TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng

Thứ ba - 11/05/2021 06:10 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1198
Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.

Tranh luận là một hình thức dân chủ mà bất cứ ai cũng đều mong muốn được thực thi. Kinh Thánh chép rằng “Trong anh em cần có sự tranh luận để biết ai là kẻ đức độ”.

Tranh luận là gì? Người ta đã định nghĩa rằng: “Tranh luận là một chuỗi những câu nói liên hệ chặt chẽ nhau, câu sau lý luận chặt chẽ với câu trước, với một chuỗi câu nói nhằm mục đích chứng minh kết luận cuối cùng là đúng”. (nguồn: internet)

Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng là như thế. Suốt chiều dài lịch sử con người, đã có nhiều cuộc tranh luận không đi đến đích, và đôi khi dẫn đến chiến tranh, hận thù.

Những cuộc tranh luận của Đức Giêsu với nhóm người Pharisiêu xưa kia, là những ví dụ điển hình.

*****
Trong ba năm thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, ngoài việc giảng dạy và chữa bịnh cho nhiều người, Đức Giêsu cũng không tránh khỏi nhiều cuộc đối thoại hoặc tranh luận với một số người.

Có những cuộc đối thoại hay tranh luận giữa Đức Giêsu với một số người với mục đích là để dẫn đến một lời khuyên hay để làm sáng tỏ một chân lý mà Ngài đã giảng dạy. Nhưng cũng có không ít lần, những cuộc đối thoại hay tranh luận giữa Ngài với một số người lại trở thành cuộc “đối đầu” hay “tranh cãi” nảy lửa. Và đa số những cuộc “đối đầu” hay “tranh cãi” này thường xảy ra giữa Đức Giêsu và nhóm người Pharisiêu.

Với người Pharisêu, sự xuất hiện của Đức Giêsu quả là cái gai trước đôi mắt của họ. Bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu, lập tức cũng có sự hiện diện của họ. Họ đến là để “soi xét… bới lông tìm vết” hầu tìm ra những sai phạm của Đức Giêsu, nhất là những sai phạm về luật lệ.

Đã có lúc họ trách Ngài vi phạm luật giữ ngày sa-bát chỉ vì khi đi ngang qua cánh đồng lúa trong ngày sabát, các môn đệ của Ngài đã có hành động bứt lúa. Có khi họ phàn nàn với Ngài về việc vi phạm luật giữ chay. Và ngay cả luật “rửa tay” trước khi ăn, họ cũng không buông tha Ngài.

Chuyện kể rằng: một hôm, từ Giêrusalem, một nhóm người Pharisiêu và kinh sư cùng nhau kéo đến “tụ họp quanh Đức Giêsu” (Mc 7, 1).

Đến với Đức Giêsu để “thọ giáo” những lời giảng dạy của Ngài chăng? Lầm to! Thánh sử Máccô đã kể: Hôm đó, khi vừa thấy vài môn đệ của Đức Giêsu “dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”, không bỏ lỡ cơ hội, những người Pharisiêu và kinh sư liền chất vấn Đức Giêsu.

Không nhìn thấy căn nguyên của vấn đề, vì thế, họ đã hùng hổ tranh cãi với Đức Giêsu về luật lệ truyền thống của tiền nhân, nào là tiền nhân “không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận, thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn…”, nào là tiền nhân còn “giữ nhiều tập tục khác nữa”, để rồi, cuối cùng, họ kết thúc cuộc tranh cãi bằng một tuyên bố hết sức phẫn nộ, rằng: vậy “sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa” (Mc 7, 5).

Một phút tâm tình và suy tư

Truyền thống của tiền nhân là truyền thống gì?

Theo truyền thống, Hội đường Do Thái có tổng cộng 613 điều luật được chia làm hai: 365 điều cấm làm và 246 điều phải làm. Đối với người Pharisêu và các kinh sư, họ cho rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi điều luật này.

Không phải Đức Giêsu không biết đến những điều luật này. Chẳng những thế, Ngài còn tuyên bố rằng “Ta đến không phải là để bãi bỏ (luật), nhưng là để kiện toàn”.

Nhưng, dĩ nhiên, lề luật mà Đức Giêsu nói đến là những lề luật đã được Thiên Chúa đặt ra và đã được môi miệng ông Môsê công bố. Nói cách khác, đó chính là mười giới răn.

Còn luật rửa tay ư? Đó chỉ là “tập tục” và tập tục này chỉ dành cho các thầy Tư Tế với mục đích là tẩy rửa các ô uế về lãnh vực tôn giáo để các Tư Tế xứng đáng thờ phượng Chúa.

Vâng, có lẽ những “ông kẹ” Pharisiêu cũng như các kinh sư đã quên lời “tiền nhân” của họ là ông Môsê truyền dạy rằng “anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4, 2).

Quên lời tiền nhân Môsê, những người Pharisiêu và các kinh sư, hôm đó, đã không còn nhận ra đâu là “điều răn của Thiên Chúa” và đâu là “truyền thống của người phàm”. Vì thế, hỏi sao Đức Giêsu lại không mỉa mai nói với họ rằng “Ngôn sứ Isaia thật đã nói rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6).

*****
Giáo Hội Công Giáo đã trải qua hơn hai ngàn năm. Và cũng như Do Thái giáo xưa kia, Giáo Hội Công Giáo cũng song hành hai đạo luật. Một đạo luật do Thiên Chúa đặt ra, đó là “Mười điều răn Đức Chúa Trời”, và một đạo luật do “phàm nhân” đặt ra, đó là “sáu điều răn Hội Thánh”.

Tuy là hai nhưng cũng chỉ là một, nếu chúng ta nhìn ra căn nguyên của vấn đề. Thật vậy, mười điều răn Đức Chúa Trời hay sáu điều răn Hội Thánh dạy, tựu trung cũng chỉ để đem lại cho người tín hữu một lộ trình đi về Nước Trời mà thôi.

Vấn đề quan trọng là làm thế nào để chúng ta có thể thực thi điều răn Chúa dạy cũng như điều răn Hội Thánh dạy một cách trọn hảo!

Vâng, tạ ơn Chúa, tông đồ Giacôbê có lời khuyên “anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1, 19-20).

Thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa, chính là “giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác”, và “giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác” chính là giũ sạch “đôi mắt” và “môi miệng” chúng ta ra khỏi những ý định xấu “tà dâm, trộm cướp, giết người, tham lam, ngoại tình, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”.

Bởi vì chỉ có như thế, chúng ta mới có thể có được một cuộc sống “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”, một tiền đề để thực thi trọn hảo “mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu điều răn Hội Thánh dạy”.

Hãy dành thêm một giây để nghe tông đồ Giacôbê nói “ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, …25).

Vâng, có hạnh phúc nào hơn trong ngày Chúa quang lâm, khi trong-mọi-việc mà chúng ta đã làm, như tham dự thánh lễ, lãnh nhận Thánh Thể, làm việc tông đồ giáo dân v.v… sẽ không bị Đức Giêsu khiển trách là “đạo đức giả”… là: “tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây