TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 09/10/2023 14:49 |   728
“Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29-32)

16/10/2023
THỨ HAI TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Thánh Hedviges, nữ tu và thánh Margarita Alacoque, trinh nữ


t2 t28 TN
Lc 11,29-32


Ngày 16 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Xin cho chúng con ý thức rằng: Sự liên kết của Mẹ với Đức Kitô trong công cuộc cứu độ, được biểu lộ từ lúc: Mẹ thụ thai Chúa, cho đến lúc, Chúa chịu chết trên Thập Giá. Biến cố Truyền Tin đánh dấu một khởi đầu; biến cố Thập Giá báo hiệu một kết thúc: Lời Truyền Tin thứ nhất do sứ thần đem đến: báo cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Thiên Chúa; lời Truyền Tin thứ hai do chính Ngôi Lời Thiên Chúa trăn trối cho Mẹ biết: Mẹ sẽ làm Mẹ Hội Thánh, Mẹ của toàn thể nhân loại. Xin Mẹ cùng đồng hành với chúng con trên suốt hành trình đức tin đầy thử thách này. Amen. 

DẤU LẠ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
“Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.”
(Lc 11,29-32)

Suy niệm: Dấu lạ ông Giô-na không chỉ dừng lại ở việc ông nằm trong bụng cá ba ngày mà vẫn còn sống sót, mà còn tiếp diễn nơi thái độ thống hối quyết liệt của dân thành Ni-ni-vê đã lay chuyển được lòng thương xót của Thiên Chúa khiến Ngài bỏ ý định trừng phạt. Lòng thương xót cũng chính là trung tâm điểm của mọi dấu lạ mà mỗi khi Đức Giê-su làm phép lạ chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, hoá bánh ra nhiều… Đặc biệt hơn cả, dấu lạ lớn nhất của lòng thương xót chính là cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Nhờ thánh giá Chúa, mỗi người chúng ta được giải thoát khỏi sự chết và được giao hoà với Thiên Chúa. Chúng ta được tự do để yêu mến Chúa và tha nhân. Chúng ta được tha thứ hoàn toàn và được tái sinh trong sự chết và sống lại của Đức Giê-su. Lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên chúng ta lớn lao biết ngần nào!

Mời Bạn: Bạn thấy gì nơi thánh giá Chúa? Bạn có thấy mình được đánh động tâm hồn và thống hối khi nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không? Hay bạn mượn thập giá để lấy cớ lên án, phán xét người khác? Trong sự khiêm nhường và với tâm tình thống hối và tin tưởng, hôm nay hãy mở trái tim bạn ra cho Đấng mà tình yêu dành cho bạn không có giới hạn.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên nhớ đến Đức Ki-tô trên thập giá để cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lòng nhân từ của Chúa vượt quá trí hiểu của con. Xin thương xót con và cho con nhận biết và thống hối tội con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ
Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 1-7
“Nhờ Ðức Kitô, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về đức tin”.

Khởi đầu bức thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu Kitô đã kêu gọi.
Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma, được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người
Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca!

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 4, 22-24. 26-27. 31 – 5, 1
“Chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, có lời chép rằng: Abraham có hai người con trai: một sinh bởi người nữ tỳ, và một sinh bởi người vợ tự do. Nhưng con sinh bởi nữ tỳ, thì đã sinh ra theo lối xác thịt, còn con sinh bởi người vợ tự do, đã sinh ra bởi lời hứa. Những sự ấy đã được nói cách bóng bảy, vì hai người vợ tiêu biểu cho hai giao ước: một bởi núi Sanai, sinh con cái làm nô lệ, đó là Agar. Còn Giêrusalem ở trên cao thì được tự do, đó là mẹ chúng ta, vì có lời chép rằng: “Hỡi người son sẻ, chẳng sinh con, hãy hân hoan! Hỡi người không sinh sản, hãy vui reo và hò lên! Vì con cái của người vợ bị ruồng bỏ, lại đông hơn con của gái có chồng”.
Bởi đó, anh em thân mến, chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do; chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5a và 6-7
Ðáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời! (c. 2).
Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa! Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời! 
Xướng: Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen! Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa. –
Xướng: Ai được như Thiên Chúa chúng ta, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ.

Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 29-32
“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.
Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ
Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.
Hoặc đọc:
Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

ĐỪNG THÁCH THỨC THIÊN CHÚA TRONG SỰ KIÊU NGẠO! (Lc 11, 29-32)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

“Tôi đã đi khắp vũ trụ, nhưng không thấy Thiên Chúa ở đâu cả!”. Đó là lời thốt lên từ một phi hành gia của Liên Xô sau chuyến thám hiểm vũ trụ.

Thật vậy, tâm thức của con người trong thời đại này thiên về thực dụng, vì thế, họ chỉ tin khi mắt thấy, tai nghe. Thái độ này trùng hợp với tâm thức của những người Pharisêu thời Đức Giêsu.

Sẵn có sự hiềm khích đối với Đức Giêsu, vì thế, họ tận dụng mọi cơ hội để thử thách Ngài. Hôm nay, họ đòi hỏi Đức Giêsu phải làm một dấu lạ để họ tin. Tuy nhiên, họ đã bị khước từ vì bản chất của phép lạ không nhằm thỏa mãn sự tò mò hay hiếu tri của con người, nên Đức Giêsu đã không đáp ứng nhu cầu bất chính của họ.

Thật vậy, nội dung và ý nghĩa của phép lạ không nằm ở việc thỏa mãn trong sự thách thức, mà là ngang qua phép lạ, người đón nhận sẽ có tâm tình sám hối, thay đổi đời sống và có mối tương quan thân mật, tin tưởng nơi Thiên Chúa và có tấm lòng bao dung với tha nhân. Sự biến đối này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng làm mới lại đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.

Thực trạng ngày nay của mỗi người chúng ta hẳn rất giống với người Pharisêu khi xưa! Thường thì chúng ta hay xin Chúa cho mình làm ăn phát đạt, mà không hề để ý đến cách kinh doanh của mình! Có khi kinh doanh bất chính nhưng vẫn xin Chúa cho thuận buồn xuôi gió! Hay cộng tác vào những chuyện trái với luân thường đạo lý, nhưng lại xin được bình an! Hoặc xin Chúa chữa lành bệnh tật nhưng đời sống không có gì thay đổi…! Đôi khi cũng có những người thách thức Chúa như những Pharisêu khi xưa!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhạy bén với ơn Chúa, để nhận ra một phép lạ vĩ đại, cả thể mà Ngài vẫn thường làm trên cuộc đời và trong cuộc sống của chúng ta, đó là tình yêu thương, sự bao dung của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Thật vậy, nếu Chúa không yêu thương và đại lượng với chúng ta, hẳn chúng ta đã không bao giờ có được như ngày hôm nay!

Đồng thời cần khiêm tốn để sẵn sàng biến đổi đời sống, trở nên người hiền lành, khiêm nhường. Có thế, chúng ta mới hy vọng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời chúng con, để từ đó, chúng con sống trong sự khiêm tốn và tin tưởng vào Ngài. Amen.

MÙ TỊT TRƯỚC DẤU CHỈ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna!”.

Một gia đình nọ, cả thảy 5 người, phải đi cấp cứu, khi con mèo của họ co thắt bụng dữ dội vì đã ăn một món nấm như họ. Họ phải súc ruột dù tất cả không có dấu hiệu bệnh. Về nhà, họ thấy con mèo khoẻ lại, nằm cạnh 5 chú mèo con. Không chỉ bác sĩ gia đình của họ, nhưng cả 5 người đều đã ‘mù tịt trước dấu chỉ’ chuyển dạ của cô mèo!

Kính thưa Anh Chị em,

Sự ‘mù tịt trước dấu chỉ’ của các bệnh nhân bất đắc dĩ dẫn đến một sai lầm buồn cười không đáng có. Vậy mà, trong cuộc sống, không ít lần, chúng ta cũng đã có những quyết định sai lạc, vì đã không đọc ra các dấu chỉ của Chúa!

Như những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta đi tìm các phép lạ và dấu chỉ; nhưng Chúa Giêsu cho biết, “Họ sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna!”. Giôna đã trải qua ba ngày trong bụng cá ám chỉ việc Con Thiên Chúa chịu chết, chôn trong mồ và phục sinh vinh hiển sau ba ngày trong lòng đất.

Với chúng ta, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu là dấu lạ vĩ đại nhất, cũng là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô giáo. Chúng ta không cần và không nên tìm kiếm một điều gì khác ngoài dấu chỉ này. Mọi thắc mắc, mọi nan đề, băn khoăn và bối rối đều có thể được giải đáp và giải quyết nếu chúng ta chỉ đơn giản chiêm ngắm mầu nhiệm cứu chuộc cao cả này; nói cách khác, chiêm ngắm sự sống, sự chết và phục sinh của Chúa Kitô. Tìm kiếm một dấu chỉ khác ngoài dấu chỉ này sẽ là một sai lầm thực sự; và cách nào đó, chúng ta cho rằng, cái chết và sự phục sinh của Ngài là không đủ.

Khởi đầu thư Rôma hôm nay, Phaolô gọi các Kitô hữu là “Những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh”, nhờ Chúa Kitô, Đấng đã “xuất thân từ dòng dõi Đavít… Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần”. Ngài là dấu chỉ lớn nhất, trọng tâm nhất cho đời sống đức tin của chúng ta. Rõ ràng, “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ!” không chỉ cho những kẻ Ngài yêu nhưng còn cho tất cả nhân loại, đúng như Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Kính thưa Anh Chị em,

“Họ sẽ không được thấy dấu lạ nào!”. Bao lần, chúng ta thấy mình phải vật lộn với những vấn nạn cuộc sống, vấn nạn khổ đau, sự chết và cả vấn nạn tội lỗi của mình hay của người khác. Vậy, Chúa muốn chúng ta làm gì trước những thập giá này? Thập giá của chiến tranh, của di dân, của người nghèo; thập giá của những người thân yêu hay thập giá của chính mình; và nó còn là ‘thập giá sĩ diện nhức nhối của một đất nước!’. Nếu không hướng mắt nhìn lên Chúa Kitô, chúng ta sẽ mù tịt và không bao giờ tìm được câu trả lời. Phải chăng, Chúa muốn bạn và tôi mở mắt đức tin, bớt sống ích kỷ, bớt bám víu vào của cải, biết tựa nương vào Ngài hơn; đồng thời, làm một điều gì đó cụ thể cho những anh chị em kém may mắn chung quanh mình, ngay hôm nay.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa sẽ là thấu kính giúp con nhìn ra thế giới, nhận biết chính mình và nhất là thấy được sự quan phòng của Chúa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây