TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Năm Ngọ nói chuyện NGỰA

Thứ tư - 12/05/2021 05:58 | Tác giả bài viết: Vũ Đình Bình |   877
Trước thềm năm mới Giáp Ngọ, xin cầu chúc mọi người biết chấp nhận cuộc sống hiện tại (present), biết cảm tạ ơn Chúa và coi đó như những quà tặng (present) Thiên Chúa trao ban
Năm Ngọ nói chuyện NGỰA

Năm Ngọ nói chuyện NGỰA

Theo Bách khoa toàn thư (Wikipedia), Ngựa là một loài động vật có vú trong họ Equidae, bộ Perissodactyla. Theo Tự điển Việt Nam thì Ngựa là loài thú to, móng cao và cứng, đầu dài, bờm dài, đuôi dài và chạy rất nhanh. Còn tự điển “Petit Larousse”, mấy ông Tây định nghĩa: Ngựa là loài có vú, có móng, có chân dài và rất khoái chạy.

Lông ngựa màu đen thì gọi là ngựa ô, màu trắng thì gọi là ngựa bạch, màu xanh thì gọi là ngựa bích, màu tím thì gọi là ngựa tía...

Người ta nuôi ngựa để cưỡi. Lính tráng thì cưỡi ngựa ra chiến trường “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”. Quan quyền thì “Ngựa chàng đi trước, võng nàng theo sau”. Còn thi nhân mặc khách lại thích “cưỡi ngựa xem hoa”,…

Ngựa còn được nuôi để kéo xe. Trong những gia đình quyền quí ngày xưa, người ta có những chiếc xe song mã, tam mã, tứ mã...  Giới bình dân thì có xe độc mã, nghĩa là chỉ có một con ngựa duy nhất để kéo.

Hồi xưa ở Banmêthuột cũng có những chiếc xe ngựa thường được dùng để chở khách đi chợ. Những bác tài tốt bụng và yêu trẻ, thỉnh thoảng hay cho bọn nhóc tì quá giang khi đến trường hoặc lúc tan trường. Cũng có những tên nhóc nghịch ngợm, khoái trò nhảy xe ngựa, khiến bác tài điên tiết lên, phùng má trợn mắt la hét om xòm, tay cầm chiếc roi dứ dứ trước mặt.

Thời nay, xe ngựa đã được thay thế bằng xe gắn máy, xe ô tô. Hình ảnh những chiếc xe ngựa ở Banmêthuột chỉ còn lại một thoáng bâng khuâng tiếc nhớ như Bà Huyện Thanh Quan trong Thăng Long hoài cổ: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Đền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Mới đây Công ty du lịch Đặng Lê có dự định triển khai dịch vụ tham quan du lịch bằng xe ngựa tại một số tuyến đường phía buôn Akô Dhông nhưng chẳng biết có thực hiện được không?!

Trong văn chương thi phú thì chủ đề về ngựa cũng được người xưa khá ưa chuộng. Quan lớn nọ có con ngựa trắng tuyệt đẹp, trong lúc cao hứng bèn ra giải thưởng cho ai có bài thơ hay vịnh về chú ngựa cưng của mình.

Cậu học trò nghèo liền xuất khẩu:

- Bạch mã mao như tuyết,

  Tứ thúc cương như thiết.

  Tướng quân kỵ bạch mã,

  Bạch mã tẩu như phi.

Có nghĩa là: Ngựa trắng lông như tuyết, bốn chân cứng như sắt, tướng quân cưỡi ngựa trắng, ngựa trắng chạy như bay.

Nghe xong bài thơ trên quan lớn lấy làm đắc ý, vỗ đùi đánh đét một cái, rồi thưởng cho cậu học trò nghèo 10 lạng bạc.

Thấy ngon ăn, cậu học trò dốt cũng xin trổ tài. Quan lớn đang vui nên chấp nhận. Nhìn ra sân, thấy bà cụ già đi ngang qua, bèn ra đề tài bài thơ là bà lão.

Cậu học trò dốt nghĩ mãi chẳng ra, cuối cùng bèn dùng ngay bài thơ trên mà rằng:

- Bà lão mao như tuyết,

  Tứ thúc cương như thiết.

  Tướng quân kỵ bà lão,

  Bà lão tẩu như phi.

Có nghĩa là: bà lão lông trắng như tuyết, bốn chân cứng như sắt, tướng quân cưỡi bà lão, bà lão chạy như bay.

Quan lớn tức lắm, phét mấy trượng vào mông cho chừa thói hỗn láo.

Ngày xưa có câu: “Mã cách lõa thi”, nói lên chí khí của người nam nhi xông pha nơi trận mạc, coi cái chết nhẹ tợ lông hồng, chỉ cần lấy da ngựa bọc thân.

- Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

  Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao.

Nói đến việc binh đao, ở Việt Nam có câu chuyện về con ngựa sắt.

Đời vua Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân mưu toan xâm lăng cướp nước Văn Lang. Vua Hùng Vương rất lấy làm lo lắng, cho sứ giả đi khắp nước cầu tướng tài ra giúp.

Bấy giờ ở làng Phù Đổng, thuộc tỉnh Bắc Ninh bây giờ, có một người đàn bà đã ngoài sáu mươi tuổi, ra đồng trông thấy một vết chân người to lớn, lấy làm lạ, liền đặt chân mình vào ướm thử, liền thụ thai, sinh ra một đứa con trai đặt tên là Gióng. Tuy đã được ba tuổi, nhưng Gióng không biết lẫy, không  biết bò, không biết đi và cũng chẳng nói được tiếng nào.

Lạ thay, khi sứ giả nhà vua đi qua, Gióng liền ngồi lên, rồi cất tiếng yêu cầu mời sứ giả đến. Gióng bảo sứ giả về tâu vua cho đúc một con ngựa sắt và một thanh gươm sắt để đuổi giặc.

Khi sứ giả mang đủ các thứ đến nhà, Gióng đứng lên, vươn vai thành một người to lớn dị thường, bảo mẹ nấu cơm cho ăn và xin mặc áo. Bà mẹ nấu liên tiếp mấy nồi cơm, nhưng Gióng ăn không no. Cả làng phải góp gạo, giết gà, mổ heo, làm cơm cho Gióng ăn. Gióng ăn rất khỏe, ăn mãi mà vẫn chưa thỏa. Cả làng xóm góp vải vóc để may quần áo cho Gióng mà vẫn không đủ với tầm thước của Gióng.

Gióng đội nón, cầm gươm, nhảy lên lưng ngựa sắt. Ngựa phi nhanh như sấm sét, mang Gióng ra chiến trường. Gióng đi đến đâu thì ngựa phun lửa đốt cháy quân giặc tới đấy. Tướng giặc Ân bị gươm của Gióng chém chết ngã rạp như chuối. Giặc Ân chạy trốn trối chết, thây người chồng chất ngổn ngang. Đang tung hoành giữa chiến trận, thanh gươm sắt bị gãy ngang, Gióng thuận tay nhổ luôn bụi tre bên đường đập vào đầu quân giặc hung ác, làm chúng rối loạn hàng ngũ. Dẹp xong đám giặc Ân, Gióng phi ngựa chạy lên núi Sóc, trút bỏ quần áo lại, rồi cả người lẫn ngựa bay bổng về trời.

Ngày nay, dường như người ta đã quên mất chuyện này, nên khi nói tới ngựa sắt là thiên hạ lại nghĩ ngay đến những chiếc xe gắn máy mà thanh niên nam nữ phóng như bay và bóp còi inh ỏi trên đường phố.

Chuyện về con ngựa đá cũng khá li kỳ.

Chuyện rằng, khi giặc Mông Cổ tràn sang xâm lấn nước ta, Hưng Đạo Vương phải một trận thư hùng tại sông Bạch Đằng, đánh đuổi quân Mông Cổ không còn một manh giáp. Khi tan trận, vua Trần Nhân Tôn thấy ngựa đá ở trước lăng tẩm, bốn vó đều vấy bùn và thân mình thì ướt mồ hôi, nên nhà vua tin rằng nhờ anh linh các bậc tiên đế cưỡi ngựa đá theo giúp đuổi giặc. Vì thế, nhà vua liền ngửa mặt lên trời mà cảm tạ:

- Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

  Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Có nghĩa là:

- Xã tắc hai lần nhọc ngựa đá,

  Non sông ngàn thuở vững ngai vàng.

Chuyện về ngựa gỗ ở xứ Hy lạp thần thoại thì lại đậm chất mưu lược. Muốn đột nhập vào thành Troie, chàng dũng sĩ Ulysse phải làm một con ngựa gỗ thật lớn và đem dâng cho dân thành. Trước đó, chàng đã ém sẵn một số binh lính tinh nhuệ trong bụng con ngựa gỗ khổng lồ ấy. Khi qua khỏi cổng thành, lập tức các binh lính tràn ra, đánh chiếm thành và đã chiến thắng vẻ vang.

Trong ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng có khá nhiều câu nói về ngựa, như:

“Thay ngựa giữa dòng”. Nói về sự phản bội.

“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Nói về việc đối nhân xử thế, tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau.

“Ðược đầu voi, đòi đầu ngựa”. Nói về lòng tham vô đáy của con người.

“Đường dài mới biết ngựa hay”. Nói về việc dùng người, có thử thách mới biết người tài giỏi.

“Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi”. Nói về họa phúc ở đời.

“Gái có chồng như ngựa có cương”, hay: “Ngựa nào gác được hai yên”. Nói về hạnh phúc gia đình, về vấn đề chung thủy vợ chồng.

“Chữ tốt xem tay, ngựa hay xem xoáy”. Nói về việc đoán người tốt xấu.

“Ngựa quen đường cũ”. Hay: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Nói về thói quen xấu, khó bỏ.

“Mã đáo thành công”. Đó là câu người ta hay chúc nhau, nhất là vào dịp tết con ngựa như năm nay.

Để lý giải, người ta cho rằng: Thời xưa, người Trung Quốc sinh sống trên các bình nguyên thường gia tăng số lượng gia súc trong đàn bằng cách thuần dưỡng ngựa hoang.

Đến mùa xuân, họ thả ngựa nuôi trong nhà vào các cánh rừng để những con ngựa này dụ dỗ ngựa hoang trở về trang trại khi mùa đông khắc nghiệt kéo đến.

Một khi thả ngựa nuôi trong nhà ra thì có thể là ngựa của mình vĩnh viễn đi mất (do bị thú dữ ăn thịt, bị người ta bắt mất hoặc do nhập đàn với ngựa hoang và bỏ đi luôn...) nhưng luôn hy vọng là ngựa sẽ quay trở về cùng với những con ngựa hoang khác.

Vì vậy, hình ảnh ngựa quay về được coi là sự thắng lợi. “Mã đáo thành công” là lời cầu chúc thắng lợi, phù hợp với giới kinh doanh, giới quan chức và cả với nhà nông!!!

Lại có câu chuyện rằng: Tái Ông có một con ngựa đực. Ngày kia, con ngựa buồn tình bỏ đi hoang. Bà con lối xóm thấy vậy liền đến hỏi thăm và chia buồn. Tái Ông bảo:

- Biết đâu là phước đó.

Cách mấy hôm sau, con ngựa trở về và dẫn thêm mấy con ngựa cái nữa. Bà con lối xóm thấy vậy liền đến hỏi thăm và chia vui. Tái Ông nói:

- Biết đâu là họa đó.

Quả nhiên mấy hôm sau, các con ông thấy ngựa đẹp bèn tranh nhau cưỡi, chẳng may té ngã gẫy chân. Lối xóm hay tin liền đến hỏi thăm và chia buồn. Thế nhưng, Tái Ông bảo:

- Biết đâu là phước đó.

Đúng vậy, quê nhà có giặc, loạn ly khắp nơi, con ông nhờ gẫy chân mà không phải đi lính.

Như  vậy, chúng ta mới thấy việc họa phước chẳng biết đâu mà đoán lường trước được.

Trước thềm năm mới Giáp Ngọ, xin cầu chúc mọi người biết chấp nhận cuộc sống hiện tại (present), biết cảm tạ ơn Chúa và coi đó như những quà tặng (present) Thiên Chúa trao ban, biến những điều xúi quẩy thành may mắn và phó thác mọi sự trong vòng tay yêu thương của Chúa nhân lành.

Vũ Đình Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây