TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 09/10/2023 14:57 |   794
“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (Lc 11,37-41)

17/10/2023
THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Thánh Ignatiô Antiôchia, giám mục, tử đạo

t3 t28 TN

Lc 11,37-41


Ngày 17 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: Vào những giây phút khởi đầu của biến cố Nhập Thể, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa; vào những giờ phút cuối cùng của biến cố Thập Giá, Mẹ đã trở thành Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể loài người. Trong Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mẹ đã trao dâng cung lòng trinh trong cho Con Thiên Chúa ngự vào; nơi Mầu Nhiệm Thập Giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào trong tâm hồn. Trong Vườn Địa Đàng, bên cây Trái Cấm, bà Evà đã đánh mất quyền làm mẹ chúng sinh; trên đồi Canvê, dưới chân Thánh Giá, Mẹ đón nhận quyền làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con biết bắt chước Mẹ: bước đi cùng với Đức Kitô từ khởi đầu, cho đến lúc, kết thúc dưới chân Thập Giá. Amen.

SẠCH TỪ TRONG LÒNG
“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”
(Lc 11,37-41)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay thuật lại việc một ông Pha-ri-sêu mời Chúa Giê-su đến nhà dùng bữa: ông ta rất ngạc nhiên vì Chúa Giê-su không rửa tay trước khi ăn. Cứ sự thường đây cũng là điều dễ hiểu vì rửa tay là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, là bài học cơ bản được dạy ngay từ trường mẫu giáo. Tuy nhiên, đối với người Pha-ri-sêu thì rửa tay là việc hết sức quan trọng không thể thiếu trong luật Mô-sê: phải rửa tay theo đúng những nghi thức luật định để có thể tẩy xoá mọi dơ bẩn trong tâm hồn và nhờ đó người ta nên thanh sạch. Chúa Giê-su xác định sự thanh sạch đích thực phải phát xuất từ tâm hồn, và để có sự thanh sạch đó, các nghi thức bên ngoài là không đủ, mà phải có sự hoán cải từ tận đáy lòng, phải từ bỏ những chuyện “cướp bóc, gian tà” bằng việc tẩy rửa những tư tưởng, ước muốn điều đó ngay từ trong lòng con người.

Mời Bạn: Trong lòng đầy những tư tưởng gian tà, tình cảm thù hận và toan tính xấu xa, thì tất nhiên sẽ nảy sinh những việc làm đen tối, xâm phạm đến chính mình cũng như tha nhân; trên hết chúng là những hành động xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Tiến trình cần thiết để thanh tẩy từ tâm hồn đó là “bố thí những gì ở bên trong” và chứa đầy tâm hồn bằng “lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11,42).

Sống Lời Chúa: Làm việc gì hãy xét xem việc đó có “lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con đừng chỉ quan tâm làm đẹp bề ngoài, mà cần lo làm thanh sạch linh hồn con trước mặt Chúa, bằng việc thực thi công bình và bác ái đối với tha nhân. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I(Năm I) Rm 1, 16-25

“Dẫu loài người biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh Người cho xứng với Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi không hổ thẹn đạo Phúc Âm: vì đó là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong đó, đức công chính của Thiên Chúa được tỏ ra bởi đức tin, nhằm vào đức tin, như có lời chép rằng: “Người công chính sống bởi đức tin”.

Quả thực, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa từ trời cao hiện ra trừng phạt những người vô đạo, bất công, cầm giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà: vì chưng hễ sự gì có thể biết được về Thiên Chúa, thì đã được biểu lộ trong họ rồi, bởi Thiên Chúa đã tỏ bày cho họ. Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được. Vì dẫu họ biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ là những người đã hoán đổi sự chân thật của Thiên Chúa ra sự dối trá, đã thờ tự và phụng sự loài thọ tạo thay vì Ðấng Tạo Hoá, Người đáng chúc tụng muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c. 2a).

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. 

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 4, 31b – 5, 6

“Cắt bì là vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Ðức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Ðức Kitô, và đã mất ân sủng rồi.

Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 41. 43. 44. 45. 47. 48

Ðáp: Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con (c. 41a).

Xướng: Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con, xin ban ơn phù trợ theo lời Ngài đã hứa. 

Xướng: Xin đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài. 

Xướng: Con sẽ tuân giữ luật pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.

Xướng: Con sẽ bước đi trên đường rộng rãi, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.

Xướng: Các chỉ thị Ngài làm cho con hoan lạc, đó là những điều con vẫn mến yêu. 

Xướng: Con giang tay cầu chỉ thị của Chúa, và con suy gẫm về những thánh chỉ của Ngài. 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 37-41

“Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời….

Suy Niệm 

CÁI BÊN NGOÀI KHÔNG LÀM NÊN ĐẠO ĐỨC (Lc 11, 37-41)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại một ấn tượng hết sức đẹp, đó là: ngài đã tháo chiếc nhẫn vàng Giáo Hoàng của mình để tặng cho người dân nghèo ngoại ô thành phố Rio de Janeiro. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho nhiều người đi cùng với ngài tỏ vẻ không hài lòng!

Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một nghĩa cử hết sức lạ thường của Đức Giêsu, đó là: Ngài đã sẵn sàng đáp lại lời mời của một người trong nhóm Pharisêu vốn đã không thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, để đến dự tiệc tại gia đình ông, mặc cho nhiều người chống đối, xầm xì.

Điều đáng nói ở đây chính là sự bất mãn của một số Pharisêu đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người Pharisêu, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân. 

Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn nói cho những người Pharisêu biết tính vụ luật của họ không được Thiên Chúa hài lòng; đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh; hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những người Pharisêu cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm theo không hề có ý nghĩa trước mặt Người.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Pharisêu khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một tấm lòng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con can đảm sống thật với lương tâm của mình, để được bình an và hạnh phúc thật. Amen.

TRÓI BUỘC
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thật là ngốc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật khó để tưởng tượng Chúa Giêsu gọi ai đó là “ngốc”, nhưng thực sự là Ngài đã nói với người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay như thế! Tại sao? Vì với người này, lề luật thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’ và trở nên một chiếc bẫy!

Một biệt phái mời Chúa Giêsu dùng bữa; và người này trách Ngài không rửa tay. Nhân cơ hội, Ngài cho biết, ông ấy đã hiểu sai lề luật. Lề luật giải thoát để con người thờ phượng đúng đắn; nhưng khi nó tự trở thành mục đích, tách rời khỏi Đấng mà lẽ ra nó phải hướng về, thì lề luật là chiếc bẫy. Giáo Hội có đủ lề luật khiến những Pharisêu khắt khe nhất cũng phải tự hào; nhưng nguy hiểm ở chỗ, bạn có thể rơi vào cạm bẫy.

Trước tiên, luật được giữ cách cứng nhắc đến nỗi con người không để trái tim và tâm trí mình được giáo dục và hình thành bởi nó: thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân! Vì thế, thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’. Thứ hai, một thái cực khác. Đó là dễ dãi với bản thân khi cho rằng, “Nếu trái tim đặt đúng chỗ, tôi không cần phải lo lắng về quy tắc này, quy tắc nọ!”. Với một thái độ lỏng lẻo, bạn và tôi cho phép mình coi nhẹ những lề luật mà thực sự, nó giúp giải thoát. “Tôi phải đi lễ Chúa Nhật; nhưng hôm nay là kỳ nghỉ! Chúa biết tôi là người tốt!”. Vậy mà, chính trong Thánh Lễ Chúa Nhật, bạn nhận được ân sủng cần thiết để trở thành “người tốt” đó!
Trong thư Rôma hôm nay, Phaolô mạnh mẽ tố cáo thái độ biệt phái này. Họ là “Những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý”. Và xem ra, Phaolô còn quyết liệt hơn cả Chúa Giêsu, “Đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ!”.

Thế kỷ 18, nước Pháp nổi tiếng với triết gia Jean-Jacques Rousseau. Ông hợm hĩnh tuyên bố, “Trước nhan Chúa, ai dám nói, ‘Tôi tốt hơn Rousseau!’”. Trước khi chết, ông tự hào, “Ôi hạnh phúc! Một người không có lý do gì để hối hận hay tự trách mình!”; “Tôi trả lại linh hồn trong sáng cho Chúa như khi nó xuất phát từ Ngài; hãy để nó hạnh phúc với Ngài!”. Trong các tác phẩm, ông chủ trương ngoại tình, tự tử. Hơn 20 năm sống phô trương, hầu hết những đứa con của ông sinh ra ngoài giá thú và lớn lên từ viện mồ côi. Ông được biết như một người đểnh đoảng, bội bạc, giả hình và báng bổ!

Kính thưa Anh Chị em,

“Thật là ngốc!”. Hẳn Chúa Giêsu sẽ nói với Jean-Jacques Rousseau và cũng có thể với bạn và tôi như thế. Hãy thử lắng nghe, đừng cảm thấy bị xúc phạm! Đó là những lời yêu thương nhất. Hãy cho phép mình hưởng lợi từ những lời quở trách này! Ngài muốn bạn và tôi làm sạch chiếc cốc tâm hồn. Hãy để những lời này tiết lộ những gì cần đổi thay. Có thể đó là lòng kiêu hãnh vốn đã làm chệch hướng các thực hành nội tâm và cách giữ luật Chúa; nên thay vì giải thoát, nó ‘trói buộc’. Nó có thể đã khiến chúng ta mù quáng hoặc quá dễ dãi trước những tội lỗi cần thú nhận. Đừng làm ngơ; hãy cởi mở, khiêm tốn đón nhận! Nhờ đó, bạn và tôi trở nên công chính và có thể cùng “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa” như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca!
Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để con bớt hợm hĩnh và không bị ‘trói buộc’ bởi một điều gì, xin đừng để con ngốc!”, Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Ignatiô Antiôchia, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Đức Kitô, tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi; hiện giờ tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi, và đã phó mình vì tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho các anh hùng tử đạo can đảm tuyên xưng đức tin để làm vẻ vang cho toàn thể Hội Thánh. Hôm nay chúng con mừng thánh giám mục I-nha-xi-ô đã qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang. Xin cho chúng con cũng được nhờ công đức của người mà giữ vững một niềm tin bất khuất. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Pl 3, 17 – 4, 1

“Quê hương chúng ta ở trên trời”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.

Xướng: Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Xướng: Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai nương tựa ở nơi Người. – Ðáp.

Alleluia: Gc 1, 12

Alleluia, alleluia! – Phúc cho người biết kiên tâm chịu cám dỗ thử thách, vì khi thí luyện thành công, họ sẽ lĩnh triều thiên sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 12, 24-26

“Nếu hạt lúa mì thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Thầy, hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, thì kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Thầy, Cha Thầy sẽ tôn vinh nó”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa thánh I-nha-xi-ô tử đạo đã trở thành hạt lúa miến của Chúa Kitô cho thú dữ nghiền nát, và nhờ đó trở nên bánh tinh tuyền được Chúa thương chấp nhận. Nay xin Chúa cũng ghé mắt nhân từ nhìn đến của lễ chúng con dâng. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Tôi là hạt lúa mì của Chúa Kitô, chớ gì răng thú dữ nghiền nát tôi ra, để trở thành tấm bánh tinh tuyền

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày sinh nhật trên trời của vị thánh giám mục I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, Chúa đã lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con. Ước chi lương thực này đem lại cho chúng con nguồn sinh lực mới giúp chúng con sống và hoạt động thế nào cho xứng danh là Kitô hữu. Chúng con cầu xin…

Suy Niệm 

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Thánh Ignatiô thành Antiochia chịu tử đạo tại Rôma trong cuộc bách đạo của hoàng đế Trajanô: Ngài bị ném cho thú dữ trong hí trường của thành phố. Lễ nhớ ngài được cử hành vào ngày 17 tháng 10 tại Antiochia, do lịch Nicomeđia ấn định (khoảng năm 360). Giáo Hội Syria cũng mừng lễ kính vào ngày này. Chính Giáo Hội này cũng đã tôn kính mộ của ngài ở cổng thành Antiochia, là nơi mà theo chứng từ của thánh Hiêrônimô, hài cốt của thánh tử đạo được di dời và chôn cất trong nghĩa trang ngoài cổng Daphnê. Các Giáo Hội Byzantin thì mừng lễ thánh Ignatiô ngày 20 tháng 12, ngày giả thiết có cuộc di dời hài cốt ngài.

Thánh Ignatiô thành Antiochia, cũng gọi là Theophorus (người mang Thiên Chúa), như chính ngài tự xưng danh trong các lá thư, là người kế vị thứ hai của thánh Phêrô trên ngai giám mục Antiochia, thành phố chính lâu đời nhất của Kitô giáo. Chính tại thành phố thuộc quyền tổng trấn Syria này, các người theo Chúa Kitô lần đầu tiên nhận tên gọi là Kitô hữu.

Trong một đợt bách đạo, dưới thời hoàng đế Trajanô (98-117), giám mục Ignatiô bị bắt, kết án tử hình và dẫn tới Rôma để ném cho thú dữ ăn thịt trong hí trường thành phố. Được dẫn đi dưới sự hộ tống của mười tên lính mà ngài gọi là “hổ báo”, ngài đi qua Tiểu Á, đến Philadelphia, Lyđia, rồi Sardes, trước khi tới Smyrna, tại đây ngài được thánh Pôlycarpe tiếp rước. Từ thành phố này, ngài viết thư gửi đi nhiều cộng đoàn Kitô hữu khác nhau khi các cộng đoàn này gửi phái đoàn tới viếng ngài: Êphêsô, Magnésie và Tralles. Ngài cũng viết thư cho Giáo Hội Rôma “là Giáo Hội trông coi việc bác ái, đã đón nhận luật Chúa Kitô và danh thánh Chúa Cha . . .” Đây là lá thư duy nhất đề ngày tháng, “ngày mồng chín trước ngày sóc tháng chín”, tức là ngày 24 tháng 9. Ngài nài xin các tín hữu Rôma đừng cướp mất cuộc tử đạo mà ngài hằng khao khát. Ngài viết: “Anh em đừng cung cấp thêm điều gì cho tôi, trừ ân huệ được hiến dâng làm hy tế cho Thiên Chúa. Hãy chỉ cầu xin cho tôi được sức mạnh tâm hồn và thể xác mà thôi.”

Theo chứng từ của giám mục Eusèbe, từ Troas thánh Ignatiô còn viết ba thư nữa: cho Giáo Hội Philadelphie, Giáo Hội Smyrna, và thư riêng cho giám mục Polycarpe, giám mục của cùng thành phố này. Sau đó ngài lên tàu đi Néapolis (Macédoine), đi tiếp qua Philippes và băng qua Macédoine qua ngả via Egnatia trước khi lại tiếp tục lên tàu đi Dyrrachiurn (Durazzo), trên biển Adriatique, để đến nước Ý. Theo thánh Irênê (khoảng 180) và Origène (khoảng 235), “ngài bị ném cho thú dữ ăn thịt, tại Rôma, trong cuộc bách đạo”.

Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ riêng của lễ nhớ thánh Ignatiô được lấy từ những lá thư của ngài mà người ta có thể đánh giá như là bản dẫn nhập hay nhất về lịch sử Hội Thánh vào đầu thế kỷ II. Đặc biệt hai đề tài xuất hiện trong những thư của vị thánh giám mục Antiochia: a) sự duy nhất của Hội Thánh; b) mầu nhiệm Đức Kitô Thiên Chúa thật và người thật, “sự sống đời đời”, và mẫu mực của người tín hữu: “Anh em đừng làm gì mà không có giám mục . . . hãy yêu mến sự hiệp nhất, tránh chia rẽ, và hãy bắt chước Chúa Giêsu Kitô, như chính Người bắt chước Cha Người” (Thư gửi tín hữu Philadelphia VII, 2).

Lời Nguyện của ngày, Hội Thánh được gọi là “Thân Mình” mầu nhiệm Chúa Kitô, hợp với giáo lý của thánh Ignatiô – lý thuyết gia về quyền giám mục – Ngài hằng lo lắng cho sự hiệp nhất của từng Giáo Hội quanh giám mục của mình, và của mọi Giáo Hội với nhau. Cộng đoàn Hội Thánh qui tụ xung quanh giám mục của mình để cử hành Thánh Thể, bí tích hiệp nhất, trong sự hiệp thông với Giáo Hội Rôma là Giáo Hội “chủ trì đức ái” phổ quát. Chính thánh Ignatiô là người đầu tiên nói tới Hội Thánh “công giáo”, theo nghĩa Hội Thánh phổ quát: “Tất cả anh em hãy theo giám mục, như Chúa Giêsu Kitô theo Chúa Cha . . . Ở đâu có giám mục, ở đó cũng có cộng đoàn, và ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Hội Thánh công giáo (katolikè ekklèsia) (Thư gửi tín hữu Smyrna VIII, 1-2).b)

Lời Nguyện trên lễ vật cho thấy rõ “lễ hy tế của thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa miến của Chúa Kitô, bị răng thú dữ nghiền nát và trở nên bánh tinh tuyền . . .” Lời nguyện này lấy lại gần như nguyên văn đoạn thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma: “Hãy để tôi trở thành thức ăn cho thú dữ, nhờ chúng, tôi có thể tìm thấy Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa, và tôi phải được nghiền nát bởi răng thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.” (VII, 1). Điệp ca Hiệp lễ cũng lấy lại nguyên văn một phần đoạn trích này. Tuy nhiên, đối với thánh Ignatiô thành Antiochia, tử đạo chỉ là một phương tiện để đạt sự hiệp thông với Đức Kitô: “Tôi ao ước bánh của Thiên Chúa, Mình Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít. Tôi muốn uống chén máu thánh, tôi muốn tình yêu không tàn phai.” (Điệp ca của bài Magnificat, trích từ Thư gửi tín hữu Rôma, VII, 3). Lời Nguyện sau hiệp lễ, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta “sức lực mới, để khi nhìn những hành động của chúng ta, người ta thấy chúng ta xứng đáng gọi là Kitô hữu.” Lời nguyện này lấy ý từ một đoạn của thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma: “Hãy chỉ cầu xin cho tôi có sức lực nội tâm và thể xác . . . để không chỉ mang danh là Kitô hữu, mà thực sự là Kitô hữu.” “Đức tin và đức ái là nguyên thuỷ và cùng đích của đời sống . . . Người tuyên xưng đức tin thì không thể phạm tội, và người có đức ái thì không thể giận ghét. Người ta xem quả thì biết cây; cũng vậy, người ta sẽ nhận biết các Kitô hữu nhờ những hành vi của họ.” (Thư gửi tín hữu Êphêsô XIV, 1-2).

Giờ Kinh Sách cho chúng ta suy niệm hai đoạn trích thư gửi tín hữu Rôma, như là một bản thánh thi phấn khởi của thánh Ignatiô dâng lên Chúa Kitô chết và phục sinh: “Người là Đấng tôi kiếm tìm: Người đã chết cho chúng ta. Người là Đấng tôi khao khát: Người đã sống lại cho chúng ta . . . Hãy để tôi ôm ấp ánh sáng tinh tuyền . . . Nơi tôi chỉ có nước hằng sống đang thì thầm nói trong tôi: Hãy đến với Chúa Cha!” (VI, 1-2).

Thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa gieo xuống đất và chết đi để làm chứng tình yêu mình đối với Đức Kitô, ngài tiếp tục nuôi dưỡng đức tin của tín hữu vào Đức Kitô và Hội Thánh qua các thế kỷ. Lời khuyên nhủ hiệp nhất của ngài, gửi tới các tín hữu Êphêsô của thế kỷ II, vẫn còn hợp thời biết bao đối với chúng ta ngày nay: “Cũng như Chúa Giêsu Kitô, sự sống không thể phân ly của chúng ta, là tư tưởng của Chúa Cha thế nào, thì các giám mục được đặt lên ở khắp mọi miền trái đất cũng là tư tưởng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy anh em hãy hiệp nhất với giám mục của anh em . . . như thế, khi anh em hiệp nhất trong tâm hồn và hoà hợp trong bác ái, anh em ca ngợi Chúa Giêsu Kitô” (Thư gửi tín hữu Êphêsô III, 2).

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây