TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thành kiến giết chết niềm tin

Thứ ba - 11/05/2021 03:21 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   993
Thành kiến giết chết niềm tin

Thành kiến giết chết niềm tin

Thói đời, từ ngàn xưa cho đến hôm nay, người ta thường cho rằng, nguồn gốc xuất thân của một người luôn được cho là yếu tố quan trọng để xác lập con người đó thuộc giai tầng nào trong xã hội.

Chính vì thế, năng lực, phẩm chất, tài năng của một người nào đó thường không được đón nhận, đôi khi còn bị khinh rẻ, nếu nguồn gốc nhân thân của người đó thuộc loại tầm thường. Người xưa đã có một câu nói đầy mỉa mai rằng: “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”.

Câu chuyện ba anh em kết nghĩa vườn đào: Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi thời Tam Quốc như là một minh họa rõ nét.

Họ là ba dũng tướng, tự chiêu mộ nghĩa binh, thành lập một đạo quân đánh đông dẹp bắc, chiến thắng lừng lẫy trước giặc khăn vàng. Trong trận kịch chiến giữa dũng binh của Lưu Bị với đoàn quân của Trương Giốc. Quân của Giốc náo loạn bỏ chạy. Lưu Bị giải cứu được Đổng Trác. Khi về đến bản doanh, Trác hỏi ba anh em Lưu-Quan-Trương rằng “ba người hiện làm chức quan gì?”. Lưu Bị cho biết họ hiện còn là chức “chân trắng”. Tác giả La-Quán-Trung viết “Trác nghe qua, trở mặt khinh khinh, không thèm thi lễ tiếp đãi”.

Không có gì ngạc nhiên, bởi trước mắt Đổng Trác, Lưu Bị chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt và nhất là, nếu Đổng Trác biết Lưu Bị xuất thân chỉ là tên “làm nghề tết dép dệt chiếu” thì con mắt của Đổng Trác chắc hẳn sẽ còn khinh khỉnh hơn nữa...

Vâng. Đúng như nhà bác học Einstein đã nhận xét rằng: “Phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”.

***

Hơn hai ngàn năm trước, tại Palestina, một số cư dân cư ngụ tại làng Nazareth cũng đã không thoát khỏi những suy nghĩ cực đoan đầy thành kiến về một người tên là Giêsu.

Đức Giêsu là ai? Xin thưa, Ngài cũng là cư dân của làng Nazareth. Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Đức Giêsu bắt đầu ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Sự xuất hiện của Đức Giêsu lập tức được “đồn ra khắp xứ Xyri”. Người ta không chỉ đồn rằng, những lời giảng dạy của Ngài “giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”, họ còn loan tin cho nhau biết rằng, Ngài còn có thể “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền”. Nói tắt một lời, bất cứ đi tới đâu, người ta đều thấy dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Ngài.

Thế nhưng, thật đáng tiếc về những gì đã xảy ra cho Đức Giêsu khi trở về Nazareth nơi mà Ngài đã có ba mươi năm sống tại đó.

Vâng, hôm đó, từ bên kia Biển Hồ, nơi vùng đất của dân Ghêrasa, Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Ngài. Người ta thấy “có các môn đệ đi theo”.

Phải chăng, Đức Giêsu trở về mái nhà xưa là để khoe khoang “thành tích” cải-tử-hoàn-sinh cho con ông Giaia mà Ngài vừa thực hiện? Hay Ngài muốn cho bà con dòng họ biết chiếc áo của Ngài đang mặc là “chiếc áo thần” có quyền phép chữa bệnh?

Thưa không. Đức Giêsu trở về quê quán không phải là để “kê-khai-thành-tích” của mình trước thân bằng quyến thuộc, bà con hàng xóm. Ngài trở về với một mục đích rõ rệt, đó là tiếp tục công bố Tin Mừng Cứu Độ.

Hôm đó, khi ngày sabát đến, và cũng như mọi công dân Do Thái, Đức Giêsu đến hội đường.

Tưởng cũng không thừa khi biết qua về chương trình một buổi nhóm của người Do Thái. Vâng, buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh được đọc bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram. Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Hôm đó, người được đón nhận vinh dự đó chính là Đức Giêsu. Khi tất cả cử tọa đã an vị. Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy.

Nhưng than ôi! nếu ở những hội đường khác, lời giảng dạy của Đức Giêsu “được mọi người tôn vinh” (Lc 4, 15) thì ở quê nhà Nazareth, lời giảng dạy của Ngài chỉ để lại nơi cử tọa đôi chút “ngạc nhiên” cùng với những ý kiến xấu xa, ngờ vực.

Kinh Thánh có chép rằng “Ý kiến xấu làm cho suy nghĩ của họ đảo điên” (Hc 3, 24).

Đúng là xấu… “xấu hổ” quá! Xấu hổ khi những người trong hội đường đã đưa ra hàng loạt những ý kiến xấu… nào là “bởi đâu… bởi đâu” v.v… để rồi tâm tư của họ tràn ngập những suy nghĩ đảo điên về Đức Giêsu, rằng “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và anh em các ông Giacôbê, Giôxét, Giuda và Simôn sao? Chị em ông không phải bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6, 3).

Vâng, thành kiến như một cặp kiếng đen che đôi mắt của họ. Vì thế, không ngạc nhiên khi họ “vấp ngã vì Ngài” (Mc 6, …3)

Một phút tâm tình và suy tư

Khép lại câu chuyện “Đức Giêsu về thăm Nazareth” thánh sử Máccô viết rằng: “Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6, 6).

Thật ra, họ có tin. Họ tin những phép lạ Đức Giêsu đã làm. Họ cảm nhận được những lời giảng của Đức Giêsu. Bởi nếu không, họ đã không thắc mắc: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy… làm được những phép lạ như thế nghĩa là làm sao?”

Điều họ không tin chính là những gì Đức Giêsu đã công bố hôm đó.

Theo thánh sử Luca, Đức Giêsu sau khi đọc đoạn Kinh Thánh được trích trong sách ngôn sứ Isaia, rằng: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”, Ngài đã công bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).

Với người Do Thái, chỉ có Đấng Messia mới có thể thực hiện đuợc điều này. Chính vì thế, lời công bố trên của Đức Giêsu thật khó nuốt đối với họ. Ông thợ mộc Giêsu có thể làm phép chữa lành bệnh tật, nhưng làm sao có thể tin ông ta là Đấng Messia?

Vâng, hãy khoan chỉ trích họ là những người “mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá”, bởi có thể hôm nay, đứng trước những lời dạy dỗ của Đức Giêsu, chúng ta “có thể nghe hoặc không nghe” chẳng khác gì họ năm xưa.

Thật vậy, qua Giáo Hội, Đức Giêsu vẫn đứng đó đọc Kinh Thánh cho chúng ta nghe trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, vẫn dạy dỗ chúng ta qua những giáo huấn do Giáo Hội công bố hoặc qua những lời giảng dạy của các Giám Mục hay Linh Mục của chúng ta.

Thế nhưng, chúng ta sẵn sàng đón nhận trong niềm tin hay lại chống chế các giáo huấn hoặc những lời dạy dỗ đó vì cho rằng đó là những vấn đề lỗi thời, nhạy cảm hay còn trong vòng tranh cãi!!!

Sự thật là như thế đó. Giáo huấn Giáo Hội dạy “phá thai là một tội ác ghê tởm”, thế mà nhiều người, rất có thể có cả chúng ta, lại đòi hỏi quyền-thụ-thai theo ý muốn phải được đặt trên quyền-được-sống.

Giáo huấn Giáo Hội dạy rằng: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”, thế mà hôm nay, nhiều người trong chúng ta lại muốn sống lại thời Môse và chất vấn Giáo Hội, rằng, tại sao không “cấp giấy ly dị” như Môse đã làm!

Giáo huấn của Giáo Hội không quá sức để chúng ta thực hành. Chính sự yếu đuối đức tin đã làm cho chúng ta cảm thấy “mệt mỏi và gánh nặng” trước những Giáo huấn cũng như những lời dạy dỗ của Giáo Hội.

Hãy trở về trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng, sự yếu đuối có hiện diện trong ta không? Nếu có, đừng sợ. Đức Giêsu đã quả quyết với Phaolô rằng: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” ” (2 Cor 12, 9).

Bạn có tin như thế không? Vâng, đừng để khi Đức Giêsu đến gặp chúng ta, Ngài lại phải “lấy làm lạ vì (chúng ta) không tin”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây