TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 25/06/2023 14:41 |   546
“Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ.” (Mt 7, 16)

28/06/2023
THỨ TƯ TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN
Thánh Irênê, giám mục, tử đạo

Mt 7, 15-20

 
XEM QUẢ BIẾT CÂY
“Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ.” (Mt 7, 16)
Suy niệm: “Cây được biết do trái; người được nhận biết do việc làm. Việc làm tốt không bao giờ mất đi; người gieo điều lịch sự gặt hái tình bạn, kẻ trồng lòng tốt thu hoạch tình thương” (Thánh Ba-xi-li-ô). Đức Giê-su đưa ra tiêu chuẩn để lượng giá người khác và chính mình: xem quả biết cây, dựa vào việc làm để xem là Ki-tô hữu hay phản Ki-tô. Nếu đời ta sản sinh toàn những trái ngọt như bác ái, vui tươi, an bình, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền lành, tiết độ, đại lượng, đó là dấu chỉ ta đang sống trong Thánh Thần Đức Ki-tô. Những trái ngọt ấy kết theo chùm, không thể có trái ngon này mà thiếu trái ngọt kia. Ngược lại, nếu đời ta lắm trái đắng như dâm ô, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa… đó là dấu ta đang là phản Ki-tô.

Mời Bạn: Sinh trái đắng thì dễ hơn sinh trái ngọt, sống theo xác thịt chắc chắn thoải mái hơn sống theo Thần Khí. Chỉ khi nào ngoan ngoãn vâng nghe theo sự hướng dẫn của Thần Khí, đời ta mới sản sinh được những hoa trái tốt đẹp như vậy. Nhìn vào đời mình, bạn thấy hoa trái ngon ngọt của Thần Khí hay chỉ toàn thấy trái đắng của xác thịt?

Sống Lời Chúa: Tôi dành vài phút suy xét đời mình theo câu hỏi trên? Sau khi nhìn ra trái ngọt và trái đắng mình đang có, tôi tiếp tục suy nghĩ: phương cách để sản sinh hoa trái ngon ngọt, cũng như cách thế nào để loại bỏ trái đắng trong đời, rồi nỗ lực thực hiện cho bằng được.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm phục khi nhìn cuộc đời Chúa, đầy những hoa trái thơm ngon: yêu thương tận lực, phục vụ tận tình, thương xót tận tâm, xả thân đến tận giọt máu cuối cùng. Xin cho cây đời con cũng được vậy. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 12 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa là mãnh lực của dân Người, là chiến luỹ bảo vệ mạng sống người Chúa đã xức dầu. Lạy Chúa là phần rỗi tôi, xin cứu sống dân Chúa, và chúc phúc cho phần gia nghiệp Chúa, xin hãy chăn dắt họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 15, 1-12. 17-18

“Abram tin vào Thiên Chúa và vì đó, ông được công chính”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, có lời Chúa phán cùng Abram trong thị kiến rằng: “Hỡi Abram, ngươi chớ sợ, Ta là Ðấng phù trợ và là phần thưởng rất bội hậu cho ngươi”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho con điều gì? Con sẽ qua đi mà không có con; chỉ có Eliêzer này, người Ðamas, con của người giúp việc gia đình con”. Abram nói tiếp rằng: “Chúa không cho con sinh con; đây con của người giúp việc sẽ là kẻ nối nghiệp con”. Tức thì có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Chẳng phải người này sẽ là kẻ nối nghiệp ngươi, nhưng là chính người con ngươi sinh ra, sẽ là kẻ nối nghiệp ngươi”. Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao”. Rồi Chúa nói tiếp: “Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế”. Abram tin vào Thiên Chúa và vì đó, ông được công chính.

Và Chúa lại nói: “Ta là Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp”. Abram thưa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?” Chúa đáp: “Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non”. Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia: nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi.

Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông. Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mù mịt phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: “Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Euphrát”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước 

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Ngài, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa.

Xướng: Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn.

Xướng: Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn. Chính chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu.p.

Xướng: Tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Người đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Người đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Người đã thề với Isaac.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 22, 8-13; 23, 1-3

“Vua đọc cho mọi người nghe lời sách giao ước đã tìm thấy trong Nhà Chúa, ký kết giao ước trước mặt Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, thượng tế Helcia nói với thư ký Saphan rằng: “Tôi tìm thấy sách luật trong Nhà Chúa”. Helcia trao sách cho Saphan đọc. Rồi thư ký Saphan đến cùng vua, và thuật lại cho vua rằng: Tôi tớ vua đã thu lượm số bạc dâng cúng trong nhà Chúa, và trao cho đốc công nơi Ðền thờ Chúa, để phát lương cho thợ. Thư ký Saphan cũng thuật cho vua rằng: “Tư tế Helcia đã trao cho tôi cuốn sách”. Thư ký Saphan đã đọc sách đó trước mặt vua. Khi nghe lời sách luật Chúa, vua liền xé áo mình, rồi truyền cho tư tế Helcia và Ahica con Saphan, Acôbor con Mica, và thư ký Saphan cùng Asaia người hầu cận vua rằng: “Các ngươi hãy đi hỏi ý Chúa cho trẫm, cho toàn dân và cho nhà Giuđa, về các lời sách vừa tìm thấy. Cơn thịnh nộ của Chúa đối với chúng ta nặng nề lắm, vì cha ông chúng ta không tuân giữ các lời trong sách này”. Họ thuật lại cho vua các lời của Chúa.

Bấy giờ vua sai đi triệu tập các trưởng lão Giuđa và Giêrusalem đến cùng vua. Vua lên Ðền thờ Chúa với những người thuộc chi tộc Giuđa, toàn thể dân cư Giêrusalem, các tư tế, các tiên tri và toàn dân lớn bé, ông đọc cho mọi người nghe lời sách giao ước đã tìm thấy trong Nhà Chúa. Vua đứng trên bệ, ký kết giao ước trước mặt Chúa, để ai nấy đi theo Chúa, cùng hết lòng hết sức tuân giữ các huấn lệnh, các lề luật và nghi lễ của Chúa. Họ làm sống lại các lời giao ước đã ghi chép trong sách này: cả dân đều chấp nhận bản giao ước.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 33. 34. 35. 36. 37. 40

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài (c. 33a).

Xướng: Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài, để con tuân giữ cho bằng triệt để.

Xướng: Xin dạy con để con vâng theo luật pháp Ngài, và để con hết lòng tuân giữ luật đó.

Xướng: Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ chị Ngài, vì chính trong đường lối này con sung sướng.

Xướng: Xin nghiêng lòng con theo lời Ngài nghiêm huấn, và chớ để con sa ngã vào chỗ lợi danh.

Xướng: Xin cho con ngoảnh mặt, khỏi thấy cảnh phù vân; xin cho con được sống noi theo đường lối Chúa.

Xướng: Này đây, con khao khát huấn lệnh của Ngài, theo lượng công minh Ngài, xin cho con được sống.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 7, 15-20

“Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Chúa ban lương thực cho chúng đứng theo giờ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, và Ta thí mạng sống Ta vì các chiên Ta”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi mới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY TRỞ NÊN “QUẢ TỐT” (Mt 7, 15-20)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Nhiều người tỏ ra bị sốc khi nghe câu tuyên bố của Đức Giêsu: “… cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt”. Thật ra, trong thực tế, vẫn có nhiều người “gần mực mà không đen”, hay “gần đèn mà chẳng rạng”!

Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu nói ở đây đó là hãy biết cách nhận định khôn ngoan chứ không phải xét đoán hời hợt hay mang sẵn lòng hận thù hoặc tính kiêu ngạo. Nhận định tức là căn cứ vào kết quả để biết con người một cách khách quan. Tiêu chuẩn là: “Xem quả biết cây”.

“Cây” ở đây chính là mình, còn “hoa, lá, cành” chính là những việc đạo đức như: dâng lễ, kinh sách, cầu nguyện, tham gia các hội đoàn và những việc lành khác…. Còn “quả” ở đây chính là gương sáng, hy sinh, yêu thương, tha thứ…, tức là từ bi – bác ái, yêu Chúa hết lòng và thương yêu anh chị em cách chân thành.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại có quá nhiều “hoa, lá, cành”, mà “quả” thì không có, hay có nhưng lại bị “sâu”. Tức là hăng say làm việc chỉ vì ham danh, huênh hoang, tự phụ, ích kỷ nên không thể sinh ra “quả” tốt được. Những người đó họ làm mọi việc vì thực dụng cá nhân, không vì yêu mến Chúa và tha nhân, nên họ chẳng khác gì chiếc phèng la kêu inh ỏi, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.

Thánh Phaolô cũng khuyên dạy tín hữu thành Corintô như sau: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi” (x. 1 Cr 13,1-3). Vì thế: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải trở nên những tiên tri thật của lòng mến, chứ đừng trở nên tiên tri giả của tham sân si. Hãy trở nên con chiên hiền lành của Chúa chứ đừng trở nên sói dữ. Không được mang danh và hình ảnh của chiên, nhưng thực ra chỉ là mặt chiên, mà là dạ sói!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn gắn chặt cuộc đời của chúng con vào Chúa, để như một sự tác sinh, chúng con được trở nên giống Chúa, hầu trở nên những hoa trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Irênê, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh giám mục I-rê-nê thành công bênh đỡ đức tin chân chính và xây dựng sự thuận hoà trong Giáo Hội. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà củng cố niềm tin và lòng mến của chúng con, để chúng con đem hết sức mình làm cho mọi người luôn đồng tâm nhất trí. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật này, nhân ngày lễ kính thánh I-rê-nê. Ước chi của lễ này làm vinh danh Chúa và giúp chúng con yêu mến sự thật. Ðể chúng con vừa gìn giữ đức tin mãi tinh tuyền vừa duy trì sự hiệp nhất luôn bền vững. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự các mầu nhiệm thánh này, xin Chúa thêm đức tin cho chúng con. Xưa thánh I-rê-nê đã được vinh quang vì giữ vững đức tin cho đến chết, nay xin cho chúng con cũng biết trung thành với đức tin ấy để trở nên công chính thánh thiện. Chúng con cầu xin…
 

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Hiêrônimô là người đầu tiên gọi Irênê là thánh tử đạo. Lễ nhớ người được danh mục các thánh tử đạo xác nhận, là ngày 28 tháng 6. Mãi đến năm 1928, khi được đưa vào lịch Giáo triều Rôma, thì việc tôn kính ngài, trước tiên trong giáo đoàn Lyon, đã có từ lâu đời bên Đông Phương. Irênê, tên gọi có nghĩa là “Hiếu hòa”, sinh tại Smyrne khoảng 130, và sống trong khu thuộc địa gồm các Kitô hữu Hy Lạp gốc Tiểu Á. Ngài là môn đệ của thánh Polycarpe, mà vị này lại là môn đệ của Tông Đồ Gioan. Ngài được nhập cư vào xứ Gaule và tham quan Rôma, nơi đây ngài gặp vị triết gia đã trở lại đạo, đó là thánh Justinô. Điều này về sau sẽ giúp ngài thu thập rất nhiều tài liệu viết về các lạc giáo quan trọng nhất, đặc biệt về Ngộ đạo (gnose = trí thức cao đẳng về Thiên Chúa và vũ trụ vạn vật, dựa trên niềm tin vào các uy thần vĩnh cửu lưu xuất từ hữu thể tối cao, các thần trung gian, và qua các uy thần đó Thiên Chúa hành động trong trần thế).

Khoảng năm 177, người ta gặp lại ngài tại Lyon, lúc ấy là trung tâm thương mại và địa lý của xứ Gaule đang còn là vùng đất truyền giáo. Đó là thời kỳ bách hại khủng khiếp của Marc Aurèle, đã sát hại hơn 50 vị tử đạo tại Lyon ngày 2 tháng 6 năm 177. Trong các vị này, có các thánh Pothin, Maturus, Sanctus, Attale, Ponticus, một thiếu niên 15 tuổi, và Blandine, Bà đi vào chốn cực hình lòng “đầy vui mừng và hoan lạc” (Eusèbe). Vào lúc ấy, các Kitô hữu rất lo lắng vì các lời tiên tri đến từ Phrygie. Nơi đây, các lời tiên tri ấy lưu hành giữa những người theo phong trào Montaniste, nhưng đã bị Đức Giáo Hoàng Eleuthère nghiêm khắc phê phán. Bởi lẽ chúng loan báo Đức Kitô sắp quang lâm, với các thần sứ vây quanh. Sau khi được thụ phong linh mục tại giáo đoàn Lyon, Irênê được phái đến với Đức Giáo Hoàng Eleuthère trong cương vị đặc sứ hòa bình giữa các Giáo hội. Khi trở lại Lyon, ngài được mời kế vị giám mục Pothin. Lúc ấy, ngài lo đấu tranh chống phong trào duy lý ngộ đạo và chăm lo rao giảng Tin Mừng cho xứ Gaule. Ngài phái các nhà truyền giáo đến các vùng trong xứ đồng thời cũng đóng vai trò làm trung gian. Theo truyền thuyết được thánh Jerôme và thánh Grégoire de Tours xác nhận, ngài được tử đạo dưới thời Septime Sévère.

2. Thông điệp và tính thời sự

Cả ba lời nguyện Thánh lễ đều nêu bật các nét đặc trưng chính của thánh Irênê:

a.Trước hết, lời nguyện trong ngày, cũng như lời nguyện trên lễ vật, đều ca tụng Chúa đã cho “thánh giám mục Irênê thành công bênh đỡ đức tin chân chính”. Giáo đoàn Lyon nhìn nhận tước hiệu tiến sĩ dành cho ngài đã biết vạch trần các thuyết sai lầm, cách riêng ngộ đạo thuyết, như thuyết của Valentin, đồng thời tố giác các hệ tư tưởng sai lầm này là những nền thần học mang tính huyền thoại đang còn sót lại. Irênê là một trong những nhà thần học lớn nhất của thế kỷ IV: Khảo luận Chống Lạc giáo của ngài bác bỏ các kiến thức sai lầm, cũng như tập Diễn giải lời rao giảng của các Tông Đồ là một tác phẩm nhỏ hơn, viết bằng tiếng Armenie, được tìm thấy vào năm 1904. Cả hai tác phẩm đều thông chuyển cho chúng ta giáo lý đức tin chân chính lấy từ các nguồn Thánh Kinh và thánh Truyền, để củng cố niềm tin và lòng mến của chúng ta (xem lời nguyện).

Lời nguyện trên lễ vật xin Chúa cho chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của thánh Irênê, được biết “giữ gìn niềm tin tinh tuyền vào Hội thánh”. Các Ki-tô hữu ở Lyon gởi cho các anh em tại Tiểu Á và Phrygie, cũng như cho Đức Giáo Hoàng Eleuthère lá thư, qua đó, họ gửi gắm Irênê và ca ngợi đức tin của ngài: “Chúng con nhờ anh Irênê chuyển cho ngài các lá thư này và xin ngài xem anh ấy như là người nhiệt thành bênh vực Giao ước của Đức Kitô. Nếu chúng con biết rằng chính phẩm hàm biện minh cho tư cách đứng đắn của một con người, thì chúng con xin giới thiệu với ngài anh ấy, trước hết là linh mục của Hội thánh và quả thật là như thế” (Eusèbe de Césarée, Lịch Sử Hội thánh, V,4,2). Lời nguyện hiệp lễ được diễn tả như sau: “Chính đức tin được thánh Irênê bảo vệ cho đến giọt máu cuối cùng, đã làm cho thánh nhân nên vinh hiển: Ước gì cũng chính đức tin đó mà chúng con sống cách chân thành, đem lại cho chúng con ơn công chính hóa”. Nhà thần học cao cả này đã nêu gương kiên vững trong đức tin. Lòng kiên vững này biến chúng ta nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô: Đặc biệt ngài đã triển khai các lý chứng nơi truyền thống và của các Tông Đồ mà “đã trở thành hiển nhiên trên khắp thế giới ngõ hầu bất kỳ ai đi tìm chân lý đức tin đều có thể chiêm ngắm chân lý ấy trong mọi Giáo hội.” Rồi ngài viết tiếp: “Chúng ta có thể liệt kê các giám mục đã được các Tông Đồ thiết lập, cũng như những đấng kế vị các ngài cho đến chúng ta ngày nay. Thế nhưng, các ngài đã không giảng dạy điều gì, cũng như không quen biết người nào mà rập theo các thuyết điên rồ của họ (các thuyết ngộ đạo). Tuy nhiên, nếu các Tông Đồ đã biết các mầu nhiệm bí ẩn mà các ngài sẽ mạc khải cho những kẻ “hoàn hảo” rồi loại trừ các kẻ khác, thì các ngài sẽ thông truyền các mầu nhiệm ấy trước hết cho những ai đã được các ngài giao phó coi sóc các Giáo Hội. Bởi lẽ các ngài đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối, không thể chê được nơi những kẻ kế vị là đã được giao trọng trách giảng dạy thay cho các ngài” (khảo luận Chống Lạc giáo, III, 3,1).

Một yếu tố khác được nêu bật trong các lời nguyện Thánh lễ: “Xin cho chúng con đem hết sức mình làm cho mọi người luôn đồng tâm nhất trí” (lời nguyện) “và gìn giữ Hội thánh luôn được hiệp nhất, không hề bị lay chuyển”(lời nguyện trên lễ vật).

Tuy trung thành với Truyền thống Hội thánh, song Irênê vẫn là người biết đối thoại. Mười bốn năm sau khi ngài làm đặc sứ tại Rôma bên cạnh Đức Giáo Hoàng Éleuthère, sự hiệp nhất của Hội thánh suýt bị tan vỡ trở lại, do việc Giáo Hoàng Victor đe dọa ra vạ tuyệt thông cho các Giáo Hội Tiểu Á đang trung thành với truyền thống của thánh Gioan. Theo những điều Eusèbe cho chúng ta biết sau đó một thế kỷ (lịch sử Hội thánh) khi thuật lại các lời tranh cãi, thì Irênê đã biên thư cho Đức Giáo Hoàng Victor, “nhân danh các Giáo Hội xứ Gaule mà thánh nhân là kẻ lãnh đạo: người xác định trước hết rằng mầu nhiệm Phục Sinh chỉ được cử hành vào ngày chúa nhật. Rồi người cung kính xin Giáo Hoàng giữ các mối liên hệ hiếu hòa với những Giáo Hội này. Bởi lẽ cho dù việc tuân giữ các nghi thức của họ quả thật không giống như Giáo Hội Rôma, nhưng nó được thể hiện bởi các giám mục sống lâu đời hơn Victor như Soter, Anicet, Piô, Hygin, Télesphore hay Sixte.”

Đối với Irênê, tiêu chuẩn hỗ trợ sự hiệp nhất trong hòa bình và tôn trọng các truyền thống khác nhau, đó là quyền kế vị các Tông Đồ, biết rằng quyền này đặc biệt luôn được thực thi trong Giáo Hội Rôma. Nên ngài đã viết: “Có lẽ bản liệt kê sẽ quá dài nếu tính nơi đây những đấng kế vị các Tông Đồ trong các Giáo Hội. Chúng tôi chỉ lưu ý đến Giáo Hội lớn nhất và lâu đời nhất, được mọi người biết đến, đó là Giáo Hội được thành lập tại Rôma bởi hai vị thánh Tông Đồ rất vinh hiển, Phêrô và Phaolô. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng truyền thống mà Giáo hội ấy nhận được từ các Tông Đồ và chân lý đức tin Giáo Hội loan báo cho chư dân, tất cả đều được chuyển giao cho chúng tôi qua quyền kế vị liên tục của các giám mục… do bởi quyền hạn đã được ban cho Giáo Hội Rôma ngay từ đầu, tất cả các Giáo Hội khác đều phải qui chiếu và tuân theo Giáo Hội (Rôma) này, nghĩa là các giáo hữu ở khắp nơi. Truyền thống các Tông Đồ luôn luôn được gìn giữ trong Giáo Hội Rôma vì lợi ích của mọi người ở mọi nơi” (khảo luận chống Lạc giáo, II,3,1-2). Chính bởi các nguyên tắc này mà Irênê đã xứng đáng với tên gọi hiếu hòa và là người xây dựng hòa bình.

Một đặc điểm khác của vị chứng nhân cho đức tin này là quan niệm của thánh nhân về con người. Câu danh ngôn được Bài đọc- Kinh sách trích dẫn, đã tóm tắt quan niệm ấy như sau: “Con người sống là vinh quang của Thiên Chúa, còn sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa”(khảo luận chống Lạc giáo IV). Đối với Hội thánh, điều này xác định chương trình không hề thay đổi của mình là luôn tìm kiếm sự hiệp nhất trong đức tin như thể Hội thánh chỉ có “một con tim, một tâm hồn và một miệng lưỡi” (khảo luận chống Lạc giáo I,10,2).

Endo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây