tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Tục ngữ đã có câu:

Chân mình những lấm bết bê, Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.

Quả thật, nếu chúng ta tự cho mình là công chính, từ đó tách biệt mình khỏi đám người tội lỗi, là vô tình chúng ta đã tự loại mình ra khỏi tình yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta với tất cả con tim cuả một Thiên Chúa làm người. Ngài luôn cảm thông tha thứ mọi yếu hèn cuả con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình là thánh thiện để rồi tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa: “chỉ có một mình Ngài mới có quyền xét xử”. Vì thế, chúng ta cần khiêm tốn và tin tưởng đến với Ngài, hãy lắng nghe lời Ngài. Đừng bao giờ tìm cách che đậy tội lỗi để tỏ ra khỏi cần đến Ngài, đó là tự lừa dối mình một cách nguy hiểm. Hơn nữa, chúng ta hãy sẵn sàng cộng tác với Chúa cách tìm đến với những người đã trót lầm lỗi, những người đang lạc đường, đang bơ vơ không có định hướng… để giúp đỡ họ, khích lệ họ, nói với họ một lời an ủi, dâng tăng họ một nụ cười tin yêu, đem đến cho họ niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, giúp họ thực tâm hối cải. Giờ đây, tiếp tục bước vào cử hành phụng vụ Thánh Thể, là hiện tại hóa sự chết của Đức Kitô, là biểu hiện tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, chúng ta hãy nhờ Đức Kitô để ca tụng và cảm tạ Chúa Cha, cảm phục tin tưởng xin ơn tha thứ cho chính mình và toàn thể nhân loại, xin ơn sám hối cho các tội nhân. Amen.


HƯỞNG TẬN NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ TRÀO DÂNG
(LỄ THÁNH TÂM - NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày Lễ Thánh Tâm, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Khi chúng ta cử hành Lễ Thánh Tâm Đức Kitô, Con Một Cha yêu dấu, Cha ban cho chúng ta được vui mừng tưởng niệm những kỳ công Người đã thực hiện vì yêu thương chúng ta. Xin Chúa dạy chúng ta biết tìm đến Thánh Tâm Người mà hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng.

Hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, từ nơi Thánh Tâm của Thiên Chúa Tình Yêu, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

Hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, nhờ cái chết thay cho người mình yêu của Đấng tự nguyện chịu treo trên Thập Giá, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bônaventura nói: Hỡi bạn là người đã được cứu chuộc, bạn hãy ngẫm xem Đấng chịu treo trên thập giá vì bạn, Đấng đã chết để làm cho kẻ chết được sống.

Hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, nhờ Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê nói: Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ítraen, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.

Hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, nhờ lòng tin tưởng, và lòng mến đặt nơi Đức Kitô, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Trong bài Đáp Ca, ngôn sứ Isaia cũng cùng chung tâm tình này khi kêu gọi: Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại: Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, hằng luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha: chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thập Giá để cứu độ chúng ta. Như hương thơm tiết ra từ cây “hương mộc” cho cả chiếc rìu chặt nó, tình yêu cứu độ từ Thánh Tâm của Đức Giêsu, vẫn tuôn đổ đến giọt máu giọt nước cuối cùng, cho những kẻ bắt bớ, giết hại Người. Thập Giá là sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Nơi Thập Giá, chúng ta được hoan hỷ vui hưởng kỳ công vĩ đại, Chúa đã thực hiện vì yêu thương chúng ta. Nơi Thánh Tâm, chúng ta được thỏa lòng tận hưởng nguồn ơn cứu độ trào dâng. Ước gì chúng ta biết quay trở về với Thánh Tâm Chúa, ngụp lặn trong đại dương bao la của tình yêu Chúa. Hoa hồng nào mà chẳng có gai, tình yêu nào mà chẳng đòi những hy sinh bỏ mình. Ước gì chúng ta biết trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong tình yêu hiến tế: sẵn sàng yêu cho đến quên mình, để được tan biến hoàn toàn trong tình yêu cứu độ của Chúa. Ước gì được như thế!

SUỐI NGUỒN XÓT THƯƠNG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.

“Coup de grâce” - một thành ngữ tiếng Pháp - nói đến “ân huệ” cuối cùng dành cho một tử tội hầu kết thúc sớm cái chết đau đớn của họ. Hai anh trộm chịu đóng đinh với Chúa Giêsu đã hưởng “cú đánh ân huệ” này khi ống chân của họ ‘được đập vỡ’ để có thể chết nhanh vì ngạt thở. Chúa Giêsu không ‘được hưởng’ ân huệ này, vì Ngài đã chết; nhưng, “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Theo truyền thống, người lính đâm cạnh sườn Chúa Giêsu có tên là Longinus; có truyền thống coi ông là viên đại đội trưởng đã thốt lên “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”; truyền thống khác cho rằng, Longinus đã cải đạo và là tân tòng đầu tiên; một truyền thống còn nói, mắt Longinus bị mù, máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu đã rưới xuống chữa lành. Vậy mà bất kể các truyền thống này có đúng hay không, chúng ta biết, cạnh sườn Chúa Giêsu đã bị đâm thâu, máu và nước đã chảy ra; để từ đó, ‘suối nguồn xót thương’ tuôn trào đến tận thế cho nhân loại được ơn cứu rỗi.

Biểu tượng này - trái tim - không chỉ là những gì thuộc về con người, nó còn là một biểu tượng thần linh nói lên tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng cũng có một trái tim yêu thương mà Hôsê tiết lộ, “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” - bài đọc một. Nói đến ‘trái tim’ là nói đến sự sống. Khi Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm, máu và nước chảy ra chính là lúc sự sống mới - các Bí tích - của Giáo Hội được tuôn trào. “Máu” biểu tượng cho Thánh Thể, “Nước” là quà tặng của phép Rửa; và trước khi “tắt hơi”, Chúa Giêsu kịp “trao Thần Khí”, Bí tích Thêm Sức được ban. Đó là những chiều kích sâu thẳm ‘dài, rộng, cao, sâu’ “vượt quá sự hiểu biết” mà Phaolô mời gọi chúng ta chiêm ngắm - bài đọc hai; Thánh ca Isaia lặp đi lặp lại, “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ!”.

Ngày nay, khi tham dự các Bí tích, chúng ta dễ dàng coi các nghi thức chỉ là biểu tượng; đang khi chúng thực sự là các phương tiện thông ơn của Thiên Chúa; đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Chính qua linh mục, Chúa Kitô dâng lễ tế lên Chúa Cha. Hôm nay, ngày thánh hoá các linh mục, chúng ta không quên cầu nguyện cho các ngài và cùng với các ngài, mỗi khi chứng kiến ​​một phép Rửa hay một Bí tích nào đó, chúng ta hiện diện ‘một cách thần bí’ với Longinus, nhận lãnh ân sủng và sự tha thứ tuôn đổ từ ‘suối nguồn xót thương’ của Thánh Tâm Chúa; nhờ đó, chúng ta được thanh tẩy, chữa lành và trở nên thanh sạch vẹn toàn.

Kính thưa Anh Chị em,

“Máu cùng nước chảy ra!”. Chiêm ngắm Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, chúng ta tạ ơn Ngài vì Trái Tim Ngài là ‘suối nguồn xót thương’ liên lỉ tuôn trào sự sống mới, ân sủng dưỡng nuôi, quyền năng thứ tha và chữa lành chúng ta đến muôn đời. Không chỉ là nguồn suối, Trái Tim Ngài còn là đại dương sâu lắng và êm đềm đang chờ đợi các tội nhân đến tắm gội trong vực cứu rỗi của họ. Hãy đặt mình trước Thập Giá Chúa Kitô, cho phép Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài bao phủ và rửa sạch hồn xác bạn và tôi, hầu chúng ta có thể cảm nhận được sự tươi mới và sự sống mới của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để linh hồn con không còn lầy lụa, không còn đói, không còn khát… cho con biết chạy đến tắm gội, kín múc nơi ‘suối nguồn xót thương’ là các Bí tích!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây