TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bí Tích Tình Yêu

Thứ ba - 11/05/2021 02:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1006
Bí Tích Tình Yêu

TIỆC THÁNH THỂ: Bí Tích Tình Yêu

TIỆC! Vâng, đó là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Một bữa tiệc được tổ chức có thể nhân một sự kiện, một kỷ niệm, một ngày lễ hoặc một lý do nào đó. Một bữa tiệc được tổ chức lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào vai trò của chủ nhân. Với những người có chức tước, địa vị hay nổi tiếng, họ thường dùng những bữa tiệc như là cách để chứng tỏ đằng cấp của mình. Alexandre Đại đế là một ví dụ điển hình.

Chuyện được kể lại rằng: Vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên. Khi Alexandre lấy công chúa Roxane của Ba Tư, ông ta đã tổ chức bữa tiệc cưới của mình ròng rã bảy ngày bảy đêm. Ngoài những bữa yến tiệc linh đình, Alexandre còn tổ chức những cuộc thi thố thể thao náo nhiệt như là cách để chứng tỏ đẳng cấp của một quân vương.

…..

Đức Giêsu, trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng được mời tham dự nhiều bữa tiệc khác nhau. Tuy là một người có danh tiếng, nhưng không ai có thể chỉ trích Đức Giêsu là một con người kiêu căng ngạo mạn luôn muốn chứng tỏ mình là môt người nổi tiếng tại những bữa tiệc được mời đến.

Trái lại, Đức Giêsu luôn biến những bữa tiệc đó thành những diễn đàn để chuyển tải những thông điệp về ơn cứu độ đến cho mọi người. Và nếu phải chứng tỏ điều gì thì Đức Giêsu luôn chứng tỏ tình yêu thương, lòng bao dung và sự nhân hậu của Ngài.

Thật vậy, nếu bữa tiệc cưới được tổ chức ở Cana miền Galilê, người ta thấy thông điệp về tình yêu thương đã được Đức Giêsu cụ thể hóa qua cử chỉ làm phép lạ “hóa nước thành rượu” cứu một bàn thua trông thấy cho chủ nhân, thì ít lâu sau, trong một bữa tiệc tại nhà ông Matthêu, sự bao dung và lòng nhân hậu của Đức Giêsu đã được chứng tỏ.

Không ai có thể quên được những gì đã xảy ra trong bữa tiệc tại nhà ông Matthêu. Hôm đó, có rất nhiều người: “kéo đến cùng ăn với Người và các môn đệ” (Mt 9, 10).

Nhiều người cùng đến dự tiệc, nhưng Đức Giêsu không yêu cầu họ chạy “marathon”, không yêu cầu họ tranh tài “thí võ”, không yêu cầu họ biễu diễn “văn nghệ” hòng gây tiếng vang cho ông trùm thu thuế Matthêu cũng như cho cá nhân Ngài.

Bữa tiệc đó, chỉ một điều duy nhất, là để chứng tỏ sự bao dung và lòng nhân hậu của Đức Giêsu. Vâng, hôm đó Đức Giêsu đã nói rằng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Người ta còn nghe được lời Đức Giêsu khẳng định “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5, 32).

Chứng tỏ tình yêu thương, sự bao dung và lòng nhân hậu của mình, vâng, Đức Giêsu không ngoài mục đích gửi đến cho mọi người thông điệp rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Và rằng, sự-sống-muôn-đời dành cho những ai tin vào Con-Một-Thiên-Chúa đã được đánh đổi bằng chính “mình và máu” của Con Thiên Chúa. Mình-và-Máu Con Thiên Chúa đã “đổ ra vì muôn người” trên đồi Golgotha.

Đây là thông điệp được chính Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ trong một bữa tiệc nhân ngày lễ Vượt Qua.

Hôm đó là “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua”. Các môn đệ cùng với Đức Giêsu họp nhau lại tổ chức một bữa tiệc ăn mừng ngày lễ đó.

Đang bữa ăn, Đức Giêsu “cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. (Mc 14, 22). Rồi sau đó, Đức Giêsu “cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông và bảo: Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”. (Mc 14, 24) 

Không ai trong số các môn đệ hiện diện trong bữa tiệc lại không “nhớ” chính Đức Giêsu trao cho các ông chén rượu sau khi Ngài dâng lời tạ ơn… các ông “tất cả đều uống chén này”.

Vâng, bữa tiệc hôm ấy, Đức Giêsu không phải là khách mời. Ngài chính là người “chủ lễ”. Bữa tiệc hôm ấy không còn là bữa tiệc mừng “lễ Vượt Qua”, một bữa tiệc kỷ niệm ngày Israel được giải thoát khỏi thân phân nô lệ tại Ai Cập. Nhưng, bữa tiệc hôm ấy đã trở thành bữa “Tiệc Thánh Thể”. Một bữa Tiệc-Thánh đã được Chủ-Nhân-Giêsu “đãi” một thứ rượu, không phải thứ rượu làm bằng “sản phẩm của cây nho” nhưng được “cất” bằng chính máu-huyết của Ngài, “một thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14, …25).

Một chút tâm tình

Bữa Tiệc Thánh Thể năm xưa đã được cả ba thánh Matthêu, Máccô và Luca ghi chép lại. Riêng thánh Luca còn ghi thêm lời căn dặn của Đức Giêsu rằng: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, …19).

Quả thật đây là một lời căn dặn rất quan trọng. Quan trọng là bởi, hôm nay, nó không còn là lời căn dặn nữa nhưng nó đã trở thành lời mời gọi chân tình của một Thiên Chúa là tình yêu.

“Anh em hãy làm việc này” nghĩa là anh em hãy đến tham dự “Tiệc Thánh Thể” bởi chính nơi đây sẽ cung cấp một thứ “thần luơng” dẫn đến sự sống đời đời.

Đừng nghĩ rằng “thần lương” là một sản phẩm bởi trí tưởng tượng của con người. Chính Đức Giêsu đã khẳng định như thế trong bài diễn từ tại một hội đường ở Caphanaum.

Hôm đó, trước một rừng cử tọa, Đức Giêsu lớn tiếng nói rằng “Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”. (Ga 5, 53-54).

Và mặc cho có nhiều lời xầm xì phản đối, Đức Giêsu vẫn nói tiếp rằng “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”…

Vâng, đúng là một thứ “thần lương” tuyệt diệu, và có phần chắc, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã cảm nghiệm được điều này nên đã lớn tiếng tuyên xưng “Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết…” (Dt 9, 14).

Một phút suy tư

Chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của “thần lương” đối với một Kitô hữu như thế nào.

Vậy, đã là Kitô hữu được hai mươi năm… ba mươi năm… bốn mươi năm và nhiều hơn thế nữa… Hãy tự hỏi rằng, đã bao nhiêu lần chúng ta đến tham dự “Bữa Tiệc Thánh Thể” để nhận lấy “thần-lương”?

Phải chăng chỉ cần một năm “ít là một lần”!

Hay phải chăng có những bữa tiệc khác hấp dẫn hơn, những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, với những vũ điệu dâm dật mê li của những “chân dài váy ngắn” đầy nhiệt tình, sáng tạo và quyến rũ đã lôi cuốn, đã hớp hồn chúng ta?

Đừng quên rằng, những bữa tiệc như thế chỉ kết thúc bằng ba chữ “lấy làm buồn” như xưa kia vua Hêrôđê đã nghẹn ngào thốt lên như thế.

Hãy nhớ rằng khi Giuđa rời bỏ bữa Tiệc Thánh, bóng tối và chết chóc đã phủ kín cuộc đời của ông ta. Kinh Thánh chép lại rằng “Xatan liền nhập vào y” (Ga 13, 27).

Vâng, hơn hai mươi thế kỷ đã trôi qua, bữa Tiệc Thánh Thể, bữa tiệc của Giao Ước Mới, vẫn luôn được tái thực hiện mỗi ngày, mỗi giờ trên toàn thế giới.

Đức Giêsu, qua môi miệng các Linh Mục, vẫn vang vọng mời gọi mỗi chúng ta: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14, 22). Người vẫn đứng đó, ngay bàn Tiệc Thánh Thể, và vẫn lớn tiếng, qua các Linh Mục, mời gọi chúng ta:
“… anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 27-28).

Đây là Mầu Nhiệm Đức Tin. Chúng ta luôn được dạy dỗ như thế. Vậy chúng ta có tin!? Nếu chúng ta tin, vâng, hãy cùng nhau cất tiếng thưa rằng “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24, 7).

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây