TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Buông và Vác

Thứ năm - 06/05/2021 19:22 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1153
vac TG
vac TG

Buông và Vác

Trong một thế giới con người đang gia tăng muốn chiếm hữu càng ngày càng nhiều hơn cho mình. Chúa Giêsu lại dạy: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Trong câu mời gọi có hai động từ “buông” và “vác”, điều này cho chúng ta hai chỉ dẫn.

Buông.

Trong khi cuộc sống luôn luôn đầy ắp những cái đau khổ quay quắt, con người phần lớn vẫn tự ôm vào mình những thứ làm cuộc đời thêm đau khổ. Cả những điều con người không muốn, vẫn cố gắng phải ngậm ngùi cay đắng nuốt vào những đau khổ. Làm sao có thể ra khỏi vòng đau khổ của kiếp nhân sinh.

Buông “cái tôi” ích kỷ của mình đi. Nói có vẻ dễ, thế nhưng nó lại là bài học khó nhất trong đời. Khi Chúa mời gọi “Hãy từ bỏ mình” nghĩa là bỏ “cái tôi”, một cách triệt để ra khỏi những ty tiện hằng ngày theo chỉ dẫn của Thánh Phaolô: “không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác” (1 Cor 13,4 - 5). Đó là những thứ phát sinh từ ích kỷ của “cái tôi”.

Buông “cái tôi” chiếm hữu. Trong cuộc sống thường ngày, cái tôi chiếm hữu là cái tôi dễ sinh ra lòng oán ghét và đố kỵ nhất. Thường người ta hay dựa vào cái tôi chiếm hữu để khoe khoang, tự đắc: cái nhà, cái xe, cái áo, cái quần, tiện nghi… hàng siêu đắt, siêu sang, siêu độc của tôi. Đó là những thứ ngoài thân để che cái mục rỗng bên trong. Khi khoe khoang cái tài, cái sắc, địa vị, danh vọng… người ta lại đang che đi nhân cách tồi tàn của chính mình. Bởi cái tôi chiếm hữu không mang lại hạnh phúc cho người khác mà chỉ là khoe khoang việc thành công “chiếm lấy hạnh phúc của người khác mặc vào cho chính mình”.

Buông “cái tôi” dục vọng. Dục vọng ở đây nói tới nhằm nghĩa xấu xa, ước muốn tham lam về cho chính mình. Thánh Phaolô liệt kê: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gal 5,19-21). Dục vọng khống chế sự thiện ngay trong tâm hồn mỗi người. Để cái tôi dục vọng phát triển con người suy yếu về nhân cách khi sống với người khác.

Vác:

Mang vác thập giá của mình là một cách nói cụ thể về trách nhiệm chính yếu khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người: Cho người khác, vì nhau và cùng nhau.

“Cái tôi” thực sự đáng quý nó phục vụ cho người khác ở trong bổn phận mỗi người. Từ ngữ Việt Nam rất tế nhị khi gọi những người chung quanh mình một từ chung có nhiều ý nghĩa “người ta”. Diễn dịch câu nói chung ấy có thể hiểu, trong người có ta và trong ta có người. Hiểu rộng hơn có thể nói “Không ai là một ốc đảo”, sống là sống cho, sống với và sống vì người khác. Con người được tạo dựng có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho nhau.

Quy luật chung là thế, sống cho, là sống “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình). Những nền luân lý, đạo đức học đều dạy, ý nghĩa của con người sống là ở nơi người khác mà mình hết lòng phục vụ. Trong mọi chức nghiệp, mọi thứ bậc, nếu đem hết lòng sống cho người khác sẽ thấy những điều tốt đẹp trong sự hiện diện của mình. Một cách khác dễ dàng hơn: sống hòa hợp với người khác là sống hạnh phúc nơi chính mình.

“Cái tôi” được tôn trọng. Đó là cái tôi trong sạch, không tội lỗi, không xấu xa, không đê tiện. Để có được những điều tốt đẹp, con người cần rèn luyện, thực hành mỗi ngày những nhân đức đáng có: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. (Gl 5, 22 – 23).

“Cái tôi” hiến dâng. Chúa Giêsu dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13). Không có tình yêu thật sự thì chẳng có thể hy sinh thật sự. Điều này có thể thấy trong gia đình từ tình yêu hy sinh của người cha, người mẹ. Trong xã hội, những con người đang dấn thân ở những vùng nguy hiểm của bệnh dịch Ebola để cứu các bệnh nhân, của những con người đang âm thầm hy sinh vì hạnh phúc của con người  cách này cách khác. Tình yêu và hy sinh, đó là một chiều kích hạnh phúc đạt được trong đời dâng hiến “sống vì yêu”.

Lời mời gọi buông “cái tôi” xấu xa để mang lấy “cái tôi” tốt đẹp. Sống cuộc đời có ý nghĩa là sống cho, sống với và sống vì người khác. Hãy chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu để sống tích cực trong đời mình. Đó là con đường tốt đẹp nhất, chính Chúa đang mời gọi.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây