TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

TIẾNG CHUÔNG

Thứ hai - 10/05/2021 07:42 |   643
TIẾNG CHUÔNG

TIẾNG CHUÔNG

“Chúa ơi! Sao Cha xứ mình keo thế!”. “Cha keo thì bà bếp cũng khổ, chả bao giờ được ăn miếng thịt!”. Chuyện cha xứ hà tiện lại được đem ra làm đề tài. “Chả bao giờ mua sắm cái gì cả. Chắc cha phải có hàng trăm ngàn!”. Một bà khác: “Có một thân một mình, chả mấy ngày không có lễ mồ bậc nhất! Lại còn mấy sào ruộng nhà xứ nữa!”. Có giọng thêm vào: “Còn mấy cây xoài chung quanh nhà thờ để làm gì! Cứ tiền bán xoài năm nay thì cha cũng đã đủ tiêu cả năm!”. Dựa lưng vào tường, bà quản giáo góp lời: “Mà lạy Chúa tôi! Bà bếp cũng chịu khó quá, cả rau cỏ cũng chẳng phải mua”. Chạy ra gốc cau nhổ miếng trầu, bà phó hội buông một câu sắc như dao: “Gớm! Ở với cha xứ keo như thế thì không chịu khó cũng chả được!”. Mùa lúa gặt xong, không còn chuyện đầu làng cuối xóm, các bà quay về chuyện cha xứ.

Gian phòng không gì đáng vài trăm bạc. Chiếc bàn gỗ cạnh cửa sổ không sơn phết. Cánh tủ bị nứt một đường lớn, dán có thể chui qua. Tủ không bao giờ khoá nhưng cũng treo lủng lẳng một chiếc khoá sắt sét rỉ. Đôi giầy cất trên nóc tủ, chỉ đi vào những ngày lễ trọng. Cái giường gỗ mốc, chiếc gối đầu đan bằng tre mây cạnh chiếc mền có dấu hiệu hai bàn tay bắt nhau của Mỹ viện trợ cho dân di cư năm 1954. Chiếc mũ loại chủ đồn điền cao su người Pháp ngày xưa, móc vào cây đinh trên cột mùng. Chiếc đồng hồ quả quít tróc sơn với những con số La Mã, để ở cạnh chỗ mấy cuốn sách la tinh. Đáng giá nhất: Cái xe đạp.

Ngoài phòng khách: Chiếc bàn dài, mỗi bên ngồi được mươi người, trải tấm nhựa có in hình trái dứa với ô vuông màu xanh đậm. Một chai nước lọc không đậy nút, che bằng chiếc phễu làm bằng giấy. Dăm ba chiếc ly trên chiếc khay nhôm. Hình Đức Cha địa phận trên tường đã bạc màu. Vào ngày tết, có thêm bình nước trà và bình thuỷ đựng nước nóng. Ngoài ngày tết, bà bếp lại cất đi.

Cái hà tiện mà mấy bà hay mở đầu câu chuyện là những bữa cơm của Cha. Miệt quê chỉ họp chợ vào ban sáng. Chợ họp từ tờ mờ cho đến khi rõ mặt trời thì tan. Cứ xem người đi chợ mà biết ngày hôm đó họ ăn gì, kinh tế gia đình ấy ra sao. Ở ngôi làng nhỏ này, người ta chẳng những biết tình hình, gia thế của nhau mà còn biết nhiều thứ khác nữa. Cha già cũng không thoát những thứ biết ấy. Chẳng phải là việc của các bà, nhưng có vậy thì mới có chuyện mà nói chứ! Các bà cứ bực mình là tại sao Cha xứ có tiền mà chẳng bao giờ dám ăn ngon. Nào là bà bếp chỉ mua tép để kho mặn, hoạ hoằn mới mua thịt thì chỉ mua một miếng bằng ngón tay để bằm nhỏ nấu canh hoa thiên lý! Nói thì nói vậy, chứ các bà cũng thương ngài lắm. Chẳng ai chê trách Cha già được điều gì cả. Cha hiền từ, nhân đức, không hề làm mất lòng ai. Chỉ có điều làm các bà cứ bực mình là tiền Cha để làm gì, có một thân già tội gì mà phải ăn uống như thế cho nó khổ!

Không hôm nào cửa sổ trên gian cung thánh không mở từ một giờ trưa đến ba giờ chiều. Giờ Cha cầu nguyện. Nó như cái đồng hồ chạy gần hai mươi năm nay, không bao giờ sai. Không ai biết quê quán Cha ở đâu. Từ ngày di cư năm 1954 đến ngày Cha về hưu là mười chín năm mà không hề có người bà con nào đến thăm. Cha cũng không hề bỏ xứ đi vắng trừ những dịp cấm phòng. Có lần ông trùm hỏi:

- Sao Cha không bao giờ đi đâu cả?

- Đi thì mình cũng tốn, mà chủ nhà đón khách cũng tốn!

Không biết nói thật hay chơi, câu trả lời bất hủ ấy càng làm cho các bà thêm chuyện về tính hà tiện của một Cha già.

Bắt đầu bàn chuyện xây nhà thờ cũng là thời điểm Cha già có thể về hưu. Đức Cha đã cho phép ngài nghỉ dưỡng. Sau hai mươi năm di cư, nhà thờ xây tạm từ ngày định cư đầu tiên trên khu đất hoang, bắt đầu sụp đổ. Mái tôn viện trợ hai mươi năm trước đã mục, mưa dột tứ tung. Cửa sổ long bản lề, nhiều cái đã đóng chằng bằng những khúc ván thông. Những năm đó nhiều nhà thờ cũng đã được xây lại nhờ sự trợ giúp do thiện chí của đồng minh.

Hơn một năm quyên góp mà chẳng đi đến đâu. Làng nghèo, hết đóng tự ý lại bổ nhân danh, cứ đầu người mà đóng, nhiều đóng nhiều, ít đóng ít. Đông con, nhà nghèo lại phải đóng nhiều nên sinh lắm chuyện chẳng hay. Kẻ đóng tiền, người nộp thóc. Đóng góp mãi dân chúng xót ruột. Không đóng sợ bị trục xuất, chết không có người đưa. Kêu ca, nhưng biết làm sao, nhà thờ bắt đầu đổ, giá nào cũng phải làm lại. Nhiều linh mục xin Mỹ giúp mà làm được nhà thờ. Thấy các xứ chung quanh có nhà thờ, dân lại càng bực bội. “Sao Cha không xin lính Mỹ ít gỗ, ít xi măng?!”. Đối với Cha già, hình như quân đội đồng minh không hề có mặt ở đây. “Nhà thờ của các con, thì các con phải xây lấy!”.

Tiền thu không đủ, nhưng phải đợi đến bao giờ. Chạy từng thùng thóc. Vật giá leo thang vùn vụt. Nhà thờ hư quá rồi không chần chừ được nữa. Vào một ngày nọ, Cha già quyết định khởi công. Có ai là người phấn khởi vì chẳng biết ngày nào mới hoàn thành!”. Rõ thật là chuyện các Cha già!”. “Cứ tay mà cuốc thì đến bao giờ, chỉ nhờ xe Mỹ ủi cho vài nhát là xong”. Cằn nhằn. Nhưng sau một tháng thì nền nhà thờ cũng thành hình. Hằng trăm nhát cuốc góp lại, kiến tha lâu có ngày đầy tổ. Cả xứ làm nhân công, người lớn gánh đất, con nít khuân gạch. Tường bắt đầu xây. Có lòng góp sức, nhưng vật liệu rồi cũng cạn. Ôi! Lực bất tòng tâm. Nhà thờ dang dở. Hy vọng mong manh và niềm vui thành cằn nhằn.

Thế rồi, bất chợt một ngày, có tiếng loan tin: “Các bà ơi, Mỹ nó giúp xứ mình rồi.”. Buông miếng trầu trên tay: “Chuyện gì thế?”. Vừa phe phẩy cái nón, vừa hối hả: “Ra mà xem, xe chở bao nhiêu tôn đến.”. Ngẩng đầu lên, một bà: “Đã bảo mà, cứ nhờ Mỹ ngay từ đầu thì có phải xong nhà thờ rồi không.”. “Cha già thật lẩm cẩm, nó cho thì cứ xin chứ làm gì mà phải tự ái.”. Những buổi chiều nhàn rỗi, đề tài lính Mỹ cũng thường được chiếu cố tận tình. Chỗ nào có Mỹ thì con gái hư hỏng. Chỗ nào có Mỹ thì có xì ke. Mỹ ở đâu thì tội ở đó. Nhưng từ ngày có những chuyến xe tiếp tế đến, thì cái nhìn của các bà bớt hằn học. Cái nhìn của kẻ thọ ơn đã xoay chiều.

Vật liệu tiếp tục chở về. Bàn tay với bàn tay. Sân nhà thờ đang thành sự thật. Đối với xóm giáo di cư này thì không có gì bằng nhà thờ. Mất nhà thờ thì niềm tin ở vào đâu. Nhìn nhà thờ cao dần bắt đầu nghiêng thành bóng lúc ngả chiều, lòng người ai cũng rộng mênh mông chờ tiếng chuông khánh thành. Ngày ấy, chắc phải vui lắm. Cứ mơ một khung trời mà ai cũng hân hoan.

Cha già lâm bệnh phải vào nhà thương lúc nhà thờ gần xong. Dấu hiệu cuối đời, tiếng điểm của thời gian cho một con người đã đến. Hai mươi năm trời không bao giờ Cha xa làng. Sáng dâng lễ, tối cầu kinh. Bỗng dưng hôm nay thiếu bóng Cha. Hình ảnh ấy lạ quá. Như chiếc kim đồng hồ đang đều đặn bỗng dưng rơi xuống. Tự nhiên xứ đạo vắng hẳn đi. Một thứ trống trải mà từ trước tới nay không ai cảm thấy. Buổi chiều bên giàn trầu. Chuyện của các bà: “Mới vắng Cha mấy hôm mà xứ vắng quá”. “Ừ, tôi cũng thấy thế, cứ như nhà có đám ma”.

Cha già xa xứ cả tuần lễ rồi. Khi có đau đớn và chia lìa thường làm con người biết quý xót thương và yêu mến bao dung. Buổi kinh trưa của các bà không còn thấy cửa sổ trên gian cung thánh mở cửa. “Tội nghiệp cho Cha, già cả rồi bây giờ lại đau yếu, lấy ai mà chăm sóc lúc về hưu.”. Không biết bao giờ Cha già mới khoẻ. Mà bệnh gì vậy. Lại già cả rồi. Tình cảm này nuối tiếc tình cảm kia. “Chúa ơi, Cha già mà chịu khó quá. Cứ lụ khụ khuân gạch một mình”. Một bà khác: “Chẳng ngày nào mà không đội cái nón trắng đi trộn cát với phu hồ, mà trời thì nắng quá sức”. Phẩy chiếc quạt, có giọng tiếp: “Ừ, khó có Cha xứ nào mà bì lại được với Cha xứ mình. Các Cha trẻ thì tài ngoại giao, chứ chả đạo đức như Cha già mình được đâu!”. “Cha đã già rồi mà không nghỉ ngơi, làm làm gì cho thêm khổ vào thân”. Hôm nay chẳng bà nào nói đến cái tính hà tiện của Cha nữa. Bà nào cũng tỏ vẻ thương hại Cha. Sau cái hôm bị té ở cuối sân nhà thờ, Cha đau rồi lâm bệnh luôn. Trượt chân, không kịp buông tay chống, Cha ngã vào đống gạch.

Rồi chuyện ly biệt cũng đến. Đời như dòng nước cũng phải buông bờ mà xuôi về biển. Tình cảm nào, yêu thương hay ghét bỏ thì cũng có ngày tan theo hạt nắng, để mỗi linh hồn bay theo gió ngàn về bến bờ riêng của mỗi người. Sau khi khánh thành nhà thờ có một tuần lễ, Cha già giã từ con chiên về hưu. Ngày từ biệt Cha ở sân nhà thờ, xứ đạo u buồn lắm. Rưng rưng lệ thương một Cha già đã gần hai mươi năm chung sống. Cha ra đi như một cái tang. Như một tàu cau sau những ngày che chở cho buồng cau kết trái, bây giờ nó xơ xác rụng xuống về với cát bụi. Giã từ trời cao. Hình ảnh đơn sơ của Cha làm cho người ta bây giờ mủi lòng. Đồ đạc của Cha có chiếc vali, mấy thùng giấy đựng đồ. Chiếc xe đạp buộc trên nóc xe lam. Lòng xe còn rộng. Xe chuyển bánh. Một cánh lá bay về cuối đời, im lặng ở một chốn không còn tiếng chuông.

Người ta thường không quý những gì mình có, khi mất rồi mới mến thương. Hai mươi năm Cha con sống bên nhau. Có những gia đình từ đời cha đến đời con, xuống cháu, đều do tay Cha làm phép cưới, rửa tội, làm lễ an táng. Cái nghĩa ấy chẳng dễ gì một sớm mà phai nhạt. Ngày Cha lên đường bỏ xứ đi mới là lúc họ thấy mình đã không phụng dưỡng Cha già cho đủ. Cái tình cảm của kẻ thấy mình không tròn nghĩa làm nhiều người hối hận. Trên sân nhà thờ hôm ấy, nhiều dòng nước mắt hối hận. Trên sân nhà thờ hôm ấy, nhiều dòng nước mắt đã rơi. Cha đi rồi, giáo xứ vắng lạ lùng. Một im lặng bàng bạc mà phủ kín lòng người.

Cha ra đi để lại cho xóm đạo ngôi nhà thờ khang trang. Chuyện xây nhà thờ không đơn giản như tôi viết ở trên. Về sau này, khi Cha đi rồi người ta mới biết rõ. Chuyện là có lần ông trùm tò mò hỏi Cha: “Bẩm Cha, nhà thờ là do công lao của Cha. Chúng con chẳng biết nói sao để cám ơn Cha”. Nói tới đó ông ngập ngừng, ông muốn hỏi xem ai là người đã trợ giúp vật liệu vì mọi người đều biết số tiền quyên góp không thể đủ để mua tất cả. Nhưng ông không biết mở đầu làm sao cho gọn. Ông chỉ sợ hỏi Cha như thế là tò mò tọc mạch, nên đã mãi mà ông không tìm được câu vào đề cho đúng. Sau cùng, ông đành ngập ngừng:

- Bẩm Cha, chúng con chỉ đóng góp được có phân nửa mà nhà thờ thì tới những bốn triệu, vậy ai giúp mình số tiền lớn đó hả Cha?

Cha già lắng nghe, mắt trái của Cha vẫn còn bầm tím vì vết thương ngã ở đống gạch chưa lành. Ngài ôn tồn nói như một điều rất bình thường.

- Chẳng có ai giúp mình cả. Các con phải cám ơn vì sự quan phòng của Chúa. Đấy là tiền mà các con biếu Cha, tiền các con xin Cha làm lễ. Hai mươi năm qua, những ngày sống với các con, Cha coi tiền ấy là tiền Cha giữ giùm các con. Số tiền Cha để dành vừa đủ bù vào chỗ thiếu mà xây xong nhà thờ!

Hôm ấy, ông trùm rớt nước mắt. Im lặng. Khi ta im lặng nhìn xuống dòng đời, mới thấy có nhiều thứ xót thương nó thấm vào lòng. Trời ơi! Một số tiền lớn như thế. Hai mươi năm cần cù làm việc cho Chúa. Hai mươi năm dâng lễ, gìn giữ đồng tiền cho con chiên của mình để rồi về già ra đi với chiếc vali bạc màu, mấy thùng giấy đựng đồ và chiếc xe đạp cũ. Những chiếc xe chở vật liệu kia là tiền của Cha. Tất cả những bữa ăn kham khổ của Cha già là ở đấy. Bằng ấy ngày xây nhà thờ mà có ông Mỹ nào đến chụp hình, quay phim đâu, sao không ai tinh ý mà nhìn ra điều đó.

Cha già vĩnh viễn xa mất rồi. Cha ra đi mà không bao giờ trở lại nữa. Không còn dịp nào để xem bà bếp của Cha sáng nay mua mấy con cá khô, mấy lạng đỗ đen. “Sao Cha không cho chúng con biết bằng ấy năm Cha đã chắt chiu từng đồng cho chúng con. Nếu Cha không sống cực như thế thì làm sao chúng con có nhà thờ. Không cách nào chúng con xây được nhà thờ vì xóm giáo quá nghèo. Có phải Cha đã nhìn thấy từ hai mươi năm xa xưa về trước. Có phải qua những giờ Cha quỳ trước Mình Thánh Chúa hàng ngày mà Chúa đã mạc khải cho Cha hoàn cảnh xóm giáo của chúng con hai mươi năm về sau. Cho đến bây giờ chúng con vẫn không hiểu nổi. Đời Cha là một nhiệm lạ với chúng con. Khi chúng con biết thì quá muộn cho một lời biết ơn. Hai mươi năm bên Cha, chúng con khâm phục mọi nhân đức của Cha. Cha nhân từ, Cha chịu khó, chúng con không trách Cha được một điều nào. Chúng con chỉ ao ước rằng, giá Cha không hà tiện quá như thế, giá Cha không tham tiền như thế thì Cha nhân đức vẹn toàn. Hôm nay, chúng con mới biết những đồng tiền kia Cha cất ở đâu, để làm gì. Cha ạ, quá muộn rồi, cho một lời tạ lỗi, biết ơn của chúng con”.

Vĩnh biệt Cha.

Mùa hè đầu tiên được mặc áo dòng về quê. Tôi vui lắm. Chả mấy lúc không nhìn mình trong gương. Tôi thích làm sao cái cổ côn trắng áo dòng. Hè ấy, tôi về nhà hưu thăm Cha già thưở xưa, người đã viết giấy giới thiệu cho tôi đi tu. Từ những ngày là cậu giúp lễ, hôm nay tôi trở về báo tin vui cho Cha cậu bé ngày xưa đã lớn, đã chững chạc trong chiếc áo dòng có cổ côn trắng đạo mạo. Cha đã dìu tôi đi một đoạn đường, tôi nghĩ là Cha sẽ mừng lắm khi thấy tôi đang hăm hở lên đường như cậu bé vui mùa xuân.

Trên chuyến xe lam về nhà hưu, nhìn trời cao xanh, tôi thấy lòng mình cũng hân hoan theo. Ôn lại những kỷ niệm năm xưa. Tôi nhớ buổi chiều nọ, hôm ấy thấy thấp thoáng áo dòng của Cha ở ngõ, tôi không sợ, không chạy trốn Cha như hồi bé nữa mà ra đón Cha vào nhà chơi. Năm ấy vừa xong tiểu học, năm tôi đi tu. Buổi chiều đó, Cha đến nhắc cho tôi là còn hai ngày nữa hết hè tôi phải chuẩn bị về nhà trường. Mùa hè nào cũng thế, cứ còn vài ngày hết hè, Cha đến tận nhà nhắc cho mẹ tôi nhớ đến ngày tôi phải đi, cho đến ngày tôi đủ “tuổi khôn” Cha mới thôi. Cha biết rõ tất cả con chiên của Cha. Biết từng gia đình, tình trạng đạo đức, tình trạng con cái trong nhà. Ngay cả nhà nào có con đến tuổi xưng tội là Cha đến tận nhà mà nhắc. Hình ảnh này in đậm trong tâm trí tôi, nhắc nhở tôi về hình bóng của một chủ chăn biết rõ chiên của mình.

Những năm còn bé ấy, chiều thứ sáu đầu tháng nào chúng tôi cũng phải đi xưng tội. Chính Cha đánh trống báo hiệu, mở cửa nhà thờ, kê toà giải tội. Ban tối Cha dạy giáo lý. Cha bắt chúng tôi vào Legio Mariae, cũng phải phúc trình công tác hàng tuần, quét nhà mấy lần, vâng lời ba má mấy lần. Cha là linh mục lo cho con chiên và lo hết mình vì phần rỗi của họ. Về sau này làm linh mục, tôi mới thấy ngồi toà giải tội cho con nít là một phiền toái. Nhưng ngày xưa, Cha già biết rằng tuổi thơ là một trang giấy trắng cần viết vào đấy những hương thơm nhân đức thật sớm. Cha không nhàm chán giải tội cho chúng tôi. Cha tập cho chúng tôi ngay còn bé đã biết quý trọng bí tích rồi. Kỷ niệm này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống linh mục của tôi sau này với tòa giải tội.

Khu nhà hưu thật vắng lặng. Hàng cây khuynh diệp cao ngất giữa trời nắng hanh mùa hạ. Tiếng ve rỉ rả gợi sầu, nó chẳng phá được cái vắng lặng mà càng làm cho nỗi vắng có vẻ mênh mông. Lá khuynh diệp rơi đầy lối vào không ai quét cả. Mấy chú gà con chạy xào xạc bên bụi tre vàng ươm. Khu nhà giống như một tu viện cổ kính không có ai ra vào. Tôi hỏi cụ già đang rẫy cỏ trên mấy vồng khoai, cụ bảo Cha đang đọc kinh ở nhà nguyện.

Tôi ngồi ở hành lang đợi. Hơn một tiếng, Cha già chậm rãi đi ra. Cha bước từng bước chậm, khuờ khoạng chiếc gậy gỗ. Cả hai mắt của Cha đã bị loà. Tôi đến gần trước mặt Cha chẳng nhìn thấy, (cũng chẳng nhìn thấy chiếc áo dòng có cổ côn trắng đạo mạo tôi đang mặc). Nghe tiếng tôi chào, Cha nhận ra tiếng ngay, khuôn mặt Cha mừng vui rạng rỡ. Cha giơ tay tìm tôi:

- Có phải con đấy không?

- Dạ, con đây.

Cha giơ tay tìm rồi nắm vai tôi. Buổi trưa ấy, cũng là lần sau cùng, tôi không bao giờ gặp lại Cha già nữa. Lời Cha nói trước khi chia tay cũng là lời trăn trối sau cùng. Tay run run, khuôn mặt tỏ rõ nỗi vui khi biết tôi đã đi được một quãng đường trên lý tưởng đời tu:

- Cha già rồi, Cha chẳng làm gì được cho Chúa nữa. Cha gởi lại Giáo Hội trong tay con, trong tay các thầy trẻ.

Từ biệt Cha ra về, rưng lệ, tôi bùi ngùi thương cảnh già của Cha. Trong nỗi bùi ngùi, tôi cũng hạnh phúc vì bóng hình của Cha là sức mạnh nâng đỡ tôi bước tới. Cha bước can trường trong thánh thiện, có thể đời Cha cũng có lúc lẻ loi chăng? Nhưng Cha đã đi trọn đời bằng những bước chân vô cùng anh hùng. Và tôi biết, vì thế giới bình an của Cha là Cha luôn có Chúa.

Rồi tôi bỏ nước ra đi. Tôi không bao giờ gặp lại Cha già nữa. Vào một buổi chiều tháng năm ở trong một chủng viện miền trung nước Mỹ, tôi nhận được lá thư của người em gái gởi từ quê hương sang. Cuối đoạn thư đứa em viết:

“... Em đã về sống với thầy mẹ rồi, không còn ở nhà dòng nữa. Nhà dòng đã bị người ta lấy. Các đệ tử nhỏ như tụi em đều phải về hết. Buồn quá anh nhỉ. Nhưng mà thôi, phải chấp nhận chứ biết làm sao hả anh. Mẹ vẫn thường nhắc về anh luôn. Mẹ bảo không hiểu sao cứ nghe tiếng chuông nhà thờ mẹ lại nhớ đến anh. Mà kỳ lạ, em cũng vậy anh ạ. Ban chiều khi em cắt cỏ cho trâu ở ngoài đồng mà nghe tiếng chuông em thấy như tâm hồn mình chùng xuống. Nó buồn nao nao làm sao ấy anh ạ. Tiếng chuông như có an ủi, vỗ về mà cũng như lời buồn nhắc về một thưở bình yên, một thưở an vui đã mất.

Anh biết không, trước ngày giải phóng thì các xứ đạo chung quanh chẳng xứ nào mua chuông, họ đều xài chuông đĩa. Bây giờ xăng nhớt hiếm hoi, chẳng xứ nào còn xăng mà chạy máy điện nữa nên chiều về không còn tiếng chuông. Đã bao năm sống trong tiếng chuông, lớn lên trong tiếng chuông, tiếng chuông đã là một phần của đời mình rồi. Bây giờ tiếng chuông bỗng vắng bặt, xứ đạo như chết, im lìm lặng lẽ. Ai cũng buồn. Nhưng may cho xứ mình là trước khi về hưu, Cha già đã mua cho quả chuông đồng thật lớn. Bây giờ trong khi các xứ đạo khác thật vắng thì chỉ có tháp chuông nhà thờ mình là còn tiếng chuông là người ta sửa soạn về. Những xứ chung quanh đều hướng về xứ mình vì chỉ có một quả chuông duy nhất cho cả vùng. Tiếng chuông chiều nghe an ủi lắm anh ạ, nghe như Chúa vẫn còn ở với mình.”

Nghĩ đến Cha già, tôi lại bồi hồi nhung nhớ. Cha đã chết rồi, đã vĩnh viễn ra đi, nhưng đời Cha là tiếng chuông còn sót lại sau những luyện lọc bằng can đảm, nhẫn nại bao dung. Trong cuộc đời lý tưởng, Cha đã là ngọn nến cháy để linh hồn tôi ấm trong những ngày mệt mỏi, trống vắng. Mỗi lúc muốn xây đắp cho riêng mình, mỗi khi nghĩ đến những công danh mà một người thanh niên có thể với tay vào đời, tôi lại nhớ về Cha. Cuộc đời Cha lại đốt cháy đi những ý nghĩ nhỏ nhoi trong hồn tôi.

“... Đấy là tiền của các con, những ngày Cha sống với các con, Cha đã giữ tiền giùm các con. Đấy là tiền lễ mà các con xin. Cha đã tích góp trong hai mươi năm qua. Các con phải cám ơn Chúa về sự quan phòng của Ngài...”

Cha chẳng bao giờ nhìn thấy những chân trời rộng rãi. Cha không du học, không bằng cấp. Cha chỉ là một linh mục nhà quê. Nhưng vào những ngày gian khổ nhất của đất nước, ở miền quê ấy, chỉ còn mỗi tiếng chuông của Cha sót lại. Gấp lại tờ thư, tôi đã ngồi nhìn qua cửa sổ, mây lững lờ trôi.

Những ngày còn là chủng sinh, đi nghỉ hè, khi lái xe qua những cánh đồng lúa mì mênh mông miền Kansas, mỗi khi nhìn thấy tháp chuông nhà thờ bên xóm đạo ven đường tôi lại nhớ đến lời trăn trối của bao nhiêu năm về trước: “Cha già rồi, Cha chẳng còn làm gì được cho Chúa nữa. Cha trao lại Giáo Hội trong tay con, trong tay những thầy trẻ.” Hồn tôi ấm cúng lạ thường. Tôi vui với con đường tôi đi, tôi hạnh phúc với ơn gọi tôi chọn. Và tôi đã bước tới. Những lần nghe tiếng chuông giữa trời rất cao và rất rộng, hồn tôi thật thênh thang. Hôm nay, mỗi khi đi qua đâu, nhìn thấy tháp chuông, tôi lại nhớ về xóm đảo nhỏ ở rất xa. Tôi vẫn nghe tiếng chuông nhẫn nại, an ủi những vất vả của những con chiên miền quê. Mỗi khi nghe tiếng chuông thong thả ngân, tôi lại tin rằng còn rất nhiều tiếng chuông đẹp như thế trong lòng Giáo Hội, tiếng chuông của những linh hồn bên Chúa rất thiết tha.

Đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng ấy cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện. (2Tm 4, 6-8).

Phần con, con hãy thi đấu trong cuộc chiến cao đẹp vì đức tin, giành cho được sống đời đời, chính vì sự sống ấy, con đã được Thiên Chúa kêu gọi, và con đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng. Trước mặt Thiên Chúa là đấng ban sự sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Kitô Giêsu là Đấng đã làm chứng trước mặt toà tổng trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp. Cha khuyên con hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Chúa chúng ta xuất hiện. Đấng sẽ cho Đức Giêsu Kitô tỏ hiện vào đúng thời buổi.

Người là Chúa của muôn vàn ơn phúc, vua muôn vua, Chúa các Chúa, chỉ mình người là đấng vĩnh cửu vô song, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đáng không một người nào đã thấy hay có thể thấy, kính dâng người danh dự và quyền uy đến muôn đời. (1Tm 6, 11-16).

Cha tha thiết khuyên con: hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, hãy biện bác ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời kỳ người ta không còn sẽ nghe giáo lý lành mạnh nhưng theo dục vọng của mình mà tìm hết sư phụ này đến sư phụ kia. Họ ngoảnh tai đi không còn nghe theo chân lý nhưng hướng về những chuyện hoang đường.

Phần con, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ và kiên trì làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của con (2 Tm 4, 1-5)

Lm Nguyễn Tầm Thường, sj.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây