TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin Chúa giúp con biết từ bỏ…

Thứ bảy - 03/09/2022 06:26 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   583
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (x.Lc 14, 27).



Chúa Nhật XXIII – TN – C

Xin Chúa giúp con biết từ bỏ…

Cuộc sống của con người “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có sương mù và giá lạnh” nữa. Sương mù và giá lạnh đó, có thể: là ốm đau bệnh hoạn, là thất nghiệp, là nghèo túng, là những trắc trở, là những nỗi buồn “chẳng biết vì sao tôi buồn”, là những nỗi đau “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn kia hóa dại khờ”. v.v…

Với người đời, khi gặp những điều nêu trên xảy ra cho mình, cứ sự thường thì người ta than vãn “ông trời không có mắt”. Nhưng với người Ki-tô hữu, đa phần đều nghĩ rằng: đó là thánh giá Chúa gửi đến. Nghĩ như thế có gì là sai!

Vâng, có gì là sai, đối với những ai có đức tin mạnh mẽ. Có đức tin mạnh mẽ, khi phải đối diện với những điều nêu trên, đó chỉ là một sự thử thách, thử thách đức tin, thử thách đức cậy vào Thiên Chúa, cho chính bản thân mình.

Trong suốt chiều dài lịch sử con người, có rất nhiều người đã phải đối diện với “thánh giá Chúa gửi đến”. Họ đã đối diện và xem đó chỉ là một sự thử thách. Trường hợp của ông Gióp như một điển hình.

Chuyện kể rằng, một ngày nọ, Satan thưa với ĐỨC CHÚA: “Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng? Chẳng phải chính Ngài đã bao bọc, chở che nó tư bề, nó cũng như nhà cửa và tài sản của nó sao? Ngài đã ban phúc lành cho công việc do tay nó làm, và các đàn súc vật của nó lan tràn khắp xứ. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt.”

Nghe Satan khích bác Gióp như thế, ĐỨC CHÚA nói với Satan rằng: “Được, mọi tài sản của nó thuộc quyền ngươi, duy chỉ có con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng nó.”

Được lời như cởi tấm lòng, Satan hả hê vui sướng và ra tay tấn công ông Gióp. Cuộc tấn công của Satan đã làm cho ông Gióp tán gia bại sản, những người con của ông chết hết.

Hoạn nạn như thế, ông Gióp phản ứng thế nào! Ông ta có “nguyền rủa ĐỨC CHÚA”? Thưa không. Trái lại, ông Gióp “sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA” (x.G 1, 6-21).

Ông Gióp “không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” đã khiến Satan càng thêm tức tối. Để rồi, một lần nữa Satan lại khích bác ông Gióp trước mặt ĐỨC CHÚA. Y đã nói với ĐỨC CHÚA rằng: “Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt”.

Lần này, ĐỨC CHÚA cũng “chiều ý” Satan, Người nói: “Được. Nó thuộc quyền ngươi, nhưng ngươi phải tôn trọng mạng sống nó’. Satan quả là đã tôn trọng mạng sống ông Gióp. Satan chỉ “hành hạ ông Gióp khiến ông mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu.” Và thật đáng thương: “Ông (ta) ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi.”

Đau đớn là thế, và mặc cho bà vợ ông “lải nhải” xúi giục ông “nguyền rủa Thiên Chúa”, ông vẫn kiên trì vững tin và trông cậy vào Chúa. Ông Gióp đã trả lời bà vợ rằng: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao”.

Ông Gióp đã đón nhận những sự dữ xảy ra cho mình, và xem đó như chỉ là một “thử thách Chúa gửi đến”. Chuyện kể rằng, ông Gióp đã “không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi.” (x.G 2, 10).

Vâng, thánh-giá-Chúa-gửi-đến. Hay nói cách khác, thử-thách-Chúa-gửi-đến, là có. Ngoài việc thánh-giá-Chúa-gửi-đến để thử thách, chúng ta cũng nên biết rằng, Người còn gửi đến để như là một lời cảnh tỉnh, hoán cải con người.

Trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su cũng đã nhiều lần đề cập đến thánh giá. Ngài đã đề cập và gọi đó là “thập giá”. Một cây thập giá mà chính Ngài sẽ vác lấy, vác lấy như là một cái giá phải trả cho sứ mạng cứu độ con người.

Tin Mừng thánh Mát-thêu đã ghi lại lời Đức Giê-su khẳng định: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.” (x.Mt 20, 18-19).

Vâng, Đức Giê-su đã vác thập giá… vác thập giá lên Golgotha và đã chịu đóng đinh vào thập giá. “Môn đệ không hơn thầy.” Đó… đó là lý do Đức Giê-su đã gửi một thông điệp, một thông điệp liên quan đến thập giá, cho các môn đệ của mình, rằng: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Lời công bố rất rõ ràng và đã được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 14, 25-33).

**

Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại, thì: “Hôm ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su.” Đức Giê-su đi đâu? Thưa, thánh sử Luca không cho biết. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy đoán rằng, đó là một chuyến đi, đi đến các làng mạc để loan báo Tin Mừng.

Thế còn, sao lại có hiện tượng rất đông người cùng đi với Ngài! Thưa, đó chỉ là một hiện tượng bình thường, như nhiều lần đã xảy ra. Đức Giê-su, từ trước đến nay, bất cứ nơi đâu Ngài xuất hiện, lập tức “dân chúng lũ lượt kéo đi theo Ngài” (x.Mt 4, 25).

Trước kia, đã nhiều lần dân chúng lũ lượt đi theo Đức Giê-su. Và Ngài đã làm nhiều điều hữu ích cho họ. Những việc hữu ích đó là: chữa lành mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền.

Còn lần này… rất đặc biệt. Lần này, Ngài đã gửi đến những người đi theo mình một thông điệp, một thông điệp không “mị dân”. Không mị dân như mấy ông kẹ lãnh tụ thời nay, mỗi khi ra ứng cử thì hứa hẹn “búa xua” rằng thì-là-mà sẽ làm điều này, điều nọ cho dân, sau khi đắc cử.

Vâng, thông điệp rằng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (x.Lc 14, 27).

***

Thông điệp Đức Giê-su gửi đến những người “cùng đi đường với Ngài” là như thế đó. Và, có phần chắc đó cũng là thông điệp gửi cho chúng ta hôm nay.

Nghe qua thông điệp này… thấy mà “rùng mình” phải không, thưa quý vị! Đúng vậy, sao không rùng mình cho được. Thầy Giê-su yêu cầu như thế, chẳng phải là Ngài quên đi một trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời: “thứ tư: hãy thảo kinh cha mẹ”, đó sao!

Thật ra, Đức Giê-su làm sao quên được Mười Điều Răn của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên, một lần nọ, có một người đến gặp Đức Giê-su và hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Đức Giê-su, hôm ấy, nói gì nhỉ? Đây, Ngài đã hỏi lại người ấy rằng: “Hẳn anh biết các điều răn: chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.”

Trả lời câu hỏi của Đức Giê-su, anh chàng đó đã đáp rằng: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Và… và sao nhỉ! Thưa, nghe vậy “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”. Đức Giê-su đem-lòng-yêu-mến người đã thờ-cha-kính-mẹ thì sao lại bảo Ngài quên-điều-răn-thứ-tư!

Thật ra, khi nói lên lời yêu cầu nêu trên, Đức Giêsu không tự tạo ra mâu thuẫn giữa lời yêu cầu với điều răn thứ tư. Văn chương Cựu ước của Israel không có kiểu nói so sánh “hơn hay kém”. Đức Giêsu, khi nói như thế, Ngài muốn đặt ra một bậc thang giá trị cho một chọn lựa. Muốn là môn đệ của Đức Giêsu ư! Phải đặt Chúa lên hàng ưu tiên số một trong bậc thang giá trị của con người.

Đó… đó là lý do có một lần nọ, Đức Giêsu đã nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37).

Vâng, chính vì phải-đặt-Chúa-lên-hàng-ưu-tiên, do đó Đức Giê-su cũng đã có một lời khuyến cáo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9, 62).

Chính vì phải-đặt-Chúa-lên-hàng-ưu-tiên, hôm ấy Đức Giê-su còn đòi hỏi một điều kiện khác, điều kiện rằng: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

****

“Vác thập giá mình… từ bỏ mạng sống mình… từ bỏ hết những gì mình có”, chỉ có thế. Đức Giê-su chỉ yêu cầu có như thế, đối với những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài.

Chúng ta có thể thực hiện những yêu cầu này? Hay chúng ta cho rằng: khó quá! Vâng, Lm An-tôn Nguyễn Văn Độ cảm thông được điều này, nên đã có lời chia sẻ: “Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa.” (nguồn: Vietcatholic.net).

Đúng… đúng là một lời chia sẻ đầy cảm thông. Tuy nhiên, ngoài sự cảm thông, ngài Lm. An-tôn còn vạch ra điều ngăn trở khiến chúng ta khó thực hiện lời yêu cầu của Đức Giê-su. Ngài Lm nói: “Dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ, anh chị em, của cải… mà là cái tôi.” Đúng vậy. Là cái tôi của tôi. Đó chính là trở ngại lớn, đúng như lời ngài Lm.An-tôn nói.

Phải làm sao đây? Thưa, ngài Lm An-tôn có lời dạy, rằng: “Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không bắt chúng ta từ bỏ ‘điều chúng ta là’, nhưng bỏ điều ‘chúng ta đã trở nên’. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31).

Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng là điều chúng ta lạm dụng quyền tự do trở nên kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng, cùng với ước muốn xấu, những lời chua cay, nóng nảy, giận hờn, tham lam, tội lỗi, xấu xa... phủ trên hình ảnh của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là ‘ảnh dưới đất’, ngược với ‘ảnh trên trời’, giống như Chúa Kitô. Cụ thể là bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, giống Chúa.”

Tới đây, người viết… người viết đã phải “ngừng viết” để nói lên với Chúa đôi lời nguyện, rằng: “Con tạ ơn Chúa. Tạ ơn Ngài đã dẫn dắt con đến trang nhà Vietcatholic.net. Đến đây và đã hiểu thế nào là “Vác thập giá mình… từ bỏ mạng sống mình… từ bỏ hết những gì mình có”, qua lời chia sẻ của con cái Ngài là Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ.”

Vâng, “Vác thập giá mình… ”, còn có thể được hiểu rằng: vác lấy những bất đồng, những trái khoáy của những người thân trong gia đình chúng ta.

“Vác thập giá mình… ”, còn có thể được hiểu rằng: đó là chúng ta “khép mình vào kỷ cương, rất cần thiết để chiến thắng tật xấu… (chúng ta có rất nhiều tật xấu), để tha thứ, tha thứ cho ngay cả những ai xúc phạm chúng ta, để tỏ lòng nhân hậu, nhân hậu cho ngay cả những kẻ đã làm cho chúng ta mất thời gian, sức khỏe và tiền bạc.” Lm. Charles E.Miller có lời dạy như thế.

Phải thực hiện lời yêu cầu, nói đúng hơn, “lệnh truyền” của Đức Giê-su.

Đức Thánh Cha Phanxicô có lời nói, rằng: “…Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian. Chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa (nếu không có Thánh Giá)” (nguồn: Vietcatholic.net).

Đã là một Ki-tô hữu, đừng để mình không phải là môn đệ của Đức Ki-tô. Vâng, Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ thấy được tầm quan trọng này, nên ngài đã cầu xin Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.” Chúng ta cũng nên cầu nguyện như ngài Lm. An-tôn: “Xin Chúa giúp con biết từ bỏ chính mình.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây