TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Làm sao để tìm thấy niềm vui

Thứ sáu - 02/09/2022 19:47 | Tác giả bài viết: |   721
Chứng tá của Beth nói lên điều mà chúng ta cần nghe: Bạn phải sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc để tìm thấy niềm vui.
Làm sao để tìm thấy niềm vui

THƯ GỬI BẠN TRẺ CÔNG GIÁO: LÀM SAO ĐỂ TÌM THẤY NIỀM VUI

Bạn thân mến,

Một trong những điều đầy tràn niềm vui nhất mà tôi từng đọc là một bức thư bắt đầu với hàng chữ: "Tôi bị u não." Tác giả là một phụ nữ ngoài 30 tuổi: vợ của một người chồng tận tụy, mẹ của 4 đứa con thơ, bạn của những người bạn rất thân thiện. Nhân được chẩn đoán bệnh giai đoạn cuối, Beth Haile biết mình sắp chết, và cô rất vui.

Điều đó không có nghĩa là Beth mừng rỡ vì sắp chết. Beth yêu cuộc sống, yêu chồng, yêu con, và yêu mến bạn bè của mình. Beth không muốn rời bỏ thế giới này, và cũng không muốn những người cô yêu thương không còn có cô bên cạnh. Beth vẫn có được niềm vui dù cô không hài lòng về mọi sự xảy đến với mình.

Bốn năm trước khi viết lá thư về tình trạng bệnh giai đoạn cuối, Beth đã viết một lá thư khác về việc cô sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho cuộc đời của mình. Sau 1 năm cầu nguyện và phân định, Beth quyết định cân bằng lại cuộc sống và công việc. Vì biết mình không thể làm tất cả mọi thứ, Beth đã lựa chọn cách có chủ đích về những gì cần được đặt lên hàng đầu, và những gì là thứ yếu trong cuộc sống. Vào thời điểm phát hiện ra khối u não, Beth đã sống được vài năm với những cam kết rõ ràng của mình. Cô đã tìm thấy niềm vui, mặc dù cô đã phải hy sinh nhiều thứ để thực hiện những cam kết này.

Và rồi, 1 năm sau khi viết lá thư về tình trạng bệnh, Beth qua đời. Cô ra đi với nỗi buồn vì sự chia lìa chồng con, bạn bè, và thế giới này, nhưng đồng thời, cô ra đi với lòng biết ơn đối với tất cả. Hạnh phúc là một thứ hay thay đổi, nhưng niềm vui đủ rộng để chứa đựng nỗi buồn và lòng biết ơn.

Tôi đã đọc lá thư công khai của Beth nhiều lần. Tôi xem cô ấy như một chứng nhân của niềm vui. Beth tìm thấy niềm vui trong cuộc sống này và chờ đợi niềm vui trong cuộc sống mai hậu. Đó không phải là những niềm vui riêng biệt mà là cùng một niềm vui: Niềm vui đã bắt đầu trong cô ở đây, và sẽ nên trọn vẹn mai này.

Tôi không kể cho bạn nghe câu chuyện của Beth để tuyên truyền rằng "bạn có thể sẽ chết vào ngày mai". Ngay cả khi Beth còn sinh thời, tôi vẫn xem cô ấy là chứng nhân của niềm vui. Niềm vui cô có được trong lá thư 4 năm trước đó cũng nhiều như niềm vui trong lá thư sau cùng. Có những thứ Beth yêu thích trước khi định hướng lại cuộc đời, và cô đã phải bỏ lại một số những thứ đó. Thật đau đớn khi làm điều đó nhưng Beth đã sẵn sàng để lưu tâm đến một lời mời gọi sâu xa hơn bằng cách vượt lên trên những gì đã trở nên thoải mái, quen thuộc, và mở ra cho mình một cuộc sống viên mãn, trong niềm vui.

Việc chết sớm không phải là điều làm cho cuộc sống của Beth trở nên trọn vẹn, nhưng cách cô tiếp cận cái chết sớm của mình cho chúng ta thấy hoa trái của cuộc sống viên mãn ngay trong hiện tại. Beth đã tự do để ôm lấy nỗi buồn về những điều gây phiền muộn cho cô, và thể hiện lòng biết ơn về những gì đã khiến cô biết ơn. Beth cho thấy niềm vui nghĩa là gì.

Chứng tá của Beth nói lên điều mà chúng ta cần nghe: Bạn phải sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc để tìm thấy niềm vui.

Sự Hy sinh của Niềm vui

Nhìn vào cuộc đời Mẹ Têrêsa Calcutta, một trong những vị thánh vĩ đại nhất của thế kỷ XX, chúng ta sẽ thấy nơi Mẹ điều gì đó rất giống với những gì chúng ta thấy nơi Beth. Mẹ cũng từ bỏ hạnh phúc để tìm kiếm niềm vui.

Mẹ Têrêsa Calcutta hiếm khi nói về thời thơ ấu của mình, nhưng mỗi khi đề cập đến nó, Mẹ luôn nói rằng Mẹ xuất thân từ một ngôi nhà hạnh phúc. Cha của Têrêsa dạy cô đón tiếp mọi người, đặc biệt là người nghèo, đến nhà để chia sẻ những gì họ có. Mẹ của Têrêsa dạy cô cách đi ra khỏi ngôi nhà hạnh phúc của mình để hướng đến những người nghèo khổ trong cộng đồng. Têrêsa sớm nhận thức rằng ngôi nhà hạnh phúc của mình là nơi để chào đón và phục vụ mọi người. Khi còn là một thiếu nữ, Têrêsa được mời gọi gia nhập một cộng đoàn tu dòng phục vụ trẻ em ở miền Ấn Độ xa xôi, và cái giá phải trả cho việc đi theo tiếng gọi đó là việc rời bỏ ngôi nhà thời thơ ấu hạnh phúc của mình mãi mãi. Têrêsa đã lên đường.

Nỗi đau của việc dời xa gia đình đã dẫn Nữ tu Têrêsa đến giáo dục những người nghèo Bengali ở Ấn Độ và ngài đã rất hạnh phúc về điều này. Thực sự, ngay cả sau này, Sơ nói rằng được sống như là một Nữ tu Loreto là điều hạnh phúc nhất mà Sơ từng trải nghiệm. Nhưng cuối cùng, khi được biết về những người thậm chí còn nghèo hơn những người mà mình đang phục vụ, và ngay sau đó, Sơ nhận ra tiếng gọi rất rõ ràng từ Thiên Chúa là hãy đi phục vụ những người “nghèo nhất trong số những người nghèo”. Sơ hạnh phúc ở Loreto, nhưng Sơ không bám víu vào hạnh phúc của riêng mình. Thay vào đó, Sơ bắt đầu xin phép các Bề trên trong dòng để đáp lại tiếng gọi cụ thể này. Sau 2 năm, khi được chấp thuận, Sơ đã bỏ Loreto lại phía sau mãi mãi.

Nỗi đau khi phải rời bỏ Loreto đã đưa Mẹ Têrêsa - và các nữ tu Thừa sai Bác ái tiếp nối - đến với niềm vui yêu thương những người nghèo nhất trong số những người nghèo, trước hết là trên đường phố Calcutta, và sau đó là trên khắp thế giới. Nhìn thấy những người chết trên đường phố mà không có ai chăm sóc, Mẹ Têrêsa đã đưa họ vào nhà để họ được yêu thương và tôn trọng. Tìm kiếm những người mà nỗi khốn khổ bị che khuất tại những nơi bị lãng quên, Mẹ Têrêsa đã đến để bầu bạn, và mang lại cho họ ánh sáng của tình yêu.

Theo đuổi niềm vui

Mẹ Têrêsa trở thành chứng nhân của niềm vui. Một người đã được chứng tá của Mẹ Têrêsa biến đổi đó là một chuyên gia truyền thông rất thành công tên là Malcolm Muggeridge, người đã đến Ấn Độ để viết tiểu sử Mẹ Têrêsa. Dần dà, Muggeridge bắt đầu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước Mẹ Têrêsa và những nữ tu Thừa sai Bác ái, nhưng một chuyện khác cũng đã xảy ra, như Malcolm diễn tả:

Đồng hành với Mẹ Têrêsa … đến Ngôi nhà dành cho người Hấp hối, đến với những người phong hủi và những đứa trẻ vô thừa nhận, tôi thấy mình đã trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là nỗi kinh hoàng xen lẫn sự thương hại, thứ đến là lòng trắc ẩn trong sáng, giản dị, và cuối cùng, sự vượt lên trên lòng trắc ẩn, điều mà tôi chưa từng trải nghiệm, đó là, nhận thức rằng những người đàn ông và phụ nữ đang chết dần chết mòn và vô thừa nhận này, những người phong hủi không còn bàn tay này, những đứa trẻ được không mong muốn này, không đáng thương, đáng ghê tởm hay đáng khinh bỉ, mà là rất thân thương và thú vị. (x. Something Beautiful for God)

Vốn là người e ngại sự dị dạng, bệnh tật, và nghèo đói, Malcolm rất hài lòng với cuộc sống sạch sẽ, ngăn nắp của mình. Việc đi theo Mẹ Têrêsa đã dẫn anh đến với những gì anh sợ hãi. Nhưng, khi ở giữa những người nghèo khổ và đau khổ, Malcolm đã bắt đầu thay đổi, bởi vì anh không tháo chạy. Malcolm không chỉ động lòng trắc ẩn mà còn bắt đầu thấy hào hứng với chính những cảnh đời mà trước đây đã từng khiến anh sợ hãi. Malcolm cảm thấy có sự đồng hành với họ, hân hoan với họ, anh đã tìm thấy niềm vui.

Nơi đặt trái tim của chúng ta

Chúng ta thường thất bại trong việc tìm kiếm những gì chúng ta muốn làm. Chúng ta dễ bám vào những thú vui thấp hèn hơn, sự an toàn, tiện nghi, và thói quen của chúng ta. Chúng ta bỏ qua lời mời gọi đến với niềm vui.

C.S. Lewis đã viết về điều này trong một bài giảng nổi tiếng:

Dường như Đức Chúa nhận thấy những ước muốn của chúng ta không mạnh mẽ nhưng quá yếu đuối. Chúng ta là những sinh vật nửa vời, làm những chuyện ngớ ngẩn với rượu chè, tình dục, và tham vọng khi niềm vui vô hạn được ban tặng cho chúng ta. … Chúng ta quá dễ hài lòng với những gì mình có. (x. The Weight of Glory)

Thiên Chúa không muốn chúng ta dập tắt ước muốn của mình; thực ra, ước muốn của chúng ta thấp kém và dễ bị kích động. Việc thiếu quả quyết đã ngăn cản chúng ta khao khát nhiều hơn - cho chính mình và cho nhau. Chúng ta được dựng nên để có được niềm vui giống như niềm vui mà Beth Haile đã nếm trải. Niềm vui mà Mẹ Têrêsa tìm kiếm không lớn hơn niềm vui được dành cho chúng ta. Chúng ta có thể cho rằng chúng ta không muốn có niềm vui giống như thế, nhưng chính sự chúng ta cảm thấy không thoả mãn đối với những điều thiếu hụt là một dấu chỉ cho thấy chúng ta được dựng nên không phải là những sinh vật nửa vời nhưng là những con người khao khát sự trọn hảo.

Những gì đúng với Beth, với Mẹ Têrêsa và với Malcolm cũng đúng với chúng ta: Chúng ta phải sẵn sàng từ rời bỏ hạnh phúc để tìm thấy niềm vui. Đó là cùng một niềm vui duy nhất: niềm vui của Chúa Kitô.

Nếu bạn không thể tin vào Đức Kitô, thì hãy tập làm những gì mà những người như Beth và Mẹ Têrêsa đã làm. Hãy sẵn sàng để lại hạnh phúc và sự thoải mái để hướng về phía những người cần được giúp đỡ. Hãy biến những đau khổ của người khác thành của riêng bạn. Hãy vui mừng trước điều tốt của người khác. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ bước đi trên con đường của Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta đạt được niềm tin bằng hành động, ngay cả khi phải mất một thời gian dài để đạt được điều đó.

Sự thật là: chẳng có niềm vui trọn vẹn nào nếu thiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Thực sự, tôi không vui vẻ như tôi phải như vậy. Xin cầu nguyện để tôi có thể lớn lên trong niềm vui, ngày càng biết dâng trao đời mình cho Thiên Chúa, và cho đường lối của Người. Đến lượt mình,  tôi cũng sẽ cầu nguyện cho bạn như vậy.

Trân trọng,

Tiến sĩ Leonard J. DeLorenzo[1]

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: www.osvnews.com (01. 8. 2022)

 

WHĐ (02.9.2022)

 

 

[1] Tiến sĩ Leonard J. DeLorenzo, làm việc tại Viện McGrath về Đời sống Giáo hội và dạy thần học tại Đại học Notre Dame

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây