TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chạnh Lòng Thương

Thứ sáu - 07/05/2021 18:54 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   819
Jesus feeds 5000 people[1]
Jesus feeds 5000 people[1]

Chạnh Lòng Thương

Chạnh lòng thương là nhận thức sâu xa về nỗi đau của người khác để biến đổi nỗi đau thành niềm vui đón nhận. Chạnh lòng và thực hành lòng thương yêu là hai yếu tố cần thiết để đạt tới tình yêu đích thực.

Để có lòng chạnh thương luôn cần có những điều cần thiết để tập luyện.

Tạ ơn, cám ơn:

Sống trong cuộc đời như người xưa vẫn nói: “con người đón nhận nhiều hơn những gì mình kiến tạo”. Lời tạ ơn – cám ơn, luôn làm cho con người mình biết nhận ra mình nhiều hơn trong cái toàn thể trật tự của thế giới này. Như con người ý thức mình luôn cần đến môi trường trong lành để hít thở, con người sẽ cần biết giữ gìn môi trường xanh của thiên nhiên, ý thức khi sử dụng tì nguyên, giữ được vẻ đẹp thiên nhiên vốn có. Đó là cách thức cám ơn đời sống thiên nhiên đã cho con người môi trường sống. Cũng thế trong môi trường sống cộng đồng, con người biết cám ơn nhau cũng là những con người vun đắp cho nhau những tình thân tốt đẹp, giữ đời sống hài hòa với nhau, tôn trọng phẩm giá mỗi con người, xây dựng cho nhau trong tình nghĩa… Khi con người sống với nhau trong trật tự thiên nhiên, trong tương quan hài hòa giữa con người, con người cũng thấy việc tạ ơn Chúa luôn trong đời sống Chúa đã tặng ban.

Những điều này, tuy đơn giản nhưng không là điều dễ, thế nên cần tập luyện mỗi ngày, nói cám ơn nhiều hơn, sống tâm tình tạ ơn nhiều hơn.

Không quá chú trọng đến cảm xúc.

Thông thường, quá chú trọng đến cảm xúc, người ta rơi vào trạng thái quan trọng hóa quá đáng hay bi quan hóa không lối thoát và đôi khi dẫn cảm xúc đến cực đoan. Cảm xúc cần phải có nhưng cảm xúc luôn cần dẫn đến hành động tích cực. Chúa Giêsu chạnh lòng khi thấy đám đông như không có người hướng dẫn, Người mời gọi họ đến để trợ giúp họ và tuyển chọn mười hai môn đệ để đến giúp họ (Mt 9, 36). Chúa chạnh lòng thương khi thấy người phong cùi và chữa lành cho anh (Mc 1, 40). Chúa chạnh lòng thương khi thấy người ta đến và ở với Người suốt ngày, Người cho họ ăn (Mt 14. 13 – 21).

Nuôi dưỡng cảm xúc bằng những hành động là cách ra khỏi chính mình để sống cho người khác.

Lời khen, lời chúc đúng lúc và đúng thời.

Hôm ấy các môn đệ vui vẻ trở về sau khi đi rao giảng Tin Mừng, gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp muốn kể cho Chúa nghe, Chúa bảo họ: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6, 30 – 34). Không quá chú trọng đến thành quả đã đạt được khi giúp gì được cho người khác. Nuôi dưỡng lòng thương yêu đòi hỏi sự khiêm cung trong phục vụ. Xem như mọi việc mình làm do lòng ân ban của Thiên Chúa ban tặng qua bàn tay của mình. Con người sau những gặt hái, sau những thành công cũng cần để lòng dịu lại trong thanh vắng, trong tâm tình tạ ơn.

Trong cách thực hành biết dùng lời khen, chúc tụng, đúng lúc, đúng thời, giúp cho con người biết việc mình làm không phải lúc nào cũng đúng, cũng thành công. Có những khi cần nhận ra những gì chưa hết lòng, hết sức, chưa tận tâm với anh chị em.

Hạnh phúc của người khác luôn quan trọng hơn.

Chúa Giêsu giảng dạy, chữa lành, dường như quên mất thời gian cho bản thân mình, khiến nhiều người nói “Người mất trí rồi” (Mc 3, 20 – 21). Chăm lo hạnh phúc cho người khác, nghĩa là biết cảm thông, chia sẻ, khi cần thiết cũng nên quên thân mình phục vụ. Lòng thương yêu cũng tránh khỏi những lạm dụng, như khi một số người sau khi ăn no nê, họ đi tìm gặp Chúa và Chúa trách họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6, 26). Chạnh lòng thương, có nghĩa là khát khao mang ơn cứu độ đến cho con người, làm cho con người thoát khỏi xiềng xích tội lỗi, bằng cách gánh tội đời của con người để con người được sống trong Chúa.

Hạnh phúc của con người là được giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Sống để người khác hạnh phúc hơn là cách sống đón nhận, hy sinh, tha thứ, mang bình an cho người mình gặp gỡ.

Thực hành lòng yêu thương.

Chúa Giêsu thực hành lòng yêu thương, qua sống đời cầu nguyện. Mỗi lần, sau gặp gỡ, chữa lành, rao giảng phúc âm, Chúa thường lui vào nơi thanh vắng cầu nguyện. Con người tự nhiên khó có thể yêu thương, hy sinh chính mình để sống cho người khác, nếu không được sức mạnh siêu nhiên lôi cuốn. Cầu nguyện là phương cách để con người trở nên dụng cụ bình an Chúa ban cho ngươi khác. Sống thân tình hơn, yêu thương hơn, gánh vác đời nhau hơn.

Thực hành lòng yêu thương để theo gương Chúa và trở nên gương sáng cho người. Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Cô-lô-xê: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” (Cl 3, 13-14).

Chạnh lòng thương là một tiến trình ngày càng sâu rộng, để trở nên dấu chỉ lòng yêu thương của Chúa giữa mọi người… Xin Chúa luôn giúp chúng con thực hành những điều cơ bản để nên khí cụ bình an của Chúa.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây